LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.5.2017


Trang_sch1R

 

Ngồi dưới một vòm lá xanh

Tháng giêng bước đến tôi thành trẻ thơ

Tay không vướng chút bụi mờ

Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

Tôi ngồi đọc sách hân hoan

Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh

Tưởng chừng như chiếc lá xanh

Và tôi phút chốc hóa thành tháng giêng

Ấy là cảm giác, một hình ảnh khó quên trong ký ức. Mỗi lần nhớ lại, y vẫn còn giữ nguyên sự cảm phục: Một buổi trưa, vừa bước ra ngoài hiên đứng ngó đất nhìn trời, bất ngờ, thấy một chiếc xích lô dừng lại trước cửa nhà. Từ trên xa bước xuống là chị gái của y, ối dào, trên tay chị kệ nệ là sách, được gói cẩn thận, có cả nơ xanh, đỏ đính theo.

Sau khi chị bước vào nhà, y mới biết đó là phần thưởng của nhà trường dành cho học sinh giỏi. Những quyển sách ấy, chị cho mượn đọc, với y, từ năm tháng tuổi thơ là “bè bạn” chân tình. Y đã đọc ngấu nghiến, đọc từng trang và ước mơ sau này cũng được thầy cô tặng phần thưởng là sách. Bấy giờ, phần thưởng nhà trường dành cho học trò chỉ là sách.

Suôt năm tháng tiểu học, rồi sau này lên bậc trung học, thế hệ y đã bước đầu làm quen với sách từ niềm vui trong trẻo như thế.

Ngoảnh lại với thời gian, chẳng ngờ, bây giờ không phải đứa trẻ nào cũng có niềm vui ấy. Đơn giản chỉ là, do không có nhiều thời gian đưa con đi nhà sách, tự tay lựa sách cho con; vì thế, lúc con ngoan, đạt điểm cao hoặc nhân sinh nhật, dịp vui nào đó, bố mẹ chỉ chọn cách “nhanh, gọn, lẹ” bằng câu hỏi: “Con thích gì, ba mẹ mua cho con”. Câu hỏi ấy, đơn giản nghĩ rằng, cho con chọn tức đã khiến con hài lòng, thích thú với món quà đó. Mà ở đứa trẻ, sự yêu thích sách không phải ngẫu nhiên mà có. Nó còn cần được sự tác động, định hướng, hướng dẫn từ các bậc phụ huynh nữa.

Làm thế nào để thay đổi một quan niệm về cách tặng quà? Khó lắm. Khó ở chỗ hiện nay, thói quen tặng sách cho con, tặng cho người thân hầu như không còn mấy ai chú trọng. Nghĩ rằng, một khi đã tặng thì phải tặng vật gì đó đắc giá, “đáng đồng tiền bát gạo”, không “đụng hàng” càng tốt ắt mới đẳng cấp, sang trọng và người nhận mới hài lòng. Dần dần mọi người mặc nhiên thừa nhận phải là vậy. Tặng sách à? Dễ quá. Giá tiền chẳng bõ bèn gì, ai cũng có thì có gì là “độc”?

Nghĩ thế là sai lầm.

Khi tặng một/nhiều quyển sách cho ai đó, tức bản thân ta đã biểu lộ sự tôn trọng về tri thức, nhân cách, sự am tường của người đó. Rồi sau này, có dịp, ta cùng người đó tranh luận, trao đổi, chia sẻ về những câu chuyện, triết lý, vấn đề trong những quyển sách đó, há chẳng phải là tri kỷ, tri âm cùng có chung thú vui tao nhã đó sao?

Thuở sinh thời, khi đến thăm chung cư cao cấp của người dân, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng phàn nàn là ông không thấy ở đó có sách, tranh nghệ thuật. Sự đáng tiếc đó, ở nước Nam ta cũng đang dần xẩy ra trường hợp tương tự. Y đố ai vào các chung cư hiện nay mà thấy chủ đầu tư có bố trí phòng đọc sách dành cho cư dân nơi đó. Hầu như không có. Ngày kia, có một bạn văn đã làm một điều khiến y cảm động và thán phục: Sau nhiều năm công tác tại nhà xuất bản, được sở hữu một số lượng sách không nhỏ, lúc về hưu chị đã dành tặng toàn bộ cho khu chung cư đang ở. Chị mong muốn rằng, nơi này, phải có thư viện mi ni dành chung cho mọi người. Việc làm này, sau đo đã được nhiều người chung tay tiếp sức.

Y nghĩ, để hình thành một thói quen, trước hết, phải có người thắp lên ngọn lửa từ những việc làm tốt đẹp. Dần dần, nó mới có sức lan tỏa từ sự kết nối của nhiều nơi, nhiều chốn.

Vấn đề tặng quà là sách cũng vậy thôi. Hãy bắt đầu từ mỗi chúng ta, ngay từ trong gia đình mình. Và chắc chắn những quyền sách đó sẽ là bạn đồng hành cùng người được tặng. Rồi lúc nhìn sách, họ sẽ nhớ đến người đã tặng. Đành rằng, các món quà khác cũng vậy nhưng quà là sách thì không chỉ là sách mà ở đó là những con chữ mở ra biết bao điều cần nói mà người tặng muốn gửi gắm.

Không phải ngẫu nhiên, có những người nhờ đọc sách mà thay đổi cuộc đời của mình. Y mạo muội nghĩ thêm rằng, một khi thay đổi thói quen là tặng sách cho nhau, có lẽ, từ đó sẽ nẩy sinh ra một mối quan hệ bền vững hơn mà cũng tri thức hơn. Còn nhớ, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng chia sẻ với đồng nghiệp về sự tệ hại của gia đình nước Nam ta, đó là sự khoe mẽ. Bởi khi bước vào một căn nhà, chỗ trân trọng nhất lẽ ra phải là kệ sách/tủ sách thì người ta lại trưng bày một tủ rượu Tây!

Nói đi cũng phải nói lại. Trách làm sao được, bởi do mối quan hệ lâu nay, họ chẳng hề được tặng sách mà chỉ được tặng rượu thì sao? Thế thì, gia chủ cần xem lại chính mình. Cả đời không đọc sách, không yêu quý sách thì hà cớ gì người ta phải tặng sách? Một khi mình có yêu, có thích thì người ta mới biết mà “gãi đúng chỗ ngứa” chứ?  

Đúng lắm. Y có chị bạn đang làm ở HTV, hễ đến ngày sinh nhật của chị, luôn có món quà mà chị yêu thích nhất: Những quyển sách do cô con gái chọn mua tặng mẹ. Biết mẹ thích sách, cô nhóc đem lại niềm vui cho mẹ bằng cách đó. Hơn nữa, bản thân cô nhóc cũng thích sách bởi ngay từ lúc còn bé, người mẹ cũng đã từng tặng sách, tập thói quen thích đọc sách cho con.

Nhân đây, y ghi lại kinh nghiệm của bạn Nguyễn Hà (Vĩnh Phúc) đã “hiến kế” tạo thói quen đọc sách cho con - mà chị bạn ở HTV của y chắc cũng từng thực hiện: “Mỗi ngày đọc được 1 quyển sách thì cuối tháng bọn trẻ được chọn 1 món quà. Có thể là đồ chơi, đi chơi công viên hay ăn bún, cơm rang ở nhà hàng chúng thích. Một vài tháng tổ chức một bữa tiệc sách tại nhà. Sẽ có 5-7 bạn con bạn thân bố mẹ hoặc bạn học đến nhà cùng đọc sách và đánh chén pizza, mỳ Ý hay cơm cuộn. Rồi cả bọn sẽ thi nhau kể chuyện, ai được nhiều người bầu nhất sẽ có quà là dụng cụ học tập. Vậy mà rất hiệu nghiệm. Lũ trẻ coi đọc sách là trò chơi thú vị, có cạnh tranh, có thưởng và nhất là biết nhiều câu chuyện mới thú vị”.

Hãy bắt đầu từ một thói quen tốt, phải là từ gia đình của chính mình. Và y nghĩ, một khi xã hội hình thành thói quen thích đọc sách, tặng sách cho nhau, chính điều này sẽ góp phần thay thế cho một định lượng về giá trị của đẳng cấp mà lâu nay đã định hình trong cộng đồng.

Trở lại với kỷ niệm cũ từ năm tháng tuổi thơ, y nghĩ gì? Rằng, bà chị ruột đã mất, đã về suối vàng, những quyển sách mà chị nhận phần thưởng ngày xa xưa ấy cũng đả mất. Vậy nhưng, những gì đã đọc, những dòng chữ từ trang sách ấy vẫn còn, vậy chị y vẫn còn chứ nào đâu đã mất. Đúng không nào?

Tay không vướng chút bụi mờ

Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

Tôi ngồi đọc sách hân hoan

Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment