LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.4.2017

 

thi-ca-diem-hen-dai-TNTPHCM

 

Vừa đi Đà Nẵng. Đi dự Hội sách Hải Châu, bên bờ sông Hàn. Đã ba lần tổ chức, y đều tham dự đủ. Cũng là một cách trở về quê. Hào hứng. Vui vẻ. Dạo này, mẹ y lại càng đòi vào Sài Gòn. Đã ngoài 90 xuân, sức khỏe thế nào, liệu chừng có nên chìu theo ý của bà cụ không? Thôi kệ, cũng chẳng sao. Dù gì ở vùng đất phương Nam vẫn gió thuận mưa hòa, không khắc nghiệt như miền Trung. Mấy hôm về lại chôn rau cắt rốn, trời oi, nóng bức đến khiếp. May về chiều, gió từ sông Hàn thổi vào thành phố, dễ chịu hơn.

Về Đà Nẵng, quà tặng bạn bè thân thiết cũng chỉ là dăm quyển sách vừa mới in xong. Trên báo Người Lao Động số ra ngày 23.4, đồng nghiệp Lê Công Sơn nhận xét: “Từ đầu năm 2017 đến nay, nhà thơ Lê Minh Quốc đã làm được một “kỷ lục” khi xuất bản cùng lúc loạt tác phẩm mới: Cùng với tập thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn và Văn Lang Book ấn hành), độc giả yêu mến anh còn có thể tìm đọc: Ngày sống đời thơ (bút ký, NXB Văn học),Tình ta đang nhảy Rock (tùy bút về hôn nhân gia đình), Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên (tùy bút về lối sống, Phương Nam và NXB Hội Nhà văn), Lắt léo tiếng Việt (nghiên cứu, NXB Trẻ), Chuyện tình các danh nhân Việt Nam (biên soạn, NXB Tổng hợp TP HCM tái bản), để càng hiểu thêm về một nhà thơ xứ Quảng Nam đa tài và… đa tình”.

Tài mà chi. Tình mà chi. Nhật ký 31.12.2016, tự bạch: “Y không có bạn tri âm. Thật đấy. Thật không? Thế hỏi ai? Chẳng lẽ hỏi lấy chính mình? Ngớ ngẩn. Thôi thì, tìm lấy sự chia sẻ từ những tinh hoa đã vùi sau ba tấc đất, tìm ở đó một chút lòng thành đi tìm tri kỷ. Phần phúc, số mệnh mỗi người ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã định hình là thế. Có phải không?”.

Những gì đã viết, đã gửi gắm tấc lòng, có ai đọc, chứ đừng nói gì đến sự chia sẻ. Đôi khi cảm thấy rầu rầu như cỏ mọc. Như sương khuya đẫm ngọn trăng trên đỉnh trời xa thẳm. Nhìn vào đám đông, nhìn vào bạn đọc và tự hỏi: Đâu những gương mặt cần gặp của đêm giao lưu vào lúc 19g30 ngày 21.4.2017 bên dòng sông đã gắn bó từ năm tháng tuổi thơ? Mỗi người một mối quan tâm. Chẳng nên đòi hỏi gì cả. Chữ nghĩa văn chương đã viết ra là tự thỏa mãn lấy lòng mình. Vậy là đủ rồi. Vâng, ạ. Thì cứ biết thế. Có những người do tài năng, do may mắn và nhiều yếu tố khác, khi một tập sách mới in ra, lập tức đã có hàng triệu người tìm đọc. Ngược lại, có người in ra chẳng khác gì một viên sỏi ném xuống nước. Chỉ vọng một tiếng vang. Thế thôi. Mà thật ra, một tập sách, nhiều tập sách dù ồn ào hoặc lặng im cũng chẳng là gì cả.

Với y, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Cứ lầm lũi từ ngày này qua tháng nọ, miệt mài đi trên con đường đã chọn từ lúc oa oa khóc chào đời. Y đã chọn? Không đâu. Số phận, phần kiếp của y chính là thế. Không gì khác. Viết đi. Viết cho đến lúc tàn hơi kiệt sức, buông bàn phím cũng là lúc mãi mãi xa rời Cõi Tạm. Biết là thế. Tin là thế. Y vẫn đi, đi mãi trên con đường chữ và nghĩa. Và cũng không mấy bận tâm đến sự phản hồi từ bạn đọc, người thân, bạn bè, đồng nghiệp về những gì đã viết. Những chiều ở Đà Nẵng vẫn cùng anh Nguyễn Nhật Ánh, bạn Nguyễn Văn Sanh ăn bún bò Huế ở quán Thủy. Có lần, anh Ánh bảo, đại khái, bạn bè có khen một câu cũng không vì thế mình nổi tiếng hơn, danh giá hơn nhưng đó là sự sẻ chia cần thiết như một cách tiếp cho nhau nguồn năng lượng vui sống. Suy nghĩ này đúng lắm. Chơi với nhau, cùng bạn viết, những lời nói, thái độ nào tiếp sức thêm cho bạn thì nên. Bằng không, cũng không là gì. Và cũng chính vì thế, các tập sách ghi lại nhật ký từng năm của y đều khẳng định một tâm thế về sự ràng buộc quyết liệt: Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời thơ và nay mai lại in Ngày đi trên chữ. Dù ngày nào đi nữa, với y cũng đã lập trình.

Đôi lúc ngồi một mình soi rọi lấy lòng mình mà nghĩ thế, chứ nếu bước chân ra khỏi bốn bức tường của căn nhà yêu quý thì y lại tự cười lấy chính y. Mỉa mai quá đi mất, dòng đời có quá nhiều chuyện cần quan tâm, cần suy nghĩ hơn, trong khi đó cứ bào mòn mãi lấy cái tôi thì liệu có ích kỷ quá không? Đã có câu trả lời. Sáng sớm tại Đà Nẵng, ngày 21.4.2017, đọc dòng chữ này trên tờ báo Thanh Niên vừa mới phát hành:

“Tối qua, tại xã Đồng Tâm, người dân chăm chú theo dõi chương trình thời sự lúc 19 giờ tối chờ đợi thông tin từ TP.Hà Nội về vụ việc đang xảy ra ở xã. Người dân vẫn tiếp tục tỏ ra không tin tưởng tất cả những người lạ mặt muốn có ý định vào thôn Hoành. Ngay cả những dân ở thôn liền kề là Đồng Mít, người xã Thượng Lâm sát đó cũng bị hạn chế ra vào thôn Hoành.

Theo lời anh Nguyễn Mạnh Quang (30 tuổi, người thôn Đồng Mít), mỗi người lạ mặt muốn vào thôn Hoành phải có người quen dẫn vào. Người trong thôn Hoành đi làm về phải nhận mặt quen biết mới vào được. Người lạ mặt có ý định vào thôn Hoành đều được hỏi han kỹ càng, nếu không có lý do chính đáng, chắc chắn bị chặn lại. Tất cả các đường ra, lối vào thôn Hoành đều được dựng hàng rào, chướng ngại vật, cắt cử người canh giữ để kiểm soát người ra vào.

Ban ngày, gạch đá được dẹp gọn vừa đủ xe máy, xe đạp đi lại. Ban đêm, các lối vào thôn Hoành được chặn kín gạch đá, chướng ngại vật. Theo một thanh niên trong thôn, vài ngày nay, tình hình trong thôn Hoành rất căng thẳng, người dân cắt cử nhau thay phiên canh gác, khi có động sẽ đánh kẻng để báo cho tất cả cùng biết. Sóng điện thoại chập chờn lúc được, lúc không. Điện thi thoảng cũng bị cắt”.

Tự dưng lại nhớ đến những tài liệu đã đọc trong thời kháng chiến chống Pháp, bấy giờ có câu khẩu hiệu: “Mỗi làng là một pháo đài”. Oái oăm thay cho sự liên tưởng trong thời buổi này. Chỉ cần gõ từ khóa “xã Đồng Tâm” trên Google: “Khoảng 5.900.000 kết quả (0,40 giây). Thành ngữ có câu: “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”, nếu đời này không giải quyết dứt điểm, ắt kéo dài đến đời sau. May mắn thay đã có sự đối thoại thỏa mãn về tình lẫn về lý. Thông tin này, cũng đọc trên Thanh Niên, số phát hành ngày 24.4.2017:

“Tôi là Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xin cam kết như sau:

1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật khu vực đất đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật.

2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

3- Cam kết chỉ đạo, điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký”.

Dư luận xã hội có nhiều, rất nhiều ý kiến hoan nghênh, khen ngợi, tán thành bản cam kết này. Điểm nóng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã hạ nhiệt dần. Vị vua anh hùng Trần Nhân Tông từng trải qua của hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, nhìn thấy sự trung thành của gia nô, gia đồng nên ngài luôn dành cho họ nhiều thiện cảm. Lúc ngự chơi, giữa đường gặp họ, ngài đều gọi rõ tên và ân cần hỏi: “Chủ mày đâu?”. Những lúc ấy, ngài thường bảo các quan hầu cận: “Ngày thường, có thị vệ hai bên nhưng khi nước nhà hoạn nạn chỉ có bọn ấy đi theo thôi”. Tự cổ chí kim, không một nhà nước nào đối đầu, thù nghịch với Dân mà có thể tồn tại. Cụ Nguyễn Trãi dạy rằng: “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đó là chân lý của ngàn đời.

Trời đã chiều. Đã nghe tiếng chuông chùa trước nhà vọng lên như mọi chiều. Lắng tai nghe ấy sự âm vang thuần khiết. Và tất nhiên, như một thói quen là đọc sách. Đọc vẩn vơ vì cho nhẹ nhàng chăng? Đúng thế. Bèn lật trang sách cũ, kỳ lạ thay, lại là những câu thơ vịnh tờ báo, về cái nghề mà y kiếm cơm ăn đến mòn răng. Thơ về đề tài này, xưa nay vốn hiếm, bèn ghi lại như một tài liệu cho nhũng ai quan tâm đến lãnh vực báo chí. Nhân đây giải thích rằng, xưa kia những tờ báo nhăng nhố, lá mặt lá trái, nịnh bợ nhà cầm quyền, xuyên tạc ý nguyện người dân, tung tin thất thiệt (tin vịt) ắt bị gọi báo hại, báo đời - là loại báo không đáng tin cậy. Và có thơ rằng:

Chỉ đáng vò đi để độn lò,

Câu đây móc đó đọc buồn xo.

Phao đi đồn lại nhiều tin quấy,

Vùi lộn chôn lầm lắm hạm to.

Bịa cảnh canh khuya cô tú đợi,

Bày trò đêm tối lính đồn lo.

Hãy xem đạo Dụ ghi điều luật,

Đồn lạc tin sai phạt mấy bò.

“Hạm” ngoài nghĩa tàu chiến, còn chỉ hùm, cọp, hổ nhưng trong ngữ cảnh trên là nhằm chỉ kẻ ăn hối lộ. “Đạo dụ” có thể hiểu nôm na là các điều, khoản đã quy định trong luật. Còn “bò” là tiếng lóng chỉ tiền trăm, chứ không phải con bò: “Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi câu/ Thuở xưa ông vua Thuấn cày trâu hay bò?”. Bắt chước câu đố trên, bèn hỏi, bài thơ trên có bao nhiêu cụm từ cố tình sử dụng cách nói lái? Câu đố quá dễ. Ai cũng biết thôi. Câu này khó hơn, bài thơ này của ai? Trước lúc trả lời, chép thêm một bài thơ nữa:

Ai cũng than phiền ánh điện lu,

U u ám ám tợ mây mù.

Đêm xuân sao nhuốm màu thu đạm,

Lòng đã u buồn, điện cũng u.

Trong quyển Thi ca châm biếm và trào lộng Việt Nam (Nhà sách Khai Trí in năm 1969), nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Thược cho biết tác giả là Phan Minh Phụ, sinh năm 1913, người Thừa Thiên Huế là cháu của Thượng Tân Thị (1878 - 1966), tác giả 10 bài thơ Khuê phụ thán rất nổi tiếng trong văn học sử. Đọc lại bài thơ vịnh tờ báo hại lần nữa, tủm tỉm cười một mình. Lại cười ý vị với bài thơ của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968), chơi chữ khéo lắm:

Chạy chửa chai chân chẳng chịu chừa

Chín chìu chua chát chán chê chưa

Cha chài chú chóp chơi chung chạ

Chả chính chuyên chi chớ chực chờ

Rồi lại cười lần nữa mà cười chua chát với đoạn văn Chuyện của Cự vừa đọc trên facebook:

“Cuối cùng các cụ cũng chốt cắt cái chức cũ của Cự. Cự cũng cay cay.

Các con cùng các cháu của Cự chắc cũng cay cú chứ chả chơi. Cự cũng cố cầm cự, các con của Cự: “Cha cứ chiến cho con!”. Có cu cháu chuyên chuyện chạy chọt cũng chen chân: “Chú cứ chạy các cửa cho cháu, các cụ cũng cần cứu chú chứ!”.

Cự cũng cố các cách, cuối cùng cũng chịu chết...

Chiều chập choạng, có cu cháu của Cự call cho chú cung cấp chuyện: "Các cụ cho cắt chức cũ của chú". Cự cười: 'Cắt cái chức cũ chứ có chuyện chi”.

Cự là ai? Ai biết, có giỏi thì trả lời đi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment