LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.12.2016

Array In Array

 

nhungcap-doi-hoan-hao

 

Ngày cuối cùng của năm 2016. Nghĩ ngợi vẩn vơ về nghề đã đeo đuổi từ lúc và đời. Nghề báo. Cái nghề này đã qua rồi thời vàng son. Trước kia, viết để kiếm sống, nay đã khác. Nhuận bút các báo, nhìn chung đã tụt dốc ghê gớm. Mà cũng phải thôi. Còn sót lại bao nhiêu người mỗi sáng phải cầm tờ báo đọc? Ngày càng ít đi. Báo không bán được, số lượng ngày càng ít dần, nhuận bút ảnh hưởng theo, tất nhiên. Đến một lúc không cầm cự nổi, tờ báo phải đình bản. Không còn một lựa chọn nào khác. Ngày hôm qua, tờ Thể thao & văn hóa cuối tuần, số 53 (488) đã chính thức gửi lời chào từ biệt đến bạn đọc. Nó kết thúc. Nó chấm dứt. Nó “xong phim”. Y vội mua lấy sộ báo này, như giữ lấy một kỷ niệm đã từng có bài cộng tác. Lật vào trong, ngay trang đầu là Thư Biên Tập.

Thư có đoạn: “Chúng tôi hạnh phúc nhận ra rằng, nhiều người có một thói quen là lấy chiếc điện thoại thông minh của mình vào mỗi buổi sáng sớm lướt nhanh những dòng thông tin, những kết quả cập nhật rồi một lúc sau đó, thảnh thơi hơn sẽ lại trở lại để tìm những chia sẻ sâu sắc, đa chiều hơn. Thói quen đó đã và đang dần dần thay đổi thói quen buổi sáng ghé sạp báo mua vài tờ báo thân quen.

Năm 2002, Việt Nam chỉ mới có 2 triệu thuê bao di động. Năm 2007, Việt Nam đã có 24 triệu thuê bao di động. Năm 2016, dự báo là Việt Nam sẽ có 7 - 80 triệu thuê bao di động, và phần nhiều trong số đó là những chiếc di động thông minh, tích hợp rất nhiều chức năng làm một. Bản thân những chiếc di động cũng đã phát triển ngoài sức tưởng tượng. Từ chỗ chiếc điện thoại đẳng cấp là nhỏ gọn thì nay nó phải đủ lớn để đáp ứng cả những tính năng nghe, xem, đọc một cách hoàn hảo nhất. Đến  gã khổng lồ như Apple cách nay hơn 2 năm cũng đã chấp nhận thực tế đó sau khi Samsung đã đi trước họ vài bước”.

Thật ra những vấn đề này, người làm báo trên toàn cầu đã nhìn ra, cuối cùng, họ phải chấp nhận đầu hàng. Nhiều tờ báo in ấn theo cách truyền thống xưa nay đã đóng cửa. Phải chuyển qua làm báo theo công nghệ mới. Nhưng rồi cũng chưa chắc đã ổn. Hôm nọ, trò chuyện cùng đồng nghiệp làm báo điện tử, các bạn cho rằng, câu hỏi đau đầu nhất đối với họ, đến nay vẫn chưa thể tìm ra giải pháp: “Làm sao kéo bạn đọc từ các trang mạng xã hội về với báo điện tử?”. Y không dám bàn đến vấn đề này, thôi kệ, vẫn chán nhất là nhuận bút báo chí nói chung chẳng bỏ bèn gì, ngày một ít dần.

Nghĩ là nghĩ thế, nói thì nói thế, nhưng rồi vẫn ngày viết mỗi ngày.

Và vẫn đọc mỗi ngày.

Mấy hôm nay đọc một quyển sách của học giả Trần Trọng Kim, ít ai biết đến: Kiến văn lục, tức hồi ký Một cơn gió bụi, ông ghi lại khoảng thời gian từ năm 1944, lúc người Nhật vào Đông Dương Nhật tước khí giới của Pháp. Giai đoạn này, Trần Trọng Kim như thế nào? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời, nếu thiếu các chứng cứ xác thực, có giá trị của lịch sử. Sau hàng loạt tranh luận, nghiên cứu có lẽ công trình Nội các Trần Trọng Kim - Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử (NXB Chính trị Quốc gia - 2009) của PGS-TS Phạm Hồng Tung là có cái nhìn khách quan và xác đáng hơn cả hơn cả. Ngoài danh mục tham khảo gần 100 tài liệu từ sách, báo chí thì hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim vẫn là tài liệu quan trọng không thể thiếu sót.

Tập sách Một cơn gió bụi, lâu nay, ít người biết đến bởi lẽ NXB Vĩnh Sơn in tại miền Nam năm 1969, lúc đất nước còn chia cắt nên giới nghiên cứu ngoài Bắc không có điều kiện tiếp cận. Mở đầu là nỗi lòng lúc Trần Trọng Kim đang sống tại Nam Vang (Phmom Pênh - Campuchia) năm 1949. Ông thể hiện qua thủ bút ghi 2 câu thơ đời Đường: “Liêu lạc bi tiền sự/ Chi ly tiếu thử thân”. Và tự dịch: “Quạnh hiu buồn nỗi trước kia/ Vẩn vơ chuyện vặt, cười khì tấm thân”. Đọc kỹ tập hồi ký, hậu thế sẽ nhận ra một Trần Trọng Kim khác. Nếu trong học thuật, nghiên cứu, ông là người uyên bác, thông tuệ nhưng do thời cuộc đẩy đưa sang lãnh vực chính trị thì ông ngây thơ, cả tin. Vì lẽ đó, ông đã bị người Nhật, kể cả người Pháp dễ dàng lừa bịp, lợi dụng uy tín cá nhân, kể cả Nội các Trần Trọng Kim do chúng dựng lên để phục vụ theo ý đồ riêng.

Là nhân chứng của lịch sử, Trần Trọng Kim đã kể lại rất nhiều chi tiết quan trọng khi đứng ra thành lập Nội các. Chẳng hạn, về lá cờ quẻ Ly. Ông giải thích: “Trong sách “Quốc Sử Diễn Ca” nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: “Đầu voi phất ngọn cờ vàng”. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc, lấy dấu hiệu quẻ ly là vì trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn phương chính và bốn phương bàng, nói ở trong Kinh dịch, mà quẻ LY chủ phương Nam. Chữ LY còn có nghĩa là lửa là văn minh là ánh sáng phóng ra bốn phương. Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử lấy quẻ ly là hợp với vị trí nước nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng vẽ ly có đủ các ý nghĩa. Song có người nói: cờ quẻ LY là một điềm xấu cho nên thất bại, vì ly là lìa. LY là lìa là một nghĩa khác chứ không phải nghĩa chữ ly là quẻ. Và việc làm của một chính phủ là cốt ở cái nghĩa lý, chứ không phải sự tin nhảm vô ý thức”.

Một câu hỏi nữa cùng lý thú không kém: Tại sao Nội các Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng? Hãy nghe Trần Trọng Kim giải thích do quân lính, súng ống không có và: “Một là trong khi quân Nhật đang đóng ở trong nước, nếu mình đặt Bộ Quốc phòng thì chỉ có danh không có thực, và người Nhật có thể lợi dụng bắt người mình đi đánh giặc với họ. Hai là trước khi mình có đủ binh lính và binh khí, ta hãy nên gây cái tinh thần binh bị, thì rồi quân đội mình mới có khí thế”.

Nay đọc lại, không thể không tủm tỉm cười.

Qua Một cơn gió bụi, biết thêm rằng, bó Kiều thuở ấy rất hay dược các nhà nho sử dụng khi họ đối mặt trước vấn đề nan giải nào đó. Ngày 1.1.1944 bị người Nhật lừa đưa qua Nam Đảo (Singapour), sang đó các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân… mới bẽ bàng nhưng tìm đường về không dễ. Lại chẳng may, ông Trạc bị ốm nặng, Trần Trọng Kim kể: “Một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: “Tôi thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau phải đày ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, cách mấy ngày quả được về thiệt”. Chúng tôi nói: “Bây giờ ông thử bói một quẻ xem”. Ông nói:

- Để sáng mai.

Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi:

- Về, chúng ta sắp được về.

- Sao ông biết?

- Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu này:

Việc nhà đã tạm thong dong

Tinh kỳ dục dã đã mong độ về

Theo cái nghĩa cái câu ấy là chúng ta sắp được về. Thấy ông nói thế, ai nấy đều vui vẻ mừng rỡ lắm. Kể ra đối với ông Dương thì không đúng, mà đối với cả bọn chúng tôi, thì chỉ cách có mấy tháng là được về cả. Việc tin hay không tin ở quẻ bói là chuyện khác, đây tôi cốt lấy một chuyện cỏn con đó mà chứng thực cái lòng mong mỏi của chúng tôi lúc ấy là ai cũng muốn chóng được về”. Không những thế, các nhà nho lớp trước còn tin rằng, thơ văn do mình viết ra nó “vận” vào người như chơi. Phải cẩn trọng. Một ngày đầu xuân, nhà thơ trào phúng Ngyễn Quý Tân (Nghè Tân) viết câu đối khai bút. Ông viết (dịch nghĩa):

Bốn mươi lăm tuổi, một thoáng thành cổ nhân, nửa kiếp qua rồi đâu phải mộng;

Hai mươi chín tuổi, một phen trúng Tiến sĩ, ngàn thu mai nữa mãi còn danh”.

Quả nhiên, trong năm đó, ngày 29.2 năm 1858, Nghè Tân về với Tổ tiên. Kể ra cũng lạ quá đi mất. Còn nhớ về trường hợp Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, ông bị khối u sau gáy nên năm 1905, ông phải mổ bằng phương pháp y học hiện đại tại bệnh viện Yersin. Trước lúc lên bàn mổ, ông buột miệng nói:

- Trong bài Vịnh Kiều hồi thứ tám, ta có viết “Phong trần liều với mũi dao con”, âu cũng thử xem nó “vận” vào người ra sao?

Cuộc phẫu thuật này không thành công, Chu Mạnh Trinh trút hơi thở cuối cùng. Đọc lại quyển Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB năm 1964), Lê Văn Siêu có kể một vài mẩu chuyện tương tự: “Chẳng hạn, trường hợp Vũ Đình Dy năm 1945 sang vận động chính trị ở Nhật, xong việc thì lên máy bay về Sài Gòn và gửi một bưu thiếp về Hà Nội cho ông thân để báo tin. Bưu thiếp viết:

Công tư hai lẽ đều xong

Gót tiên chốc đã thoát vòng trần ai

Khi về nước đi xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội, lúc đến Quảng Ngãi, Vũ Đình Dy gặp sự cố và chết tại đó. Người ta bảo gở tại lời viết trong bưu thiếp ấy. Một bạn văn nữa là Lãng Nhân, mồng Một tết làm quyển  Lưu bút, viết lên trang đầu tiên một câu tập Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Thôi thôi đã mắc vào vành

Biết duyên mình biết phận mình thế thôi

Câu văn có ý triết lý đời sống là cõi mộng, và tự nhủ thầm biết duyên biết phận. Nhưng đến ngày 29 tháng Giêng năm ấy thì vô cớ bị lính Nhật đến nhà bắt. Lãng Nhân bảo: Có lẽ gở tại câu viết ấy”. Lãng Nhân là nhà văn cùng trang lứa thế hệ với Vũ Bằng, Tam Lang… thế tiên phong của làng báo Việt Nam. Câu thơ ghi trên bưu thiếp là ông Di lấy từ Truyện Kiều, lúc Thúc Sinh đã chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh để từ đây: “Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông”.  Tưởng là thế, nào ngờ sau đó cả hai “tan da nát thịt” với đòn ghen kinh quái của Hoạn Thư! À, vậy ra bói Kiều, khi đã chọn ra câu nào đó ắt phải xem thêm những câu dưới nữa chăng? Không phải đâu, đã chọn câu nào thì cứ lấy đó mà luận.

Vậy, chiều nay, y có dám bói Kiều không? Thưa, không. Biết đâu vớ phải câu nào đó lại “vận” luôn vò người thì khốn. Chi bằng ngồi chép lại những “cặp đôi hoàn hảo” đang “hot” nhất hiện nay, có phải hay hơn không? Hay quá đi chứ. Nghe đến “cặp đôi” là biết mùi mẫn, cụp lạc, tình tứ lắm đây. Nhằm tránh lôi thôi về bản quyền, xin nói rõ, sự lựa chọn này là của bạn đọc trên Tuổi Trẻ Cười - tờ báo trào phúng duy nhất hiện nay trong làng báo nước nhà. Đó là, “Giáo dục - Cải cách; Y tế - Quá tải; Điện lực - Độc quyền; Xăng dầu - Tăng giá; Xây dựng - Rút ruột; Giao thông - Thu phí; Môi trường - Ô nhiễm; Internet - Đứt cáp; Cấp phép - Vòi vĩnh; Nông thôn mới - Lạm thu”. 

Này, những "cặp đôi hoàn hảo", lúc nào chúng mày sẽ ly dị, chia uyên rẽ thúy, tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà