LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.10.2016

Array In Array

14721499_1215422211850118_41539150357114814_RRRRRRRRn

 

Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô

Kêu rằng: "Bớ lũ hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Có lẽ đây là đoạn hay nhất trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu? Đúng thế. Người đọc hả hê, sung sướng, phải thế chứ, giữa lúc dân tình “than khóc tưng bừng” bởi “đảng lâu la/ Tên rằng Đỗ Dự hiệu là Phong lai” đang tác oai, tác quái, lập tức chàng ra tay nghĩa hiệp. Cụ Đồ miêu tả cực hay, rất điện ảnh: “Vân Tiên tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương dang/ Lâu la bốn phía vỡ tan/ Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay/ Phong Lai trở chẳng kịp tay/ Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.

Bấy giờ, nàng Kiều Nguyệt Nga cùng tất tì Kim Liên dợm bước ra khỏi xe “cúi đầu trăm lạy”. Họ muốn bày tỏ lòng cám ơn, chàng vội vội vàng vàng: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái, ta là phận trai”. Thời buổi này, giữa nam và nữ, không nhất thiết phải lên tiếng khăng khăng, quyết liệt đến thế. Thế nhưng tinh thần: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” luôn là một giá trị bất biến? Đúng thế. Thế nhưng, oái oăm thay, trong một vài trường hợp cụ thế, hành động nghĩa hiệp đó cũng bị “xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng”.

Y nói đùa chăng? Không hề.

Mấy hôm nay, thông tin về một nữ nhân viên hàng không bị hai tên côn đồ tấn công tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), lập tức gây sốc dư luận. Chưa cần biết lý do gì nhưng hành động đánh một đào tơ liễu yếu - nhất là sự việc diễn ra cận kề ngày 20.10 - ngày phụ nữ được tôn vinh. Không một ai chấp nhận. Qua clip đã ghi nhận, ngay lúc cô này bị một gã kẹp cổ cho gã kia đánh tới tập, may thay, có người đàn ông từ phía sau lao tới, đạp thẳng vào kẻ đang giở trò mất dạy. Hắn ta té chúi nhủi, lăn cù. Phải thế chứ. Tính cách nghĩa hiệp “Lục Vân Tiên” thời nào cũng có. Đáng hoan nghênh và cần biểu dương.

Ai ai cũng nghĩ như thế, duy chỉ có ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc lại không nghĩ thế. Ông nghĩ khác như thế nào? Theo ông, đó là "hành vi gây rối trật tự công cộng". Trên trang Facebok cá nhân, đồng nghiệp Ngô Nguyệt Hữu bình luận đó là phát biểu của một người “trong trạng thái máu không lên não kịp”.

Thế nào là “hành vi gây rối trật tự công cộng”?

Y dốt về luật, vì thế, xin ghi lại phát biểu của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời báo Pháp luật TP.HCM áng nay: “Hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là chuyện khác), gây lộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, sân bay, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… Người có hành vi gây rối trật tự công cộng thực hiện với lỗi cố ý “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra". Và hành động kịp thời ra tay của các Lục Vân Tiên: “Đó cũng là trách nhiệm của công dân khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó”.

Vậy đã rõ.

Suy nghĩ của ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc nguy hiểm ở chỗ, hàng trăm năm trước cụ Đồ Chiểu đã chỉ ra: “Thôi thôi chẳng dám nói lâu/ Chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình”. Thấy chuyện bất bình, dại gì  ra tay. Biết đâu vạ lây đến mình. Né đi chỗ khác. Nhắm mắt bịt tai cho nó lành. Sự vô cảm cũng từ đó mà ra. Nhiều người cho biết, khi đi đứng ngoài đường, tận mắt chứng việc này, chuyện nọ trái tai gai mắt cũng không dám can thiệp, thậm chí không dám đứng ra làm chứng vì biết chắc sau đó vướng lấy bao phiền toái, rắc rối. Mệt lắm. Né luôn cho xong. Ai xui thì chịu. Tóm lại, suy nghĩ của ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc đã góp phần bổ sung cho sự phong phú, đa dạng về định nghĩa mới vài từ trong tiếng Việt. Chẳng hạn, tát: chạm tay vào má; đá: đưa chân hơi cao; năm tóc kéo: vuốt tóc; bị đánh gục: nằm ăn vạ; giải cứu người bị đánh: gây rối trật tự công cộng v.v...

Sống ở đời, thời buổi này dễ hay khó đây? Khó lắm chứ. Bởi lẽ, có những điều hiển nhiên được thừa nhận, nhưng nay đã khác. Bi hài kịch là chỗ đó.

Lại thêm chuyện dở khóc dỡ cười như người nọ vừa trúng số giải đặc biệt của Công ty xổ số điện toán VN (Vietlott). Trong tổng số phát ra là 8,1 triệu vé thì người này may mắn nhất, đã mua được vé trúng trị giá 92 tỷ đồng. Nhân đây nói thêm, ở Mỹ, tổng số phát ra là 292 triệu vé. Tóm lại, với số tiền khủng như trên, gia đình người tốt số có thể ăn ngon ngủ yên, sống một cuộc đời sung túc? Không hề. Bao nhiêu phiền lụy ùn ùa kéo đến khiến họ phải bỏ nhà lánh nạn. Tại sao? Từ bốn phương tám hướng, người ta kéo đến “xin lộc” bất kể thời gian, đáng gờm nhất là các tay xã hội đen đã vác xác đến “xin đểu”. Kêu trời không thấu!

Câu “kêu trời không thấu”, chiều qua y đã buột miệng kêu lên.

Rằng mấy hôm nay mấy bà nội không biết chọn mua nước mắm thế nào là an toàn thực phẩm? Ai làm nên cớ sự? Một tổ chức “phản động” nào đã tung tin vịt, tin đồn nhảm hăng? Không hề. Đó chính là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas)! Nghiệt thật. Đố ai có thể tưởng tượng ra nổi. Vinastas ngang nhiên công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép. Theo quy định, thẩm quyền công bố chất lượng nước mắm thuộc về Bộ Y tế mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, chứ không phải của hội nào đó. Vinastas muốn làm thì phải được Bộ Y tế ủy quyền chứ không phải thích thì đứng ra công bố. Sự nhập nhằng của công bố này ở chỗ, asen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Nói tắt một lời, trả lời Báo Pháp luật TP.HCM sáng nay, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ho rằng: “Vụ nước mắm nhiễm asen”: Có dấu hiệu câu kết bất lương”.

Còn có chuyện gì khiến y “kêu trời không thấu” nữa không?

Xin trích lại một đoạn ngắn trên báo Tuổi Trẻ, y vừa đọc chiều qua. Rằng, phóng viên của tờ báo này đi tham quan Triều Tiên và kể lại nhiều chi tiết, có thể nhiều người chưa biết. Lúc tại Bình Nhưỡng, họ tới thăm và dâng hoa ở tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Tượng này cao 20m, được làm bằng đồng, vàng, nhiều kim loại quý và họ nhận xét: “Hoa ở đây chỉ toàn bó và lẵng, không có kệ và vòng hoa như thường thấy”.

Tại sao?

Bài báo viết: “Theo giải thích của cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba, ở Triều Tiên mọi người đều xem hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật còn sống. Đó là lý do chỉ được phép viếng lãnh tụ bằng bó hoa và lẵng hoa. Tuyệt đối cấm viếng bằng vòng hoa vì họ quan niệm vật này chỉ có thể dành cho người đã chết. An ninh trong chuyện này cũng rất gắt gao, các cơ quan ngoại giao cũng không được phép mua và trực tiếp mang hoa đến viếng, mà chỉ có thể đặt tiền trước cho một cơ quan phục vụ chuyên trách”.  Bất kỳ ai khi viếng dâng hoa trước tượng đài đều phải kính cẩn gập lưng cúi chào. Nếu không, “sau đó cả đoàn bị buộc phải quay lại hành lễ, gập cả lưng mới được rời khu đồi”. Người Triều Tiên rất tôn kính lãnh tụ của họ.

Tôn kính như thế nào?

“Một nhà báo Hàn Quốc khi đến thăm tượng đài hỏi rằng bức tượng nặng bao nhiêu tấn. Một em thiếu niên trả lời rằng bức tượng nặng bằng cả tình cảm của người dân Triều Tiên dành cho lãnh tụ cộng lại. Về chiều cao, em thiếu niên tiếp lời: tượng cao bằng lòng tôn kính của tất cả người dân Triều Tiên đối với vị lãnh tụ xếp chồng lên nhau”... Câu chuyện kỳ lạ đầu tiên ấy do đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi kể cho chúng tôi ngay sau chuyến thăm và dâng hoa ở tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật khi vừa đặt chân đến Bình Nhưỡng”.

Còn có chuyện gì khiến y “kêu trời không thấu” nữa không? Ắt còn dài dài. Mà thôi. Không bàn chuyện đó nữa. Vừa mới hay tin nhà văn Lê Văn Thảo qua đời vi bệnh ung thư dạ dày. Khi viết những dòng này, trong đầu bỗng bật ra câu thơ:

Về thôi, “Lên núi thả mây”

Bỗng “Cơn giông” đến dạ dày buốt đau

Ngóng theo “Sông nước Vàm Nao”

“Ông cá hô” đã đi vào trăm năm…

Trăm năm khép lại. Đời người trôi qua nhanh lắm. Chỉ một nháy mắt. Ngoài trời vẫn đang mưa. Lại những câu thơ vụt ngang qua. Và níu lấy:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”

Câu hát buồn thiu. Ký ức nhạt nhòe

Mưa bây giờ cứng đờ như đá cuội

Từng giọt rơi rách toẹt cả trang thơ

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà