LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.8.2016


tu_dien_1651

 

Thời điểm, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes do Bộ truyền giáo in tại Roma ngày 5.2.1651, tiếng Việt thế nào? Ta thử tra cứu từ bản của NXB Khoa học Xã hội chụp lại và các ông Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính có thêm phần phiên dịch, in năm 1991. Đọc, để xem hơn 300 năm trước, lời ăn tiếng nói của người Việt, so với nay có gì khác? Dường như chẳng khác bao nhiêu. Sau đây là một vài từ, “lạ tai” với nhiều người. Mà cũng có thể không còn thông dụng nữa.

Chẳng hạn, “Ách”: Tai họa. Ngày ách: Ngày đen, ngày xui xẻo. Áy: Tàn úa. Câu Kiều: “Một vùng cỏ áy bóng tà”, trở nên dễ hiểu hơn. “Mót”: Đồ phế thải. Ăn mày, ăn mót cùng một nghĩa. “Ăn tạp”: Ăn thịt. Ngày ăn tạp: Ngày được phép ăn thịt. Nay, ta hiểu “ăn tạp” theo nghĩa khác là ăn “hầm bà lằng xắn cấu”, không có sự chọn lựa. “Áng ná”: cha mẹ. “Ánh tỏi: Tép tỏi, nhánh tỏi; “Áng hội”: Ngôi nhà trong đó có làm một cuộc cung hiến nào đó, như đền thờ v.v…; “Áo trui”: Áo trơn; “Ao”: Đo lại. “Ao gạo: Cân lại gạo cho đúng với cân hay đấu của mình; “Áp nhảm”: Người đui một con mắt. Ta hiểu là người bị chột.

“Bạc”: trắng; “Đỗ bạc người”: trú ở nhà người. Ở đậu ở bạc. “Bải, con bải đỉ bải”: người đàn bà dâm đãng, người đàn bà mãi dâm. Thành ngữ thuở ấy có câu “ Bẻ tiền bẻ đũa” nhằm chỉ việc ly dị: “Bẻ đồng tiền và những chiếc đũa dùng để ăn, là dấu hiệu tan vỡ của hôn nhân khiến người vợ từ lúc đó có thể lấy người chồng khác mà không có tội”. Ở phần giải thích “vợ/ rẫy vợ/ để vợ” có giải thích thêm: “Việc đó thực hiện với người An Nam bằng cách bẻ gẫy đôi đũa ăn và một đồng tiền bằng đồng, để trao cho vợ một phần, còn mình giữ lại phần kia, đối với người quý phái thì phải viết một tờ giấy rẫy vợ”. Tiền xưa đúc bằng kim loại nên có thể bẻ gẫy. Nay dùng tiền giấy, chẳng ai gọi gọi “bẻ tiền”. Câu thành ngữ trên, vì thế, mất đi vế đầu, chỉ còn vế sau. Mà nó còn tồn tại dài dài, vì người Việt trong bữa ăn hằng ngày sức mấy bỏ đũa qua dùng nĩa, muỗng, dao… như người phương Tây. Có người bạn của y sắp ra quyển sách “Ăn đậu bằng đũa”. Ai đời dùng đũa gắp trong trường hợp này, phải dùng tay chứ? Ấy là một cách nói về tiếp nhận sự khác biệt văn hóa một cách ba rọi.

“Bén”: dính, bám. Hiểu thể đọc những câu ca dao, thành ngữ này, dễ cảm nhận hơn. “Bao giờ cho gạo bén sàng/ Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh”; hoặc “Quen hơi bén tiếng”, “Đến với đây như cây bén rễ/ Không thương mình hồ dễ thương ai”. Đồng nghĩa với “bén” còn ghi nhận áp, giáp. “Bết: Cuối cùng; “Bộ, cậu bộ”: Người bị thiến, hoạn quan. Từ “bộ” còn lưu lại trong câu: “Đẻ ông bộ cho làng nhờ”, nay đã mất hút theo cái chế độ quân chủ đã cáo chung từ năm 1945. “Bội, cái bội”: Nhà làm giả vì mê tín dành cho người chết; “Bợ”: Đi xin tiền. Vậy "nịnh bợ" là hiểu theo nghĩa đó; “Bợm, con bợm”: Gái điếm...

“Đi chợ đi búa”: Đi đến nơi hội họp của người bán. Nay, còn nghe “chợ búa”. Tương tự, hôi hám thì “hám: hôi thối, thối hám: xông mùi hôi nặng”; tre pheo thì “pheo” là tre; gớm ghiếc thì “ghiếc”: buồn nôn. Gớm ghiếc còn tồn tại, gớm ghỉnh nay đã mất; “bời” là nhiều, “chơi bời” là chơi nhiều; "thiết,thảm thiết" là yêu nhiều; “áo bực”: áo buồn thảm, áo tang. Suy ra “buồn bực” nghĩa là buồn như đang có tang, chứ không hiểu theo nghĩa hiện nay là buồn bã, bứt rứt khó chịu trong lòng v.v…

“Con cái”: con trai và con gái. Từ đó suy luận ra: “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng” là lời nhắn nhủ của người chồng dặn dò vợ nuôi các con, con trai con gái, “có nếp có tẻ”, chứ “cái” ở đây không chỉ về người mẹ. “Cạp đèn”: Khêu đèn. “Mua chung mua chạ”: Mua cùng một trật do tiền của nhiều người góp chung lại. “Chấm”: chạm tới. Áo dài chấm đất. Tay chấm đất: Tay chạm tới đất. “Chước, ngủ một chước”: ngủ một giấc. “Cắn cỏ”: Để tỏ dấu khiêm tốn trước mặt ai hầu xin ân huệ, dường như tự xưng mình là súc vật; “Cọ”: Lau chùi, đánh bóng; “Mồ côi mồ cút”: Người mồ côi cả cha lẫn mẹ v.v...

“Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. “Tế: tế lễ” nhưng “tế ngựa” là chạy bằng ngựa. “Dái”: sợ. Thành ngữ còn nhận: “Khôn người ta dái, dại người ta thương, dở dở ương ương người ta ghét”, “Quen dái dạ, lạ dái áo”. Đồng nghĩa với “dái” là “khớn/ kinh”. “Dấu”: Mơn trớn, âu yếm. Yêu dấu là yêu thương, mơn trớn. "Na" cũng có nghĩa tương tự. Nhưng "nấc na" là khóc nức nở. “Dể”: Khinh. Dễ ngươi: xấc láo. "No" là no nê, dồi dào, đầy đủ. "Đã no mặt" mọi người đã có mặt, không sót một ai v.v...

Quái nhỉ, tại sao “Dim, con mắt lim dim” lại là: “Mắt nhắm một nửa vì có ghèn, có nhử”? Trong đó, phần “lim dim” lại giải thích: “Mắt tự nhiên nhắm một nửa. Lim: con mắt lim dim vì buồn ngủ”. Trong bài dân ca Trống cơm có câu: “Một đàn tang tình con xít/ Một đàn tang tình con xít/ Ố mấy lội, lội, lội sông/  Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai/ Đôi con mắt ố mấy lim dim”. Ta hiểu là con mắt chưa nhắm hẳn, còn hé mở. “Dùi”: cái dùi chuông. Một dùi, hai dùi: Một lần đánh kêu, hai lần đánh kêu. Nay ta hiểu là “hồi/ hồi chuông”. “Dững”: Tất cả. Dững rừng: Tất cả là rừng v.v...

“Đàn, bát đàn”: Bát thường, bát thô bằng đất; “Đang, đèn: Đèn. Tiền đang hỏa: Tiền dầu đèn tù nhân phải trả. Chi tiết này, gợi mở cho những suy nghĩ về “chế độ lao tù” dưới thời vua Lê chúa Trịnh. “Đanh”: Mỏ neo; “Đắnh”, tức “cái ấy” của người phụ nữ  "Lời nói phải tránh", vẫn còn tồn tại đến nay. Với người đàn ông, gọi là “con lô”.  “Lô ra” là đi trần truồng. Về sau, "lô" biến âm của từ "lõ" chăng? “Trái điếc”: Trái cây không ra trái. “Đợ con”: Cầm cố con. “Bán vợ đợ con”. “Làm đồ”: giả đò, làm bộ. “Đòi”: Người trên gọi người bề dưới v.v...

Khi đọc câu thành ngữ “Đội cầu thờ bụt” có lẽ nhiều người không rõ nghĩa. Thì đây, “Nhiều người mang trên đầu một tấm lụa (làm thành như chiếc cầu) mà người Lương dân nghĩ rằng các vị thần hay người chết đi qua trên đó”. “Người Lương dân” tức người thờ đạo ông bà, không vào đạo Chúa. “Đội ơn”: Mang ơn trên đầu, nghĩa là cám ơn...

“Đợt, cái đợt”: Ngăn kéo, bàn viết, những cái ngăn của rương tủ. Dấu vết của “đợt” ta có thể tìm thấy câu nói như “từng đợt sóng xô bờ”.  Xuân Diệu có câu thơ: “Yêu với căm, hai đợt sóng ào ào/ Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao”, là hiểu theo nghĩa từng lớp nhô lên đều đặn kế tiếp nhau. Nay chẳng còn dùng từ “cái đợt” nữa. “Đồng thân”: người con gái còn trinh tiết. Đồng còn đồng nghĩa với gương, vì vật dụng đó bằng đồng/ gương để dùng soi mặt. “Làm đồng làm cốt”: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính. Rõ ràng “lên đồng/ ông đồng bà cốt” tồn tại đến nay vẫn còn hiểu theo nghĩa đó.

“Đú, voi đú”: con voi dữ; “Đũi, cái đũi”: Cây lụa dệt bằng tơ cặn con tằm, vải đũi. “Mẹ sắm con cái yếm nhất phẩm hồng/ Thắt lưng đũi tím, nhẫn hồng đeo tay”.  “Vải đũi” là vải dệt bằng tơ, nhưng “đũi cỗ”, “đũi tằm” thì lại khác, từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ấn hành sau từ điển của Alexandre de Rhodes tròn 280 năm ghi nhận: “Giá đóng nhiều tầng”. “Gam”: Số, thăm. Bẻ gam/ bắt gam: Rút số bằng que găm để biết người ta sống lâu hay chết yểu. Có thể hiểu, đây chính là “xăm/ xin xăm” chăng? À, xem bói bằng cách xem chân gà đã có từ đời tám hoánh. “Xem giò: Bói bằng cách nhìn ngắm chân gà. Đó là việc mê tín mà người Lương dân An Nam khắp nơi sử dụng trong hầu mọi công việc họ sắp khởi sự” v.v...

“Dòm giỏ bỏ thóc" thường hiểu theo nghĩa như Nguyễn Đức Dương giải thích trong Từ điển tục ngữ Việt: "Nên xem kỹ cái giỏ (có lành lặn hay không) rồi hẳng bỏ thóc vào (cho đỡ bị rơi vãi)". Có thật "giỏ" là cái giỏ? “Giỏ miệng lại”: xen vào lời nói khác để cắt đứt câu chuyện của người ta, chõ miệng”. Đơn giản chỉ là xem có bao nhiêu người, miệng ăn để tính toán cho đủ, cho đúng, không dư thừa. Mấy câu thơ thiên hạ bịa ra, gán ghép cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ còn lưu truyền đến nay: “Ả ở nơi đâu bán chiếu gon / Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/ Xuân xanh phỏng độ bao nhiêu tuổi/ Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Thử hỏi, “gon” nghĩa là sao? Đại từ điển tiếng Việt và nhiều từ điển khác cũng giải thích: “Cỏ dùng để dệt chiếu, đan buồm: chiếu gon”. Xin bổ xung, “Gon, chiếu gon”: Chiếu mịn”, cách giải thích này còn hàm nghĩa về về tính chất nữa. “Hin, béo hin hin”: Béo phì nộn v.v..

Lại biết thêm một quan niệm khác của người Việt xưa: “Được rắn hổ đầm”. Rắn thì dễ hiểu rồi, “hổ đầm” là thế nào? “Con rắn mà người ta bày đặt nó ở trên trời và người ta tưởng ai gặp được nó thì sẽ hạnh phúc”. Lẩn thẩn tự hỏi, vậy câu: “Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về”, ngoài cái nghĩa con rắn trường nhanh, lanh lẹ; con rùa chậm chạm ngụ ý công việc hanh thông hay chậm lụt, còn do từ quan niệm trên chăng?

Đọc câu chuyện cười khá lâu rồi, đại khái, anh chàng nọ sau dài ngày đi công tác về nhà, đột nhiên bắt gặp kẻ lạ nằm ngủ chung với vợ mình. Anh ta tức giận đùng đùng nắm cổ áo của hắn, quát to: “Bây giờ mày muốn gì?”. Hắn ta trả lời hiên ngang: “Có giỏi thì báng đi”. “Báng" là "húc": Con vật tấn công bằng sừng như con cừu, con bò v.v…”. Nhân vật “ông Phán mọc sừng” của nhà văn Vũ Trọng Phụng là kẻ bị vợ ngoại tình, cắm sừng. Nay, ít ai dùng từ “báng” nữa.

Anh chàng kia vừa thi đậu, bạn bè chúc mừng và bảo: “Khao đi”. Nhưng nghĩa “khao” thời trước lại khác: “Sự tế vị quỷ thần hay người chết để họ đừng làm hại thêm nữa. “Khao lao” cùng một nghĩa. “Đưa khao”: Tống khứ quỷ thần hay những người chết để họ đừng làm hại nữa, bằng cách sắm thuyền, ngựa và tất cả những đồ khác bằng giấy, rồi đốt đi, hay quẳng xuống dòng sông đang chảy để các thứ ấy không trôi trở lại được”. “Kháo”: rất khôn ngoan. “Khứng": muốn; “chẳng khứng”: chẳng muốn; “Lệ”: lo sợ. “Lệ gì” là sợ cái gì? Văn tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu:

Đêm thấy bòng bong che trắng lốp, những muốn ăn gan;
gày xem ống khói chạy đen xì, toan ra cắn cổ.

“Trắng lốp” ấy, trước cụ Đồ Chiểu tròn 210 năm, Alexandre de Rhodes ghi nhận “trắng lộp”: rất trắng. “Mạt”: Cuối hay tận cùng của vật gì. “Mả mạt”: Những mồ mả không còn hiệu lực phát quan chức cho những người liên hệ với người chết chôn táng trong đó, người Lương dân nghĩ một cách khờ dại như vậy”. Ngược với “mả mạt” nay, người ta thường bảo “mả kết”, không rõ thời Alexandre de Rhodes, từ đó đã sử dụng chưa? “Nôm, con nôm”: con ghẻ. "Thép: được nuôi dưỡng bằng của bố thí hay dư thừa của người khác" như ăn thép, bú thép v.v...

Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, vần F cho biết: “Tất cả những gì có thể viết bằng f. thì sẽ việt bằng Ph. để phát âm phương ngữ này cho thích đáng hơn”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment