LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.7.2016

Array In Array

 

leminhquoc-TRUA-CAM

 

Có một thói quen đáng khen là những lúc đi chơi xa, y thường đem theo sách để đọc. Một quyển sách, đọc nơi này cảm nhận thế này nhưng lúc đến không gian khác lại cảm nhận thế kia. Cảm xúc từ những chữ lạ lùng chưa? Mới đây thôi nằm dài trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), đọc tập thơ của người bạn, người em mà vỗ đùi cái đét và nói như Tản Đà là “bược cười”. Phải thế chứ. Ngô Nguyệt Hữu viết rằng: “Con đường có lắm lá me/ Có gã nhà báo vỉa hè gọi bia”.

Thì ra, Sài Gòn thời này đã nhộn nhạo, sôi động, ồn ào khác trước nhiều lắm. Thời mới ra trường, y thường đến “đại bản doanh” của giới văn nghệ Sài Gòn là 81 Trần Quốc Thảo - trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật. Ở đó, y hay gặp nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Có lúc nghe anh ngâm nga: “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”. Rõ ràng, Sài Gòn chừng hai mươi năm trước vẫn còn yên ả lắm. Làm gì náo nhiệt cỡ như ngồi “vỉa hè gọi bia” loạn xạ, náo nhiệt như thời buổi này.

Nói đến Sài Gòn không thể không nhắc: “Hàng me xanh ngắt / Có tự bao giờ/ Mà nay đứng đó / Cho em làm thơ” (Nguyễn Nhật Ánh). Trong Sài Gòn tạp pín lù, cụ Vương Hồng Sển cho biết từ thời Pháp: “Khi qua đây, ban đầu họ trồng xoài, tiện lợi là xoài cho trái, sanh hoa lợi, đến mùa bán đấu giá, lấy tiền nộp kho, lúc ấy chỉ có xe kiếng, xe tờ, xe ngựa kéo, trẻ nít ra lộ lượm xoài có thể tránh xe dễ, sau này xe ô tô thường cán trẻ lượm vì xe chạy quá mau, rủi ro khó tránh nên đốn xoài, trồng me”. Nhưng sau người Pháp lại đốn me. Tại sao? Theo cụ Sển: “Lá me đọng nước, gọi mưa me, tạnh đã lâu mà khách qua đường vẫn ướt đầu, ướt áo, bèn thay me và chọn cây dầu, lá lớn, dễ quét hốt, và chọn cây sao, lá bền và gỗ, khi cây lớn nếu đốn sẽ dùng làm ván cầu và sườn rui tiện lợi”. Xin bổ sung thêm, không chỉ do “khách qua đường vẫn ướt đầu, ướt áo” mà còn vì sau mưa, vòm me vẫn còn sũng nước, dễ sinh ra muỗi, mòng ở cái xứ nhiệt đới này, sợ gây bệnh nên người Pháp không trồng nữa.

Tuy thế, hiện nay, đi trên đường phố, thỉnh thoảng vẫn còn gặp những me của một thuở đã là nhân chứng của thay đổi lịch sử qua năm tháng. Hôm kia, hôm kỉa, hôm kìa ngồi trên đường Bà Huyện Thanh Quan lai rai cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Phan Hoàng tiếp đãi bạn Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Đăng Điệp… thuộc Viện Văn học từ Hà Nội vào đây công tác. Ngồi ăn lẫu cá kèo sát lề đường, ngay dưới vòm me rợp mát. Có những câu thơ đã lẩn khuất đâu đó trong trí nhớ, như hạt mầm giấu dưới đất, gặp mua lại nhú mầm lên.

Nhìn lá me và lướt ngang qua đầu trong khoảnh khắc ấy là thơ, câu thơ của Lê Thị Kim: “Tay tôi như có ai cầm/ Thì ra một lá me nằm trong tay”. Lại liên tưởng qua câu thơ của Olga Bergolts: “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi/ Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly”. Đêm ấy làm gì có mưa? Vậy mà vẫn cảm như ngoài trời đang mưa, ấy là ma lực của thơ vậy. Vòm me vẫn thế, chỉ có tâm thế của mỗi thời đã khác: “Có gã nhà báo vỉa hè gọi bia”. Ồn ào ào và náo nhiệt. Trong tiếng gọi bia ấy, có ai còn nghe lá me rơi nhẹ nhàng, khẽ khàng không? Vừa nghĩ đến đó, nhà văn Đoàn Thạch Biền nhẩn nha nhận xét: “Lá me thật lạ, hễ đã úa vàng thì rụng. Do đó, nhìn lên vòm me chỉ thấy những tầng lá biếc xanh”. Giật mình nhìn xuống đất, thấy lá me vàng như trải thảm. Ngước nhìn lên trời, đem tối, lấp lóa ánh đèn đường màu vàng chỉ một màu xanh dịu mắt.

Ở Đoàn Thạch Biền, anh luôn có những nhận xét chí lý đến thế.

Vừa rồi, y mới cho in tập sách Ngày viết mỗi ngày (NXB Hội Nhà Văn), đoạn này, có liên quan đến anh Biền, nhiều bạn đọc cũng cho rằng tinh tế: “Đọc sách mà vặn vẹo từng từ, từng chữ nếu tác giả đội mồ sống dậy ắt phải vỗ vai mà kết nghĩa tri âm. Lại nghĩ, trong đời sống, khi gặp tai họa, rắc rối, phiền muộn, có người ngao ngán thốt lên: “Chết quách đi cho rồi”. Tất nhiên, chẳng thèm muốn kiếp sau phải làm người nữa. Khỏi phải trả nợ đời lần nữa. Không làm người. Vậy làm gì? Nguyễn Công Trứ có câu thơ:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Tại sao thiên hạ lấy cây thông, tùng, bách tượng trưng cho người đàn ông? Sách đã giải thích, tuy nhiên, có lần nhà văn Đoàn Thạch Biền lại nghĩ qua một hướng khác, đại loại, vì loại cây đó khi lên cao nó mới xòe ra tán lớn, che rợp bóng mát mà các cây con cũng không ảnh hưởng gì, vẫn có thể phát triển. Và điều quan trọng là nó càng cao, đón sóng gió dữ dội vẫn càng thẳng, chứ không gẫy đổ. Trong khi đó, lại có những cây khác, dù chỉ còn thấp lè tè đã học đòi xòe tán che khuất các cây con rồi. Cách giải thích ấy ngộ nghĩnh mà cũng có lý đấy chứ? Lại nữa, nếu kiếp sau ông Nguyễn Công Trứ nguyện làm cây thông, Tản Đà tiên sinh lại khoái:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay
Tuyệt mù bể nước non mây
Bụi hồng trông thẳm như ngày chưa xa

Tại sao lại là “đôi chim nhạn”, chứ không là một con nhạn riêng lẻ? (tr.89-90). Thế đấy, ngồi nhậu lai rai, nếu với người thông minh, sâu sắc, ta cũng có thể học được đôi điều gì đó. Lại nhớ, có anh Biền cho rằng, trên đời này chẳng có ai cao, ai thấp, mỗi người có mỗi việc. Bình thường thôi. Tất nhiên rồi. Nhưng câu này, nghe anh nói mới thấy chí lý: “Bàn tay có năm ngón, ngón út đừng tưởng vô tích sự. Này, khi ngứa lỗ tai, ta sử dụng ngón nào?”.

Tính cách của nhà văn có ảnh hưởng đến trang viết của họ. Ở Đoàn Thạch Biền, có lần nhà thơ Đinh Thu Hiền nhận xét, đại khái, chuyện tình trong tác phẩm của anh chỉ như cơn mưa phùn, không làm ướt áo. “Tình nhỏ làm sao quên”. Nhẹ nhàng. Lãng đãng. Ngày sau còn nhớ. Nhớ một cơn mưa phùn đã đi ngang qua đời mình. Thế thôi. Chỉ có thế mà dai dẳng trong trí nhớ người đọc như câu thơ của Trần Dạ Từ: “Người đi qua đời tôi/ Không nhớ gì sao người?”. Tiếng nói thảng thốt, tâm trạng và bùi ngùi quá đỗi.

Chỉ là thế, chỉ như cơn mưa phùn mà dai dẳng trong trí nhớ người đọc với cách xưng hô “tréo cẳng ngỗng” như đùa như thật: ông và em. Vì lẽ đó, có lần giới thiệu về anh, y viết chỉnh chu, chính xác: “Trong một trang tùy bút tài hoa, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một câu, đại khái, ông không thể tưởng tượng được, nếu một sớm mai thức dậy ở Huế, lại thấy dòng sông Hương biến mất. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng có thể nói rằng, y không thể tượng tượng nổi, nếu ngày kia lật lại trang viết của nhà văn Đoàn Thạch Biền mà nhân vật không còn xưng hô “ông” và “em” nữa”. Đó “đặc sản” của văn xuôi Đoàn Thạch Biền”.

Thế còn thơ của Đoàn Thạch Biền thì sao?

Thì là thơ chứ trăng với sao gì nữa. Nhà văn viết thơ? Chuyện này không lạ. Các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Thu Bồn, Nguyễn Nhật Ánh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… cũng thế thôi. Sự tài hoa ấy, trời đã cho thì cho đều ở nhiều thể loại.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền làm nhiều thể loại thơ. Đủ sức in một tập ra tấm ra miếng. Nhưng đến nay vẫn chưa. Là người em thua anh đúng một con giáp, là người bạn cùng khề khà đối ẩm chừng ba mươi năm nên y được đọc khá nhiều thơ anh. Hay nhất vẫn là thơ năm chữ. Loại ngũ ngôn, thoạt đầu tưởng dễ, nhưng tìm chỉ năm chữ đắc địa đứng chung một câu là điều không dễ. Mỗi bài thơ năm chữ của anh đều gọn gàng một tứ thơ. Chỉnh chu. Và Đẹp. Đẹp bởi chi tiết thô ráp của đời sống. Thêm một giọt nữa là thừa. Thiếu một giọt nữa là thiếu. Rót rượu như thế, nhà văn Nguyễn Tuân dùng cụm từ bay bướm “bồng mắt thỏ”, phải là những tay danh tửu hảo hán. Đọc thơ của Đoàn Thạch Biền, y liên tưởng đến điều đó dẫu vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khễnh. Chẳng hề gì.

Nhắc lại nhận xét này, bỗng nhiên rớt ngang qua trí nhớ là câu thơ lúc anh Biền ngồi lai rai cùng Vũ Hữu Định: “- Còn rượu không chủ quán/ - Dạ thưa còn hũ đầy/ Nhẩm tính tiền túi hết/ Bạn giả đò nói say”. Bạn chơi với bạn, thấu hiểu nhau đến thế là cùng. Biết bạn giả đò, nhưng biết làm sao: “Nghĩ mình đang lúc rách/ Đành chịu thua người xưa/ Không có áo cừu bán/ Đãi bạn uống cho bưa”. Từ “bưa” hay lắm. Rất miền Trung. Trong thơ Hàn Mặc Tử cũng từng xuất hiện: “Họ đã xa rồi khôn níu lại/ Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa”. Đã từng đên Huế từ năm tháng thò lò mũi xanh, thú thật chưa lúc nào y biết đến và cảm nhận được như câu thơ của anh Biền: “Đi dưới tàng cây muối/ Không thấy hoa trên cành/ Mai này trong trang viết/ Muối xanh màu lá xanh”. Thử hỏi, cây muối là cây gì vậy? Ối thơ ơi là thơ. Đọc thơ tưởng rằng, thư giản nhẹ nhàng, du dương theo vần điệu nhưng có những câu khiến ta phải giật mình.

“Ối thơ ơi là thơ”. Nhiều lần y thốt lên vì trăm lần như một, đều như vắt chanh rằng, thì, là mỗi lúc đi chơi xa, nếu gặp bạn bè văn nghệ thì quà tặng nặng trĩu va ly bao giờ cũng là… thơ. Thơ của bạn, đem về nhà. Đọc và yêu thương. Mến phục. Rồi cũng có đôi lúc chạnh lòng. Những con chữ ấy, bạn mình đau đáu, tâm tư, tìm kiếm từ ngày này qua tháng nọ, khi đã in thành sách, sách phát hành rộng rãi, liệu có còn tìm gặp tri âm?

Mới đây thôi, tại Tam Đảo, bạn thơ Trần Quang Quý gửi cho bản thảo Nhịp năm, sắp in. Có gì mới lạ không? Thì đây, anh Quý cho biết: “Vài năm trước, bắt đầu từ những bản nháp ghi chép, hoặc những bài thơ dài còn dang dở, thích câu thích ý mà mãi chưa hoàn thiện được, tôi thử sửa thành những bài thơ ngắn, nhưng không muốn giống như tứ tuyệt đã quá quen, đặc biệt là cấu trúc, niêm luật, vần điệu khắc khe, cũng giống nguồn gốc xuất xứ của nó. Và như có sự xui khiến nào đó, một cách ngẫu nhiên, tôi sửa thành thơ 5 câu và bỗng thấy nó “sáng ra”, bài thơ được nhất, theo cảm xúc, ý tưởng và chiêm nghiệm của mình”. Nói cách khác, Nhịp năm là bài thơ chỉ vỏn vẹn 5 dòng/ câu. Xin trích bài thơ Rụng của Trần Quang Quý: “Có một chiếc răng rụng/ tôi vẫn để trong ví mỗi ngày/ một mảnh đời đã tuột ra khỏi gốc số phận/ Mỗi lần mở ví ra tôi thấy/ chiếc răng vẫn đang nhai ký ức”. Một tứ thơ gọn gàng, hoàn chỉnh.

Thật ra, thơ 5 dòng/câu, trước đó, vào đêm 4.12.1969, nhà thơ Chế Lan Viên đã thể nghiệm, không gọi Nhịp năm như Trần Quang Quý, ông gọi thể thơ “ngũ tuyệt”, duy nhất có 1 bài: “Bờ sông mẹ tiễn đưa con/ Hai chục năm trời súng nổ/ Mẹ mất cũng chục năm rồi/ Sao ngỡ còn mẹ đứng đó/ Giữa nghìn trận nổ trông con”. Sau đó, không ưng ý bài thơ Ngũ tuyệt về mẹ, năm 1988, ông triển khai thành Bến đò mẹ tiễn, dài 18 câu. Nhắc lại chuyện này để thấy sự nhọc nhằn của công việc làm thơ.

Mà này giữa làm thơ và uống bia thì cái nào thú vị hơn? Không dám lạm bàn. Chỉ nghĩ rằng, thơ và bia và gì gì đi nữa cũng khó có thể sánh với giai nhân sắc nước hương trời, chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường. Không tin à? Cứ hỏi ông Đoàn Thạch Biền ắt có thơ rằng: “Em vô tư, tôi vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình/ Thôi đừng giả bộ mặt mừng/Khi trong tay bắt, đã lừng khừng buông/ Bây giờ kinh tế thị trường/ Em còn giấu được nỗi buồn… tôi mua”. Mới nghe thơ của ông Biền đến đó, lại giật thót người bởi:  “Có gã nhà báo vỉa hè gọi bia”. Thế đấy, “Mai này trong trang viết/ Muối xanh màu lá xanh”. Vui quá đi chứ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà