LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.5.2016


tranh-le-minh-quoc-9RRRTranh sơn dầu Lê Minh Quốc

 

Dăm năm trước đây, không rõ từ “sáng kiến” của ai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Quốc hoa Việt Nam. Không những thế, người ta còn thêm Đề án bình chọn Quốc tửu, Quốc phục. Ồn ào trên báo chí và trong dư luận một thời. Nay, đã in thin thít như thịt nấu đông. Kết thúc không kèn không trống. Chẳng đâu vào đâu.

Do đó, thật bất ngờ và cảm động khi hay tin: Thượng viện bang California (Mỹ) vừa nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết số 73 công nhận ngày 15.5 là ngày Áo dài của bang này. “Do chiếc áo dài Việt Nam từ lâu được thừa nhận là biểu tượng của văn hóa thẩm mỹ và là niềm tự hào của các thế hệ người Việt sau này, vì thế để tôn vinh sự đa dạng của xã hội Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã tổ chức sự kiện cộng đồng có tên lễ hội Áo dài (Áo dài Festival) hai năm một lần”. Người Nhật có cả một tạp chí về Kimono nhằm quảng bá cho chiếc áo truyền thống của Xứ Phù Tang. Ở Việt Nam, không hề. Và chính họ đã có sáng kiến chọn ngày 4.4 hằng năm là Ngày của phở tại Nhật.

Đáng quý thay, những sáng kiến ấy, góp phần không nhỏ quảng bá văn hóa Việt đến với thế giới.

Ngày Chủ nhật vừa rồi, đọc tờ báo Sài Gòn Giải phóng phát hành ngày 15.5.2015, thích thú với một vài thông tin liên quan đến món ăn Việt Nam. Đại khái, ngày 26.5 sắp tới, ấn bản Le Petit Larousse cho năm 2016-2017 sẽ ra mắt công chúng Pháp. Trong ấn bản mới lần này, đáng chú ý có xuất hiện từ “phở”, "nuoc-mâm" (nước mắm), “Têt”... Năm 2014, cả hai từ “phô” (phở) và “bo bun” (bún bò) đã được định nghĩa trong từ điển Le Petit Robert. Trước đó, món “nem” cũng được định nghĩa trong Larousse.

Loáng thoáng với một vài thông tin này. Vẫn cảm thấy dễ chịu hơn khi phải nhìn vào hiện thực mỗi ngày. Mà này, có phải đọc sách cũng là một cách “ăn”, nếu không làm sao có cụm từ “thực phẩm của tâm hồn”? Rồi đôi khi, có những quyển sách cũng khiến độc giả bị hóc xương. Có lẽ, “thành ngữ” mới nhất liên quan đến chuyện đọc là “hóc xương gà”. Hãy nghe nhà báo Kiều Mai Sơn giải thích: “Xuất phát từ việc bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà /Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”, được dịch sang tiếng Tây rồi chuyển ngữ ngược về tiếng Việt đã ra một bản dịch mới như sau: “Cuồng phong lay ngọn trúc/  Thổi xuống tà-vẹt đường/ Vợ trời đánh một hồi chuông/ Súp gà húp vội, hóc xương mấy lần”. Nghe ra cũng vui tai.

Thật ra “hóc xương gà” như thế vẫn còn dễ chịu. Khó chịu nhất vẫn là được tặng những tập sách thực hiện bằng kinh phí Nhà nước, do Nhà nước đặt hàng. Nhiều, rất nhiều quyển sách có ghi rành rành phía sau “Sách Nhà nước tài trợ”. Từng thấy loại sách đó chất từng đống cao nghềnh nghệnh trong các tiệm sách cũ, bán với giá rẻ mạt. Hầu hết nó không hề có mặt trong các hệ thống phát hành. Dường như, in xong, quyết toán xong là người ta xong nhiệm vụ, không cần biết “đầu ra” của nó thế nào. Cách làm phổ biến nhất là đưa vào Thư viện, vùng sâu, vùng xa… tất nhiên những nơi đó cũng mua bằng tiền Nhà nước; bằng không, cứ tống ra vỉa hè bán theo lối cân ký lô.

Gần đây nhất, phải kể đến “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam”. Loạt sách này, in xong phát hành ở những nơi đâu? Theo Báo Thanh Niên: “Sách tiền tỉ đem bán… giấy vụn”! Tìm hiểu sâu hơn mới biết:  “Tổng chi phí cho toàn bộ dự án gồm 2 giai đoạn là 240 tỉ đồng. Kết thúc giai đoạn 1 của dự án (2008 - 2012), với số vốn đầu tư 90 tỉ đồng của nhà nước, đã có 1.000 công trình được in thành 644 đầu sách phát hành ra thị trường. Mỗi đầu sách đều được in 2.000 cuốn. Giai đoạn 2 của dự án (2013 - 2017), nhà nước tiếp tục đầu tư 150 tỉ đồng, nhưng trước phản ánh của báo chí về nhiều sai sót nghiêm trọng cả nội dung lẫn hình thức, dự án đã có chấn chỉnh. Toàn bộ sách đều được liên kết xuất bản với NXB Khoa học Xã hội năm 2015. Đến nay, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng ước lượng có khoảng hơn 100 đầu sách được đơn vị này cấp phép trong năm 2015” (Báo TN số ra ngày 11.1.2016).

Các con số tiền tỉ ấy và "nhiều sai sót nghiêm trọng cả nội dung lẫn hình thức" nói lên điều gì? Nghĩ gì đi nữa, lại càng cảm phục những nhà văn kiếm sống chân chính chỉ bằng ngòi bút.

“Hóc xương gà” không hề dễ chịu. Nhưng vẫn còn hơn “hóc toàn tập”. Có những quyển sách cầm trên tay, vừa lật ra, vội vàng khép lại, nhẹ nhàng đặt vào vị trí cũ.

Loại sách gì vậy?

Sáng nay, vừa đọc tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 20 (14.5.2016). Dừng lại với "Diễn đàn lý luận văn học", nhà nghiên cứu Trần Đình Sử có bài viết Nỗi đau trong văn chương. Kết thúc, ông viết: “Tính từ thời đổi mới đã ba mươi năm qua rồi mà tác phẩm lớn được coi là chưa có, các tác phẩm cứ bằng bằng như đồi thấp, không có đỉnh. Lại có ý kiến cho rằng nhà văn ta thiếu tài. Tôi chưa bao giờ cho là như thế. Hãy nhìn lại xem, nhà văn ta đã sống sâu, sống thật với nỗi đau của nhân dân ta trong suốt  mấy thế kỉ qua hay chưa? Đã thấy nỗi đau đứt ruột về nỗi thống khổ của con người hay chưa? Làm gì có con trai có tài và con trai bất tài. Mọi con trai đau đớn đều cho ngọc. Cái tài tự nó chưa là gì cả, nó chỉ có nghĩa khi đem dùng vào việc gì. Rất có thể ta đã phí tài vào việc miêu tả những cái không quan trọng, dùng vào nơi không đúng chỗ. Hãy bớt đi lời ngợi ca, bớt đi lời khen  ngợi, hãy sống thật sự với nỗi đau của lòng mình, và để nó toát ra tự nhiên dưới đầu ngọn bút. Khi ấy ta sẽ thấy thiên tài xuất hiện. Hãy làm người bình thường, khi đau thì kêu. Xưa ta chê nhà thơ lãng mạn không đau mà rên, hàm ý là giả đối. Nhưng nếu đau thật mà không kêu thì có giả dối hay không?”.

Ở Nam Bộ có câu; “Đau chơn há miệng”. Có ai dám há miệng không? Suy nghĩ của ông Trần Đình Sử tiêu biểu lắm đây. Đã nhiều người bàn "nát nước" rồi. Nhưng cuối cùng mọi việc vẫn ì ạch, dẫm chân tại chỗ. Cứ nhìn trên mặt báo chính thống thì rõ. Có gì thay đổi đâu. Vẫn là những nếp nghĩ, tư duy, quan điểm của từ thời xa lắc xa lơ. Nhưng rồi nó cứ còn kéo dài, ì ạch đến nay. Cứ đọc những tập sách "cúng cụ" thì rõ. "Cúng cụ" chẳng gì sai cả, vấn đề là nội dung của nó ra làm sao? Chẳng cần suy nghĩ, cập nhật thông tin, tâm thế người đương thời, cứ việc "sao y bản cũ" từ vài thập kỷ trước.Là xong. Kinh phí do Nhà nước tài trợ. Chẳng việc gì bận tâm nó có bán được hay không, nội dung có đáp ứng nhu cầu bạn đọc hay không. Đọc loại sách ấy, há chẳng phải "hóc toàn tập" đó sao?

Lại có thêm một điều kỳ cục nữa: Cuối tháng 4.2016, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”. Họ có in tập kỷ yếu Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu (NXB Hội Nhà văn), dày 528 trang khổ lớn.

Tuy nhiên, điều gì khiến thiên hạ "hóc xương gà"?

Trên Báo Sài Gòn Giải phóng (ra ngày 8.5.2016), nhà thơ Phan Hoàng - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho biết: “Phần thứ nhất có tiêu đề Một số vấn đề lý thuyết và lịch sử văn học mang tính lý luận, tuy có đề cập tổng quan văn học cả nước sau năm 1975 nhưng chủ yếu vẫn là ở Hà Nội và miền Bắc. Trong khi phần thứ hai là Một số vấn đề tác giả và tác phẩm lại hầu như chỉ phản ánh các nhà văn ở Hà Nội và miền Bắc, duy nhất chỉ một tác giả ở phía Nam được nói tới là một nữ nhà văn của Thừa Thiên - Huế”. Anh viết tiếp: “Câu chuyện về cuộc hội thảo làm tôi nhớ cách đây gần một năm, ngay trước Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020, nhà văn lão thành Trần Thanh Giao đã cảnh báo sự thiên lệch trong hoạt động văn học khi ông cho rằng hội của cả nước mà như hội của… miền Bắc. Chẳng những ông mà nhiều nhà văn khác ở phía Nam cũng nhìn nhận như vậy”. Phan Hoàng nói đúng. Điều này, ai ai cũng thấy, có điều anh thấy và dám nói.

Còn quan tâm đến văn hóa nghệ thuật nên ghi lại sự việc này.

Thật ra, giữa lúc này, thời cuộc đang dậy sóng với biết bao vấn đề nóng bỏng về nhân sinh, môi trường v.v.. còn ghê gớm hơn nhiều. Thử hỏi bạn đọc bình thường, có mấy ai quan tâm đến những chuyện “quốc gia đại sự” nêu trên? Mà than ôi, ngay cả người trong cuộc, đang sống bằng nghề cũng chẳng quan tâm nốt. Thế thì, nhà văn đang quan tâm đến gì? Câu hỏi này, trong lúc này, đâm ra lại khó có thể trả lời một cách sòng phẳng, rõ ràng. Văn chương chữ nghĩa nếu đứng ngoài lề cuộc sống có ích gì? Những ngày này, đọc những gì của thơ, của văn trước hiện trạng khốn cùng của xã hội? Chắc chắn rằng những gì đã đọc, chẳng hề thấy vọng về dư âm của ngày tháng này. Nó phù phiếm. Giả dối. Có phải “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, vì lý do ấy, phải không, thưa cụ Tản Đà?

Sực nhớ đến nhân vật Điền của nhà văn Nam Cao: “Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...”.

Mãi đến bây giờ, các nhà văn tài năng, đáng kính trọng của chúng ta vẫn còn loay loay như Điền hay đã khác? Nếu còn loay hoay trong sự dằn vặt ấy, nghĩ cho cùng vẫn còn may cho tiền đồ văn hóa nước nhà. Chỉ e rằng, chẳng mấy ai dám thức tỉnh như Điền.

Y có gì khác không?

Không hề, y vẫn cứ nhắm mắt trôi theo dòng đời. Vậy tại sao lại viết những suy nghĩ này? À, tự chì chiết lấy chính mình đấy thôi. Chì chiết, tự vấn mà không dám thay đổi, y cũng giả dối nốt.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment