LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.3.2016

 

quoc-oi-tho-1-R

 

Câu chuyện này hay: Lúc 14g55 ngày 4.3.2016, chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific mang số hiệu BL590 từ TP.HCM cất cánh đi Đà Nẵng. Khi bay trên độ cao 10.000m, đột ngột hành khách Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi, Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam) ngồi hàng ghế 5E có biểu hiện đau bụng và chuyển dạ. Bác sĩ đỡ đẻ là Fiona Sutton Julia người Anh, tình cờ cùng đi chung chuyến bay, ngồi hàng ghế ngồi ghế 11D. Theo VnEpress: “Vì điều kiện ở trên máy bay thiếu thốn, Fiona không cắt dây rốn mà đặt em bé nằm trên bụng mẹ. 15 phút sau, máy bay hạ cánh. Mẹ con sản phụ được chuyển ngay đến bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng”. Ơn trời, mọi việc đều suôn sẻ. Đứa bé tốt số này được bố mẹ đặt tên ở nhà là Jetstar, khai sinh lấy theo tên cơ trưởng chuyến bay này là Xuân Đăng và được hãng Jetstar Pacific miễn phí 20 năm vé máy bay.

Một câu hỏi đặt ra: Sinh ra trên máy bay, khai nơi sinh là nơi nào?

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 8.3.2013, ông Nguyễn Văn Vũ, trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM cho biết trường hợp bé Xuân Đăng là hy hữu và ngoại lệ so với các quy định hiện hành. Sau khi nêu các văn bản Nghị định, Luật Hộ tịch, câu trả lời được “gút lại” như sau: “Cụ thể, khi máy bay bay trên độ cao 10 nghìn mét qua nhiều tỉnh thành thì không thể xác định em bé sinh ra tại địa phận tỉnh thành nào. Vì thế nơi sinh của em bé nên là sân bay mà máy bay đáp xuống-chính là sân bay Đà Nẵng. Vì vậy đơn vị hành chính là phường, quận, thành phố nơi sân bay Đà Nẵng tọa lạc. Về cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ thì Luật hộ tịch quy định là UBND cấp xã nơi cứ trú của người cha hoặc mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”.

Sực nhớ đến truyện ngắn Mây trắng còn bay của nhà văn Bảo Ninh.

Lúc chiếc TU bay qua vùng trời sông Bến Hải, một hành khách đã bày biện mâm cúng ngay chỗ mình ngồi vì “bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất”. Nhà văn viêt tiếp: “Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc. Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn. Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ. Khói nhang nhả nhè nhẹ, bốc lên dìu dịu, mờ mỏng trong bầu không khí lành lạnh của khoang máy bay. Những cây nhang trên trời thẳm tỏa hương thơm ngát. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng”.

Chi tiết của truyện ngắn này cảm động. Cảm thấy xốn xang. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, khoảng đầu thập niên 1980 có in tập thơ Bên cửa số máy bay. Lại hỏi, người Việt Nam thấy được máy bay từ lúc nào? Đọc nhiều tài liệu được biết người Pháp tổ chức "Đại tuần lễ Hàng không tại Nam Kỳ" (Grande semaine d'Aviation) diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 8 đến 18.10.1910. Phi công Van Den Borg (sinh năm 1874, cha người Bỉ, mẹ người Pháp) đã biểu diễn trên vòm trời Sài Gòn, cất cánh từ trường đua Phú Thọ.

Sau đó, chiều ngày 4.8.1913, lúc 17 giờ 3 phút lần đầu tiên hàng ngàn người hiếu kỳ thấy máy bay tung cánh trên bầu trời xứ Huế do phi công Marc Pourpe lái. Kế tiếp, ngày 6.8.1913, người Pháp đưa máy bay từ Huế vào Đà Nẵng. Tòa Đốc lý ra lệnh cho dân nhượng địa Đà Nẵng và dân từ các huyện, phủ Quảng Nam, thậm chí cả Hội An ngót ba mươi cây số cũng phải tập trung đi coi tàu bay tại bãi cát Lầu Đèn - nay là khu vực đường Trần Cao Vân chạy đến bờ biển Thanh Bình. Trong chuyên luận Người Quảng Nam, y có chép nguyên vẹn bài vè Coi tàu bay tại Lầu Đèn, nay trích đôi câu:

Ra về mệt mỏi tay chưn
Dầu mà có đói cũng thấy cái đời văn minh
Rùng rùng máy nổ thất kinh
Chiếc tàu cất cánh thình lình bay lên
 

Điều buồn cười là viên phi công Marc Pourpe sau đợt biểu diễn máy bay lại được đặt tên đường ngay trung tâm thành phố, nay đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)!

Ai là người trước nhất khi xem máy bay mà nẩy hứng sáng tác thơ?

Chính Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935). Tập Thơ Nôm Phước Môn in năm 1959 theo giấy phép của Bộ Thông Tin miền Nam, ông Nguyễn Thúc sao lục và chú thích, ông Thái Văn Kiểm viết tựa đã xác định điều đó. Phước Môn là bút danh của Nguyễn Hữu Bài. Câu cửa miệng phổ biến rộng rãi một thời: "Phế vua không Khả, đào mả không Bài”. Khả: Ngô Đình Khả phản đối vụ người Pháp truất vua Thành Thái; Bài: Nguyễn Hữu Bài phản đối ý định của người Pháp muốn đào lăng vua Tự Đức tìm vàng bạc đã chôn cất ở đó. Trong tập Thơ Nôm Phước MônVịnh tàu bay - gồm 4 bài thất ngôn bát cú, nay trích đôi câu để xem người xưa đã cảm nhận ra làm sao:

Ấy ai khôn khéo, lạ trong đời,
Chấp cánh mà bay để chúng coi.
Mới đó giập giằng vừa khỏi đất,
Bỗng đâu phất phới đã ngang trời.
Qua qua lại lại đều như ý,
Xuống xuống, lên lên rõ thực tời.

“Tời”: tài, phát âm theo giọng người miền Trung. Người phi công đầu tiên của Việt Nam là ai? Có phải là ông Đỗ Hữu Vị, con trai Tổng đốc Phương? Về nhân vật này, cứ cậy nhờ ông Google là xong tất. Đầy đủ thông tin. Đại khái, cứ theo Nam Phong tạp chí: “Quan ba” Đỗ Hữu Vị sinh năm 1884, tốt nghiệp “trường Võ quan Saint - Cyr” và tòng quân vào quân đội Pháp. Lúc bấy giờ máy bay mới phát triển tại Pháp, ông Vị là một trong những người đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp. Khi máy bay hiệu Gaudron được đem ra thử nghiệm, Đỗ Hữu Vị cũng là người đầu tiên lái thử. Chẳng may, bay lên độ cao 300 mét thì máy bay rơi, nhưng thoát chết. Tuy nhiên, Đỗ Hữu Vị cũng chết trong cuộc giao chiến với quân Đức trong trận đánh vào làng Dompierre (trong Đệ nhất thế chiến). Được anh là “quan năm” Đỗ Hữu Chẩn đưa về cố quốc trên tàu Porthos và an táng tại Sài Gòn vào ngày 12.5.1920. Tuy nhiên, ít biết nhà thơ Tú Mỡ có bài thơ Phong thần Đỗ Hữu Vị, in trong tập Giòng nước ngược (NXB Đời Nay, 1934):

Người Nam Việt, quan ba họ Đỗ
Bước đầu tiên, cưỡi gió, đi mây
Gặp thời đại chiến Âu Tây
Đền ơn nước Mẹ bỏ thay sa tràng
Chết như vậy, chết vang, chết vẻ
Tiếng tăm còn ghi để sử xanh
Người ta kỷ niệm công lênh
Quyên tiền dựng ở Tây Ninh tượng đồng
Và, tuy bực anh hùng thuở trước
Là ông dân quý quốc Lang Sa
Người ta theo tục dân ta
Tâu vua phong sắc quan Ba thần hoàng
Để thờ phụng đền nhang bái lễ
Và xuân thu cúng tế rộn ràng
Hồn ông về ngự ngai vàng
Hồn thiêng chứng giám việc làng dân quê
Nhìn Xã Xệ, Nhiêu Khê, Lý Toét
Chiếu giữa đình tranh thịt tranh xôi
Thần linh phải đến sặc cười
Bỏ đình, bỏ đám tung trời mà… bay

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment