LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.3.2016

Array In Array

 

gieo-hat-tho-le-minh-quoc

 

Những ngày này, mẹ đã về quê. Thế là tự cơm nước. Loay hoay bếp núc thế nào mà đã làm bể hết mấy cái tô, cái chén. Không gian bếp núc lúc có mẹ, gọn gàng, ngắn nắp, sạch sẽ là thế, “nhìn bếp biết nết đàn bà”, nay ngổn ngang như bãi chiến trường. Khổ nổi, trưa nào cũng phải về nhà, đã thành thói quen, phải ăn cơm rồi ngủ. Vì thế, nay tự loay hoay phải bếp với núc, phải nấu với nướng. Chẳng ra làm sao.

Trưa nay thức dậy, cũng như mọi ngày, vớ tay lấy những sách báo đang la liệt, lổn nhổn trên giường nằm. Tạp chí Thơ số 1&2.2016 lọt vào tầm tay. Số này in dày gấp đôi vì phát hành vào dịp Tết, nhưng nay mới nhận được. Nhà phê bình Hồng Diệu có bài viết Mười bài thơ chưa in của nhà thơ Xuân Diệu. In cả thủ bút của tác giả Gửi hương cho gió. Thích câu thơ này: “Lắm lúc nhìn em sững mắt anh/ Cám ơn em đã đón anh nhìn/ Anh nhìn như thể rơi con mắt/  Và cả thời gian cũng đứng im”. 10 bài thơ này Xuân Diệu viết trong khoảng năm 1973, và là quà tặng nhân ngày Hồng Diệu cưới vợ. Ngẫm cũng hay. Những quà tặng khác từ năm 1974, có lẽ đến nay chắc không còn mà còn giữ được bút tích này là quý lắm đây. Thế thì, lúc đám cưới nếu mời nhà văn, nhà thơ, nói tóm lại  ta cần họ tặng cái gì? Tiền tươi thóc thật, quà mua ngoài siêu thị hay những bút tích tác phẩm của họ? Y tự thế thôi, chứ làm gì còn có cơ hội nữa. Đừng có mà mơ.

Trở lại với mấy câu thơ trên, thích câu thứ 3: “Anh nhìn như thể rơi con mắt”. Một cách nói ấn tượng. Đọc một lần, nhớ mãi. Trước đây, từng sững người với câu ca dao: “Xa nhau đã mấy thu tròn/ Nhớ em, anh khóc đã mòn con ngươi”. Khóc đến độ mòn con ngươi, cách nói ấy, dịu vợi, mới mẽ, tài tình đến lạ thường. Nước chảy đá mòn. Nước mắt chảy dầm dề lúc khóc, dẫu khóc ngày đêm nhưng con ngươi cũng không thể mòn. Biết là thế, người đọc vẫn chấp nhận một cách nói đã chuyển tải trọn vẹn “tín hiệu” thương nhớ đến tột cùng. Lại nữa, còn có câu này: “Vách thành cao lắm khó dòm/ Nhớ em, anh khóc đỏ lòm con ngươi”. Đọc từ văn bản với chữ “dòm”, chắc chắn người đang khóc phải là cô gái Trung, Nam bộ.

Em là con gái Phú Nhi

Bánh đúc bỏ bị vừa đi vừa nhòm

Phú Nhi là là chuyên làm đồ gốm ở huyện Phúc Thọ (Sơn Tây). Đồng nghĩa với "nhòm/ dòm” còn có nhìn, liếc, ngó, coi, trông, nghía… Cả thẩy đều dẫn đến kết quả là thấy một cái gì đó, hoặc thấy rõ ràng, rõ mồn một; hoặc cũng có thể chỉ thấy thoáng quá.

Thử xem, ngoài “đỏ lòm” con có bao nhiêu từ chỉ sắc màu đỏ? Này nhá: đỏ chót, đỏ chói, đỏ cháy, đỏ loét, đỏ lưỡng, đỏ lói, đỏ lòe, đỏ lỏm, đỏ lỏn, đỏ hỏn, đỏ lừ, đở ngầu, đỏ nọc, đỏ ối, đỏ tươi, đỏ giọi, đỏ thắm, đỏ điều, đỏ au, đỏ gay, đỏ cạch, đỏ chạch, đỏ ửng, đỏ bầm, đỏ đắn, đỏ hoe, đỏ khè, đỏ khé, đỏ rần, đỏ quạch…; còn nữa: đỏ au au, đỏ hồng hồng, đỏ loen loét, đỏ chon chót, đỏ đòng đọc, đỏ như son, đỏ hon hỏn, đỏ quành quạch, đỏ như gấc, đỏ lòm lom…; vẫn còn nữa: đỏ như hoa vông, đỏ như râu ngô, đỏ gay đỏ gắt, đỏ như quả bồ quân, đỏ như mặt trời mọc, đỏ như đồng hun, đỏ lơ đỏ lưỡng v.v…

Vách thành cao lắm khó dòm

Nhớ em, anh khóc đỏ lòm con ngươi

Đọc đến câu này, sực nhớ đến câu khác:

Cá trong lờ đỏ hoe con mắt

Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô

Tạm liệt kê đến đây, tạm đủ chất liệu cho bài viết Lắt léo tiếng Việt khi bàn về ngữ nghĩa của màu đỏ. Đã đỏ ắt có đen. Lâu nay, câu thơ Kiều: “Tuồng chi hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Hiểu thế nào về “con đen” trong câu thơ này? Không riêng gì cụ Đào Duy Anh, nhiều bản Kiều đã in đều giải thích: “Con đen: Chỉ người dân đen, người khờ dại, liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghèo khổ trần trụi”. Trong ngữ cảnh của câu thơ trên, xem ra không hợp lý. “Hoa thải hương thừa”, ai cũng hiểu nhằm chỉ loại đàn bà con gái không ra gì, không còn tiết hạnh như bông hoa đã hết “date”, bỏ đi, chẳng ai thèm ngó ngàng gì tới nữa. Đã thế, còn mượn  màu son phấn để đánh lừa “người dân đen, người khờ dại” à? Vô lý, sao không đánh lừa kẻ giàu sang, phú quý, quyền cao chức trọng để kiếm chút cháo có hơn không, chứ với “con đen” thì được nước nôi gì?

Suy luận như thế có đúng không? Đúng lắm. Bằng chứng từ điển của ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Con đen: con ngươi, tròng đen”. Thế thì, “Mượn màu son phấn đánh lừa con đen” là đánh lừa con mắt nhìn của người khác, bất luận người đó là ai. Và nó cũng chẳng liên quan gì đến “con đen” theo nghĩa chỉ hạng dân nghèo hèn.

Tiếng Việt rắc rối quá.

Sáng nay, tranh luận với người bạn về địa danh chợ Cây Da Sà. Viết Sà hay Xà? Mà khổ nổi “sà” hay “xà” đều có nghĩa. Sà: nó được đặt tên là do nhánh da trĩu xuống, lả xuống, sà xuống; xà: có thể hiểu cây đa đó có nhiều rắn. Vậy đâu là đúng? Gọi điện thoại hỏi vài anh em, mỗi người trả lời một phách. Chỉ có cái điện thoại đã nối mạng internet, thôi, bèn nhờ cậy ông Google. Nào ngờ trên mạng cũng không thống nhất, “sà” và “xà” loạn xà ngầu.  Vì thế, bèn quay về nhà lật sách xem sao.

Rằng, phải “sà” mới là đúng.

1. Cây đa mọc ở chợ, (nên mới “chết tên” chợ Cây Da Sà), nếu nó nhiều rắn, chắc chắn thiên hạ đã đốn mất tiêu rồi, làm quái gì còn tồn tại nữa?

2. Đọc lại Gia Định phong cảnh vịnh của cụ Trương Vĩnh Ký (1882) có câu: “Cây da Thằng Mọi/ Coi bán đủ thuốc xiêm, cầu mít”, chú thích: “Cây da Thằng Mọi là chợ ở thân trong chợ Điều Khiển, thân ngoài Nước Nhỉ, đường vô Chợ Lớn”. Chợ ấy lối cây da có họ bán hình thằng Mọi bằng đất bưng thắp đèn”; lại còn thêm câu này nữa: “Trên cây Da Còm nỡ để ông già gùi đội” (chú thích: Chợ Da Còm, đường Chợ Lớn ra Bến Thành, chợ ở ngoài Chợ Dũi”. Nhưng tại sao gọi “Da Còm”? Cụ Trương Vĩnh Ký không giải thích. Bèn tìm đọc Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển, có đoạn: “Chợ Da Còm tức là chợ nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất” (SĐD, Khai Trí XB năm 1968-tr.142). Qua hai thí dụ trên, có thể rút ra: Từ những gì đã thấy, cụ thể từ hình thể của hai cây da trên mà người ta gọi luôn cho dễ nhớ. Chứ chẳng phải vì có “xà”, có rắn gì ở đây cả.

Nói quả quyết thế, vẫn chưa yên tâm, vì chỉ là sự suy luận. Bèn lật quyển Sài Gòn đất và người (NXB Tổng hợp TP.HCM - 2015) của anh bạn Nguyễn Thanh Lợi xem sao? Anh giải thích: Cây da ở đường Bà Hom (quận 6), trước mặt chợ Phú Lâm mới, vốn là cây da sà (da si, ngừa) bị đọc chệch thành cây da sà. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chấp, 75 tuổi, thư ký đình Nghi Hòa, ngụ cư đã 4 đời thì trước đây, ở gần ngã tư Cây Da Sà có một cây da tuổi ước mấy trăm năm. Cây da này rất lớn, đường kính cũng phải vài người ôm, tàng cây phủ rộng vài chục mét, có nhiều nhánh sà xuống. Trong đó, có một nhanh mà rễ cái của nó đường kính đến một người ôm. Bên dưới có ngôi miếu Ngũ Hành. Năm 1956, cây da này chết và ngôi miếu theo đó cũng sụp đổ (SĐD, tr.53).

Cách lý giải có khác nhau, nhưng rõ ràng gọi Cây Da Sà là chính xác. À, trên Google/ maps cũng ghi Chợ Cây Da Sà.

Tiếng Việt rắc rối quá.

Chiều hôm qua, đọc trên Facebook của anh bạn Vương Công Đức, tác giả Trảng Bàng Phương chí có thông tin này cũng lý thú không kém: “Tối qua, tình cờ xem bộ phim tài liệu "Lịch sử biển đảo VN" chiếu trên đài Truyền hình VTV2, phim có chạy chữ tiếng Anh dịch cho nội dung phim và phần phát biểu của ông anh thân thiết - nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi diễn giải về phong tục thờ cúng Cá Ông ở Cần Giờ và Phan Thiết. Không biết nghĩ sao mà nhà đài VTV2 dịch chữ "xin keo" trong tập tục cầu khẩn thần linh của ngư dân ở Cần Giờ được sang tiếng Anh là "ask glue". Theo đó ask tức là xin, còn glue là keo, hay keo dán (chẳng hạn như keo dán sắt 502 vậy)! Thế chẳng khác nào xin keo có nghĩa là đi "xin miếng keo dán" vậy(?).

"Theo ý nghĩa chữ keo trong dân gian, keo có nghĩa đen là lần, lượt... ví dụ như "thua keo này, bày keo khác", hoặc có nghĩa đen khác: con keo tức miếng gỗ nhỏ; còn nghĩa bóng là cơ hội, sự cho phép... Vì vậy không biết các bạn giỏi tiếng Anh dịch như thế nào, chứ theo tôi nên dịch theo nghĩa cảnh là "ask a permission" hoặc "ask a chance"... (Nnói thêm: xin keo trong tập tục dân gian (thường làm ở đình, chùa, đền, miếu...) là việc cầu khẩn thánh thần cho phép làm một việc gì đó quan trọng bằng cách người xin cầm 2 miếng gỗ nhỏ có 2 mặt khác nhau tượng trưng Âm Dương tung lên rớt xuống, nếu một sắp một ngữa (một Âm một Dương) là đặng (được), còn nếu cả 2 cùng sắp (Dương) hay cùng ngữa (Âm) là không đặng. Riêng nếu cả 2 cùng ngữa thì có thể xin lại keo khác, vì thánh thần chưa rõ ta muốn gì hay thử thách sự kiên trì của người xin)".

Nhân đây, xin bổ sung, "xin keo" còn gọi "xin âm dương". Ngoài miền Trung, chẳng hạn, ở nhà y không dùng "2 miếng gỗ nhỏ có 2 mặt khác nhau tượng trưng Âm Dương", đơn giản hơn, chỉ dùng 2 đồng tiền kẽm ngày xưa, giữa có lỗ hình vuông, bôi vôi trắng  vào 1 mặt của 2 đồng tiền đó để sử dụng lúc "xin keo".

Tóm lại. Ơ hay, câu chuyện đang hay kia mà, sao lại "tóm lại"? Nhưng "tóm lại" cái gì vậy Q?

Thưa, bàn chuyện chữ nghĩa lằng nhằng trong trong lúc cà phê cà phê cà pháo, cà kê dê ngỗng, con cà con kê, tóm lại bao giờ cũng có sự lý thú của nó.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà