LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.2.2016

Array In Array


tap-chi-nghien-cuu-han-nom-1R

 

Vàng tuy trời chẳng trao tay

Bình an hai chữ xem tày mấy muôn

…Từ xa xưa, Nguyễn Trãi đã viết trong Gia huấn ca hai câu thơ trên để thấy rằng bình an là điều đáng quý như thế nào. Vì vậy người Việt gặp nhau trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn thường chúc nhau “Bình an”, “An khang”… Thậm chí ngày thường, câu cửa miệng cũng là chúc nhau “An toàn”, “An lành”, “An nhiên tự tại”… (Thư Ban Biên tập - Báo Tuổi Trẻ số Tất niên 4.2.2016, tr.1). “Gia huấn ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) là một tác phẩm có nội dung khuyên dạy những người thân trong gia đình, học trò, về cách ăn ở cư xử ở đời…” (Chuyện ẩm thực trong thi văn ngày trước - Kiến Thức Ngày Nay số Xuân 2016, tr.62). Như một sự mặc định lâu nay, hễ nói đến Gia huấn ca, mọi người lại gán cho Nguyễn Trãi. Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu đã có những ý kiến “nói khác” và chứng minh rằng, Nguyễn Trãi không phải là tác giả Gia huấn ca.

Có lẽ, người trước nhất lên tiếng nghi ngờ là học giả Hoàng Xuân Hãn, trong Thi văn Việt Nam (1951), ông đặt vấn đề: “Tuy nhiên, các chữ cổ, thường thấy trong những bài chắc chắn soạn đời Lê, ở đây thấy rất ít. Vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười. Không biết những trò chơi ấy đã có đời Nguyễn Trãi hay chưa? Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời tục truyền rằng tập gia huấn này là của Nguyễn Trãi. Nếu thật là của ông soạn ra, thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau, và nhất là đời Nguyễn, đã làm cho phần văn cổ đã bị chữa đi nhiều rồi".

Vậy ai là tác giả Gia huấn ca?

Câu hỏi lý thú này, trên tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm - 1984 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu cho biết: “Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm”. Có thể tóm tắt, ông Lâu đã tìm được văn bản chép tay, ký hiệu AB.532. “Điều đáng chú ý là bản nay còn giữ lại được lời ghi chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách”. Từ những thông tin này, “cho chúng ta biết: 1. Tên của tác phẩm này (tức là bài thứ nhất trong Gia huấn ca)Phụ châm; 2. Phụ châm được tác giả sáng tác dựa trên những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ”. Ai viết Phụ châm? Nguyên tự không nêu tên tác giả. May quá, trong lời Bạt cho biết Phụ châm là sáng tác của Yên Thái Tôn sư. Vị thầy tôn kính ở Yên Thái là ai? Về địa danh Yên Thái, Hà Nội có phường Yên Thái, nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hóa, Sơn Tây cũ, Nam Định cũng có địa danh Yên Thái; hoặc An Thái. An hoặc Yên cùng là 2 âm đọc của một chữ.

Chưa thể có câu trả lời dứt khoát.

Ông Lâu lại tiếp tục tìm kiếm các tài liệu khác. Ông tìm được hai văn bản có tên Xuyết thập tạp ký. Một bản ký hiệu A.1792. Một bản ký hiệu AB.132. Theo nhà thư mục học số Một của Việt Nam, cụ Trần Văn Giáp, tác giả Lược truyện các tác gia Việt Nam, Thư mục Hán Nôm khẳng định là tác giả Xuyết thập tạp ký là Lý Văn Phức (1785-1849). Văn bản ký hiệu A.1792 bị loại “vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong Xuyết thập tạp ký”. Văn bản ký hiệu AB.132 ngay trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: “Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi”; phần Phụ châm được chép cuối sách có tên Phụ châm tiện lãm, ghi rõ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn”. Hồ Khẩu là địa danh. Ông Lý ở Hồ Khẩu là ai? Chính là Lý Văn Phức, người  làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). “Điều này hoàn toàn phù hợp với lời của bài Bạt trong Cảnh phụ châm, ký hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư”.

Được biết, Hồ Khẩu và Yên Thái là hai làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái. Theo ông Lâu, Lý Văn Phức (1785-1849) đã viết Nhị thập tứ hiếu, Phụ châm và một số tác phẩm chữ Hán là lúc đang dạy học ỏ đây.

Sự việc đã rõ ràng. Vấn đề đặt ra vì sao Phụ châm của Lý Văn Phức lại "nhảy" vào Gia huấn ca và ghi tên tác giả là Nguyễn Trãi. 1. Sách cũ có nói Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca, đời sau, có người tưởng rằng Phụ châm kia chính là Gia huấn ca nên đã sưu tầm, sắp xếp và lấy tên chung là Gia huấn ca? 2. Cũng có thể là một "ngụy thư" - nhằm gán cho Nguyễn Trãi? Nhắc lại rằng, Nam phong tạp chí số 48 (1921) từng "phát hiện" và in nhiều kỳ Lĩnh Nam dật sử, đề là tác phẩm của danh tướng Trần Nhật Duật. Sau đó, bổn báo phải có bài cãi chính trên số báo 53. "Râu ông nọ cằm bà kia" là chuyện thường tình trong văn học sử. Chẳng hạn, bài thơ Bán than: "Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn/ Hỏi chi bán đó, dạ rằng than/ Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt/ Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn/Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem sắt đá có bền gan/ Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác/ Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn" được gán cho danh tướng Trần Khánh Dư. Dù rằng, với các chứng cứ trên, đâu phải ai ai cũng “tâm phục khẩu phục” nhưng từ sự nghi ngờ của học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn Gia huấn ca không thể ra đời từ thời Nguyễn Trãi. Xin nêu một ví dụ về từ ngữ đặng chứng minh cho ý kiến của Hoàng Xuân Hãn. Ông Nguyễn Dư, tác giả Khơi lại dòng xưa (NXB Lao Động) trong bài viết Đi tìm tác giả Gia huấn ca, có đoạn:

“Đua chi chén rượu câu thơ

Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao

Chữ "Lào" được dân ta dùng từ thời nào? (…) Sách Dư địa chí (1438) của Nguyễn Trãi chép: "Biển cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa. Ở vùng ấy đất thì đen, mầu mỡ, hợp với trồng thuốc hút và thứ tiêu hạt to; ruộng thì vào hạng trung trung. Điện Bàn có trĩ vàng. Sa Bôi có chè lưỡi chim sẻ. Hải Lăng có thỏ lông trắng. Thuốc hút (chỉ dược) là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút" (Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 234). Đầu thế kỉ 15, nước ta có trồng cây thuốc hút (chỉ dược). Nguyễn Trãi không nói tới thuốc lào.

Cây thuốc hút của Nguyễn Trãi có phải là cây thuốc lá hay thuốc lào ngày nay không?

Lê Quý Đôn cho biết: “Sách Thuyết Linh chép: Thuốc lá (yên diệp) sản xuất từ đất Mân. Người ở biên giới bị bệnh hàn, nếu không có thứ này thì không trị được. Vùng quan ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá. (...) Cây thuốc lá sản xuất ở Lữ Tống (Phi Luật Tân) vốn tên là Đạm ba cô (tobacco). (...) Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh Tí tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông (...) người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: "Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá". Năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hoả hoạn. Lâu dần lệnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường" (Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn Hoá Thông Tin, 1995, tập 3, tr. 158-159).

Theo Lê Quý Đôn thì cây thuốc lá được người Ai Lao đem vào nước ta năm 1660, nghĩa là hơn 200 năm sau khi Nguyễn Trãi chết”.

Đọc tài liệu cũ, biết thêm đôi chút điều gì đó, cũng là cái thú vậy. Những ngày này, chỉ một hai ngày nữa là Tết rồi, trong lòng chộn rộn, thư thái với cảm giác nghỉ ngơi, không bận rộn gì. Hôm qua đã mua về nhà hai chậu hoa vạn thọ. Mẹ y thích ngắm nhìn sắc màu vàng chanh; hoặc vàng nghệ của loại hoa có cái tên dân dã, bình dị ấy.

Sáng nay, thức dậy sớm. lại đọc lai rai một cái gì đó.  Đọc và dừng lại ở từ “mỗ”. Sở dĩ quan tâm, vì đồng nghiệp N.K.L đang ký bút danh này. Lâu nay, ai cũng biết “mỗ”: 1. tôi, ta, tiếng tự xung: “như mỗ đây”; 2. tiếng dùng để chỉ người, nơi, vật không rõ tên cụ thể: mỗ xứ, mỗ danh. Đại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam giải thích rành ràng. Đố mà cãi.

Thế nhưng khi đọc thơ văn cổ, khi gặp từ “mỗ” lại không thể hiểu theo nghĩa đó. Khi khảo sát thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã giải thích “mỗ” (từ cổ) theo nhiều nghĩa, xin lược ghi: 1. thường đứng trước danh từ phiếm chỉ, nọ, nào đó, chỉ người hay sự vật nào đó chưa biết một cách rõ ràng xác định. “Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa/ Động tĩnh nào ai chẳng phải sày”; 2. trỏ đối tượng đã nhắc đến, hoặc đối tượng mà ai cũng biết đến. “Ở thế những hiềm qua mỗ thế/ Có thân thì sá cốc chưng thân”, mỗ thế: cuộc đời này; 3. ngôi tự xung, ta, có thể là chủ ngữ, cũng có thể làm tính từ với nghĩa “của ta”. “Phú quý chẳng tham thanh tựa nước/ Lòng nào vạy, mỗ hây hây”; 4. trỏ số lượng nhỏ, chút, mảy may. “Từ ngày gặp hội phong vân/ Bổ báo chưa hề đặng mỗ phân”; 5. một. “Trúc thông hiên vắng trong khi ấy/ Nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm”.

Trước đây, trên tạp chí Hán Nôm (số 1.1988), nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí cũng đã có bài biết Tìm hiểu nghĩa của từ “mỗ”. Điều thú vị của bài viết này, tác giả đã khảo sát Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập, Hồng Đức - Quốc âm thi tập, Thiên Nam ngữ lục để chọn ra các câu có từ “mỗ”.  Những ai muốn biết tần số từ “mỗ” xuất hiện cụ thể ra làm sao, hãy tìm đọc số tạp chí trên.

Tắt bàn phím thôi. Tết rồi. Xuống phố thôi. Chẳng lẽ cứ ngồi nhà rị mọ với chữ nghĩa mãi sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà