LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.1.2016

quoc-tu-hoa-quoc(nguồn: Báo Tinh Hoa Việt số XUÂN 2016)

 

Thời gian này, báo Xuân, báo Tết đã phát hành lai rai. Khó có thể đoán định, tờ báo nào bán chạy nhất, bạn đọc yêu thích nhất. Đầu năm 2016, cụ thể, ngày 9.1, Đường sách Nguyễn Văn Bình chính thức khai mạc. Từ ngày 25.1.2016 đến ngày 31.1, tại đây, Sở Thông tin và truyền thông phối phợp cùng Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức Triển lãm báo Xuân năm Bính Thân. Cũng trong dịp này, Thư viện Tổng hợp TP.HCM còn cung cấp tư liệu, thực hiện triển lãm Báo xuân xưa.

Trưa nay, như thói quen, sau cơm trưa lại đọc báo. Dừng lại với bài viết “Phạm Cao Củng  - thuở vào nghiệp văn” của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân, in trên ANTG số  173 (1.2016). Cứ theo đó, thời “tiền chiến” độc giả rất khoái đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Nguyên bản in ấn tại Hong Kong, dịch giả nước ta dịch lại. Thuở đó, chưa có Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. "Thấy người ta ăn klhoai, mình cũng vác mai đi đào, nhà văn Phạm Cao Củng cũng  nhào vô. Từ đặt tên, hỗn danh của nhân vật đến các thế võ bí truyền, kể cả văn phong ông "nhại" theo cũng rất… Tàu. Mỗi tập kiếm hiệp thời đó in chỉ 16 trang, giá bán 3 xu/ tập, phát hành hàng tuần. Nói tóm lại, “Tiểu thuyết ba xu” chắc chắn cụm từ này của người Việt. Nó ra đời vào lúc nào? Ra đời trong thập niên 1930 là nhằm chỉ loại sách viết nhanh, viết vội, đọc giải trí, đọc xong rồi bỏ, do đó, tác giả bịa ra bút danh nào đó vì không dám chường mặt ra.

Sau năm 1954 tại miền Nam, tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi truyện “chưởng” cũng "làm mưa gió trên" mặt báo miền Nam.

Cụ thể vấn đề này như thế nào?

Tham khảo Báo chí tập san (số 1 phát hành Xuân 1968 tại miền Nam) có bài viết của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh - Tổng thư ký Việt Tấn xã của chính quyền Sài Gòn, là ký giả chuyên viết bình luận thời sự cho các báo Dân Chủ Mới, Thần Chung, Trắng Đen, Sống Mới...; và một vài tài liệu khác, thu thập được vài thông tin đáng tin cậy:  Khoảng năm 1959-1960, lần đầu tiên tờ Dân Nguyện của ông Hà Thành Thọ đăng nhiều kỳ tiểu thuyết Lam y nữ hiệp, do một một độc giả tình cờ đọc được, thấy hay nên dịch gửi đăng báo.  Loại truyện kiếm hiệp này, giới xuất bản ở Hong Kong gọi là “võ hiệp tân trào” - nhằm phân biệt với loại “cựu trào” đã xuất bản trước thời Thế chiến thứ II.

Loại "cựu trào" từng dịch và in trên báo chí Việt Nam, có thể kể đến Càn Long du Giang Nam, Giang hồ kỳ hiệp, Hỏa thiêu Hông Liên tự v.v... Riêng Bồng Lai hiệp khách rất nổi tiếng thời "tiền chiến" do ông Lý Ngọc Hưng dịch, có lẽ là phóng tác. Thế nhưng, khi Phạm Cao Củng xuất hiện (ký bút danh Văn Tuyền) với bộ Lục kiếm đồng, đúng như đồng nghiệp Ngô Kinh Luân cho biết: "Danh tiếng của bộ truyện này vang rền từ Nam chí Bắc, ăn khách hơn cả những bộ kiếm hiệp Tàu được chuyển ngữ xịn". Tại sao như thế? Hãy nghe ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh lý giải: "Thật ra, kỹ thuật... phi kiếm của Văn Tuyền (Phạm Cao Củng) có lẽ không hơn gì kỹ thuật nội công của ông Lý Ngọc Hưng nhưng bộ Lục kiếm đồng bỗng dưng được ưa chuộng là vì anh Văn Tuyền đã biết đưa sắc màu "diễm tình" vào tiểu thuyết của anh. Bộ Lục kiếm đồng đúng là "truyện Tàu của Việt Nam" nhưng lại hay hơn ở điểm chẳng những có phi đao phi kiếm mà còn có những chuyện yêu nhau theo trào lưu mới" (SĐD, tr,75)

Khi tờ Dân Nguyện, đăng từng kỳ Lam y nữ hiệp, vì mới và lạ nên lập tức độc giả đón đọc, khen hay. Thấy ăn khách, một tờ báo ở Sài Gòn hồi đó liền kêu ngay dịch giả cuốn Lam y nữ hiệp về với họ, bằng cách giản dị là trả tiền nhuận bút cao hơn tờ Dân nguyện. Rồi trên tờ báo nọ bỗng xuất hiện một tiểu thuyết võ hiệp Lã Mai nương - cuốn này còn thành công hơn Lam y nữ hiệp, độc giả càng khoái hơn nữa. Lập tức, loại truyện này bắt đầu rộ lên ở báo chí miền Nam để câu khách. Liền đó, hai dịch giả thuộc loại “cao thủ võ lâm” tạo được tên tuổi là Tiền Phong - thường gọi là “Sìn Phoóng”, một nhà văn có tuổi và là người Minh hương, đọc chữ Tàu nhanh như chớp; và Tam Khôi, một dịch giả trẻ nhưng giỏi về Hán tự.

Thật ra, Tiền Phong là người đi trước nhất, vì từ trước ngày làng báo Sài Gòn bắt đầu có chuyện “chưởng”, ông đã đọc nhiều tiểu thuyết võ hiệp ở Hong Kong gởi sang, nhưng đọc giải trí, lúc vui kể lại cho vợ con và vài người bạn thân nghe, chớ không vì mục đích dịch để kiếm tiền. Thấy Lam y nữ hiệp và Lã Mai nương múa kiếm trên làng báo, ông Tiền Phong sẵn máu nghệ sĩ, liền dịch luôn hai ba bộ tiểu thuyết Tàu mà mọi người đánh giá là hay nhất, trong đó có bộ Bích huyết kiếm của Kim Dung, cho in trên tờ Đồng Nai.  Thấy Tiền Phong dịch Bích huyết kiếm, Tam Khôi liền chọn một bộ khá dài cũng của Kim Dung để dịch. Đó là bộ Anh hùng Xạ Điêu, đăng trên tờ Dân Việt.

Từ đó, tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung bắt đầu tràn ngập làng báo Sài Gòn.

Trong hồi ký Mười năm làm báo, nhà báo Vũ Mộng Long có cho biết những chi tiết khá bi hài: “Có báo sắp chết nhờ Cô gái Đồ Long mà hồi sinh anh dũng. Khi Cô gái Đồ Long, bộ cuối cùng của trường thiên Ỷ thiên kiếm, Đồ Long đao chấm dứt (trường thiên này gồm ba bộ: Anh hùng Xạ Điêu (đăng ở Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (đăng ở Báo mới)  và Cô gái Đồ Long (đăng ở Đồng Nai) thì làng báo Việt Nam khai thác trường thiên tiểu thuyết Thiên long bát bộ cũng của Kim Dung. Nhưng tên truyện của Kim Dung được “đặt lại” cho mỗi báo. Báo thì A Tỷ Kiều Phong, báo thì Lục mạch thần kiếm, báo thì Cô Tô Mộ Dung.

Ngày ông Trần Ngọc Huyến giữ chức Thứ trưởng thông tin đặc trách báo chí, liền ra tay cấm nhật báo không được đăng truyện kiếm hiệp. Mỗi nhật báo chỉ được đăng một “phơi ơ tông” cây nhà lá vườn. Ông Huyến muốn làm cách mạng báo chí và đặt báo chí vào đúng vị trí thiêng liêng của nó. Nhưng ông Huyến bị văng mất chức rất sớm và Tổng trưởng Phạm Thái nắm lại quyền hành, “phá” ông Huyến bằng cách tung hê tiểu thuyết Tàu, Tây, Ta cho làng báo. Kết quả là nhà văn Kim Dung thao túng nhật báo miền Nam trong những thập niên 1960-1970. Báo Chính Luận cũng nhào vô khai thác. Đến nay chỉ có nhật báo Đuốc Nhà Nam là không đăng tiểu thuyết kiếm hiệp.

Hiện tượng tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung xâm lăng nhật báo miền Nam đẻ thêm một hiện tượng kỳ quái  sau đây: Nhật báo Xây Dựng “ngứa ngáy” cho đăng Tàn chi lệnh do Tam Khôi dịch. Người dịch khôn ngoan không chịu tiết lộ tên tác giả nên không ai biết Tàn chi lệnh đã in thành sách, bán ở vỉa hè Chợ Lớn! Dịch giả Lã Phi Khanh vớ được cuốn Lệnh xé xác, thấy có vẻ hợp với độc giả Tia Sáng nên dù nó rất ngắn, bèn được Lã Phi Khanh nối tiếp dài dài, vô tận... Rồi ông Lã Phi Khanh bỏ Tia Sáng, đem Lệnh xé xác sang Thời Đại. Thế là báo Tia Sáng đã cử một dịch giả “sáng tác” tiếp theo. Trên hai nhật báo, hai ”bản dịch”... đối lập nhau và cả hai dịch giả đều nhận mình dịch đúng nguyên tác, bản dịch của người kia là giả mạo! Ngoài Kim Dung, nhiều tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Hồng Kông, Đài Loan xuất hiện tấp nập (Tuần báo Tuổi Ngọc số 27 ra ngày 25.11.1971).

Còn nhớ ngày nhà báo kỳ cựu Phan Nghị còn sống, năm đó đã 80 xuân, là nhân chứng sống của báo chí miền Nam, y có hỏi về các chi tiết vàu nêu trên. Ông Ngị đồng tình và phát biểu: “Thời ấy, với các nhật báo, tầm quan trọng của Kim Dung còn hơn cả... sự thay đổi nội các. Người ta mê Kim Dung tới mức độ bữa nào không đăng tiếp truyện Kim Dung là ăn mất ngon. Các trí thức khoa bảng trước đây chỉ thích đọc báo Tây, nay cũng phải mua báo Việt để đọc Kim Dung. Quả là một hiện tượng lạ!”. Điều đáng nói là từ hiện tượng trên, một số nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung đã thâm nhập vào lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Chẳng hạn, câu hát bình dân: “Có cô gái Đồ Long xóc bầu tôm cua cá...” hoặc câu nói “tẩu hỏa nhập ma”, “tiếu ngạo giang hồ”, “cái bang đại hiệp”, “cho một chưởng” v.v...

Chi tiết đáng lưu ý vừa kể trên là gì?

Với y, đó là cái tài làm mài mại, na ná, nhại theo của người Việt, kể cả chuyện sáng tác tiểu thuyết kiếm hiêp. Khoảng năm 1972, khi tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Giao đang ăn khách, lập tức xuất hiện nhiều tác phẩm ăn theo mà báo chí thời đó gọi là “Quỳnh Giao giả”. Rồi sau này, khoảng thập niên 1980-1990 khi tư nhân có quyền tham gia thị trường sách, lập tức một loạt truyện kiếm hiệp đã ra đời, tất nhiên do nhà văn Việt Nam viết nhưng cứ độc giả lầm tưởng dịch từ truyện Tàu. Giỏi thế là cùng. Cái giỏi này cũng là cái sự láu cá, khôn vặt của người Việt. Trong tình huống nào, họ cũng có thể luồn lách, lươn lẹo, sử lý uyển chuyển, linh hoạt miễn khỏe cái thân. Thì đây, ông đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier, đã có chừng 30 năm công tác tại Việt Nam, với tất cả những gì đã trải nghiệm, đã quan sát ông có đưa ra nhận xét đánh lưu ý về tính kỷ luật của người Việt. Ông nói: “Ví dụ, một dây chuyền cần 15 thao tác, nhưng nếu không giám sát, người Việt Nam lập tức “sáng tạo” để rút bớt các công đoạn, chỉ làm 8-9 quy trình. Trên thực tế, các công ty lớn đã nghiên cứu rất kỹ, mỗi quy trình phải có ý nghĩa nhất định mới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu người Việt không tuân thủ thì sản phẩm làm ra không đạt chuẩn quốc tế”. Thế à? Làm gì có ông đại sứ nào lại nói thẳng đuột, nói huỵch toẹt ruột ngựa thế kia? Không tin à? Nếu thế cứ lật tờ báo Lao Động Xuân 2016, tìm trang 12 đọc đi nhá!

Mấy hôm nay, thời tiết thất thường. Dẫn lại nguồn tin AFP, Báo Thanh Niên cho biết: Bão tuyết làm tê liệt miền đông nước Mỹ, 15 người chết, trên 4.400 chuyến bay bị hủy, các sân bay ở New York, Philadelphia, Washington và Baltimore ngừng hoạt động. Chính quyền Washington và New York ban hành lệnh cấm đi lại. Các cơ quan khí tượng dự báo đợt bão tuyết, được mệnh danh "Snowzilla" có lượng tuyết dày 56 cm ở Washington, trở thành một trong những đợt bão tuyết nghiêm trọng nhất kể từ năm 1869 (TN số ra ngày 23.1.2016). Điều đáng ngạc nhiên là lần đầu tiên trong lịch sử, tại Thủ đô Hà Nội lại có tuyết rơi! Theo Báo điện tử Motthegioi: “Từ đêm qua (23 giờ ngày 23.1) nhiệt độ tại Hà Nội đã xuống dưới 4 độ C. Và tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) đã có tuyết rơi, tuy không dày như ở các khu vực Sa Pa, Lào Cai, Lạng Sơn”. Kiểm chứng từ nhiều nguồn khác,  thông tin trên chính xác. Từ hôm 22.1.2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn về việc cho học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Các em được nghỉ học vào ngày 25.1.2016. Trong khi đó, Sài Gòn vẫn nóng bức như mọi ngày.

Những ngày này, y đang làm gì?

Thì vẫn dõi theo  vở tuồng Đào kép mới của nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan, viết xong vào ngày 5.8.1936 tại Hà Nội. “Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói: "Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng" (...). Nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song, chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment