LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.1.2016

Array In Array

hoangsa1

Giấy chứng tử quân nhân Phạm Ngọc Đa - Ảnh: Gia đình cung cấp (nguồn: Thanh Niên Online)

 

Nếu chọn lấy một sự kiện quan trọng nhất, phản ánh đúng tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc từ sau ngày 30.4.1975 đến nay, chọn gì? Đừng quên, chính tinh thần đó, đã là động lực thúc đẩy hàng triệu con dân nước Việt lao vào cuộc chiến tranh xương máu vì sự nghiệp Thống nhất Tổ Quốc. “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Đã có hàng hàng lớp lớp con người sống và chết trong tâm thế vẽ vang đó, họ hoàn toàn không nghĩ gì khác, không lường hết trước những gì sẽ xẩy ra sau đó. Đôi khi bi kịch của một dân tộc lại phản ánh qua bi kịch của từng cá nhân.

Còn nhớ, cách đây hai năm, lúc 9g ngày 14.3.2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức một cuộc gặp gỡ “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tại Đà Nẵng. Cuộc gặp này chính thức khởi động chương trình tìm kiếm, chia sẻ, kết nối và giúp đỡ vật chất, tinh thần cho thân nhân, gia đình hậu duệ các hùng binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, từ thời các chúa Nguyễn, đến các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa, bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, cùng những liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, trong trận chiến chống Trung Quốc xâm lược.

Trở lại với câu hỏi trên, chọn lấy sự kiện quan trọng nhất ắt mỗi người có một sự lựa chọn, tùy theo góc nhìn, quan điểm chính trị v.v… Với y, chỉ có thể là sự kiện vừa diễn ra: Lúc 10h ngày ngày 17.1.2016, LĐLĐVN đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại núi Thới Lới, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó chính là “tượng đài của lòng dân”. Là biểu tượng của tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Lẽ ra tinh thần đó, tinh thần đoàn kết toàn dân mà ông cha từng dặn dò: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” phải được thể hiện từ chủ trương, chính sách cụ thể ngay sau ngày Thống nhất đất nước. Nhưng rồi. Mà thôi, nhắc lại làm gì. Dẫu muộn màng mà vẫn có, còn hơn không có. Mở ngoặc, nói thế thôi, các giá trị như nó vốn có thì không một quyền lực nào có thể xóa bỏ được. Đóng ngoặt.

Lần đầu tiên, danh sách 74 binh sĩ của Việt Nam Cộng hòa được báo điện tử Thanh Niên Tuổi Trẻ công bố. “Thanh Niên Online vừa nhận được thông tin từ gia đình một quân nhân hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa: “Gia đình chúng tôi có người mất trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, nhưng không thấy có tên trong danh sách. Thân nhân là Phạm Ngọc Đa, số quân là 71703011, phục vụ trên tàu HQ-10 (Nhật Tảo) với cấp bậc là trung sĩ. Trung sĩ Phạm Ngọc Đa không trực tiếp thiệt mạng trong trận chiến mà chết trong quá trình trôi dạt trên biển ba ngày sau khi tàu HQ-10 chìm  (22.1.1974)”. Như vậy danh sách lên đến 75 người.

Thêm một điều cảm động, hiện nay trên các mạng xã hội đã share “Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 17, 19 tháng Giêng năm 1974”. Văn tế này do Nguyễn Phúc Vĩnh Ba (Huế) soạn ngày 18.1.2014, toàn văn như sau:

Hỡi ơi!

Nhẹ tựa lông hồng; Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng; Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương; Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,

Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi; Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong; Bày một lễ thâm tình cung bái.

Nhớ các anh xưa,

Tuổi trẻ thanh xuân; Khí hùng chí đại.
Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường;  Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.
Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi. Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.
Từ Chúa Nguyễn sách văn (1) chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn; Đến Pháp Thanh công ước (2) còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.
San Francisco hội nghị (3), mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng; Việt Nam Quốc gia chính quyền (4), vui xiết kể, đón sơn hà trở lại.

Thế nên,

Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn; Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.
Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan; Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.
Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời; Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Có ngờ đâu,

Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian; Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.
Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo5, xây đồn đắp lũy đó đây; Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.
Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật (6),... giặc đã nuốt tươi; Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh (6),.. chúng đang xơi tái.
Lửa hờn bốc tận thanh vân; Khí uất tràn đầy thương hải.
Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng; Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.
Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha; Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư (7) né né tiễn lôi lèo lái.
Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài” (8); Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi” (9)

Thế nhưng,

Lực bất tòng tâm; Thiên dung vô lại (10).
Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng; Ta mất thế thượng phong, này sóng dữ, này đá ngầm, biển rộng đường xa phải trải.
Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn; Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.
Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng; Có ra sao mình cứ liều sống mái.
Đùng đoành trọng pháo nổ thấp cao; Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải.
Ngụy Văn Thà (11) trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y; Lý Thường Kiệt (12) lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.
Khói mù tàu giặc cháy bốc lên; Pháo nổ thuyền mình câu vọng lại.

Thương ơi!

Thế lực không cân; Thời cơ cũng trái.
Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm; Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.
Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già; Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.

Công các anh,

Tổ quốc thề không quên; Toàn dân nguyền nhớ mãi.
Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời; Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.
Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn; Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.
Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn; Dân phú túc lúc người luôn thân ái.
Hôm nay.
Sơ sài lời điếu câu văn; Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.
Xót uy linh, xin tượng tạc bia xây; Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.
Mong các anh siêu độ tái sinh; Cầu đất nước dân an quốc thái.

Hỡi ơi!

Xót xa tiếng mất ý còn; Tha thiết lòng phơi ruột trải.
Hồn có linh thiêng; Niệm tình thụ bái.

Có một vài từ ngữ, thông tin lịch sử mà tác giả Văn tế đã giải thích:

(1) Đầu TK 17, Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.
(2) Ngày 9.6.1885: Hòa ước Thiên Tân kết thúc chiến tranh Pháp Thanh. Ngày 26.6.1887: Pháp và nhà Thanh xúc tiến ấn định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa.
(3) Ngày6.9.1951: Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.
(4) Năm 1954 - Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) quản lý.
(5) Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn. (Trần Công Trực)
(6) Tên các hòn đảo bị Trung Quốc xâm chiếm.
(7) Tên bốn chiến hạm tham gia trận hải chiến Hoàng Sa: HQ4 (Trần Khánh Dư), HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ10 (Nhật Tảo), và HQ16 (Lý Thường Kiệt).
(8) Tên bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần được Hạm trưởng HQ4 Trung tá Vũ Hữu San đọc để cổ võ tinh thần binh sĩ trước giờ khai hỏa.
(9) Tức là Trung Nghĩa, bổn phận của người lính.
(10) Trời dung tha phường vô lại.
(11) Thiếu tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng HQ10 Nhật Tảo.
(12) Lý Thường Kiệt là tàu HQ16.

Đến bao giờ những bài văn tế cùng chủ đề như thế này mới được chính thức xếp chung với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chẳng hạn? Nhật ký hôm nay, ghi thêm 2 comment của bạn đọc Thanh Niên Online: "Hồi ức, và quá khứ là một phần sự thật lịch sử, đã là lịch sử thì không được che dấu hay xuyên tạc. Cám ơn quý báo đã ghi lại sự thật về chiến sự này, cũng như cập nhật đầy đủ danh sách các chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc. Đã 40 năm rồi, người dân mới được biết rõ ràng sự thật. Muộn, nhưng có lẽ sẽ an ủi phần nào những thân nhân của những chiến sĩ bảo vệ tổ quốc. Đấu tranh để giành lại Hoàng Sa chính là điều cần thiết lúc này" (Khoa -Nguyễn Huệ); "Tôi đã xem và đã đọc lịch sử về trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, là người dân, đồng thời cũng là Đảng viên Đảng CSVN, cán bộ công chức nhà nước. Riêng suy nghĩ bản thân tôi, dù chế độ chính trị nào nhưng tất cả các quân nhân trong thời VNCH đã tham gia trận Hải chiến này đều xứng đáng được vinh danh, chính các anh đã hy sinh xương máu, bỏ mình giữa lòng biển cả để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là một điều đáng trân trọng và ghi nhận. Lịch sử đã chứng minh không có gì thay đổi Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là chủ quyền của Việt Nam (Phan Nghĩa Bình Nam, Củ Chi)".

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà