LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.1.2016

Array In Array

xoso-1452745924

Dãy số độc đắc Powerball - Ảnh: CBSN

 

Thời gian đi qua nhanh lắm, ngáp chưa kịp khép vành môi, ngậm miệng đã trôi tuột 24 giờ. Càng ngày, càng thấm thía câu này. Câu gì? Một câu trong bài hát nói của Cao Bá Quát: “Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ”. Từ điển Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích “nghịch lữ”: quán trọ, nhà trọ trên đường; và dịch: “Đời người ta trong khoảng trời đất cũng chỉ như thời gian ghé một quán trọ bên đường”. Thế đấy. Đã ở trọ, rồi lại đi. Đi hun hút về cõi hư không. Không dấu vết. Nhớ chưa? Những ngày này, cuối năm Âm lịch nhưng đầu năm Dương lịch. Gió đã thổi về sự nhớ nhung của rơm rạ quê nhà yêu dấu. Tiếng sóng vỗ sông Hàn. Mây trắng Ngũ Hành Sơn. Và những rét mướt thương yêu của mùa xuân tảo mộ. Nhưng rồi, vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Vẫn lao theo công việc của mỗi ngày.

Cà phê nhé? Đọc tờ Tuổi Trẻ sáng nay. Dừng lại với: “Chủ đề của đường hoa năm nay là “TP.HCM hòa bình, hội nhập và phát triển”, được tổ chức suốt cả trục đường phố đi bộ Nguyễn Huệ (từ quảng trường Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TP đến đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng), mở cửa từ 19g ngày 5.2.2016 (27 tháng chạp) đến 22g ngày 12.2 (mùng 5 tết)”. Năm nào cũng thế, cứ “đến hẹn lại lên”. Đôi khi nghĩ lẩn thẩn, tại sao không thực hiện những hạng mục có tính cố định, lâu dài, qua năm sau còn có thể sử dụng lại? Một công trình ngốn tiền tỷ, chỉ “chơi” vài ngày rồi bỏ, sau đó, dọn dẹp sạch sẽ, trả lại không gian thoáng đãng như trước. Rồi qua năm sau lại đổ tiền làm lại từ đầu, tất nhiên, hình ảnh, mô hình có khác tùy theo năm cầm tinh con vật nào của năm đó. Nghèo mà chơi sang là đây chăng?

À, thú vị với thông tin này cũng trên TT sáng nay: “Dân thế giới sốt với giải thưởng 1,5 tỉ USD: Nói chung, cùng với sự hỗ trợ của truyền thông và mạng xã hội, giải xổ số của Mỹ lần này thành công tột đỉnh. Nhưng có lẽ ít người biết rằng trước cơn sốt lần này, các hãng xổ số Mỹ phải vắt óc nghĩ ra cách “dụ” người dân bỏ tiền mua vé số. Báo Los Angeles Times chỉ ra một vấn đề của trò xổ số, đó là người Mỹ càng lúc càng chán với viễn cảnh trúng vài trăm triệu USD. Ví dụ như ở New Jersey hồi năm 2013, khi giải độc đắc chạm mốc 317 triệu USD, dân tình ùn ùn kéo nhau đi mua vé số, đẩy doanh thu lên gấp 4-5 lần bình thường. Cũng với số tiền trúng giải đó vào tháng 2.2015, tiền bán vé số của bang này giảm đi 25%. Đó là tình cảnh chung trên khắp nước Mỹ trước mùa thu năm ngoái. Còn bây giờ giới quan sát lại lo không biết giải độc đắc Powerball có bị đẩy quá xa không, dù đây là một nỗ lực của các bang Mỹ tăng nguồn thu ngân sách cũng như cứu lấy giải Powerball khỏi sự chán ngán. Con số 1,5 tỉ USD rất hấp dẫn dù hầu hết người Mỹ hiểu họ ít có cơ hội chiến thắng”.

Thú thật, trong đời, chẳng bao giờ y mua vé số. Tự dưng có một khoản tiền quá lớn, tiền hợp pháp  (như mua vé số) là phúc hay họa? Cái gì không phải do mồ hôi, nước mắt mà có ắt không bền. Với vụ vé số đang dấy lên cơn sốt, khó trúng đến cỡ nào? Hãy đọc tiếp: “Có người còn tính toán rằng để thoắt một cái trở thành tỉ phú lần này còn khó gấp mấy trăm lần cơ hội tự làm giàu để trở thành tỉ phú! Người Mỹ vốn ưa chính xác nên đã tính mọi thứ bằng các con số:

- Trở thành tỉ phú Mỹ: xác suất 1/575.097.
- Tử vong do sét đánh: xác suất 1/164.968.
- Có chỉ số IQ 190 (tức thông minh hơn cả bác học Albert Einstein): 1/107 triệu”.

Dù khó đến thế, mà thiên hạ vẫn náo nức mua vé số. Thậm chí có người còn tính đến cả mua tất cả những tập hợp số thì sao? “Câu trả lời: phải chi khoảng 584 triệu USD (như vậy là nếu trúng thì vẫn có lời) nhưng vấn đề là để mua tất cả những tập hợp số đó thì phải mất đến... 9 năm trong điều kiện mua mỗi vé chỉ mất 1 giây”.  Chà, chà cũng không "dễ ăn" chút nào. Nhưng với y, thông tin trên đáng quan tâm nhất vẫn là cái tâm lý của con người ta: “Bà Hải Trần kể đọc báo Mỹ hiện cứ loạn cả lên về chuyện giải Powerball. "Chưa biết ai sẽ trúng mà họ cứ bàn đủ thứ trên đời, từ chuyện trúng thì xài tiền như thế nào, rồi nên được tư vấn ra sao để tránh bị quấy rầy, bị đứng tim...”. Thì ra câu chuyện về cô Perrettte (Bê-rét) trong thơ ngụ ngôn La Fontaine đến nay vẫn chưa hề thay đổi. Lúc từ nhà mang sữa ra chợ bán, trên đường đi cô nghĩ sau khi bán sữa, lấy tiền đó mua trứng, trứng nở bầy gà con; bán bầy gà con, mua lợn; vỗ béo lợn, bán lợn mua bò; bò lại đẻ ra bê, chẳng mấy chốc giàu sụ. Chỉ cần nghĩ đến đó:

Cô Bê-rét nói rồi cũng nhảy
Sữa đổ nhào hết thẩy còn chi:
Nào bò, nào lợn, nào dê
Nào gà, nào trứng cùng đi đằng đời
(Nguyễn Văn Vĩnh dịch).

Xôi hỏng bỏng không. Chẳng có gì sất. Mà dù biết chẳng có gì nhưng con người ta vẫn muốn, vẫn luôn nghĩ, luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Không phải ngẫu nhiên, từ hàng trăm năm nay, các truyện thơ Nôm đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người ta ngâm nga, đọc đi đọc lại, bà ru cháu, mẹ kể cho con nghe… từ đời này sang đời nọ, chỉ vì nó “kết thúc có hậu”. Đọc lại truyện thơ Nôm khuyết danh như Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Nữ tú tài, Nhị độ mai, Thạch Sanh, Trê cóc, Quan Âm - Thị Kính, Phương Hoa, Phan Trần… vẫn thấy có chung mô-típ “kết thúc có hậu”. Ngay cả Lục Vân Tiên, Truyện Kiều cũng không đi ra ngoài mô-típ đó. Phải thế thôi. Dù thế nào đi nữa, sau những gió táp mưa sa, trắc trở tình đời, bẽ bàng duyên phận, đòn oan đày đọa gì gì đi nữa, bao giờ người ta cũng tin nó “kết thúc có hậu”.

Sực nhớ lại nơi lăng nọ rất linh liêng đối với cư dân người Sài Gòn, xuân thu nhị kỳ đều có tế lễ, cúng quẩy, xin xăm, xây chầu hát bội… Xin không nêu tên cụ thể. Khoảng thập niên 1990, anh bạn của y - một nhạc sĩ nổi tiếng được Phòng văn hóa thông tin cấp quận phân công phụ trách. Anh em văn nghệ sĩ thường đến chơi với anh. Có khi bàn chuyện sáng tác, có lúc “gài” độ nhậu. Ngày kia, có nhà văn lão lão thành, sau khi đã khật khừ say mới bảo rằng : “Vậy chú mày có muốn nơi này ngày càng đông người đến không?”. Mày, tao là tiếng xưng hô thân mật. Anh liền hỏi: “Bằng cách nào?”.

Như đã biết, sau khi van vái, người xin xăm hai tay cầm lấy ống bằng tre đựng nhiều que xăm, cứ thế mà lắc, hễ cây nào rơi ra trước thì chọn cây đó. Chuyện tương lai hậu vận ứng vào quẻ xăm đó. Trên mỗi cây xăm đều có đánh số thứ tự. Căn cứ vào đó mà bước ra ngoài, thường có cái tủ chia nhiều ngăn, mở hộc tủ có ghi số thứ tự mà tìm lấy mẩu giấy đã in sẵn lời giải. Mỗi số thứ tự là một lời giải khác nhau, có vui có buồn, có hên có xui, có được lộc, có hao tài v.v và v.v… Đọc xong lời giải đó, tùy theo nội dung mà người xin xăm vui hay buồn, hân hoan hay âu lo, yêu đời hay chán đời. “Thay đổi lời giải đi. Những lời giải nào u ám liên quan đến chết chóc, tai nạn, ly dị, khủng bố, giật nợ, bị cắm sừng v.v… thì gạt bỏ; chỉ giữ lại những câu hanh thông, tài lộc, vinh hoa, phú quý, quý nhân phù hộ, mua may bán đắc; nếu cần thì sáng tác bổ sung thêm...”. Với cách làm này, tất nhiên anh em giữ kín, không ai có thể biết, quả nhiên, về sau, khách thập phương kéo đến ngày một nhiều hơn. Xin được xăm, đọc lời giải hanh thông vui vẽ, họ cảm thấy an tâm, yêu đời, yêu người, phấn chấn hơn với công ăn việc làm, tình yêu đôi lứa, xây nhà, dựng vợ gả chồng, đào giếng, khai trương…. Có như thế lần sau họ mới đến lại lần nữa. Chứ đọc xong lời giải, chẳng biết hư thật, đúng sai thế nào mà chỉ rặt sự xúi quẩy, lần sau có cho tiền cũng chớ dại béng mảng tới làm chi.

Các truyện thơ Nôm cũng thế thôi. Khép lại trang sách phải là “vườn xuân một cửa để bia muôn đời”, vợ chồng sum họp, người oan được giải oan, kẻ xấu đền tội, thi đậu trạng nguyên, đính hôn với công chúa, phò mã của nhà vua… thì mới nhẹ lòng, mới hả hê. Có như thế, lần sau mới tiếp tục ngâm nga vui buồn cùng nhân vật qua bao gian nan, hoạn nạn, tai ương vì biết cuối cùng “kết thúc có hậu”. Có như thế mới cảm thấy yêu đời hơn. Nhẹ lòng hơn.

Vụ chơi vé số cũng thế chăng? Cũng là mua lấy một hy vọng, là chờ đợi một “kết thúc có hậu” dành cho riêng mình. Báo Tuổi Trẻ Online hôm nay, lúc 14/01/2016 11:59 GMT+7 đã post tin: “Giải xổ số Powerball đã công bố con số trúng giải là 8 - 27 - 34 - 4 - 19 và con số độc đắc là 10”. 1,5 tỉ USD là số tiền trúng giải độc đắc. Nếu lọt vào tay, y sẽ làm gì? Chỉ mới nghĩ đến đó, đã thấy cô Perrettte qua nét vẽ của họa sĩ Mạnh Quỳnh - minh họa bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh in năm 1928 đang nháy mắt cười tình.

Há chẳng vui đấy sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà