LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.1.2016

thuyen-nhna-1R


Có thể hiểu nôm na, Thông Tấn xã (TTX) là hãng thông tấn quốc gia, phát ngôn chính thức về mọi vấn đề của Chính phủ đất nước đó. Việt Nam TTX ra đời ngày 15.9.1945 - ngày đã phát đi toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời chiến tranh, ở miền Nam Việt nam, TTX của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng được thành lập. Nó ra đời ngày tháng năm nào? Nếu chịu khó một chút, đọc lại một vài tài liệu ắt tìm ra. Cùng lúc, cũng ở miền Nam, trong vùng giải phóng, ngày 12.10.1960 TTX Giải phóng chính thức ra đời, đã hợp nhất với Việt Nam TTX. Ngày 12.5.1977, Việt Nam TTX được đổi thành TTX Việt Nam.

Do tầm quan trọng của một hãng thông tấn quốc gia, vì thế, có những tin tức các báo khác đồng loạt đưa tin lấy từ nguồn của TTX. Thậm chí, đưa đúng nguyên văn mà không bình luận. Những ngày này, các báo đồng loạt đưa tin từ TTX Việt Nam về “Tổng duyệt tập phương bảo vệ Đại hội Đảng”, nguyên văn như sau:

“Bộ Công an đã tổ chức tổng duyệt lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng XII tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 7.1.2015.

Buổi tổng duyệt có khoảng 5.200 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, 125 ôtô, môtô đặc chủng và trực thăng, khoảng 100 ôtô chở quân của nhiều đơn vị vũ trang khác nhau trong ngành công an cùng sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Mở đầu chương trình tổng duyệt là phần nghi thức trong Lễ xuất quân, phần duyệt đội ngũ và diễu hành phương tiện. Tiếp đó là các phần thực binh xử lý tình huống giả định giải quyết tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự; bạo loạn ở Ủy ban Nhân dân thành phố và Trung tâm hội nghị quốc gia; thực binh xử lý tình huống khống chế các đối tượng khủng bố bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc trên xe ôtô và trong khách sạn…
Có khoảng 125 xe đặc chủng được trang bị tối tân tham gia bảo vệ Đại hội Đảng; trong đó có dàn xe bộ binh bánh lốp (BTR-60PB) của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Hỏa lực mạnh cộng với tính cơ động cao nên xe có thể chở bộ đội tác chiến trên nhiều địa hình và làm nhiệm vụ chống bạo loạn.

Ngoài các vũ khí tối tân, tham gia các hoạt động bảo vệ Đại hội Đảng XII còn có các chiến sỹ thuộc các đội cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động tinh nhuệ, nhanh nhạy (TTXVN)”.

Đây là một trong những kế hoạch quan trọng trong năm của Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh cho Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra từ 20-28/1/2016 tại Hà Nội. Sự việc này, trước đó, qua các kỳ Đại hội Đảng chưa hề diễn ra như thế.

Sáng nay, Báo Tuổi Trẻ, có bài Trung Quốc phải chấm dứt bay ra Trường Sa. Đáng chú ý, đã có hai gạch chéo màu đỏ trên tấm hình nhằm minh họa cho chú thích: “Hai máy bay dân dụng đậu trên đường băng do Trung Quốc xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc công bố những tấm ảnh chụp máy bay từ tối 6.1.2016”. Hai gạch chéo này đã được dư luận hoan nghênh về một phong cách báo chí, thể hiện rõ thái độ của người làm báo.

Tuy nhiên, BOX  thông tin này cũng quan trọng không kém: “Trong văn bản gửi văn phòng Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 6.1, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo về việc một số máy bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay”; "Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết các máy bay nói trên bay theo đường bay thẳng trong không phận quốc tế từ phía bắc đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 28-12-2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay đến đá Chữ Thập của Việt Nam. Cục Hàng không khẳng định hoạt động của các máy bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực".

Trước đó, cũng trên Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 1.1.2016, lại đọc thấy tin Thiết lập đường dây liên lạc bộ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc: “Ngày 31.12.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn có cuộc điện đàm nhân dịp Bộ Quốc phòng hai nước thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp”; “là một nội dung hợp tác mới thể hiện sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện để lãnh đạo quân đội hai nước kịp thời trao đổi những vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc phòng song phương”.

Xâu chuỗi các sự kiện, thấy gì?

Ngày 6.1.2016, tại TP.Nam Định diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - rõ giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) ở người Việt do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức. Hội thảo thu hút 47 GS, PGS, TSKH, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Trong đó có 11 học giả quốc tế đến từ Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc... Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà nghiên cứu, các thanh đồng từ khắp các vùng miền trong cả nước. “Theo PGS-TS Từ Thị Loan, cùng với việc đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016, Bộ VH-TT-DL cũng đã chuẩn bị chương trình hành động để bảo vệ, giữ gìn di sản này không đi chệch hướng (Báo Thanh Niên ngày 7.1.2016).

Vừa tìm được, trong hiệu sách cũ quyển Thuyền nhân do Carina Hoàng tuyển chọn các bài viết, tranh minh họa, sưu tập hình ảnh hoặc tự chụp rồi in ấn. Theo giới thiệu cuối sách, Carina Hoàng hiện đang theo chương trình tiến sĩ về Nhân văn tại Đại học Curtin (Tây Úc). Sách in năm 2015, in đẹp, khổ 29x21cm, giấy tốt, trắng bóng, nhiều tác giả, nhiều hình ảnh. Mở đầu quyển sách này, đề từ là câu của Aldous Huxley: “Sự thật không ngừng hiện hữu chỉ vì nó không được nói đến”. Cái hay của tập sách không nằm ở văn chương chữ nghĩa, không cần phải hư cấu, tưởng tượng, tô son phết vàng, hoa hòe hoa sói. Hiện thực của đời sống phong phú, đa chiều, đa dạng hơn trí tưởng tượng của nhà văn. Cái hay ở đây là sự chân thật, tác giả (người Việt vượt biên), người Mỹ (làm công tác giúp đỡ người tỵ nạn), họ không phải nhà văn, chỉ là những con người bình thường, bình dị lẫn lộn trong thập loại chúng sinh dưới gầm trời bi thương, điên dại này. Họ trình bày câu chuyện một cách hân thật với tư cách người trong cuộc. Không “chống cộng”, không căm thù, không hoan hô, không đả đảo, chỉ kể lại sự bi thảm của cái kiếp người mà họ đã trải qua, đã chứng kiến. Đúng như nhận xét của Wanneroo Times: “Những câu chuyện, hình ảnh và minh họa trong quyển sách này sẽ làm ngay cả những kẻ có trai tim sắt đá phải bật khóc”.

Đọc muốn khóc. Đọc là thương. Không thương sao được, chẳng hạn, trường hợp bà cụ đã ngoài 80: “Bà nội đã quá già nên không đi nổi, tôi cõng bà trên lưng mình. Cha tôi đã lo ngại rằng bà yếu quá không đi nổi cuộc hành trình. Bà muốn đi cùng với con cháu cho đến ngày cuối cùng của bà” (tr.158). Có lẽ đó là chuyến đi sung sướng, hạnh phúc nhất của bà, dù gian khổ cùng cực đến cỡ nào đi nữa, chẳng hề gì, vì bên cạnh đã có cháu con. Với đàn bà Á Đông, con cái là tất cả. Con cái ở đâu là quê nhà ở đó. Nhưng rồi cuối cùng, bà bỏ xác ở một nơi xa lạ mà lần đầu tiên bà đặt chân đến. “Tôi cõng bà một lần nữa, lần này vào rừng để chôn cất. Bà tôi đã biết trước có thể bà không đến nơi được, nhưng bà không muốn chết đi mà không có con cháu bên cạnh” (tr. 159). Sau đó, con cháu định cư ở Úc.  Bà cụ được chôn ở đảo Kuku (Indonesia), nằm lại trơ trọi ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Còn có biết bao người Việt đáng thương như thế?

Một quyển sách đáng đọc. Đọc là muốn khóc. Đọc là thương.

Tuy nhiên, thú thật, y không dám đọc kỹ, chỉ dám gói kỹ và đặt ở một nơi trang trọng trong tủ sách. Bi kịch khủng khiếp này không của một cá nhân nào, nó đã thuộc về một phần ký ức bi thảm nhất của cả một dân tộc. Đến một thời điểm nào đó, có thể gần thôi, chắc chắn vấn đề thuyền nhân sẽ được nhìn nhận lại. "Nợ máu thì phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì phải trả lãi càng nhiều!" (Lỗ Tấn). Bao giờ mới chính thức có cuộc cầu siêu cho những số phận:

...

Bãi tha ma, kẻ dọc người ngang

Cô hồn nhờ gửi tha phương

Gió trăng hiu hắt khói hương lạnh lùng!

Cũng có kẻ vào sông ra bể

Cánh buồm thưa chạy xế gió đông

Gặp cơn giông tố giữa dòng

Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.

Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không.

Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment