LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.12.2015

 

05-wurfel-2(ảnh: Internet)

 

Ô hô! Cái sự đời sao lại nhọ đến kia?

Mấy hôm nay, báo chí đưa tin rần rần về vụ này. Vụ gì? Cứ theo Báo Phụ Nữ Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cụ thể như sau: “Đó là câu chuyện về người đàn bà xấu số tên Nguyễn Thị Lê, bị tàn tật, ở thôn Chùa (xã Hương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Bà vừa mới qua đời ngày 9.11.2015, tròn 1 tháng trước đây. Đám tang của bà không được thông báo trên loa truyền thanh, không được cho mượn xe tang của thôn, kèn trống… như đối với người khác. Lý do đưa ra là bà Lê còn nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… với số tiền hơn 1,7 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Khúc - trưởng thôn Chùa khẳng định đây là thông tin có thật.

Báo Lao động Thủ đô phân tích: “Không biết ông Khúc không hiểu hay cố tình bất chấp mọi quy định của nhà nước, pháp luật đối với người tàn tật, hộ nghèo về các khoản thu, khi tại Nghị định số 55/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã nêu việc miễn 100% tiền thuế đất nông nghiệp cho hộ nghèo có hiệu lực từ năm 2011. Cũng như tinh thần của Nghị định Chính phủ về các khoản thu đóng góp không được ấn định số tiền cụ thể. Trong đó, ở vụ việc này, có 6 đối tượng là người bị tàn tật, hộ nghèo… lẽ ra không phải đóng góp những khoản thu này. Vậy vì sao, bà Nguyễn Thị Lê  và 11 gia đình khác trong thôn nằm ngoài đối tượng phải thu, nhưng thôn vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ? Cũng như căn cứ vào đâu để có con số hơn 1,7 triệu đồng mà bà Lê nợ thôn, để rồi chính quyền nơi đây “bỏ rơi” bà Lê như vậy?”.  

Câu hỏi chát chúa, cay đắng này, trả lời thế nào?

Không phải ngẫu nhiên lại nhớ đến phóng sự Họ vẫn ăn vào xác chết của nhà văn Ngô Tất Tố, đăng báo Thời Vụ số 29, ra ngày 20.5.1938, ký bút danh Đạm Hiên. Tờ báo này, phát hành hàng tuần, số 1 ra ngày 8.2.1938, số cuối cùng vào tháng 3.1940, tòa soạn ở số 16 và 16B Hàng Da (Hà Nội). Rằng, vào một ngày tối trời, tên tuần phu chạy đến báo cho ông lý trưởng có xác chết của mụ ăn mày ngoài chợ, hiện đang nằm vất vưởng tại gian hàng của bà Năm Ngẩn. Lý trưởng liền sai  gọi bà Năm Ngẩn đến. “Ông lý ra vẻ ôn tồn nói:

- Chỗ bà con tôi bảo thật, ngày mai có phiên chợ, gian hàng bán quà bánh của bà lại có cái xác mụ ăn mày nằm chết tại đấy, thì ngày mai bà hãy nghỉ hàng, vì tôi còn phải trình quan khám biên đã rồi mới đem nó đi chôn được, và sau này bà có phải lên tỉnh xuống huyện khai báo về cái xác chết ấy thế nào, bà cứ liệu mà nói. Nhưng khéo ra bà cũng phí tổn ít nhiều, vì nó chết ở gian hàng của bà, nếu không khéo thì cũng rầy rà kia đấy.

Mụ Ngẩn nghe nói rụng rời, những nghe nói hàng mình có xác chết đã sợ, lại thấy nói phải lên quan thì kinh hãi biết dường nào, hàng bán đồ ăn thức uống, thuế nộp rồi, nếu cả chợ họ biết người chết ở gian hàng mình thì còn ai mua bán gì nữa. Mụ bèn năn nỉ nói:

- Chết chửa, thế thì làm thế nào? Thưa ông, nhờ ông nghĩ giùm cháu, nhờ ông châm chước đi cho.

- Châm chước thế nào? Xác chết ở hàng nhà bà, chẳng lẽ bây giờ bà bảo tôi đem về nhà tôi chăng?

- Thôi, trăm sự nhờ ông, ông nghĩ cách nào cho cháu nhờ thì cháu không dám quên ơn ông.

- Cứ về lo lấy chục quí (10p) đem lại đây thì tôi liệu cho.

- Chết! Nhà cháu còn có gì nữa, vốn liếng được bao nhiêu, ông dạy thế thì cháu lo liệu làm sao cho được, lạy ông giơ cao đánh sẽ, xin ông làm phúc giúp cháu.

- Thôi thế thì chục gián (6p) là nhẹ lắm rồi, chẳng qua là cái hạn của bà, bán đường dài mua đường ngắn chỗ bà con tôi cũng đành cáng lấy cái chết cho bà vậy, nếu bà còn nói lôi thôi nữa thì tôi mặc, sau này bà phí tổn vài ba chục thì bà đừng trách tôi khoảnh độc”.

Xin giải thích ngắn gọn, P viết tắt của piastre hay piaster, tức là đồng bạc thuộc đơn vị tiền tệ nước ta thời thuộc Pháp; ngày trước, từ đời nhà Lê có hai loại tiền, đều gọi là "quan". Một quan 10 tiền, một tiền 600 đồng nhưng giá trị khác nhau. Tiền quý (còn gọi cổ tiền) và tiền gián (còn gọi sử tiền). Tiền gián chỉ bằng 6/10 tiền quý. Tại sao lại có sự phân biệt như thế? Vấn đề này, còn phải tìm kiếm, tra cứu nhiều tài liệu sử học mới có thể trả lời chính xác. Tuy nhiên, có thể giải thích là do chất liệu đúc nên đồng tiến ấy như thế nào? Là đồng, kẽm, kẽm pha sắt, thiếc...? Loại đồng tiền nào lưu trữ lâu bền hơn, ít bị rỉ sắt, khó gẫy ắt có giá trị hơn. Suy luận này hoàn toàn chấp nhận đươc. Ca dao có câu: “Một quan tiền tốt mang đi/ Nàng mua những gì mà tính chẳng ra/ Thoạt tiên mua ba tiền gà v.v…”. Tiền quan là “tiền tốt”. Tương truyền, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương có thơ xướng họa với Chiêu Hổ, cũng liên quan đến tiền. Bà xướng:

Sao nói rằng năm lại có ba?

Trách người quân tử hẹn sai ra.

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,

Nhớ hái cho xin nắm lá đa

Chiêu hổ hoạ lại:

Rằng gián thì năm, quí có ba

Bởi người thục nữ tính không ra.

Ừ rồi, thong thả lên chơi nguyệt

Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Tiền gián ăn 36. Tiền quý ăn 60. Như vậy 5 đồng gián hay 3 đồng quý đều bằng 180 đồng kẽm. Số tiền mà bà Năm Ngẩn lo lót cho ông lý, sau khi “cò kè bớt 1 thêm 2” ông ta ra giá 6 đồng bạc, số tiền ấy nhiều hay ít? Chị Dậu trong Tắt đèn vì thiếu thuế sưu đóng cho chồng chỉ 2 đồng bạc mà phải bán đàn chó con mới mở mắt, bán cái Tý hỉ mũi chưa sạch cho gia đình nghị Quế mới đủ tiền. Vậy số tiền lý trưởng đớp, trấn lột của bà Năm Ngẩn nhiều hay ít? Mà thôi, cứ theo tiếp mạch câu chuyện đang diễn ra, dừng lại tính tính toán toán mất hết cái cảm hứng đọc sách. “Mụ Ngẩn tụt bao lưng, giốc ra một cái túi vải nâu, đổ ra đếm cả xu lẫn hào và tiền trinh được 1p30 và ba cái giấy một đồng, vừa khóc vừa nói:

- Thưa ông, cả cửa nhà cháu chỉ có thế này, xin ông làm ơn nhận giúp cho, nếu còn nữa, cháu không dám tiếc, nếu bây giờ đi vay mượn đâu, sợ lộ chuyện có đứa nó cáo giác ra thì cháu chết, thôi xin ông dón tay làm phúc”.

Như vậy là xong? Mọi việc đã kết thúc? Không, ông lý tài tình, nhân ái, đức độ, thương người đến độ sai tuần phu kéo cái xác chết ấy qua gian hàng bán thịt của bác Khứu. Sau đó, cho gọi bác ta đến và nhẹ nhàng: “Tuần nó vừa vào trình tôi rằng tại gian hàng của anh có người ăn mày chết về bệnh tả, anh thử ra xem có thực thế không, nhưng đừng làm huyên náo mà mất cả buôn lẫn bán đấy”. Câu nói ấy chẳng khác gì tiếng sét nổ ra giữa trời quang đãng. "Chết! Lợn, cháu đã lấy về lò sát sinh rồi, thịt bò, cháu đã đặt tiền rồi, làm thế nào hở cụ?”. Thế nào là thế nào? "hay là cụ để cho cháu ra vác nó đi chôn quách một chỗ là xong, ai biết đâu". Đề xuất này hợp lý quá, nhưng, "Anh nói dễ chưa, mạng người có họa là cái bánh hỏi, lỡ gặp phải anh nào nó biết thì anh mất nghiệp. Ừ, anh muốn thế, tôi thây kệ anh, anh có giỏi thì thử ra vác đi tôi xem nào". Nhà văn viết tiếp: “Bác lái lợn xem ra đã chợn, đứng đực mặt, chẳng biết nói sao. Ông lý ôn tồn bảo:

- Này tôi bảo, muốn xuôi việc thì cứ "con công".  "Xon công" tớ giúp cho yên ổn, ngày mai lại buôn bán như thường, nếu không thì tùy ý, muốn làm thế nào thì làm”.

Do tờ giấy bạc 5 đồng có in hình con công đậu trên cành cây, người dân bấy giờ quen gọi là tiền “con công”. Một cái xác chết vô thừa nhận, ông lý đã ăn được hai lần tiền. Số tiền đó ắt dùng cho việc ma chay, chôn cất mụ ăn mày xấu số chăng? “Sáng hôm sau, nghe ngóng mới biết lý dịch Yên Xá đã kéo xác mụ ăn mày xuống bờ Trầm mây, địa phận làng Lôi! Đấy, một cái xác chết của kẻ khốn cùng, họ nỡ nhẫn tâm như thế. Nếu hỏi họ tại sao làm điều vô đạo ấy thì họ thản nhiên mà đáp: Pháp luật bây giờ lắm khi vì làm phúc mà phải tội là thường”.

Tục ngữ có câu: “Xong xôi rồi việc”, “chó chết hết chuyện” có thể hiểu nôm na, sự việc đó, đến nước đó thì dứt khoát phải kết thúc, khép lại hồ sơ, không gì phải bàn cãi lôi nữa. Cứ thế mà làm theo luật định, quy định hiển nhiên lâu nay mà ai ai cũng đã đồng tình, chấp nhận. Khổ nỗi, cái chết đáng thương của cụ bà Nguyễn Thị Lê, bị tàn tật, ở thôn Chùa ở xã Hương Phong, Hiệp Hòa (Bắc Giang) lại không được như thế. Mà dù rằng, bà Lê có nợ 1, 7 triệu đồng đi nữa thì số tiền ấy thời buổi này có đáng gì không? Nó chẳng bõ bèn gì. Đồng tiền ngày càng mất giá, giá trị đang teo tóp dần...

Ô hô! Cái sự đời sao lại nhọ đến kia?

Lại nữa, có người chưa tắt thở lìa trần nhưng rồi cán bộ xã lại khai tử quách cho nó xong. Này, nói năng cẩn thận, chớ có nói vống, phao tin vịt. Vâng, Báo Pháp Luật TP.HCM sáng nay, ngày 11.12.2015 có đăng bài: “Đang sống sờ sờ bỗng dưng bị khai tử”. Nạn nhân của vụ trái khoáy này là bà Phạm Thị Nguyên (sinh năm 1948, trú tại tổ dân phố 19, khu 4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải (Hải Phòng). Bà Nguyên đang sống khỏe mạnh, phơi phới yêu đời, bỗng nhiên nhận được hồ sơ mình là người tàn tật nặng, đã hưởng trợ cấp xã hội từ năm 2006. Đặc biệt hơn, bà còn nhận thêm cái giấy chứng tử ghi rành rành: “chết vào 24.11.2014”. Bài báo còn cho biết: “Bà Phạm Thị Tờ, em gái bà Nguyên, hiện trú tại xã Đại Hợp, khẳng định: “Chị tôi còn sống khỏe mạnh và gia đình tôi không ai đi làm giấy chứng tử cho chị ấy cả”.

Tại sao lại xẩy ra trường hợp éo le này? Nói tắt một lời, sở dĩ như thế vì nó liên quan đến hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cho người tàn tật, khuyết tật nặng và người cao tuổi, theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP. Nghị định này cũng như Nghị định số 55/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ít nhiều cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng trên. Nhưng rồi thế nào? Thế nào, ai cũng biết thế nào rồi. Cụ thể trường hợp nêu trên, cứ theo Báo Pháp Luật TP.HCM: “ông Phạm Bình Thủy - hiện là phó bí thư thường trực Đảng ủy xã ký nhận tiền giúp bà Nguyên”. Không bà con,  không dây mơ rễ mà gì mà nhận tiền giúp thiên hạ là tốt thật đấy chứ? Thì tốt thật. Bà Nguyên không hề nhận xu teng nào, đang sống khỏe mạnh sờ sờ ra đó, tự dưng bị ghép vào diện tàn tật, rồi bị khai tử cái soạch!

Ô hô! Cái sự đời sao lại nhọ đến kia?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment