LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.12.2015

nhat-k-ngay-1.12.2105-R(Ảnh: Internet)

 

Vào một ngày đơn độc, đóng cửa, giam mình bốn bức tường, ngước nhìn lên chỉ thấy sách. Sách chất từ chân tường chạm lên trần nhà. Chỉ thấy tranh. Tranh sơn dầu đã vẽ trong khoảng thời gian tĩnh lặng nhất, buồn tẻ nhất. Những dòng chữ từ sách - người bạn của quá khứ; những sắc màu từ tranh - cảm hứng của tâm trạng, chẳng thể sẻ chia, an ủi. Lúc ấy, nghĩ về điều gì? Với y, khoảnh khắc đó như một cuốn phim quay chậm, lần lượt người tình cũ như lớp sóng vỗ mơn man vào gềnh đá, loan dần ra từng bóng hình “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Người tình đầu tiên trong đời là ai?

Dù năm tháng có trôi qua đi, có một điều chắc chắn cảm xúc ấy không bao giờ lãng quên trong trí nhớ. Nhớ như in cái thuở “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”. Nhớ như in cái lúc: “Anh trao vội vàng / Chùm hoa mới nở”. Nếu không có âm nhạc, không có giọng ca mượt mà gấm lụa một nỗi buồn rầu rầu, có lẽ, cảm xúc của thơ không đủ sức lay động một nỗi muộn phiền lên ngây ngất đến thế. Hát lại lần nữa đi. Để cảm thấy từng sợi tơ óng mượt, từng sợi tơ chùng giăng mắc dọc ngang trong tâm tưởng.
Thử hỏi, có buồn không?

Chẳng một ai buồn. Kỷ niệm đã xa. Đã hằn vết. Vì thế, dù không buồn nhưng lại nhói buốt như có, như không.

Khi viết những dòng chữ này, y lại nhớ đến lúc còn mới học lớp 9 đã biết nhung nhớ, trằn trọc cô bạn học cùng lớp. Suốt năm tháng ấy chưa hề dám ngỏ lời, chỉ có những lá thư học trò vụng về trải dài theo năm tháng. Rồi thời thế nhiều biến động. Vừa học xong lớp 11 đã có lệnh nhập ngũ. Đất nước vừa hòa bình, vừa chiến tranh. Biên giới Tây Nam đã đón nhận những bước chân thư sinh, những lồng ngực còn run lên những câu thơ tình chợt đến lúc hành quân: “Vẫn trong như ngọc trắng ngần/ Tình em thắp sáng trăng rằm AngKor/ Trăm năm đất khách hẹn hò/ Làm sao tri ngộ giày vò lẫn nhau?”.

Ước mơ thăm thẳm ấy không bao giờ đến. Có người vướng mìn chằng chịt trên nẻo về hư không. Thoát xác về trời. Ngã vào lòng đất vẫn con trai. Rồi ở hậu phương, người con gái mà y từng thầm thương trộm nhớ bằng tất cả sự non nớt, ngây thơ học trò, năm tháng ấy đã vượt biên. Và đã bỏ xác giữa trùng dương  sóng vỗ. Vĩnh viễn không còn đọng lại một chút gì trên dương thế, ngoài một, hai tấm ảnh nữ sinh của cái thời “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”.

Kỷ niệm ngày tháng đó cũng mờ mờ như sương mờ dằng dặc ở Đà Nẵng vào những sớm mùa đông có tiếng chim cất tiếng ca lạnh lẽo trên ngọn sầu đông hoa tím. Vệt sương ấy đã lưu dấu trong thơ của ngày còn đi học: “Dấu cỏ hiền ngoan mờ trong sương/ Đi giữa mùa trăng ngập mây vương/ Bé - nàng công chúa nghe cổ tích/ Nhớ kỷ niệm hồng đầy yêu thương”. Đọc lại những câu thơ viết lúc mười ba, mười bốn tuổi (đã được in báo Thiếu Nhi rồi đấy nhá), tự dưng thấy thương và nhớ về một thời thơ dại.

Tự nhận “mối tình đầu” nhưng đã thốt lên lời nào đâu? Nào đã có ai hứa hẹn với ai một câu gì. Ông Phạm Thiên Thư nói đúng tâm cảnh: “Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát / Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhòa mau”. Nhưng rồi tại sao suốt đời người ta lại không quên? Cảm xúc như lửa vùi trong than, gặp gió, sẽ bùng lên. Tại sao như thế? Có lẽ đó là cảm xúc chân thành như hương lúa đầu mùa gặt, là tình cảm trong veo như nắng thủy tinh. Không hề gợn lên một chút dục vọng, toan tính nào. Trạng thái tâm lý đó, về sau, đã nhiều lần yêu, đã nhiều chung chạ hoan lạc, đã thất vọng ê chề, đã chạm đến sự khoái lạc của Lửa, đã rơi tuột xuống thẳm sâu địa ngục của tuyệt vọng của Nước, vẫn không thể tìm thấy.

Nhiều người thích đọc Mái Tây của Vương Thực Phủ - nó được xếp vào “lục tài tử thư” của văn học cổ điển Trug Quốc, có lẽ cũng do tình yêu của Thôi Oanh Oanh, Trương Quân Thụy trong trẻo quá. Chân tình quá. Nống nhiệt quá. Yêu là yêu. Chỉ là nhịp đập của trái tim đang réo rắt tiếng nói của lứa đôi: “Tương tư vừa mới qua cầu/ Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang/ Chợt nghe một tiếng “lên đường”/ Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!”. Nỗi buồn ly biệt sao lại đau đớn, nhọc nhằn đến thế? Xuyến ngọc đeo trên tay ngọc, bỗng dưng rộng thênh là cớ vì sao? Có thể xếp câu thơ đó vào hạng tinh tế bậc nhất của một thi sĩ khi diễn tả cảm xúc của người yêu chia tay người yêu.

Khó quên tình đầu bởi cảm xúc thật, không ma mị, phủ lên bất kỳ một lý do, một “nhân danh” nào khác, chứ chẳng phải do lần đầu tiên biết yêu. “Định nghĩa” như thế là đúng? Là sai? Không biết nữa. Nhưng, không riêng gì y, nhiều người lại có suy nghĩ này: Tình cuối cùng, chính là tình đầu. Bởi từ đó, họ không còn tìm đến bất kỳ một chọn lựa nào khác. Cuối cùng là kết thúc. Chính vì kết thúc nên chính nó mới có ý nghĩa trọn vẹn của “mối tình đầu”.

Chiều đã chiều. Từ ngôi chùa đối diệ nhà đã vọng về tiếng cầu kinh. Từng tiếng rời rạc. Từng tiếng đuổi theo nhau, lúc khoan, lúc nhặt. Đọc lại một đoạn văn xuôi trong truyện của Đoàn Thạch Biền: “Ngọc Lan không có thật. Cái chết không có thật. Và ngay cả tình yêu tôi nói với Ngọc Lan cũng không có thật. Tất cả đều không có thật. Nhưng điều làm tôi đớn đau là mùa hè đã có thật. Mùa hè chắc chắn đã có thật một cách quái ác ở trong tôi”.

Thời gian có thật. Vì lẽ đó, mối tình đầu tiên trong đời làm sao có thể quên? "Tình nhỏ làm sao quên?". Không đâu, đó mới chính là mối tình lớn nhất trong đời.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment