LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.11.2015

Array In Array


cam-nhan-ve-chiec-la-cuoi-cung

(ảnh:Internet)

 

Ông Kim Thánh Thán, thế mà hay. Những suy nghĩ lẩn thẫn, vụn vặt, chẳng có “triết lý” gì ghê gớm, nhưng ngẫm đi ngẫm lại mói thấy sâu sắc biết chừng nào. Rằng, “Cơm nước xong vô sự, lục lộn hòm nát, thấy các văn tự mới cũ, có đến mấy trăm bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi, hoặc còn sống, tóm lại đều không sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa trộn lộn đốt sạch. Ngửng nhìn trời cao, vắng ngắt không mây. Há chẳng sướng sao!”. Đốt sạch những “của nợ” đó, cảm thấy nhẹ lòng. Giữ lại chẳng thể đòi được nợ, trong lòng cứ mãi canh cánh nỗi phiền muộn. Ấy là tâm thế của một người biết sống vui với đời. Tự mình, tìm cho mình cho niềm vui ngay trong tầm tay, chứ nào phải đâu xa.

Tuy nhiên, với những lá thư tình ngày cũ, không ai nỡ chọn cách “ứng xử” như thế chăng?

Có người bảo, với phụ nữ, sau khi đã về nhà chồng, thư tình ngày trước không khác gì giẻ lót nồi, như giấy nhóm bếp. Họ không cần phải nhớ đến những du dương mật ngọt của thời thề non hẹn biển nữa. Họ quên. Buột phải quên đi hình bóng người cũ thấp thoáng trong lá thư ngày cũ đặng toàn tâm, toàn ý cho cuộc sống mới. “Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không?”. Câu hỏi của T.T.Kh, chỉ thoáng qua trong chốc lát, sau đó, sẽ quên. Làm sao có thể cung sống với người này lại thả hồn về hình bóng của dĩ vãng mộng mị xa vời vợi?

Cứ mưa cho ấm chỗ nằm

Đem thơ nhóm bếp đỡ đần sớm mai

Thơ ấy? Chính là những lá thư tình của ngày hoa niên nắng còn xanh trên tà áo mới, môi còn thơm mà mỗi lời thốt ra còn reo vang như tiếng ngọc.

Bây giờ, đã xa.

Vào một chiều hiu hắt gió, y cũng bắt chước Kim Thánh Thán. Lục lọi lại ngăn tủ, trong bề bộn cũ những tờ giấy nát, vẫn còn đó những lá thư  tình. Bùi ngùi và đọc lại. Những dòng chữ viết nắn nót, cẩn thận đầy yêu thương, nhung nhớ tưởng chừng như người ngọc còn ngồi cận kề. Đọc những những lá thư ấy, tự dưng lại thương cho tuổi trẻ còn nuôi dưỡng nhiều mộng đẹp thơ ngây. Ngày ấy, tưởng rằng, “chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”. Tưởng là tưởng thế. Đến một ngày, cũng con đường đó, vòm cây đó, nắng mai đó nhưng hai người rẽ ngã khác nhau.

Y nhớ lại những lúc thắp ngọn nến thơm, trải trang giấy pơluya trên mặt bàn, cầm bút lá rông hoặc lá tre chấm mực tím viết lại những câu thơ như ngụ ý lòng mình? Ánh nến sáng lờ mờ, khói thơm nhẹ mới tạo ra sự huyền ảo của tình yêu học trò. Rồi chép những câu thơ tình tứ của Xuân Diệu: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/Anh cho em, kèm với một lá thư/ Em không lấy, và tình anh đã mất/ Tình đã cho không lấy lại bao giờ”?

Nhớ đến hình ảnh đó, y cảm thấy lòng rầu rầu như tơ chùng vào một chiều ngột gió. Hình ảnh đó, hiền lành, đáng yêu và trong trẻo biết chừng nào. Thư viết xong, thở phào sung sướng. Bỏ vào trong bao thư, tự làm lấy và sẽ gửi đến cho “nàng”. Ông Đoàn Chuẩn tinh tế quá đi thôi: “Đêm hôm nay ngồi dưới ánh trăng thu, viết tơ lòng gửi tới cho nhau rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư, tới em đôi mắt sầu kèm theo bao ý thơ”.  “Nhắn mây” tức lá thư gửi được… gửi qua đường bưu điện! Nếu không thế, cậy nhờ người trung gian chuyển giúp lá thư tình. Dựa vào đâu, những lứa đôi yêu nhau lại nghĩ ra từ “chim xanh” rất đỗi thơ mộng và văn chương ấy? Cụ Đào Duy Anh giải thích: “Có truyện cổ tích nói rằng xưa vua Hán Vũ đế đương ngồi, có con chim xanh bay đến, Đông Phương Sóc nói: “Đấy là sứ giả của Tây Vương mẫu đến”. Sau người ta lấy chim xanh để tỷ dụ sứ giả, người đưa tin hay người làm mối”.

Đọc Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, thấy rằng từ đầu thế kỷ trước, khoảng chừng năm 1910, đã có “chim xanh” rồi. Này nhá, cô Ba Hợi thò tay trong yếm: “rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. Cô đút thư trong bàn tay bé xíu của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em bé đứng lại sau, đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng: “Chị tui đưa cho chú cái này nè”. Chàng trai vui mừng và ngạc nhiên cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó gần đến Cửa Bắc”. Thằng bé đó đích thị “chim xanh”.

Trước đó, lá thư đã trải qua một “quá trình" như thế nào?

“Tối hôm ấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô ba Hợi lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết, cổ vừa đánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ". Nhận được thư, ắt viết thư trả lời. “Thanh ăn cơm tối xong, pha trà cho cha, rồi lấy sách Mạnh Tử ra đọc chương Lương Huệ Vương. Hết canh một, ông Xã ngủ, chàng mới xếp sách Mạnh Tử để trên đầu giường, và len lén lấy tờ “giấy Tây”, cán bút sắt và bình mực tím ra ngồi bàn. Dưới ngọn đèn dầu phọng, chàng vừa đánh vần vừa viết". Hình ảnh thân thiện, thận trọng này, vài thập kỷ sau cũng không thay đổi. Trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, lúc từ chùa Giáng Long quay về Hà Nội, Ngọc viết thư cho Lan: "Bức thư ấy, trước kia, đã ba bốn lần Ngọc viết rồi, nhưng mỗi lần viết xong, chàng lại xé nhỏ vứt đi, vì một là chàng sợ Lan không biết quốc ngữ, hai là chàng sợ bị cự tuyệt. Lần này thì chàng nhất định quả quyết. Liền mở hộp giấy viết thư màu tím lấy một tờ ngồi viết". Rồi đến thế hệ của y cũng không khác gì mấy.

Cảm xúc ngồi viết thư, chắc chắn khác với lúc gõ từng con chữ trên bàn phím. Qua một lá thư tình, có thể thấy được tâm thế con người thời ấy. Những câu chữ Hán trong lá thư của Bốn Thanh gửi cô Ba Hợi như “Quân tử chi học dã, dĩ vi kỳ thân, tiểu nhân chi học dã, dĩ vi cầm độc” (Người quân tử học là để làm cho thân mình, kẻ tiểu nhân học là để làm trâu ngựa) v.v...  nay đã hoàn toàn biến mất. Đố ai, dù đuốc soi đèn, ròng rã tìm trong hàng vạn, hàng triệu lá thư tình mà tìm thấy... Tuy nhiên, đọc lá thư ấy, muôn năm cũ, dù có cũ kỹ đến cỡ nào đi nữa, có lẽ cách xưng hô “cô, cậu” vẫn còn gợi lên cái sự cảm động vì cái tình quê mùa, chân chất. Thân mật mà không suồng sã. Xa cách mà gần gũi. Tình yêu ấy chân thành, trong trẻo lắm.

Bây giờ, không cần phải đốt đèn dầu phọng nắn nót viết thư tình rồi đến “chim xanh” nữa. Các phương tiện hiện đại phục vụ giao tiếp giữa người và người đã được “trang bị tận răng”, nó đã làm thay đổi ghê gớm nếp sinh hoạt cũ. Cần gì phải chong đèn thổn thức, rạo rực, mê đắm trên giấy hoa tiên nữa chứ? Chỉ cần một cú click send là mọi việc đã đâu vào đấy. Tỏ tình dễ dàng quá phải không? Tình đến dễ ắt đi cũng dễ? Không ngu ngốc nghĩ thế. Tâm trạng của những người đang yêu, quyết liệt yêu dù thời đại nào, màu da nào cũng không khác gì mấy. Có điều hình thức tỏ tình ngày hôm nay đã kém đi sự thơ mộng nhiều quá. Làm sao có thể tìm được cảm giác rụt rè, sung sướng, hồi hộp lật trang giấy, đọc ngấu nghiến từng chữ. Ừ, nét chữ nàng mảnh khảnh nhỉ? Chữ “l” lả lướt ghê, chư “o” mới tròn trịa làm sao…; rồi thình thoảng lại kề lá thư sát mũi, cảm tưởng như còn thấp thoáng đâu đó hương thơm ngọc lan mà người yêu đã ép trong lá thư. Đọc xong và giữ gìn một nơi trân trọng.

Những lá thư tình trong thế giới phẳng đã khác. Có thể qua email, tin nhắn, inbox v.v… tuy nhiên, làm sao có thể lưu trữ từ ngày này qua tháng nọ. Chỉ cần hoặc cúp điện, hoặc mất sóng, nghẽn mạch hoặc bị hacker… là bao điều phiền toái xẩy ra. Hơn nữa, cách diễn đạt dù đầy đủ thông tin cần thiết nhưng chắc chắn nó không đem lại hiệu quả gần gũi, thân thiết như lúc cầm đọc lá thư. Có những lúc đọc xong lá thư ấy, buồn não nùng, hay tin người yêu đã phụ tình hoặc đã vì “bên tình bên hiếu” mà cất bước lên xe hoa bèn đóng cửa phòng: “Anh quay về đây đốt tờ thư/ Quên đi niềm ân ái ngàn xưa/  Ái ân theo tháng năm tàn/Ái ân theo tháng năm vàng/ Tình người nghệ sĩ phai rồi”. Còn bây giờ, chỉ cần mỗi động tác delete là “nhanh, gọn, lẹ” hoàn toàn phù hợp với tâm thế cả con người trong đời sống công nghiệp. Nhưng rồi, lúc ấy, đố ai có thể được nhìn thấy từng dòng chữ đã “thoát xác”, đã hóa thành ngọn khói xanh bay lãng đãng trong không gian tê buốt nỗi lòng? Đố ai nhìn thấy dấu vết của cuộc tình còn đọng lại qua một nhúm tro tàn?

Chiều nay, ngồi một mình và đọc lại những lá thư tình ngày cũ. Hình bóng của một thời trai trẻ ngốc dại, si mê, trong sáng đã ùa về chật chội trong tâm trí. Chữ hiện ra trước mắt mà nhòe nhoẹt đi bởi lớp sóng thời gian đã xa mất rồi. “Mắt biếc năm xưa nay đâu?”. Y hỏi y và không có một câu trả lời. Đốt đi những lá thư ngày cũ ư? Y không dám. Sắp xếp lại, cất giữ  vào một trong chiếc thùng thiết, khóa chặt lại và ném chiếc chìa khóa xuống mịt mùng sóng vỗ. Này em, “Tình cho đi không lấy lại bao giờ”. Dù gì, đôi ta đã cho nhau và có nhau những tháng ngày đã hằn vết trong đau từ trong tiềm thức, phải không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà