LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.11.2015

 

thuykieu-phu-1-R

Tư liệu của L.M.Q

 

Ngày hôm qua, 17.11.2012 đã có thông tin chính thức về Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015).

Có mấy “gạch đầu dòng” cần lưu ý:

Ngày 25.10.2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hieepk quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNESCO (niên độ 2014-2015).

Ngày 15.8.2014, Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có công văn số 8467-CV/VPTW nêu rõ: “Đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới trong năm 2015. Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm”.

Ngày 31.10.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, cụ thể: Tuần Văn hóa, Du lịch Nguyễn Du bắt đầu từ ngày 28.11.2015 đến ngày 5.12.2015 tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du với các nội dung: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các tỉnh với chủ đề “Tiếng thơ Tiên Điền”, Hội thi thuyết minh viên du lịch Hà Tĩnh, Chiếu phim về chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều và trưng bày các ấn phẩm văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du và Văn phái Hồng Sơn, hiện vật khảo cổ di tích Bãi Cọi, triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế xã hội của tĩnh Hà Tĩnh và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong chuỗi sự kiện này, trước đó, đã có nhiều hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được tổ chức.

Từ ngày 17.11.2105 đến 25.11.2015, tại TP.HCM, Tuần lễ triển lãm kỷ niệm Nguyễn Du được tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp.

Trời còn có bữa hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Hay thật. Những gì nghĩ trong đầu, chưa kịp viết ra, đã thấy câu Kiều rành rành trước mắt.

Trong những ngày này, nội dung phiên họp chất vấn đại biểu Quốc hội (QH) được nhiều người quan tâm. Nhiều người tâm đắc, bình luận tán thành, ủng hộ câu hỏi của đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa: “Nếu nhận viện trợ ODA và vay giá rẻ của Trung Quốc thì liệu sau này kiện đòi lãnh thổ được không khi chưa kịp trả?”. Trên mạng cộng đồng facebook, có nhiều status dành cho ông Nghĩa nhiều thiện cảm, khen ngợi. Sáng nay, từ báo chí chính thống đến các trang mạng xã hội đều đưa tin về cách trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. Báo Thanh Niên còn in tấm hình lớn với dòng chữ: “Nhiều đại biểu Quốc hội cười nghiêng ngả sau câu trả lời “gây sốc” của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh”. Ông ta phát biểu thế nào khiến thiên hạ “dậy sóng”?

Theo tường thuật của Báo Thanh Niên:

“Trăn trở thực trạng ngành du lịch, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Chúng ta không so với Thái Lan được rồi nhưng so sánh với Lào, Campuchia, đến bao giờ du lịch VN được như họ?”. Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh nói: “VN quá giàu tiềm năng, nhiều danh lam thắng cảnh phong phú đa dạng nhưng quả thực, việc thu hút khách còn hạn chế”. “Tôi nhớ phiên chất vấn tại kỳ họp trước Chủ tịch QH có hỏi bao giờ du lịch VN bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ, tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời”, Bộ trưởng thành thật. Liệt kê những tiềm năng, sản phẩm ngành du lịch... Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xin nhận trách nhiệm, nhưng làm cả hội trường cười ồ: “Cái trách nhiệm này của chúng tôi sẽ truyền lại cho bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Đồng chí Bộ trưởng cho QH đi du lịch rất là mệt”.

Theo bình luận của Báo Tuổi Trẻ cũng phát hành sáng nay: “Còn nhớ, vào khoảng giữa nhiệm kỳ này, ông Tuấn Anh đã từng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về những vấn đề tồn tại, bức xúc trong ngành du lịch và trách nhiệm của một “tư lệnh ngành”. Vị bộ trưởng này đã trả lời rất vòng vo, dài dòng khiến Quốc hội nhiều lần cười rộ lên. Đến cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải bức xúc: “Tôi thấy từ sáng đến giờ Bộ trưởng bay ra bay vào nhiều quá” (trước đó ông Tuấn Anh khoe được bay đến nơi này nơi kia thăm thú các dự án du lịch)”!

Rõ ràng, không phải lần thứ nhất mà ông Bộ trưởng này có khả năng “gây cười”.

Câu phát biểu “xin truyền lại cho đời sau” khiến nhiều người nhớ đến câu thành ngữ: “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, “kẻ ăn rươi, người chịu bão”, “quýt làm, cam chịu”. Câu phát biểu: “Chứ thời gian hết rồi còn biết làm gì bây giờ”, đã bộc lộ cái sự lưu luyến, tiếc nuối của một người sắp rời ghế, hết quyền lực chứ không phải nỗi trăn trở, đau đáu trách nhiệm của một người  “đứng mũi chịu sào”.

Phụ tình án đã rõ ràng
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui

Hay thật. Những gì nghĩ trong đầu, chưa kịp viết ra, đã thấy câu Kiều rành rành trước mắt.

Trời đã chiều. Ngày vẫn ngày. Chẳng gì mới. Không gì cũ. Lang thang trên mạng một chút và đọc được thông tin này. Đáng suy ngẫm. Rằng, có cụ già nọ ở Thái Nguyên đã nghỉ hưu, sau nhiều ngày ngẫm về nhân tình thế thái, bèn viết ra chừng vài chục câu “châm ngôn”. Xin trích lại bởi chắc có nhiều người đồng tình:

“Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu.

Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường, bước chân ra đường phi trộm thì cướp.

Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han, bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng.

Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi.

Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ.

Gọi cha: ông khốt, gọi mẹ: bà bô. Ăn nói xô bồ thành người vô đạo.

Coi khinh bên ngoại, chớ mong có rể hiền.

Ăn ở mất cả họ hàng, chớ mơ có nàng dâu thảo.

Rể quý bố vợ vì có nhà mặt phố. Con trai thương bố vì chức vì quyền.

Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ.

Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay. Mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi.

Đi có bạn đường chân không biết mỏi, còn có mẹ cha sao không hỏi khi cần.

Khoẻ mạnh mẹ ở với con, đau ốm gầy còm tùy nghi di tản.

Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi, nhưng quên ngày giỗ Tổ.

Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không. Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện.

Một miếng ngọt bùi khi còn cha mẹ, một miếng bánh đa hơn mười ba mâm báo hiếu.

Cha mẹ còn thơm thảo bát canh rau. Đừng để mai sau xây mồ to, mả đẹp.

Bảy mươi còn phải học bảy mốt. Mới nhảy vài bước chớ vội khoe tài.

Tiếp thị vào nhà bẻm mép, cẩn thận cảnh giác, đôi dép không còn.

Cầu thủ thế giới tên gọi chi chi, thoáng nhìn tivi đọc như cháo chảy, ông nội ngồi đấy thử hỏi tên gì”.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Hay thật. Những gì nghĩ trong đầu, chưa kịp viết ra, đã thấy câu Kiều rành rành trước mắt.

Ngày mai, 19.11.2015 tròn 28 năm ngày Việt Nam chính thức kết nối với mạng internet. Một vài số liệu cần ghi nhận: “Không gian internet đã phát triển mạnh và là một điểm sáng của VN trong gần 2 thập niên qua. VN có khoảng 41 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 41% dân số. VN cũng có khoảng 26 triệu người tiếp cận các mạng xã hội trên thiết bị di động với thời gian 2 giờ trung bình mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội ở VN thuộc vào hàng cao nhất trong khu vực. Các trang tìm kiếm và mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook, Twitter, Viber đều được tự do hoạt động ở VN. Internet được mở rộng tới mọi đối tượng người dân, đặc biệt ở vùng núi, nông thôn, biên giới, hải đảo” (Báo Thanh Niên ngày 18.11.2015).

Cửa trời rộng mở đường mây,
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.

Hay thật. Những gì nghĩ trong đầu, chưa kịp viết ra, đã thấy câu Kiều  rành rành trước mắt.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment