LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.11.2015


6thu-but-hobieu-chanh
                                                      Thủ bút nhà văn Hồ Biểu Chánh. Tư liệu L.M.Q

Những ngày này, bỏ mặc giông tố ngoài phía bên ngoài cửa sổ. Lật Liêu trai chí dị, đọc lại truyện Thư si (mê sách) của Bồ Tùng Linh. Rờn rợn từng chân tóc với câu chữ như ma mị, ám ảnh. Có thật không cái chi tiết độc đáo này xẩy ra trong lúc đọc sách? Lúc ấy, Lang Ngọc Trụ hoảng hồn thấy người đẹp bước ra từ cổ thư: “Mỹ nhân ung dung bước xuống đất, rõ ràng là một giai nhân tuyệt thế. Lang lạy hỏi là thần gì, mỹ nhân cười nóì: “Thiếp họ Nhan tên Như Ngọc, chàng đã biết từ lâu rồi. Hằng ngày được chàng rủ mắt xanh, nếu thiếp không tới một phen e rằng ngàn năm sau không còn ai tin vào cổ nhân”. Rồi họ chăn gối suốt những canh tàn gió lộng. Đã đọc truyện ngắn này từ lúc hoa niên, nay đã già, đọc lại, vẫn giữ nguyên cảm giác lành lạnh sau gáy như thuở ấy.

Y cũng đã từng nhiều đêm ước mơ được như Lâm Ngọc Trụ.

Trên đời này, có những con người lạ lùng lắm. Những gì đã mê đắm, yêu thích từ buổi còn thò lò mũi xanh, đến lúc ngoài ngũ thập vẫn không gì thay đổi. Có những ngày lang thang các ngã đường bán sách cũ ở Sài Gòn, bao giờ y cũng nhìn thấy thắng bé con thơ dại trở về ngay trong mắt. Từ lúc mới học lớp bảy, lớp tám y đã có những buổi chiều đi dọc theo con đường Ông Ích Khiêm, ngay chợ Cồn (Đà Nẵng). Con đường này, người ta bán sách báo cũ, tràn ra cả một đoạn đường dài tấp nập, huyên náo người đi ngược kẻ đi xuôi. Mặc kệ, y vẫn đứng giữa nắng sớm, mưa chiều tìm lục lọi, tìm kiếm như một gã thư si. Hễ sách cũ, sách hay, thấy là lạ là mua, chẳng cần phải nghĩ ngợi gì thêm. Bây giờ cũng vậy. Nỗi niềm mê sách đã là một phần của máu thịt, trở thành ký ức của đời sống.

Sáng ngày 6.11.2105, trao đổi cùng các bạn trẻ yêu sách cũ qua chủ đề: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Một bạn đọc hỏi, đại khái, còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, lại không nhiều tiền thì nên “chơi sách” bằng cách nào? Nhà sưu tập Phạm Thế Cường - chủ nhiệm Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng gợi ý nên tìm mua loại sách thuộc sở trường của mình. Tán thành ý kiến này, y bổ sung thêm, hễ cứ thích là mua, dù rằng, có thể quyển sách thuộc lãnh vực đó, mình chẳng hề biết tí tẹo nào. Cần gì, cứ xếp lên kệ sách, ắt có lúc sẽ cần đến. Bằng không, nếu biết có ai đó đang cần, đem tặng lại, há chẳng phải là lúc đem về một niềm vui đó sao?

Sách có linh hồn của nó. Ngồi giữa cái “thư viện” ngay trong nhà với  hàng ngàn quyển sách, y ngẫm lại và thấy đúng. Nếu có duyên, sách sẽ tìm đến mình trong những lúc ngẫu nhiên, không ngờ đến. Nếu không vì chữ “duyên” vi diệu của triết lý đạo Phật, làm sao tôi có thể sở hữu những quyển sách giáo khoa in bằng tiếng Việt cách đây hơn 100 năm? Làm sao có thể sưu tập được những quyển sách của hai miền Nam - Bắc ấn hành lúc cả nước kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du? Làm sao có thể đọc được bộ Đại Việt sử ký toàn thư bằng loại giấy bổi in năm 1945? Ôi, cái năm tàn khốc, bi thảm ấy, hơn 2 triệu đồng bào chết đói, tự dưng lòng chùng xuống khi thấy cả những cọng rơm khô, gày đét nằm lẫn trong những dòng chữ. Cầm sách đọc, dù ngoài trời nắng ấm, ngồi phòng máy lạnh, thoáng đãng mà lòng lạnh buốt.

Sách cũ không chỉ là sách. Nhìn trang sách, qua kỹ thuật in ấn còn thấy diện mạo xã hội của một thời. Y tin chắc rằng, ai cũng còn có những quyển sách in ấn thời bao cấp. Loại giấy đen xì, xếp chữ typo, chữ mờ, chữ đậm, đọc muốn trợn tròng con mắt. Nay, có những quyển đã tái bản, giấy trắng hơn, in đẹp hơn nhưng quyển sách cũ ấy vẫn không bỏ đi. Giữ lại chứ? Giữ lại một kỷ niệm êm đếm của ngày khốn khó. Giữ lại kỷ niệm của tháng ngày từ làng Đại học xa tít ngoài xa lộ Đại Hàn, lũ sinh viên bọn y đã cọc cạch đạp xe về chợ Thủ Đức, về Sài Gòn mua cho bằng được sach mới phát hành. Ngày đó, bước vào hiệu sách nản ghê gớm bởi trên quày sách có những hàng chữ “Sách mẫu, không bán”; “Sách bán theo giấy giới thiệu”... Vì thế, có những lúc thèm thuồng, nuốt nước bọt mà cổ họng đáng nghét, đứng ngây dại nhìn lấy cái bìa sách như muốn thâu gọn cả vào trong trí nhớ. Rồi tiu ngỉu, thất vọng bước ra về.

Sực nhớ, đã lâu lắm rồi, ở sân 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, ngồi trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông bảo: “Một ca khúc sở dĩ được nhiều người nhớ đến vì ca khúc đó có gắn với kỷ niệm một thời của họ”. Sách cũng thế. Trong cuộc giao lưu về sách tại NVH Thanh Niên, một bạn đọc phát hiểu: “Tôi đến với Ngày hội sách cũ 2015 vì muốn tìm lại những quyển sách đã đọc thời niên thiếu”. Một lý do rất đơn giản, nhưng ít nhiều nói lên tình cảm người đọc dành cho sách cũ.

À, có chuyện này nghe xong thấy vui, ghi lại kẻo quên. Hôm nọ gặp Nhật - người bạn vai em sinh năm 1977. Có lần em cho biết có nguyện vọng được một lần lai rai với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyên cớ thế này, Nhật kể: Trong thập niên 1980, Nhật mới học lớp Tư có thầy Hoàng từ Hố Nai về làng Phước Tân, quê em dạy học. Lúc ấy, các thầy cô chưa có nhà tập thể nên phải tạm trú trong nhà dân. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, ba mẹ Nhật mời thầy về ở chung nhà. Thời đó, các tiệm cho thuê truyện còn nhiều, thầy Hoàng - giáo viên dạy môn toán nhưng lại mê văn thơ nên cũng thường thuê truyện. Mỗi đêm, khoảng chừng bảy giờ tối, sau khi cơm nước xong, thầy cho gọi các cô cậu nhóc học trò tụ tập trước sân nhà và đọc truyện cho nghe. Mỗi đêm đọc chục trang, rồi đêm sau lại đọc tiếp. Tình thầy trò cảm động quá. Nhật nhớ lại, cuốn sách đầu tiên trong đời em được nghe thầy đọc là quyển Còn chút gì để nhớ. Từ dạo đó, Nhật đã mê Nguyễn Nhật Ánh, mê văn chương là vậy. Thì ra, sự giáo dục của người thầy qua những trang sác từ năm tháng ấu thơ hết sức quan trọng.

Không phải ngẫu nhiên, sách cũ ngày một “có giá” vì lúc đó người ta vui mừng như tìm lại được ký ức tuổi thơ. Nghe Nhật kể, trong lòng y cũng dạt dào một niềm vui và nhớ lại cái thuở học trò của mình, thời còn sinh hoạt cộng đồng: Khoảng năm 1973, từ Sài Gòn, nhà văn Nhật Tiến đã gửi tặng bạn đọc dài hạn báo Thiếu Nhi các tác phẩm của ông. Tờ báo này do Nhật Tiến làm chủ bút, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm và bỏ tiền đầu tư. Anh em, bè bạn chuyền tay nhau đọc. Sau này, những Chim hót trong lồng, Thềm hoang… luôn gợi trong tâm trí y một tình cảm quý mến về nhà văn đi trước. Ôi, văn chương đôi khi lại lưu lại trong lòng con người ta những yêu dấu khó xóa nhòa.

Cái thú chơi sách cũ còn là lúc được nhìn tận mắt bút tích của nhà văn. Thời nới vào nghề báo, có lần được diện kiến nhà sưu tập tranh Lâm Toét, qua cà kê lai rai ông khuyên, đại ý, nghề báo là nghề được tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng, chẳng hạn, lúc được gặp các nhà văn nên tận dụng cơ hội ấy xin chữ ký, thủ bút của họ ký ngay trên sách. Những tập sách đó có giá trị gấp nhiều lần sách bày bán thông thường. Ngẫm lại thấy đúng. Vừa rồi, tay bán sách cũ ở đường Trần Huy Liệu đã bán quyển Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, in lần thứ nhất vào năm 1940 với giá 12 triệu đồng. Quyển sách được đẩy lên giá cao ngất đó, chỉ vì có dấu ấn Nguyễn Tuân thể hiện qua từng dòng bút tích. Quý là thế. Hiếm là thế. Xem sách cũ của nhà sưu tập Phạm Thế Cường, biết rằng trước năm 1945, nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ khi tặng sách cho bạn chỉ ký mỗi chữ “Hoan” nhưng từ sau năm hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông ký rõ ràng đầy đủ họ tên. Chi tiết này lý thú quá, phải không? Tương tự, y quý lắm quyển Ông cử của Hồ Biểu Chánh, in năm 1940 vì ông có ghi thêm dòng chữ bằng màu mực tím: “Có vợ đó mới có chồng đó; có cha đó ắt có con đó” và ký tên thật Hồ Văn Trung.

Qua sưu tập sach cũ, còn thấy được nhân tình thế thái nữa. Anh bạn y là nhà văn nổi tiếng, ngày nọ anh rủ đến chơi nhà. Lúc có men say, anh trút lòng: “Q à, ông nghĩ thế nào trong trường hợp này?” Nói xong, anh đứng dậy ôm ra chừng mươi cuốn sách. Trời, đó là sách do anh đã tặng bạn bè nhưng chẳng rõ vì lý do gì lại chui tọt vào cửa hàng bán sách cũ?  Y bèn an ủi: “Thôi kệ, sách mình đã in ra tặng bạn, bạn không có duyên giữ lại ắt có người khác. Buồn làm chi”. Mà thôi, dưới gầm trời này, chẳng có ai sở hữu được cái gì vĩnh viễn đâu.

Mới đây thôi, thiên hạ nhốn nháo lên vì tủ sách của nhà thơ Huy Cận được rao bán. Cả hàng trăm quyển sách có chữ ký, thủ bút đã lọt vào các tay dân chơi sách cũ. Hễ ai có duyên thì giữ được, cũng như đồ cổ, hết hết nợ, hết duyên tức khắc sẽ qua tay người khác. Có lẽ gây “chấn động” nhất trong vài năm trở lại đây là tủ sách của giáo sư nọ được gia đình thanh lý với giá rẻ mạt. Chị bạn y - người bán sách cũ đã “trúng quả” đậm. Có ai ngờ, chính những bộ sách quý đó đã giúp cho chồng chị lúc túng bấn nhất đã có tiền trải qua mấy cơn phẫu thuật! Người này giữ, người khác hưởng, âu cũng là cái lẽ thường tình trong trời đất. Dù gì khi hưởng lộc, họ vẫn còn nhớ đến cái ơn của người đã sưu tập gìn giữ. Vậy là đủ.

Dù được xếp vào giới chơi sách cũ, nhưng thật ra không đúng, y chỉ là người mê sách. Vì mê sách nên có bao nhiêu tiền, ngay từ bé đến giờ, y cũng nhín tiêu xài để mua sách, dù bây giờ trong nhà đã không còn chỗ trữ nhưng vẫn cứ mua. Mua để được ngắm nhìn cho no nê con mắt. Thỏa mãn sự thèm thuồng của mùi thời gian thấp thoáng trong từng trang đã cũ, đã úa, đã nhọc nhằn phiêu dạt theo năm tháng. Và không chỉ thế, với y, sách cũ chỉ có giá trị một khi những tư tưởng, tinh hoa trong sách ấy được vận dụng cho cuộc sống hiện tại, được phổ biến rộng rãi đến nhiều bạn đọc. Giữ một quyển sách cũ đến hàng trăm năm, sách rất quý nhưng chỉ mỗi mình đọc, mỗi mình biết, liệu có ích gì?

Sống trên đời, ai cũng phải mê một cái thú gì đó. Mê sách là một cái thú. Mà cái thú này, thời buổi này, y biết có những người sở hữu nhiều sách quý, đồ sộ không thua gì các cụ Vương Hồng Sển, Đông Hồ, Nguyễn Văn Y, Bằng Giang… Nhưng liệu ai có tâm thế, mê sách, quý sách như chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông? Trước khi mất, cụ có ghi lại trong Di chúc: “Sách vở là gia truyền quý nhất, không được đem gửi người khác. Sau khi ta trăm tuổi mỗi khi gặp ngày giỗ thì lấy sách ra bày ở hai bên trên bàn thờ thay cho mâm cúng cơm”. Ôi! Tấm người xưa dành cho sách khủng khiếp biết dừng nào?

Còn y, một hậu sinh mê sách, luôn xác tín: “Thư trung hữu mỹ nhan như ngọc”. Vì thế, nhiều lần đọc sách mà ước gì mình được như nhân vật Lang Ngọc Trụ của Bồ Tùng Linh tiên sinh. Được thế, âu cũng là cái duyên tri ngộ giữa sách và người từ thuở lọt lòng đã mê đắm với sách.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment