LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.8.2105


kieu2015-1439297603hoi-kieu-hoc-rjpg

Bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam thực hiện 2015

 

Thơ có ích gì không?

Ngày 29.7 Nhâm Tý (nhầm ngày 16.9.1792), vua Quang Trung băng hà. Ngài chết vì bệnh “huyễn vựng”? Nếu đúng, “chứng bệnh thường hay chóng mặt và mê mẩn từng chập, do bệnh bấn huyệt và bệnh thần kinh suy nhược sinh ra” (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh). Nói nôm na ngài mất do tai biến mạch máu não.

Từ đó đến nay, các nhà sử học đau đáu nỗi niềm đi tìm lăng mộ của vị anh hùng dân tộc dã từng đánh tan tác 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Thật lạ, đây cũng năm nổ ra Cách mạng Tư sản Pháp “làm rung động cả châu Âu, đã lật đổ chế độ cũ bằng một thứ "xã hội mới" và là một khuôn mẫu mà các phong trào cách mạng sau này hướng vào, coi cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 là một cách mạng đi trước” (Từ điển wikipedia).

Từ năm 1789, người ta đã đặt câu hỏi: “Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?”

Suốt một thời gian dài, giới sử học tập trung về lăng Ba Vành (Huế). Năm 1961, tạp chí Bách Khoa có đăng bài Lăng Hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thiệu Lâu. Ông Lâu là nhân viên Đông phương Bác cổ học viện, làm việc dưới quyền cụ Nguyễn Văn Tố. Từ năm 1941, Linh mục L.Cadière - người sáng lập Hội Những người bạn Huế và cũng là chủ bút của tạp chí cùng tên, gợi ý ông Lâu: “Lăng Nguyễn Huệ ở miền núi phía Tây Huế. Anh hãy tìm đi và tiến hành khảo cứu”. Ông Lâu đã tìm ra lăng mộ Ba Vành ở Thiên An, khẳng định: “Đây là lăng Hoàng đế Quang Trung”. Có thể tìm đọc lại bài viết này trong tập sách Quốc sử tạp lục (NXB Mũi Cà Mau -  1994) của Nguyễn Thiệu Lâu. Từ đó đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong nhiều năm liền giới nghiên cứu đã khảo sát rất kỹ về lăng Ba Vành.

Như ta đã biết, Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết lăng mộ vua Quang Trung đã được “táng vu Hương Giang chi nam” (táng ở bờ nam sông Hương), trong khi do lăng Ba Vành lại quá xa bờ Nam sông Hương.

Vài năm trở lại đây, “nhà Huế học” Nguyễn Đắc Xuân lại đưa ra hướng khác. Theo ông Xuân, lăng mộ Quang Trung đặt ngay trong cung điện Đan Dương.

Tại sao ông Xuân đi theo hướng này? Là do ông đi theo sự mách bảo của… thơ! Ông căn cứ vào bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm và cho biết cụ thể như sau: “Ngày 29-7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài 感懷 (Xúc động trong lòng). Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (丹陽宮殿日三秋 Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một chú thích (référence) gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy có thông tin: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.

Chú thích của một câu thơ đã mở ra một vấn đề lớn trong sử học.

Quý thay.

Sáng hôm qua, cà phê cùng với Trọng Việt. Sực nhớ ông Xuân bèn điện thoại thăm hỏi, hơn nữa hôm trước được Alphabooks  có tặng quyển Đi tìm Cung điện Đơn Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa) của ông vừa tái bản, dày 430 trang. “Anh đang ở đâu?”. “Mình đang ở Huế. Đang viết kịch bản cho đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim nhiều tập về cung điện Đan Dương”. Như vậy mọi việc đang tiến triển tốt, và vì viết kịch bản nên anh không thể vào Sài Gòn nhân có chuyện về Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Qua điện thoại, anh có nói loáng thoáng đôi điều. Chẳng rõ cuối cùng thế nào. Không nhắc lại nữa. Càng ngày càng bẽ bàng ra nhiều thứ. Thôi, gạt những chuyện đó đi, cũng như khối chuyện tương tự khác.

Quay về với lăng mộ Hoàng đế Quang Trung.

Biết đâu sau này, giới sử học đồng tình với phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân thì sao? Khi đó, chắc chắn thiên hạ sẽ… đọc thơ của tiền nhân chu đáo hơn chăng? Biết đâu cũng sẽ có người phát hiện ra nhiều điều lý thú về thơ như trường hợp ông Xuân đọc Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm? Nghĩ thế cho nó vui cái cuộc đời nhàm chán, tẻ nhạt này.

Thơ có ích gì không?

Thơ là sứ giả của văn hóa ngoại giao đấy chứ?

Tháng 11.2000, Bill Clinton - Tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam sau 25 năm chiến tranh kết thúc, ông “lẩy Kiều”:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Đó là hai câu 1795-1796 khắc họa tâm trạng của Thúc Sinh. Sau khi đã dán díu với Kiều, chàng về thăm vợ rồi “Chạnh niềm nhờ cảnh giang hồ”, thật ra nhớ Thúy Kiều. Nhớ mà cứ bó chân một chỗ, làm sao chịu nổi? Bèn tìm cách rời khỏi nhà. Hoạn Thư thừa biết nhưng cao cơ hơn nhiều, bảo Thúc Sinh hãy về thăm cha, dù biết tỏng chồng mình đang muốn gì, sẽ đi đâu. Khi Thúc Sinh rời khỏi nhà, Hoạn Thư cũng về thăm mẹ và kể hết mọi chuyện đã nghe thiên hạ đồn đãi. Lập tức một kế hoạch hoàn hảo “chước rất mầu” dược thi hành: sai bọn Khuyển Ưng đốt nhà, bắt cóc Kiều rồi ném vào đó thây ma chết đuối, tạo nên hiện trường giả là Kiều đã bị chết cháy. Quả nhiên, khi đến nơi, Thúc Sinh tưởng thật. Đi coi bói một quẻ xem sao. Gã thầy bói phán rằng Kiều chưa chết, hai người sẽ chạm mặt nhưng “Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay”. Quả nhiên đúng y như thế. Đó là chuyện về sau. Còn bây giờ, lúc này:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Tìm đâu cho thấy cố nhân

Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương

Tội nghiệp Thúc Sinh, chàng dưới cơ Hoạn Thư xa lắc xa lơ.

Rồi mới đây, tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về quan hệ Mỹ - Việt Nam:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Trong Truyện Kiều, có lẽ hai câu thơ này lấp lánh ánh sáng reo vui vào bậc nhất trong chuỗi 3.254 câu lục bát dằng dặc đoạn trường “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”. Đọc Kiều, những người khóc thương cho số phận 15 phiêu bạt giang hồ của Kiều ắt phải òa khóc lên vì sung sướng, vì sự “có hậu” ở trần gian bể khổ này:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa

Mấy hôm nay, những người mê Kiều chộn rộn, ồn ào phản ứng tập sách Truyện Kiều (NXB Trẻ) - ấn bản Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải. Phản ứng vì có những chú giải sai về điển tích, điển cố. Người phát hiện trước nhất là  PGS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, đại học KHXH&NV TPHCM, trên trang facebook cá nhân, anh cho rằng ở trang 29 phần chú thích cho câu thơ: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” có ghi: “Ca nhi: Tống thư có câu “ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Nếu “ca nhi” là “con trai hát”  thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên là... con trai, hẳn đã “chuyển giới" cho “nàng ấy”! Ông Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, 1 trong 8 nhà nghiên cứu tham gia biên soạn cuốn Truyện Kiều lý giải sự cố này xảy ra là do đánh máy thừa một chữ: Lẽ ra chú thích chính xác là: "ca nhi, vũ nữ" (con hát, con gái múa) thì in sai thành: "ca nhi, vũ nữ" (con trai hát, con gái múa).

Sự việc này không có gì ầm ĩ. Đã sai thì sửa. Nhưng có một vài người, nhân sự vụ này, “dấn” thêm một bước nữa là chê trách các câu trong bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam không giống như những câu mình đã đọc, đã nhớ. Nói như thế, đòi hỏi như thế là vô lý. Như ta đã biết, các văn bản Truyện Kiều thông dụng nhất hiện nay là những bản do các tác giả Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh... biên soạn; ngoài ra còn có thể kể thêm các bản Kiều của Kiều Oánh Mậu, Liễu Vân Đường, Quan Văn Đường, Duy Minh Thị, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Đắc Hàm, Trương Vĩnh Ký, Tản Đà, Phạm Kim Chi, Văn Hòe, Nguyễn Quảng Tuân...

Các học giả này dựa trên các bản Kiều chữ Nôm mà mình có để phiên âm, tất nhiên, phiên âm theo sở học mà họ cho là đúng nhất, vì thế, khó có thể có sự trùng nhất của 3.254 câu Kiều giữa các bản. Mà cũng khó có thể đi đến việc xây dựng nguyên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du như các học giả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn v.v… đã đặt ra từ lâu. Vậy trường hợp bản Truyện Kiều do Hội Kiều học Việt Nam khi hiệu khảo, chú giải thì họ dựa trên bản Kiều nào? Và khi chọn từ đó, câu đó, họ lập luận thế nào, cho biết vì sao đã chọn, thêm một nguyên tắc khoa học là họ phải trưng ra các dị bản để bạn đọc so sánh.

Bên cạnh đó, ta phải thừa nhận một sự thật là có những câu Kiều chắc chắn khác với nguyên bản của Nguyễn Du. Ấy là do người đọc tự sửa tùy theo cảm xúc, nhận thức, học thức… của mình (xin nhấn mạnh điều này), ví dụ, “Tiếc thay một đóa trà mi”. Làm gì có “trà mi”, phải là “đồ mi”: “Trong tiếng Hán chỉ có danh từ đồ mi chứ không có trà mi. Vì chữ đồ và chữ trà chỉ khác nhau một nét (chữ trước có một nét ngang nhỏ trên chữ mộc mà chữ sau không có nên người ta dễ nhầm chữ này thành chữ kia. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Hà Nội, 1974) ghi nhận hai hình thức đồ mi lẫn trà mi nhưng mặc nhận rằng đồ mi mới là hình thức gốc và chính xác”. (An Chi - Chuyện Đông chuyện Tây, NXB Trẻ 2005- tập 2, tr, 96). Học vấn uyên bác cỡ Nguyễn Du thừa sức biết điều đó, nhưng rồi hiện nay trong các bản đã phổ biến, trong trí nhớ người thưởng ngoạn vẫn là “Tiếc thay một đóa trà mi”. Thế thì, ta chọn thế nào? Chỉ nêu một trong rất nhiều thí dụ khác nữa.

Mới đọc một đôi câu không “thuận tai” như đã nhớ đã đọc, đã thuộc nhiều người đã la toáng lên như cháy nhà đến nơi. Sự lo lắng thái quá ấy, cũng có thể do tâm lý “té nước theo mưa” đã khiến nhiều người nhầm tưởng bản Kiều do Hội Kiều học Việt Nam biên soạn chẳng giá trị gì, khi đọc “khiến phải mắc cười”.

Sổ toẹt như thế, nghe sao được.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment