LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.8.2105

levanhuu-nhasuhoc

Có những con số, tự nó đã phản ánh não trạng nhà cầm quyền của một thời.

Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn cho xây quá nhiều chùa chiền. Nhà sử học Lê Văn Hưu bình luận xác đáng: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”.

Thời đại chúng ta thế nào?

“Trước tiên nói về bảo tàng của ta thì ôi thôi đủ thứ chuyện, chuyện gì cũng có trừ chuyện không biết “treo” cái gì bên trong. Về “lượng”, sau khi có thông tin về 2 dự án “khủng” là Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội với mức đầu tư sơ sơ trên 11.000 tỷ đồng và TP.HCM đề xuất xây dựng Bảo tàng TPHCM trên diện tích 15,45ha tại quận 9 thì cả nước sẽ có tổng cộng 149 bảo tàng. Con số thống kê còn kể “tích” rằng từ năm 2005 đến nay có 32 bảo tàng được xây mới, trong đó có những bảo tàng được đầu tư “tiền tấn” như Bảo tàng Hà Nội hơn 3.000 tỷ đồng, Bảo tàng Quảng Ninh gần 900 tỷ đồng… Tuy nhiên “chất” bảo tàng lại không tương xứng” (Báo SGGP ngày 2.8.2015).

Tượng đài thì sao?

“Hiện cả nước có 360 công trình tượng đài, số lượng tượng đài có thể tăng lên nhiều trong thời gian tới bởi các địa phương đang đua nhau xin làm” (Báo NLĐ ngày 7.8.2015). Thêm thông tin mới nhất, hầu hết các báo đều đưa tin, chẳng hạn cũng theo Báo NLĐ: “Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang chủ trì dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo dự thảo, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được xây dựng ở vị trí trang trọng, trung tâm, có chất lượng cao về kỹ thuật và mỹ thuật, thuận lợi cho nhân dân đến thưởng ngoạn và tưởng niệm. Các công trình chỉ được xây dựng khi đã có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chí theo quy định.

Cũng theo dự thảo, hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ưu tiên xây dựng đến năm 2030 tại 14 địa phương: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Tính đến năm 2014, cả nước có 31 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại trung tâm chính trị, hành chính các địa phương có quy mô lớn và 101 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên, cơ quan, đơn vị, trường học”.

Đến thời điểm này, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ chiếm “kỷ lục” về số tiền đầu tư lớn nhất: 411 tỷ đồng!

Những này này dư luận vẫn còn phản đối quyết liệt vụ UBND tỉnh Sơn La lập dự án “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” - tổng số tiền là 1.400 tỷ. Sau khi bị dư luận phản ứng về một tỉnh nghèo vẫn quyết xây tượng đài nghìn tỷ, Thủ tướng đã lập tức ban hành công văn khẩn yêu cầu lãnh đạo tỉnh Sơn La phải báo cáo đề án trước 15.8.2105: “Đề án xây dựng quần thể tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác; nhận định quy mô Đề án quá lớn, chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

Lâu nay, ít ai nhắc đến thơ Tố Hữu, thế nhưng trong sự kiện này, thiên hạ lại nhớ đến:

Bác để tình thương cho chúng con.

Một đời thanh bạch chẳng vàng son.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng.

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Trên báo Tuổi trẻ và đời sống, nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu: “Đừng núp bóng Bác, lạm dụng Bác để làm những việc trái với ý nguyện của Bác. 1.400 tỷ đồng là số tiền rất lớn. Trong khi đó, Sơn La lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Theo ký giả Nguyễn Đức Lam, toàn tỉnh Sơn La có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 trên 62 huyện nghèo nhất cả nước; hơn 30.000 hộ cận nghèo, 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói. Còn về thu-chi ngân sách, Sơn La là một tỉnh không “dư dả” gì, chỉ tạm “đủ ăn”, chưa nói đến đầu tư để “thoát nghèo”.

Tỉnh đang gặp hàng loạt vấn đề, như thiếu cầu đường, việc làm, nước sạch, thiếu các cơ sở phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, bệnh viện. Trước vô vàn vấn đề như vậy, điều quan trọng nhất có lẽ là chọn ưu tiên. Tại sao lại chọn việc xây quảng trường thành phố với quần thể tượng đài? Việc thiếu các công trình này tác động đến địa phương như thế nào? Liệu thiếu công trình này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đa số người dân không? Bao nhiêu người hoặc nhóm người chịu ảnh hưởng? Nếu chỉ tác động đến một số ít người thì cần cân nhắc vì sao đáng ưu tiên? Nếu không xây quảng trường và quần thể tượng đài sẽ dẫn đến hậu quả gì, có trầm trọng không?

Quan trọng nhất là đặt trong mối tương quan với các vấn đề khác, việc xây quảng trường và quần thể tượng đài có đáng ưu tiên hơn không, hay là có chuyện cần hơn? Cũng theo ký giả Nguyễn Đức Nam, tình cảm của đồng bào với Chủ tịch Hồ Chí Minh là sâu đậm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với nhu cầu xây tượng đài, xây quảng trường, ít nhất tại thời điểm này. Chắc rằng, gần 70.000 hộ nghèo, 30.000 hộ cận nghèo, nhất là hơn 31.000 hộ đói ăn chưa có nhu cầu như vậy. Như ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói: “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân”.

Trên các trang mạng xã hội, dư luận cũng có ý kiến tương tự.

Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Bài học đó còn có tính thời sự không?

Cửu Trùng Đài trăm nóc xây dựng thời vua Lê Tương Dực.

Bài học đó còn có tính thời sự không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment