LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.6.2015


TAT-DEN-r

 

“Ngày chủ nhật ngày của riêng mình”.

Câu này trở thành ca từ của một bài hát. Thỉnh thoảng hát lên một chút cho đời nhộn một chút. Một mình, hai mình, riêng mình và cuối cùng không thể tùy mình. Sống, khó có thể chìu lòng mình, đôi khi phải vì người khác một chút. Chút ít thôi. Đã lấy làm vui. Tự nguyện mà vui. Có thế, đời sống mới nhẹ nhàng. Từng ngày trôi qua. Nhìn nhau. Nhìn vào mắt nhau và nói như thơ Nguyên Sa “Hãy để môi rót rượu vào môi”. Câu thơ này không chỉ hình ảnh mà còn gợi lên cảm giác của mùi vị. Nghe ra trong đó có cả rượu. Rượu đỏ. Của một ngày chủ nhật. Ngồi trên bancon nhìn xuống con đường Đồng Khởi sũng nước. Ngay tầm tay là vòm xanh cây điệp vàng. Từng chiếc lá tríu nặng giọt mưa.

Trước đó, đã bún riêu bà Béo. Đã cà phê ngay trước Continental. Lồng lộng gió. Gió thổi một vệt dài qua môi son đỏ. Rồi đi mua sách. Hội sách nho nhỏ tại Nhà triển lãm Lê Thánh Tôn. Ngoài trời vẫn mưa. “Mua gì sách gì vậy Q?”. À, mua quyển The oak tree’s dream (NXB Giáo Dục Việt Nam - 2011) của Nguyễn Hồ Thụy An, khổ sách 38 x 54 cm, 40 trang (cả bìa), giá 300 ngàn đồng, nay chỉ bán 20 ngàn đồng, cân nặng 900 gr. Mua, dù không đọc nhưng ít ra cũng được cầm một quyển sách in khổ lớn. Mua thêm quyển Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố.

Hiện nay, Công ty sách Nhã Nam đang thực hiện Tủ sách danh tác Việt Nam. Việc làm này rất đáng hoan nghênh. Những danh tác ấy cần phải có bản in chính xác nhất, có như thế, mới phục vụ tốt nhất cho bạn đọc. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trước đây cũng đã thực hiện văn bản tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng rất công phu, đối chiếu từng bản in, đối chiếu với bản mà sinh thời nhà văn đã cho in từng kỳ trên báo. Tất nhiên Nhã Nam cũng in Tắt đèn, nhưng gặp sự phản ứng từ phía gia đình Ngô Tất Tố. Đơn giản cũng chỉ vì họ chọn bản in không chuẩn (theo ý kiến phía gia đình nhà văn).

Nay, y tìm mua bản in Tắt đèn (NXB Văn Học - 2013) do con gái và con rể của nhà văn là ông bà Cao Đắc Điểm - Ngô Thị  Thanh Lịch công bố. Phải thừa nhận rằng, cụ Tố có con gái và con rể quá tuyệt vời. Họ đã làm hết sức mình với những gì ông bố đã viết. Đáng quý cái lòng dành cho đấng sinh thành. Có như thế, họ mới dành nhiều thời gian sưu tầm, khảo dị, hiệu đính, chú giải, giới thiệu trọn vẹn (trong chừng mực có thể) những trước tác của ông bố. Từ đó, họ cung cấp một bản chuẩn nhất. “Con hơn cha là nhà có phúc”, vẫn biết thế, tuy nhiên có những ông bố mà tầm vóc quá lớn lao, các con chỉ cần làm công việc như ông bà Cao Đắc Điểm đã làm cũng là một đóng góp hữu ích cho nền học thuật nước nhà.

Đọc bản in này, y thích quá. Đã học được thêm một một ít vốn từ của người nông dân Bắc bộ qua Tắt đèn. Xin liệt kê ngẫu hứng, “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín im”- “chửi chùm chửi lợp”: ý nói chửi mắng tới tấp, liên tục; “Thêm mấy ngày nay, Lý trưởng ngày ngày sai người giục thuế, anh càng luống cuống như con kiến bò trong chảo nóng” - “kiến bò trong chảo nóng”: ý nói luống cuống, không tìm được lối thoát khi khó khăn; “Quả nhiên mới cất miệng hỏi, nó đã mắng sấm sơi sơi” - “mắng sấm sơi sơi”: mắng tơi tới, mắng át đi làm người bị mắng phải sợ; “Cái Tý vẫn bai bải van như tế sao”; dễ hiểu rồi, là động tác vái / lạy / van lia lịa, miệng ca cẩm, cầu khẩn, xin xỏ điều gì đó như động tác, điệu bộ của người cầu khấn trời đất;  “Đĩ Dậu có nhà đấy không? - “Đĩ”: từ dùng để gọi thân mật người nông dân có con gái đầu lòng còn bé.

Đọc đến đây, y thắc mắc thế sinh con trai, chứ không phải “con gái đầu lòng còn bé”, gọi  là gì hay cũng gọi chung là “đĩ”?

“Chị Dậu vội gạt nước mắt đứng dậy, mượn thắng Mới cái bát yêu đàn, chị ra giếng xin một bát nước bưng vào” -“bát yêu đàn”: bát miệng loe rộng, khoảng giữa thắt lại, trôn bé, làm bằng đất nung tráng men hạng xấu; về nhân vật thằng Mới, đọc nhiều phóng sự của Ngô Tất Tố ắt biết đó chính là thằng mõ. “Nhà em “kiết xác mồng tơi” ai còn dám rời hoa tai cho mượn”; từng nghe có câu “nghèo kiết mồng tơi”."nghèo rớt mồng tơi"; mồng tơi là loại rau dây leo, khi ngắt hết lá để nấu ăn chỉ còn trơ lại thân xác; “Đứa nào ăn vèn của thày thì chị không cho đi chơi với chị” – “ăn vèn: ăn vẹm vào, ắn bớt đi, lấy bớt đi; “Thằng Dần, cái Tý thôi không ăn khoai nữa, dĩn dĩn vừa van vừa khóc” - “dĩn dĩn” có nghĩa là gì?

“…và tiếng xay lúa giã gạo ở mấy nhà hàng xay hàng xáo” - “nhà hàng xay hàng xáo: nghề lấy công làm lãi, đi đong thóc rồi về xay giã thành gạo, đem bán cho người tiêu dùng; “Lý trưởng vừa xếp bằng tròn bên cạnh bao lan, vừa uống rượu vừa cà riềng cà tỏi” - “ cà riềng cà tỏi”: chê những kẻ hay kiếm chuyện trách móc người khác; “Mấy đĩa đậu phụ lòng lợn trong mâm đã sạch ngoen ngoẻn” -  “ngoen ngoẻn”: từ gợi tả về nói năng trơn tru một cách trơ tráo không biết ngượng; “Một ông móc liền dạ cá lôi ra một khối đồng vuông đưa cho nhà hàng và nói:” - “dạ cá”: đồ vật có hình giống như bụng con cá để đựng tiền nong hay tư trang.

Đọc đến con cá, y liên tưởng đến con gì?

Rất tự nhiên, y nghĩ đến... con cóc. Năm xưa đọc quyển Quảng tập viêm văn: An Nam văn tập của ông giáo Edmond Nordemann, in năm 1898 có đoạn: “Sự phòng xa của người Trung Hoa và người An Nam thường thường là chôn dưới đất tất cả của để dành của họ. Những của để dành này thường được tiêu biểu bằng các khối kim loại nhỏ có hình dáng con cóc. Từ đó, có từ ngữ An Nam “bắt cóc’ để nói bắt buột phải chuộc”. Tương tự, ở đây, “dạ cá” có thể hiểu do hình thù cái túi đựng tiền, tư trang giống như tên gọi. Sau ngày Đổi mới, Việt kiều về nước, thường có đeo dây nịt ngay thắt lưng, thấy ngay phía trước bụng có cái túi dài màu đen, chừng gang tay cũng cất giữ tiền bạc, tư trang hoặc giấy tờ tùy thân, gọi là “bao tử”. Nay chẳng mấy ai còn thấy “dạ cá” hay “bao tử” nữa. Mỗi thời mỗi khác. Ăn theo thuở, ở theo thời.

Tiếp tục đọc Tắt đèn.

“Con bé này đẹp thật đấy nhỉ. Của này nếu dược thắng bộ cánh bốp thì… kém gì đời” - “bốp”: (áo) đẹp một cách saNg trọng, chải chuốc. Trước đây, từng nghe từng “kẻng” cũng làm nghĩa nghĩa như “bốp”; ngữ cảnh trên cho phép hiểu “thắng”: còn có nghĩa là mặc, nhưng không là mặc theo nghĩa thông dụng mà hàm ý chưng diện. “Mụ Cửu thay lời chị Dậu, kết luận bằng việc mụ ấy gặp chị ở hàng cơm và muốn đưa chị lên Dinh quan cụ làm vú sữa”- “vú sữa”: người đàn bà sau khi sinh con, phải bỏ con, đi ở nuôi con cho chủ bằng sữa của mình; “Chỉ tiếc cái oản bụt hơi xệ”- “oản bụt”: ý chỉ cái vú.

Những liệt kê này, còn nhiều lắm. Đọc một quyển sách có chú thích chu đáo, rồi người đọc lại liên tưởng thêm ngoài sách, há chẳng phải là điều lý thú đó sao?

Đọc bản in lần này, có thể rút ra kết luận: Từ truyện ngắn Một ổ chó và một đứa con đăng lần đầu trên báo Tương Lai số 1 (27.9.1936), nhà văn Ngô Tất Tố đã triển khai thành danh tác Tắt đèn. Chính ông bà Cao Đắc Điểm - Ngô Thị  Thanh Lịch đã đưa ra các phụ lục để ta có kết luận đó. Viết đến đây, liếc nhìn Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố đặt trên kệ sách dày hàng ngàn trang, khổ lớn càng quý trọng tấm lòng của con gái, con rể nhà văn. Sự báo hiếu là ở đó.

Lan man chuyện chữ nghĩa một lát, nhìn ra ngoài trời đã thấy bóng xế. Đã trưa. Đã nghe có tiếng gà gáy vọng về. Đã nghe tiếng xe cộ ầm ĩ ngoài phố vọng đến. Đã nửa ngày rồi. Cơm trưa thôi. Chiều đi họp. Mà khoan, đã chữ với nghĩa thì thêm cái này nữa cho nó vui. Rằng, tạp chí Văn hóa dân gian thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (số ra tháng 1.1983, tr.76) có bài sưu tầm ký tên V.N.K. Chẳng rõ có phải nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh ký tắt không? Hỏi, vì lãnh vực này, ông Khánh có nhiều đóng góp rất quý. Thấy ký tắt nên đoán vậy, chẳng rõ đúng sai.

“Ngọt mà mặn

Ơ tỉnh Nghĩa Bình, tại vùng Phù Cát, Phú Mỹ có một cái đầm là đầm Nước Ngọt (còn gọi là vũng Đề Gi). Nhưng oái oăm nước trong đầm lại mặn. Vì vậy, có câu hỏi mà chưa ai trả lời được:

Thật thà là thói hồng nhan

Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì

Mặn chằng nước vũng Đề Gi

Gọi đầm Nước Ngọt lẽ gì hả em?

Mặn mà ngọt

Cũng ở Bình Định, khoảng từ Phụng Du đến sông Tam Quan có cái cầu (cách đường số 1 chừng ba trăm mét) được gọi là cầu Nước Mặn. Nhưng nước dưới cầu lại ngọt! Vì thế cũng có câu hỏi:

Tiếng đồn hay chữ

Tài ngang tú cử

Lại đây em hỏi thử đôi câu:

Ngọt ngang nước chảy dưới cầu

Gọi cầu Nước Ngọt, bởi đâu hỡi chàng?”

"Tú cử" là  tù tài, cử nhân có ăn học đàng hoàng, chứ không phải "đơ dem cùi bắp" chữ nghĩa không đầy lá mít;  “mặn chằng” là rất mặn, mặn hết chỗ chê; hơn cả mặn đắng; “ngọt ngang” có thể hiểu hiển nhiên nó là ngọt rồi, không phải tranh cãi lôi thôi gì nữa. Bài ngăn ngắn này nằm trong chuyên mục “Bạn có biết”, có thể hiểu, bạn nào có biết, giải thích giúp. Vậy ai có thể giải thích đây?

Sáng qua, lúc rượu đỏ, nhìn vòm xanh điệp vàng thấy từng chiếc lá tríu nặng giọt mưa mà nhớ đến mấy thất ngôn. Thơ của một người bạn thơ. Nguyễn Thái Dương. Mấy câu thơ thế này:

Cây hoàng điệp trước nhà em mỗi tối

Xác hoa vàng rụng xuống kín chân tôi

Không hò hẹn, sao tôi còn mãi đợi

Đứng lơ ngơ lóng ngóng dưới hiên đời

Nguyễn Thái Dương người quê Bình Định, anh có thể giải thích mấy câu hỏi của V.N.K? Bằng không sẽ hỏi bạn thơ Nguyễn Thanh Mừng - cũng quê Bình Định, ngoài thơ, Mừng còn là một tay chuyên tìm hiểu văn hóa dân gian. Có những người bạn đã lâu rồi không gặp lại. Chẳng rõ khi gặp lại, có còn thân thiết như ngày trước không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment