LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.6.2015

 

LMQ-ve-LMQ-TU-HOA

Sơn dầu - Lê Minh Quốc tự họa

 

Hôm nay, Ngày của cha. Có lẽ, nhiều người không rõ nguyên cớ nào, do từ đâu lại có ngày này. Y cũng thế. Đâu có biết tường tận. Hôm nay, Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Hôm nay, còn là ngày gì nữa? Ngày nào cũng là ngày chăng? Đúng thế. Ngày nào lại không bắt đầu một ngày bằng một thói quen đã hình thành từ lâu. Sáng sớm, dậy sớm, ngồi trước bàn phím và bắt đầu công việc của một ngày. Ngày nào cũng như ngày nào. Bất chấp nắng mưa và không thèm quan tâm đến cây kim đồng hồ đang nhích dần theo vòng quay của 24 giờ trong một ngày. Ngày bình thường. Ngày hân hoan. Ngày tẻ nhạt. Cứ như thế. Chẳng mấy chốc. Ngoãng lại nhìn phía sau, đã thấy từng chuỗi ngày lùi sâu vào dĩ vãng.

“Nghe nói anh rất nghiêm túc trong việc viết lách. Vậy trong một ngày thời khóa biểu của anh thế nào?”. Với câu hỏi của đồng nghiệp, y tâm sự: “Tài năng nhiều hay ít là trời cho, nhưng đạt kết quả công việc thế nào là do mình. Ngày nào cũng như như này nào, kể cả ngày chủ nhật ngày nghỉ: buổi sáng thức dậy, tôi ngồi trước bàn phím, nhâm nhi ly cà phê và viết. Viết như một thói quen, không đợi cảm hứng. Không cà phê ngoài quán, mất thời gian lắm. Sáng nào bận họp thì rời nhà sớm, còn không cứ lặng lẽ viết một lèo đến chừng 9 hoặc 10 giờ, rồi đi ăn sáng, vào cơ quan. Chiều thức giấc, tôi lại ngồi vào máy tính, tiếp tục viết. Hôm nào có hẹn hò lai rai thì 17 giờ tắt máy; còn không cứ viết đến 19 giờ. Sau đó, mới cơm nước, khoảng 21 giờ đi nghỉ.

Trước lúc ngủ mỗi đêm, và lúc rảnh rỗi bao giờ tôi cũng đọc sách, nguyên tắc này không thay đổi dù bất kỳ không gian nào. Thích cái gì đọc cái nấy, cũng như ra hiệu sách, thấy thích là mua, dù sách đó chẳng thuộc chuyên môn của mình. Thời gian cà phê cà pháo, bia bọt anh em bạn bè cũng vui nhưng chắc chắn sẽ không thu nhập thông tin bằng đọc một quyển sách. Đã có lần tôi viết: “Một ngày của anh mưa nắng đã lập trình/ phải chạy đua cùng khoảnh khắc bình minh/ mười ngón tay gõ phím/ mười ngón tay quen đếm/ bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà”. Chẳng rõ nên vui hay buồn?” (Chuyên đề Sức khỏe cuối tuần - báo Khoa học phổ thông số 20.6.2015).

Chẳng rõ nên vui hay buồn?

Khi tự hỏi lòng mình, có nghĩa đôi lúc cũng phân vân, nghĩ ngợi một chút. Cũng chẳng sao. Ai cũng có một cái nghề. Nghề của y chỉ có thể là viết. Nếu không viết, lấy gì mà sống? Tự thân, phải nuôi lấy mình bằng cái nghề nhọc nhằn và nhẹ nhàng này. Phải như thế, nếu không, y chẳng thể làm một nghề gì khác. Đã có lần tự nghĩ về nghề. Nghề báo. Cái nghề đã đeo đuổi từ cái thuở bước vào đời kiếm sống. Và cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không từ bỏ nó. Nghiệp và nghề đã hình thành ngay từ lúc khóc oa oa lọt lòng mẹ.

nhìn vào trang giấy trắng

thấy gương mặt cuộc đời

tham sân si ái ố

chứ nào phải chuyện chơi

có gan chơi như thật

là ám sát con người

bịa chuyện rồi thêm thắt

bao số phận chết tươi?

có gan chơi như thật

từ những chuyện đùa chơi

đưa vô danh dưới đất

vụt bay lên cõi trời?

có gan chơi như thật

mà thôi, cái cõi đời

nợ có vây có trả

máu ngàn đời vẫn tươi

hoa một ngày đã héo

người muôn năm vẫn người

làm sao anh dám viết

nửa thật với nửa chơi?

ngồi trước trang giấy trắng

là đối diện cuộc đời

là mỗi ngày đi chợ

mẹ tính toán từng hào

này tiêu hành ớt tỏi

này mớ cá bó rau

chi li từng xu lẻ

còn anh, anh tính sao?

chẳng lẽ lại cao hứng

cứ tô đen một màu

hoặc sơn son trét phấn

trên gương mặt khổ đau?

những số phận nát nhầu

đang chờ anh an ủi

nếu chẳng viết được gì

nghĩa là anh xua đuổi

cũng có thể viết gì

nhưng chỉ là hứa cuội

mây còn bay trên trời

thời gian như gió thổi

ngòi bút cạn mực rồi

có bao giờ tự hỏi?

có bao giờ tự hỏi

lòng anh chai sạn rồi?

Đoạn thơ này, trích từ trường ca Hành trình của con kiến (NXB Trẻ - 2006). Đã là ngày của nghề. Nghề viết. Viết cũng như nói. Có những lúc, tự dưng lắp bắp. Nói năng ngọng nghịu. Thốt không thành lời. Chữ đực chữ cái. Chữ tác chữ tộ. Cứ như nói ngọng. Có những lúc nói năng dạt dào như sóng biển vỗ bờ. Nói ào ào như nhà hùng biện, đứng đám đông mà cứ ngỡ như đang nói cho riêng mình. Viết cũng thế. Có những lúc chữ nghĩa tuôn ra ào ào, bàn tay không đuổi kịp theo suy nghĩ đang có ở trong đầu. Có lúc đang phóng xe ngoài đường, muốn dừng lại, tấp vào lề, viết một cái gì đó đã ngẩm nghĩ suố chặng đường dài. Có lúc ngật ngừ, viết rồi lại xóa. Ngồi mãi, thừ người ra, viết này viết nọ, đọc lại, thấy nhạt, bèn xóa. Viết mãi, nó thành thói quen. Đã có thể, ngồi là viết một lèo. Đến lúc dừng tay là đã viết xong một cái gì dù đó, hay dở thế nào chưa rõ nhưng rõ ràng đã xong. Quái, cũng là những gì đã viết, đã in. Tình cờ đọc lại, đã nhiều lần tự hỏi, ơ hay, sao người ta viết hay (viết nhảm) thế nhỉ? Nhìn kỹ một chút, thấy cái tên (hoặc bút danh) của mình nằm chình ình trên trang in. Sung sướng nhật vẫn là thời mới vào nghề. Nhìn trang báo có in bài, sung sướng lắm, phớn phở lắm, tươi vui lắm. Giờ đã khác. Chỉ nghĩ đến nhuận bút. Thì ra, người ta thiếu cái gì, thường nghĩ về cái đó. Bình thường thôi.

Báo TN sáng nay, cho biết: "Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 849 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, một hãng Thông tấn quốc gia. Nếu năm 2009 mới có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay lực lượng ấy đã là 35.000 người, trong đó có gần 18.000 là nhà báo chuyên nghiệp; tỷ lệ người làm báo có trình độ đại học và trên đại học là 95,9%". TN cũng dẫn nguồn tin từ TTXVN: Đến nay, TP.HCM, có hơn 1.800 nhà báo công tác tại 38 cơ quan báo chí và hơn 1.300 hội viên Hội Nhà báo". Báo Người đưa tin (số ra ngày 20.6.2015) có bài viết Thủ tướng giao Bộ TT &TT làm việc với từng cơ quan báo chí về việc quy hoạch". Vấn đề này, từ nhiều tháng nay đã nghe các đồng nghiệp bàn râm ran, chẳng rõ người ta sẽ quy hoạch cụ thế thế nào, ra làm sao.

Nghĩ một chút về Ngày của cha.

Nhờ internet, các thông tin ngồn ngộn đã giúp y có thể biết: Tháng 12.1907, cô Grace Golden Clayton, một người con mất cha trong thảm họa hầm mỏ ở Monongah, tây Virginia (Mỹ). Thương nhớ cha, cô Clayton chọn ngày chủ nhật gần nhất ngày sinh nhật người bố để tổ chức lễ tại một nhà thờ ở Virginia. Đó cũng chính là nguồn gốc của Ngày của Cha, diễn ra lần đầu vào ngày 5.7.1908. Khoảng 2 năm sau, cô Sonora Smart Dodd, sống ở Shokane, Washington, có người cha từng là cựu chiến binh trong cuộc nội chiến nước Mỹ. Vợ mất khi sinh người con út, kể từ đó, ông “gà trống nuôi con”. Cảm phục trước sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ của cha dành cho gia đình, cô Dodd quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha. Với sự giúp đỡ của các mục sư và Hiệp hội Thanh niên Thiên chúa giáo, ngày lễ của Cha đã được tổ chức vào năm 1910. Kể từ đó, Ngày của Cha được vận động trở thành quốc lễ của Mỹ. Năm 1972, tổng thống Richard Nixon đã ký duyệt và công bố Ngày của Cha chính thức là ngày quốc lễ của nước này và được tưởng niệm vào chủ nhật thứ ba của tháng 6 mỗi năm.

Ngày hôm nay, y làm gì?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment