LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.6.2015

KHONG-TU-R


Lâu rồi không phở với nhau

Tâm tình chín, tái, nạm, gầu, sụn, gân

Tiêu, hành, tỏi, ớt… kinh luân

Mỗi ngày mỗi phở là xuân mỗi ngày

Kinh Luân là tên riêng, một đồng nghiệp; cũng là một phần của câu 2.452 trong Truyện Kiều: “kinh luân gồm tài”. Sáng nay, nhớ phở, thèm phở nhưng rồi cũng không thể. Bấy lâu nay, mỗi sáng và mỗi chiều phải đi ăn với một người. Chữ “phải” nghe ra tủi thân quá nhỉ? Chẳng hề gì, đôi khi con người ta phải thay đổi thói quen vì một ai đó. Mà lấy làm hả hê. Sung sướng. Có kỳ quặc không? Chỉ làm hài lòng một người thôi. Là đủ. Không gì dẫn đến thất bại nhanh chóng bằng cách muốn lấy lòng, được lòng tất cả mọi người. Lúc đã ngoài ngũ thập, cách tốt nhất là hãy sống cho chính mình. Miễn cảm thấy hài lòng, không phải cố gắng vì hài lòng một người và nhiều người.

Chiều kia, nghe điện thoại réo rắt. Nhìn thấy tên của người bạn. “Có việc gì không T? Đang ở Sài Gòn à?”. “Không, mình đang đứng ở Bờ Hồ Hà Nội. Có tin vui muốn báo cho Q?”. “Tìn gì?”. “Mình sắp đi Mỹ, tháng 7 này”. “Vậy vui quá, B biết chuyện này chưa?”. “Chưa báo cho B. Vui với mình nhé”. Tất nhiên là vui. Tin ấy lẽ ra phải thông báo ngay với vợ, nhưng không, T lại nghĩ đến y. Thử hỏi, làm sao không cảm động?

Như thói quen không thể bỏ. Mỗi lúc ăn, nếu ngồi một mình, bao giờ cũng cắm mặt xuống trang báo. Sáng nay,  trong lúc chờ một người đến, tranh thủ đọc vài tớ báo mới. Tự nhiên bật cười với bài báo Di tích 317 tuổi chờ... sập in trên báo TN. Đồng nghiệp Lê Công Sơn viết về đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698 (107/1 Nguyễn Văn Lượng thuộc P.11, Q.Gò Vấp - TP.HCM); năm 1998, được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.

Thời mới chân ướt chân ráo vào nghề báo, y đã có lần viết một bài tương tự về đình này. Còn nhớ, một ấn tượng khiến y khó quên là nơi một góc đình còn có tượng thờ ông Tà, phủ vải điều. Đó là một cục đá tròn lẳn, trông như như con lợn con rất đẹp mắt. Sờ thấy bóng loáng. Lúc ấy, ngôi đình này đã xập xệ lắm rồi. Không ngờ, gần ba mươi năm sau, một đồng nghiệp thế hệ sau lại viết tiếp. Có nghĩa, mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Nhà báo cứ viết, dòng đời cứ trôi. Không hẹn mà gặp. Báo TT, lại có bài viết về Dự án xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư gần 271 tỉ đồng. Bài báo của đồng nghiệp Vũ Viết Tuân cho biết: “Trong tờ trình của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10-2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.

Tiếp nhận thông tin này, có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Chẳng hạn, TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN cho rằng việc chi tiền ngân sách xây Văn miếu vài trăm tỉ để thờ Khổng Tử là không hợp lý. Theo GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam: “Hiện nay một số địa phương nước ta đang có xu hướng xây dựng lại Văn miếu thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng ở địa phương. Nhưng xây ở đâu, xây như thế nào? Ta có thể xây rất đẹp, trang nghiêm, nhưng không nên dùng số tiền lớn như vậy". Với đình Thông Tây Hội, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích thuộc Sở VH - TT TP.HCM cho biết: “Trăn trở lắm nhưng không biết tìm đâu ra kinh phí”.

Tréo ngoe thật. Có một cơ chế nào san sẻ kinh phí cho sự trùng tu, xây dựng về văn hóa trong phạm vi cả nước không?

Y mạo muội nghĩ rằng, kinh phí chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề cần quan tâm hơn là nhân vật Khổng Tử có còn “hợp thời” nữa không? Có những nền triết học, dòng tư tưởng là sự cống hiến, thúc đẩy tiến hóa của nhân loại trong bối cảnh lúc đó, thời điểm đó. Nhưng vài mươi thế hệ sau, nó lại trở nên lạc hậu, thậm chí phản động, vậy vẫn tiếp tục bám rịt, bấu víu lấy nó hay phải tìm cách thoát ly?

Trước đây, y đã đọc hai quyển sách Khổng tử, Nhà giáo họ Khổng của học giả Nguyễn Hiến Lê nhưng thú thật không thể tự mình rút ra một kết luận. Chỉ biết rằng, nhà nghiên cứu Will Durant - tác giả bộ Lịch sử văn minh mà Nguyễn Hiến Lê có trích lại: “Nhưng chỉ một triết lý Khổng học thôi, chưa đủ. Nó rất thích hợp với một quốc gia cần thoát cảnh hỗn loạn nhu nhược để lập lại trật tự lấy lại sức mạnh, nhứng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế thì triết lý đó là một trở ngại” (Khổng Tử - NXB Văn Hóa, 1995- tr.229). Khi nghiên cứu về Khổng Tử, Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Từ xưa đến nay, hầu hết các học giả viết về Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫn Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Khổng tử gia ngữ v.v… làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm hiểu Khổng từ mà tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì ngoài bộ Luận ngữ là bộ đáng tin cậy nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của Khổng tử (SĐD, tr.7).

Theo báo Tuổi trẻ cuối tuần (12/11/2014 05:00 GMT+7) “TTCT- Trong vòng một tuần qua, hai trường đại học có uy tín tại Mỹ - Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania - đã lần lượt ra tuyên bố ngưng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng Tử, cơ quan giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Cùng thời điểm này, tại Canada, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cũng đưa ra quyết định tương tự. Các quyết định này được công bố ngay tại thời điểm Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 10 năm thành lập và mở rộng Viện Khổng Tử trên toàn cầu”. Theo trang điện tử vietnamnet.vn (11/01/2015 12:38 GMT+7): “Thuỵ Điển đóng cửa Viện Khổng tử. ĐH Stockholm, Thuỵ Điển là trường đại học mới nhất thông báo sẽ đóng cửa Viện Khổng tử - một trong hàng trăm trung tâm được Chính phủ Trung Quốc rót ngân sách để phục vụ việc học tiếng Trung và văn hoá nước này trên toàn thế giới”. Trang vnexpress.net (Thứ bảy, 27/12/2014 | 19:43 GMT+7) cho biết: “Đại học Hà Nội thành lập 'Học viện Khổng Tử: Theo Hiệu trưởng ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận, việc thành lập Học viện Khổng Tử sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung”.

Thật lạ, trong khi Trung Quốc rất tôn thờ Không Tử, có  cả học viện nghiên cứu về nhân vật này, chẳng rõ họ đã tiếp thu, vận dụng ra làm sao mà ngày nay họ đã như thế này? Thế này là thế nào? Là những gì đang xẩy ra, chứng kiến mỗi ngày đó thôi. Chẳng cần phải đi sâu vào thời sự. Chỉ biết rằng, hiện nay Nhà nước ta đang chủ trương mở tour du lịch Trường Sa  thuộc chủ quyền Việt Nam thì Trung Quốc phản đối ầm ầm!

Kệ mày. Mày cứ phản đối. Dòng đời cứ trôi. Thế thôi.

Hôm qua, hôm nay nhiều báo đưa tin về trường hợp anh Nguyễn Sự - Bí thư Hội An bất ngờ xin nghỉ hưu trước tuổi. Tết vừa rồi có buổi trò chuyện với anh tại Hội An. Rất thú vị. Sổ tay ghi chép có nhiều chi tiết hay, chưa khai thác. Sẽ viết sau. Nay kể thoáng qua chuyện này: Một tập đoàn đầu tư nọ nhờ có sự can thiệp trực tiếp của anh, vượt qua nhiều trở ngại về thủ tục "hành chánh" nên đã xây dựng đúng thời hạn một khu nghỉ dưỡng. Sau đó, ban  giám đốc có đến tư gia và tặng riêng anh một số tiền rất lớn thay lời cảm ơn. Nếu anh nhận, họ chỉ mất một số tiền là 1 và được quyền khinh anh. Tuy nhiên, anh đã không nhận, thẳng thắn từ chối và nói rằng số tiền anh cần là 100 chứ không 1. Mà số tiền đó nhằm xây dựng một công trình công cộng. Cảm phục sự liêm khiết, trong sạch của anh, tập đoàn kinh tế đó đồng ý. Họ đã bỏ ra số tiền lớn hơn rất nhiều lần và tự hào đã có đóng góp cho nhân dân Hội An. Công trình này, vẫn còn sờ sờ đó. Chính những người trong cuộc đã kể lại chuyện này. Không viết cụ thể các chi tiết khác, chưa phải lúc. Đánh giá  về một con người là khó. Tuy nhiên, bằng cảm nhận trực giác, y tin, rất tin anh  Nguyễn Sự là người tốt, có lòng với cộng đồng. Nếu cán bộ, quan chức nhà  nước mà ai ai cũng như anh thì Dân đỡ khổ biết bao nhiêu.

Qua việc từ chức của anh Nguyễn Sự, có một điều tức cười, khi quan chức "treo ấn từ quan" là điều bình thường trong một xã hội bình thường. Nhưng rồi, dư luận lại cảm thấy bất thường vì lâu nay dù đã hết xí quách, đã đến tuổi về vườn nhưng rồi người ta vẫn bám lấy ghế, chứ có ai dám về hưu trước thời hạn đâu. Một xã hội, điều bình thường trở nên bất thường, và ngược lại, đó là một xã hội thế nào?

Câu trả lời khó quá phải không?

 

L.M.Q

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment