LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.5.2015

phoca_thumb_l_anh_15

Lê Minh Quốc vẽ Đoàn Thạch Biền (sơn dầu - 2007)

 

Trong nhà có nhiều sách, kể ra cũng có thể không nhàm chán lấy chính mình. Lúc quá đỗi rảnh rỗi, chẳng biết phải đụng tay vào việc gì, ngồi thừ người, nghĩ vẩn vơ và cảm giác đầu tiên ùa tới vẫn là chán lấy cái bản mặt của y. Cái mặt đó, nhìn vào gương lại thấy tẻ nhạt quá. Thân xác đó, nhìn lại, thấy vô tích sự quá. Ngày tháng vùn vụt đi. Vòng quay 24 giờ của một ngày vụt qua chóng vánh, mở mắt dậy, nào đã làm được những gì? Chẳng làm được gì. Đã thời gian một ngày tuồn tuột qua khỏi kẽ tay. Lọt xuống nền đất. Có thời gian lọt xuống nền đất, nở hoa, đâm chồi nảy lộc. Có thời gian, chỉ đọng lại trên nền đất một vũng bùn lầy nước đọng. Chỉ cần nghĩ đến thế, câu hỏi thường trực vút ngang qua óc: “Một ngày, đã làm gì rồi hả Q?”. Không biết phải trả lời thế nào, bèn vớ tay tìm đọc quyển sách nào đó. Đọc như tìm cách né tránh câu trả lời. Như một sự thoát ly khỏi sự vận động của đời sống. Y thoát ly ngay chính con người tầm thường tẻ nhạt của y.

Hôm qua đọc gì?

Đọc lại Kinh Thánh. Đoạn, sau trận đại hồng thủy, con người bắt tay vào xây dựng tháp Ba-bên (Babel). Lúc ấy, “Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất." (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 11:9). Trong ngữ cảnh này, có thể biết chắc Ba-bên có nghĩa “lộn xộn”.

Tưởng dễ dàng nhất, nhưng thật ra khó khăn nhất của con người ta chính là lúc sử dụng tiếng nói. Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông hiện nay, sẽ rõ. Có hằng hà sa số tiếng nói, nhưng rồi có ai thèm nghe ai đâu. Mỗi một ngày, lại thấy nhiều chuyện đã xẩy ra, dù khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng bản chất của sự việc vẫn na ná nhau. Trước một sự việc cụ thể đang xẩy ra, ai nói gì thì nói; lần sau, lúc khác nó lại tái hiện dưới một hình thức khác. Oái oăm thật. Vẫn y chang hoặc tồi tệ hơn. Không thèm thay đổi, dù trước đó, ngay lúc đó đã có nhiều tiếng nói cảnh tỉnh, phê phán, kiến nghị v.v…

Có cảm giác cái sự trì trệ, ao tù, rị mọ, nhùng nhầy, lằng nhằng trong xã hội nó vẫn cứ thế. Nó xộc xệch lê thê léch thếch kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Chẳng hứa hẹn ngày sau, ban mai sẽ rực lên một thứ ánh sáng mới mẻ nào. Đứt thì không đứt hẳn, cứ cù nhằng, cù nhây, cù nhầy, không ra khoai ra môn, ra nếp ra tẻ, ra đầu ra đũa cái gì cả. Người Việt ví von “nước đổ đầu vịt”, “nước đổ lá môn”. Nghe ra ấn tượng quá. Vậy hóa ra, nói không khó, biết nghe mới khó. Than ôi, một trong lạc thú ở đời chính là được nói, há mồm ra mồm ra nói chứ không phải được nghe.

Đọc sách, nghĩ cho cùng cũng là một cách nghe.

Hôm qua đọc gì?

Đọc lại mấy câu ngô nghê của trẻ nhỏ thời xưa. Đọc thật nhanh, đọc liên tục chắc chắn nhiều người sẽ vấp. Ai nghĩ ra những câu ngộ nghĩnh thế này ta? Có lẽ chẳng phải nhà văn nào đâu, chỉ là tiếng nói cà rỡn trong dân gian đó thôi. Lưu truyền từ đời này qua đời khác. Thử đọc nhiều lần, đọc nhanh xem sao:

Ăn cơm dưới đò, lên đèo mà đói;

Một con ngựa kéo đá; (đọc tăng dần số lượng con ngựa ở các câu lặp lại như hai con ngựa kéo đá v.v...);

Một con cá mòi béo, để con mèo đói ăn;

Mượn cái xanh, nấu bát canh, cho hẹ cho hành;

Quần tía rách để trên vách đất;

Một con cò xanh nhảy quanh hòn đá, chờ cho nước cạn cho cá ăn tôm;

Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch v.v…

A, đọc liến láu một hồi, đọc thật nhanh là vấp, là  trẹo lưỡi rồi, phải không? Trẻ con của thời đại dễ dàng sản sinh ra “anh hùng bàn phím “ chắc chắn không có trò chơi lý thú này. Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải nổi tiếng với mấy bài thơ Mong anh khóa, Tiễn anh anh khóa xuống tàu đầm đìa nước mắt:

Anh khoá ơi! Đường bắc nam bao xiết nỗi ai hoài,

Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong.

Nước non xa muôn dặm vẫy vùng,

Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai.

Này hỡi anh khoá ơi!

Khóc tiễn đưa”, thường nghe rồi. Chẳng ai nghe ai nói “khóc đãi” bao giờ. Ấy thế mà có. Thời còn sinh viên, đi sưu tầm văn học dân gian ở An Giang, lần đầu tiên biết đến bông điển nhưng chưa được thưởng món ăn từ bông điên diển mà cụ Vương Hồng Sển miêu tả các cô gái Nam bộ lúc dùng xuồng: “đem theo chảo đựng mỡ thắng mới, nào bột gạo có trộn sẵn đường và hột vịt cho vừa sệt sệt, rồi ban mai dậy thật sớm, chị em chèo xuồng ấy ra đồng… vói tay kéo nhánh hoa tươi tốt trên cành, nhúng nhánh ấy vào vịm bột cho thắm hoa rồi nhúng cũng nhánh hoa ấy vào chảo mỡ nóng… Ôi! Còn bánh nào ngon lành hơn bánh linh động trên cành hoa tươi như vậy” (Di cảo năm 1994). Cũng lần đầu tiên nghe được câu ca dao :

Anh ra về, em khóc đãi đưa anh

Nợ duyên, duyên nợ không thành thì thôi

Nghe da diết ngậm ngùi, nhưng đọc lần nữa lại bật cười khi phát giác và hiểu “khóc đãi”, chỉ là một cách nói tinh nghịch của người Việt. Đọc lại câu này, để thấy rằng âm vị tiếng Việt cực kỳ phong phú:

Con công nó qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng, kềnh cổ lại

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch tới già.

Mấy âm Kênh, cồng, kềnh, cách, cọc, cạch… nghe ra thế nào?

Nghe và cảm được nhịp đi của một thời đại, đến nay, trong nhận thức của y, giai đoạn của năm 1944 - 1945, nhà văn nắm bắt tài tình nhất, chân thật nhất vẫn là Sống mòn của Nam Cao. Ở đó, những nhân vật như Thứ, San, Đích… sống mòn mỏi trong không khí dằn vặt, hèn mọn, nhỏ nhen, ti tiện, tủn mủn của đời thường, mặt tối sầm những âu lo, nhưng có khát vọng “sống phải làm một cái gì đẹp hơn, cao quý hơn”. Tình hình chính trị bấy giờ ngày càng ngột ngạt, oi bức như đang báo hiệu một cơn sấm sét sẽ đến. Tháng 3.1945, Nhật nhảy vào Đông Dương tước khí giới của Pháp. Rồi những gì đã xẩy ra? Bài thơ Chuyến xe xác đi qua phường Dạ Lạc của Văn Cao cũng gợi lên không khí bi thảm, đứt đoạn, mạch đời sắp đứt, buồn não lòng…

Thời đại đang sống, ta nghe ra nhịp sống từng ngày đang thế nào?

Sáng chủ nhật vừa rồi, vào cửa hàng sách Kim Đồng lựa một ít sách. Nhiều tác phẩm đã có rồi nhưng vẫn mua. Mua thêm một ấn bản mới. Đơn giản chỉ vì thích mùi thơm của mực in, giấy mới. Nhân đó, đọc loáng thoáng qua một ít sách đã chọn. Thì ra, dù viết cho thiếu nhi nhưng với Nam Cao, ngay cả người lớn đọc vẫn thấy thích thú, vẫn tìm thấy hình bóng, suy tư, tâm trạng của của mình. Tài năng nhà văn ở chỗ đó. Viết, đối tượng nào cũng có thể đọc. Cảm nhận và thích thú. Ở Việt Nam, chưa nhiều nhà văn có bút lực viết những tác phẩm dành cho độc giả cỡ từ mới lên 9 đến 99 xuân xanh. Vẫn say mê. Náo nức tìm đọc.

Chưa có nhà văn tài năng tầm cỡ ấy, nhưng trong đời, y biết, có những người có thể thân tình, “bồ tèo” từ ông già 99 xuân hồng đến trẻ mới vừa lên 9. Ai đời, sinh nhật chỉ có ăn với nhậu lai rai, không khoa trương ồn ào mà cũng được “lên báo”. Oách quá nhỉ? Thì đây, anh bạn Hà Đình Nguyên vừa viết trên TNCN ngày 26.5.2015: “Dù đã bước qua lứa tuổi U.70 nhưng nhà văn Đoàn Thạch Biền (sinh năm 1947) luôn được anh em văn nghệ công nhận là... “nhà văn trẻ”. “Trẻ” không chỉ ở sắc diện, ngoại hình mà còn trẻ tự tâm hồn. Đầu thập niên 1990, Đoàn Thạch Biền là một trong những người chủ trương xuất bản tập san Áo Trắng. Tập san này không chỉ đăng thơ văn, mà còn giới thiệu những cây bút trẻ, triển vọng... Suốt 25 năm qua, đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo... xuất thân từ Áo Trắng” của ông Biền. Vì thế, dù sinh vào ngày 10.5 nhưng mỗi dịp sinh nhật của “thầy Biền” thường kéo dài gần suốt tháng 5, dù nhà văn không hề muốn như thế, nhưng đàn em, học trò ai cũng muốn dành một ngày cho riêng thầy, nên thầy đành tắc lưỡi, chiều theo ý trò”.

Ở đời, trở thành một Tống Giang, quy tụ được anh em bè bạn cõi Lương Sơn Bạc mới là cái khó. Lại nữa, nói, cất lên tiếng nói, không khó, biết nghe mới là khó. Sáng hôm nay, nghe gì? Viết thêm đôi dòng, mượn thơ Huy Cận gửi đến một người, một cái tên vỏn vẹn chỉ một từ “Nàng”:

Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình

Như sắp nói, nhưng mà không;  khóm trúc

Vừa động lá, ta nhận vào một lúc

Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;

Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ...

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment