LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.4.2015

 

nhat-linh

 

Chẳng phải “ông này bà nọ”, võng lọng xênh xang, trăm công nghìn việc, ấy thế, một chuyến đi chơi xa vài ngày, sao lại khó khăn? Y tự làm khổ đấy thôi. Mỗi ngày công việc đều đặn, giờ này việc này, giờ nọ việc nọ, đã sít sao, đã đâu vào đó. Sắp về quê trên chuyến bay lúc 9 giờ sáng vào 23.4.2015 tham dự Hội sách Đà Nẵng, muốn thế, phải cày cho xong “lương khô” dự trữ vài số báo tới.

Sáng thứ 6, ngồi nói chuyện với một đồng nghiệp, anh bảo, cô vợ muốn anh nghỉ nghề làm báo. Đơn giản, hai con đã lớn, đã du học nước ngoài, thu nhập của vợ thừa khả năng nuôi chồng “sáng sỉn, chiều say, khuya lai rai đến sáng”. Nghỉ đi thôi. Thu nhập chẳng nhiều nhặn gì (so với vợ) nhưng luôn canh cánh trong lòng chuyện bài vở, phải nhanh nhậy nắm bắt thời sự, phải có bài hay thu hút bạn đọc, phải không sai sót gì về nghiệp vụ v.v…

Mỗi số báo ví như một “trận đánh”. Hết số báo này lại tới số báo khác. Lại bắt đầu lại những bước đầu tiên. Lại bài vở, lại chạy đua theo thời gian, lại viết. Có lúc anh cảm thấy mệt mỏi. Nếu xét về kinh tế, anh có thể nghỉ ngơi nhẹ đầu. Thế rồi “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Làm sao có thể? Con đường dài thăm thẳm ấy, sau những lúc thở ngắn than dài lại tiếp tục bước đi hân hoan và hào hứng. Nếu quan niệm làm báo, viết báo nhằm kiếm tiền để bám theo nghề là một sự dại dột. Mà cũng không đủ sức đi trọn với nghề.

Còn viết báo, làm báo dù cẩn trọng thế nào đi nữa rồi cũng có lúc bị “thổi còi”. Đã có người thanh bại danh liệt vì nghề. Rồi vẫn còn thêm nữa. Chắc chắn thế.

Mấy hôm nay, đọc quyển Tầm nhìn thay đổi quốc gia (NXB Thế Giới) - hồi ký của Quốc vương Dubai: Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Trong đó có một phép ứng xử đối với nhà báo: “Tôi đã từng chạy theo cha, bừng bừng tức giận khi nói với ông về việc một số tờ báo đăng những câu chuyện sai sự thật về Dubai và đề xuất rằng, ông nên cấm việc bán những tờ báo này ở tiểu quốc. Cha tôi trấn an và giải thích, sẽ là tốt hơn khi chấp nhận những tờ báo đó lưu hành trong thành phố của chúng ta. Bởi vì nếu những gì nó đăng là đúng, chúng ta xứng đáng bị chỉ trích, còn nếu không, sẽ chẳng ai tin chúng. Tôi đã bị thuyết phục bởi sự khôn ngoan của cha và xác định sẽ không bao giờ cấm bất kỳ một sự xuất bản nào trong mọi hoàn cảnh”.

Lại nữa, “Tôi thích thấy những chỉ trích mang tính xây dựng trên báo chí hơn là ngợi ca. Mọi người đều biết về các thành tích và chúng tôi thực sự không cần một lời nhắc lại nào cả, nhưng khám phá ra sai lầm sẽ dẫn các quan chức và những người ra quyết định có thể sửa sai và tránh mắc thêm sai lầm”.

Làm báo ở Việt Nam thế nào? Đừng ngốc dại đẩy mình phải tự trả lời những câu hỏi khó.

Trưa qua mãi 13 giờ mới có thể ngã lưng. Bởi phải viết cấp tập loạt bài dự trữ. Vừa mới thiu thiu chợp mắt đã nghe rèng réng reng vang dội như kèn đồng xông trận: “Anh ơi! Viết gấp cho em một bài về nhà thơ Trương Nam Hương in ngay số này”. “Bao nhiêu chữ?”. “Cũng như mọi lần anh ạ, chừng 2.500 chữ”. “Bao giờ có bài?”. “Do tòa soạn ngoài Hà Nội đang giục nên đúng 16 giờ chiều nay anh nhé”. Chà, gay go quá. Nhìn qua cái đồng hồ ngay bên gối, đã 14 giờ. Chẳng lẽ từ chối? Anh em đồng nghiệp thân tình, lúc ngặt cần gấp, lẽ nào chối phắt, sổ sàng như người dưng qua đường? Hơn nữa, đã quen thân với Hương từ lúc mới bước chân vào giảng đường đại học, từ năm 1983. Đã hơn 30 tình bạn, lẽ nào có dịp lại không viết? Không còn cách nào khác, phải viết. Vừa viết vừa sực nhớ loáng thoáng một câu đối:

Suốt buổi ba mươi, vay món nọ, trả món kia, long đong xoay ngược xoay xuôi, cắm cổ chạy tràn, cong đít vịt;

Sáng ngày mồng một, kẻ chúc con, người chúc của, phè phỡn rượu trưa chè sớm, rung đùi ngồi vuốt vểnh râu dê.

Không khác gì tâm thế của nhà báo. Lúc này, giờ này, cần bài này, không chậm trễ. Nếu trễ là bỏ. Ngày nọ, vào lúc cuối đời, nhà văn Sơn Nam nằm trên giường bệnh, đến thăm ông ở tư gia đường Đinh Tiên Hoàng. Hỏi ông về kinh nghiệm sống bằng nghề, chỉ sống bằng nghề cầm bút thì điều gì cần thiết nhất? Khác hẳn mọi lần, ông suy nghĩ rất lâu rồi bảo: “Đừng làm biếng”. Kinh nghiệm của một người viết hàng ngàn trang sách thuộc nhiều thể loại, chỉ có thế thôi ư? Ngẫm lại thấy đúng. Mà thật ra, nghề nào cũng thế cả. Tài năng của mỗi người nhiều hay ít, ông trời cho. Đã thế, lại làm biếng thì nên cơm cháo gì?

Sáng nay,  phở một chút. Chung với vài người bạn. Sau đó, xuống cà phê Khanh Casa ngắm nắng Sài Gòn. Tất nhiên không thể không lướt qua vài tờ báo. Theo báo Tiền Phong sáng nay (nguyên văn): “Trong 3 năm qua có hơn 260 người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ. Cái đó Công an phải hoàn toàn chịu trách nhiệm… Mục tiêu của Quốc hội là không được để xảy ra oan sai, đi liền với đó là không bỏ lọt tội phạm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan sai, ngày 10/4”. Những con số ấy nói lên điều gì?

Hiện nay, đang diễn ra cuộc thi sáng tác ca khúc về Quốc hội Việt Nam do văn phòng Quốc hội phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức phát động - hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016). Không rõ sẽ có nhạc sĩ nào nêu bật được ý kiến “Mục tiêu của Quốc hội là không được để xảy ra oan sai, đi liền với đó là không bỏ lọt tội phạm”?

Nhà hát Trần Hữu Trang vừa khánh thành. Xây dựng lại từ nền của rạp Hưng Ðạo cũ (136 Trần Hưng Đạo, Q.1) với số vốn huy động 132 tỉ đồng. Báo chí rầm rộ ca ngợi “thánh đường mới” dành cho cải lương. Tuy nhiên ngay sau đó, các nghệ sĩ đã kêu trời như bộng. Tại sao? Chung quy cũng do thiết kế không phù hợp với đặc thù của một nhà hát. Chẳng hạn, sàn diễn bề ngang từ 12 mét bị thu gọn lại còn 10 mét,  nếu tính thêm 2 m cho 2 cánh gà thì sàn diễn sử dụng thực tế chỉ còn 8 m bề ngang. Làm sao có thể diễn?  v.v… Chuyện này không có gì lạ. Dăm năm trước đây, Thư viện Khoa học Xã hội lúc xây mới cũng rơi vào tình huống tương tự.

Gác bỏ những chuyện thời sự mỗi ngày. Mấy hôm nay vẫn đọc sách lai rai. Lại nghĩ, người Việt có khôn ngoan không? Tất nhiên là có. Đây là một “triết lý” khôn ngoan: “Cụ tiên chỉ làng Vũ Đại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại. Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào "vì thương anh túng quá"! Và cũng phải tùy mặt nữa: những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn, chính là những thằng sợ quan và dễ bóp; trái lại, những thằng tứ cố vô thân, giết chúng nó thì dễ, nhưng được chỉ còn có xương; mà gây với chúng là mở một dịp tốt để cho các phe nghịch xoay lại mình”. Ôi, cái ông Nam Cao. Ông nhận xét tài tình thật. Có điều nhận xét về sự khôn ngoan ấy, ngày nay đã thay đổi rồi chăng?

Ngẫm đi ngẫm lại chỉ có trẻ thơ, thời nào cũng vậy. Hồn nhiên. Trong sáng. Thánh thiện. Thiên thần. Đọc và cười tủm tìm với bài thơ của “em Thư Lâm (5 tuổi) viết ngày 6.12.1958”, in trên chuyên mục Lan hàm tiếu của giai phẩm Văn hóa ngày nay số 9 phát hành mùa xuân năm 1959. Giai phẩm này do Nhất Linh chủ trương. Tòa soạn 42 Phạm Ngũ Lão  (Sài Gòn). Thuần túy văn chương. Số đầu tiên ra ngày 17.6.1958, được 11 số, số cuối cùng phát hành 16.5.1959. Mỗi tập dày chừng 130 trang đến 150 trang. Khởi in "trường giang tiểu thuyết" của Nhất Linh: Xóm Cầu Mới. Các tranh bìa đều là tranh Nhất Linh vẽ hoa lan. Từ số 2, ngay trang đầu có in "logo" hoa lan nở kèm theo hai câu thơ của Bùi Khánh Đản:

Tụ kết tinh anh giữa gió sương

Muôn màu muôn vẻ thoảng muôn hương.

Lại có dòng chữ rất oách ngay dưới măng-sết ở trang trong: "Đăng những bài và truyện có giá trị bất cứ thời nào, nơi nào". Đây là nỗ lực cuối cùng của Nhất Linh trong lãnh vực báo chí, tuy nhiên ông đã không tạo được tiếng vang và sự thành công rực rỡ như thời sáng lập, chủ trương Phong hóa, Ngày nay. Đọc bộ này, vẫn còn thấy hay, hữu ích. Có thể tìm hiểu được nhiều thông tin về Tự lực văn đoàn. Y có trọn bộ Văn hóa ngày nay, do nhà sách Khai Trí đóng bộ, bìa cứng.

Nguyên văn bài thơ của “em Thư Lâm (5 tuổi)” như sau:

Đêm rằm trăng nguyên

Đêm thường trăng bể

Chén trà ngồi gần ông ngoại

Nước nóng thở khói thơm.

Rõ ràng, một tứ thơ ngộ nghĩnh, độc đáo. Nếu có thời gian sẽ bình cho vui. Tiếc quá. Đã chiều. Lại chuẩn bị vài việc cho ngày mai - Chủ nhật 12.4.2015, tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Khoa Ngữ văn và Ngôn Ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM). Rồi lại đến Khanh Casa lần nữa. Đố ai biết tại sao? Có một người biết tỏng, chỉ có thể bạn thơ Trương Nam Hương.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment