LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.3.2015

 

ly-quang-dieu

Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000) - tư liệu L.M.Q


Chiều tứ Sáu cùng với Sanh lên nhà anh Ánh ở đường AB. Nhậu chơi, nhân thể bàn chuyện Đường sách lần đầu tiên tổ chức tại quận Hải Châu (Đà Nẵng). Đường sách tại TP.HCM là sáng kiến của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Công ty Fahasa, lần đầu tiên tổ chức vào dịp Tết 2011. Cụ thể, từ ngày 31.1 đến ngày 6.2 (từ 28 đến mùng 4 Tết âm lịch) tại đường Mạc Thị Bưởi - đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ. Tương tự, Hội sách TP.HCM đã chức nhiều năm tại Công viên Lê Văn Tám. Năm nay, lần đầu tiên tại Cần Thơ tổ chức Hội sách, cũng chọn ngày 26.3 hằng năm như Hội sách tại TP.HCM. Đà Nẵng cũng vậy, vào dịp 30.4 năm nay, lần đầu tiên cũng tổ chức Hội sách, Đường sách.

Đây là những tín hiệu tốt nhằm tác động, lan truyền đến công chúng nhiều hơn nữa về văn hóa đọc. Cần ghi nhận.

Sáng hôm nay, đi ngang qua Tao Đàn lại thấy sinh hoạt Hướng đạo. Những gương mặt sáng láng, đáng yêu lắm. Nhìn các em chỉnh tề, chững chạc với các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng mà nhớ thời còn trẻ. Cái thời hoa niên đã từng sinh hoạt trong các đoàn thể tương tự. Câu hát bật lên trong đầu: “Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này /  1-2-3-4-5 / Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này / 5-4-3-2-1 / Một đều chân bước nhé / Hai quay nhìn nhau đi / Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa / Bốn nhớ rằng, chúng ta bốn bể anh em một nhà / Năm nhớ mãi tình người trong câu ca”. Những gì đã tiếp thu thời trẻ, lạ thay, chẳng hề mất đi. Nhìn các em Hướng đạo, rồi tự hỏi, chẳng rõ có phụ huynh nào đặt câu hỏi: “Vì sao hầu hết các em hiện nay đều cận thị?”. Quan sát thấy các tốp sinh hoạt nào cũng có vài em đeo kiếng cận. Lạ nhỉ?

Bây giờ và sau này, y vẫn giữ quan điểm: Ngoài tổ chức Hội, Đoàn của Nhà nước, cần duy trì và phát huy nhiều hơn nữa vài trò của các đoàn thể, trong đó có Hướng đạo, Gia đình Phật tử… Cần lắm, chính các tổ chức này sẽ là cánh tay đắc lực đáng tin cậy cùng nhà trường, gia đình rèn luyện, dạy dỗ các em kỹ năng sống, nhân cách sống.

Mấy hôm nay nghe nhiều về một thông tin ấm ớ: Quán bán thức ăn nhanh nọ tại Q.1 (TP.HCM) có chương trình phát thức ăn miễn phí - từ 20 giờ ngày 23.3 2015 đến 20 giờ ngày 24.3.2015. Quà tặng gồm có một phần bánh burger, khoai tây, nước ngọt, áo thun; ngoài ra khách còn có cơ hội được nhận những món đồ chơi như huy hiệu, mắt kính, râu giả… được ném xuống từ sân thượng cửa hàng (?!). Muốn nhận thức ăn miễn phí, người tham dự phải đi xe máy hoặc xe đạp xếp hàng đến nhận quày thức ăn tại cửa hàng. Chuyện gì xẩy ra? Cả hàng trăm người chen chúc, quyết dành cho được phần quà miễn phí. Về chuyện này, báo Người đưa tin của Hội Luật gia Việt Nam (số 28.3.2015) có bài Hàng ngàn người tranh giành suất ăn miễn phí: Tự nhiên mất hết nhân văn?! - một bạn đọc phát biểu đáng lưu ý: "Mình thấy toàn là thanh niên, đi xe xịn các kiểu xếp hàng hơn là người bán hàng rong, xe ôm, người cơ nhỡ. Họ chầu chực hàng giờ đồng hồ được mà khi đứng chờ đèn đỏ vài chục giây thì không đủ kiên nhẫn. Thật là xót xa cho xã hội bây giờ. Vì đâu nên nỗi?".

Trước đây, tại tư gia trên đường S.N.A, chàng ca sĩ ồn ào N.S cũng tung chiêu tặng gạo cho người nghèo, kết quả: cả đoạn đường tắt nghẽn,náo nhiệt, ầm ĩ như có đánh nhau. Lại nhớ chuyện cửa hàng sushi ở Hà Nội thông báo cho vào cửa tự do ăn buffet Nhật Bản miễn phí cũng xẩy ra tình trạng tương tự. Nhìn chung, trong những trường hợp oái oăm này, tính xấu người Việt lại có cơ hội phát huy tối đa. Từ xưa đến nay, người Việt không có thói quen xếp hàng mà hễ không mất tiền mà được mà được lợi, lợi chỉ bằng cái móng tay, lợi cỡ nào cũng nhào vô giành cho bằng được dù chưa đến nổi… chết đói.

Những cá nhân, doanh nghiệp muốn tiếp thị, quảng bá thương hiệu bằng các chiêu trò ấy là cách làm kém. Rất kém. Còn nhớ, mới đây có quán phở nọ thách ai ăn hết tô phở của họ thì được thưởng 1 triệu đồng. Tất nhiên, tô phở đó to tổ chảng, vài người ăn mới hết. Vậy mà cũng có người tò mò, háo hức đến ăn. Vừa được ăn vừa được tiền, tại sao không? Ừ, thì ăn. Ăn để rồi nôn thốc nôn tháo đến mật xanh mật vàng. Phải bỏ của chạy lấy người. Nhờ những trò oái ăm này, các quán đó được nhiều người biết đến. Nhưng sau đó thì sao? Quán vắng như chùa bà Đanh bởi điều cần làm lâu dài phải là chất lượng của sản phẩm, chứ không phải những trò giật gân, ấm ớ nhất thời.

Những ngày này, cái chết của cụ Lý Quang Diệu ngày 23.3.2015, báo chí Việt Nam đưa tin nhiều. Thích thông tin này: Trước đây vì an ninh, Singapore có luật các ngôi nhà xung quanh ngôi biệt thự của cụ Lý không được phép xây cao. Trước lúc mất, cụ Lý có di chúc xin đập ngôi nhà này, cho các nhà xung quanh được xây cao tầng và biến nó thành công viên cây xanh công cộng. Trên trang facebook cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có viết bài thơ Xin phá bỏ ngôi nhà tôi sau khi tôi chết:

Không được dùng nhà này làm nhà tưởng niệm tôi sau khi tôi mất

Hãy đập ngôi nhà tôi cho hàng xóm được cao tầng

Rồi trồng cỏ cây thành công viên xanh mát

Còn chút lòng này xin được hiến dâng


Không còn lời nào ca ngợi Lý tiên sinh được nữa

Cụ khiêm nhường giống hệt một thường dân

Cụ đã biến Singapore thành thiên đường dưới thế

Bằng tất cả thiên tài và một tấm lòng nhân…

Liên tưởng đến quan chức nước nhà, sau khi nghĩ hưu nhưng vẫn kiên cường "bám trụ tới cùng", quyết không trả lại nhà công vụ. Nghĩ gì? Đã có nhiều bài báo viết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Lý, in nhiều kỳ. Nhìn chung cũng là các tài liệu rút từ quyển Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000), bản dịch của Phạm Viêm Phương - Huỳnh Văn Thanh (NXN Văn nghệ TP.HCM -2001). Những bài báo đó, hấu hết bàn về chuyện chính trị, xã hội chứ không nói gì nhiều về quan điểm của Lý Quang Diệu trong việc đào tạo nhân tài. Muốn có nhân tài phải từ giáo dục chăng? Đọc lại hồi ký của cụ Lý, tìm ra vài thông tin có thể nhiều người sẽ tranh cãi. Mà ngay cả thời điểm cụ phát biểu cũng đã “khuấy nên một làn sóng chỉ trích”. Chẳng hạn, theo quan điểm Lý Quang Diệu: “Đàn ông đã tốt nghiệp đại học mà chọn vợ ít học và ít hiểu biết thật là ngu xuẩn biết mấy, nếu họ muốn con cái của họ cũng giống như họ”. Ai cũng biết, nhân tài là tài sản quý báu nhất của một đất nước. Nước Việt ta, hàng trăm năm trước tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419 - 1499) đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Cụ Lý cũng nghĩ thế. Tuy nhiên, nhân tài ở đâu mà có?

Trước đây, nhiều phụ nữ giỏi ở đất nước Singapore không có người nối dõi bởi đàn ông ngang trình độ với họ không muốn cưới họ. Ngược lại, đàn ông châu Á, cho dù người Hoa, Ấn hay Malay cũng đều thích có bà vợ học vấn kém hơn mình: “Năm 1983, chỉ có 38% nam giới tốt nghiệp đại học là lập gia đình với phụ nữ tốt nghiệp đại học”. Cụ Lý viết tiếp: “Không thể cứ để hoài cái kiểu hôn nhân và cấu trúc sinh đẻ chênh lệch mà không nói, mà không cấm cản. Tôi quyết định gây sốc các bạn nam trẻ để họ vượt ra khỏi các định kiến ngu ngốc, lỗi thời, đầy tai hại”.

Cụ đã trích dẫn các nghiên cứu về những cặp vợ chồng có trình độ ngang hàng được thực hiện ở Minnesota vào thập niên 1980, và rút ra kết luận: “Gần 80% tư chất của một người là do tự nhiên, và khoảng 20% là do giáo dục mà nên". Nói cách khác, nhân tài 80% do di truyền từ cha mẹ và chỉ 20% do môi trường và giáo dục đóng góp. Nghe sốc chưa? Sốc quá đi chứ. Cụ viết thêm: “Năng lực của phần lớn trẻ em nằm ở mức giữa của cha mẹ, với một số có sự thông minh kém hơn hoặc cao hơn giữa hai người. Do đó, những người nam tốt nghiệp đại học mà lấy những phụ nữ học vấn kém hơn mình thì không tối đa hóa cơ hội có con bước vào đại học”.

Quan điểm này bị phản ứng dữ dội, thậm chí “Tôi bị tấn công bởi cả một dòng triều tin bình phẩm và thư từ gửi đến báo chí do trở thành một người tin vào thuyết tinh hoa trị - khi tin tưởng rằng sự thông minh là do kế thừa, chứ không phải do kết quả của giáo dục, thức ăn và huấn luyện”. Cuối cùng, qua các số liệu thống kê hằng năm từ nền tảng học vấn các bậc cha mẹ của 10% học sinh hàng đầu trong các cuộc thi toàn quốc: “Người Singapore giờ đây đều chấp nhận rằng các bậc cha mẹ có học vấn càng cao và tài giỏi, thì con cái của họ càng dễ đạt những trình độ tương tự”. Thật ra, cụ Lý không phải người theo quan điểm tinh hoa trị, phát biểu gây sốc của cụ nhằm thay đổi nhận thức ở nhiều người, nhất là nữ giới. Bằng chứng ở Singapore có chính sách ưu đãi phụ nữ học cao được có con thứ 3 thay vì chỉ “dừng lại ở 2” theo chương trình kế hoạch hóa gia đình; Chính phủ cho phép phụ nữ học vấn đại học mà có đứa con thứ 3 được ưu tiên chọn trường đại học tốt nhất cho cả 3 đứa con của họ, một mục tiêu mà các bậc cha mẹ nào cũng mong muốn v.v...

Vài thông tin lướt qua và có thể nói, “Thu hút và nuôi dưỡng nhân tài” là một trong những chương hay nhất của hồi ký Lý Quang Diệu. Phát biểu gây sốc đó, từ năm 1984 và đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến vài trò của phụ nữ vẫn còn là bài học thiết thực cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cũng có thể nhiều người cho rằng chỉ có trong thời… cổ tích! Điều quan trọng, Việt Nam ta cũng có thể làm được điều mà cụ Lý nhấn mạnh, đào tạo nhân tài chỉ có được một khi đất nước đó “giáo dục đã trở nên phổ cập”. Việt Nam thừa biết, biết từ khuya rồi cụ Lý ạ nhưng bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào thì thưa cụ, vẫn còn đang trong vòng luẩn quẩn từ chương trình học, nội dung các môn học, thậm chí đến cách ra đề thi cũng mù mờ nốt.

Tập Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000) dày 935 trang, co chữ nhỏ, ngồn ngộn thông tin. Càng đọc càng có dịp suy ngẫm lại nhiều điều, thậm chí thay đổi nhiều nhận thức trước đó.

Đã chủ nhật. Đã hết một buổi sáng. Chiều nay đi đâu?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment