LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.3.2015

 

kieu-mo-tien-hien-o-Tay-Ninh

Mộ tiền hiền tộc Dương tại Trảng Bàng Tây Ninh. Do không hiểu biết nên đã làm sai lệch nguyên bản vốn có. Ảnh: Vương Công Đức

 

Sáng hôm kia. Thứ Bảy. Đã lâu lắm rồi mới có dịp đi chơi xa. Đã từng có nhiều lời mời, rủ rê nhưng lần nào cũng từ chối. Bởi ngại xáo trộn công việc đã thành nếp của mỗi ngày. Lần này thì không. Đi cùng anh em HTV về Trảng Bàng - Tây Ninh làm bộ phim tài liệu về quyển sách Trảng Bàng phương chí của anh bạn Vương Công Đức. Đã thân tình với Đức mà người viết kịch bản lại nhà văn Nguyễn Trọng Tín, vì thế, phải đi. Sáng sớm ra đường thấy nhẹ nhàng, thơ thới. Đường phố vắng. Xe chạy thong thả. Tranh thủ đọc vài tờ báo mới.

Điếng hồn với thông tin về phi vụ sẽ lần lượt giết 6.700 cây cổ thụ tạo nên hồn vía, vẻ đẹp Hà Nội. Kế hoạch này là gì? Là sự khủng bố, bức tử không gian sống của người Thủ đô. Nó đang tiến hành nhưng do phản ứng của dư luận nên đang dừng lại và… rút kinh nghiệm. Sực nhớ trước kia người ta cũng chặt đốn  hàng loạt cây thông vô tội ở Đà Lạt, lúc ấy trên tạp chí Langbian số 1 (1988) của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng thì phải, nhà thơ Thanh Thảo có viết: “Những cây thông ùa vào tỉnh ủy / Xin đừng đốn chúng tôi…”. Nhà thơ? Tiếng nói của họ dù mỏng manh, dù yếu ớt và dù không có vành đai bảo vệ nhưng đủ sức lay động, thức tỉnh đám đông. Những ngày qua nào riêng gì các nhà thơ, hầu như ai ai cũng đều bàng hoàng, đau đớn trước hàng loạt cây xanh ngã gục tức tưởi.

Gấp lại tờ báo, quay sang con trai nhà thơ Văn Lê, hỏi thăm dạo này ông bạn già sức khỏe thế nào? Nào ngờ, anh vừa nhập viện vào ngày thứ Sáu vì bệnh tim. Chữ nghĩa nằm sẵn đâu đó trong trí nhớ -  tập san AT số vừa phát hành, nhà văn Đ.T.B có viết hai câu thơ ấn tượng - chợt vọng đến:

Con banh lông đang mộng mơ

Cá lao vụt phóng bất ngờ nhói tim

Trên đường đi, đón nhà văn Nguyễn Trọng Tín. Điều bất ngờ, trong khu đô thị mới, trước khoảng sân nhà cây anh có trồng rất nhiều cây, kể cả rau xanh. Một khoảng thiên nhiên rợp mát khiến dễ có cảm tình với gia chủ. Phía trước nhà có cây chuông vàng. Hoa vàng đẹp một cách trang nhã. Trồng dưới đất à? Không, trồng trong chậu nhỏ, ít đất nhưng nó vẫn có sức sống mạnh mẽ. Vợ anh “bật mí”, chăm sóc loại cây này, thỉnh thoảng phải tưới bằng nước cá. Nghĩa là nấu đầu cá, xương cá, vớt mỡ bỏ đi, để nguội rồi tưới. Những kinh nghiệm nho nhỏ ấy, chẳng phải ai cũng biết. Cũng như lúc về Tây Ninh, đi đến tận nơi xuất phát địa danh Trảng Bàng, tình cờ thấy cây bình bát. Người thân của Vương Công Đức bảo rằng, trái bình bát còn có công dụng, đại khái, ngày xưa, người ta tán nhuyễn trái này, pha với nước để làm thuốc trừ sâu cho lúa. Nghe cũng thấy lạ. Những chi tiết nho nhỏ này, lần đầu biết đến.

Ngày thứ Bảy. Đến Tây Ninh sực nghĩ rằng, nơi này không có biển nhưng tại sao lại có thể sáng chế ra loại muối ngon độc đáo đã trở thành thương hiệu? Đã nói đến cái bánh tráng, lập tức phải thừa nhận là đặc sản “độc quyền” của vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nhưng tại sao nơi này có thể cải tiến thành “bánh tráng phơi sương” không “đụng hàng”? Rồi nữa, ở Việt Nam có hai tôn giáo ra đời từ tâm linh, nhận thức của người Việt, đó là đạo Hòa Hảo ở An Giang và đạo Cao Đài ở Tây Ninh. Tại sao hai vùng đất này có sứ mạng đó? Nói cách khác đâu là yếu tố tâm linh của con người vùng đất đó, đâu là yếu tố địa lý v.v… Khi trao đổi, nhà văn Nguyễn Trọng Tín cho rằng ở Việt Nam ban đầu sự ra đời của một tôn giáo đã mang yếu tố chính trị, chẳng hạn, tập hợp quần chúng đánh đuổi ngoại xâm, cứu nước... Để tồn tại, họ khôn ngoan ẩn giấu lý tưởng chính nghĩa đó bằng màu sắc tôn giáo. Mà hoạt động chính trị, phải tập hợp quần chúng, có lực lượng vũ trang. Ở An Giang có Thất Sơn huyền bí, ở Tây Ninh có núi Bà Đen linh thiêng, hai nơi ấy có thể làm nơi ẩn náu của nghĩa quân rèn gươm, chứa lương thực, xây dựng đội ngũ…

Cách lý giải này đáng suy ngẫm thêm.

Ngày thứ Bảy. Đã đến mộ của những vị tiền hiền có công khai hoang vùng đất Tây Ninh. Đoàn làm phim đã thực hiện những cảnh quay tại mộ ông cụ Đặng Văn Trước (có tài liệu cho rằng Đặng Thế Trước) tại khu vực Bùng Binh, xã Hưng Thuận (Trảng Bàng), không rõ năm sinh của Ông, chỉ biết mất năm 1826. Bà con nơi này tôn kính gọi “Ông thần”, đọc "Trước" chệch thành “Trác” vì kỵ húy. Giỗ Ông vào ngày 11 rạng 12/10 âm lịch hằng năm. Ngôi mộ này đã được tỉnh Tây Ninh công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Khi đến nơi, bỗng gặp hai người phụ nữ, phía sau có hai đứa nhỏ lon ton chạy theo. Họ tỏ ý không đồng ý cho quay phim, nếu không biết rõ mục đích.

Hỏi han một lúc mới biết, nơi này thời chiến tranh là vùng oanh tạc tự do. Vì kiếm cơm manh áo, họ đã quyết sống, bám trụ trồng trọt cho đến nay. Từ đời cha đến đời con, khi trồng cao su, lúc trồng bạch đàn v.v… họ đã gắn bó mật thiết. Dù không hề có “tờ giấy lận lưng”, không có sổ đỏ, sổ đen chứng nhận đất thuộc sở hữu nhưng rõ ràng máu, mồ hôi của họ đã cải tạo đất là có điều có thật. Chị vừa khóc vừa kể: “Lần nọ, tôi cuốc đất nhưng không biết lưỡi cuốc chim đụng vào quả M79. Ngay lúc đó tự nhiên ở đâu có con ong to tổ chảng bay đến cắn vào mặt, tôi hoảng hồn chạy thục mạng, vừa cách mấy chục bước chân thì nghe tiếng long trời lở đất. Trời đất quỷ thần ơi! Không có con ong đó báo trước, chắc tôi đã banh xác từ khuya rồi”. Nghe có lý, có thể hiểu nôm na loại đạn này khi thoát khỏi nòng, phải qua mấy vòng tua, vòng xoay gì đó, nó mới phát nổ. Họ thêm tin được “Ông thần” phù hộ và càng vun vén, nhang khói, giữ gìn mộ của Ông qua gần nửa thế kỷ.

Gần đây, gia tộc họ Đặng giành lại bởi đây là đất của ông bà họ, có lẽ do còn giữ bằng khoán đất từ thời nhà Nguyễn chăng? Thế nhưng, cuộc tranh chấp này vẫn chưa thể ngã ngũ. Lằng nhằng mãi. Bên nào cũng có lý lẽ riêng. Nhiều lần cán bộ xã, huyện đến giải quyết tranh chấp nhưng rồi cũng bó tay. Qua vụ việc này có thể thấy rằng, sự khiếu kiện đất đai thời gian qua, có lúc cả hàng trăm, hàng ngàn bà con nông dân ùn ùn kéo lên TP.HCM, trong đó, không loại trừ trường hợp tương tự.

Đã đến ngôi đình làng cổ ở Trảng Bàng, ghi nhận chi tiết này: Phía trước gian thờ tự, có đặt những cái bàn cao chừng 1,5 mét, mặt bàn vuông vức. Vương Công Đức giải thích, ngày cúng đình làng, bà con thuộc tôn giáo (như đạo Phật, Cao Đài…) đặt mâm cúng lên đó; còn có một bàn riêng của tộc lớn là tộc Dương - một trong những tộc người Việt đầu tiên đến khai hoang lập ấp. Còn nhớ, lúc vào nhà thờ tộc Dương, thấy có ghi câu đối phía tay trái: “Thể phách tồn thiên địa/ Tinh thần tại tử tôn”.

Đã đến viếng ngôi mộ cổ của một vài vị “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh”, như mộ cụ Dương Tấn Phong, Dương Tấn Quá - những con người đã sống cách đây vài trăm năm trước, thuộc lớp “sinh vi tướng, tử vi thần”. Nhận xét chung: Phía trước và phía mộ đều có bia che chắn. Ngay sau bia phía trước, cách chừng 1 mét còn có vòm cửa, cao chừng 8 tấc rồi mới đến vị trí ngôi mộ. Muốn vào đến mộ, phải khom người, cúi mặt sát đất mới có thể bước vào. Rõ ràng, một dụng ý nhắc nhở con cháu phải có thái độ thành kính khi nhang khói cho tổ tiên, ông bà, các bậc tiền hiền…

Khi phát biểu với Đài HTV, y tâm đắc với cái ý, cần phải nghiên cứu thêm nhiều sử liệu về làng, xã nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Ai cũng có thể làm được, miễn là họ có cái tâm, có ý thức gìn giữ, tìm hiểu di sản của cha ông. Mà những tài liệu ấy cực kỳ cần thiết bởi chính sử không tài thánh gì có thể ghi chép, phản ánh lại đầy đủ. Chẳng hạn, đọc chính sử, ta biết về vụ Lê Văn Khôi - con nuôi Lê văn Duyệt nổi loạn đánh chiếm thành Gia Định. Sau khi bị quân triều đình bao vây, đánh tan nên Khôi phải kéo quân về Quang Hóa (Tây Ninh). Biết chỉ đến thế. Nhưng khi điền dã, viết sử về địa phương của mình, Đức đã phát hiện thêm rằng: “Chạy về Quang Hóa, tàn binh của Lê Văn Khôi nổi giận đốt Miễu Ông Cả Đặng Thế Trước, nhưng đốt mãi không cháy, bèn đem voi đến húc cho sập nhưng không được vì voi sợ hãi phải thụt lùi (?)”.

Chi tiết này cho thấy một nghi lễ ra trận của cha ông ta thời trước mà Đức giải thích đúng: “Chúng tôi cho rằng trước khi dấy loạn, những nghĩa binh đã đến Miếu Ông Cả để làm lễ ăn thề và cầu xin phù hộ để mưu việc lớn, vì khi đó Lê Văn Khôi có căn cứ Quang Hóa, nay việc không thành nên tàn quân Lê văn Khôi quay lại miếu mà trả thù cho hả cơn giận”. Đọc sử địa phương bao giờ cũng lý thú với các chi tiết đắc giá như thế. Mà địa phương nào, nơi nào lại không có những câu chuyện lưu truyền từ đời này qua đời nọ? Vấn đề đặt ra, ngày nay có còn ai quan tâm tìm tòi, ghi chép lại ký ức của nơi mình sinh ra? Hiếm hoi lắm. Đời sống ngày một thay đổi. Vật đổi sao dời là cái lẽ tất nhiên. Thế rồi, những di sản tinh thần, giá trị vật chất cụ thể của từng vùng miền có ai ghi chép lại cho đời sau? Đây cũng là một trong những lý do mà nhà văn Nguyễn Trọng Tín, đạo diễn Khắc Tuấn quyết định đề xuất làm bộ phim tài liệu về công việc của Vương Công Đức. Y đi theo, thật ra không phải do có phát biểu đôi câu mà chính là muốn tỏ thái độ ủng hộ việc làm của anh em bầu bạn.

Trong đời sống, đôi khi chỉ cần có tiếng nói ủng hộ một việc làm tốt, là đủ. Đôi khi, im lặng không nói gì, không bày tỏ thái độ gì, cũng là đủ.

Chuyến đi ngày thứ Bảy còn có nhiều chuyện lý thú về phương ngữ Nam bộ. Chẳng hạn, lâu nay từng nghe: “Đường vô xứ Huế quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ / Thương em anh cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang / Phá Tam Giang ngày rày đã cạn / Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm”. Không ngờ, ở Nam bộ lại có một dị bản cực hay, theo anh Nguyễn Trọng Tín: “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn / Truông nhà Hồ, ai dạn thì đi / Nghiêng tai nói nhỏ với dì / Đã thương đừng sợ, sợ thì đừng thương”. Hay và hài hước ở chỗ, chàng anh rể “nghiêng tai” nói với cô em vợ, chứ không phải với mèo mỡ nào cả. Đạo lý người Việt dễ dãi chấp nhận “mía ngon đánh cả cụm”, không cười cợt gì thì cái sự lèng èng "bắt cá hai tay" đó cũng có thể châm chước - nhất là nếu “dì nó” còn mơn mởn đào tơ; hoặc chồng đã vân du tiên cảnh… Hành động “nghiêng tai” nghe ra như đùa như thật. Được thì được, không thì thôi nhưng cũng cho thấy một tính cách rõ ràng,  không ỡm ờ, nước đôi của người Nam bộ. Rồi những câu chuyện về thơ, về thế sự, về bạn bè văn nghệ cùng nhà văn Nguyễn Trọng Tín có nhiều thông tin hay. Sẽ ghi lại sau.

Chắc chắn rằng, từ trong sâu thẳm tình cảm, tự dưng ta lại có cảm tình sâu sắc hơn nữa với những vùng đất xa lạ dù chưa đến hoặc chỉ mới đến đôi lần. Tình cảm ấy có được là do tính cách, hình ảnh cụ thể của những con người vùng đất đó mà ta đã gặp, đã trò chuyện, đã chia sẻ những suy tư chân thật không giấu giếm nhau và nhất là không đổi lưỡi trong một ngữ cảnh khác.

Hôm qua, Chủ nhật. Ăn trưa ở nhà hàng bên sông Sài Gòn. Và rượu đỏ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment