LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.3.2015

phong-lm-viec-cua-Qu-c

Phòng làm việc của LMQ

 

Thứ Sáu ngày 13 là ngày gì? Mỗi người có một ngày riêng tư, nếu không kể lể chắc chẳng ai biết. Mà biết để làm gì? Dậy sớm, đọc báo và viết tặng cho mình bài thơ. Những câu thơ nhẹ nhàng đến trong những lần trên đường đi làm. Nhớ đôi ba câu. Rồi quên. Rồi nhớ. Rồi sáng nay, bài thơ đã xong.

Viết xong bài thơ và xóa đi nhiều số điện thoại thường xuyên gọi và lâu nay không hề gọi. Xóa một số điện thoại là loại bỏ đi một hình bóng cũ đã từng có trong trí nhớ. Nghĩ về tình bạn. Trên đời này, tình bạn nào chân thành và vĩ đại nhất? Đêm qua nằm đọc lại Chiến quốc sách - bản dịch của Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi, nghĩ rằng, tình bạn Kinh Kha và Cao Tiệm Li - mới đáng nhớ làm sao. Lúc Kinh Kha sang tới bờ sông Dịch, Cao Tiệm Li - tay bán thịt chó, chơi đàn trúc rất tuyệt đã gẩy đàn họa theo tiếng ca bùi ngùi nhỏ lệ của bạn lúc chia tay:

Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê

Tráng sĩ một đi chừ không về

“Điệu ca khảng khái bi tráng, ai nấy đều trợn mắt, tóc dựng đứng, đâm lên mão”. Cảnh chia tay người đi kẻ ở bao giờ cũng buồn. Sực nhớ danh tướng Trần Khát Chân ra trận, lúc từ biệt thượng hoàng Trần Thuận Tông, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lấy mắt tiễn đưa”. Cái tình ấy sâu đậm làm sao. Tri kỷ làm sao.

Sang Tần, việc giết Tần Thủy Hoàng không thành, Kinh Kha bị chém chết. Về sau, Cao Tiệm Li gẩy đàn trúc vào yết kiến vua Tần, lấy cây đàn đập Tần Thủy Hoàng để báo thù nhưng không trúng, bị giết.

Nếu xét theo nghĩa, tình bạn là phải thể hiện sự xả thân cho nhau, vì bạn, có thể chết; nghe ai nói xấu về bạn, dù chưa biết hư thực ra sao nhưng trước mặt thiên hạ vẫn bảo vệ danh dự cho bạn thì trên đời này mấy ai có được tình bạn đó? Còn nhớ ngày đầu giải phóng, khi khai lý lịch bao giờ cũng có câu hỏi: “Bạn thân nhất là ai?” bắt buộc phải trả lời. Tình bạn đúng nghĩa thời nào cũng thuộc loại quý hiếm. Khó có thể có. Tình người, thời nào cũng có.

Đến Huế, mới biết nơi này có một hoạt động rất tình người. Đáng hoan nghênh, cần cỗ vũ, cần tuyên tuyền: “Ngày xuân viếng mộ thi nhân”. Nói có sách mách có chứng, theo báo TN số ra ngày 12.3.2015: “Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, cho biết việc tưởng nhớ và viếng mộ thi nhân vào ngày xuân ban đầu do một số ít anh em văn nghệ sĩ thường đến mộ viếng thăm những thi nhân là người thân hoặc bạn bè đầu xuân, sau đó hội thấy việc làm này hay, có ý nghĩa nhân văn nên đã đưa vào chương trình hoạt động thường niên vào dịp đầu xuân. Tuy nhiên theo họa sĩ Tựu thì đã qua 7 năm tổ chức nhưng hoạt động này chỉ là tấm lòng của anh em văn nghệ sĩ với bạn bè, các thi nhân và văn sĩ đã khuất chứ chưa thấy ngành du lịch quan tâm để tổ chức thành tuyến du lịch hấp dẫn. Còn nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương thì tiếc rẻ: “Ở Quy Nhơn, chỉ một ngôi mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử thôi người ta cũng tổ chức được các tour rầm rộ, mọi người khắp nơi tìm đến mộ của nhà thơ. Còn ở Huế thì có rất nhiều mộ phần của các văn nhân thi sĩ nổi tiếng, những tên tuổi lớn không chỉ đóng góp cho nền thi ca, văn học mà đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc nhưng rất tiếc điều này chưa được khai thác du lịch”.

Đọc báo, những bài tương tự thế này khiến tâm hồn lắng đọng, tự dưng thấy vui. Ít ra, người lương thiện đã chết vẫn còn nhớ đến bởi lúc sống họ đã sống tốt, đã có những sáng tạo nghệ thuật cho đời. Chẳng gì có thể mất, chẳng gì có thể quên.Sáng này, cáu tiết, khó quên với một thông tin chẳng ra làm sao. Trong đầu loáng thoáng nhớ đến câu ca dao ấm áp, nghĩa tình từ xa xưa: “Quảng Nam ta có đèo Le / Bà con ta nói cứ đè mà leo”. Trước đây, có lần nghe nhà báo Cung Văn đọc câu đối liên quan đến đèo Le. Hóm hỉnh và cũng rất Hồ Xuân Hương:

Lên đèo Le, đá đừng leo

Xuống dốc Dựng, chưn đừng nới

Chưn” là phát âm từ “chân” theo thổ âm xứ Quảng. Đèo Le thuộc huyện Quế Sơn. Gà đèo Le là một đặc sản, một thương hiệu lừng danh năm châu bốn biển. Y đã nhiều lần lên đến nên biết ở đây, đời sống bà con mình còn nghèo lắm. Do đó, vừa rồi nhà nước mới có chính sách cung cấp 1.250 con gà giống hỗ trợ người nghèo theo chương trình Phát triển nông thôn mới. Nhờ vậy, người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn) sẽ có đời sống sung túc hơn chăng? Sáng nay, báo PL TP.HCM có bài Quan xã “ăn” gà hỗ trợ của người nghèo, từ bí thư, chủ tịch xã đến các quan lèng xèng đã chia chác, ẳm trọn số gà trên của người nghèo.

Nghĩ mà chán.

Có thông tin nghĩ thấy chán,lại có thông tin rợn cả người.

Chiều  ngày 12.3.2015, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo viên các tỉnh, TP phía Nam, theo báo PL TP.HCM sáng nay, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: “Trong năm 2014 toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ phạm pháp hình sự, tăng 1,48% so với năm 2013. Loại tội phạm tăng là lừa đảo và trộm cắp. Các vụ sử dụng chất nổ cài đặt trong quà tặng để giải quyết mâu thuẫn, thù tức cá nhân cũng có chiều hướng gia tăng. Các loại tội phạm giảm gồm: Giết người do nguyên nhân xã hội; giết người cướp tài sản; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; hiếp dâm; cố ý gây thương tích; chống người thi hành công vụ...”; và “Ông Lượng cũng dự báo năm 2015, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội sẽ diễn ra nghiêm trọng, các loại tội phạm liên quan đến sở hữu có chiều hướng gia tăng và công an đã có các phương án tấn công, trấn áp tội phạm, đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa”.

Y nhìn y và tự hỏi, những câu thơ du dương liệu có ích gì cho đời? Chẳng biết nữa. Hôm nay, thứ Sáu ngày 13, đọc loáng các bài báo nắm thông tin thời sự mỗi ngày. Và thơ. Thơ rằng:

Sóng vỗ mòn ghềnh đá

Đá nhẫn nại xanh rêu

Dẫu tình ca tắt thở

Vẫn vọng lời gấm thêu


Ngày nhũn nhão mưa chiều

Sá gì. Mai nắng sớm

Dẫu mầm chưa nhú lên

Sự hận thù đã đốn


Từng ngày, từng bận rộn

Đã cỏ buộc phải xanh

Đã mưa thì phải ấm

Đã thơ phải độc hành


Không bon chen phía trước

Chẳng thắc thỏm ngoái lui

Mười ngón tay gõ phím

Vun vén từng niềm vui


Từ nhùng nhằng nhũng nhẵng

Níu lấy sợi nắng mai

Dọn lòng mà đứng dậy

Dẫu chân lún nhọn gai


Sóng vỗ mòn ghềnh đá

Đá nhẫn nại xanh rêu

Tôi tin. Tin ngọn gió

Dựng lại thành lũy xiêu…

Thơ tình chăng? Không phải. Sực nghĩ tâm trạng mỗi người trong một ngày cũng tựa bức tranh nhiều màu sắc. Có trắng u ám cõi chiều. Có đen chói ngời nắng mai. Có xanh, hồng, tím, đỏ những buồn vui đến lúc này và đi vào lúc khác. Vì thế, khó có thể suốt một ngày chỉ một tâm trạng. Mà nó thay đổi nhiều chiều khác nhau.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment