LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.1.2015

 

Vu-bang-1R

Trích trong tập Mười khuôn mặt văn nghệ (1970). Tư liệu L.M.Q


Ngày 31.12.2014 là ngày hết hạn tìm kiếm 4.000 tấn vàng ở núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong - Bình Thuận). Tấm mật đồ kho báu Núi Tàu (còn gọi là kho báu Yamashita) cho biết ở đó có chứa 4.000 tấn vàng cùng một số lượng lớn châu báu trị giá khoảng 100 tỉ USD. Đây là tài sản của quân đội Nhật chôn giấu khi bại trận trong thế chiến thứ 2 chưa kịp đem về nước. Có trong tay tấm mật đồ này, từ năm 1993, ông Trần Văn Tiệp xin phép chính quyền Bình Thuận tìm kiếm, nếu tìm được sẽ hiến một phần cho Nhà nước. Sau 7 đợt nổ mìn với 372 mũi khoan và dùng tổng lưu lượng thuốc nổ là 1.889 kg nhưng vẫn không có kết quả. Đơn vị tìm kiếm của ông Tiệp phải tháo dỡ máy móc, lán trại di chuyển khỏi khu vực núi Tàu trước ngày 31/1/2015. Trong thời gian làm việc, ông Tiệp đã mời một nhà ngoại cảm định vị các điểm khoan thăm dò. Đồng thời mời tiến sĩ Vũ Văn Bằng, là kỹ sư nghiên cứu địa chất làm việc tại Công ty CP nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội), dùng máy đo bức xạ điện từ trường để khảo sát. Theo báo chí, Ông Tiệp đã bỏ ra khoảng hàng chục tỷ đồng lao theo công việc vô vọng. Tuy nhiên, cuộc chơi chưa dừng lại, ông già 101 tuổi này vẫn đang tiếp tục xin gia hạn thời gian thăm dò kho báu.

Tự dưng lại nhớ đến số phận bi thảm của ông Nguyễn Hồng Công, 61 tuổi, quê gốc Thanh Hóa. Ngày 6.10.2013, người dân địa phương phát hiện ông chết đơn độc trong lán trên núi Mã Cú (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa - Quảng Bình) - kết thúc 31 năm ròng rã săn tìm kho báu vua Hàm Nghi. Tự dưng lại nhớ đến bài tứ tuyệt Vũ Hoàng Chương tặng Vũ Bằng:

Có bằng nói láo bốn mươi năm

Vũ ấy mà sao giọng vẫn văn

Hay tại đa ngôn đa báo hại

Giường tiên trời phạt chẳng cho nằm!

Có những người “trời phạt” đó chăng? Chẳng thể lý giải được. Mà bị "trời phạt" như Vũ Bằng thì tốt quá. Nhờ thế, chúng ta mới có được tuyệt bút Thương nhớ mười hai.

Đầu năm 2015, UBND TP.HCM vừa thông qua việc đặt tên đường tại Q.9, có 8 văn nghệ sĩ được chọn: Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Nguyễn Đình Thi, Diệp Minh Tuyền, Xuân Quỳnh, Huy Cận, Út Trà Ôn, Thanh Nga. Lật lại các email trao đổi, mới nhớ lại công việc chuẩn bị dự án đặt tên đường đã tiến hành từ năm 2011. Ngày đó, anh bạn của y là một doanh nghiệp, muốn tên đường trong khu đô thị do anh đầu tư là các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Y chỉ góp phần nhỏ là chọn nhân vật, biên soạn tiểu sử, chứng minh thành tích của họ giúp anh trình lên Hội đồng đặt tên đường thành phố. Vẫn còn một vài nhân vật, dù đã trình nhưng chưa được chọn đặt tên trong đợt này là Thu Bồn, Sơn Nam, Bùi Giáng, Hà Triều, Hoa Phượng, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Xuân, Lưu Quang Vũ. Còn nhớ khi biên soạn tiểu sử có cả TS Trần Văn Khê nhưng bị loại ngay từ đầu, vì chưa có tiền lệ đặt tên đường lúc người đó còn sống.

Năm kia, cùng nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, nhà báo Hữu Thân về thăm gia đình nhà văn Nam Cao. Con rể của nhà văn có dẫn đi xem Vườn hiện thực Nam Cao, lúc ấy, chỉ mới tiến hành xây dựng; đi xem nhà Bá Kiến… Sáng nay, vừa biết được thông tin này trên VTV: Mô hình du lịch kết hợp với văn học đầu tiên tại Việt Nam vừa được triển khai, đó là tour du lịch “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ý tưởng độc đáo này do Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch đề xuất. Sau lần thử nghiệm đầu tiên tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã được du khách đón nhận tích cực. Họ không chỉ háo hức trải nghiệm không gian quá khứ với các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến mà còn rất thú vị khi được khám phá, thưởng thức các đặc sản ẩm thực của làng Vũ Đại như cá kho, chuối ngự…

Biết tin đó, thấy vui vui. Có những nhà văn, đọc đi đọc lại tác phẩm của họ nhiều lần vẫn không thấy chán. Với y, trong số đó, có Nam Cao. Vừa đọc lại tạp chí Văn (số 198 ngày 15.3.1972) - Số đặc biệt về thơ, có in nhiều bài lục bát của Nguyễn Đức Sơn. Chẳng hạn, Chỗ đâu ấm cúng:

Biệt tăm cha mấy năm trời

Được thư bà nội vội rời quê xa

Lên thăm xào xáo trong nhà

Thật cha không biết đàn bà giống chi

Mẹ con bản mặt lầm lì

Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm

Sống chung càng khổ nhau thêm

Chỗ đâu ấm cúng cho mềm tuổi thơ

Đọc thấy hiện lên hình ảnh gã đàn ông vò đầu bứt tóc đang than thở với thằng con. Có cả thẩy 4 nhân vật. Chẳng rõ lúc ấy cậu con trai nghĩ gì? Chỉ biết, khi lớn lên cậu xuất gia đi tu và cũng làm thơ. Lúc nào tái bản Khi tổ ấm nhảy Lambada, sẽ lấy bài thơ này minh họa thêm cho bài Cuộc chiến nàng dâu mẹ chồng. Có lẽ, "nàng dâu - mẹ chồng" chỉ mới phản ánh qua ca dao, tục ngữ chưa có nhiều nhà thơ khai thác chăng? Thích bài thơ này vì lẽ đó.

Đã từ lâu rất thích ca từ của Phạm Duy: “Như con giun ngước lên trời, yêu trăng sao vời vợi. Làm sao nói được tình tôi?”. Những kẻ thất tình, đớn đau gan ruột, khi nghe ai đó cất lên tiếng hát ắt ôm mặt khóc hu hu suốt đêm dài cho đến rạng sáng. Đọc quyển Những sự gặp gỡ của Đông phương & Tây phương trong ngôn ngữ & văn chương của Vũ Bội Liên (1912-1947). Trong đó, ông Liên có nhắc đến: “Kẻ si tình của Victor Hugo tự ví mình như một con giun khốn nạn dám mê một vì sao: “Misérable ver de terre amoureux d'une étoile”. Rõ ràng, Phạm Duy viết ca từ trên do ảnh hưởng từ văn hóa Pháp. Đọc nhiều, đôi khi nhập vào trí nhớ, cứ ngỡ của mình là vậy. Mấy hôm nay, trên facebook có sự tranh luận về bài thơ đã phổ nhạc. Tìm đọc lại tập thơ Sầu ở lại của Tạ Ký, bản in năm 1970 do cơ sở ấn loát Quế Sơn - Võ Tánh in năm 1970, trang 11-12 có bài thơ Buồn như (tặng Tôn Thất Trung Nghĩa). Nguyên văn như sau:

Buồn như ly rượu cạn

Không còn rượu cho say

Buồn như ly rượu đầy

Không còn một người bạn


Buồn như đêm khuya vắng

Qua cửa sổ trông trăng

Buồn như em nói rằng:

Nhớ anh từng đêm trắng.


Buồn như yêu không được

Dù người yêu có thừa

Buồn như mối tình xưa

Chỉ còn dòng lưu bút


Buồn như buồn như thế,

Buồn như một kiếp người.

Đây cõi lòng quạnh quẽ

Buồn như đóa hoa rơi!

Trong tập thơ này còn có bài lấy tựa Tôn Thất Trung Nghĩa. Đọc thấy ngồ ngộ hay hay:

Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu

Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh

Người sơn dã lạc kinh thành

Ngả nghiêng đáy cốc độc hành đêm khuya

Chữ nghĩa đậm đặc âm hưởng từ thời Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính nhưng xếp cạnh bia la-ve khiến bài thơ tếu táo hẳn lên. Trong những ngày này, bận rộn quá. Còn vài việc nữa phải làm cho xong. Cũng chuyện viết nhì nhằng. Muốn xong sớm. Trước Tết. Cố lên.

Này em mùa Tết đang gần

Cây run lá mới tần ngần nữa chi?

Thời gian như ngựa đang phi

Từng trang lầm lũi lầm lì đi qua

Vội vàng lên nhé người ta

Tưởng ai vừa gọi hóa ra là mình…


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment