LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.12.2014

 

nam-2104RR

 

Ngày cuối cùng của một năm. Sáng nay, trên trên đường lên cơ quan, kẹt xe ngay đoạn Lê Văn Sỹ. Từ chân cầu, nhìn qua phía bên trái, có một dãy nhà bị cháy. Sức nóng ghê gớm của lửa đã cho thấy từng mảng tường nhà nám đen, trơ ra những trụ sắt. Tan hoang. U ám. Nhiều người hiếu kỳ dừng lại xem, chụp ảnh vì thế ùn tắc cả một đoạn đường dài. Đêm qua đã đọc tin này trên mạng. Nếu như trước đây, nếu nhớ không lầm thì nhà báo phải chụp, rửa ảnh, đưa xuống nhà in, lọc phim (nếu ảnh màu phải 4 tấm phim) rồi phơi kẽm, sau đó mới đem in. Sự việc diễn ra trong đêm, nhanh nhất, sáng mai mới xuất hiện trên mặt báo. Bây giờ, cùng một lúc, bạn đọc đã có thể xem ngay trên các trang báo điện tử, trang mạng xã hội. Mỗi người đọc đều có thể trở thành một nhà báo, nếu họ tiếp cận với thông tin đó sớm nhất. Bằng các thao tác đơn giản, họ trở thành người đưa tin sớm nhất. Vì lẽ đó, đã có nhiều nhà báo có thói quen lang thang trên các trang mạng xã hội “săn tin” nắm bắt thông tin “mới ra lò. Cũng hợp lý thôi.

Ai đó cho rằng, thời buổi này làm báo dễ hơn trước, bởi chỉ cần níu áo ông Goolge là có thể tiếp cận biết bao điều cần biết. Nếu ân nhân của nhân loại cần tạc tượng nhất của thế kỷ này có lẽ phải là các ông Goolge, Facebook... Theo y, làm báo bây giờ khó hơn trước nhiều lắm. Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin nhưng xử lý ra làm sao để lôi cuốn bạn đọc lại là chuyện khác. Nói cách khác sự tiến bộ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen, sự tồn tại của nhiều ngành nghề, trong đó có nghề báo. Y chính thức theo nghề đã mấy chục năm rồi? Nếu không tính 1 năm làm việc ở TT, từ ngày 30.4.1989, y chính thức làm tại báo PN đến nay. Vào cơ quan ngồi họp, sáng nay lại nhìn thấy tờ lịch ghi ngày 31.12.2104 tự nhiên bâng khuâng quá. Bèn nhắn tin gạ gẫm bạn bè, chỉ send cho những ai mê phở, mà phải mê tít thò lò phở Dậu:

Dân chơi sợ gì mưa rơi

Mưa rơi không sợ dân chơi là huề

Sáng mai? Mai phở? He he

Tha hồ tâm sự tỉ tê chuyện đời

Dân chơi thứ thiệt là chơi

Sá gì nắng gắt. Mưa rơi sá gì

Ngày mai, năm mới dậy thì

Vậy thì? Thì phở? Phở thì? Thì ngon

Chỉ có Trương Nam Hương và Ngô Kinh Luân nhận lời. Trưa nay trên đường về nghĩ rằng, điều may mắn của người trẻ khi bước chân vào đời, họ được làm công việc yêu thích. Đã yêu thích nghề ắt tìm thấy niềm vui trong công việc. May mắn thứ hai, môi trường làm việc mà ở đó, từ sếp đến cộng sự cùng tạo điều kiện cho nhau phát huy nghề nghiệp. Y đã và đang có hai điều kiện đó. Một năm đã đi qua. Nhẹ nhàng. Ấm áp. Thêm yêu đời để sống. Y là người may mắn.

Có người bảo rằng, sự may mắn hay bất hạnh đời người hầu như đã “lập trình” từ trong lá tử vi. Người Á Đông có thói quen, khi đứa con vừa khóc oe eo, ngay lập tức cha mẹ đã lấy ngày sinh tháng đẻ, nhờ người giỏi lý số chấm cho một quẻ. Kỳ quái, giấy khai của y sinh ghi ngày 1.8.1959, nhưng lá số tử vi lại ghi 2.8.1959. Vậy ngày nào đúng? Ngày nào sinh ra, giờ nào sinh ra có quan trọng gì không? Y hoàn toàn không tin vào tử vi. Chỉ tin ở hiền gặp lành; ác giả ác báo; đời cha ăn mặn, đời con khát nước; trời cao có mắt... Cuộc đời sẽ không còn lý thú nếu con người ta đoán biết tương lai, biết tai ương, vui buồn sẽ đến, nếu căn cứ vào lá số tử vi. Đọc Truyện Kiều, ghét nhiều người, trong đó có nhân vật tướng số - gã thầy bói ấm ớ. Kiều kể với Kim Trọng:

Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:

Anh hoa phát tiết ra ngoài,

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Nghe lời nàng vừa thốt ra, lập tức:

Sinh rằng: “Giải cấu là duyên,

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”

Đọc Thích Nhất Hạnh, tâm đắc với cụm từ “tưới tẩm hạt giống”. Cũng từ quan niệm này, ông viết: “Hồi Thúy Kiều còn nhỏ, một ông thầy tướng nói: 'Suốt đời cô sẽ khổ vì tất cả những tinh hoa (tài sắc) trong con người cô đều phát tiết ra ngoài hết. Cô không giấu giữ được cái gì ở bên trong nên phải khổ suốt đời.' - Ông thầy tướng này nguy lắm! Người ta còn con nít mà nói như vậy là gieo một hạt giống đau khổ thắc mắc và lo sợ vào trong lòng người ta! Người ta cứ yên chí rằng mình sẽ khổ suốt đời, đó là cái không hay”. Đúng quá. Đố ai cãi đươc nào?  Đã có nhiều người xem tử vi giúp, cuối cùng y xé bỏ cả. Không muốn phải bận tâm, lăn tăn, vướng víu với những gì chưa xẩy ra (có thật sắp xẩy ra?), phải lo ngay ngáy, mất thời gian vô ích. Trên hành trình đi qua trần gian này, dài lắm chỉ chừng 80 năm là cùng, lúc nào cũng lấm lét dò chừng, dò dẫm, né tránh với “dự báo” đó, có đáng gọi là vui sống? Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống. Thế nào là biết? Biết nghĩa là không biết gì. Do “không biết” nên mới “biết” thuận theo lẽ tự nhiên là cứ sống theo suy nghĩ của chính mình.

Lại nữa, y cũng không tin vào chuyện nếu táng mộ đúng phong thủy, đời sau con cháu sẽ hưởng phú quý, quan lộc. Trái đất ngày càng chật hẹp, về với đất, con người ta nằm chen chúc nhau, hoặc hỏa táng, thủy táng, điểu táng thì làm sao có thể tìm các thế đất đại loại như: “Minh đường tích thủy/ Huyền vũ tàng phong/ Hỉ động Thanh Long/ Tịnh lâm Bạch hổ”? Chẳng lẽ, người giàu có, có tiền mua đất chôn cất đúng phong thủy, đời sau con cháu lại hưởng lộc? Còn người nghèo,  đời sau lại nghèo? Ngẫm lại, có lẽ đó là do ảnh hưởng từ quan niệm của người Trung Hoa đó thôi. Bằng chứng, cha ông ta nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Một suy nghĩ rất biện chứng. Rất tích cực. Chứ hoàn toàn không mơ hồ, mơ mơ màng màng theo cái lối tử vi, phong thủy cho mồ mả...

Ngày trước, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ dâng sớ “nói thẳng nói thật” nên vua Tự Đức “chạm nọc” bèn giáng chức. Anh ruột của cụ Phạm Phú Thứ hoảng quá, liền viết thư bàn em trai xây cất lại mồ mả của ông bà. Do mồ mả bị “động” nên mới tai họa mới giáng xuống đầu, cuụ Phạm Phú Thứ không tin, bởi thịnh, suy ở đời là lẽ thường tình: “Muốn cho thắng được cái lẽ thường ấy, mình phải tu đức. Huống gì trời cho ai cũng có chừng mực, tham quá sao được. Nay bỏ nhân sự đi, không nói đến chuyện tu đức mà lại cứ cậy vào địa lý là một cái thuật mọn, thế có phải là sai không? Ôi! Tiên khảo ta tu nhân tích đức để che chở cho con cháu, nay ngài mất chưa giáp năm mà thằng con bất hiếu này đã lâm vào vòng tù tội, các thầy địa lý thấy vậy chắc là cho chỗ đất không được tốt mà thôi. Song họ nói như vậy chứ đâu dám quả quyết rằng cuộc đất ấy thì phải bị tội ấy, chẳng qua là nói phỏng chừng đất ấy không được tốt mà thôi.  Những việc mà tai mắt ta không nghe thấy thì không thể tin được, ta nên tin ở lý. Dẫu rằng lý không qua số, nhưng số nhiệm màu khó biết mà lý là lẽ phải rành rành, ta nên cứ đó mà theo. Cho nên người quân tử không cậy thuật, cậy số mà chỉ theo lý là thế”. Hơn trăm năm trước một nhà Nho tốt nghiệp thủ khoa sân Trình đạo Khổng đã có suy nghĩ ấy, ắt không phải người chỉ chỉ biết nhai văn nhá chữ.

Đã sắp hết một năm rồi. Ngày hôm nay, trên báo chí đã có những báo tổng kết các sự kiện đáng nhớ trong năm. Nhật ký 28.12.2014, y đã liệt kê 15 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2014 theo Bộ VH - TT&DL. Cuối cùng qua bình chọn của 133 phóng viên theo dõi lãnh vực trên, đại diện cho 116 cơ quan báo chí chọn lại 10 sự kiện.  Sau đây là 5 sự kiện bị loại: “Liên hoan tuyên truyền lưu động Biên giới và biển đảo Việt Nam với hơn 2000 tuyên truyền viên, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc/ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 năm 2014 (Haniff 2014) với 130 bộ phim được tuyển chọn từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 30.000 lượt khán giả/ Năm Việt Nam tại Pháp lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt với gần 80 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã để lại nhiều dấu ấn tốt/ Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề Yêu thương và chia sẻ/ Tổ chức World Travel Awards công nhận khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula là Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới”.

Nếu bình chọn lấy một khán giả trung thành nhất với đài truyền hình, chắc chắn giải nhất sẽ thuộc về  ai? Có lúc thức dậy sớm, nghe  phòng mẹ có âm thanh rộn rã, bèn nói vọng vào trong, dặn dò đủ điều rồi lên phòng làm việc. Mãi đến lúc xuống nhà chuẩn bị rời khỏi nhà, mới hay rằng mẹ y đã đi chợ từ sớm. Thì ra lúc nẫy, y nói với y đó thôi. Có lúc khuya khoắt trở về nhà, ti vi vẫn mở nhưng mẹ y đã ngáy khò khò. Tóm lại, trong nhà không lúc nào thiếu tiếng động từ các kênh truyền hình. Truyền hình mở ngày này qua tháng nọ, không một phút ngơi nghỉ. Người già ở thành phố, không có những mối quan hệ với hàng xóm, truyền hình vẫn là “người bạn” thân thiết nhất. Lúc nào, họ cũng cần âm thanh để không cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Thời y ở K cũng thế, nhờ có cái radio nên đêm nào anh em cùng tiểu đội cũng tụ tập lại nghe. Nghe hết đài tiếng Việt, rồi nghe qua chương trình nước ngoài, không hiểu gì cũng nghe, miễn là giữa rừng có vọng lại tiếng nói con người. Sung sướng nhất là lúc cùng ngồi lắng nghe chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc ấy, Đoàn Tuấn viết:

Đêm chiến trường có nhiều phút riêng tư

Ngồi nghe thơ như ngồi bên Tổ quốc

Tiếng sóng thơ đẩy thuyền trăng bát ngát

Nằm nghiêng nhìn trăng chở tiếng thơ đi

Bây giờ, y đã không còn thói quen nghe đài, lẫn xem truyền hình nữa. Chỉ thích đọc sách. Vừa đánh máy đến đây, Đoàn Tuấn nhắn tin:

Cuối năm nằm, ngồi ở đâu?

Với ai, ai nói những câu ân tình?

Trả lời rằng:

Một mình ngồi với một mình

Đôi dòng Nhật ký tâm tình sẻ chia…


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment