LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.11.2011

 

tutruyen-huongduong

Tập sách ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI của NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG

 

Chiều qua, mưa. Chiến hữu ở Đà Nẵng gọi điện thoại ầm ĩ vì đang nhậu. Và cho biết, mấy hôm nay ở quê nhà cũng mưa tầm tã. Mưa dai nhách. Mưa như mưa. Bạn bè y có thói quen, hễ nhậu say là bấm số liên tù tì. Câu chuyện đứt đoạn, không đầu không cuối. Chẳng rõ, đã nghe được những gì. Lâu lắm rồi, trên đường về, tạt qua chung cư một chút. Không gì mới. Vẫn hương quen còn sót lại đâu đó trên trang sách. Bèn ngâm câu thơ Kiều:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Chẳng cần vội hiểu nghĩa, chỉ nghe âm vang, nhịp điệu sáu tám đã xao xuyến, đã thảng thốt, đã không nguôi tiếng gọi thầm: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”. Ma mị của chữ nghĩa đấy ư? Chỉ nghe, không hiểu nhưng cảm thấu những gì đã có do câu thơ vọng lên thăm thẳm nỗi niềm. Đêm qua, ngủ một giấc rồi dậy. Lại ngủ tiếp. Chán mớ đời. Giấc ngủ trục trặc bởi đôi khi chẳng biết thức để làm gì, ngủ để làm gì.

Sáng nay dậy sớm, viết bài cho TTC Xuân 2015. Đã mail. Đi ra mắt tập sách mới của người em, người bạn: Đứng dậy và bước đi (NXB Hồng Đức) - tự truyện của Hướng Dương. Năm 25 tuổi, đang là hướng dẫn viên du lịch, cô bị tai nạn giao thông, xe lửa cán đứt lìa và mất hẳn hai chân. “Khi dậy trong bệnh viện Chợ Rẫy nhìn thấy hai khúc chân bê bết máu của mình, tôi tuyệt vọng kêu lên: “Cha mẹ ơi, cho con chết đi, con không muốn sống nữa”… Cú sốc khủng khiếp đã làm tôi nghĩ đến cái chết. Thà chết còn khỏe hơn là sống mà mất đôi chân, chỉ có chết mới thoát khỏi cái đau và cái khổ tận cùng này. Chữ “chết” bắt đầu lởn vởn rồi chế ngự cả tâm trí tôi”.

Nhưng rồi, cô vẫn phải sống. Sống trong lo toan, đùm bọc của mọi người. Đó là những trang viết xúc động. Ứa nước mắt.

Thật khó quên chi tiết, khi được đưa vào Chợ Rẫy, người ta đem cả hai khúc chân bầm nát của cô thử xem có nối được không? Đoạn bầm dập phải cắt bỏ. Rồi sau đó, từng mạch máu li ti được nối trong suốt 8 tiếng đồng hồ. Nỗi đớn đau tàn khốc ấy còn kéo dài. Vết thương liên tục chảy máu, tụ máu bầm, có nguy cơ hoại tử. Lập tức cô được chuyển qua Bệnh viên 175: “Nằm trong lồng oxy cao áp tôi có cảm tưởng như mình đang nằm trong một cái quan tài trong suốt và chật chội. Hai khúc chân bị chèn ép vào nhau làm tôi thêm đau đớn. Chịu hết nổi, tôi gào lên: “Bác sĩ ơi cho em ra ngoài đi, tháo cái khúc chân này ra đi”. Cuối cùng, cô lại đưa về Chợ Rẫy, không thể giữ được nên hai khúc chân đành cắt bỏ, may mỏm cụt lại: “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được “hạnh phúc là sự từ bỏ” - cái gì trên đời đến lúc mất đi thì mình cứ cho nó mất luôn đừng nuối tiếc bởi càng níu kéo, càng bám víu vào nó thì càng thêm đau đớn mà thôi” (tr.8). Ai cũng nghĩ thế, nhưng lúc đối diện bằng sự trải nghiệm, bằng nỗi thống khổ của chính mình thì không phải ai cũng tỉnh táo chấp nhận lẽ hiển nhiên ấy.

Mở đầu tập sách, cô ghi câu ngạn ngữ khuyết danh: “Không vấp ngã trong cuộc sống, đó là điều tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy bước đi lại là điều tốt hơn”.

Điều gì đã khiến Hướng Dương “Đứng dậy và bước đi”? Cô cho biết: “Câu trả lời đầy đủ câu chuyện Ân Sư Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, ghi dấu một bước chuyển lớn của đời tôi:

Sáng Chủ nhật là buổi thuyết giảng của Sư tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM). Cuối buổi giảng, tôi nặng nhọc bước trên đôi chân giả vừa gắn xong đến đảnh lễ Sư với nét mặt u sầu thảm não:

- Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng đôi chân giả.

Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng Sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi con đừng buồn nữa cuộc đời là vô thường mà” nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, Sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói:

- Ồ, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem, toàn thân sư đều là giả đó thôi!

Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như ánh chớp lóe lên, lời Kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sinh sộng lạ lùng: “Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt”. Phải rồi chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy! Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân sư đã chỉ cho tôi lối thoát hiểm, cất đi gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi” (tr.82-83).

Trong đạo Phật, giây phút nhiệm màu ấy gọi là “đốn ngộ”.

Từ đó, “đôi chân giả nặng hơn 3kg bỗng trở nên nhẹ tênh”, Hướng Dương đã có cái nhìn khác về cuộc đời. Và cô đã làm gì? Thầy Thích Nhật Từ cho biết: “Thế là, “Thư viện sách nói dành cho người mù” đã được thành lập vào ngày 19-05-1998. Để Thư viện sách nói phục vụ cho hàng ngàn người mù trên toàn quốc, Hướng Dương đã thành lập “Quỹ từ thiện sách nói cho người mù”. Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào bằng cassette, nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 16 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc. Mấy năm trở lại đây, trang web www.sachnoionline.com có cơ hội phục vụ trực tuyến với gần 1.000 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người”.

Trước đây, ủng hộ việc làm này, y đã đồng ý cho thư viện của Hướng Dương toàn quyền chuyển sang sách nói những gì y đã viết. Sáng nay trong cuộc họp, cô hiệu trưởng trường mù Nguyễn Đình Chiểu có phát biểu một ý hay: “Bất hạnh của Hướng Dương đã đem lại niềm vui cho trẻ em mù”. Trên đời có nhiều người khốn khổ, thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn sống có ích cho cộng đồng hơn mình gấp nhiều lần. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhà in chuyên nghiệp in sách chữ nổi cho người mù, các thầy cô ở trường mù phải tự in thủ công hoặc bằng máy móc cổ lỗ sỉ do các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Do đó, việc làm của Hướng Dương hữu ích thiết thực biết bao nhiêu.

Như mọi lần, trong các buổi ra sách mới, y thường phát biểu đôi câu. Với tập sách Đứng dậy và bước đi của Hướng Dương, y nói, đại ý, chúng sinh thường tiếp cận tôn giáo qua hai ngã:

1. Từ tranh, tượng thờ Phật, Chúa; học, đọc giáo lý…

2. Từ hệ thống triết học tôn giáo đã được “chuyển hóa” qua các loại hình nghệ thuật khác như thơ, ca, nhạc, họa…

Hai ngã đường này, nghĩ cho cùng cũng là điều bình thường. Hữu ích đấy, cần thiết đấy nhưng không bằng tiếp cận qua một ngã đường khác nữa:

3. Từ bản thân của người trong cuộc. Họ đã trải qua niềm thống khổ, tuyệt vọng, tự đứng dậy trong lúc đấu tranh sinh tồn với ý thức: “Khi Chúa khép cánh cửa này, ngài lại mở ra cánh cửa khác”. Chấp nhận nỗi đau với nụ cười nhẹ nhàng trên môi: “Tất cả đều là hồng ân. Bất hạnh lại càng là hồng ân”. Chính họ là nhân chứng sống chứng minh bằng xương thịt rằng, đã vượt qua cái chết từ niềm tin tôn giáo. Nhân chứng sống động này có sức thuyết phục người khác hơn là lúc cảm nhận tôn giáo qua tranh tượng Phật, Chúa; qua các câu kinh kệ, giáo lý, kể cả qua các nhà truyền giáo...

Vì thế, khi chàng trai không tay không chân Nick Vujicis (Úc), nữ phi công cụt tay Jessica Cox (Hoa Kỳ) hoặc Hướng Dương và nhiều số phận bất hạnh khác cất lên tiếng nói về nghị lực đã vượt qua, về sự chia sẻ tình yêu thương đồng loại… sẽ được cộng đồng tin cậy hơn. Và hơn ai hết, chính họ mới là người thấu hiểu sâu xa nhất về đức tin tôn giáo bởi họ cảm nhận bằng chính sự sống của họ chứ không chỉ từ các hình thức bên ngoài. Ý kiến này đã được nhiều người đồng tình. Trong tập sách này, còn có in những bài thơ của Hướng Dương, chẳng hạn:

Sông khuya lấp lánh ánh vàng

Ngư ông, chú cá mơ màng giỡn trăng

Chị Hằng ơi, có biết chăng?

Ngư ông câu được một vầng trăng thu

Bài thơ có tứ hay đấy chứ? Rời khỏi phòng họp, lòng vui. Và tự nhiên y thấy y tầm thường ghê gớm. Trên đời có những số phận bi thảm khốc liệt, dẫu chênh vênh, chông chênh giữa bờ vực sinh - tử nhưng họ vẫn tìm ra một điểm tựa - với nhiều người là tôn giáo - để vượt qua, sống nhẹ nhàng, sống có ích. Trong khi đó, chỉ cần chân dài váy ngắn Thị Màu Thị Nở giáng một cú tình phụ thì trăm lần như một y lại khóc toáng lên rất trẻ con. Còn lâu, rất lâu y mới có thể thấu hiểu hết chữ “chuyển” trong triết lý đạo Phật: “Chỉ có sự chuyển hóa khổ đau thành giác ngộ mới đem lại lợi ích lớn” mà Hướng Dương đã dẫn lại lời của một thiền sư. Tại sao thế hả Q? Thưa rằng:

Tôi như cỏ dại nhà quê

Câu thơ bàn phím đam mê còn dài

Gánh tình chưa mỏi hai vai

Bàn chân tiếp tục đường dài nẻo xa

Cõi người thần thánh quỷ ma

Phía sau mặt nạ u oa khóc thầm...


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment