LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.10.2014

lephuong-thao-18.X.2014

 

Những ngày này, vẫn thế. Không gì mới, chẳng vì thế mà cũ đi. Tìm lấy cái mới mỗi ngày, dẫu rằng vô vọng. Trên đời này, không gì có thể ngửa tay xin, dù niềm vui hoặc nỗi buồn. “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra” (Truyện Kiều). Hãy hỏi lấy lòng mình. Lòng của y tẻ nhạt quá, đơn điệu quá mà cũng tầm thường quá. Đã nói rồi, đời sống đang diễn ra mới là chất liệu quý báu của kinh nghiệm đời người. Những tầm chương trích cú chỉ là mớ hỗn độn, vàng thau lẩn lộn, đôi khi chẳng ích gì. Dù có ích đi nữa, thế nhưng cái ích ấy lại xa lạ với thực tại đang diễn ra mỗi ngày. Sự va chạm ấy mới khốc liệt đớn đau, bẽ bàng. Đứa trẻ vâng lời cô giáo dạy khi đi xe gặp đèn đỏ phải dừng lại, nó làm theo, không ít lần ngay từ phía sau một chiếc xe khác lao lên, người lái xe đáng tuổi cha tuổi chú phóng rầm vào xe nó và mắng luôn: "Đồ ngu, sao dừng lại?" 

Những ngày này, từng dặn dò, hãy tắt bàn phím, mở cửa, bước ra ngoài. Ấy thế, đã dặn dò thế, rồi cuối cùng vẫn thế. Thế là y lại cắm cúi với những trang sách mở ra mỗi ngày. Biết thế nào được?

Những ngày này, có lẽ lần đầu tiên dư luận đồng tình với việc tiêu hủy một quyển sách “rác”. Đó là quyển Từ điển tiếng Việt dành học sinh của Vũ Chất. Quyển này được cho các nhà xuất bản lần lượt cấp giấy phép là Trẻ, NXB Thanh Niên, Văn hóa Thông tin, Hồng Đức. Tuy nhiên, chưa có kết luận cuối cùng. Sách in lậu cũng nên. Viết cẩn trọng nhất về lai lịch ra đời của quyển này là bài “1 từ điển “rác” - 4 “nhà” xuất bản (TT 16.10.2014) của đồng nghiệp Lam Điền. Theo đó, “Dư luận bức xúc và đặt vấn đề tác giả Vũ Chất là ai mà đứng tên trên một ấn phẩm tồi tệ như vậy. Câu trả lời về tác giả không dễ dàng. Chúng tôi đã truy tìm và phát hiện bản in sớm nhất được biết của quyển từ điển này là từ thời... chế độ cũ: đó là quyển Việt Nam tự điển của tác giả Vũ Chất, ra đời vào ngày 15-10-1969, giấy phép số 4239 BTT/NBC/PHNT. Sau đó, cũng dưới thời Việt Nam cộng hòa, quyển này còn được tái bản một lần vào năm 1971, có đề cơ sở xuất bản là Hồng Dân (nằm trên đại lộ Khổng Tử, Chợ Lớn). Vậy đây là một quyển từ điển ra đời tại miền Nam trước năm 1975. Bản in năm 1969 không ghi nhà xuất bản, giới nghiên cứu cho rằng bản này do chính tác giả tự in - một hình thức phổ biến vào thời đó”.

Trong khi đó, một điều thiếu cẩn trọng là hầu hết các báo đều đưa tin: “Từ sự giản lược đến ngô nghê của tác giả Vũ Chất khi mượn Việt Nam tân tự điển minh họa của Thanh Nghị biến thành Việt Nam tự điển đến Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh”; “lược lại một cách cẩu thả cuốn “Tân tự điển” của tác giả Thanh Nghị, xuất bản năm 1967” v.v… Thử hỏi, từ những câu gì Thanh Nghị đã viết để cuối cùng Vũ Chất “chế biến” thành những rác rếnh như buồn cười = buồn mà cười; buông xuôi = chết, thả, duỗi hai tay ra; quản giáo = người trông coi một giáo đường hay tu viện; tù trưởng = người đứng đầu trông coi tội nhân... "Tiểu sản" là "đẻ non", "Tiết dục" là "hạn chế sự sinh sản"... Có ai dẫn chứng ra, chứng minh cụ thể được không? Hay chỉ nghe nói một chiều rồi " viết như thật”?

Trong trường hợp "nhậy cảm" này, liệu có nên nêu tên Thanh Nghị? Theo y, không nhất thiết, không nên chút nào bởi Thanh Nghị vô can. Làm sao ông có thể đội mồ lên cải chính, tranh luận và bênh vực cho đứa con tinh thần của mình? Ai dám quả quyết ngoài từ điển của Thanh Nghị, Vũ Chất không “chôm” của các nhà làm từ điển khác theo cái kiểu: “cắt xén, xào nấu nội dung và giản lược đến mức xuyên tạc”? Vậy thì, “lôi” ông Thanh Nghị vào vụ này dù đúng, dù sai nhưng vẫn thấy tội nghiệp cho người đã khuất.

Mà Thanh Nghị là ai?

Đọc kỹ thơ Hàn Mặc Tử, có bài thơ ghi "Tặng Trọng Quị". Tên thật Thanh Nghị là Hoàng Trọng Quị, sinh năm 1917 tại Huế. Bạn viết cùng thời với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… Đã soạn nhiều từ điển từ năm 1949. Năm 1968, ông thoát ly ra vùng căn cứ kháng chiến Đông Nam bộ và giữ nhiều trọng trách, chẳng hạn, Thứ trưởng Bộ văn hóa Thông tin trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Thời gian này, ông có viết tập sách Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản. Bài thơ Hàn Mặc Tử tặng Thanh Nghị như sau:

Lang thang

(Tặng Trọng Quị)

Lãng tử ơi! Mi là tiên hành khất

May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân

Ta đi tìm mộng tầm xuân

Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây

Rượu nắng uống vào thì say

Áo ta rách rưới trời không vá

Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng

Không ai chết cả sao lòng buồn như tang?

Cho tôi mua trọn hàm răng

Hàm răng ngà ngọc, hàm răng đa tình

Một chắc ta lại với mình

Có ai vô đó mà mình hồ ngươi?

Lãng tử ơi, mi là tên hành khất

Nay không hộc máu chết rồi còn đâu?

Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?

Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Làm sao giết được người trong mộng?

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

Khi phổ bốn câu cuối, đôi lần Phạm Duy đổi "giết" thành "giữ". Trong ngữ cảnh này cả hai từ đều tuyệt vọng không nguôi, đau đớn tận cùng. Còn nhớ trong một tập nhạc đã in trước 1975, P.D viết: "Lạy anh Hàn Mặc Tử cho em sửa "làm sao "giữ" được người trong mộng". Không nhớ chính xác từng câu chữ, những chắc chắn có câu này.

Sáng thứ bảy. viết nhăng nhít một chút. Hơn một năm nay cứ hì hục với các đề tài hôn nhân gia đình. Nhìn lại một chặng đường dài, đã gom một ít in thành tập Khi tổ ấm nhảy Lambada, sẽ in tập kế tiếp, chưa biết lấy tựa gì. Chắc cũng nhanh thôi. Vấn đề là sắp tới nữa, phải viết gì nữa? Ai cũng bảo y nói như "đi guốc trong bụng người ta" nhưng đâu biết, khi rơi vào tình huống đó thì chính y cũng ngất ngứ chẳng biết phải giải quyết ra làm sao.

Vừa đọc xong bài viết của Đoàn Tuấn về bộ phim Sống cùng lịch sử. Tuấn gửi qua email. Đọc trước cho Tuấn. Lâu nay, các báo nói nhiều về phim này do Tuấn viết kịch bản, đại khái, phim đầu tư đến 21 tỷ nhưng không thu hút người xem đến rạp, có 2 lý do: chất lượng phim và công tác quảng bá phim. Chưa chắc ý kiến trên là đúng, bằng chứng bộ phim này lôi cuốn, nhiều tình tiết xúc động chân thật có thể lấy nước mắt người xem; sau khi các báo góp ý, nhà sản xuất đã cho chiếu miễn phí tuy nhiên vẫn không nhiều khán giả đến rạp. Nếu có đến cũng vì tò mò, "xem thử ra làm sao mà báo chí nói nhiều thế", hơn là đến vì ý thức được "sống cùng lịch sử". Mà đâu phải riêng phim này, hầu như các phim do Nhà nước đầu tư kinh phí phục vụ các ngày lễ lớn đều vắng khách. Tại sao? Có phải do các vấn đề lịch sử đặt ra trong phim, ngày nay thiên hạ không còn quan tâm nữa? Hay công chúng đòi hỏi một cách tiếp cận khác dù cũng vấn đề lịch sử đó? 

Những ngày nay, đôi khi lại chán cho chính y. Đời sống có quá nhiều chuyện cần bận tâm hơn, quan tâm hơn nhưng cuối cùng y vẫn chọn cách né tránh. Mà đâu riêng gì y, cứ nhìn những tầng lớp, nói như các bà già Quảng Nam là những người “có học, có chữ”, thử hỏi họ đang nghĩ gì, làm gì? Cũng có thể nghĩ một đàng mà nói và viết một nẻo chăng? Thôi kệ. Cứ mở mắt và đi tìm những mầm xanh hướng thiện vừa nhú trong tâm hồn mình để thêm yêu cuộc đời này.

tôi chẳng bao giờ dám nghĩ một đời

đời dài rộng mà kiếp người ngắn lắm

bạn có thấy ngoài hiên mưa một bông hoa vừa thắm

đã héo mòn cánh rũ nhẹ nhàng không?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment