LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.9.2014

 

Những ngày dài như trang sách. Trang sách lật ra, làm sao có thể đọc hết? Vì thế, hãy yên lặng, tĩnh tâm đợi chờ thời gian bước đến. Từng khoảng khắc chậm rãi ấy sẽ nghiến hết một ngày. Ngày mở mắt nhìn đêm. Thầm mong đêm đến vội. Chìm dần, chìm dần trong mộng mị một ngày. Những ngày này, không làm thơ. Nhà thơ Phùng Quán tự nhủ: “Có những lúc ngã lòng  / Tôi lại vịn câu thơ mà đứng dậy”. Có lẽ, ông viết câu thơ ấy lúc còn trẻ, còn yêu đời thanh xuân phơi phới. Đến một độ tuổi nào đó, đã “tứ thập nhi bất hoặc” không còn phải nghi ngờ gì nữa về chính mình, liệu rằng thơ còn có thể sự cứu rỗi hay không? Đã lâu rồi, ít đọc được những câu thơ có thể tạo ra một vết hằn trong trí nhớ. Sáng nay, ngồi đọc linh tinh, lật tờ Đối Diện (19.8.1974) thấy câu thơ của Đông Trình:

Đời chúng ta buồn hơn con trâu dưới ruộng

Không có niềm vui khi ở cuối đường cày

Có những câu thơ bình dân,dung dị nhưng người ta lại thích, bởi có sự đồng cảm. Lật qua, tờ Đất Nước (10.1969) thích câu thơ này của Nguyễn Quốc Thái:

Suốt đêm trời mưa lớn

Mây chết đuối dưới hàng dây điện

Thích bởi cách nói mới, khác hẳn “Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng” đã có từ thời Hàn Mặc Tử. Dẫu có đọc qua các loại thơ cách tân mà thiên hạ cố gắng làm mới thơ bằng trăm phương ngàn kế nhưng lúc cần phải mượn thơ thở than đôi lời, y sẽ chọn cách nói của T.T.Kh đã viết từ thế kỷ trước:

Nếu biết rằng em đã lấy chồng

Trời ơi người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai tựa máu hồng.

Còn có cách nói nào chân thành, thống thiết hơn không? Đã từ lâu, mỗi lần đọc câu ca dao này lại nổi da gà, sởn gai ốc:

Xa em đã mấy thu tròn

Nhớ em, anh khóc đã mòn con ngươi

Tiếng khóc ấy thế nào? Khóc lúc nào? Tâm trạng não nùng tuyệt vọng khốn cùng ấy đủ sức khiến ngàn đời sau vẫn có người còn thổn thức và ngấn lệ tự dưng trào quá mí mắt. Thương ơi là thương. Tội ơi là tội. Yêu ơi là yêu. Thương và tội và yêu cho cái thân phận đớn đau của một kẻ si tình mà sánh được với tâm trạng ấy chỉ có thể bằng tâm thức “Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè” (P.D). Mỗi lần nghe tiếng hát thở dài ấy từ đâu đó trong ngóc ngách của đời sống, tự dưng bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố tầm thường nhẹ tênh đi, rơi tuột mất bởi những toan tính tầm thường ấy không thể nào sánh nổi tình yêu lớn lao đã có thật trong đời: “Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè”. Sự si tình khốc liệt ấy đã làm nên diện mạo đáng yêu nhất, trong sáng nhất và cũng tội nghiệp nhất của con người ta.

Những câu thơ đi qua trí nhớ, đôi khi chẳng là gì. Chẳng là gì vì thể loại ấy đã chết. Khi gã nhà thơ cắm cúi, lao tâm khổ tứ chọn từng con chữ, gạch, tẩy, xóa suốt canh dài vật vã để có những câu thơ hay thì ngoài kia, nắng vẫn đẹp, mây vẫn xanh, tiếng động của đời sống vẫn bình thản đi qua mỗi ngày. Những câu thơ đọc lên, không vọng lên một âm thanh nào. Những câu thơ, những nhà thơ vẫn bình thản đi vào đường hầm hun hút không hứa hẹn gì sẽ gặp lấy một vùng Ánh sáng. Tăm tăm mờ mịt. Ấy là thân phận của thơ. Ấy là thân phận nhà thơ. Dẫu biết thế, họ cứ đi như một định mệnh. Đi về phía Lãng Quên bởi thể loại thơ đã Chết.

Nói thì nói thế, thật ra, trong đời sống vẫn cần có thơ đấy chứ? Bằng chứng, sáng nay trên TT in bài báo có cái tựa ngộ nghĩnh “Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc” của anh bạn BS Lương Lễ Hoàng. Anh cho biết: “Thầy thuốc bên Đức chứng minh rằng những người thường đọc trường ca Iliad, Odyssey của Homer sẽ ăn ngon, ngủ yên, cảm thấy lạc quan, giảm stress, hạ huyết áp... Trong khi nhiều sử gia vẫn chưa thu thập đầy đủ thông tin về cuộc đời của thi sĩ Homer, nhà thơ nổi tiếng ở Hi Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thì một số thầy thuốc lại tin chắc như đinh đóng cột là thi sĩ thành Athens phải khỏe mạnh và sống thọ. Lý do vì nếu Homer không khỏe và thọ thì đã không thể hoàn tất nhiều tập thơ dài đến thế, như Iliad với 16.000 câu thơ”.

Nếu thế, thi sĩ viết trường ca số 1 của nước ta là Thu Bồn phải có sức khỏe như vâm chăng? Đúng thế, sinh thời, anh người khỏe mạnh, nói cười rổn rảng, hừng hực sức sống. Thế nhưng, vì sao ngâm thơ lại đỡ tốn tiền thuốc? Hãy để BS Hoàng giải thích: “Theo phân tích của chuyên gia về bệnh đường hô hấp ở Đại học Munich, do âm vận và cú pháp nên người đọc thơ của Homer bắt buộc phải đọc với giọng trầm và kéo dài. Người đọc thơ vì thế không thể thở nhanh. Thêm vào đó “thi sĩ” bắt buộc phải hít nhanh và sâu mỗi khi đến đoạn xuống hàng để tự tiếp hơi. Tập thơ lại rất dài nên buổi ngâm nga vô tình trở thành giờ luyện tập kỹ thuật hô hấp đúng nghĩa dưỡng sinh. Quan trọng hơn nữa là vì phải tập trung vào nội dung của bài trường thi, cho dù người đọc thuộc nằm lòng, nên giờ đọc thơ chẳng khác nào giờ thiền, qua đó tạp niệm trong não bộ được quét dọn, tàn dư của stress được trung hòa, kích ứng thần kinh được dẫn truyền đến nơi đến chốn.

Người đọc thơ của Homer, cho dù không cần đọc đến hết, nhờ đó ăn ngon ngủ yên vì các loại nội tiết tố có công năng giảm đau, an thần, tạo cảm xúc lạc quan như serotonin và endorphin được phóng thích tối đa trong khi các loại nội tiết tố “tham sân si” như dopamine và adrenaline không có cơ hội tác quái. Người đọc thơ nhờ đó có huyết áp ổn định, độ loãng máu lý tưởng, mạch máu không co thắt thái quá…”.

Nghe “lý tưởng” quá đi chứ? BS Hoàng “thòng” thêm: “Cũng không nhất thiết phải tìm cho được bài thơ dài để ngâm cho đáng tiền mới nên chuyện. Ngay cả tụng kinh cũng có tác dụng tương tự. Bằng chứng là theo một công trình thống kê kéo dài nhiều năm ở Ý, tu sĩ siêng đọc kinh ít bị bệnh tim mạch hơn người chỉ kêu trời khi có chuyện. Theo các nhà nghiên cứu ở Thái Lan, nơi chùa chiền có mặt khắp nơi, ê a tụng kinh có tác dụng giảm đau không thua thuốc đặc hiệu, tất nhiên chỉ khi “tụng sĩ” đọc kinh với cả tấm lòng. Bằng chứng là không chỉ chất giảm đau mà ngay cả kháng thể cũng tăng thấy rõ sau giờ công phu.

Nếu các nhà nghiên cứu về Homer có lý thì người đang có vấn đề với huyết áp, với mạch vành, với stress còn đợi gì mà không thủ sẵn một tập Đoạn trường tân thanh để “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh... chắc gì ghét nhau”. Trong thời buổi củi quế gạo châu thuốc đắt hơn vàng, có sẵn phương pháp mượn hơi của chính mình để đỡ gặp thầy thuốc còn muốn gì hơn?”.

Đọc xong bài báo này, cười tủm tỉm một mình vì thấy lý thú quá.

Có điều, trong sự nhộn nhịp, tất bật, náo nhiệt, ồn ào, vội vã có mấy ai tĩnh tâm để đọc thơ? Theo thông tin từ trang web của Bộ Thông tin Truyền thông: “Tính đến ngày 26/12/2013, toàn quốc có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí”, đó là chưa kể đến mạng lưới phát thanh, truyền hình nhưng thể loại thơ có cơ hội được xuất hiện không?  Và xuất hiện để làm gì? Câu trả lời ắt nhiều người đồng tình, thơ xuất hiện trên báo chí cũng tự bông hoa điểm xuyết có tính cách trang trí cho vui mắt người xem.

Dù thế, các nhà thơ vẫn không bỏ cuộc, các tập thơ vẫn tiếp tục ra mắt ì sèo dù chỉ có các nhà thơ ngồi cùng nhau ca ngợi đôi lời, ca ngợi lẫn nhau mà tiếng nói ấy xa lạc, lạc lõng trong đời sống hiện tại của thời công nghệ thông tin đã đi những bước như vũ bão. Mà chưa ai có thể biết sự tiến bộ, phát minh ấy của khoa học kỹ thuật còn vượt bậc đến cỡ nào. Vậy thì những câu thơ chuốt từ đường tơ mỏng mảnh như từng sợi linh hồn trắc ẩn của thi sĩ có là gì? Và những câu thơ ấy có là gì trong đời sống hôm nay? Có còn ai rúng động với những câu thơ huyền bí tài tình thiên cổ lụy như một ánh sao ngàn năm trước đã băng qua nền trời thăm thẳm? Trả lời đi. Trả lời thế nào? Đọc ngẫu hứng câu một câu thơ Kiều:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng

 

2-Mai-Trung-ThuRR
Tranh vẽ Kiều của danh họa Mai Trung Thứ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment