LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.7.2014

 

phongvan-HTV-1

Lê Minh Quốc trả lời phỏng vấn HTV 1 tại nhà riêng - sáng ngày 25.7.2014

 

Rồi chẳng có gì có thể giấu diếm được nữa.

Trước kia, những gì đã viết, đã suy nghĩ riêng tư có thể chỉ mỗi mình biết. Nhưng với các thao tác công nghệ hiện đại, từ email, trang web cá nhân đến facebook… và tham gia một loạt trang mạng xã hội khác, con người cá nhân có thể bộc lộ hết những gì đã diễn ra 24 giờ trong một ngày. Ăn gì? Ngủ với ai? Suy nghĩ gì? Đang làm gì? v..v… chỉ trong một tích tắt cả thế giới đều biết đến. Một cú nhấp chuột tựa gãi ngứa là xong. Có thông tin, do tự ý thức nên chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp nhưng thật ra cả thiên hạ đều có thể ghé mắt đến. Nếu muốn. Thế giới phẳng khó có thể bảo mật điều gì. Nghe nói, trước kia khi tiến hành vụ án Nam Cam, toàn bộ công văn, thư từ đều sử dụng hình thức đánh máy chữ, viết tay, truyền miệng và khi tác nghiệp thì người tham gia không được sử dụng điện thoại di động. Nói các khác để bảo mật thông tin, người ta không sử dụng interne trình bày văn bản, chuyển tải thông tin…

Ngày nay, dù muốn dù không vẫn có sự rò rỉ thông tin.

Với các thủ thuật công nghệ đang phổ biến bằng thao tác nhanh, gọn như lật bàn tay, hình ảnh cá nhân ngày càng được phổ trương nhiều hơn. Ngày xưa định hướng dư luận qua ca dao, hò vè, thơ rơi… và nhất là vè, ngày nay đã khác. Chính các trang mạng xã hội góp phần tích cực trong việc định hướng đó. Ngày nay, hầu như ai ai cũng tham gia mạng xã hội. Một điều dễ nhận ra nhất là “tâm lý bày đàn” rất phổ biến. Đôi khi chỉ vài notes, vài status ném lên đó, người tiếp nhận chưa hề kiểm chứng tính xác thực thì đã hùa vào bình luận theo chiều hướng của chủ nhân nó đưa ra. Thậm chí hề đọc đã like theo thói quen.

Thế, không “tâm lý bày đàn” là gì?

Sở dĩ nói điều này bởi ngày nọ y đi tham dự ra mắt tập thơ của một cây bút trẻ. Phát biểu rằng: Cô ấy là “ca lạ” ở chỗ không ít người trẻ làm thơ bây giờ chỉ có thể làm giỏi thơ tự do, còn Phố làm giỏi cả thơ truyền thống lẫn tự do. Và nhất là cách cô ấy làm mới những đề tài cũ trong thơ ca” (Báo TT 24.7.2014). Ý nghĩa câu nói này nhằm khẳng định người trẻ bây giờ giỏi làm thơ tự do, chứ các thể thơ khác (như thơ truyền thống) thì họ không giỏi bằng (như lúc làm thơ tự do).

Ý nghĩa câu nói này hoàn toàn khác với cái notes trên facebook nọ đã tường thuật lại rằng: “Các nhà thơ tự do hiện nay họ làm thơ tự do vì không làm được thơ truyền thống, e là một trường hợp đặc biệt vì làm được cả hai”. Cụm từ trên còn ngớ ngẩn ở chỗ “Các nhà thơ tự do” (!?) là gì? Có nhiều người không tham dự hôm đó, chẳng rõ đầu đũa gì chỉ mới đọc cái notes đã hùa vào la ó này nọ mà chẳng hề biết rõ thông tin chính xác là như thế nào cả.

Thế, không “tâm lý bày đàn” là gì?

Mà mạng xã hội, chỉ cần thoáng nghĩ gì, post lên là nó hiện ra ngay trước mắt, không cần phải thông qua sự “biên tập” nào cả, dẫu là “tự biên tập”. Suy nghĩ thoáng qua ấy chợt đến, lúc ấy chưa hề kiểm chứng nguồn tin, tính xác thực của thông tin thì đã kết luận. Ai cũng nghĩ rằng mình là đúng, là có cái quyền phê phán người khác. Bày tỏ chính kiến là quyền tự do và dân chủ của mỗi người, nhưng trước hết phải biết, phải ý thức thông tin đang tiếp nhận đó có đáng tin cậy; hay thông tin đã bị bóp méo méo chủ quan? Trở lại với facebook trên, y nghĩ, chẳng phải người viết đó không trung thực mà do chưa có khả năng diễn đạt chỉnh chu đấy thôi.

Trách làm gì?

Sáng nay, vẫn như mọi ngày.

Tiếp anh em HTV 1 đến nhà phỏng vấn quan điểm về vấn đề “Làm mẹ đơn thân”; trao đổi chuyện y vẽ tranh. Loay hoay một chút đã hết buổi sáng.

Hôm nay, đáng chú ý là bài viết của anh Phạm Hoàng Quân. Ngày nọ, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đã được “bật đèn xanh”, y có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc vấn đề này. Hỏi anh Đoàn Lê Giang nên tìm gặp ai? Anh cho rằng nên gặp nhà sử học, TS Nguyễn Nhã; hỏi anh Huỳnh Ngọc Trảng, theo anh nên gặp nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Y đã gặp trực tiếp và qua điện thoại. Dành một buổi tối ngồi nghe và ghi chép. Nghe một đề tài do người nghiên cứ thâm sâu trình bày cũng là một cách tự học. Cách học này, thú vị biết bao nhiêu.

Vì tình cảm đó, sáng nay, khi tình cờ gặp bài viết của anh Phạm Hoàng Quân trên mạng. Đọc ngay. Dưới tiêu đề “Một quyển sách cần phải xem xét lại”, anh đã chỉ ra nhiều sai sót của tập sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (NXN KHXH - 2014). Thời buổi này, chỉ cần chừng đó thông tin là đã có thể tìm đọc trên mạng toàn cầu. Anh chỉ ra cái sai về Bản đồ, Văn bản viếtBàn về tính khoa học. Câu cuối cùng anh viết: “Thay cho lời kết, nếu xem tình hình nêu trên như một hiện tượng, những sai sót khó bề chỉnh đốn đã xảy ra tại một cơ quan “tối cao” về chức năng nghiệp vụ, liệu có nên đặt vấn đề rằng phải làm như thế nào để cải tạo tình trạng quan liêu và lạc hậu trong học thuật quan phương - riêng trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm - ở Việt Nam hiện nay”. Chà, một công trình nghiên cứu cấp Nhà nước thuộc “Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam - Viện Nghiên cứu Hán Nôm” có tầm cỡ quốc gia lại bất cập đến thế.

Ngạc nhiên quá.

Không. Kinh ngạc quá.

Từ lâu nay, y luôn lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú làm tài liệu tham khảo trọng tâm, "gối đầu giường", bên cạnh các tài liệu chính thống khác. Công trình của một người chỉ đậu Cử nhân mới vĩ đại làm sao. Cụ Phan Huy Chú dành mười năm trời nghiên cứu và viết một bộ sách mẫu mực cho ngàn đời sau. Còn chúng ta? Thì cứ nhìn bộ Từ điển Bách Khoa Việt Nam  (4 tập - NXB Từ điển Bách Khoa) tthuộc“Ban Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam”. Bộ sách này quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam nhưng vẫn sai sót. Thiết nghĩ, sai sót là điểu khó tránh khỏi. Công trình nào dù nghiêm túc, chỉnh chu đến đâu cũng có sai sót. Chả ai tài thánh gì. Thế nhưng điều đáng phàn, chê trách nhất vẫn là... chuyện tiền. Có thể tìm đọc lại trên mạng những bài báo chỉ trích sự nhập nhèm tiền nong, ối, đủ cả trò mà khó ai có thể ngờ đó là chuyện của các nhà trí thức đáng kính!

Buồn là thế.

 

HTV-1-sang-25.7.2014

Cùng đạo diễn Nguyễn Minh Phúc HTV 1 tại nhà riêng - sáng ngày 25.7.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment