LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.8.2013

 

nhacsen-2

Nhạc sen - tranh Đỗ Trung Quân

 

Để rồi xem. Đến một lúc nào đó, có những người cầm bút sau khi rửa tay gác kiếm, rời khỏi trường văn trận bút sẽ có lúc ngồi thừ ra, mặt dài như cán thuổng và nhìn lên kệ sách. Nhìn lại sách mình đã viết. Những cuốn sách cả một đời lao lực. Quét một tầm mắt. Có thể liếc thoáng qua. Có thể nhìn soi mói. Và  có cuốn sách, một hoặc vài cuốn sách họ dừng lại thật lâu. Thở dài. Lại thở dài. Tặc lưỡi. Nuối tiếc. Trầm ngâm. Lại thở dài. Ô hay, tại sao lúc ấy lại viết cuốn sách đó? Vì lẽ gì? Dẫu bám vào lý lẽ nếu không viết thì trời sụp? Cũng không được. Không thể biện minh được điều gì. Giấy trắng mực đen sờ sờ ra thế kia. Chối bỏ mà đươc à?

Vừa rồi, tay bán sách cũ ở HN đã nhượng lại bộ Văn nghệ thập niên 1960 thế kỷ XX, lại đọc thêm bộ Văn Học ấn hành thời điểm ấy. Thấy gì?

Thấy rằng, sự sàng lọc của thời gian thật ghê gớm. Thời kỳ đó, có những tác phẩm in vài chục ngàn cuốn, gần trăm ngàn cuốn, nhiều số báo tập trung khen ngợi hết lời nhưng nay còn ai nhớ đến không? Tạp chí Văn Học của Viện Văn học (Hà Nội) số tháng 7.1966 cho biết tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân: ở Trung Quốc, đã in và tái bản lần thứ 8 với số lượng 3.672.000 quyển; Nhật Bản in lần thứ 2 với số lượng 40.000 bản; đã dịch sang tiếng Ý, Kampuchia… Sau đó, số tháng 10.1966 lại đăng bài Quá trình viết Sống như anh - bài nói chuyện của Trần Đình Vân tại Viện Văn học ngày 20.8.1966. Tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn. Sau khi vượt Trường Sơn vào Nam, Bùi Đức Ái ký Anh Đức, Nguyễn Sáng ký Nguyễn Quang Sáng, Ca Lê Hiến ký Lê Anh Xuân… và họ sử dụng bút danh đó cho đến cuối đời. Riêng Trần Đình Vân lại khác, sau này, ông chỉ ký Thái Duy và hầu như không nhắc lại cái tên Trần Đình Vân nữa. Tại sao? Thậm chí tên tác giả cũng “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Trong số này, có những người y quen, chỉ quen với bút danh sau này. Chứ thật ra, trước đó, họ đã in cuốn này, cuốn kia với bút danh khác. Mà nay, họ không muốn ai nhắc lại nữa. Họ muốn quên lãng những gì đã viết. Có thể liệt kê một vài ví dụ. Mà thôi. Để làm gì? Có người bảo, với tư liệu này, tư liệu kia mà nhà văn gì gì đó đã viết trong thời điểm đó, cứ công bố hoạch toẹt ra lại hay. Hay cái nỗi gì? Hay chứ! Bạn đọc thời nay sẽ thấu hiểu, biết rõ nhà văn, nhà thơ ấy cũng có một thời viết thế này, viết thế kia.

Y trả lời thế nào?

Ấy là suy nghĩ của kẻ ác.

Nghĩ đến một người hãy nghĩ đến phần tốt của họ đã đóng góp cho xã hội. Có những lúc họ phải viết thế này, viết thế kia là cũng do đẩy đưa của thời cuộc đấy thôi. Mà những cái thế này, thế kia ấy cũng không làm giảm đi giá trị văn chương đích thực của họ. Bất quá chỉ ý kiến, lý luận ấu trĩ chung của một thời. Cái thời ai ai cũng thế. Đi chệch hướng bị chụp mũ ngay. Vì vậy họ phải viết thế này, viết thế kia cũng không ngoài mục đích tồn tại. Đau lắm chứ. Nhục lắm chứ. Vậy hà cớ gì phải lôi những cái đó của thời đó biếm nhẽ họ? Chỉ những chuyện lổn nhổn vớ vẩn ấy, có người thích bươi móc ra. Lạ cho cái thói ganh tỵ, ganh ghét của người đời. Đáng ghét những ai chỉ thấy cái xấu của người khác. Sao không nhìn ra, ghi  nhận phần tốt của họ để thấy quanh mình là những con người đáng yêu?

Sau khi thắng giặc Nguyên Mông, trở về Thăng Long, vua Trần Nhân Tôn đã làm một việc mà Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi. Nếu chúng ta cũng thực hiện, học tập theo có lẽ sự hòa hợp dân tộc sau năm tháng chiến tranh đã khác chăng? Sử ghi, tháng 5.1289: "Trước kia quân Nguyên sang lấn, các vương hầu quan liêu nhiều người đến hàng ở dinh giặc; đến khi giặc thua, bắt được một hòm tờ biểu của những người hàng giặc, thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc". Cứ ngồi ngẫm nghĩ sẽ thấy lòng nhân của ông cha ta vĩ đại biết dường nào.

Anh L.Hoàng - từng làm giám đốc NXB Trẻ, có lần anh tâm sự, đại khái, làm sách phải lưu ý khi chọn in lại những bài báo viết những số phận tội phạm. Một vài bài báo viết trong thời điểm đó, không sao, đọc sẽ quên bởi nó là thời sự nhưng khi in thành sách lại khác. Nó là “tang chứng vật chứng” số phận cuộc đời một người, thậm chí ảnh hưởng đến cả con cháu họ.

Nghiệm lại thấy đúng quá.

Vừa rồi lang thang vào nhà sách cũ, thấy tập phóng sự của một đồng nghiệp. Mà thôi không nhắc tên, vì anh ta còn đang kiếm sống bằng nghề viết báo. Tập sách của bạn đấy à? Bèn mua. Đọc chơi. Ấy là thói quen, thấy sách bạn là mua. Mua như một kỷ niệm nhỏ, tự mình biết. Vậy thôi. Sau khi mua tập phóng sự này. Về nhà nằm đọc. Đọc những bài báo gom lại và in thành sách. Tự nhiên buồn ghê gớm. Buồn vì những tội phạm kinh tế ầm ĩ một thời có người đã dựa cột. Có người đã ra tù. Có người chìm vào dĩ vãng. Có người lại làm ăn lương thiện. Muôn hình vạn trạng của đời sống luôn vận động. Họ đã khép lại dĩ vãng để lật qua một trang mới.

Vậy mà, các trang sách ấy vẫn hùng hồn mắng nhiếc, phê phán, nguyền rủa họ đến tận hôm nay. Vẫn gã này, lão nọ như sự việc đang diễn ra ngày hôm nay. Lúc ấy, sự kiện ấy xẩy ra, với tư cách người đưa thông tin đến công chúng, nhà báo nhanh nhậy phản ánh trên mặt báo là đúng rồi. Đáng khen về nghiệp vụ. Không đáng khen chút nào khi NXB tiếp tay cho tác giả gom những cái thời sự kia in thành sách. Bài báo chỉ có giá trị của thời sự. Khi in thành sách lại khác vì sách còn được lưu trữ lâu dài.  Ô hô! Tội của họ, cứ cho có tội thì họ đã trả giá bằng năm tháng tù tội rồi, vậy hà cớ gì còn in thành tập để tiếp tục lưu hành sỉ nhục tội lỗi của họ?

Loại sách này hiện nay nhan nhãn trên thị trường sách. Đơn giản vì thiên hạ tò mò muốn đọc. Sau vụ án Nam Cam, nhà báo H.L sau khi ra tù đã có công ăn việc làm. Thỉnh thoảng vẫn gặp. Lúc H.L đang trên “đỉnh cao” nghiệp vụ đã có nhiều người đề nghị cho gom các bài báo ấy in thành sách. Anh ta từ chối, bảo rằng, khi tôi viết in báo là đã giết họ rồi. In thành thành sách là giết thêm lần thứ hai, tôi không thể.

Sáng nay họp. Anh em trong phòng cúng cô hồn. Ăn bánh trung thu. Vẫn vậy. Y vẫn liếc qua các trang báo mỗi ngày. Khép trang báo lại, nghệch ngoạc Đôi dòng:

đời bằng phẳng hay ho hay dòng đời trúc trắc

lại thầm hỏi mỗi sớm mai mở mắt

anh mỉm cười nhìn xuống bàn tay

xoa dịu vết chai

từng cầm súng cầm cuốc cầm bút cầm cày

từng chạy matrathon trên sa mạc dặm dài

ném lên trời vài nhúm hạt

vùi bùn sâu mớ chữ

chậm rãi vội vàng

ảo tưởng ngày sau mùa vàng

hoa sẽ trái

gái sẽ ngon

tiếng cười giòn sẽ ấm

ảo tưởng nào không đồng hành lú lẩn?

chẳng hề gì anh bắt buộc anh tin

tin đời hay ho như những câu thơ

những câu thơ tắt thở ngay lúc chào đời rối bời rơi xuống đất

chẳng hề gì dẫu sớm mai hoa hồng héo hắt

mùi hương thơm nũng nịu vẫn dậy thì

chẳng hề gì cõi ngợm người náo động

vẫn còn đây hình nộm

vẫn "ma nơ canh" ám khí tử thi

vẫn nói vẫn cười vẫn đứng vẫn  đi

vẫn rao giảng bằng huê từ mỹ ngữ

anh ngộ độc nửa đời anh ngắc ngứ

rồi từng ngày guồng máy nghiến trôi theo

này em yêu, hãy tin vẫn còn những tiếng khóc trong veo

không diễn kịch không lu loa kịch cọt

mở mắt dậy, dẫu héo hoa hồng

dẫu vành khuyên quên hót

chẳng hề gì

mỗi sớm mai lên đời sống lại dậy thì

Bài thơ khép lại. Nhận được điện thoại của người bạn thơ. Nghe từ điện thoại lời thúc giục: “Q à, mình đã xem hết tranh rồi. Sao không vẽ nữa đi? Đang chờ đây”. Cảm động quá. Mỗi ngày bạn mình vẫn post lên facebook những bức tranh thật đẹp. Sắc màu ngon. Thèm quá anh Đỗ à.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment