LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.8.2013

lich-trieuR

 

Có một sự việc vừa xẩy ra tại tòa soạn báo Duyên dáng Việt Nam. Có nên kể không? Hèn. Có gì mà không dám kể chứ? Ừ, thì kể. Sau khi ngốn nghiến bài Thế giới riêng của nàng, lập tức tại Sài Gòn và các tỉnh đã nổ ra  nhiều cuộc biểu tình từ nữ sinh đến Oshin, từ hoa hậu quý bà đến chân dài siêu mẫu. Họ đi rầm rầm rộ rộ. Theo nguồn tin riêng có chừng vài triệu người đã tham gia. Biểu ngữ giăng khắp phố phường. Họ biểu tình vụ gì? À, họ khiếu nại rằng,   tại sao không có Thế giới riêng của đàn ông? Họ tha thiết muốn biết, rất cần biết các đấng mày râu muốn gì, nghĩ gì, thích gì để họ chiều theo đặng giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Do đó, sáng nay y đã ngồi cặm cụi viết bài theo chủ đề đó. Viết say sưa. Hào hứng. Vừa viết, vừa ăn dưa bở.Tongue out

Chiều qua, nhận được tin nhắn viết bằng thơ. Mùi mẫn. Ướt át. Trữ tình. Thơ mộng. Cảm động. Thơ như sau:

Email cuối ngày trong ibox

Làm sao để bay đến nhau

Yahoo chực khóc

Và em

Và anh

Hôn vào lòng bàn tay cho đỡ nhớ

Đọc xong, vui hẳn lên. Lời tỏ tình dành cho y. Nếu không sức mấy lọt vào cái điện thoại cùi bắp này? Bất ngờ quá. Thì ra, y cũng có người thương trộm nhớ thầm. Sướng nhá! Sẽ nhắn lại đôi câu cho đúng phép của người đàn ông đàng hoàng, không lăng nhăng, và luôn lễ phép với phụ nữ. Vừa ngẫm nghĩ đôi câu, chưa kịp send, một tin nhắn khác: “Anh thấy thế nào? Thơ em tặng người em yêu nay là chồng của em có hay không anh?”. Ngật ngừ một chút, chỉ nhắn: Wink bởi thừa biết tin nhắn này của bạn thơ, em gái Huỳnh Thúy Kiều ở tận Cà Mau.

Mèn ơi! Vừa khà khà, vừa ăn dưa bở.Tongue out

Đấy! Đố ai dám kể tất tần tật chuyện riêng tư trong Nhật ký?

Thế mà có đấy. Người duy nhất ấy chính là y. Chỉ y mới dám kể lại chuyện "động trời" như trên. Còn nữa, chuyện rằng, ngày nọ y đi công tác xa với nữ thư ký riêng. Màn đêm buông xuống dần, vầng trăng non đang dần lên cao trên bầu trời đen thẫm. Trong phòng khách sạn êm ái xuân tình. Quạt trần quay rù rì. Âm nhạc du dương. “Buồn vào hồn không tên/ Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/ Đường phố vắng đêm nao quen một người/ Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời...”. Nói cười tình tứ. Mắt liếc có đuôi. Y bèn đắn đo, lựa lời hỏi nữ thư ký. Hỏi bằng tâm thế tựa lúc danh thủ Maradona thực hiện cú sút bóng phạt đền chỉ 11 mét ngay trước khung thành đối phương:

- Này em, tối nay mình ngủ như thế nào em nhỉ?

Nghe lời ấy âu yếm quá, ngọt ngào quá, cô nàng bẽn lẽn:

- Ngủ như vợ chồng nghen anh.

Nghe xong câu ấy, y quay phắt vào tường, ngáy khò khò như kéo bễ!

Chuyện bí mật ấy, bây giờ mới kể. Vừa kể, vừa ăn dưa bở.Tongue out

Đêm qua, đọc xong Nhật ký hôm qua, nhìn tấm ảnh y với N.M. Nhựt đi chân không, chụp ảnh lưu niệm trước Lăng mộ Anh hùng Trương Định tại Gò Công, qua online, nàng nhận xét: “Anh ơi, nhìn tấm hình đó, em liên tưởng đến anh là người đàn ông lý tưởng của mọi thời đại. Anh đẹp trai như Lý Tiểu Long. Anh vạm vỡ như Hercule. Anh tươi trẻ như Đàm Vĩnh Hưng. Anh khỏe mạnh như Lam Trường”.

Sướng rêm cả người. Đêm qua,  vừa ngủ ngáy khò, vừa ăn dưa bở.Tongue out

Bịa chuyện đùa, cũng là một cách ăn dưa bở. Ăn dưa bở lợi cho sức khỏe.

Do có sức khỏe nên mới đủ sức tiếp nhận thông tin này. Thầy Trần Hữu Tá viết bài “Quá tệ hại” in TT ngày 20.8.2013, mở đầu như sau: “Tôi giở chồng báo cũ để tìm lại một tin rất quan trọng: “Thủ tướng đã phê duyệt đề án kiên cố hóa trường học từ nay đến năm 2012 với tổng vốn đầu tư 25.200 tỉ đồng, trong đó khoảng 22.400 tỉ đồng để xây 141.300 phòng, xóa phòng học tạm thời và khắc phục tình trạng học ba ca. Và khoảng 2.800 tỉ đồng để xây nhà công vụ cho giáo viên” (Sài Gòn Giải Phóng 13-3-2008). Quả là tin vui lớn, thể hiện nhận thức đúng và quyết tâm cao của Chính phủ, trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, năm nào ngân sách cũng lâm vào tình trạng bội chi. Từ thông tin trên có thể suy ra: từ năm học 2013 này trở đi, về cơ bản cả nước không phải lo về vấn đề cơ sở trường lớp. Thế nhưng tình hình thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Sắp khai giảng năm học mới, nhưng nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, bất cứ ai quan tâm đến giáo dục đều bị sốc, rất sốc!”.

Thầy Tá sốc như thế nào? Sốc bởi thông tin này: “Chỉ điểm qua một bài viết của nhà báo Thúy Hằng (Tuổi Trẻ 19-8-2013) người đọc đã được chứng kiến một bức tranh không mấy sáng sủa về cơ sở trường lớp không phải ở một mà ở nhiều vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long: Long An, riêng bậc học mầm non, còn tới 933 phòng học cấp 4, 127 phòng học nhờ trường tiểu học. Tiền Giang còn 223 phòng học tạm thời, 42 phòng học mượn. Ở điểm trường ấp Thạnh Thới phải dồn 35 học sinh vào phòng học chỉ rộng khoảng 30m2. Tại điểm trường ở ấp Thạnh An, giáo viên phải phủ một lớp bạt lên nền gạch ẩm thấp để gần 40 học sinh ngồi học. Trường tiểu học Nhà Dài (thị trấn Thủ Thừa), nhiều phòng cửa đã mục, mái đã thủng... Nghĩa là những phòng ấy trong mùa bão lũ ghê gớm năm nay có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào”.

Thầy Tá còn sốc gì nữa? Mà thôi, không kể nữa. Lòng buồn xo. Chẳng biết phải bình luận gì thêm. Cái tựa bài báo đã khái quát rồi. Chừng mươi năm trước, chính thầy Trần Hữu Tá là người đầu tiên đặt hàng y viết tiểu thuyết sử cho NXB Văn Học. Lúc ấy, năm 1994, tiểu thuyết Nguyễn Thái Học in lần thứ nhất. Gặp gỡ một người, dù tình cờ, dù cố ý đôi khi lại định hướng đường đi của một đời. Đã có nhiều người nhận xét về khả năng viết, duy chỉ ý kiến của thầy Trần Hữu Tá, y thích nhất: “Lê Minh Quốc có thể chặt tre, vừa vót tăm”. Có phải thầy nói y có thể vừa viết biên khảo tay ngang, nghiên cứu lụn vụn lại vừa làm thơ chuyên nghiệp đó chăng?

Chiều nay, đang tắm, anh N.N.Ánh điện thoại góp ý Nhật ký hôm qua. Tất nhiên, có khen. Anh bảo rằng, câu: “Theo N.M.Nhựt thêm chữ “công” do từ tước hiệu ngày trước phân theo “Công, hầu, bá, tước tử, nam” là thừa chữ “tước”. Giật thót cả người. Bèn sửa ngay. Anh Ánh nói đúng. Nguyễn Công Trứ có câu thơ:

Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt

Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên

Câu thứ nhì dễ hiểu rồi, có thể giải thích “dân hữu tứ”: Chỉ bốn nghề phổ biến ngày xưa, kẻ sĩ đứng đầu: sĩ, nông, công, thương.

Hiểu “tước” như thế nào? Trên mạng Bách khoa toàn thư mở WikipediaThảo luận: Vương (tước hiệu). Cuối phần tranh luận có dòng chữ: “Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 17:42, ngày 29 tháng 5 năm 2010”. Như vậy đã khá lâu nhưng nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới. Nhân góp ý của anh Ánh, bèn tra cứu xem chữ “tước” là như thế nào?

Tài liệu tra khảo, căn cứ Lịch triều hiến chương loại chí của nhà bách khoa toàn thư Phan Huy Chú. Trong phần Quan chức chí, Phan Huy Chú cho biết, từ thời nhà Lý, nhà vua phong các quan “tước”: vương, công, hầu. Thời Trần, phong “tước”: vương” (hoặc “quận vương”). Thời Lê sơ (lúc Lê Lợi khởi nghĩa) phong “tước”: Á hầu, Thông hầu, Quan phục hầu; khi nghĩa quan Lam Sơn đã tiến về Đông Đô, phong “tước”: Thượng phẩm, Hạ phẩm. Thượng trí tự, hạ trí tự, Minh tự, Trí tự, Đại liêu ban, Á liêu ban. Sau khi bình Ngô, phong các quan “tước”: vương, công, hầu (hầu có 9 bậc). Đời vua Lê Thánh Tông, năm 1471 lại có thay đổi, nhà vua phong “tước”: công, hầu, bá, tử, nam.

Không đi sâu vào nghiên cứu do không có thời gian, lẽ ra còn phải chỉ rõ những “tước” trên phong cho các bậc công thần, con cháu nhà vua theo thứ tự ra sao, tại sao nhà vua phong “tước” v.v…Chỉ kết luận quả quyết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt”, đúng là “công, hầu, bá, tử, nam”. Từ câu thơ của Nguyễn Công Trứ cho phép ta xác định quy định “tước” từ thời vua Lê Thánh Tôn vẫn còn duy trì sang nhà Nguyễn.

Anh em chơi với nhau, đọc kỹ và chỉ ra các khiếm khuyết cho nhau là thân tình. Nhật ký tạm dừng ở đây, bởi sắp “online thương nhớ” rồi. Chắc anh Ánh đọc nhật ký hôm nay sẽ gật gù:

- Q tiếp thu ý kiến được quá ta!

Câu này y sẽ nghe và lúc ấy, không ăn dưa bở.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment