LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.8.2013

Đang phở, một cú điện thoại réo léo nhéo tựa tiếng kèn giục giã lúc xông pha đánh giáp lá cà ở chốn sa trường: “Anh ơi, bài đâu?”.

Có lẽ đây là điệp khúc nghe nhiều nhất trong đời. Sáng, dậy sớm do trời đẹp nên cao hứng cho phép thong dong lướt web. Một chút thôi nhé? Ừ, chỉ một chút thôi. Vậy mà cuối cùng cái nọ kéo theo cái kia. Cái kia dắt dây cái kìa. Ngốn sạch thời gian. Dễ sa đà. Dễ bị dụ dỗ. Thiếu kiềm chế. Vô kỷ luật. Đó là y.

Vào cơ quan họp, mặc kệ những phát ngôn, phát biểu chỉ cắm cúi viết. Viết cho kịp.

Viết bằng bút mực trên giấy trắng. Nét chữ đẹp như mơ. Loằng ngoằng. Lả lướt. Đã lâu lắm mới viết lại như thuở học trò. Nào ngờ cảm xúc vẫn tuôn dạt dào. May quá, tưởng không viết được. Nghĩ thế, bởi trước kia chỉ gõ máy chữ. Rồi làm quen với bàn phím vi tính. Rất khó nhọc. Cuối cùng, phải cương quyết bỏ máy đánh chữ vào một cái hộp, dán kín băng keo. Cột dây kỹ lưỡng. Bỏ vào tủ khóa kín. Rồi từng bước làm quen màn hình tinh thể lỏng. Dần dà cũng quen. Quen rồi mê tít. Đến tận bây giờ. Đến hết đời.

Đã quen rồi muốn quay về cái cũ cũng không thể.

Có câu chuyện rằng, ngày nọ qua ngày kia, nhiều ngày nắng gắt, trời không mưa nên lũ cá từ sông, suối phải tập sống trên cạn. Dần dà, chúng thích ứng được. Sống khỏe re. Tưởng vậy là êm. Nào ngờ đến lúc có mưa, chúng lại chết đuối hết trọi. Cá mà chết đuối? Buồn cười thật. Cũng do thói quen.

Sáng nay, viết bằng tay trên giấy. Vẫn viết dạt dào. Đọc lại, khoái quá bèn vỗ đùi: "Hay ơi là hay". Tự khen. Lúc họp xong phải ngồi gõ lại rồi chuyển qua email. Làm báo mỗi thời mỗi khác. Thời trước, bản thảo chỉ viết một mặt giấy. Khi đưa xuống nhà in, thợ xếp chữ xé bản thảo đó ra làm nhiều mảnh rời. Mỗi thợ xếp chữ cầm một bản rời, xếp chữ. Cuối cùng ráp lại thành bài báo hoàn chỉnh. Cách làm này nhanh, thuận lợi nên có quy định viết một mặt giấy là vậy. Thời đó, xếp chữ bằng các mẫu chữ đúc bằng chì. Phải xếp từng mẫu tự. Đâu phải dễ. Nhớ thời đi học ở trường Tây Hồ, đường Phan Thanh Giản (ĐN) đã từng thấy thợ in xếp chữ cho tờ Thời Mới. Họ xếp nhanh lắm, vừa chuyện trò vừa bốc, nhặt từng con chữ nhỏ xíu bỏ vào cái khuôn dài ngắn, tùy theo khuôn khổ bài báo. Loáng một cái là xong. Sau đó in ra bản vỗ, có ông thợ già ngồi đọc lại và bắt đầu chỉnh sửa chỗ sai lỗi chính tả, chỗ đặt con chữ sai vị trí… Đại khái công việc xếp chữ của nhà in thời đó là vậy. Y đã chứng kiến từ học trò thò lò mũi xanh.

Nay đã hoàn toàn khác.

Kỹ thuật, công nghệ hiện đại đã dẫn đến cách làm báo khác trước. Không đi sâu vào chuyện này. Chẳng gì nhảm, lảm nhảm hơn là nói cái chuyện mà ai ai cũng biết rồi. Chỉ có suy nghĩ rằng, ngay cả cảm xúc viết báo cũng khác luôn. Bằng chứng, bài báo sáng nay viết bằng tay đến lúc ngồi gõ lại trên bàn phím lại thấy khác. Khác từ cách diễn đạt đến cảm xúc. Đọc từ  giấy trắng mực đen đến trên chữ hiện lên màn hình, bài của mình chứ của ai? Cứ tưởng bài của ai đó. Khác lắm. Thế là phải viết lại theo cảm xúc của khi thao tác trên máy tính.

Kỳ lạ chưa?

 

doi--nghe

 

Chiều nay lại họp. Tranh thủ ngồi ngồi đọc lai rai tập sách Đời & nghề (NXB Văn Học) của nhà báo Phạm Quốc Toàn - Tổng biên tập tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo VN. Tác giả vừa gửi tặng. Đọc say mê. Các câu chuyện, mẩu chuyện về nghề qua cái nhìn, kinh nghiệm lão luyện của một nhà báo bậc thầy, lâu năm trong nghề có sức hấp dẫn lắm. Sẽ đọc kỹ, giới thiệu tập sách này. Ít ra cũng giúp cho những ai muốn theo nghề.

Cầm sách mà bâng khuâng nhớ đến dĩ vãng chưa xa. Xa gì, chỉ chừng hơn mười năm thôi. Ngày đó, y là cộng tác viên của báo Vũng Tàu - Bà Rịa nên y được anh Toàn tổ chức cho chuyến đi tác nghiệp tại giàn khoan. Đi bằng trực thăng. Máy bay ra ngoài khơi, gió thổi buốt, chao nghiêng, lên xuống thất thường khiến có cảm giác như đi xe đò thỉnh thoảng va vào ổ gà. Một cảm giác thích thú. Mới lạ. Đi về, viết một bài dài ngoằng cho báo PN. Khó có thể nhớ cụ thể. Đến nay còn giữ lại hai ấn tượng khó quên:

Một, ngoài giàn khoan, ở nhà bếp có rất nhiều thức ăn, nhiều đến ê hề, món ăn nào cũng có. Muốn ăn lúc nào cũng được. Ăn bao nhiêu cũng được. Ai muốn ăn, cứ việc vào nhà bếp.

Hai, anh em bảo trì giàn khoan cho biết sợ nhất là con hàu! Nghe lạ chưa? Hàu “sung” lắm mà, viagra phải gọi bằng ông cụ, chắp tay vái dài từ xa kia mà? Lại nghĩ tầm bậy tầm bạ nữa rồi. Họ sợ vì chính hàu bám rất kỹ, rất nhiều vào chân giàn khoan. Bám bền bĩ khiến sắt thép cỡ nào cũng hoen rỉ. Ghê gớm chưa? Vì thế, mỗi ngày họ phải xuống tận dưới chân giàn khoan, mấp mé nước biển để gỡ từng con. Gỡ bằng búa và các dụng cụ chuyên dùng. Lúc ấy, y đứng nhìn xuống biển sâu hun hút đã thoáng rùng mình.

Nay, đọc tập sách của anh Phạm Quốc Toàn tự nhiên lại nhớ đến cảm giác ấy. Ngày tháng ấy. Ngày tháng còn yêu nghề đến chết. Thấy vui vui. Vui hơn nữa khi những dòng từ chuyên mục Tác phẩm của bạn bè của trang web.leminhquoc.vn, y viết giới thiệu về thơ Lưu Trọng Phú - đồng nghiệp báo VT - BR đã được anh Toàn chọn. Anh đã đưa vào phần phụ lục của tập sách Đời & nghề:

“Khi báo Vũng Tàu chủ nhật thực hiện số đầu tiên, tôi đã cộng tác. Thoáng đó mà đã hơn mười năm rồi. Mối thân tình với anh em dồng nghiệp ở báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từ đó.  Cũng từ đó, tôi gặp nhà báo Lưu Trọng Phú và từng lai rai, tán ngẫu bên chập chùng sóng vỗ. Gần đây, được anh Phạm Quốc Toàn - Tổng biên tập chí Nghề báo - tặng tập sách mới nhất của anh Tản mạn về đời, đọc bài Mê báo - Duyên thơ, tôi mới vỡ ra nhiều lẽ. Thì ra, đồng nghiệp Lưu Trọng Phú là cháu gọi nhà thơ Lưu Trọng Lư bằng ông và anh còn làm thơ nữa - đã in những tập thơ như Lửa lòng, Nhịp thời gian... Anh Phạm Quốc Toàn viết: “Lưu Phú nhiệt tình với bạn bè xa cũng như gần, chẳng ngó ngàng đến chức tước, giao việc gì làm việc đó: Trưởng phòng biên tập Văn xã, xong; điều động làm trưởng phòng Kinh tế, cũng xong; lại qua làm trưởng phòng  Bạn đọc, cũng xong nốt. Việc gì được phân công, anh đều tận tâm, không nề hà, làm hết trách nhiệm”.

Bài báo này có một điều lạ: Nhà báo Phạm Quốc Toàn nguyên Tổng biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng anh lại dành những trang viết hết sức chân tình về “lính” của anh là Lưu Trọng Phú. Ngược lại, Phú phải sống thế nào mới được “sếp” cũ ưu ái đến vậy. Phú sống thế nào? Anh Toàn cho biết: “Lương bổng Lưu Phú chẳng màng, giao vợ quản lý; nhuận bút viết báo để cà phê, gặp gỡ hàn huyên bạn bè. Đồng nghiệp của Phú tếu táo:

Làm thơ chỉ có yêu đương

Làm báo chẳng có nhận lương bao giờ”

Đọc bài viết này, riêng tôi cảm nhận tình đồng nghiệp của các anh ấm áp và thân tình quá đỗi".

Một thời làm báo khó quên. Âm áp và thân tình quá đỗi. Cầm tập sách sách mới của anh Toàn mà lòng vui. Chúc mừng anh Phạm Quốc Toàn. Chúc mừng Đời & nghề.

Chiều nay, sinh nhật một người bạn. Vẫn quán cũ. Sân thượng. Gió mát. Vẫn những gương mặt cũ. Vậy là vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment