LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.8.2013


Y có thông minh không?

Hỏi như thế bằng thừa. Khen phò mã tốt áo làm gì. Để khách quan, công bằng, không thiên vị và rất khiêm tốn, y bèn vắt tay lên trán mà rằng: “Rất thông minh”. Nói có sách, mách có chứng. Ngày thứ Sáu tuần rồi, thức dậy đọc tin nhắn: “Sáng mai, 8g anh rảnh không mời anh cà phê”. Ngay lúc đó đã 8g, trong đầu chợt nghĩ, ngày nào, sáng nào cũng cà phê. Vậy lời mời này, chỉ có thể diễn ra lúc này. Bèn trả lời: “Trễ hơn được không em? Bây giờ, anh mới đọc tin nhắn”. Câu trả lời: “Sáng mai mà!” À! Đọc kỹ lại. Thì ra thế. Vậy mà con số 8g30 đã nằm trong đầu.

Sáng nay, thứ Bảy vẫn nhớ đến cuộc hẹn lúc 8g30. Trước lúc đi, nhìn đồng hồ đã gần 8g30 bèn vội vã nhắn: “Anh đang đi”. Câu trả lời: “Em đã đến, ngồi bên trong. Anh cứ thong thả đến vì em có việc phải đi lúc 9g30 rồi ạ”. Lập tức nghĩ, người bạn đã rời khỏi quán và hẹn gặp lại lúc 9g30. Vậy quay xe, thong dong với phở.

Đúng 9g30 bước vào quán cà phê, không thấy ai, y hiên ngang nhắn một cái tin đầy kiêu hãnh của người luôn đúng hẹn. Rất đúng hẹn: “Anh đã có mặt, 9g 30 nè”. Câu trả lời ra sao? Bạn tự đoán vậy.

Rõ ràng, y rất thông minh. Đúng không? Quá đúng!

Vì thế, sáng nay vui.

 

bien-hpoc-bong-1

 

Thêm một tin vui nữa. Báo PNCN số 30 sáng nay đưa tin: “Nhà văn Đoàn Thạch Biền tìm… 100 triệu đồng: Không phải chuyện mất của mà tác giả nổi tiếng của những cuốn sách về lứa tuổi chớm yêu này đang vận động các nhà hảo tâm, bạn bè, đồng nghiệp, gom góp tiền để chuẩn bị chuyến đi trao học bổng cho học sinh nghèo các tỉnh Tây nguyên. Đoàn Thạch Biền cho biết, kiếm được tài trợ chừng nào hay chừng đó, nếu đủ cho cỡ hai ba - tỉnh thì kết hợp đi một lượt. Ông cùng “ông bạn già” Nguyễn Đông Thức dự kiến sẽ đi trao ở mỗi tỉnh khoảng 20 triệu đồng, vị chi năm tỉnh sẽ là 100 triệu đồng, nhưng nếu không kiếm được nhiều thì đành phải chia phần học bổng thành các suất nhỏ hơn. Trước ngày leo lên xe đò lên đường trực chỉ Tây nguyên, hai ông bạn văn đang mong chờ nhiều nhà hảo tâm xuất hiện, để không chỉ giúp học trò nghèo mà còn cả thầy cô giáo khó khăn ở vùng sâu”.

À, vậy chuyến đi này hai lão “cao bồi già” đã không còn cưỡi gió bụi đường xa bằng ngựa già mô tô ngốn xăng như uống nước lã. Chuyến đi trước, hai anh đã chuyển đến tận tay các học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa miền tây Nam bộ gần 300 triệu đồng. Thế mới biết tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” luôn trường tồn trong tâm thức người Việt.

Chơi với nhau nên biết chi tiết này, do đã hai lần phải mổ khớp háng nên ông Ngọc trong đá mỗi khi muốn vệ sinh cá nhân không thể “ngồi xổm”. Nói ra, nghe thô nhưng là vậy. Vì vậy, đi về những vùng xa phát học bổng, có lúc cả hai anh phải quay ngược lại vài chục cây số để tìm phòng trọ tiện nghi hơn. Bất kể lúc ấy mưa to hay gió lớn; nắng sớm hay chiều tà... Lại có chi tiết hay, khi hai anh phát học bổng, có nhiều em cầm tờ năm trăm ngàn đồng mới toanh đã lễ phép cám ơn và… trả lui! Ủa? Sao kỳ dzậy? Vì tưởng... tiền giả! Các em cả đời, từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa hề thấy tờ giấy bạc này. Lại có chi tiết hay, ngày nọ trên facebook, ông Vĩnh biệt mùa hè báo tin, đã đặt chân đến rạch… Xẻo Bướm! Chà, cái tên nghe ngồ ngộ mà cũng đáng yêu quá chừng chừng. Thế nào là Xẻo bướm? Phải hỏi anh bạn Ths.BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa Nam học của Bệnh viện Bình Dân chăng? Phải hỏi ông bạn bác sĩ Thắc mắc biết hỏi ai Trần Bồng Sơn đang nhập hộ khẩu tại Chín Suối chăng? Không, cứ hỏi ông Thức đi. Nếu có ai chịu khó ghi lại (giải thích được càng hay) các địa danh quê mình, ắt sẽ là tập sách cực lý thú, sẽ góp phần cho thấy sự phong phú, linh hoạt, biến hóa, sáng tạo, trong sáng của tiếng Việt. Chẳng hạn, vài địa danh ở miền Nam: rạch Tắc Cậu, Củ Tron, Bãi Háp, bàu Ót Giang, quận Phong Nẫm, Cầu Kè,  cửa biển Cái Cát, Cần Vọt, kinh Bò Ót, kinh Bà Bèo, kinh Lắp Vò, rạch Lá Buôn, vàm Trâu Trắng, Xoài Hột, Xoài Mút, vàm rạch Trà Lọt, Xẻo Gừa, rạch Cái Thia, rạch Chợ Đệm, Chắc Cà Đao, cù lao Tân Cù, kinh Bảy Ngàn, Cái Răng, bãi Háp, giồng Chùa Chim, hòn Cổ Cót,  v.v... Chưa hiểu nghĩa, chỉ mới đọc lên đã nghe âm vang quê kiểng, thân thương lắm lắm... Nghe mát cả lỗ tai. Đọc sướng cả miệng.

Vui là biết hai lão “cao bồi già” đã ghi chép khá nhiều lời ăn tiếng nói của bà con Nam bộ mình. Chắc chắn sau này, hai anh sẽ viết những trang du ký hấp dẫn.

Với nhà văn, dù đi với bất kỳ mục đích gì nhưng lúc nào cũng không quên "tác nghiệp". Đi là ghi chép. Đi là quan sát. Đi là chiêm nghiệm. Đi là liên tưởng. Đi là thu thập lời ăn tiếng nói của bà con vùng miền khác. Làm giàu thêm vốn từ. Nhà văn Tô Hoài vốn rất ý thức “tu luyện” chữ nghĩa. Không tin, cứ lật sổ tay ghi chép của ông: “Trong Truyện Kiều có chữ “áy” (Một vùng cỏ áy bóng tà, không  biết nghĩa chữ áy thế nào, mới đọc đã cảm thấy man mác, thấy buồn). Phải đến dịp cuối năm vừa rồi, tôi về Thái Bình, nghe người trong làng nói: “cỏ áy, mạ áy” mới biết tiếng “áy” là của bà con đồng ruộng Quỳnh Côi, quê vợ Thái Bình - khi thất thế, Nguyễn Du đã nhiều năm ở quê vợ”. Lại dịp khác, thay vì nói "mạ nhú" ông học được  của bà con nông dân Bắc bộ một từ khác, ấn tượng hơn, tình cảm hơn: " mạ ngồi". Có thể tìm thấy vô số các ví dụ thú vị nữa. Vừa rồi có đọc thông tin này, liên quan đến ông Dế mèn phiêu lưu ký: “Tính ra nhà văn có đến cả trăm cuốn sổ hồi ký được viết theo từng ngày, từng giờ, có chồng giấy bản thảo cao đến cả sải tay. Một nửa số đó ông giữ trong nhà, còn một nửa ông gửi Cục Lưu trữ quốc gia. “Vậy mà, phải đến 20 cuốn sổ bị nhòe mực. Ðành giữ để làm kỷ niệm. Số sổ ấy nhà thơ Hữu Thỉnh đã đăng ký: Khi nào bán chúng thì gọi cho ông ấy để ông ấy cho vào bảo tàng văn học” - khẽ chép miệng, Tô Hoài tiếc”.

Trở lại chuyến đi của hai cao bồi già. Nói rộng ra là chuyến đi khác cũng tương tự: Đi vì sự chia sẻ “lá lành đùm lá rách”. Tinh thần nhân ái này bao giờ cũng cần ươm mầm trong cộng đồng. Nhất là thời buổi này. Rất cần khi mà sự vô cảm đang dần dà tha hóa con người. Rất cần bởi lúc này, nếu "Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng", chuyện gì sẽ xẩy ra? Người bạn thơ quá cố La Quốc Tiến trả lời:

Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên

trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu

Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu

Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình

cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga:

"Trước đèn xem truyện Tây Minh..."

Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ

Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng... đường lầy... gạo đắt

Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su

Có những chị bạn hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối

nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng

Không có ai

cam đoan là không ai hay tin:

"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"

để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa

Tôi móc gói thuốc ra

tôi hút

điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng

mẹ nó! Thuốc dỏm

Phà vẫn chạy

máy vẫn nổ

sóng vẫn vỗ

tôi dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật

khi giật mình mở mắt

lại nghe:

“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”

Rừng ở đâu mà dày thế nhỉ?

trên chuyến phà tôi đi

dường như cũng có một khóm rừng

mà những cái cây sao mà trơ trọi

những cái cây đã phai mất hơi rừng

Phà vẫn chạy khàn giọng

lão già mù vẫn ngân nga

gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm điều gì như là oan ức

cô gái vẫn tiếp tục soi gương

như cố khám phá một điều gì đang lẩn trốn trên khuôn mặt

đứa bé gái đã ngủ

chiếc chong chóng vẫn xoay

bà già thọt chân vẫn ngồi than thở

gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su

những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật

sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng...

Không có ai

cam đoan là không ai hay tin:

"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"

Ngày nọ, Hội nhà văn TP.HCM làm tập thơ giấy dó kỷ lục, bán đấu giá thu về tròm trèm 300 triệu đồng, y, bạn thơ Trương Nam Hương cùng anh em trong Hội đồng Thơ sang nộp cho Mặt trận Tổ quốc ở đường Mạc Đĩnh Chi, nhờ chuyển cho các em bị chất độc da cam. Họ hờ hững bảo, cái này, đối tượng này phải đem qua Hội Chữ thập đỏ. Hỏi, vậy chúng tôi nhờ các anh chuyển giúp? Câu trả lời: “Không”. Không là không. Anh em lủi thủi ra về. Nói như nhân vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm Cho tôi một vé đi tuổi thơ :“Buồn ơi là sầu”.

Thế thì, cái tin trên báo PNCN sáng nay, đọc xong, lòng thấy vui. Vui, bởi y luôn xác tin trên đời, chắc chắn vẫn còn nhiều, rất nhiều người có lòng, có tâm. Lòng ấy, tâm ấy không vì lý do tích thiện. Không vì động cơ tích đức. Chẳng để làm gì. “Để gió cuốn đi”. Nhẹ nhàng. Thanh thản. Vui, vì xác tin ngày sẽ có  thêm nhiều quán cơm Nụ cười, giá chỉ 2 ngàn đồng một suất; sẽ có thêm nhiều nồi cháo loãng mỗi ngày phục vụ miễn phí bệnh nhân ung thư v.v…

Vui và xin chúc hai lão nhà văn “cao bồi già” thuận buồm xuôi gió. Thẳng bước lên đường. Lên đường trao học bổng với số tiền của các nhà hảo tâm gửi đến các em học sinh nghèo hiếu học ở Tây nguyên luôn suôn sẻ. Lên đường bằng tinh thần nghĩa hiệp, khí khái như gã anh hùng Từ Hải lụy tình, mê gái số một trong văn chương nhân loại:

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong

Còn gì vui nữa không?

 

thoa-vevantai-ban

 

Có chứ. Sáng nay, trên báo Thể thao & văn hóa, đồng nghiệp Trần Hoàng Nhân đưa tin:Tác giả Chị Đẹp: Sách tái bản mà mình không có:Cuốn sách Ve vãn Sài Gòn của tác giả Chị Đẹp - bút danh của blogger Lê Phương Thảo - vừa được NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi trẻ tái bản lần thứ nhất. Cuốn sách này viết về Sài Gòn loanh quanh trong các con đường ở trung tâm Q.1, TP.HCM.

Ve vãn Sài Gòn ra mắt vào ngày 22/6 vừa qua và chỉ mới hơn một tháng đã tái bản chứng minh rằng: sách viết về Sài Gòn xưa và nay thu hút người đọc không kém gì sách viết về những địa danh nổi tiếng khác.

Ve vãn Sài Gòn tái bản nhưng tác giả Chị Đẹp “không có cuốn sách nào trong tay”. Lý do blogger Lê Phương Thảo đang ở Mỹ vì chị là Việt kiều định cư ở đây. Tuy sống ở Mỹ, nhưng mỗi năm Lê Phương Thảo về Sài Gòn làm việc trong ngành thiết kế thời trang nhiều tháng ròng. Được biết, do nôn nóng muốn cầm trên tay cuốn sách của mình vừa được tái bản, đầu tháng 9 này Chị Đẹp sẽ bay về Sài Gòn trước dự định”.

Đọc xong tin này, bèn lật Truyện Kiều ra bói. Ứng vào hai câu 545+546:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Vậy là vui. Với ba lý do đáng để vui, y khiêm tốn, vâng, xin nói nhỏ rằng, lúc nào y cũng khiêm tốn, rất khiêm tốn nên tự cho phép mình sáng nay được quyền hất cái mặt lên trời, tự nhủ:

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment