LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.7.2013

 

“Chân em trắng vậy mà lòng anh lạnh”. Đọc một lần, ám ảnh. Không nguôi. Bình thường chẳng nhớ đến. Lúc tâm trạng gây cấn, bẽ bàng, tan nát… bỗng dưng lại vụt nhớ từ trong tiềm thức. Từ giã cõi đời năm 24 xuân xanh, Phạm Hầu để lại vài câu thơ hay. Do tham gia phong trào yêu nước, bị mật thám Pháp bắt, trong tù Phạm Hầu bị đánh chấn thương sọ não, sáu tháng sau thì chết, thi hài đưa về quê bằng tàu hỏa. Nhà thơ Chế Lan Viên có lần kể, "Để khỏi bị phát giác, người anh phải bế xốc cái thây ma Phạm Hầu lên, trên tay giắt cái vé cho nhân viên tàu hỏa kiểm tra không biết". Phạm Hầu là con trai của Tiến sĩ Phạm Liệu - một trong Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam.

Có những câu thơ lặng lẽ. Đi qua cõi nhân sinh. Như gió đi qua năm tháng. Có người nhận ra, có người không nhìn thấy. Câu thơ ấy có được là nhờ cảm hứng từ hình bóng của giai nhân quý phái đất Thần Kinh: Cô Mừng, tức Tôn Lệ Minh. Là người rụt rè nên chưa bao giờ Phạm Hầu dám ngỏ lời, chỉ âm thầm mộng tưởng. Vẽ lại nhan sắc tuyệt đẹp ấy trong tranh. Ghi lại nỗi nhớ ấy trong thơ. Về sau Tôn Lệ Minh là vợ của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Trong tập Tiếng thu - cũng có những câu thơ từ cô Mừng:

Tiếc gì em nửa đường tơ

Cho hoa quên nở trăng mờ quạnh soi

Chờ em đêm đã khuya rồi

Rộn ràng lá rụng, trăng rơi đầy thềm

 

pham-hau


Có lần, nhà văn Lưu Trọng văn kể lại chuyện tình của chàng trai thi sĩ từng mê đắm mẹ mình: “Mạ tôi lúc ấy trên 70 tuổi, tóc bạc phơ, băng băng vượt cỏ dại, gai dại leo hết mô đất này đến xuống dốc nọ, đến được ngôi mộ xây tròn - bia có dòng chữ Phạm Hầu. Trước khi đi mạ tôi đã mua hoa ở chợ Bến Ngự để viếng. Tôi hái thêm những bông hoa dại. Mạ tôi ngồi bên mộ im lặng một lúc lâu. Trong cuốn hồi ký Mối tình đầu, mối tình cuối của mạ tôi, mạ tôi đã kể lại, thi sĩ Phạm Hầu bị bệnh nặng, chỉ chịu ăn cơm nếu cơm ấy chính mạ tôi đem lại. Dù chỉ cảm mến chàng thi sĩ chứ không yêu, mạ tôi đã thực hiện ý nguyện ấy”.

Nghe rưng rưng…

Đọc một bài thơ, nghe một ca khúc, xem một bức tranh… nếu biết được nguyên mẫu của sáng tác ấy, có lẽ rất thú vị. Cứ mờ mờ ảo ảo, càng gợi sự tò mò. Trước đây, thiên hạ đổ xô nhau đi tìm con người thật của Hai sắc hoa ti gôn T.T.Kh. May không tìm ra. Nếu tìm được con người cụ thể ấy, lý lịch ấy chắc lòng yêu mến đã vơi đi nhiều. Sự liên tưởng của con người ta cũng lạ. Họ nghĩ rằng, ca từ đó, giai điệu đó, câu thơ đó, vần điệu đó ắt phải người thế này, thế này… Nhưng khi gặp lại thất vọng não nề.

Có lần cô em gái ở Quảng Ngãi kể, hồi mới giải phóng khi biết tin nhà thơ Xuân Diệu sẽ đến trường nói chuyện thơ, đêm ấy, nhiều nữ sinh thấp thỏm chờ đợi những mong trời mau sáng để được nhìn tận mắt thi sĩ lừng danh của nhung lụa tiền chiến. Sáng hôm sau, trời đất ơi! Xuân Diệu đấy ư? Hình ảnh thực đã xóa sạch những gì tốt tươi nhất về một hoàng tử mà ở lứa tuổi mới lớn vốn giàu tưởng tượng.

Năm thứ nhất học ở Thủ Đức, có lần nhà văn Anh Đức và nhà thơ Diệp Minh Tuyền đến nói chuyện về sáng tác văn học. Lúc ấy cả hàng trăm sinh viên ngồi kín cả giảng đường lớn, chăm chú nghe. Lạ cho trí nhớ của thời trẻ, đến giờ vẫn còn nhớ như in, Anh Đức nói rằng, một trong những yếu tố làm nên tác phẩm hay phải có nhiều tình tiết. Ông ví von, cũng tựa đan chiếu, nếu đan càng nhiều sợi cói, chiếu ấy càng chắc. Đại khái thế. Còn nhà thơ Diệp Minh Tuyền hướng dẫn một ca khúc mới, nay ít nghe ai hát: “Anh đi sinh nhật em với cây đàn guitar/ Anh đi sinh nhật em không bánh và không hoa/ Anh đi sinh nhật em chỉ có bài tình ca/ Chỉ có trái tim yêu, đang ca hát rộn ràng/ Lời ca kết thành hoa thắm/ Ngọt ngào anh hát tặng em/ Đàn ngân hóa thành câu chúc/ Rộn ràng nâng phím tặng em/ Lời ca hóa thành ngọn nến/ Hồng hào soi sáng mặt em/ Đàn ngân hóa thành câu chúc/ Mừng ngày sinh của đời em”.

Ca khúc dễ đi vào trí nhớ hơn thơ.

Còn nhớ, thời mới giải phóng, ngày đầu tiên đi học lại, thấy giáo mặc quần áo bộ đội, giảng bài Con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Lần đầu tiên nghe đến cụm từ “văn học cách mạng”. Trải qua năm tháng, đến giờ vẫn còn nhớ đến ca khúc Trường em, thầy dạy cho lũ học trò lớp 9 chúng tôi: “Trường em lợp ngói đỏ/ bên hàng cây xanh xanh/ ngày ngày vang tiếng hát/ khúc ca yêu hòa bình/ Chúng em thi nhau viết/ thật đẹp tên Bác Hồ/ chúng em thi nhau vẽ/ ngôi sao trên lá cờ”. Sau này, có nhờ T.H.Nhân đưa tin trên báo Thể thao&văn hóa, nhờ tìm tác giả, ai biết chỉ giúp. Hoàn toàn không có một phản hồi nào.

Cuộc đời oái oăm thật, có những lúc buồn, vui, sướng , khổ con người ta được an ủi, chia sẻ bằng nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa... nhưng lại hoàn toàn không biết gì về tác giả.

Nhà thơ Tế Hanh có kể một kỷ niệm khi ông về huyện Nghi Xuân quê hương của thi hào Nguyễn Du. Lúc ông hỏi thăm một bà cụ nhà của Nguyễn Du nơi đâu, bà cụ ngớ người ra: “Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên?”. Nhưng khi nói, đó là người viết kiệt tác Truyện Kiều, bà cụ vội vã chỉ đường ngay và đọc luôn mấy đoạn thơ Kiều, kể luôn vanh vách về cuộc đời thăng trầm của Kiều. Từ đó, nhà thơ Tế Hanh ngẫm nghĩ:

Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du, có gì đâu đáng trách

Một cái tên như bao cái tên thường

Nhưng cụ đã gửi lòng trong áng sách

Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương...

…Cuộc gặp gỡ tình cờ đem cho tôi bài học

Như thể qua hai trăm năm nhà thơ nhắn lại bây giờ:

- Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc

Người ta có thể quên tên người làm thơ, nhưng đừng để quên thơ...

Đêm qua đã bàn xong số phận tờ A.T. Một sự khả quan. Tốt đẹp. Trong công tác quản lý, những ai tài giỏi luôn để lại dấu ấn lớn của một giai đoạn. Sực nghĩ đến anh N.C.K của báo TN là dấu ấn của chương trình DDVN - lần đầu tiên một cơ quan báo chí tổ chức chương trình văn nghệ đi biểu diễn ở nhiều nước, là đấu tranh xóa bỏ sự bất hợp lý của chủ nghĩa lý lịch trong quy chế tuyển sinh; hoặc với anh L.H của NXB Trẻ là khai sinh, cưu mang tờ A.T suốt năm tháng dài để trở thành là sân chơi, bệ phóng cho một loạt cây bút mới. Sân chơi này gắn liền với vai trò của huấn luyện viên Đ.T.B. Đêm qua, huấn luyện viên tài ba của chúng ta chỉ uống cầm chừng. Gout mà. Anh em cũng chạm vài ba ly rồi chia tay. Ngoài trời lất phất mưa.

Sáng nay, lật tập sách Vẫy ngoài vô tận, tuyển thơ Phạm Hầu do nhà văn Hoàng Minh Nhân thực hiện và tặng. Lật vào trong còn thấy bút tích của ngày ấy: "Không hiểu sao đọc thơ Phạm Hầu và hồi ký viết về Phạm Hầu của Lưu Trọng Lư và Huy Cận lại thương Phạm Hầu quá, muốn ứa nước mắt. Vì thương một người chết trẻ? hay thương lấy chính nình? Thật lạ, bao giờ trong tâm trí của tôi cũng thương và dành nhiều (rất nhiều) thiện cảm cho những người chết trẻ. Họ may mắn hay bất hạnh? Sống dài là bất hạnh hay may mắn?" (12.11.2002).

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận

Chẳng biết xa lòng có những ai?

(Phạm Hầu)

Lại những ngày thương nhớ online.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment