LÊ MINH QUỐC: Nhật ký bis 27.5.2103

Array In Array

 

Sau vài cuộc điện thoại từ hôm qua, sáng nay đến nhà nhạc sĩ Phạm Đăng Khương. Đến, trao đổi câu hỏi: Đã có karaoke ca nhạc, sao ta không làm karaoke thơ? Một ý tưởng hay. Đến, mới biết anh đã có hẳn một phòng thu âm, đầy đủ các công cụ kỹ thuật hiện đại dựng phim, sử lý hình ảnh... Riêng về phim đã quay anh cho biết đang lưu trữ đến 1.500 GB và phân loại theo từng chủ đề. Một dung lượng khổng lồ của một cá nhân chứ chẳng đùa.

 

le-giang

 

Hỏi vì sao anh có thể làm được công việc của một đạo diễn, nhà quay phim, xử lý âm thanh v.v… Câu trả lời chỉ là, vì quá say mê nên tự mày mò học. Nghĩ lại thấy đúng. Người ta chỉ có thể thành công khi mê hết mình, tận tâm, tận lực cho một công việc đó. Mấy năm trước, ra Hà Nội gặp nhà thư họa chữ Hán số 1 Việt Nam là cụ Lê Xuân Hòa, cụ bảo: “Từ thời trẻ cho đến nay, tôi học và viết chữ Hán mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả khi ngồi quán chè nước đầu ngõ, tôi cũng viết trên mặt bàn. Lấy ngón tay mà viết. Viết theo đường nét mà mình đang nghĩ trong đầu. Khi đi bộ, ngón tay này lại viết trong lòng tay kia. Nhờ vậy mau thuộc mặt chữ mà cũng là cách rèn chữ”. Những chi tiết này, tôi nhớ là có đưa vào trong bài báo in PN. Cụ tặng viết nhà báo Hữu Thân chữ Đức nay vẫn còn; tặng tôi bài thơ Hoàng hạc lâu, đã mất.

Có ai, sáng thứ hai đầu tuần chỉ ngồi nghe thơ, xem những video clip về thơ và bàn chuyện về thơ? Tôi vào phòng thu đọc bài thơ Còn lại những mùa hè.  Lại nghe ca sĩ hát bài thơ này mà anh Khương đã phổ nhạc. Sực nhớ lại thời mới về báo PN. Khi đi lấy tài liệu ở Bình Chánh, tình cờ tạt vào một trường phổ thông tránh nắng, sân trường vắng hoe, chỉ mỗi hoa phượng đỏ rực khiến cảm xúc có thơ.

Đến cơ quan nhận được thư của nhà thơ Lê Giang. Đó là tờ báo TTCN số 9.10.1994 có in trang thơ của Q. Lập tức trong đầu nhớ đến nhà văn Nguyễn Đông Thức. Chuyện như thế này, sau khi tập thơ Tôi vẽ mặt tôi bị phê phán từ Nam chí Bắc, ngày nọ, gặp nhau trong công viên báo TT, anh nói, đại ý: “Q gửi ngay cho anh một chùm thơ. Để người ta có cái nhìn khác về Q. Chứ cứ như tình trạng này là gay...”. Anh vốn kiệm lời, nói ít, chỉ nói thế, chẳng hứa hẹn gì. Cách nói này, có lần anh Nguyễn Thế Truật nhận xét “nói như cóc cắn”. Y hiểu, sự phê phán đang có của dư luận sẽ hoàn toàn bất lợi cho y, sau này. Dù không có văn bản, nhưng lúc đó Fahasa phát hành tập thơ cũng bị thu hồi lặng lẽ. Sau này đến nhận tiền ký gửi sách mới biết. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Còn nhớ, trường hợp Đêm mặt trời mọc của Nguyễn Quốc Chánh. Chỉ một cú điện thoại là chẳng  tờ báo nào dám in thơ của Chánh nữa. Chánh học chung lớp, ở chung phòng ký túc xá với y. Sau cú đó, Chánh đã khác. Rất khác. Sự lo lắng và quan tâm của anh Thức, đến giờ tôi vẫn chưa quên. Lúc ấy, chưa thân tình như bây giờ mà anh đã có sự cư xử hết sức đàn anh. Đọc kỹ lời anh giới thiệu: "Ba bài thơ sau đây cho thấy Lê Minh Quốc đang trở lại với cách nói ít nhiều đã mang phong cách của riêng mình: giản dị, giàu tình cảm". Ba chữ "đang trở lại". Chỉ ba chữ thôi. Cảm động. Lật ở trang 2, mới nhớ lúc ấy anh giữ chức Thư ký tòa soạn. Nay, đọc lại chùm thơ trên tờ báo cũ do nhà thơ Lê Giang gửi tặng lại bồi hồi. Thời gian vùn vụt trôi qua như chỉ chớp mắt.

 

le-giang-2

 

Trước khi quen với chồng nhà thơ Lê Giang thì tôi, Trương nam Hương, Cao Xuân Sơn... đã quen với con gái cả cô. Chị Việt Nga. Sau, chị Nga là vợ của Sơn. Đã mất. Quen vì thỉnh thoảng bọn y đến báo Khăn Quàng đỏ gửi thơ thiếu nhi cộng tác, những mong được in dể có ít tiền nhuận bút. Thời sinh viên đói kém quá. Rồi sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, y có viết bài thơ tặng nhà thơ Lê Giang, in báo SGGP số chủ nhật 30/11/1986. Cái tựa “Tìm ngọc ở quê mình” là mượn lấy cụm từ của cô.

Con đi tìm ngọc ở quê mình

Thả xuồng trôi trên dòng kênh Tám Cốc

Chiều không sương sao ứa thầm nước mắt

Nghe câu mẹ hò da diết đến nôn nao

 

"Hiu hiu gió thổi vườn đào

Thấy người có nghĩa tui muốn chào làm quen"

Hò ơ… dài như cánh lúa mông mênh

Hò ơ… lạc giữa bóng chiều tàn ngọn gáo

 

Hoa điên điển trôi về đâu nếu trời giông bão

Ngọc quê mình chìm nổi ở nơi đâu?

Mẹ hò lên - rồi bỏm bẻm nhai trầu

Câu hò vỗ mạn xuồng nên xuồng chao sóng nước

 

Con đi tìm ngọc ở quê mình và con tìm được

Gương mặt mẹ già đôn hậu rất quê hương

Là cây trái thơm tho mọc ở miệt vườn

Là câu hò quý người nhân, người nghĩa

 

Cầm chén cơm ăn bấy giờ con thấm thía

Những câu hò như máu chảy trong con

Nuôi con lớn - quý như là ngọc

Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn


Lúc ấy, vợ chồng nhà thơ Lê Giang - Lư Nhất Vũ bắt đầu tiến hành công việc sưu tầm dân ca, lý, hò, vè…  Nam bộ. Những tập sách này y đều có đủ. Công trình này rất có ý nghĩa về giá trị văn hóa cho hiện tại và đời sau. Đời người chỉ cần làm một việc hữu ích vậy là đủ, huống gì đôi vợ chồng này còn làm biết bao việc khác nữa. Hôm ra mắt sách của nhà văn Trần Thị Ngh, y biết chị là em ruột của nhà thơ Lê Giang.

Nay vợ chồng cô Lê Giang đã chuyển ra sống ở Phan Thiết. Thỉnh thoảng nghe réo điện thoại: “Q ơi! Cô đang đứng trong tiệm sách, thấy sách của em, cô có mua một cuốn nè”. Nghe cảm động quá trời. Đấy! Sách của cô Lê Giang, cuốn nào y cũng được tặng, đến khi mình có sách lại quên lửng tặng lại. Y tệ thật.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà