LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.5.2013

Array In Array

 

Sáng thức dậy, đi ăn phở với Tẹo, có cả anh Long và Trần Hoàng Nhân. Vừa đi vừa lẫm nhẫm lại mấy câu này. Quá hay. Hay chỗ “tóc nhuộm”. Hiện đại quá chừng. Đang ăn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn nhắn tin:

Tóc bạc thì nhuộm cho xanh
Cơ bản giữ được củ hành cho tươi
Hỏi anh, anh chỉ mỉm cười:
Cứ trồng “đất lạ”là tươi củ hành

Nhắc đến “củ hành” ai nấy phì cười. Sực nhớ, cụ Nguyễn Khuyến - thi sĩ đồng quê số một của Việt Nam có câu đối khóc vợ:

"Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam chân chiêu vì tớ đỡ đần trong mọi việc;

Bà đi đâu vội bấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm".

Rõ ràng, hai câu đối trên cho thấy cách ăn mặc của đàn ông, đàn bà Việt Nam thời xưa. Tục ngữ có câu: “Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”, ý nói giới thượng lưu dù ít tóc, chỉ búi tóc nhỏ như củ hành nhưng vẫn bậc trên của mọi người. Thế nào là “tóc củ hành”? Có thể hiểu, ngày trước đàn ông khôn cắt tóc, tóc dài thường búi trên đỉnh đầu.Nhà thơ Tú Mỡ cũng có câu thơ:

Tóc búi củ hành, trơ bóng trán,

Miệng loe ống nhổ cạp dày môi.

“Củhành” của Đoàn Tuấn là ám chỉ “sâm Cao Ly” đó thôi. Nhân bèn cao hứng đọc bài thơ “Đòi lại chiếc xương sườn” của Hoàng Lộc. Thơ hay mà nay tôi mới biết:

quả nhiên trong kinh thánh có ghi rằng

cái xương sườn của tôi chính là em đấy

khi chứng cớ đã rõ ràng đến vậy

nghĩ mích lòng ? em vốn vẫn làm cao ?


em lắc đầu ? em chẳng của tôi sao ?

giùm tới hỏi Chúa Trời kia khắc biết

dẫu phải lắc lơ xa hằng mấy kiếp

tôi dễ chi quên đã mất cái xương sườn

 

ngày ấy chia tay trước cửa địa đàng

em - rất tiếc - tôi chưa hề đánh dấu

để xuống đời ưa nhìn lầm nhận ẩu

người đàn bà nào tôi cũng tưởng là em

 

mãi đặt điều thẹn, ngượng - hoá nên quen

chớ thiệt tình yêu : người đòi - kẻ trả

em chính của tôi - cứ thẳng thừng : em ạ,

hãy gửi nguyên đây một cái xương sườn !

 

em chớ làm cao và chớ giận hờn

đừng nỡ mập mờ kinh tân kinh cựu

cái xương ấy tôi là người sở hữu

kinh luật nào em chẳng thuộc về tôi ?

 

lầm lũi yêu thương đứt nửa đời rồi

tôi đã trần thân với đớn đau khổ nhọc

cái xương sườn xưa tôi quyết đòi cho được

em chối từ ư ? em có quyền gì ?

Tôi chưa gặp Hoàng Lộc. Thế hệ làm thơ của ông, dân Quảng Nam, tôi chỉ gặp Luân Hoán, Tường Linh, Thái Tú Hạp... Thiên hạ trong quán phở Dậu cứ ngỡ đang ngồi chung bàn với những người nữa tỉnh nửa mê. Quán chật, ngồi chen nhau, nóng nực, ai ai cũng vội vội vàng vàng với công việc buổi sáng, ấy vậy mà có những gã ngồi đọc thơ oang oang. Vậy không say là gì?

Đã thế, Nhân còn nói thêm rằng, chẳng biết câu này của ai, đại khái, với người đàn ông chỉ có hai ngả lên thiên đàng: hoặc qua cái chết; hoặc qua người đàn bà. 

Khuya qua lại đọc Đất tụ long, chẳng biết nhà văn đoạt giải nhất Lê Thanh Kỳ trong cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ viết thật hay bịa về cách ăn chân gà của người Trung Quốc:

“Chiều mát chúng tôi ngồi câu cá vừa nói chuyện. Thằng Khền thích ăn chân gà nướng. Tôi bảo nó ở đây không có chân gà bán sẵn. Nó bảo: “Mày không biết ăn chân gà” Rồi bảo tôi đi mua cho mấy con gà trống nuôi công nghiệp. Vợ tôi mua năm con mang về. Thằng Khền đem rửa sạch chân bằng cồn rồi trói, buộc cánh treo lên. Nó bê chiếc bếp than hoa lại gần rồi thả cho con gà nhảy trên than hồng. Con gà bị nóng ra sức giẫy giụa. Càng giẫy máu càng dồn xuống chân khiến nó phù nề và to ra trông thấy. Con gà cứ co chặt hai chân vào bụng. Thằng Khền lấy cái kẹp kéo từng chân con gà ra, chờ đến lúc vỏ ngoài cháy xém nó mới dùng móng tay bóc bỏ lớp vỏ ngoài của da chân. Tôi nhìn thấy hai chân con gà đỏ máu và sưng đẫn lên. Thằng Khền lấy từ trong túi khoác ra cái chổi trông như cây cọ của hoạ sỹ, chấm gia vị rồi quét lên. Con gà lúc này mới giãy giụa thật lực, mồm kêu oang oác. Vợ tôi thấy thế bỏ vào trong nhà có gọi thế nào cũng không ra nữa. Thằng Khền tiếp tục bóp giập xương chân con gà, cắt lấy rồi quẳng mấy con gà còn sống ra ngoài. Tôi nướng thêm mấy con cá trong khi thằng Khền hoàn thiện nốt món nướng chân gà. Tôi nhìn nó ăn bỗng liên tưởng đến câu chuyện của nhà văn Trung Quốc viết về một gia đình nông dân đói quá không nỡ ăn thịt con, liền đổi cho nhà hàng xóm làm thịt. Tôi hỏi nó ngoài đời chuyện như thế có không? Nó tỉnh bơ trả lời:

- Đói quá cũng có khi ăn để sống! Mà no quá cũng có thể ăn để thấy mùi vị".

Đọc xong, tôi rùng mình. Hôm trước, làm tài lanh kể cho Nàng nghe, ai ngờ Nàng mắng: “Anh toàn kể chuyện ác. Có ngưng lại được không?”. Tất nhiên, được. Sực nhớ thời tôi còn thơ ấu, bà ngoại y không bao giờ cho nói những từ như “giết người”, “đánh đấm” v.v… Bà bảo nói lời ác thì cái ác nó cũng vận vào người. Đã thế, trước khi ngủ, nằm chung với bà ngoại, bao giờ bà cũng dạy lũ nhóc niệm Phật: “Nam mô ai di đà Phật” và dần dần chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng của tuổi thơ.

Trời! Một bà cụ nông dân Quảng Nam thất học, quê mùa mà có suy nghĩ về phương pháp giáo dục trẻ con không thua bất kỳ một nhà sư phạm nào. Điều này về sau ít nhiều ảnh hưởng đến y. Ít ra là trong cách viết, cách dùng từ.

Nghe mẹ y kể lại, lúc bà ngoại y mất, vì thương con, con còn nhỏ quá nên đêm nào bà cũng về trong chập chờn mộng mị. Hồn ma bóng quế. Nhớ mẹ, thấy mẹ loáng thoáng về, như thật như mơ, như không như có - vậy là mẹ y và các dì lại sụt sùi khóc. Bà ngoại về hoài, lúc thấy ngoài sân, lúc thấy dưới bếp... Sau, mẹ y phải khấn: “Mẹ sống khôn thác thiêng, mẹ đừng về nữa…”. Chết rồi còn lo cho con. Chao ôi là đức đức tốt đẹp ngàn đời của các bà mẹ trên trái đất này. Sau này, khi đến nhiều đám ma, tôi nghĩ không nên khóc, sự khóc lóc, thương tiếc lắm ắt khiến người cõi âm khó nhẹ nhàng viễn du tầng xanh mây trắng.

 

ba-ngoai-LMQRR

Bà ngoại tôi

Có phải vậy không hỡi ngày sau trùng trùng cát bụi? Có phải vậy không hỡi ngày sau trùng trùng cát bụi? Còn đang sống đây, hãy cứ vui đi.

Đêm qua, ăn bún chả cua và chả Đà Nẵng. Ngon ơi là ngon. Bàn tay nội trợ của Nàng chế biến ngon. Lén mẹ, đem cho Nàng, hai con cá chuồn đã chiên. Vậy là cầu được ước thấy nhé. Chiều nay có thể lai rai chút đỉnh chăng Nàng ơi? Mai Tẹo về Đà Nẵng rồi.

Công việc vẫn nhì nhằng. Vẫn chưa viết gì cho báo MT được. Ngày mai thôi. Q ơi! Cố lên!

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà