LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.5.2013

Array In Array

 

Đêm qua tung tăng với Váy ơi là váy. Mừng bạn vừa có tập tập mới phát hành. Chỉ vài người. Bia rót lênh láng lên trời xanh. Ngồi nói chuyện linh tinh. Hỏi, chọn lấy mỗi một chữ trong cuộc vận hành của vũ trụ này, bạn chọn lấy chữ gì? Q chọn chữ Duyên. Trần Nhã Thụy chọn chữ Thương. Nghe bạn nói vậy, lúc ấy Q sực nhớ loáng thoáng đến câu thơ của Lưu Trọng Lư:

 

photobanbe

Từ phải: Nhà báo Trần Hoàng Nhân, Lê Minh Quốc, Ngô Kinh Luân, Trần Nhã Thụy và Oanh

 

Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ

Vì thương người lắm, mới say thơ

Phên thưa đã có bàn tay đỡ

Đêm lạnh, phăng lần những mối tơ


Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương

Chao ôi! Thiên lý một con đường

Đi trong trời đất từ duyên ấy

Sớm tối không rời một chữ thương


Sau này, Q thường gặp Lưu Trọng Văn, con trai của nhà thơ Tiếng thu. Có câu chuyện như sau, chuyện này kể lại ngắn gọn, vắt tắt thôi, xẩy ra vào năm 2004. Nhớ vì bấy giờ cả nước đang kỷ niệm rầm rộ 50 năm chiến trắng Điện Biên Phủ. Anh em kéo nhau vào quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn, bấy giờ, đối diện là nhà hàng karaoke Dân Ca. Lúc nhậu, anh Văn cao hứng kể lại chuyến đi giang hồ qua các tỉnh miền Bắc mà sau đó anh có viết nhiều bài báo. Những bài báo này hấp dẫn bạn đọc là do anh quan sát tận nơi và suy luận. Chẳng hạn, khi đến Hoa Lư nhà Đinh, anh quả quyết vụ Đỗ Thích giết cha con vua Đinh, với cấu trúc xây dựng cung đình như thế này, như thế kia thì không thể dẫn đến chi tiết như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép:  "Khi ấy việc bắt hung thủ rất ngặt. Thích trốn nép trên máng nước trong cung, qua ba ngày, khi gặp trời mưa lấy tay hứng nước để uống, cung nữ trông thấy báo với Định Quốc Công Nguyễn Bặc. Bặt sai người bắt đem chém, đập nát xương và băm thịt ra...".

Rồi anh lại gật gù, tỏ ra hoài nghi về một vài nhân vật không có thật, bằng chứng là khi đến tận nơi bia mộ, anh không tìm ra được những thông tin cần thiết v.v...

Nói trong lúc nhậu là nói chơi, nói giỡn và cũng có khi người ta nói để mà nói, hoặc cố tình nói sai lệch vấn đề nào đó đặng tranh luận khoái khẩu.Thông thường người say lại hay nói thật.

Câu chuyện của chúng tôi chỉ bàn luận về sử sách, và phản biện về một vài điều  mà lâu nay người ta vẫn  tin cũng không ngoài mục đích làm sáng tỏ vấn đề đang quan tâm. Ấy thế mà lập tức có người mặc thường phục, ngồi bàn phía bên kia, cũng ngà ngà say, bước đến và... đặt khẩu súng K.54 lên bàn, gằn giọng: "Tao là dân Củ Chi, cha mẹ tao bị xe xe tăng Mỹ cán chết. Tao là con liệt sĩ, đi đánh Mỹ từ năm mười tuổi. Mày có dám nói lại những gì mày vừa nói không?". Nhìn thấy khẩu súng thép, chúng tôi lạnh người. Nào ngờ, anh Văn vẫn cứng cõi: "Sao lại không? Chúng tôi đang bàn về học thuật, về nghiên cứu lịch sử, mời anh bước ra chỗ khác". Tất nhiên, người này không đi và vẫn đứng đôi co: "Mày con ai mà mày dám nói linh tinh?". Anh Văn ưỡn ngực: "Tôi, con của nhà thơ Lưu Trọng Lư".

May quá, lúc bấy giờ có một chị phụ nữ bước đến bàn chúng tôi và nói: "Tôi mê thơ Lưu Trọng Lư" và đẩy anh chàng kia quay về. Không ngờ chị dành cho bàn nhậu của bọn tôi nhiều thiện cảm. Lúc ấy, nhà báo Lưu Đình Triều nhận ra chị, đó là nữ anh hùng lực lượng vũ trang và cũng là nhân vật chính của vở kịch nổi tiếng Khách sạn hào hoa. Nhờ đó, mọi việc có vẻ lắng dịu. Nhưng giây lát sau anh chàng nay vẫn lò dò bước qua, vẫn đằng đằng sát khi như muốn "ăn thua đủ" nhưng sau khi nghe chị ấy nói thì thầm gì đó, anh ta thay đổi thái độ và tỏ ra muốn xin lỗi anh Văn và bọn tôi. Có thể tin sự phục thiện tắp lự của người đang say không? Chắc là không? Dần dà chúng tôi tìm cách rút êm, kéo nhau qua karaoke Dân Ca hát hò cho nhẹ cái đầu... Về sau, trong một cuộc họp khác tôi có gặp lại chị phụ nữ này, chị tỏ ra lấy làm tiếc vì thái độ của "lính" dưới quyền chị trong bữa nhậu hôm ấy.

Nhậu chỗ đông người mà bàn chuyện nghiêm túc hoặc đùa cợt cũng dễ gây hiểu nhầm. Vậy chẳng lẽ nhậu là ngồi câm như hến? Q chúa ghét những ai ngồi nhậu chung mà chẳng há mồm ra nói một câu gì! Chán.

Khi nào tìm ra bài viết về nhà Lưu niệm Lưu Trọng Lư thì sẽ post lên trang web này. Bài đó, viết khi qua chơi nhà Lưu Trọng Văn và Q có tặng một vài tác phẩm của Lưu Trọng Lư in trước năm 1975 tại miền Nam.

Sáng đi ký nhuận bút. Tính ra mỗi chữ được trả đúng 1 ngàn đồng. Như vậy là nhiều hay ít?

Tập Váy ơi là váy đọc thú vị, Ngô Kinh Luân cũng nhận xét như vậy. Trần Hoàng Nhân ký Y Choang Trần viết bạt và Q viết Tựa. Ngồi chung mới nhớ Oanh là người trước đây đã nhờ Thụy thực hiện tập sách Không gian tiệm nước, gồm những tạp bút, tùy bút về Sài Gòn. Hôm ra mắt ở Văn Thánh, Q làm MC giới thiệu. Vui.

Lúc ra về, trên nền trời đã tối đen và sực nhớ đến công việc của ngày mai. Ngày mai lại ngồi vào bàn viết. Không viết lấy gì ra tiền? Khổ thế.

 

L.M.Q

 

 


Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà