LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.9.2013

 

Văn hào Lỗ Tấn nói: “Trên trái đất ban đầu làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi”. Nghề văn cũng vậy chăng? Hôm kia em Hiền ra đề bài "tập làm văn": “Nhân vụ trai đẹp bị trục xuất sắp sang Việt Nam, anh nghĩ xoay quanh việc này như thế nào? Gợi ý: Có câu gái ham tài trai ham sắc nhưng qua vụ trai đẹp bị trục xuất mới thấy gái cũng ham sắc lắm”. Lâu nay, y chỉ mê gái đẹp. Thấy là tít mắt. Vắt giò lên cổ chạy theo gái như thiêu thân lao vào ánh lửa. Nào có nghĩ đến chuyện gái mê trai đẹp. Trong đầu hoàn toàn không có ý tưởng gì. Vậy mà sáng nay ngồi vào bàn viết, rồi cũng đâu ra đó.

Ủa? Chữ ở đâu mà ngày nào cũng có thể viết?

Nghề viết cũng tựa như nông dân gieo hạt. Có hạt mẩy. Có hạt lép. Có hạt nằm im lìm dưới đất sâu, tự hoại. Có hạt nhú lên mầm xanh. Có lúc gieo xong thấp thỏm chờ mùa vàng thì bất ngờ lũ lụt, hạn hán ập tới trắng tay. Chẳng biết đâu mà lần. Mà cần gì phải biết. Mỗi ngày người nông dân lại vác cuốc ra đồng vui thú với công việc. Không nề hà. Không thở than:

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.

(Tố Hữu)

Có lần hỏi anh Huỳnh Bá Thành: “Nè anh Ớt, trong đời làm báo, lời khen nào khiến anh cảm động nhất?”. Anh cười khà khà. Mắt lúng liếng. Con mắt có đuôi.Đẹp trai ngời ngời: “Hồi mới vào nghề, có lần về quê ăn Tết, ba tao khen chữ ở đâu mà ngày nào cũng viết được?”. Anh trả lời thế nào? “Tau chỉ cười sung sướng thôi”. Anh Ba Ớt là dân Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Trong những ngày cuối đời, anh có ý nguyện muốn tạc tượng nghệ thuật bằng đá Non Nước. Một cách chơi tao nhã như trước đã vẽ. Tiếc anh mất sớm nên không thực hiện được.

Nhà văn Sơn Nam kể lúc vừa in xong tập truyện ngắn trứ danh Hương rừng Cà Mau: “Tôi gửi một quyển về cho bác Hai tôi, ông không biết đọc chữ Hán, chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc lại, năm ấy bác đã khoảng 90 tuổi. Đứa cháu ấy viết lá thư ngắn gửi lên Sài Gòn, tóm tắt ý kiến của bác tôi mà tôi vô cùng trân trọng: “Thằng này nói dóc nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”. Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đó đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.

Nghề viết nó thế, đôi khi chỉ cần một người khen là đủ. Một bài thơ tình tặng người yêu, cô ta rưới lên nước hoa, đặt dưới gối nằm mỗi đêm, học thuộc từng chữ thì hạnh phúc quá đi chứ?

Người Việt Nam có thể thiếu nhiều thứ nhưng dứt khoát không thiếu thơ. Sở dĩ nói vậy, vì trong thời gian gần đây rộ lên quá nhiều vụ đạo thơ. Ngày trước, những kẻ háo danh nhưng bất tài chép nguyên si bài thơ, ký tên mình, gửi đăng các báo những mong kiếm được chút danh. Hư danh. Thời đó, làm như thế là được bởi các phương tiện truyền tin chưa phong phú, đa dạng như hiện nay. Ngày nay làm kiểu đó, chỉ cần vào goolge kiểm tra lòi ra ngay. Thế là dân đạo thơ đã đối phó bằng cách này: Không chép lại y chang mà chỉ dựa vào đó, sửa lại đôi từ, đổi tựa rồi dũng cảm ký tên mình. Chẳng ai có thể phát hiện, nếu không là tác giả.

Trước đó, anh Nguyễn Việt Chiến có bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, sau Cao Phú Cường ở An Giang lại có bài thơ Tổ quốc tôi nhìn từ biển. So sánh cả hai bài, anh Chiến viết: “Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời” ; hoặc “Bao dáng núi còn mang hình góa phụ”, Cường đạo thành: “Máu xương đổ dằng dặc không thể đếm” ; hoặc “Núi mang hình góa phụ nhiều hơn” v.v… Đã thế, địa danh trong  thơ của anh Chiến là Cồn Cỏ, Lý Sơn, Hòn Mê thì Cường sửa thành Bạch Long Vỹ, Phú Quốc, Côn Đảo.

Nhảm nhí không thể tả.

Nghĩ cho cùng, chuyện làm thơ thời buổi này đã là việc làm nhảm nhí. Rất nhảm nhí, bởi nhà thơ chúng ta đang đứng bên lề của cuộc sống. Không thở cùng hơi thở cùng thập loại chúng sinh. Chúng ta đang lan man tìm cảm hứng đâu đó trên chín tầng mây xanh. Như kẻ mộng du. Như người ngớ ngẩn. Lẩm ca lẩm cẩm. Do đó, chẳng ai ngạc nhiên khi công chúng ngày càng xa lánh thơ. Hiện nay, không một nhà xuất bản nào dám bỏ vốn ra in thơ, chỉ tác giả tự làm lấy từ A đến Z. In xong chỉ tặng thôi à? Vì thế, mới có câu "Thơ tôi... biếu rất chạy". Các báo chính trị, xã hội hầu hết cắt phéng chuyên mục thơ. Chỉ vào dịp báo Xuân, báo Tết in dăm bài thơ cho vui trang báo. Thơ cũng tựa chậu hoa mai, lan, cúc, trúc chưng trong nhà dịp xuân. Có cũng được, không có cũng chẳng sao. Khi xem thơ xướng họa của các nhà thơ là ông hoàng bà chúa trong Thi xã Mặc Vân, Cao Bá Quát châm biếm:

Ngán cho cái mũi vô duyên

Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An

Đem thơ ví với mùi thuyền nước mắm Nghệ An nên nhiều người trong thi xã tức giận, cho rằng ông kiêu ngạo. Chẳng phải đâu. Thật ra, ông chỉ muốn cười cợt loại thơ thù tạc; thơ vịnh mây, nước, trăng, tuyết, hoa... Loại thơ chỉ miêu tả cảnh gió trăng phù phiếm không phản ánh được nguyện vọng, nỗi bức xúc của người dân. Cao tiên sinh đã nhận thức trước thế hệ chúng ta nhiều lắm. Sau gần ba năm bị giam cầm, cuối năm 1843, ông được triều đình tạm tha, nhưng bị chuyển vào Đà Nẵng, đi “dương trình hiệu lực” theo phái đoàn do Đào Trí Phú dẫn đầu sang Indonesia. Sang đó, nhìn thấy xứ người và nhìn lại xứ mình, Cao tiên sinh bật cười chua chát: “văn chương chỉ là thực ra chỉ là trò chơi con trẻ”. Còn sự tự vấn nào chua cay hơn:

Ngán cho mình đóng cửa nhai văn, nhẩm chữ bấy lâu rồi.

Sâu đo nọ, những đòi đo thế giới!

caobaquat

Bút tích Cao Bá Quát: " Thiên cơ sở chí, lạc bút định bất phi tưởng" (tứ thơ tự nhiên đã đến, hạ bút xuống không cần tốn công suy nghĩ) là câu Cao Bá Quát khen thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh. (Tư liệu của Dương Tụ Quán cho nhà văn Trúc Khê mượn chụp lại và công bố trong tập Cao Bá Quát do Trúc Khê viết năm 1940).


Đừng nhìn đâu xa, biết bao giờ thế hệ nhà thơ chúng ta mới học tập được thái độ của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Sau khi được đọc thơ văn cấp tiến như Bái thạch vi huynh (Phan Bộ Châu), Thiên hạ đại thế luận (Nguyễn Lộ Trạch), Lương Ngọc danh sơn (Huỳnh Thúc kháng - Trần Quý Cáp)…; những tân thư như Trung đông chiến kỷ, Dinh hoàn chí lược… Nguyễn Thượng Hiền đã đốt sạch thơ mà cụ đã viết trước đó:

Tập thơ chạm gọt bởi ham danh

Say đốt quách đi dạ cũng đành

Chưa dễ về sau lừa kẻ khác

Nhưng mà giữ mãi mệt thân mình

(Lê Thước - Vũ Đình Liên dịch)

Ấy mà thời buổi này còn đạo thơ của nhau là chuyện không thể hiểu nổi. Không tưởng tượng nổi.

Ngày hôm nay lại mưa. Sáng, phở; trưa, cơm; chiều lại phở. Một ngày lại đi qua. Còn mấy ngày nữa là đến tết Trung thu?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.9.2013

nam-dong

 

Sáng nay, theo kế hoạch phải ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà ngày thứ 7 là cực hình. Bởi nghỉ ngơi trong thế giới  quen thuộc nhà mình vẫn hơn phải tất bật phố xá ồn ào. Vậy mà phải đi ra khỏi nhà. Bởi lời hứa với một kênh truyền hình. Cuối cùng bỏ quách. Không đoái hoài nữa dù đã có lời xin lỗi. Bỏ vì lý do: Thay đổi thời gian sớm hơn một tiếng đồng hồ; thay đổi đề tài đã thỏa thuận trước; người trò chuyện không rành lãnh vực trò chuyện trao đổi. Cái thiếu chuyên nghiệp này chỉ đem đến người khác sự bực mình. Không phải cần nghe lời xin lỗi, năn nỉ mà phải thay đổi quy trình, tác phong làm việc.

Người ta nói ở Sài Gòn dễ làm ăn, dễ kiếm sống bởi đất rộng người đông, chẳng ai biết ai, có khi chỉ gặp một lần rồi cả đời chẳng gặp lại. Chẳng phải đâu. Nhầm rồi đấy. Chỉ một một lần ba que xỏ lá, xọc dưa, thất tín, lần sau người ta “cạch mặt” ngay. Trên đời, làm đủ điều tốt, chẳng có ai khen cho một tiếng. Chỉ một lần ba trợn ba trạo là làng trên xóm dưới đều hay.

Khi gặp điều bực bội, phiền toái hãy quên đi, nó không đáng để mình phải nghĩ trong đầu. Bèn đi hớt tóc. Noo hỏi nàng về chưa? Cô chị của Noo vẫn xinh đẹp, vui vẻ, cũng nhắc đến nàng, vẫn lâu nay nguyện hiến mình cho Chúa. Mỗi sáng vẫn thức dậy từ lúc gà gáy đầu ngọn tre là bước vào thánh đường. Mười ngày như một. Đều như vắt chanh. Khi có một đức tin để sống, người ta hướng đến cái thiện nhiều hơn.

Chẳng hiểu sao trên đường đi về lại lan man nhớ đến anh Nam Đồng, tục danh anh Năm. Nếu ngày đó, anh Năm không in bài viết ghi chép thơ dân gian tại Trường Viết văn Nguyễn Du, sẽ không có tập sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam. Sách tái bản nhiều lần. Cảm động lúc tái bản gần đây, anh Năm điện thoại cả tiếng đồng hồ trao đổi về tập sách. Đáng chú ý, theo anh cần đổi tựa. Phải là Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại.

Ngẫm nghĩ thấy có lý.

 

namdong2

Thủ bút & chữ ký nhà báo Nam Đồng

 

Có lẽ chưa một Tổng biên tập nào để lại nhiều giai thoại từ nghiệp vụ đến lúc trà dư tửu hậu như anh Năm. Đã có vài giai thoại về chuyện tình của anh, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã đưa khéo léo vào truyện ngắn. Anh em đọc xong, cười bò lăn bò càng! Có lẽ anh là TBT duy nhất ngay khi về hưu các đồng nghiệp đã làm riêng một quyển sách về anh và “in lậu”: … Nhìn từ đồng nghiệp (Tập hợp các bài viết về nhà báo Nam Đồng dịp ông vừa “hoàn thành nhiệm vụ”). Sách in năm 2009,  Thái Bình và Thanh Hoa biên soạn bằng cách tập hợp nhiều bài trên các blog cá nhân đã viết về anh Năm. Tập sách này nếu in ra sẽ hữu ích cho những ai có nguyện vọng theo nghề báo. Đọc và cười một mình. Kỷ niệm với anh Năm cũng nhiều. Có dịp sẽ viết lại chơi.

Trước mắt nhận xét rằng, đây là một người có tuy duy lạ lùng. Dù lãnh vực nào, khi nghe người khác trình bày, anh cũng có thể thâu tóm lại đầy đủ. Rồi chỉ ra cái cốt lõi. Rồi đề ra hướng giải quyết một cách nhanh nhậy. Hợp lý. Anh biết cách nghe và hướng dẫn người khác trình bày vấn đề không chệch ra nội dung cần nghe. Không những thế, khi anh đang nghe thì người khác cũng phải nghe theo, không được bàn tán chuyện khác. Sau chừng năm, bảy ý kiến đã nghe là anh có thể phát biểu "tổng kết" rốt ráo. Đâu ra đó.

Một tư duy như thế, họp hành thì được chứ ngồi nhậu chung thì quá chán. Bất kỳ vấn đề gì xẩy ra trên bàn nhậu, anh cũng “nghiêm trọng” bàn bạc như đang họp! Ủa? Nhậu là nói chơi xả láng sáng về sớm chứ phải đâu chỉnh chu, tỉnh táo như đang làm việc ở cơ quan? Vì thế, nhiều cuộc nhậu có anh Năm là tìm cách né cho lành. Đùa thôi, nhậu với một người như thế cũng cái thú, được học hỏi nhiều điều.

Một chiều ngồi nhà. Ngồi nhà như thói quen. Chiều dần xuống. Bóng đêm đã đến. Lại một ngày. Một ngày sắp qua.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.9.2013

 

phu-nu-sagRR

Ảnh phụ nữ Sài Gòn chụp thời người dân còn kiêng từ húy "dám", phải nói thành "diếm"

 

Không có thời gian và cũng không thật hào hứng lắm, nếu bỏ công sức tìm hiểu tên họ, bút danh, bút hiệu, tên đệm, miếu hiệu… của người Việt chắc lý thú. Nói thế, bởi đang đọc Nhân danh học Việt Nam (NXB Trẻ) của PGS - TS Lê Trung Hoa. Thật ra cuốn này, lần đầu tiên in năm 1992 có tựa Họ và tên người Việt Nam. Từ 1992 đến 2013, in lại vẫn không bổ sung gì đáng kể. Nghiêm túc nhận xét, cũng là một đóng góp tuy nhiên vẫn còn sơ sài, sơ lược, đọc không “đã” lắm. Lẽ ra tác giả còn có thể viết kỹ hơn, chu đáo hơn, đầy đủ hơn nữa. Kể ra cũng tiếc.

Tư duy của người Việt nhìn chung là ít chịu làm cái gì cho đến nơi đến chốn. Ra ngô ra khoai. Ra tấm ra miếng. Loại sách công cụ “khuôn vàng thước ngọc” dành cho người nghiên cứu đến nay vẫn chưa nhiều. Chẳng rõ các lãnh vực khác thì sao, bên văn học nghệ thuật khi cần tra cứu một thông tin “chuẩn không cần chỉnh”, sẽ tìm ở đâu? Có lẽ, thời điểm này vẫn là bộ Từ điển văn học (bộ mới) - nhiều tác giả - NXB Thế giới (2004). Thế nhưng trong đó vẫn có một vài chi tiết sai và nhất là vẫn thiếu sót không ít cây bút trước 1974 tại miền Nam. Xin nhắc lại dù muốn dù không, dòng văn học ấy cũng không thể chối bỏ, nó đã là một bộ phận hữu cơ dựng lên diện mạo văn học nước nhà trong một giai đoạn nhất định. Bỏ đi là bỏ làm sao?

Viết sai chính tả phổ biến ở nhiều người, có thể lấy đâu làm chuẩn. Tất nhiên phải Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nhưng hàng loạt từ mới du nhập vào lời ăn tiếng nói vẫn chưa cập nhật hóa. Rồi đọc thơ văn cổ, gặp nhiều từ cổ, tra cứu ở đâu? Ví dụ, “Triều đình ai có dám he/ Thấy thì lét mắt, gặp thì bá vương” (Thiên Nam ngữ lục), “Cho nên áo ức kén mùi/ Đỉnh ngoài đường đáp chơi bời ngâm thơ” (Truyền kỳ mạn lục) v.v…Tạm hiểu: He: Nói hay làm một điều gì đó; lét: tái xanh; áo ức: bất đắc chí; đỉnh: đủng đỉnh… Hoặc các chức vụ, tước thời trước, hiểu ra làm sao với Tả giáng nghị đại phu, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thái sư, Thái phó v.v… Ai có thể giải thích giùm? Không ai giải thích giùm thì dựa vào sách nào tra cứu một cách hệ thống, đầy đủ?

Đành chịu.

Nếu có ai cắc cớ hỏi, vì sao giai đoạn biến động đánh nhau ì sèo giữa nhà Lê, nhà Mạc và họ Trịnh, sử gọi “Nam triều - Bắc triều”? Vì sao gọi “Đàng Trong - Đàng Ngoài”; “Nam Hà - Bắc Hà” v.v… người hiếu học có thể tra cứu ở tập sách nào? Rồi địa chí từng vùng miền, chẳng hạn, đến Huế, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cà Mau… quyển sách “gối đầu giường” nào có thể giúp ta hiểu rõ địa phương đó từ lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, các tên con đường thay đổi qua năm tháng, ăn uống, sinh hoạt, giải trí, đặc sản ẩm thực…? 

Rõ ràng, loại sách “công cụ” ấy ta vẫn còn thiếu nhiều lắm.

Có phải điều đó cũng phản ánh tư duy người Việt chăng? Cái gì cũng làm qua loa, đại khái, không dám đi đến cùng sự việc. Ở Sài Gòn có những thợ sửa ổ khóa thuộc loại siêu việt, bất kỳ ổ khóa nào họ cũng có thể sử lý ráo trọi. Khâm phục quá, bèn hỏi, thế ông có truyền nghề lại cho con không? Nghe câu trả lời mà giật mình, không, cái nghề này hèn kém, thu nhập ít nên khuyên nó kiếm nghề khác mau có tiền, lại có tiền nhiều hơn. Xem những bộ phim truyền hình, kinh ngạc quá, ở châu Âu đến nay vẫn còn những dòng họ, từ nhiều đời chỉ làm một nghề duy nhất: nghề làm nút chai rượu vang! Chính ngành nghề cha truyền con nối, trải qua nhiều đời vẫn giữ uy tính như lúc mới khởi nghiệp nên sản phẩm đó mặc nhiên trở thành “thương hiệu”. Người Việt có thương hiệu gì tồn tại hàng trăm năm, chỉ cần nhắc đến tên đã tạo ra sự tin cậy?

Một thời vang Đà Lạt được ưa chuộng, nay làm giả tràn lan, đứng trước quầy hàng rượu vang dù mua tại Đà Lạt nhưng cũng bị hố như con cá ngố! Chả cá Lã Vọng ngon không? Ngon chứ sao không? Ở Sài Gòn ngày trước có quán ở trong hẻm khu phía sau chợ Tân Định, cực ngon, do ăn nhiều nên biết ông chủ quán thời mới giải phóng làm báo SGGP, sau nghỉ về mở quán. Quán ngon nên đông khách. Đến lúc nhà nước mở đường xá rộng rãi, xây nhà mấy tầng cũng để mở quán. Chỉ tồn tại vài năm là tự động đóng cửa bởi con cháu làm ăn chất lượng thua xa thời ông bố! Dân Việt Nam khoái rượu. Sành rượu. Thế mà rượu Việt cũng không có “thương hiệu” nào. Các loại trứ danh như Làng Vân (Bắc Giang), Bàu Đá (Bình Định), Gò Đen (Long An), Phú Lễ (Bến Tre), Xuân Thạnh (Trà Vinh), Làng Chuồn (Huế), Kim Long (Quảng Trị)… dù mua chính nơi địa phương đó sản xuất cũng bị nhầm như thường! May quá là may, trí tuệ của các bậc làm văn hóa rất đáng kính, uyên bác kia đang lao tâm khổ tứ ngày đêm loay hoay đi tìm cái gọi “quốc hoa”, chứ đi tìm “quốc tửu” chỉ có nước bí rị!

Chiều nay mưa một trận thật lớn. Ngắm mưa sướng hơn. Chỉ thèm có một chai vang đỏ khề khà chút đỉnh cảm nhận trời đất, thiên nhiên lúc nào cũng thanh tân, tươi mới dậy thì. Dù hạnh phúc, dù bất hạnh, vẻ đẹp của thiên nhiên vẫn an ủi tâm hồn con người thủy chung nhất.

Trở lại với tên họ người Việt nữa không? Không.

Chỉ liệt kê ra vài tên húy của vua chúa người Việt thôi. Đánh giá chuyện này ra sao? Xin được học hỏi các nhà nghiên cứu chuyên sâu ngôn ngữ học, văn hóa. Nay, ngồi ngắm mưa và liệt kê thử xem sao những từ nào bị biến âm bởi quyền lực của nhà vua? Thì đây, kính/ kiếng; thành/ thiềng; câm/ kim; chu/ châu; hoàng/ huỳnh; nguyên/ ngươn; phúc/ phước; tùng/ tòng; thật/ thực; hoa/ huê; miên/ mân; khâu/ kỳ; hương/ nhang; minh/ miêng;  nguyệt/ ngoạt; tự/ tợ; đảm/ đởm; thụy/ thoại; hồng/ hường; nhậm/ nhiệm; ánh/ yếng; vũ/ võ; dao/ diêu; đào/ điều; hành/ hiềng…  À quên, trong Sài Gòn tạp pín lù, cụ Vương Hồng Sển có cho biết trong dân gian ở Nam bộ những năm 20 thế kỷ XX còn kiêng kỵ chữ “dám” nữa, phải nói trại thành "diếm", bởi "trùng âm với “giám, thái giám” đụng đến cái tiểu tật hay ẩn tật của ngài Tả quân họ Lê” (tr.49). Thế mới biết uy quyền của ngài Lê Văn Duyệt thời ấy kinh khiếp biết chừng nào. Không rõ, tại sao con đầu lòng trong nhà, ngoài Bắc gọi "Cả" trong khi đó, Trung Nam lại gọi theo theo tứ tự "Hai"? Có phải do kiêng tên ông Bá - đa - lộc (Avêque d'Adran) thường dược gọi Cha Cả?

Cái sự kiêng khem này chắc chắn còn nữa, ai biết bổ sung thêm.

Đọc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, ta thấy đời vua Tự Đức 1850 có quy định, chỉ lướt qua mấy điểm chính: Những chữ húy (tên vua) theo lệ phải đổi dùng chữ khác, kẻ nào phạm đến thì đánh 100 trượng, nếu kẻ ấy là bậc cử nhân hay tú tài phải xóa tên ở sổ thi đỗ. Những chữ quốc húy mà lệ dạy phải bớt nét lại quên không bớt nét, cùng những chữ đồng âm mà lệ dạy phải đổi dùng chữ khác lại quên cứ viết thẳng chữ ấy ra đều được chiếu theo luật phạm vào chữ húy, kẻ ấy bị đánh 90 trượng v.v.. Do năm 1877, một số cử nhân thi Hội (theo thứ tự thi Hương, thi Hội, thi Đình) nhiều người phạm chữ húy “Tuyền” - tên vua Thiệu Trị nên bộ Lễ nhà Nguyễn phải bàn cách sử lý. Họ ra văn bản có nhiều điều khoản quy định khốc liệt hơn. Sai phạm trên sử lý như sau: Các ông cử nhân đó bị giảm một đẳng, đánh 90 trượng, có phẩm trật thì giáng 3 cấp đổi đi nơi xa, không có phẩm trật thì cho nộp tiền chuộc tội.

Khắt khe quá nên ông Trần Tế Xương “thi không ăn ớt thế mà cay”. À, nhờ thi rớt nên nền văn học nước nhà mới có ông Tú Xương:

Ông Nghè, ông Thám vô mây khói

Đứng lại văn chương một Tú tài

Năm 1841, Cao Bá Quát về Bộ Lễ ít lâu, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Nhận thấy nhiều bài thi khá nhưng lại phạm quy trường thi vì các lỗi  lặt vặt, sơ xuất nhỏ. Do không muốn người có tài bị đánh rớt, ông bàn với người bạn là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Chẳng may thiện ý này bị phát giác, Cao Bá Quát bị tống vào ngục. Vua Thiệu Trị giảm tội ông từ trảm quyết xuống giảo giam hậu. Giảo giam hậu nghĩa là tội nhân lẽ ra bị thắt cổ chết nhưng giảm việc thi hành, giam lại đợi lệnh.

Mà thôi, không nhắc lại nữa, trời đã sắp tạnh mưa. Chỉ biết rằng, chúng ta đã một Cao Bá Quát lừng lẫy từ sự ngiệp thơ đến tư cách làn người:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Mười năm giao thiệp tìm gươm báu

Một đời chỉ cúi trước hoa mai)

Kẻ sĩ thời click chuột có còn giữ được phẩm chất ấy không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.9.2013


DSCN0482tang-nghia

Tranh Lê Minh Quốc đã tặng bạn Đà Nẵng

 

Nếu nhớ không nhầm, làm sao mà nhầm, mà nếu có nhầm thì cũng chẳng sao. Nho lâm ngoại sử của nhà văn Ngô Kính Tử viết từ đời nhà Thanh, trong đó có mẩu chuyện buồn cười. Đọc lâu quá, chỉ nhớ loáng thoáng: Ngày nọ, chàng thư sinh mặt trắng đi xem kết quả thi. Hắn ta mừng rú lên khi thấy tên trên bảng vàng. Mừng quá hóa ngây. Vui quá hóa dại. Chẳng thể nào trở lại bình thường. Suốt ngày cười cười, nói nói như mê như tỉnh. Chữa trị bằng cách nào? Có người bất ngờ vung tay tát một cú thật mạnh. Tát ngay vào mặt. Đau điếng. Hắn ta giật mình. Tỉnh mộng.

Ngày nay, còn có những kẻ như thế không? Nếu còn chẳng việc gì phải thô bạo, chỉ cần đọc cho hắn ta nghe thông tin này. Lập tức, hắn dựng tóc gáy. Gào lên ba tiếng khóc hu hu. Hết đờ đẫn ngay lập tức. Bởi hắn sốc.

Cú sốc này cũng tựa như bậc sư sãi đáng kính suốt một đời chay tịnh, tham thiền nhập định chỉ còn một giây nữa bước lên cõi thiên đàng thì đột ngột có thằng cha căng chú kiết cà chớn níu áo nhét vào mồm cày tơ bảy món.

Cú sốc này cũng tựa như Hồ Tôn Hiến: "Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trong vào" bèn hào phóng ký tặng hồn ma Đạm Tiên cái Huân chương bắc đẩu bội tinh, những tưởng sẽ được nghe lời nịnh nọt hót líu lo đến gẫy lưỡi, nào ngờ nàng ném trả vào mặt ngay thiên thanh bạch nhật.

Cú sốc này cũng tựa như lâu nay trên vĩa hè hằng ngày  vẫn đi thong dong, vui vẻ huýt  sáo, bước đi mát cả chân bỗng một sáng thức dậy đã thấy người ta đào bới lung tung lên để thay gạch mới.

Cú sốc này cũng tựa như trước phút bỏ phiếu bầu nhân sự nhiệm kỳ năm năm bỗng có lá đơn nặc danh tố cáo thời ở tù Côn Đảo đã có lần chào cờ quốc gia, sự việc hư thực ra sao nhưng tạm thời gạch khỏi danh sách ứng cử  để "hạ hồi phân giải". Nhiệm kỳ sau thì... đến tuổi nghỉ hưu.

Cú sốc này cũng tựa như ngày đẹp trời, đôi bên hồ hởi phấn phởi tổ chức đám cưới linh đình, trong cái đầu đứng đắn của chú rể chỉ chắc mẩm, nghĩ ngợi, tơ tưởng đến giây phút: "Xắn tay mở khoá động đào/  Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai" thì than ôi vào phút 89 mới hay cô dâu đã quất mã truy phong "mất hút con mẹ hàng lươn" đâu từ đời tám hoánh.

Tóm lại, khỏi dài dòng thêm. Cú sốc này quá nặng: Báo TT& VH cuối tuần ngày 6.9.2013 cho biết: “Đứng đầu top lương khủng ở TP.HCM sau đợt thanh tra liên ngành là Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị với mức lương 2,6 tỷ đồng/ năm (hơn 280 triệu tháng). Xếp thứ hai là Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM, với 2,2 tỷ đồng. Giám đốc hai Công ty khác, Công ty giao thông Sài Gòn và Công viên cây xanh cũng nhận lương xấp xỉ 1 tỷ đồng / năm. Cả 4 công ty nói trên đều là công ty công ích (vốn 100% của Nhà nước)”.

Bình luận cái tin này như thế nào? Chắc chắn các bà, các mẹ nông dân quê mùa, thất học chỉ cần mắng một câu: “Trời đất! Ăn chi mà đoản hậu”. Vậy là đủ. Đủ sức nặng khái quát mọi điều. Cần gì mỏi miệng dông dài.

Ngày trước, Tổng đốc Hoàng Diệu ra Hà Nội làm quan, nhân có người về quê, ông gửi cho mẹ một vóc lụa quý. Nhận quà của con, mẹ ông trả lại và gửi kèm theo cây nhành dâu, ta hiểu tượng trưng cho ngọn roi. Ý bà mẹ muốn con liêm khiết, đừng nhận quà cáp của dân, đừng thu vén riêng tư mà hãy dốc lòng vì việc nước. Những bà mẹ này thời đại nào cũng có. Có điều, thời buổi này sử lý như vậy ắt khó. Chỉ còn cách tự giữ mình. Khi làm việc gì, nghĩ đến những mối quan hệ ruột rà, bạn hữu, láng giềng nữa. Đạo Phật có cái hay là ghìm được lòng tham của con người qua triết lý kiếp sau. Kiếp này thất đức, kiếp sau trả giá. Mà nói gì cho xa, cha ông ta cũng bảo: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Ý thức ấy cũng giúp ta sống tốt hơn. Chẳng rõ, suy nghĩ thế này có đúng không, nhiều người nghĩ rằng, khi ngồi cái ghế ấy, vị trí ấy không khác gì đang sống trong tư thế "hốt hụi chót". Vì thế, bằng mọi cách phải thu vét tất tần tật cho bằng được, bằng mọi giá. Bất kể ngày sau thế nào. Đồng lương của các quan trên, so với nhân viên dưới quyền thì không thể chấp nhận về đạo lý, tình người với người trong một môi trường chung. Bạn của y là cựu binh, từng sống ở K, sau khi phục viên vào Sài Gòn làm "thợ đụng" nghĩa là "đụng gì làm nấy". Hắn bảo, mỗi sáng mà đi ăn tô phở đặc biệt là mất trắng một ngày công. Ngậm ngùi quá đỗi. Bán sức lao động mỗi ngày phải nhịn ăn nhịn mặc nhưng sống nhẹ nhàng, đơn giản là đồng tiền ấy sạch.

Đồng tiền có mùi không? Chắc chắn là có. Có đi chợ mới thấy thương những người mẹ, người vợ mỗi ngày lo cho chồng con. Họ tần ngần trước rau, cá, thịt… cân nhắc từng xu. Bất kỳ đồng tiền nào kiếm được từ sức lao động lương thiện cũng đều đầm đìa mồ hôi. Nặng trĩu sự nhọc nhằn chịu thương chịu khó. Trang viết của nhà văn cũng đầm đìa mồ hôi. Hôm qua đọc trên báo TN cái tin này: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Dasanbooks phát hành tại Hàn Quốc. Bản dịch tiếng Hàn do dịch giả Jeong Hae Yeong thực hiện.

Ông Jeong tốt nghiệp cao học chuyên ngành dịch thuật tại Đại học Ehwa và đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng sang tiếng Hàn. Trong phần giới thiệu, NXB Dasanbooks nhận định về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: “Cuốn sách này tặng cho người lớn những ký ức ấm áp của tuổi thơ và tặng cho trẻ em niềm vui được xem những dòng nhật ký thú vị của người bạn cùng tuổi mình”.

Trước đây, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ từng được tiến sĩ Montira Rato dịch sang tiếng Thái Lan và được NXB Nanmeebooks xuất bản năm 2010. Tại Việt Nam, ước tính đến nay tác phẩm này đã phát hành được khoảng 200.000 bản và luôn nằm trong danh sách best-seller hằng năm kể từ khi ra mắt năm 2008”.

Chúc mừng bạn mình. Chúc mừng những ai chí thú với công việc và đạt được hiệu quả. Vậy là vui. Một tác phẩm văn học in đến 200 ngàn bản là một số lượng khủng khiếp. Chỉ có thể là Nguyễn Nhật Ánh. Thời bao cấp in bằng tiền Nhà nước, nhắm mắt mà in, in không cần phải bán, in theo chỉ tiêu, kế hoạch gì gì đi nữa người ta cũng không thể dám vung tay đến số lượng đó. Nay sách in không phải "tình cho không biếu không", hoặc chất kho cân ký lô mà để phục vụ nhu cầu bạn đọc thì quả một kỷ lục khó ai có thể sánh nổi. Tuy nhiên nhuận bút đó, hỡi ôi, cũng ít hơn cái loại lương khủng vừa nêu trên. Mà so sánh làm gì? Người dân cần lao cật lực kiếm ra một xu cũng giá trị hơn một triệu của kẻ há mồm ra chờ thiên hạ nhét tiền vào mồm. Một xu đó chắc chắn sạch sẽ. Lương thiện. Vì sạch sẽ và lương thiện nên nó giá trị gấp triệu lần những đồng tiền do cơ chế mà có. Quái lạ, cái cơ chế gì mà sự phân biệt giàu nghèo đã có một khoảng cách quá xa. Đôi khi có những lúc để dễ dàng sống, người ta phải cố tình nhắm mắt mà đi. Đi không mở mắt. Vẫn đi. Tai vẫn nghe nhưng lại điếc. Ngày xưa có câu “mũ ni che tai” cũng nằm trong cái ý này. Ông nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh là nhà sử học uyên bác, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) có viết bài thơ:

Cứ nghĩ là quan đã bảnh sao?

Yêu nhau một giống nghĩa đồng bào.

Bới lông tìm vết, lòng không nỡ,

Giục bị xui nguyên, tội xiết bao.

Dấu đỏ lòe dân, trò lính tệ,

Môi thâm hớt nhảm, lối cường hào.

Kiếm ăn không phải mình không thạo,

Bắt nạt dân đen, có lẽ nào!

Bắt nạt dân đen để moi tiền. Nghề làm quan đó sao? Nghe chua chát. Thô bỉ. Kẻ sĩ ngày trước ra làm quan không sợ nghèo, chỉ lấy lý tưởng "trí quân trạch dân" (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ). Họ nghĩ rằng, “Lợi lộc làm người ta u mê, của cải khiến người ta sa ngã” (Ngô Thì Sỹ). Làm quan thời buổi này lấy lý tưởng gì tiến thân? Có lần cụ Đặng Xuân Bảng nói với vợ:“Các nhà quan để của cho con, con không chịu học, chỉ tiêu xài phung phí, mấy lúc mà hết. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng về sau dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây hỏi  thăm thì đã bán cối đá gần hết! Lại có quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dở ra mà bán. Nay con cháu cũng bán cả nhà lẫn đất rồi”. Câu chuyện vẫn còn ý nghĩa thời sự, cụ đang nói với thế hệ chúng ta đấy thôi.

Sáng nay, đã viết xong bài cho M.T. Viết vì thích câu: "Hãy gõ, cửa sẽ mở"  theo gợi ý của Thư ký tòa soạn M. Phương. Chiều qua lai rai với Nghĩa - bạn học từ tiểu học ở Đà Nẵng. Tặng bạn bức tranh. Mấy chục năm, đã hơn nửa kiếp người vẫn còn nhớ ngày tháng học trò. Trường Tây Hồ nằm trên đường Phan Thanh Giản, trước đó tên gọi là Rue Barisy, nay là Hoàng Văn Thụ. Nghĩa là em rể của nhà văn Đ.T.B. Đã nhận được hợp đồng của quán cơm Nụ cười. Ở đó, hai ngàn đồng cho một suất ăn dành cho người nghèo. Đem tranh đến đó trưng bày cùng vài anh em khác, họ sẽ mời các vị có tấm lòng hảo tâm mua tranh, lấy tiền đó làm từ thiện. Không mấy hào hứng. Liệu tranh có bán được không? Chiều nay, làm việc với VTC về chương trình sắp quay vào sáng thứ bảy này. Cũng cuộc trò chuyện xoay quanh về tình yêu. Họ đề nghị, chỉ cần nghe anh kể chuyện tình của anh là hấp dẫn rồi. Trời, có ai lại đem chuyện riêng tư kể oang oang cho đầu làng cuối xóm? Chẳng dại.

Ngày tháng vẫn trôi đi. Ghi lại câu “ranh ngôn” (chứ không phải “danh ngôn") vừa đọc trên Facebook: “Người ta hay dùng số tiền mình có để xác định giá trị vật chất và vị trí xã hội. Mình thấy ngược lại, khi không có tiền mà vẫn được quan tâm săn đón mới thật là giàu có đỉnh cao.

Sau khi than xài hết tiền không còn tiền mua vé về Saigon, mình đã được bạn ấy lập tức gửi sang một cái vé one way để dzìa.

Nhưng nếu đó là vé round trip thì mới thật là đỉnh của đỉnh”.

Bình luận gì không?

Thưa, không ạ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.9.2013

 

truonghansieuR

Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (nguồn: internet)

 

Tưởng chừng đã trở thành một con người khác. Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, y đáng khen thật. Ngoan quá, dễ thương quá, yêu quá. Chỉ nằm nhà, đọc sách và viết. Không bước chân ra khỏi ngõ. Không phải nghe tiếng xe máy rú xuyên qua tai như đại bác ầm ầm nã đạn. Không phải nghe tiếng gắt gỏng, cáu kỉnh như dùi đục chấm mắm cáy lúc kẹt xe giữa chiều nắng nhạt.

Y chỉ nằm nhà. Đọc sách. Cái thú đọc sách còn là đi đứng thong dong, nhắm mắt vớ tay lên kệ lấy bừa một quyển, gặp bất kể quyển nào là đọc. Không thích, lại rút ra quyển khác. Đọc nhảy cóc, đọc lơ mơ, đọc làng nhàng, đọc để mà đọc và không bị câu thúc bởi lý do gì. Khổ nhất, không thích mà phải đọc. Giết chết cảm hứng từ cái nhìn vào dòng chữ đầu tiên.

Có mấy vấn đề cần ghi lại:

Nhà văn hóa Trương Hán Siêu, người Ninh Bình, tác giả Bạch Đằng Giang phú - bài phú nổi tiếng nhất trong 13 bài phú của đời Trần. Sử sách không ghi năm sinh của cụ, chỉ biết cụ mất năm 1354. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, cụ là “môn khách” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ chi tiết đó, ta suy ra, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, Trương Hán Siêu có tham gia. Thế nhưng tham gia ở mức độ nào, phải xem xét chu đáo. Lướt qua các trang web và nhiều tập sách khác, có tác giả cho rằng cụ là người hiến cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kế sách "vườn không nhà trống”, lấy nhu thắng cương, lấy ít thắng nhiều…

Liệu có đáng tin không?

Đời người, tuổi thọ là bao nhiêu? Thì cứ cho là 90 xuân xanh. Nếu cụ thọ 90 xuân, ắt sinh năm 1264. Nói thì nói vậy, chứ hiếm có người thọ ở lứa tuổi đó. Giặc Nguyên Mông tấn công xuống nước ta lần thứ nhất vào năm 1258, lúc ấy cụ chưa ra đời; khi chúng tấn công lần thứ hai vào năm 1285, lúc ấy cụ 21 tuổi; khi kết thúc cuộc chiến vào năm 1288, cụ 24 tuổi. Từ đó, ta có thể suy luận kế sách trên không thể của cụ Trương Hán Siêu. Hơn nữa, các chính sử cũng không hề ghi chi tiết đó. Lâu nay, có những điều, người này viết thế, người kia đọc thế, chép lại thế thành ra như thế, cứ tin là thế. Mà chẳng mấy ai chịu khó suy xét là có hợp lý hay không?

Lại thêm chi tiết cần bàn, tác phẩm nào của cụ Trương Hán Siêu được khắc trên núi Non Nước ở Ninh Bình? Núi Non nước được cụ đổi tên Dục Thúy - “núi có hình con chim trả đang tắm gội”. Đọc Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình do Trương Đình Tưởng chủ biên (NXB Thế Giới - 2004): “Đặc biệt, ở sườn núi phía tây, bên phải lối lên núi, có khắc bài Dục Thúy linh sơn Linh tế tháp ký của Thái phó triều Trần Trương Hán Siêu” (tr.106). Thử hỏi, bài ký này dài cả ngàn chữ Hán, làm sao có thể khắc hết trên đá? Cái sự vô lý này sao chẳng ai nhận ra? Phân vân quá bèn đọc kỹ lại tác phẩm của cụ. Thì ra, cụ có cho khắc tác phẩm của mình trên sườn núi Dục Thúy nhưng đó là bài Dục Thúy sơn. Thơ 5 chữ, dài 8 câu - nguyên văn như sau:

Sắc núi vẫn xanh tươi

Sao người chậm về chơi

Lòng sông bóng tháp đẹp

Hang đá cảnh chùa vui

Từ cách xa đời tục

Mới hay điều thị phi

Năm hồ trời đất rộng

Bến cũ khi nào về

(Băng Thanh dịch)

Về cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, sử liệu cũng không thống nhất.  Cụ mất năm 1586, thọ 96 tuổi. Hơn một trăm năm sau, vào đời Lê, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân khi soạn bài ký về thân thế, cuộc đời của cụ, có đoạn: “Tiên sinh là người tinh thông Thái cực, Lý số thấu triệt họa phúc, biết rõ dĩ vãng và tương lai, cả trăm đời sau chưa chắc đã có ai hơn được”. Đến nay, ta vẫn tin thế. Có điều chắc chắn Sấm Trạng Trình không phải của cụ. Chỉ do người đời sau bịa thêm vì mục đích chính trị của họ. Thói đời, người ta thường dựa vào uy tín của tiền nhân để bịa ra các chuyện có lợi cho mình, giai cấp mình rồi gán tất cho tiền nhân. Sấm Trạng Trình là trường hợp đó. Lâu nay có nhiều văn bản Sấm Trạng Trình nhưng mỗi bản mỗi phách. Giải thích, bàn luận cũng khác.

Sử có ghi, đại khái, sau khi Nguyễn Kim mất, lo sợ em vợ tranh giành quyền lực nên Trịnh Kiểm đã giết là Nguyễn Uông. Sợ mình rồi cũng bị anh rể ám hại nên năm 1558, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng bèn sai người tìm hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm lối thoát thân. Cụ nhìn đàn kiến bò trên hòn non bộ và bảo: Hoành Sơn nhất đái, vại đại dung thân” (nghĩa: Một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời). Chuyện này chẳng thấy ai bàn cãi. Tin là thế. Sao không nghĩ rằng, một nhân vật lẫy lừng, uyên bác “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung kiêm nhân sự” lại có thể nói một câu tưởng rằng chắc nịch nhưng thật ra rất sơ hở. Sơ hở bởi thấu hiếu Lý học, Kinh dịch chẳng lẽ nào cụ lại không thấy tính vận động của sự việc? Than ơi! Làm gì có sự “vạn đại” dưới gầm trời này? Vì thế, câu nói của cụ chỉ có thể “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ  dung thân”. Người đời sau chỉnh sửa lại câu nói của tiền nhân đấy thôi.

Lạy trời cả cả gió nồm

Cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm ra khơi

Câu ca dao này Từ điển wikipedia giải thích: “Ðược tin vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Ánh rất vui mừng, ông đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn. Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forcant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v... Năm Nhâm tý (1792) chúa Nguyễn tự thân đi đánh Qui Nhơn nhưng cũng không thành công.

Từ đấy hằng năm cứ đến mùa gió nồm Phúc Ánh cho quân tiến ra đánh các tỉnh miền Trung, khi gió bấc nổi lên ngài lại rút quân về Gia Định.

Người trong nước, mà chủ yếu là ở vùng Thuận - Quảng trông ngóng quân của chúa Nguyễn từ Gia Định ra đánh Tây Sơn nên thời bấy giờ có câu ca dao còn truyền tụng đến giờ:

Lạy trời cho cả gió nồm,

Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.

Chiến dịch gió mùa đầu tiên, trong năm 1792, đưa đến một sự triệt hạ gần như hoàn toàn hải quân của Tây Sơn tại Thị Nại, hải cảng ở Qui Nhơn”.

Thử hỏi, có thật câu ca dao này thể hiện “Người trong nước mà chủ yếu là ở vùng Thuận - Quảng trông ngóng…”? Sao không đặt vấn đề có thể các nho sĩ phò chúa Nguyễn đã phao ra câu ấy? Chứ "người trong nước" nào ở đây? Nghĩ như thế, vì đã có hiện tượng là cũng câu ca dao, tục ngữ, đồng dao đó nhưng cách giải thích lại khác nhau về sự kiện lịch sử.  Hoặc cũng có thể câu đó đã có trước, hoặc có sau đã ám chỉ một sự việc khác nhưng có nhà viết sử vận dụng, cho nó ra đời trong thời điểm có thể phục vụ quan điểm chính trị của mình?

Cái thú đọc sách là chỗ đó. Cứ đọc lan man nhiều thông tin và tự mình tìm cho mình câu trả lời theo cách suy luận của mình. Đúng sai chưa rõ nhưng ít ra nói cũng buộc mình phải nghĩ ngợi đôi điều. Đọc sách mà nhất nhất tin vào sách, đừng đọc còn hơn. Đọc các sách viết về thú chơi đồ cổ, ta biết đầu thế kỷ XX khi đến kinh đô Huế, được tận mắt khảo sát, tìm hiểu đồ sứ men xanh trắng, học giả người Pháp Louis Chochod đã công bố bài khảo luận quan trọng. Trong đó, ông gọi các sản phẩm ấy là “Bleus de Hué”, về sau học giả Vương Hồng Sển là người đầu tiên chuyển ngữ thành “Đồ sứ men lam Huế”. Thuật ngữ này đã được giới chuyên môn công nhận và tồn tại đến nay.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có người chưa thuận tình, đó là ông Trần Đình Sơn. Dù là “học trò” của cụ Sển, từng được sư phụ chỉ giáo nhiều về chuyên môn từ lúc chập chững bước vào thú chơi đồ cổ, nhưng ông Sơn cũng mạnh dạn bộc bạch suy nghĩ: “Tuy nhiên càng về sau, cụm từ “Bleus de Hué” - Đồ sứ men lam Huế càng gây ra nhiều ngộ nhận”. Tại sao? Ông Sơn cho biết: “Xét cho cùng nó không thể diễn tả đầy đủ các chủng loại đồ sứ do người Việt gửi kiểu mẫu đặt làm ở nước ngoài dưới hai triều Lê - Nguyễn. Nhiều cuộc tranh luận khoa học diễn ra, giới nghiên cứu mong tìm một thuật ngữ mới có thể thay thế Đồ sứ men lam Huế”. Là một người đã say mê đồ cổ từ thuở mới lên mười, được tiếp cận nhiều hiện vật - nhất là từ đồ cổ quý giá của ông cố là Thượng thư bộ Hình của Triều Nguyễn và qua trao đổi với các “danh gia vọng tộc” ở Huế - ông Sơn cho rằng nên gọi các sản phẩm trên bằng thuật ngữ “đồ sứ kí kiểu”.

Thuật ngữ này, đến nay chưa thấy ai phản bác. Theo ông Sơn “Bởi vì nó có nội hàm chuẩn xác, do chính tiền nhân chúng ta, chủ sở hữu dòng đồ sứ độc đáo này đã khai sinh: đồ kiểu, đồ mẫu”. Nói một cách nôm na, các hãng đồ gốm nước ngoài (Trung Hoa, Pháp...) đã sản xuất theo “đơn đặt hàng” từ mẫu mã đến thiết kế của người vua chúa, quan đại thần... người Việt. Chính vì thế dù thực hiện ở nước ngoài nhưng nó vẫn mang cốt cách hồn Việt.

Tất nhiên, lập luận của ông Sơn về một thuật ngữ mới nhằm thay thế “Đồ sứ men lam Huế” phải được trình bày bằng một luận chứng khoa học. Nhưng trước hết tinh thần phản biện này rất đáng hoan nghênh. Nghĩ cho cùng, đây là đức tính rất cần thiết  không chỉ cho người làm công tác khoa học mà còn cho người đọc sách. Có phản biện, chúng ta mới có thể tiếp cận được với cốt lõi của sự vật, của hiện tượng đã và đang tồn tại.

Vừa đọc xong Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn 1802- 1945 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (NXB Văn Nghệ - 2009) liền vớ tay đọc Đạo Cao Đài & Victor Huygo (NXB Thời Đại - 2011) của Trần Thu Dung. Càng đọc càng ngạc nhiên bởi nhiều thông tin hết sức lý thú: "Sức mạnh của hội Tam Điểm qua việc chọn thờ V. Hugo thay biểu tượng đạo Phật chứng minh Cao Đài chịu sự lãnh đạo ngầm của hội Tam Điểm" (tr.153); "Đạo Cao Đài là một chi nhánh Tam Điểm bản địa biến tấu. Các thành viên Tam Điểm chính là một phần các chức sắc lớn Cao Đài đã mất, sử sách không dám ghi lại sự thật. Sau năm 1945, hội Tam Điểm gần như biến mất ở Đông Dương nên hậu thuẩn đằng sau Cao Đài đã mất" (tr.159). Lạ lùng chưa? Đọc thấy ngạc nhiên bởi mới tiếp cận thông tin này lần đầu mà bản thân có biết ất giáp gì về các tôn giáo đâu.

Đọc lan man trong mấy ngày nghỉ lễ vậy là đủ rồi.

Ủa, đọc thì đọc nhưng sao chẳng thấy Nhật ký? Thì còn phải viết bài kiếm sống nữa chứ. May quá, “việc gì làm được hôm nay, chớ để ngày mai”, nghĩ được vậy nên tập trung thời gian viết dứt điểm mười danh nhân cho Đông A vẽ truyện tranh dành cho các em thiếu nhi rồi. Thở phào nhẹ nhỏm. Bèn ra nhà may Thắng may hai cái quần tây mới. Vẫn còn nhiều nhưng cũng may thêm bởi nó thuộc loại vải mà mỗi lần mặc phải ủi. Ghét quá. Lại ghét luôn loại giày mỗi lần mang phải cúi xuống đánh xira, cột dây giày. Ghét khi gọi điện thoại mà nhá máy. Ghét nhắn tin mà không thấy trả lời. Ghét đang ăn sáng lại có người đứng sát rạt mời mua vé số. Ghét vừa vừa thôi. Ghét nhiều thứ quá thì chơi với ai?

Sáng nay, họp ra mắt tập sách Điệp viên hoàn hảo X6 - cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn - phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune… & tướng tình báo chiến lược Việt Nam của  sử gia Larry Berman. Ông ưu ái dành cho Việt Nam xuất bản ấn phẩm tiếng Việt trước cả sách gốc tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ. Ngồi cà phê với bạn thơ L.T. Nhơn, T.H. Nhân và các anh em nhà báo. Chiều nay mưa.

Chiều nay mưa, nhưng có lai rai gì để tự thưởng chăng? Bởi trong mấy nghỉ ngày lễ vừa qua y đáng khen thật. Ngoan quá, dễ thương quá, yêu quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.8.2013

 

May mà xem lại thư mời. Nếu không, chiều qua đã quên béng ngày họp mặt kỷ niệm lần thứ 38 ngày thành lập báo TT. Khoảng tháng 6.1989, ngay lúc ra trường y về tờ báo này cùng đợt với Binh Nguyên, Phan Tùng. Sau đó, về PN cho đến nay. Điều nhớ nhất ở TT, thời còn ở Lý Chính Thắng vẫn là thư viện. Có khá đầy đủ sách, tạp chí trước 1975. Người quản thủ thư viện ngày ấy là chú Dậu. Do có mối quan hệ khá thân tình, hầu như ngày nào cũng vào đó mượn sách. Có lẽ đây là cơ quan báo chí duy nhất vẫn giữ được nề nếp vào dịp thành lập báo là mời anh em cũ quay về lai rai, hàn huyên, tâm sự, gặp gỡ. Trong không khí ồn ào, vui vẻ, nhộn nhịp mọi người thưởng thức thực đơn như sau: “1. Ba món khai vị: Nem cuốn bía, lưỡi heo tô ti, slad trộn kiểu Thái; 2. Cá sapa đút lò, khoai tây; 3. Tôm hấp nước dừa; 4.  Vịt hầm khoai môn, bánh mì; 5. Lẫu hải sản, miến; 6. Tráng miệng, trái cây”. Kết thúc diễn văn chào mừng, TBT nhấn mạnh đến tờ TT là “Trẻ, đỏ, Sài Gòn”.

Định viết lại vài kỷ niệm với tờ TT. Mà thôi.

 

DSCN0437RR

Từ phải: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức, Trần Hữu Lục, Lê Minh Quốc, Thu An

DSCN0453RR

"Đôi bạn cùng tiến" nhà báo Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Đức toe toét với song ca "Trả nợ tình xa"

DSCN0442RR

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa

DSCN0440RR

Từ phải: Nhà báo Trần Nhật Vy, Trần Ngọc Châu, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Phú Yên

 

Thật lạ, ý kiến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phát biểu nhận xét về giọng hát của vài ca sĩ hàng đầu hiện nay, lập tức tạo nên sự trao đổi, tranh cãi ồn ào trong dư luận. Phở mỗi ngày, lại nghe bàn luận đến. Chế Lan Viên có câu thơ:

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ

Có nhiều chuyện đáng bàn cãi, tranh luận vậy mà không mấy ai quan tâm đến. Chỉ tiếp nhận thông tin thờ ơ. Cứ như chuyện “trên trời dưới biển”. Biết thế nào được. Tùy mỗi người. Mỗi người đều có quyền quan tâm đến thông tin thiết thực của họ. Chẳng ai có thể ép ai. Y thích thông tin này:

Hiện nay, chúng ta đã có Dự án Danh tướng Việt Nam do Hội quán Di sản thực hiện, với sự giúp đỡ của Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp UNESCO Hà Nội - nhằm tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, đồng thời để người dân hiểu rõ hơn về chiến công của các danh tướng Việt Nam. Qua đó, cũng là một cách tích cực giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Vào sáng ngày 24.8, Dự án Danh tướng Việt Nam đã chính thức công bố tại hội trường Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình, Hà Nội): 4 nhân vật lịch sử gồm Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là danh tướng Việt Nam. Tạo hình của 4 nhân vật lịch sử này sẽ được thực hiện với nhiều kích thước khác nhau, có thể làm tượng trưng bày, quà tặng trang trọng với bạn bè quốc tế.

Có lẽ, danh sách Danh tướng Việt Nam chưa dừng ở đây. “Bốn ngàn năm ròng rã ngược xuôi / Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…” (P.D) còn nhiều, rất nhiều anh hùng khác xứng đáng được tôn vinh nữa. Chiến tranh có thể ngủ yên trong viện bảo tàng không? Không bao giờ. Đọc văn của “ông già Bến Tre” Trang Thế Hy, nhớ hoài đến một chi tiết có liên quan đến suy nghĩ về chiến tranh. Rất độc đáo. Truyện ngắn Vết thương thứ 13, qua nhân vật chị Châu, nhà văn Trang Thế Hy trình bày những suy tư về chiến tranh thật lạ. Khi có người tặng tác phẩm Giã từ vũ khí cùa Hemingway, chị Châu cho rằng dịch không đạt.

Vậy dịch thế nào cho đúng với tinh thần của tác phẩm?

Nhân vật xưng “tôi” đã “nói bừa cho xuôi:

- Vĩnh biệt chốn ba quân

Chị Châu lắc đầu vì “Có khá hơn chút đỉnh. Nhưng chốn ba quân nghe Hồ Biều Chánh quá, hơi xưa. Vĩnh biệt thì không ổn. Vĩnh biệt thường được dùng trong tình yêu nghĩa là miệng nói vĩnh biệt mà lòng còn bịn rịn. Nói với chiến tanh phải dứt khoát hơn, cộc cằn hơn. Phải nói như tạt nước sôi vào mặt một số người bị xu thế hòa bình lôi cuốn đành phải giả bộ ghét chiến tranh cho hợp trào lưu nhưng trong bụng vẫn còn ham chiến tranh để đem mạng sống của người khác đổi lấy huy chương đeo đầy ngực chơi…

Vậy chị Châu dịch thế nào?

Nhà văn Trang Thế Hy viết tiếp: "Theo tôi, phải dịch: "Nghỉ chơi với súng ống". Nói nghỉ chơi không nghiêm túc. Nó là ngôn ngữ của trẻ con ở lứa tuổi còn dành ăn, còn cà nanh tình thương của cha mẹ. Thời hạn nghỉ chơi của trẻ con rất phù du, giận đó rồi thương đó, đếm bằng giờ bằng phút, không phải bằng năm tháng. Nhưng cái quý là ở chất dứt khoát và quyết liệt của hai tiếng nghỉ chơi lúc nó được xướng lên. Những nhà văn ham văn chương thích những ngôn từ gợi cảm nhưng mơ hồ, đầy tráo trở kiểu như vĩnh biệt, giã từ nên nghe trẻ con nói mà học viết... Đáng lẽ tôi mượn lời của một ông già để nói đạt hơn nhưng tôi thích chữ nghĩa của trẻ thơ..."

Nghe vậy, nhân vật xưng “tôi” hấp tấp hỏi:

- Ông già nào vậy?

Chị Châu chậm rãi:

- Một ông già có trái tim vàng và bộ râu củ ấu tên là Gorky. Ổng nói "Làm chiến tranh bằng máu của người khác thì dễ thôi ". Đó không phải là những chữ. Đó là những thanh củi khô mà nặng, cạnh rất bén, phang vào mặt những thằng cha ham chiến tranh”.

Một truyện ngắn, chỉ cần một chi tiết hay, độc đáo là có thể “đứng” được.

Chiều hôm qua, vật lộn với từ “đũi”. Câu văn như sau: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh nặn những hòn bi bằng đất có lỗ ở giữa, phơi khô, xâu vào một cái đũi. Rồi ông làm nhiều xâu, buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Bàn tính của ông đã thay thế cách tính quen thuộc mà dân gian lúc đó thường dùng là “bấm đốt ngón tay” hoặc dùng một sợi dây có những nút thắt làm công cụ tính toán. Đại loại như khi đi vay một đấu thóc, người ta thắt thêm một nút, khi trả được thì cởi nút ấy ra”.

Thử hỏi, “đũi” là gì? Tra lại từ điển gần đây không tìm thấy. Dễ hiểu thôi. Có những từ cổ đã mất. Lại có thêm những từ mới. Ngôn ngữ luôn vận động, từ đó, vốn từ tiếng Việt ngày càng đa dạng, phong phú hơn, có thể đáp ứng cho mọi sự diễn đạt. Cách nói của Sát thủ đầu mưng mủ là một ví dụ. Nếu phổ cập, sử dụng phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, ta sẽ có những câu thành ngữ mới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ. Chẳng hạn, Đã xấu mà lại còn xa, đã si đa còn xông pha hiến máu, Chết vì tình là cái chết bất thình lình, Cố quá thành quá cố, Đẹp trai nhưng “hai phai”, Đời rất dở cũng phải niềm nở, Đú kiểu rừng rú, Hồn nhiên như cô tiên, Nghèo vẫn phải cho Tèo đi học, Nhan sắc có hạn thủ đoạn vô biên, Phi công trẻ lái máy bay bà già, Sống đơn giản cho đời thanh thản, Thất bại vì ngại thành công, Thú vui tao nhã, giặt tả cho con, Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản, Xấu như kết cấu nó đẹp… Các câu này có thể trở thành thành ngữ mới không? Qua sàng lọc của thời gian, ta hãy chờ xem. Nhưng trước mắt, hãy tiếp nhận một cách nói, cách diễn đạt khác trước.

Thử hỏi, “đũi” là gì?

“Đũi”, Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes: “Lụa dệt bằng tơ cặn con tằm”, Đại Nam quốc âm tự vị  (1896) của Huình Tịnh Paulus Của: “Hàng to chỉ dệt bằng tơ kén đỏ, thường dùng mà may quần, bền hơn vải”. Cách giải thích này, rõ ràng “đũi” là một loại vải, hàng sợi. Đũi trong ngữ cảnh của đoạn văn trên lại khác. Việt Nam từ điển (1936) của Hội Khai trí Tiến đức giải thích: “Giá đóng nhiều tầng: Đũi cỗ, đũi tằm”. Vẫn còn thấy khó hiểu. Vậy phải giải thích ra làm sao?

Sáng nay, đã gần 9 giờ vẫn còn nghe tiếng gà gáy vọng đến. Gợi  lên một không gian thanh bình, yên ả giữa Sài Gòn náo nhiệt.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.8.2013

 

Đêm qua, thấp thỏm âu lo, hơn một giờ sáng mới có thể chợp mắt. Trước đó, chập chờn, nửa mê nửa ngủ. Ai đời, đã bước qua 0 giờ rồi, vẫn chưa thấy về. Gọi điện thoại chỉ nghe chuông reng. Không bắt máy. Chuyện là hai đứa cháu du học nhân nghỉ hè về quê, từ quê vào Sài Gòn chơi và thăm bà nội. Tối qua, xin phép đi ăn sinh nhật. Đường sá không rành. Lạ nước lạ cái. Đã khuya, vẫn chưa thấy vác xác về nên không thể chợp mắt.

Ngẫm nghĩ, dòng đời bất an quá. Mỗi ngày, lật trang báo đập vào mắt biết bao là thông tin hãi hùng. Liên quan đến đâm chém. Chết chóc. Tai nạn. Cưỡng hiếp… Tội phạm ngày càng trẻ tuổi hơn. Sát thủ máu lạnh. Những đứa trẻ mặt búng ra sữa đã phạm tội. Chỉ cần đôi co, cãi cọ dăm câu là chém. Va chạm cỏn con trên đường phố là chém. Nhìn thấy ghét là chém. Cướp cạn sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những chú thỏ, nai tơ ngơ ngác bước vào đời. Quán bia, quán rượu tràn lan trên phố bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể hiên ngang bước vào, nghễnh chân, hất mặt nhìn đời và nếu khoái, cứ việc chửi tục dăm câu đỡ ngứa miệng nhạt mồm. Cám dỗ giăng bẫy. Mẹ mìn chung chạ.

Vậy mà, đoàn thể nào dạy cho đứa trẻ kỹ năng sống? Giúp các em có thể ứng phó, tự bảo vệ trong một xã hội bất an?

Mỗi ngày đi ra đường đã nhìn thấy những vụ thanh toán rợn người. Chỉ lẳng lặng phóng xe đi. Không ngoái lại nhìn. Một tiếng kêu "cướp" thất thanh. Một tiếng kêu "cướp" cầu cứu giữa phố. Không vọng lại một âm thanh nào. Vô vọng. Ánh mắt nhìn dửng dưng. Không việc gì phải day vào. Phiền toái. Thiên hạ quay mặt chỗ khác. Phóng xe đi vội. Lục Vân Tiên vội lánh xa đời. Đông-Ki-Sốt đã mệt mỏi với cối xay gió. Chỉ ánh mắt vô cảm. Dửng dưng. Đường phố mỗi ngày trôi qua. Đêm khuya trên đường phố trôi qua. Cảm giác bất an vẫn ám ảnh.

Cổ thi có câu: “Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc dạ du?” (Ngày ngắn khổ đêm dài, sao chẳng đốt đuốc chơi đêm?). Đốt đuốc chơi đêm, dù nhìn nhận từ góc độ nhân sinh quan nào, cũng phải xét theo nghĩa đen nữa, rằng, ít ra thời đại đó đi chơi đêm vẫn còn là sự an toàn. Bóng đêm không rình rập, ẩn giấu những tai họa, che giấu sự bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, trên đoạn đường nào...

Bây giờ ư? Tự tìm lấy câu trả lời.

Vậy thì, làm sao có thể nhắm mắt ngủ yên khi con em mình về nhà sau mười giờ đêm? Có con phải giữ lấy con. Nhiều người đã tự nhủ vậy. Giữ lấy con mình. Phòng thủ đầu tiên và cuối cùng an toàn nhất vẫn là nếp nhà. Chỉ nếp nhà cũng không đủ, làm sao có thể bảo vệ đứa trẻ mọi lúc, mọi nơi trong môi trường chung đã ô nhiễm?

Có lúc nghĩ rằng, một xã hội lành mạnh, ổn định thì nó phải hoàn thiện cả ba hệ thống: Hệ thống giáo dục, hệ thống y tế và hệ thống tòa án. Ngày nọ, chừng hai năm trước cùng cơ quan sang Q.7 tham quan một trường học dành cho con em người nước ngoài, những gia đình người Việt giàu có. Thật bất ngờ, người quản lý chính là đồng nghiệp trước làm báo TT, sau đầu quân qua báo rồi bỏ nghề thực hiện mô hình giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế. Vào nơi đó, liên tưởng những ngôi trường con em mình đang học. Đừng nói đến vùng núi, vùng sâu, vùng xa. So sánh với các ngôi trường tại thành phố, đô thị lớn đã có sự cách xa. Một trời một vực. Tiền nào của đó.

Ở đây, mỗi phòng học chỉ chừng mươi học trò, có máy lạnh, có hệ thống vi tính, màn hình lớn. Học xong để sách vở tại lớp, không phải đem về. Trong trường có hồ bơi, sân đá bóng, sân bóng rổ. Cỏ mượt như nhung. Xanh biếc. Có phòng rộng dành cho các em học vẽ, tô màu. Có hội trường lớn, cấu trúc như rạp chiếu bóng dành cho các em thuyết trình, biểu diễn văn nghệ. Có cả máy móc làm phim, các em được hướng dẫn quay phim, tự quay lại các sinh hoạt tập thể, rồi dàn dựng thành phim chiếu trong hội trường này. Ngoài cầu thang đi bộ, còn có cả thang máy. Hằng ngày, có xe đến tận nhà đón đến trường và chiều đưa về nhà.Trưa ăn, ngủ tại trường. Uống nước tiệt trùng. Vào toalet thấy sạch sẽ, nền gạch bông mát mắt. Ngoài cổng có bảo vệ. Có bãi đậu xe hơi. Ai muốn vào phải trình giấy tờ. Xong, vào phòng đợi chứ đừng hòng xớn xác vào bên trong...

Hai thế giới học đường hoàn toàn khác nhau hẳn. Không khỏi ngậm ngùi. Cay đắng.

Đã nhiều lần, tự huyễn hoặc, tự nhủ mỗi ngày không nên đọc báo. Để ảo tưởng về thế giới chung quanh. Ảo tưởng lấy sự bình yên. Cuối cùng, cũng không thể. Sáng nay, thức dậy, báo mỗi ngày đã gởi đến nhà.

Cầm tờ báo, rúng động với cái tin vào lúc 16g 20 chiều 27/8 tại trước cổng Trường tiểu học Tân Tạo A (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM): “Cùng thời điểm này, một người đàn ông (khoảng 40 tuổi) mặc quần dài, áo thun xám dài tay điều khiển chiếc xe tay ga hiệu Airblade màu đen đỏ đến dựng xe trước cổng trường rồi tiến vào bên trong ngôi trường. Tuy nhiên, không lâu sau, người đàn ông này vội vàng bước ra cổng. Lúc vừa ra tới cổng trường, bất ngờ người đàn ông lấy dao trong tay áo lao đến cắt cổ anh Phan Văn Phúc (28 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đang ngồi trên xe máy chờ đón cháu học lớp 1 trong trường. Chưa dùng lại, tên hung thủ tiếp tục lao tới cắt cổ anh Hồ Đức Luận (31 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cũng chờ đón con em đi học về” (báo TN).

Khiếp đảm. Lạnh cả xương sống.

Ly cà phê của mỗi ngày, sáng nay hết ngon.

Sực nghĩ so với các em hiện nay, thời tuổi mới lớn của thế hệ y may mắn hơn. Trước hết, sự trang bị về nhận thức. Thị trường báo chí miền Nam thập niên 1970 thế kỷ XX đã có nhiều tờ báo dành cho lứa tuổi chíp hoi chanh cốm. Môi thơm yaout. Hơi thở ô mai. Nhìn cuộc đời lá mới. Thế hệ ấy, được đọc tờ Thằng Bờm của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ; Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương (Nhà sách Khai Trí) và nhà văn Nhật Tiến; Tuổi Hoa của linh mục Chân Tín; Ngàn thông của nhà văn Quyên Di; đến lúc:

Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!

Một hôm trận gió tình yêu lại:

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ

(Huy Cận)

Có tờ Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh, tờ Mây Hồng nhà thơ Từ Kế Tường “phụ tá chủ nhiệm” Phạm Quang Nùng v.v… Đọc lại những tờ báo này, rất rõ một điều về tôn chỉ của nó là giáo dục, văn chương, giải trí, phổ biến kiến thức, gieo mầm thương yêu… Những cây bút sáng tác hàng đầu, những nhà giáo tâm huyết cùng cộng tác. Mỗi tuần, lật trang báo ra được học tập biết bao điều lý thú.

Vậy, đứa trẻ hôm nay được đọc gì? Có đấy chứ, ở phía Nam có tờ Áo trắng, Mực Tím, Khăn Quảng Đỏ, Nhi Đồng; ở phía Bắc có tờ Thiếu niên tiền phong… Có một điều cần nhận ra, quan hệ giữa người làm báo và độc giả chỉ đơn thuần là bán báo và mua báo.

 

gia-dinh-thieu-nhi

Giấy chứng nhận sinh hoạt Gia đình Thiếu Nhi của Lê Minh Quốc (1973)

 

Trong khi đó, không chỉ làm báo, trước năm 1975 người làm báo còn tạo ra một sân chơi nhằm hướng dẫn, giáo dục bạn đọc thông qua tổ chức đoàn thể của tờ báo đó. Chẳng hạn, tờ Thiếu NhiGia đình Thiếu Nhi, tờ Thằng BờmGia đình Thằng Bờm…Hầu hết mỗi địa phương, nơi đó đều thành lập “chi nhánh” của Gia đình đó. Lúc học lớp 7, y đã tham gia Gia đình Thiếu Nhi ở ĐN thuộc báo Thiếu Nhi. Hằng tuần, Gia đình Thiếu Nhi sinh hoạt tập thể tại Nghĩa trũng Nam Dương (nay đã giải tỏa). Các anh, các chị dạy cho từng tí. Chẳng hạn, từ cách nấu cơm đến ủi quần áo, từ cách ra ăn mặc khi ra phố đến cách xưng hô. Tập hát các ca khúc cộng đồng. Chơi các trò chơi mật mã v.v... Một tuần mong qua nhanh đến ngày chủ nhật để được đi sinh hoạt tập thể. Vui lắm.

Lúc đó, những anh trong ban điều hành như Phan Lê Sơn (Mừng Hoang Vu), Kim Vũ, Dấu Cô Liêu, Trần Trung Khai chỉ mới học lớp 9, 10. Vậy mà những lúc tổ chức sinh hoạt qua đêm, cắm trại, chơi trò chơi lớn, đốt lửa trại v.v… ở Huế, Lăng Cô, Nhượng Nghĩa, Sơn Chà… các anh đến nhà xin phép ba mẹ là nhận được sự đồng ý ngay. Các phụ huynh luôn yên tâm. Ngoài ra, các bạn khác nếu thích có thể gia nhập Gia đình Phật tử, Hướng đạo…

Những sinh hoạt đó giúp cho y rất nhiều thời gian mới chập chững vào bộ đội. Trong khi các tân binh khác còn ngẩn tò te với cách cột võng, xem hướng gió, kinh nghiệm đi rừng, xem la bàn, cách tìm ra suối, lội qua sông mùa lũ, nấu cơm giữa trời trong lúc mưa v.v…  thì y đã thao tác ngon ơ!

Ít ai biết, hiện nay, các cựu thành viên  trong Gia đình Thằng Bờm vẫn còn giữ mối liên hệ thân tình như ngày miệng còn thơm mùi sữa. Chừng mươi năm trước đây, đến họp mặt chung với anh em Gia đình Thằng Bờm tại nhà riêng của cựu Tổng Thư ký tòa soạn Phan Thị Thu Mai (trên đường Cao Thắng) mới thấy hết sự gắn bó, đoàn kết của họ. Tiếc cho các em mình thời buổi này không có thời gian được sinh hoạt cộng đồng tự nguyện như trước. Đừng trách các em. Hãy trách đoàn thể của mình. Các đoàn thể hiện nay có quá nhiều, có luôn cả nhà văn hóa to vật vã nhưng không thu hút được thanh thiếu niên.

Tại sao?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.8.2013

 

Thoát ra khỏi công việc của một ngày. Thú vị. Hào hứng. Nhẹ tênh. Cảm giác đi đứng trên mây. Như ngày thơ ấu, được mẹ dẫn đi chợ. Đã lâu lắm mới được ra khỏi nhà vào ngày chủ nhật. Từng ngày, công việc cứ cuốn đi. Luôn tất bật. Việc gì tất bật? Chỉ có mỗi một việc ghi chép lại những gì đã nghĩ trong đầu. Để làm gì? Để kiếm sống. Đừng "tuyên ngôn" gì to tát. Chõi tai lắm.

Hôm qua về miệt Chợ Lách (Bến Tre). Về nhà của một dòng tộc, người cha mất trong chiến tranh lúc mới ngoài ba mươi, đặt tên các con như sau: Hồi Hôm Nay Chiều Mốt Bữa Kia Bữa Kìa. Cách đặt tên con rất nông dân. Rất Nam bộ. Rất Việt Nam. Người con trai cả là Hồi, hầu như không ai còn nhớ đến tên thật nữa, chỉ gọi Nguyễn Diệt Mỹ, bởi ông đã hai lần được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần trước, đi về, viết tùy bút Lại hiền như xưa.. Viết, bởi khó lý giải tại sao những người nông dân như ông Hồi rất gan góc, quả cảm, gan dạ, sau chiến tranh lại hiền lành như đất. Chỉ nói cười hề hề. Rất mực chân tình. Không thèm nhắc lại quá khứ. Không vỗ ngực xưng tên. Chỉ cái quần tà lỏn, phơi cái bụng phệ xuề xòa, vui tính với bà con chòm xóm.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;

Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Sau chiến tranh, họ lại trở về với công việc mưu sinh hằng ngày. Ông cụ thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu viết thế, là đã nhìn thấy rõ hơn cả thẩy chúng ta. Nói cách khác, trong bất kỳ cuộc chiến nào, thời đại nào đi đầu gữ đất, giữ làng vẫn là những con người bình dị ấy. Vô Danh như cây như cỏ như đất đai như suối như sông như hải đảo mưa nguồn. Không gì ồn ào, lớn lối. Đời sống nhẹ nhàng trôi. Vì thế, mấy hôm nay náo nức đi về Bến Tre. Đi để cụng ly một cái. Có những con người lúc cụng ly, ta không phải cảnh giác, e dè nhìn trước ngó sau, uốn lưỡi bảy lần. Chỉ tình thân. Vậy là đủ.

 

DSCN0416R

Ông Hồi ngụ ở Chợ Lách (Bến Tre) - "Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"


Trên đường đi, quan sát lão "cao bồi già" Nguyễn Đông Thức - người mà anh bạn Nguyễn Nhật Ánh gọi  "nhà văn thế sự”. Thấy lão đã thấy râu ria lún phún. Từng sợi đã bạc. Anh cho viết đã viết xong 15 tập kịch bản phim về Sài Gòn, chuyển thể từ tiểu thuyết Không có gì & không một ai của anh. Mỹ Hà đạo diễn. Sẽ phát sóng trên HTV. Chà, dựng lại khung cảnh Sài Gòn của trước 1975 khó khăn đây. Hôm trước, đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết sẽ hỗ trợ hết mình. Để xem phim sẽ thế nào. Còn 15 tập kịch bản nữa, anh đang viết. Bạn bè văn chương chữ nghĩa viết còn sung. Là mừng.

Trên đường đi, sực nhẩm trong đầu tùy bút của thầy Thích Nhất Hạnh viết về Bến Tre, đã in  tạp chí Giữ thơm quê mẹ năm 1965. Đến nay, chưa nhà sư nào có một năng lực viết dữ dội, khủng khiếp như tác giả Bông hồng cài áo. Ông trình bày uyên thâm, sâu sắc một cách dễ hiểu về đạo Phật. Thả một bè lau của ông là quyển sách đã giúp y hiểu Truyện Kiều sâu sắc hơn khi nhìn dưới nhãn quan của một người đạo Bụt. Viết hay lắm. Nên đọc. Đọc để xem ông phân tích về Nguyễn Du - “người cha tóc bạc” của nền thơ Việt Nam đã hiểu đạo Phật như thế nào...

Năm ấy, gần năm mươi năm trước, khi qua bắc Mỹ Tho, thầy Thích Nhất Hạnh ghi nhận: “Tôi ra đứng trước mũi thuyền, nhìn con thuyền rẽ sóng tiến tới và mê say ngắm dòng sông đang cuồn cuộn chảy một cách oai hùng. Sông cũng oai hùng như núi, mà hiếu động hơn núi. Nước sông đỏ quá, phù sa nhiều quá… Bến Tre! Bến Tre! Tôi chẳng thấy tre đâu cả. Chỉ thấy toàn dừa. Vâng, chỉ thấy dừa… Nhưng ấn tượng con sông cuồn cuộn trong mùa nước lên vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn tôi”. Dĩ nhiên, đến Bến Tre của thời buổi xe hơi máy lạnh đã khác trước, chỉ thiên nhiên không khác, lòng người không khác. Phóng một tầm mắt, chỉ thấy dừa bát ngát. Bình Định hay Bến Tre nhiều dừa nhất? Ca dao Bình Định có câu:

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

Dừa, ở đâu mà không có? Duy chỉ Bến Tre mới có ông Đạo Dừa. Năm kia, tình cờ mua được “tiểu luận cao học nhân chủng”:  Chùa Nam Quốc Phật Kiến Hòa - Định Tường, quay ronéo, do cử nhân văn chương Khoa học nhân văn Sài Gòn là Phan Nghi Luận bảo vệ tại Trường Đại học Văn Khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ngày 11.12.1964. Tiểu luận này nghiên cứu về hành trạng, nơi phát tích Đạo Dừa, chùa chiền… và giá trị ở chỗ tác giả đã khảo sát thực địa, gặp ông Đạo Dừa và các nhân chứng từ năm tháng đó.

Chiều qua, ghé lại Cồn Phụng “đại bản doanh” của một “Tu sĩ thường mặc áo chữ Điền có khoét lỗ vuông trước ngực và sau lưng, mới đầu có 4 lỗ sau tăng dần lên 18 lỗ. Ngày đêm luôn tịnh khẩu”. Vì đã đọc tiểu luận trên nên tránh một nhậu hoàng tráng và ầm ĩ. Không cần thiết. Mất thời gian vô ích. Dành thời gian thăm quan nơi này. Mà tại sao phải nhậu, phải bù khú ồn ào, rồi khi bước ra khỏi bàn chẳng ai nhớ đến ai. Chẳng ai nhớ những gì đã nói. Quên. Quên tuốt. Thì có cần phải có mặt trong các cuộc ấy không? Quyết là không.

Chiều rũ nắng xuống cồn Phụng. Lang thang một mình, nhận ra rằng, cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Khác ở đây là khác so với những gì đã đọc về địa danh trứ danh này, vì đây là lần đầu tiên y đến. Chỉ còn lại loáng thoáng vài dấu tích của ông Đạo Dừa. Chẳng hạn, nơi lò bát quái đặt trên lưng rùa ngậm gươm, trang trí bằng mảnh vụn của chén, bát kiểu, thấy các mặt có ghi (nguyên văn): “Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành tự ông Đạo Vừa sanh ngày 15 tháng chạp Kỷ Dậu (1909-1910) tại làng Phước Thạnh, Mỹ Tho, Kiến Hòa, Việt Nam”.

Chà, sao lại gọi “Đạo Vừa”? Ghi sai chính tả? Vô lý? Hoặc là âm D ở đây phát âm thành V? Hỏi như thế vì lúc trưa, vừa đến Bến Tre, mẹ của bạn N.M.Nhựt đã đôn đả tiếp chuyện: “Nhiều người vào ăn tước rồi”. Ủa? Tước là con gì? Hỏi ra mới biết, âm r đã bị nuốt, phải hiểu là “trước. Lại nữa, đang lai rai ba sợi, bạn mình bảo: “Anh em mình gút đi”. Trời, chỉ ăn nhậu chứ nào phải bàn luận gì mà “gút”, “chốt” vấn đề lại? Thì ra, r đã biến hóa thành g!

Mà chuyện phát âm sai dẫn đến ghi sai là thường tình. Nhà văn Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tài, nhưng tay thư ký ghi hộ tịch của làng lại ghi thành “Tày”! Huề cả làng. Gần đây thôi, ở Quảng Nam một bạn đọc cho biết rằng: “Có đứa bạn tên Quốc  Bảo nhưng người làm hộ tịch lại ghi thành Quốc Bão, nhưng nhờ thế cái tên lạ và độc hơn thì phải. Còn đứa bạn này tội hơn, tên mỹ miều là Hà Ngọc Đào, Phương Thảo hộ tịch ghi thành Hà Ngọc Đồ, Phương Thổ, tội ơi là tội”. Huề cả làng. Thì ra người Quảng Nam đọc vần “ao” thì “ô” hết trọi.

Thử hỏi, khu cồn Phụng này công trình của kiến trúc sư nào? Xem tiếp các tư liệu tên mặt khác của lò bát quái, thấy ghi: “Nhà kiến trúc sư kiêm cẩn khắc gia lỗi lạc Tư sĩ Huỳnh Văn Đại tự Hoàng Đại sinh năm 1900 tại Quảng Trị Việt Nam. Năm 1920 vào kinh thành Huế nhận lãnh công trình kiến trúc lâu đài lăng tẫm hoàng cung. Vào năm 1962 về phụng sự thiên định hòa bình thiên nhơn lành đạo tại Nam quốc Phật tự do Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành ân tứ. Phật lịch 2510 - Nhâm Tý - 1972”.


DSCN0433R

Tiểu sử ông Đạo Dừa và kiến trúc sư xây dựng cồn Phụng cẩn trên lò bát quái

May mắn, nhờ nhân viên phục vụ tại đây mới biết hiện chỉ còn có một người đàn bà theo đạo của ông Đạo Dừa là bà Út. Ghé qua nhà thăm bà, gần đó. Bà gầy gò, mặc quần áo của người có đạo, đi chân không. Bà cho biết, đã mấy chục năm qua bà cũng sinh hoạt theo ông Đạo Dừa, bà gọi thân mật “Thầy tôi”, nghĩa là chỉ uống nước dừa. Bà xắn tay áo lên, chỉ nhìn thấy da bọc xương, hằn rõ từng sợi gân xanh. Có điều lạ, mắt bà rất sáng. Bà nói chuyện nhỏ nhẹ, minh mẫn, hiền lành. Trong nhà bà có bàn thờ Phật, có thờ ảnh ông Đạo Dừa. Qua cách nói chuyện, thấy rằng niềm tin của bà thì mọi sự chỉ “bất chiến tự nhiên thành” vì thế nên làm lành, tu tâm tích đức, giữ đạo. Câu chuyện của bà không hề có màu sắc mê tin dị đoan.

 

DSCN0424R

Bà Út, người duy nhất theo Đạo Dừa hiện nay ở cồn Phụng

 

Bà cho biết, sau 1975,  các “đạo” (chỉ người nam), các “diệu” (chỉ người nữ) đã tản mát hết, có thể họ về tu ở Châu Đốc, núi Sam, cũng có thể đã hoàn tục. Ngồi trò chuyện với bà, lòng nhẹ nhàng. Nước sông gió mát. Thấy đời sống nhẹ nhàng khi con người ta không sân si, ham hố điều gì. Lúc quay về mới chú ý bàn thờ gia tiên ở nhà bà Út, thấy phía sau có bức tranh kiếng thật lớn, trên cùng ghi ba chữ “Phước lộc thọ”, vẽ phong cảnh thiên nhiên, nhà cửa. Tranh được đặt trên một cái tủ, gọi “tủ thờ”.

Ngó lên nhang thắp đèn lờ

Mẫu thân đâu vắng gường thờ quạnh hiu

“Giường thờ” là nơi ông bà, cha mẹ lúc sinh thời đã từng ngồi, nằm, ngủ. Khi xưa, lúc tang lễ, chủ nhà khiêng cái giường này đặt sát quan tài nhằm tỏ ý kinh trọng như lúc mẹ cha, ông bà còn sống. Lần hồi, giường thờ cải tiến thành "bàn thờ", nhỏ, thấp, đặt sát vách, có các vật dụng mà người quá cố đã dùng như bình vôi ăn trầu, chén trà, khăn quàng vai, thêm lư hương đốt trầm, bộ lư… Dần dà, “giường thờ”, “bàn thờ” cải tiến thành “tủ thờ”.

Tủ thờ đóng bằng gỗ tốt, có cẩn, khắc các tranh như tùng, bách, ngôi đình, cầu kiều, tích truyện xưa, hình ngũ quả… Đến khi tranh kiếng ra đời, trên tủ thờ có thêm tranh kiếng. Tranh kiếng thường vẽ mai, lan, cúc, trúc, hoặc thêm vài câu đối thể hiện đạo lý uống nước có nguồn, cây có gốc mới sinh ra ngọn v.v… Tủ thờ vừa là nơi thờ ông bà, cha mẹ vừa trang trí cho đẹp nhà cửa. Tủ thờ kiểu này, bây giờ ít thấy ở thành thị.

Sáng hôm qua, trên đường đi ăn giỗ ở Bến Tre vẫn còn thấy bạt ngàn dừa. Một màu xanh thẫm tận chân trời. Khi đến một vùng đất mới, trong trí nhớ của ta luôn nghĩ đến sản vật, con người nơi ấy. Lâu nay, lịch sử đã nói đến vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây khi gieo hạt giống mới về Tin Mừng. Gieo Đức Tin mới trong lòng người Việt Nam từ những thế kỷ trước. Chợt nghĩ rằng, chính họ còn là những người đầu tiên đã thử nghiệm những giống cây mới ở đây.

Đơn giản, Cái Mơn là một trong những xứ đạo đầu tiên ở Nam bộ, vẫn còn di tích nhà thờ, tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Thuở ấy, họ đã thử trồng các loại trái cây xa lạ như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… và thành công. Bởi các giống cây ấy thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của một vùng đất thịt, chằng chịt kênh rạch. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, trái loòng boong là “đặc sản độc quyền” của miền núi Quảng Nam. Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn còn ghi rõ, “Đầu đời Minh Mạng, nhà vua ban cho tên là Nam trân”, hằng năm, loòng boong phải “tiến vua”. Phương ngữ địa phương có câu: “Nhất trường thi, nhì trường trái”. Ý nói lúc sĩ tử vào trường thi cũng nhộn nhịp như ngày vào mùa hái trái loòng boong.

Trái loòng boong trong tròn, ngoài méo

Trái thầu đâu trong héo, ngoài tươi

Thương em ít nói, ít cười

Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng

Khi đến Bến Tre, tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết Bến Tre cũng có loòng boong. Lâu nay, từng biết đến, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian: Trong một lần giao tranh với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn phải trốn chạy lên vùng đất phía tây Quảng Nam. Trong lúc ngặt nghèo, nguy khốn nhất, bốn phía bị bao vây, lương thực không còn, đang đói rã họng thì chúa tôi gặp một loại trái cây chín mọng. Chưa dám ăn ngay, chúa lấy tay bấm thử, thấy trái mềm, nếm vị ngon ngọt lạ thường. Nhờ trái cây này mà họ thoát khỏi cảnh đói khát. Truyền thuyết này góp phần lý giải (dẫu mơ hồ) vì sao khi cầm loại trái cây này, lột vỏ mỏng, ta đều thấy có dấu móng tay.

Ở Bến Tre, người ta cũng kể vậy, chỉ có khác ở địa danh ở Nam bộ. Biết thêm điều này, tôi nghĩ lan man, phải có cách giải thích khác về tên gọi loòng boong. Liệu có phải đó là phát âm của người Cà Tu thuộc vùng Hiên, Giằng ở Quảng Nam như cách giải thích lâu nay?

Ăn giỗ ở Nam bộ có khác gì ở miền Trung, miền Bắc? Khoan trả lời vội. Ăn giỗ là gì? Gọi nôm na, có thể ban đầu ông cha mình gọi “giỗ lạp” dần dà biến hóa thành giỗ chạp. Bằng chứng Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Kỵ lạp là giỗ quải, dùng đồ săn bắn mà quải giỗ”. Lạp có nghĩa “săn bắn”. Từ đó, có thể suy luận giỗ, cúng cơm, kỵ cơm đã đã phong tục có từ thời xa xưa lắm, thời con người còn săn bắn và truyền đến ngày nay. Mục đích cuối cùng của giỗ chạp, đầu tiên là thể hiện chữ Hiếu với người đã khuất; kế đến là dịp anh em, họ hàng, bà con, đồng nghiệp có dịp gặp gỡ, trò chuyện, gắn kết tình thân trong gia tộc, đoàn kết với bà con chòm xóm…

Ăn giỗ ở Nam bộ không có khác gì với miền Trung, miền Bắc. Đúng vậy. Xét về góc độ truyền thống gia đình, sẽ thấy hoàn toàn giống hệt nhau.

Từ đời này qua đời nọ đã trở thành một nề nếp bất di bất dịch. Đó là chỗ mâm trên, nơi cánh đàn ông đang ồn ào “làm chủ tình hình” dạt dào nâng ly, đố ai có thể tìm được bóng dáng của người phụ nữ. Họ chỉ thấp thoáng đôi chút là quay ngược vào bếp. Cái bếp vẫn là nơi chốn của họ, dù tiệc tùng khách khứa ồn nào nhưng họ vẫn lặng lẽ phía sau. Nhìn hình ảnh ấy, bỗng dưng lại nhớ đến mẹ, đến chị mình ngoài quê xa tít. Vẫn bóng dáng lặng lẽ chịu thương, chịu khó ấy. Vẫn lúc khách ra về, gia đình có đám giỗ lại gửi cho khách một ít trái cây đem về, gọi “ăn lấy thảo”.

Lại tần ngần nghĩ “ăn lấy thảo” là ăn ra làm sao? Cách nói của người Việt ở Nam bộ cũng giống hệt ở quê mình. Chẳng khác gì. Vì thế, đến xứ lạ, đất lạ đã thấy lòng ấm áp, thân mật.

Lúc về đến Bến Tre, thầy Thích Nhất Hạnh còn cảm nhận: “Dòng sông cuồn cuộn kia đã nói rất nhiều với tôi rất nhiều về khu vực Bến Tre. Tôi nghĩ đến cuộc đời trên sóng của dân chài bốn mặt sông và một mặt biển. Hình ảnh con sông Cửu Long cuồn cuộc chảy là hình ảnh của những cuộc đời lăn xả vào hành động. Hành động, phải hành động dũng cảm. Phải sẵn sàng đối. Phải trào lên, phải dâng cao. Phải xắn cao tay áo, đi vào cuộc sống một cách tích cực. Từ những cánh đồng nước mặn bằng ngư nghiệp, từ những quận lỵ Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Cái Quao, Mõ Cày, sức sống trào lên theo những con đường xuôi về tỉnh lỵ như những gân máu chạy về tim. Sức sống của bàn tay nông dân thực thà, hăng hái, gan dạ, quả cảm đã biểu lộ rõ ràng trong sinh hoạt lịch sử Bến Tre”.

Nhận xét này vừa hiện thực vừa thơ mộng. Nghĩ thêm rằng, ở vùng đất nào trên toàn cõi Việt Nam thống nhất lại không sống bằng tâm thế ấy? Tâm thế của những con người bình dị nhất đã tạo nên một dải non sông gấm vóc từ Nam Quan vào tận Cà Mau trường tồn đến ngàn đời sau nữa. Thì trong công cuộc cần lao vĩ đại xương máu đó, không thể không nghĩ đến các mẹ, các chị lặng lẽ, lẳng lặng phía sau bếp.

Về quê bạn ăn giỗ, lại thoáng thoáng nhớ về một vùng quê Quảng Nam. Ngày thơ ấu, ngày xưa đó, mẹ mình, chị mình, các cô, các dì trong giỗ chạp vẫn chọn góc bếp cho riêng mình. Những gương mặt quê mùa ruột thịt ấy dần dần hiện lên khi nhìn thấy các mẹ, các chị trong ngày giỗ chạp ở nhà bạn mình. Lại dần dần hiện lên loáng thoáng trong cốc rượu trắng đang cầm trên tay nên hào hứng ngửa cổ rót ực qua cổ họng. Một dòng men nóng ran. Như lửa. Tê rần rần đầu lưỡi. Thật chậm. Men của lửa trôi dần. Trôi dần. Rất chậm. Lòng rưng rưng và cảm động quá đỗi.

Nắng chiều đã lên.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.8.2013

 

Sáng hôm qua, trời đẹp. Vừa phóng xe vừa nghĩ lan man. Nghĩ về đồng đội của môt thời cùng đi vào cuộc chiến. Đã lãng quên. Không cờ xí. Không hoan hô. Không mấy ai quan tâm đến nữa. Máu đã khô. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Không chờ đợi một ai. Quay về dĩ vãng là dấu hiệu của tuổi già. Do đã già nên y thường khoái đọc những thông tin ngớ ngẩn. Để cười. Có thể xếp mẫu chuyện này vào chuyện cười trong ngày. Chuyện rằng:

Vào một ngày đẹp trời giữa tháng 3.2012, lúc nắng lên cao hơn ngọn tre và trăng thanh gió mát, ông bà Trần Thị Sắc ở xã xã H’bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) bèn cao hứng thuê người đào ao lấy nước tưới trong vườn trồng tiêu. Hì hục đào, cuốc họ phát hiện dưới đất có khối đá lạ khối lượng hơn 3,2 m3; nặng khoảng 7,8 tấn. Khoái quá, liền thuê máy cẩu cục đá lên làm cảnh. Hay tin, đoàn kiểm tra của huyện tới lập biên bản, tịch thu khối đá và phạt luôn 2 triệu đồng với lý do “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”.

Từ “vận chuyển” nên hiểu thế nào? Từ điển tiếng Việt giải thích: “Mang chuyển đồ vật nhiều, nặng từ nơi này đến nơi khác tương đối xa, bằng phương tiện hoặc bằng sức loài vật”. Cục đá này, khi phát hiện được cẩu lên đặt ngay tại nhà chứ đâu phải từ nơi khác vận chuyển về. Nó chỉ được vận chuyển khi đưa từ nhà bà Sắc về trụ sở UBND huyện. Đem hòn đá về, chính quyền huyện có sáng kiến tối ưu là làm chiếc lồng sắt kiên cố để... “nhốt” hòn đá nặng hàng tấn. Ông Ksor Hiền ở huyện này bình luận: “Mình thấy lạ hung! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!”.

Sự việc trái khoáy vô tiền khoáng hậu này đã khiến đôi bên lôi nhau ra tòa vào ngày 22.8.2013.

Cũng theo nguồn tin báo TN : “Tham gia tố tụng với tư cách bên bị kiện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND H.Chư Sê, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng TN - MT, cho rằng: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước”. Ông Viên cũng khiến những người có mặt tại phiên tòa bật cười khi khẳng định: “Mọi tác động vào đất làm biến dạng đất đều phải xin phép, nếu không thì trái quy định”. Trong phần tranh luận, luật sư Võ Thị Tiết (Văn phòng LS Võ Luật - Bình Định), đại diện cho bên khởi kiện, đã nói thẳng: “Không có quy định nào của pháp luật nêu rằng người dân muốn đào giếng tưới tiêu trong phần đất của mình phải đưa đơn lên xin phép chính quyền”. LS Tiết tiếp tục hỏi thêm một số vấn đề liên quan đến việc tịch thu hòn đá, thay vì giải thích theo đúng các quy định của pháp luật thì vị cán bộ đại diện cho chính quyền cấp huyện này vẫn kiên trì: “Tôi nghĩ thế là đúng” (TN ngày 23.8.2013).

 Cười được chưa? Chưa à?

Vậy thử đố chơi. Đố rằng, toàn cõi nước ta hiện nay có cả thay bao nhiêu họ? Trước đây ông Lê Trung Hoa có viết quyển Họ và tên người Việt Nam (NXB KHXH - 1992), ta có thể tìm đọc để có câu trả lời chính xác chăng? Không thể. Cách đặt họ của người Việt đã có những "ngoại lệ" mà không ai có thể biết hết được. Chỉ nêu một ví dụ, dó là họ NGUYỂN (xin nhấn mạnh là dấu hỏi, chứ không phải NGUYỄN dấu ngã). Lạ chưa? Ắt ông trời bà trời cũng thấy lạ bởi ngày nọ tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) có ông Nguyễn Hòa Khởi làm cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã từ năm 1994 đến năm 2005 có thói quen viết sai chính tả.

Dù họ Nguyễn nhưng ông luôn viết cho thiên hạ là Nguyển! Từ đó, giấy khai sinh họ ghi Nguyển, còn các giấy tờ khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân... đều Nguyễn. Rắc rối là chỗ đó! Báo Xa lộ pháp luật (ngày 24.8.2013) cho biết, nhân chứng "dòng họ" này phát biểu: "Trong lúc đó, chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi đại học, để tránh mọi phiền toái có thể xẩy ra, cả nhà quyết định đi sửa giấy tờ lại cho đúng. Nhưng để xác minh lại chính xác họ của anh Cường thì rất phức tạp, trong khi đó giấy khai sinh của anh lại bị viết sai, nếu muốn chứng minh đúng thì phải tìm giấy khai sinh của cha anh đã mất từ lâu. Đắn đo mất mất mấy ngày, cuối cùng anh quyết định đổi hết họ của mình và hai con trong hộ khẩu và chứng minh nhân dân thành Nguyển để theo đúng với giấy khai sinh của con gái".

Cái lạ nhất ở đây là gì? Là đã đến năm 1994 mà hệ thống chính quyền của ta vẫn còn sử dụng cán bộ xã có trình độ i tờ đến thế. Thời mới giải phóng, do cần người làm việc nhà nước phải thu nhận, miễn là họ có trách nhiệm với công việc, trình độ yếu kém một chút chẳng sao, có gì tổ chức cho học bồi dưỡng thêm. Rất tiếc là cách sử dụng nhân sự không chuẩn hóa kéo dài, quá dài khiến cuối cùng, gánh lấy hậu quả  là người dân phải gánh chịu biết bao phiền toái.

Chuyện Việt Nam ta  đã có thêm họ Nguyển, cười được chưa? Chưa hả? Vậy bó tay luôn.

Dòng văn học hiện thực phê phán trước 1945, sở dĩ tồn tại, hấp dẫn bởi ngoài yếu tố phê phán còn có cả tiếng cười. Đọc Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Trọng Lang… lúc nào ta cũng có thể bật ra tiếng cười. Khi hóm hỉnh. Lúc chua chát. Phụ trương văn chương số 10, thứ bảy 4.7.1931 của báo Trung Lập xuất bản tại Sài Gòn, ông Phan Khôi có bàn về chuyện viết văn trào phúng, hài hước: “Làm một bài văn trang hoàng điển nhã, trong mười tay văn học, tay nào cũng làm được hết; chớ làm một bài văn khôi hài cho hay, đọc lên cho ai cũng mở miệng cười và lấy làm thích ý, thì trong mười tay ấy chưa chắc đã có một tay làm được đâu. Văn khôi hài nó thường làm cho cảm động người ta một cách rất mạnh mà người ta không tự biết. Giả như tôi có một cái tật xấu gì, có kẻ làm bài hài văn để ám chỉ vào cái tật xấu ấy của tôi; trong khi tôi đọc đến, tôi phải tức cười nôn ruột mà tôi không giận được; rồi dần dần tự nhiên tôi bỏ cái tật xấu ấy đi bao giờ mà chính tôi cũng không hay. Đó mới thật là một bài hài văn hay đó; và cái công dụng của nó là như thế".

Ông còn nhấn mạnh: "Trong nghề khôi hài, kỵ thứ nhứt là sự quá thô tục. Những tay hoạt kê giỏi đời xưa, không khi nào văng câu tục tĩu từ mồm mình ra bao giờ... Tôi lại từng đọc sách, thấy người ta nói dân tộc nào phổ thông có tánh hay khôi hài, ấy là biểu lộ ra dân tộc ấy có tư chất thông minh. Mà giọng khôi hài càng sâu sắc chừng nào thì lại càng tỏ ra cái trình độ thông minh cao chừng nấy.... Phải lắm! Có thông minh mới nói ra câu bông lơn có thú vị mà cũng duy thông minh lắm mới biết ngửi thấy cái thú vị của câu bông lơn hay... Theo tư trào văn học của thế giới ngày nay, tôi muốn nhắc cái địa vị khôi hài lên cao một chút trên văn đàn nước ta. Từ nay ta hãy coi trọng nhân tài khôi hài và hài văn, rồi thì nhân tài và văn ấy mới sản sanh ra được”.

Thưa cụ Phan Khôi, hiện nay làng văn của nước ta đã coi trọng nhân tài khôi hài và hài văn nhiều lắm rồi cụ ạ, bằng chứng là cả nước có đến 2 tờ chuyên về cười là Tuổi Trẻ Cười, Làng Cười. Hơn nữa, thời buổi này đã, đang và sẽ có quá nhiều chuyện khôi hài, nhìn vào đâu cũng thấy có chuyện để cười, đều có thể là chất liệu của văn học trào phúng nhưng tại sao vẫn chưa có tác phẩm nào tương xứng? Vẫn chưa có nhiều truyện ngắn, tiểu phẩm humour, hí lộng. Do cái gì? Do nhà văn ngày càng ít biết cười chăng? Hay đã quên cách làm sao cười? Đã có câu trả lời hợp lý từ lâu rồi. Trong Chúng ta, qua cách viết, NXB Giao Điểm in năm 1972 tại Sài Gòn, nhà văn Võ Phiến đã phân tích. Đọc lại, vẫn thấy nhiều gợi mở lý thú. Nhắc lại chỉ ngại rày rà. Ai có quan tâm thì nên tìm đọc để có câu trả lời vậy.

Chà, hết muốn cười nữa rồi. Bèn lánh qua chuyện khác. Sực nhớ, sáng mai về Bến Tre ăn giỗ ở nhà bạn N.M. Nhựt. Cũng là dịp thư giản cuối tuần cùng anh em. Mấy hôm nay đã bắt đầu vẽ lại. Cố gắng tìm lại sự hào hứng như lúc tập vẽ của năm 2007. Vẽ lại, cũng là lúc nhà thơ Trương Trọng Nghĩa từ Tiền Giang báo tin tập thơ của bạn Trần Đỗ Liêm đã in xong. Bìa là tranh của y.  Nhìn kỹ lại, tự khen rằng: “Tranh vẽ đẹp”. Ô hay! Không khiêm tốn chút nào. Ai đời, tự mình đi khen mình. Lạ nhỉ?

Chẳng có gì lạ. Bởi chưa ai khen, y đành tự khen vậy.

Thì có làm sao?

 

tranh-cua-Q-tho-Liem-ti-n-giag

Tranh Sơn dầu Lê Minh Quốc

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.8.2013

 

nhacsen-2

Nhạc sen - tranh Đỗ Trung Quân

 

Để rồi xem. Đến một lúc nào đó, có những người cầm bút sau khi rửa tay gác kiếm, rời khỏi trường văn trận bút sẽ có lúc ngồi thừ ra, mặt dài như cán thuổng và nhìn lên kệ sách. Nhìn lại sách mình đã viết. Những cuốn sách cả một đời lao lực. Quét một tầm mắt. Có thể liếc thoáng qua. Có thể nhìn soi mói. Và  có cuốn sách, một hoặc vài cuốn sách họ dừng lại thật lâu. Thở dài. Lại thở dài. Tặc lưỡi. Nuối tiếc. Trầm ngâm. Lại thở dài. Ô hay, tại sao lúc ấy lại viết cuốn sách đó? Vì lẽ gì? Dẫu bám vào lý lẽ nếu không viết thì trời sụp? Cũng không được. Không thể biện minh được điều gì. Giấy trắng mực đen sờ sờ ra thế kia. Chối bỏ mà đươc à?

Vừa rồi, tay bán sách cũ ở HN đã nhượng lại bộ Văn nghệ thập niên 1960 thế kỷ XX, lại đọc thêm bộ Văn Học ấn hành thời điểm ấy. Thấy gì?

Thấy rằng, sự sàng lọc của thời gian thật ghê gớm. Thời kỳ đó, có những tác phẩm in vài chục ngàn cuốn, gần trăm ngàn cuốn, nhiều số báo tập trung khen ngợi hết lời nhưng nay còn ai nhớ đến không? Tạp chí Văn Học của Viện Văn học (Hà Nội) số tháng 7.1966 cho biết tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân: ở Trung Quốc, đã in và tái bản lần thứ 8 với số lượng 3.672.000 quyển; Nhật Bản in lần thứ 2 với số lượng 40.000 bản; đã dịch sang tiếng Ý, Kampuchia… Sau đó, số tháng 10.1966 lại đăng bài Quá trình viết Sống như anh - bài nói chuyện của Trần Đình Vân tại Viện Văn học ngày 20.8.1966. Tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn. Sau khi vượt Trường Sơn vào Nam, Bùi Đức Ái ký Anh Đức, Nguyễn Sáng ký Nguyễn Quang Sáng, Ca Lê Hiến ký Lê Anh Xuân… và họ sử dụng bút danh đó cho đến cuối đời. Riêng Trần Đình Vân lại khác, sau này, ông chỉ ký Thái Duy và hầu như không nhắc lại cái tên Trần Đình Vân nữa. Tại sao? Thậm chí tên tác giả cũng “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Trong số này, có những người y quen, chỉ quen với bút danh sau này. Chứ thật ra, trước đó, họ đã in cuốn này, cuốn kia với bút danh khác. Mà nay, họ không muốn ai nhắc lại nữa. Họ muốn quên lãng những gì đã viết. Có thể liệt kê một vài ví dụ. Mà thôi. Để làm gì? Có người bảo, với tư liệu này, tư liệu kia mà nhà văn gì gì đó đã viết trong thời điểm đó, cứ công bố hoạch toẹt ra lại hay. Hay cái nỗi gì? Hay chứ! Bạn đọc thời nay sẽ thấu hiểu, biết rõ nhà văn, nhà thơ ấy cũng có một thời viết thế này, viết thế kia.

Y trả lời thế nào?

Ấy là suy nghĩ của kẻ ác.

Nghĩ đến một người hãy nghĩ đến phần tốt của họ đã đóng góp cho xã hội. Có những lúc họ phải viết thế này, viết thế kia là cũng do đẩy đưa của thời cuộc đấy thôi. Mà những cái thế này, thế kia ấy cũng không làm giảm đi giá trị văn chương đích thực của họ. Bất quá chỉ ý kiến, lý luận ấu trĩ chung của một thời. Cái thời ai ai cũng thế. Đi chệch hướng bị chụp mũ ngay. Vì vậy họ phải viết thế này, viết thế kia cũng không ngoài mục đích tồn tại. Đau lắm chứ. Nhục lắm chứ. Vậy hà cớ gì phải lôi những cái đó của thời đó biếm nhẽ họ? Chỉ những chuyện lổn nhổn vớ vẩn ấy, có người thích bươi móc ra. Lạ cho cái thói ganh tỵ, ganh ghét của người đời. Đáng ghét những ai chỉ thấy cái xấu của người khác. Sao không nhìn ra, ghi  nhận phần tốt của họ để thấy quanh mình là những con người đáng yêu?

Sau khi thắng giặc Nguyên Mông, trở về Thăng Long, vua Trần Nhân Tôn đã làm một việc mà Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi. Nếu chúng ta cũng thực hiện, học tập theo có lẽ sự hòa hợp dân tộc sau năm tháng chiến tranh đã khác chăng? Sử ghi, tháng 5.1289: "Trước kia quân Nguyên sang lấn, các vương hầu quan liêu nhiều người đến hàng ở dinh giặc; đến khi giặc thua, bắt được một hòm tờ biểu của những người hàng giặc, thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc". Cứ ngồi ngẫm nghĩ sẽ thấy lòng nhân của ông cha ta vĩ đại biết dường nào.

Anh L.Hoàng - từng làm giám đốc NXB Trẻ, có lần anh tâm sự, đại khái, làm sách phải lưu ý khi chọn in lại những bài báo viết những số phận tội phạm. Một vài bài báo viết trong thời điểm đó, không sao, đọc sẽ quên bởi nó là thời sự nhưng khi in thành sách lại khác. Nó là “tang chứng vật chứng” số phận cuộc đời một người, thậm chí ảnh hưởng đến cả con cháu họ.

Nghiệm lại thấy đúng quá.

Vừa rồi lang thang vào nhà sách cũ, thấy tập phóng sự của một đồng nghiệp. Mà thôi không nhắc tên, vì anh ta còn đang kiếm sống bằng nghề viết báo. Tập sách của bạn đấy à? Bèn mua. Đọc chơi. Ấy là thói quen, thấy sách bạn là mua. Mua như một kỷ niệm nhỏ, tự mình biết. Vậy thôi. Sau khi mua tập phóng sự này. Về nhà nằm đọc. Đọc những bài báo gom lại và in thành sách. Tự nhiên buồn ghê gớm. Buồn vì những tội phạm kinh tế ầm ĩ một thời có người đã dựa cột. Có người đã ra tù. Có người chìm vào dĩ vãng. Có người lại làm ăn lương thiện. Muôn hình vạn trạng của đời sống luôn vận động. Họ đã khép lại dĩ vãng để lật qua một trang mới.

Vậy mà, các trang sách ấy vẫn hùng hồn mắng nhiếc, phê phán, nguyền rủa họ đến tận hôm nay. Vẫn gã này, lão nọ như sự việc đang diễn ra ngày hôm nay. Lúc ấy, sự kiện ấy xẩy ra, với tư cách người đưa thông tin đến công chúng, nhà báo nhanh nhậy phản ánh trên mặt báo là đúng rồi. Đáng khen về nghiệp vụ. Không đáng khen chút nào khi NXB tiếp tay cho tác giả gom những cái thời sự kia in thành sách. Bài báo chỉ có giá trị của thời sự. Khi in thành sách lại khác vì sách còn được lưu trữ lâu dài.  Ô hô! Tội của họ, cứ cho có tội thì họ đã trả giá bằng năm tháng tù tội rồi, vậy hà cớ gì còn in thành tập để tiếp tục lưu hành sỉ nhục tội lỗi của họ?

Loại sách này hiện nay nhan nhãn trên thị trường sách. Đơn giản vì thiên hạ tò mò muốn đọc. Sau vụ án Nam Cam, nhà báo H.L sau khi ra tù đã có công ăn việc làm. Thỉnh thoảng vẫn gặp. Lúc H.L đang trên “đỉnh cao” nghiệp vụ đã có nhiều người đề nghị cho gom các bài báo ấy in thành sách. Anh ta từ chối, bảo rằng, khi tôi viết in báo là đã giết họ rồi. In thành thành sách là giết thêm lần thứ hai, tôi không thể.

Sáng nay họp. Anh em trong phòng cúng cô hồn. Ăn bánh trung thu. Vẫn vậy. Y vẫn liếc qua các trang báo mỗi ngày. Khép trang báo lại, nghệch ngoạc Đôi dòng:

đời bằng phẳng hay ho hay dòng đời trúc trắc

lại thầm hỏi mỗi sớm mai mở mắt

anh mỉm cười nhìn xuống bàn tay

xoa dịu vết chai

từng cầm súng cầm cuốc cầm bút cầm cày

từng chạy matrathon trên sa mạc dặm dài

ném lên trời vài nhúm hạt

vùi bùn sâu mớ chữ

chậm rãi vội vàng

ảo tưởng ngày sau mùa vàng

hoa sẽ trái

gái sẽ ngon

tiếng cười giòn sẽ ấm

ảo tưởng nào không đồng hành lú lẩn?

chẳng hề gì anh bắt buộc anh tin

tin đời hay ho như những câu thơ

những câu thơ tắt thở ngay lúc chào đời rối bời rơi xuống đất

chẳng hề gì dẫu sớm mai hoa hồng héo hắt

mùi hương thơm nũng nịu vẫn dậy thì

chẳng hề gì cõi ngợm người náo động

vẫn còn đây hình nộm

vẫn "ma nơ canh" ám khí tử thi

vẫn nói vẫn cười vẫn đứng vẫn  đi

vẫn rao giảng bằng huê từ mỹ ngữ

anh ngộ độc nửa đời anh ngắc ngứ

rồi từng ngày guồng máy nghiến trôi theo

này em yêu, hãy tin vẫn còn những tiếng khóc trong veo

không diễn kịch không lu loa kịch cọt

mở mắt dậy, dẫu héo hoa hồng

dẫu vành khuyên quên hót

chẳng hề gì

mỗi sớm mai lên đời sống lại dậy thì

Bài thơ khép lại. Nhận được điện thoại của người bạn thơ. Nghe từ điện thoại lời thúc giục: “Q à, mình đã xem hết tranh rồi. Sao không vẽ nữa đi? Đang chờ đây”. Cảm động quá. Mỗi ngày bạn mình vẫn post lên facebook những bức tranh thật đẹp. Sắc màu ngon. Thèm quá anh Đỗ à.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 49 trong tổng số 58