LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.10.2013

 

“Lâu ngày không thấy anh LMQ viết nhật ký"; " Sao mấy hôm nay, anh không viết nhật ký?". Mỗi một ngày tất bật với công việc. Vật lộn, đùa giỡn, mơn trớn, ve vuốt, sắp xếp từng con chữ. Kiếm sống. Từng ngày viết. Chỉ mỗi một nghề. Từng ngày. Từng giờ. Thay Lời Tựa Tôi chạy theo thơ, y tự thú:

tôi nào dám dậy sau tiếng gà

rạng sáng đã lao vào bàn viết

gió thổi ngoài sân

chim reo mùa tết

nhắm mắt bịt tai quên hết

viết rồi lại viết

uống cà phê cầm hơi

trán toát mồ hôi

viết

cảm hứng gì cái nghề keo kiệt

lấy chữ đổi ra tiền

tiền tiêu rồi cũng hết

lấy chữ đổi ra danh

danh phai dần không còn dấu vết

một ngày kia tôi chết

còn để lại gì không?

đừng nản lòng

Tự dặn dò mỗi ngày. Một ngày đang viết ngon trớn, vậy mà: “Đà Lạt đi anh. Em thèm cảm giác lạnh của Đà Lạt để nghe tơ liễu run trong gió”. À, thơ Hàn Mặc Tử. Câu kế tiếp thế nào? “Và để nghe trời giảng nghĩa yêu”. Trong tình huống này, phải làm gì? Chẳng lẽ, vẫn tiếp tục cắm cúi với bàn phím mặc kệ những lời nỉ non, réo rắt, thầm thĩ? Chẳng lẽ, đắm đuối với công việc mỗi ngày đang bày ra trước mặt. Không thể. Có mà ngốc.

Một chuyến bay. Một vòm trời mới. Ở đó, lờ mờ sương khuya và lạnh. Hoa mimosa vàng rực sườn đồi và gió. Ana Mandara Villas Đà Lạt và nắng bạt phếch riu riu vàng vọt sóng soài chân thềm. Mưa xanh như ngọc và lãng đãng mây mù. Khu biệt thự này xây dựng từ thời Pháp, khoảng thập niên 1930, gần Biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV - nơi lưu trữ mộc bản triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam. Những ngày cuối tuần của nghỉ ngơi. Của riêng tư. Vì thế không nên nghe bất kỳ một điện thoại nào, trả lời một tin nhắn nào, trừ công việc cơ quan.

Ở đó, cùng một người sống với thiên nhiên. Qua một người, mở ra một thiên nhiên khác. Chỉ tận hưởng trong muôn trùng cảm giác. Đừng ảo tưởng có thể khám phá đến tận cùng mưa nguồn của vực sâu đang lênh đênh trên núi. Đừng ảo tưởng có thể chạm bàn chân đến cõi địa đàng. Biết thế ư? Thì hãy cứ tận hưởng trong từng giây phút. Không phân vân. Toàn tâm toàn ý. Mùa vàng rực rỡ. Đang ngon. Lúc ấy, ban trưa có tiếng gà gáy ngân vang từ tháp chuông nhà thờ lặng lẽ trên những triền đồi xa xăm vọng lại. Lúc ấy, những ngọn nến đã thắp. Những giọt men nồng nàn như lửa chảy dài trên chăn gối một nỗi niềm hân hoan. Mệt mỏi. Rã rời. Ngày vẫn dài. Gió vẫn thổi buốt từng ngón tay. Vẫn thèm.

Đêm. Ngồi ngoài sân, gió buốt. Từ phòng ăn, vọng ra tiếng hát Tuấn Ngọc. Tiếng nói cười loãng và trôi theo từng dòng âm thanh. Đêm cũng trôi dần. Tuấn Ngọc hát. Hát 15 ca khúc cho vài người nghe. Chỉ là những ca khúc vàng son của một thời đã qua. Nghe  nhạc? Khi ấy con người ta sống lại cùng hoài niệm. “Ôm rách nát không tâm linh. Ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn. Còn yêu chi hoa ngày xanh, héo hon vì mong manh bỏ quên lại người sau ngỡ ngàng”. Ca khúc nào cho Đà Lạt? Nghĩ rằng, chỉ có thể Lê Uyên Phương. Từng giai điệu, ca từ đã tạo nên một không gian riêng biệt của Đà Lạt. Không gian của hẹn hò. Không gian của cuộc tình đôi lứa. Dù êm đềm, dù biệt ly, dù nồng nàn, dù ghẻ lạnh, dù đớn đau, dù muộn phiền, dù hân hoa tình ngon môi ấm thì cuộc tình đó chỉ đẹp khi người ta mới ngoài ba mươi. Trẻ quá, nghe Lê Uyên Phương cảm thấy rã rời. Già quá, nghe Lê Uyên Phương cảm thấy lạnh buốt mắt môi mà mười ngón tay không thể che khuất hết. Gió vẫn thổi. Tuấn Ngọc vẫn hát. Trước anh, một nữ ca sĩ vô danh hát lót, chỉ rặt ca khúc về Hà Nội.

Lại nghĩ, văn nghệ sĩ Hà Nội luôn có ý thức làm sống lại hình ảnh của một Hà Nội chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Mọi lúc mọi nơi. Rất tự ý thức. Ý thức một cách cố ý. Hát và viết nhiều về Hà Nội trong mọi tình huống, nếu có thể. Trong khi đó, như một mạch nước ngầm, như đóm lửa nhỏ, các ca khúc Sài Gòn một thời vàng vọt ánh điện câu, đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa, trăng tàn trên hè phố, phố đêm đèn mờ giăng giăng… vẫn thao thức trong lòng người. Ray rứt. Bùi ngùi nhưng không ủy mị. Như một hoài niệm. Như câu văn của Thạch Lam vọng đến đánh thức một niềm đau hân hoan, tiếc nhớ: “Mỗi mùa, nàng lại cài một đóa hoàng lan trên mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Chỉ vậy thôi. Mùi hương ấy nhẹ nhàng, đã mất, đã xa khuất, mà, lạ chưa, vẫn hiện hữu trong từng sợi máu chảy ngầm qua mạch sống hiện tại.

Chiều. Lang thang xuống phố, đi dọc bờ hồ. Quán Thanh Thủy. “Theo em xuống phố trưa mai, đang còn nhức mỏi đôi vai. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau”. Dừng chân, mua một lon đậu luộc, củ khoai nướng chỉ 15 ngàn đồng. Ba cụ vuốt từng giấy bạc cho phẳng phiu. Cẩn thận cất trong túi áo. Và mỉm cười sung sướng. Thấy thương quá. Ông trời hay thật. Bất kỳ ai dù giàu, dù nghèo cũng có niềm vui, nỗi khổ như nhau. Ai dám bảo, những người khách kia nghỉ ngơi ở Ana Mandara Villas Đà Lạt, dám bỏ số tiền không nhỏ mời ca sĩ Tuấn Ngọc từ Sài Gòn, mời giọng ca ngoài Hà Nội lên đây, chỉ để hát riêng nhóm của mình; và bà cụ nghèo vừa gặp ở bờ hồ thì niềm vui, hạnh phúc nào lớn lao hơn? Một người đến trú ngụ nơi kia một đêm trả tiền phòng không dưới hai triệu đồng, có lẽ niềm vui cũng như người dân chài nằm ngoài thuyền đánh cá không tốn một xu teng nào, nếu cả hai cùng ngủ ngon. Đời sống nhẹ nhàng. Ai cũng có được niềm vui trong cõi sống này.

Nghĩ thì nghĩ vậy. Trong lòng vẫn nhói lên một điều gì đó khi sự giàu nghèo ngày một cách biệt. Lúc ấy, đọc báo TN, ngoài trang bìa, có in lời phát biểu của bà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tại kỳ họp Quốc hội ngày 25.10.2013: “Có cần thiết không khi đám tiệc, khởi công, khánh thành hoành tráng, mời rất đông khách. Mình chi một triệu, một tỷ đồng thấy nhẹ nhàng trong khi đó người dân gò lưng ra đóng từng xu một”. Từng xu, với bất kỳ ai kiếm sống lương thiện cũng đầm đìa mồ hôi. Trong khi đó, có những quan chức có thể ném tiền tỷ, tham ô tiền tỷ cứ như đùa, như giỡn. Thử so sánh một con số: Báo Chuyện đời (ấn bản phụ của báo Đất Việt) ngày 26.10.2013 có bài viết về vụ Dũng “lò vôi” tức Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương: “Năm 2004, chính quyền Bình Dương đến hạn thanh toán khoản nợ 1.000 tỷ cho Bộ Tài Chính. Theo ông Dũng, lúc đó lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhiều lần gặp gỡ, đề nghị ông giúp tỉnh khó khăn, bằng cách mua hơn 533 ha ở khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Đô thị Bình Dương”. Không quan tâm đến chuyện này, chỉ hỏi, số tiền 1.000 tỷ lớn hay nhỏ? Chắc chắn rất lớn, cỡ một tỉnh còn phải chạy vạy đầu này đầu kia tìm cách tháo gỡ thì chẳng phải đùa. Vậy mà, có 7 “quan tham” đã gây thiệt hại hơn 530 tỷ đồng, tức hơn phân nửa số tiền kia! Ghê gớm chưa? Ai vậy? 7 bị can này nguyên là cán bộ, lãnh đạo của Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Chúng sắp ra tòa, dự kiến diễn ra từ ngày 6/11 đến 20/11 tại TP.HCM. Theo vnexpress.net: "Vụ án được cơ quan tố tụng đánh giá là một trong những “đại án” về tham nhũng trong thời gian qua, được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo sớm đưa ra xét xử".

Nghĩ cho cùng, tất cả những vụ việc tiêu cực nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Nhà nước, cuối cùng chính dân đen lãnh đủ. Chỉ dân đen thôi ư? Không, chính quyền cũng lãnh đủ mà phải trả giá gấp nhiều lần. Đó là lúc lòng tin của người dân vào chính quyền bị xói mòn ghê gớm. Có những vụ gây rúng động nhân tâm, chính quyền mới quan tâm cải thiện đời sống người dân. Chắc nhiều người chưa quên vụ chìm đò Cà Tang thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) ngày 19.5.2003, có đến 18 em học sinh bỏ xác rồi sau đó mới có chiếc cầu được xây dựng; vụ lật tàu Dìn Ký, sau đó, mới có cuộc kiểm tra toàn diện các nhà hàng trên sông; rồi gần đây, sau vụ thẩm mỹ viện Cát Tường thì Bộ Y tế mới yêu cầu Sở các tỉnh thành thanh kiểm tra tất cả các cơ sở hành nghề thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Còn bao nhiêu vụ nữa? Còn nhiều. Nhìn chung là chính quyền ứng xử quá chậm. Chậm quá. Sao không có biện pháp trước?

“Lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm. Những cái không công bằng, những cái không minh bạch trong chính sách làm người dân không tin tưởng. Phải có giải pháp, mà quan trọng nhất là phải có cơ chế để đo được lòng dân. Vì nói cho cùng, lòng dân là một trong ba yếu tố đảm bảo ổn định chính trị xã hội - đó là sự đồng thuận xã hội. Tôi mong chúng ta hãy quan tâm vấn đề này nhiều hơn nữa. Đừng bất chấp, đừng phớt lờ dư luận, đặc biệt là dư luận từ nhân dân”. Ý kiến của bà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trên báo TT rất đáng lưu ý - nhất là cụm từ "phải có cơ chế để đo lòng dân". Thật kỳ cục, có những sự việc người dân muốn biết quan điểm, câu trả lời chính thức từ phía Nhà nước nhưng người đứng đầu cứ ầu ơ ví dầu. Vì lẽ đó, báo Chuyện đời ngày 26.10.2013 mới có “Thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế”, câu kết như sau: “Để chữa bệnh cho bệnh nhân có hiệu quả, ngành y tế Việt Nam cần thành lập một khoa mới tên là “Khoa điều trị bệnh thiếu y đức” để chữa bệnh cho các bác sĩ trước tiên và bà Bộ trưởng sẽ là bác sĩ Trưởng khoa”. Nên hiểu thế nào? Lời đề nghị nghiêm túc hay bài viết của Tuổi Trẻ Cười in nhầm sang báo này? Có lẽ, chưa bao giờ ngành y của chúng ta tệ hại như lúc này. Người dân thấp cổ bé miệng, biết kêu ai? Thôi thì, hãy đọc lại “Cách ngôn dạy người làm thuốc” - nổi tiếng không kém gì Lời thề của danh y Hippocrate - của Đại y tôn Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1920 - 1791):

 

HTLO1anh-nay

 

1. Học thuốc phải thấu hiểu cả nho lý, rỗi nên xem những sách thuốc của các bậc lương y thời trước, để gặp bệnh biết thông biến, mới khỏi sai lầm.

2. Nếu nhà bệnh có mời, nên tuỳ bệnh nặng nhẹ mà đi xem, chớ thấy người phú quý mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau.

3. Xem mạch cho đàn bà, con gái, nhất là gái góa và các ni cô, phải bảo một người đứng bên cạnh để tránh sự hiềm nghi.

4. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, mà không nên vắng nhà luôn, nhất là đi hành lạc.

5, Gặp chừng bệnh ngặt, muốn hết sức cứu vãn, nhưng nói cho người nhà có bệnh biết trước là bệnh khó chữa, rồi hãy cắt thuốc.

6. Thuốc phải chọn vị tốt và bào chế đúng phép, chứ không được cẩu thả.

7. Gặp người đồng nghiệp, người học hơn mình thời thờ làm thầy, người cao hơn mình thì kính cẩn, người kém mình nên khuyên bảo thêm, dù gặp người kiêu ngạo cũng nên khiêm nhường.

8. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.

9. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tuỳ ý vì làm thuốc là thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao.

10. Tôi xét, làm thuốc là nhân thuật giữ tính mạng cho người, vậy không nên mưu lợi. Ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm thuốc hay tất đời sau có người làm nên khanh tướng”. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chửa được, thế là lập tâm bất lương, hơn nữa đối với người cao cấp thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán, thời không đáng kể. Cổ nhân có nói: “Không làm quan giỏi cũng làm thầy thuốc giỏi” vậy tôi chỉ nghĩ sao cho không hổ với lương tâm, nên bệnh nào không thể chữa được, thời báo trước cho nhà có bệnh biết. Nếu gặp những người tiếc của coi thường tính mệnh, hay là không đủ ăn mặc, thời tôi lại chu cấp thêm”.

Lời dạy của Thánh y Việt Nam vẫn còn ý nghĩa thời sự. Làm sao để lời căn dặn này vận hành trong cuộc sống?

Khuya qua, rời khỏi “Thành phố buồn lắm tơ vương cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn”. Một chuyến bay đêm. Ngày mai, lại về quê nhân giỗ đầu của bà chị ruột. Một tuần qua cái vèo. Mỗi ngày vẫn 24 giờ, nhưng có cảm giác thời lượng của một ngày ngắn hơn trước nhiều. Làm sao có thể thoát khỏi mối quan tâm thời cuộc? Chỉ có thể, nếu sống một  mình trên hoang đảo như Robinson.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.10.2013

 

tet_tayR

Một kiểu "đá giò lái" của người Việt: "Nghe nói biểu hiệu mẫu quốc là con gà sống (trống), nên chúng tôi đem đến tết cụ lớn con gà mái cho có đôi" (báo Ngày Nay năm 1939)

Đêm qua, sân thượng. Gió mát. Vẫn bạn bè cũ. Mừng người bạn vừa từ hội chợ sách ở Frankfurt về. Bốn chai rượu đứng xếp hàng ngang như những tráng sĩ sẳn sàng chờ lệnh xung phong. Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Mấy anh em cầm bút đã gục ngã giữa sa trường. Hào hứng. Náo nhiệt. Lúc say, con người ta luôn có nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng lớn nhất là được góp chung công sức làm tập sách Thói xấu của người Việt. Một dân tộc có bản lĩnh, "vốn xưng nền văn hiến đã lâu" không dễ gì bị đồng hóa, có thể sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới là khi nhận thức được thói xấu, hạn chế của chính dân tộc mình. Có nhìn thấy nhận, may ra mới có thể chấn chỉnh và khắc phục nhược điểm. Bằng không, cứ vỗ về đại loại người Việt cao quý, người Việt đáng yêu, giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống ngoại xâm, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn v.v… và v.v… mà không dám nhìn nhận các điểm yếu đã có, đang tồn tại thì khó có thể trưởng thành.Mà dân tộc nào cũng vậy thôi. Bên cạnh cách tính cách làm nên sức mạnh một dân tộc, vẫn còn có những thói xấu, tật xấu. Vấn đề là có bản lĩnh thừa nhận và tu sửa, thay đổi hay không?

Văn hào Lỗ Tấn vĩ đại còn ở chỗ ông dám chỉ trích thói xấu của chính dân tộc ông. Ai dám bảo ông không có tinh thần yêu nước? Ban đầu, ông học y khoa, du học Nhật Bản năm 1902 nhưng sau đó chuyển sang hoạt động văn nghệ. Lần nọ, xem phim chiến sự Nga - Nhật thấy lính Nhật chém đầu một người Trung Quốc vì tình nghi là gián điệp của Nga, thế mà những người Trung Quốc chung quanh lại đứng nhìn thờ ơ, dửng dưng vô sự. Lỗ Tấn nhận thức ra rằng, dân một nước mà tinh thần còn nhu nhược thì cơ thể có khỏe mạnh cũng trở nên đớn hèn, vô dụng.

Trưa qua, đi rửa xe. Tranh thủ ngồi đọc tờ báo PL TP.HCM ngày 20.10.2013. Đọc bài Gầy dựng lại hình ảnh người Việt của GS Nguyễn Đăng Hưng. Ngậm ngùi. Cay đắng. Ông Hưng là GS danh dự trường ĐH Liège (Bỉ), GS cố vấn cao cấp ĐH Tôn Đức Thắng và còn giữ nhiều trọng trách khác. Do đó, thông tin ông đưa ra không thể nghi ngờ là bịa: “Từ thời bao cấp, người Việt trong mắt các nước Đông Âu đã không phải là hình ảnh đẹp. Bởi đó là hình ảnh từng đoàn người Việt ra nước ngoài chủ yếu theo dạng xuất khẩu lao động, với trình độ thấp và thường là người nghèo khổ, bần cùng. Những năm trước khi bức tường Berlin bị sụp đổ, nhiều chuyện xảy ra tại Đông Âu như buôn thuốc lá lậu, hành xử côn đồ những người xuất khẩu lao động… Vô hình trung, hình ảnh người Việt ở những nước này đứng dưới đáy xã hội. Chung quy cũng tại cái nghèo thậm tệ của những năm bao cấp.

Chính bản thân tôi nhận ra sự thật phũ phàng này khi lên máy bay về Việt Nam năm 1977. Thời buổi máy bay các nước Tây phương chưa kết nối được với Sài Gòn và Hà Nội, phải bay về Bangkok, đáp máy bay Thai Airlines, sang Rangoon (Miến Điện), rồi từ đây đón máy bay Liên Xô Aeroflot về Hà Nội. Chuyến bay có bố trí một bữa ăn trưa và khách hàng sử dụng dao, muỗng, nĩa làm bằng kim loại. Ăn chưa xong mà cô tiếp viên người Nga đòi nằng nặc phải giao lại sớm con dao, muỗng, nĩa. Đáng nói là cô ấy chỉ đòi tôi nhưng vẫn cho các hành khách khác người Âu được dùng. Tự dưng tôi cho đây là một sự kỳ thị không chấp nhận được. Tôi cương quyết đòi phải giải thích và cuối cùng một thành viên của phi hành đoàn đến giãi bày: “Chúng tôi lo ngại đặc biệt vì các chiếc đĩa, muỗng, dao đã biến mất khi vào tay người Việt Nam và sự cố này cứ tiếp diễn trong mỗi chuyến bay về Việt Nam!”.

Não nùng chưa? Ê chề chưa?

Ngay cả người Việt cũng cảnh giác… người Việt. Sực nhớ mẩu chuyện nhỏ, có một thời trong các phòng khách sạn, nếu chú ý sẽ thấy các đôi dép mang trong phòng đều bị cắt béng đi một góc. Tại sao? Để không ai có thể cuỗm luôn đôi dép đó đem về nhà! Những chuyện này là nhỏ ư? Do đêm qua uống rượu say, chìm miên man trong sự ảo tưởng lằng nhằng nên sáng nay bèn dậy sớm. Phải dậy sớm như mọi ngày. Nhà đã hết cà phê. 6g đã phóng xe ra khỏi nhà. Chỉ mới ngang qua Trường Độc Lập trên đường Thích Quảng Đức phải khựng lại. Kẹt xe. Thì ra các bậc phụ huynh đã có mặt từ sớm đưa con đến trường. Nhìn mấy nhóc chừng năm, bảy tuổi mặc đồng phục, nắm tay nhau vào trường mà thương quá. Chúng phải dậy từ lúc mấy giờ? Gương mặt vẫn đang còn ngái ngủ. Có đứa hồn nhiên há miệng ngáp ngắn ngáp dài. Đi học chứ có phải đi làm quan đâu mà dậy sớm thế? Đã thế, trên báo TT sáng nay có bài của tác giả Mỹ Dung, đọc xong, buồn cười ghê gớm: “Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học”. Trời đất ơi! Nghĩ cũng may. Đã qua thời đi học tiểu học, nếu không cũng mệt lắm đây. May ơi là may.

Lại đọc lá thư Là một nhân viên y tế, con xin tạ lỗi trước bà con của BS Huỳnh Văn Bình (BV Nhân dân Gia Định). Cũng in trên TT sáng nay. Thư viết nhân vừa xẩy ra sự kiện kinh hoàng: Thẩm mỹ viện Cát Tường “hút mỡ nâng ngực” cho một phụ nữ. Chẳng may tai biến, nạn nhân tử vong. Thay vì phải làm các biện pháp, thủ tục đúng luật pháp thì giám đốc thẩm mỹ viện đó ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. Thư của BS Bình viết cảm động, đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, lại nghĩ, tại sao không là thư của Bộ trưởng Bộ Y tế? Đã có nhiều vụ trái khoáy nhưng lâu nay, vẫn chưa thấy nhiều vị Bộ trưởng chính thức lên tiếng. Nếu có, cũng phải một khoảng thời gian sau, thường là không kịp thời giải tỏa bức xúc của dư luận. Do quan chức chúng ta chưa có thói quen này chăng? Qua sự việc man rợ trên, dư luận tập trung phê phán, lên án thẩm mỹ  viện Cát Tường là đúng nhưng nếu chỉ dừng lại đó, chỉ là sự phiến diện. Sự đáng trách nhất vẫn thuộc về các cơ quan chức năng, vâng chính các cơ quan chức năng có lỗi lớn nhất. Một (hoặc nhiều) thẩm mỹ viện, cơ sở trị bệnh... không có giấy phép nhưng tại sao có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không bị "hỏi thăm sức khỏe", kiểm tra? Đừng trách người dân dại dột, làm sao họ có thể biết thẩm mỹ viện đó có giấy phép, có chức năng làm đẹp này nọ hay không? Đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng lơ là, thiếu trách nhiệm là người dân lãnh đủ.

Nghĩ thế nên tự hỏi, nghệ thuật có thể đóng vai trò gì nhằm hạn chế sự tha hóa của con người? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Phải có thời gian suy ngẫm thêm. Chỉ biết rằng, nghệ thuật còn có chức năng dự báo. Thử đặt lên môi một vài giai điệu, ca từ để hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn:

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi thăm

Tôi sẽ đi thăm, cầu gẫy vì mìn

Đi thăm hầm chông và mã tấu

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

Hát lại lần nữa đi. Có gì đáng phải lưu ý trong ca từ này? Đã phát hiện ra chưa? Đọc lại truyện Tàu, chẳng hạn Đông Chu liệt quốc, ngay từ dòng đầu tiên: “Thái tử Tịnh lên ngôi xưng hiệu là Tuyên vương, trong thì lo sửa sang triều chính chiêu đãi hiền thần, ngoài thì lo vỗ an bá tánh, vì thế các bậc hiền tài lúc bấy giờ như Phương Chúc, Thiệu Hổ, Doãn kiết phủ, Châu Bá, Trọng sơn phù, đều dốc lòng bảo giá. Tuyên vương đem lại thái bình cho nhà Châu được mười chín năm thì giặc Khương nhung dấy loạn, vua phải ngự giá thân chinh. Thế giặc quá mạnh, Tuyên vương thua luôn may trận, quân sĩ hao hụt rất nhiều, bèn trở về Thái nguyên kiểm điểm dân số để mộ thêm binh lính. Khi đi ngang qua một khu phố nhỏ gần Kiểu kinh có một bầy trẻ xúm nhau vỗ tay hát :

Thỏ lên, ác lặn non mờ,

Túi cơ cung yểm bơ phờ nước non.

Vua nghe câu hát lấy làm tức giận, truyền quân vây bắt. Bọn trẻ cả sợ chạy tán loạn, chỉ bắt được có hai đứa.

Vua quát hỏi:

- Ai bày cho chúng bay hát như thế?

Hai đứa trẻ run lẩy bẩy, cúi đầu tâu:

- Cách đây ba hôm, có một đứa nhỏ mặc áo đỏ, đến tại chợ nầy dạy chúng con hát. Nhưng chẳng biết vì sao, cùng một lúc, cả trẻ con trong khu phố đều biết các câu hát ấy” (bản dịch Nguyễn Đỗ Mục).

Những câu hát của trẻ con, có lúc tưởng chừng vô nghĩa nhưng thật ra nó ẩn chứa những thông tin về thời cuộc, những thay đổi lớn lao sắp đến, liên quan đến vận mệnh đất nước... Không phải trẻ con tự nhiên  hát cho vui, chính những bậc hiền nhân đặt ra bày cho chúng. Chúng thuộc nhanh và đem phổ biến khắp đầu làng cuối xóm. Trẻ con hát theo trí nhớ nên thường có nhiều dị bản. Chẳng hạn, trẻ con nào lại không biết chơi trò ép nhong nhong với câu hát ngộ nghĩnh?

Ép nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn

Đâu phải câu hát đồng giao vu vơ mà chính là một cách an dân. Tuyên truyền cho nhân dân biết cuộc kháng chiến mười năm của nghĩa quân Lam Sơn sắp thắng lợi. Qua đó, động viên quân, dân hãy tin vào ngày toàn thắng chống quân Minh, lúc ấy chúng đang bị vây hãm trong thành Đông Quan. Bấy giờ, đại bản doanh của anh hùng Lê Lợi đang đóng tại dinh Bồ Đề. Câu hát đồng dao trên, thiết nghĩ có thể bổ sung cho sự kiện lịch sử năm 1427 trong chính sử. Thêm một ví dụ nữa, câu hát đồng dao:

Chu chi rành rành !

Cái đanh thổi lửa,

Con ngựa đứt cương,

Ba vương lập đế,

Chấp chế thượng hạ,

Ba chạ đi tìm

Ú tim, ù ập!

Là liên quan đến sự kiện của năm 1888 đấy chứ. Có thể tóm tắt, “Con ngựa đứt cương": vua Hàm Nghi; “Ba vương lập đế”: sau khi vua Hàm Nghị bị bắt, ba vị vua kế tiếp nối ngôi là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc v.v… Như đã nói, do trẻ con hát nên còn có nhiều dị bản như:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Hù tiu, bắt … ập !

Với dị bản này, lại có cách giải thích khác. Vậy thì, xét nội dung của bài đồng dao phải xác định thời điểm ra đời. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường”,  ông có nghĩ đến ý nghĩa sâu xa đã phổ biến trong lịch sử: Khi trẻ con hát đồng dao tức lúc ấy, báo hiệu một sự thay đổi có liên quan đến vận mệnh của một dân tộc? Khi viết câu ấy, ông chỉ nghĩ đến hình ảnh của mỹ học, tượng trưng cho sự thái bình của một đất nước sau chiến tranh? Dù gì đi nữa, vô hình chung, qua âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã nêu lên một sự dự báo. Nghệ thuật chính là sự dự báo. Dự báo điều gì, tùy nhận thức của mỗi người. Chỉ lẩn thẩn nghĩ rằng, bây giờ nếu có, đâu là bài đồng dao của thuở "Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường”?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.10.2013

 

94bcea8e-7475-4f3d-90b0-3c515b855ff8

 

Trưa chủ nhật vừa rồi, ngày 20.10 kéo nhau vào khách sạn sheraton ăn buffet. Chiều mệt đứ đừ cũng phải dự sinh nhật của một nhà văn rửa tay gác kiếm. Đã chính thức hào hứng với ca khúc của Y Vân: "Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu. 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi. 20 năm cuối là bao. Ơ là thế, đời sống không được bao. Ơ là bao, đời không lâu là thế". Đời không lâu là thế nên anh vẫn tiếp tục loạt truyện ngắn mới. Mỗi truyện ngắn có tựa của một ca khúc. Thì ra có những người viết suốt cả đời. Đến lúc xuôi tay nhắm mắt mới thôi. Buổi trưa đó, ngồi sát cửa sổ. Nhìn xuống đường phố. Nhìn qua lớp kính trong veo. Thấy nắng vàng tươi. Thấy người đi thong thả. Một cảm giác bình yên. Gần gũi mà xa lạ. Đã ở Sài Gòn nhiều năm, vào đây và những nơi sang trọng khác nhiều lần nhưng vẫn cảm thấy xa lạ. Đơn giản, Sài Gòn là nơi y ghé đến lúc không còn trẻ. Và nơi này, không có những kỷ niệm gắn bó từ thuở ấu thời. Trong khi đó, chỉ ở Đà Nẵng vỏn vẹn 18 năm, nhưng mỗi lần về lại, đi trên đường phố cũ, vẫn tưởng như có tiếng vọng gọi tên y từ dưới gót giày. Thân mật. Tin cậy. Y đi bằng kỷ niệm của quá khứ. Quá khứ còn rõ nét. Chưa nhạt nhòa. Ở Sài Gòn, chỉ đi bằng hiện tại. Hiện tại từng ngày lại chóng quên. Hiện tại lấp vùi lên hiện tại. Không hề có quá khứ. Nghĩ thế, nhưng bảo rằng phải xa Sài Gòn có lẽ không bao giờ chọn lựa. Ngôi nhà ở Sài Gòn đã  quen. Công việc mỗi ngày đã quen. Cứ như thế, từng ngày lại trôi đi. Biết đến bao giờ mới có quá khứ của Sài Gòn trong tâm hồn y?

Vào khách sạn Sheraton ăn buffet, tìm cảm giác nghỉ ngơi sau một tuần miệt mài với từng con chữ. Hai người phải trả 2 triệu 750 ngàn đồng. Trong khi đó, quán cơm từ thiện Nụ Cười, một suất chỉ 2 ngàn đồng. Không sao cả. Đời sống thiên hình vạn trạng. Không thể giống ai cũng như ai. Tết vừa rồi nghĩ ngơi ở Intercontinental Danang Resort Sơn Trà. Đẹp mê hồn. Cứ tưởng lạc vào một cõi bồng lai tiên cảnh. Tự nhiên ngậm ngùi. Bùi ngùi nghĩ đến những số phận cần lao mỗi ngày nhọc nhằn cơm áo:

Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

(Tú Xương)

Đã chôn nhau cắt rốn nơi này nhưng họ không thể béng mảng đến. Khó có thể tận hưởng cảm giác thư giản tuyệt vời nhất ngay trên chính quê nhà. Dù rằng, mảnh đất ấy từ đời cha đến đời họ đã từng sống chết, chắt chiu gìn giữ… Sau chiến tranh, có những nơi không dành cho người cần lao. Người nghèo? Đi chỗ khác chơi. Nói thì nói thế, nếu không chọn lấy những vị trí đẹp nhất xây dựng các resort, vui chơi, thư giản làm sao thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, thu tiền thuế đất v.v...? Vấn đề quan trọng nhất vẫn là chính sách đền bù, giải tỏa thế nào, có hợp lòng dân hay không? Dù ý nghĩ thoáng qua nhưng lòng y vẫn chùng như ghita lạc phím. Vậy mà gió trùng khơi cứ mơn mởn tơ vàng. Nắng đẹp. Sóng đẹp. Ngày đẹp. Quái ác chưa?

Sáng nay, có tin nhắn của Đ.T:

Nhật ký càng viết càng sâu

Ngỗn ngang thế sự cho rầu lòng ai

Bèn cười. Nhớ bạn và ngồi lướt web. Một thông tin đáng chú ý trên báo TN: “Mỗi người gánh hơn 851 USD nợ công”: Đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock) trên trang The Economist.com hôm qua 21.10 điểm nợ công của VN đạt mức 76,706 tỉ USD, chiếm 48,6% GDP.

Tính trên dân số 90,1 triệu người, thì mỗi người VN gánh 851,48 USD nợ công. Vào tháng 7 vừa qua, trung bình mỗi người gánh 826,4 USD nợ công, khi đó nợ công VN ở mức 74,294 tỉ USD. Còn hồi tháng 1, nợ công tính trên đầu người là 787,9 USD với tổng nợ công 70,576 tỉ USD, chiếm 49,5% GDP của VN.

Tuy nhiên, đồng hồ nợ công VN vẫn giữ ở tông màu cam nhạt, thể hiện mức độ nhẹ hơn các nước có tông màu đỏ như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản… Ở Đông Nam Á, nợ công chiếm trên 50% GDP có Thái Lan, Malaysia, trong khi Indonesia chỉ chiếm 25,1%. Tổng nợ công toàn cầu hiện ở mức 51.815 tỉ USD”.

Từ chuyện nợ nần này, TTC số ra ngày 15.10.2013 có mẩu chuyện của tác giả Mộng Bình Thường: Ngày 1.4.2013 bệnh viện Từ Dũ có đỡ ca đẻ của cụ bà ngoài 95 xuân xanh. Nhờ bác sĩ phẩu thuật nên mẹ tròn con vuông. Sinh đôi. Có điều hai cụ hài nhi ấy vừa lọt lòng mẹ nhưng râu tóc bạc phơ, ước chừng ngoài 70 tuổi. Phóng viên báo đài đến săn tin “nhưng hai cụ không không quan tâm mà chỉ hỏi: “Ở tuổi chúng tôi đã được tính vào diện mất sức chưa?”. Quái, sao lại quan tâm đến chuyện này? Hai cụ đồng thanh: “Chúng tôi sợ phải trả… nợ công quá nên trốn mãi trong bụng mẹ đến giờ”.

Đọc xong, chẳng biết có nên cười hay không?

Mấy hôm nay, đọc quyển Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm (NXB Văn hóa Văn nghệ) của đồng nghiệp Trần Nhật Vy vừa gửi tặng. Tại sao 130 năm? Theo nghị định của Thống đốc Nam kỳ Lafont: "Điều 1: Kể từ ngày 1.1.1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, nghị quyết, sắc lệnh, phán quyết... sẽ được viết, ký và công bố bằng mẫu tự Latinh" (tr.11). Khi làm thơ, anh Trần Nhật Vy ký Nguyễn Hữu Vang. Ngày mới vào nghề, anh là người hướng dẫn những bước đi đầu đời. Viết cái tin ra sao? Chụp ảnh báo chí phải thế nào? v.v… Theo quy định của báo TT ngày đó, mỗi phóng viên tập sự đều có người đi trước hướng dẫn. Ngày đi xuống cơ sở, thực tế, ghi chép thông tin thì cuối tuần báo cáo lại. Người đi trước sẽ hướng dẫn cách chọn đề tài, cách viết, thể hiện ra làm sao, nên viết thể loại gì? v.v. Cầm tập sách tự nhiên nhớ lại ngày tháng rong ruỗi khắp Sài Gòn trên chiếc xe đạp cà rịch cà tang. Thoáng đó. Gần 30 năm gắn bó với nghề. Vẫn chưa nên cơm cháo gì. Tập sách này có phần viết kỹ về tờ Gia Định báo. Đọc xong, vui vui bởi suy nghĩ của y lâu nay không sai: Quảng cáo trên báo chí thuở Pháp mới sang chính là thuốc Tây.  Mối quan tâm lớn nhất của con người ta chính là sức khỏe, ngày trước chữa trị chỉ có thuốc Bắc, thuốc Nam "cây nhà lá vườn" thì thuốc Tây vẫn là mặt hàng xa lạ, công hiệu thế nào chưa mấy ai biết rõ nên cần phải quảng cáo là lẽ tất nhiên. “Do không tìm thấy các số báo những năm 1877-1880 nên không rõ trong những năm này, Gia Định báo đã có quảng cáo chưa. Tới năm 1881, báo xuất hiện những trang quảng cáo ở trang cuối cùng” (tr.139). Các mẩu quảng cáo, anh dẫn chứng đều là các tiệm thuốc Tây, loại thuốc Tây.

Nay, bổ sung thêm.

Không những xuất hiện quảng cáo trên báo chí, ngay cả sách giáo khoa dạy học trò tiểu học thì thuốc Tây cũng được “gài” vào luôn. Nói có sách mách có chứng: “Quyển Ấu học bị thế, ngoài bìa phía trên cùng ghi “Các sách học mới để các trường ở Đông Dương dùng - ông Henri le Bris - đốc học trường Pháp Việt Thừa Thiên soạn. Sửa lại theo tiếng Nam Kỳ đặng thông dụng trong các trường làng và trường tổng”. Sách này khổ 13x 21,5cm, 136 trang, do Imprimerie commerciale, C. Ardin et Files xuất bản năm 1916 tại Sài Gòn. Trong đó gồm 160 bài học, chia làm 8 phần: Thân thể; Vệ sinh; Loài vật; Cây cối; Đất, đá, kim loại; Trời, đất, địa cầu; Xứ Nam kỳ và các xứ lân cận đại Pháp; Xứ Nam kỳ, dân số, sử ký; Nói về cách chánh trị trong Nam kỳ. Ở cuối mỗi bài đều có câu hỏi dành cho học trò, và những bài địa lý đều có in bản đồ. Bài viết dễ hiểu, ngắn gọn. Xin trích lại bài số 13 có tựa Ghẻ:

“Anh em bạn học tôi tên là Mít có nhiều ghẻ; nó gãi hoài. Khi đầu ở trường có một mình nó có ghẻ mà thôi, sau lại trò Tư và trò Năm cũng có ghẻ nữa. Thầy tôi biểu ba trò ấy ở nhà kẻo lây ghẻ cho các trò khác. Hôm qua trò Mít đến học mà đã lành ghẻ rồi, thầy tôi hỏi làm sao mà mau lành như vậy. Trò Mít trả lời rằng: Cách tám ngày rày ông Thầy thuốc Tây có đi đến làng tôi; người biểu tôi lấy xà-bông đen mà tắm, mỗi ngày phải lấy thuốc gián vàng của người cho mà thoa lên chỗ có ghẻ. Đương lúc ấy tôi mặc áo cũ. Mẹ tôi đem trụng mấy cái áo tôi thường mặc. Khi ghẻ lành rồi, tôi mặc áo quần sạch sẽ. Mẹ tôi lấy mà nấu mấy cái áo dơ đi, lấy nước sôi mà rửa cái giường tôi nằm và đem ra phơi nắng. Tôi hết đau ghẻ đã đươc ba ngày rày, không còn một mụt ghẻ nào nữa. Chị tôi và thằng đầy tớ tôi cũng có ghẻ, mà cũng làm như vậy, rồi cũng nhẹ ghẻ hết.

Thầy tôi khen trò Mít mà nói rằng : “Như trong mình và áo quần sạch sẽ luôn luôn thì không bao giờ mà có ghẻ”

Câu hỏi: - Ghẻ có lây không ?- Phải làm sao cho khỏi ghẻ ?- Nếu có ghẻ phải làm gì cho hết ghẻ ?

Cách dạy: như có nhiều học trò có ghẻ, thì Thầy phải khuyên cha mẹ chúng nó mua thuốc Pommade d’Helmerichxà bông đen giá không bao nhiêu tiền”.

Rõ ràng, khi đọc báo, thông qua các mẩu quảng cáo, người ta có thể ít nhiều hình dung ra đời sống, xã hội trong thời điểm đó. Nếu có ai làm tập sách, chọn lọc các mẩu quảng cáo xuất hiện trên báo chí từ ngày 15.4.1865 - ngày ra đời Gia Định báo đến nay, qua đó, chắc chắn sẽ có nhiều thông tin hữu ích.

Chiều rồi. Loay hoay một chút đã chiều. Chiều không nắng. Chiều sắp úa. Phải phở thôi. Phải phở bởi sáng nay bận quá nên không thể. Vậy thì chiều.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.10.2013

 

1374068_10200642750979101_618720668_n

Từ trái: Nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc, nhạc sĩ Thế Hiển tham gia chương trình thơ HTV (10.2013)

 

Sáng dậy. Mẹ đã đi chợ. Ngoài Trung, trời đang mưa gió, bão lụt khiến mẹ cũng ngần ngại, chần chừ có nên về giỗ đầu chị Ái không? Khi đã bước qua tuổi 90 sức khỏe yếu, ngại đi lại là lẽ tất nhiên. Trần Đăng Khoa có câu thơ hay:

Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay  hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Ấy là lúc nói mẹ ốm. Mà dẫu không ốm, con người ta đến độ tuổi nào đó cũng trở nên chậm rãi nói cười, chậm chạp đi đứng. Như đứa trẻ tâp đi. Lúc ấy, lại quay về với suy nghĩ và tình cảm của trẻ thơ. Về già, được sống thong dong, nhẹ nhàng như trẻ thơ là ước ao của nhiều người. Xem phim, nhìn hình ảnh người đàn ông già ngồi trên xe lăn, mỗi sáng có người đàn bà đẩy xe đi dạo mát. Bất giác gợi lên sự cảm động của tình chồng nghĩa vợ. Tình nghĩa này có thể sánh với tình mẹ con.

Sáng thứ bảy. “Dậy đi ăn sáng sớm anh ơi”. Tiếng gà vẫn gáy đâu đó vọng lại. Tiếng chuông chùa vẫn nhẹ nhàng ngân trong nắng mai. Sáng thứ bảy. Ngày nghỉ. Đêm qua, đã chín giờ tối, còn có điện thoại. Bần thần giây lát. Rất ngại nghe chuông reo, nhận tin nhắn vào giờ này. À, người bạn chưa biết mặt, trước dạy trường Phan Châu Trinh ở ĐN hẹn ngày nào đi cà phê. Ngày nào? Phải qua tuần thôi. Ngày cuối tuần, không thể. Không muốn. Chỉ muốn ở nhà làm việc riêng tư. Nghỉ ngơi.

Đêm qua vào facebook, đọc trên status của bạn Trần Thị Nhung có mấy câu thơ, trích trong quyển Vĩnh biệt các gangster của Takahaski:

Tôi làm thơ rất nhiều

Tuy nhiên, độc giả của tôi lúc nào cũng ít. Ít đến rầu cả người. Độc giả của tôi chỉ có 3 người.

Người thứ 1 là tôi

Người thứ 2 là mẹ tôi.

Hễ tôi gửi cho mẹ những bài thơ tôi tự sáng tác là bà lại hồi âm bằng một giấy chuyển tiền có đảm bảo.

Đọc bất kỳ bài thơ nào của tôi, mẹ cũng nghĩ là tôi đang xin tiền.

Vỗ đùi cái đét. Đúng quá. Tự nhiên, cười một mình. Câu cuối cùng bất ngờ. Người mẹ trong bài thơ đáng yêu quá. Giống mẹ của y. Mẹ y không biết chữ. Không đọc thơ. Thương con bằng việc làm cụ thể. Không cần nhăng cuội ồn ào. Người tình thương người tình đôi khi chỉ khua môi múa mép. Ngôn từ rổn rảng. Phát ngôn vô tội vạ. Những mây những trăng những gió những hoa hồng mộng mị. Những hẹn biển thề non những ba voi không một bát nước xáo. Có ích gì chăng? Yêu một người làm thơ, phải biết chắc rằng người đó khó có thể làm ra tiền, từ thơ. Thơ không đẻ ra tiền. Tiền cũng không đẻ ra thơ.

Vậy mà, có người vẫn muốn con mình trở thành nhà thơ. Oái oăm thế. Chừng mươi năm trước, trong làng thơ có bé gái học tiểu học được thiên hạ biết đến qua dăm bài thơ thiếu nhi đăng báo. Tuy nhiên, do ông bố là sếp đứng đầu một cơ quan báo chí, lại có mối quan hệ rộng rãi nên mới rách việc. Những bài thơ của cháu đã khiến một loạt giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu ùa vào, tranh nhau, giành nhau khen lấy khen để. Một “chiến dịch” P.R rầm rộ trên các mặt báo. Cứ như thần đồng thơ xuất hiện. Đùng một cái, bé gái này lặn mất tiêu, không còn thơ thẩn gì nữa. mất tăm mất tích. Không ai có thể mặc cái áo rộng quá khổ. Phải đóng một vai ngoài khả năng. Nhà văn Nguyễn Khải, có lần bảo, đại khái, muốn giết chết một mầm non văn nghệ, một cây bút trẻ cách mau nhất, hiệu quả nhất là hãy khen nó bốc trời, khen tận chín tầng mây xanh. Khen cho nó chết.

Trường hợp của bé gái này cũng thế. Nghĩ lại, thấy thương. Đại loại còn nhớ câu thơ: “Em đi ra Hà Nội/ Em thấy rất nhiều cây”, một cảm nhận rất đỗi bình thường. Đứa trẻ nào cũng thấy. Nhưng qua con mắt của những nhà phê bình uyên bác lập tức trở thành những câu trác tuyệt: Câu thơ ấy thể hiện một tấm lòng chan chứa nhân văn vì tâm hồn tác giả rất gần với thiên nhiên, yêu thiên nhiên là yêu cái đẹp. Cái đẹp trong tâm hồn tác giả có thể sánh với đại văn hào Dostoivsky vì đã gửi đến thông điệp mang tính toàn cầu: "Cái đẹp cứu chuộc thế giới". Rồi, gắn luôn câu thơ vào môi trường sạch và xanh của Hà Nội. Sau những trận mưa bom khốc liệt thời chiến tranh nhưng màu xanh của cây tại Hà Nội vẫn vươn lên, xanh lên từng ngày như sức sống của người Thủ đô từng ngày vươn lên v.v… và v.v…

Mà đâu riêng gì mấy câu thơ trên. Loại bài phê bình này vẫn còn đầy trên mặt báo đó thôi. Cứ giả vờ tán tụng nhau mãi. Riết cứ tưởng thật chăng?

Thơ với thẩn làm cái gì? Bà Wislawa Szymborsk -  giải thưởng Nobel Văn học năm 1996, trong bài thơ Đêm tác giả bà miêu tả lại một buổi đọc thơ ở Ba Lan. Sẽ có hàng ngàn người tham dự, cổ vũ, hò reo, tán thưởng, tung hô ầm ĩ như chương trình ca nhạc đang náo nhiệt trên sân khấu Trống Đồng, Lan Anh, Phan Đình Phùng… chăng?

Trong căn phòng có mười hai người

Một nửa đến vì mưa rơi

Một nửa là thân quyến

Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện

Thơ ơi

(Tạ Minh Châu dịch)

Chỉ vì trú mưa mà tạt vào, vì tình thân quyến mà đến chứ nào phải vì thơ. Rồi trong bài Một số người thích thơ, bà cho rằng:

Không kể chính các nhà thơ

Có lẽ những người đam mê

Chỉ có hai trên một nghìn

(Tạ Minh Châu dịch)

Ngao ngán chưa? Vậy mà cứ suốt ngày thơ với thẩn. Nói thế, bởi những ngày này phải nằm đọc vài chục quyển thơ do Hội Nhà văn TP.HCM vừa chuyển qua. Tập thơ của những người xin vào Hội. Theo nguyên tắc, nếu có trên một tác phẩm, có hộ khẩu tại TP.HCM thì có quyền nộp đơn xin vào Hội. Mấy năm nay, trong các cuộc họp quyết định của Hội đồng thơ, y luôn phát biểu, ai thích vào thì cứ mở cửa cho họ vào. Vào cho đông. Cho vui. Anh em trong hội đồng không đồng ý. Bảo, phải xem xét chất lượng các tập thơ đó, rồi mới bỏ phiếu. Chà, gay go thật. Vì thế, danh sách tác giả thơ xin vào Hội từ năm này tồn đọng qua năm kia cứ dài dằng dặc.

Ấy là chưa kể trường hợp xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Còn gian nan hơn nhiều. Nghe đâu thời trước, ở ngoài Bắc khi nhận được thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người còn tổ chức linh đình như ngày xưa thí sinh đậu Trạng nguyên trở về làng. Trước hết, làm buổi lễ kính cẩn đặt cái thẻ ấy lên bàn thờ gia tộc, nhang khói nghi ngút, cáo với tổ tiên sự thành đạt, sự vẻ vang, sự vinh quang chói lọi này. Sau đó, đãi bạn bè nhậu, say sưa đọc thơ thâu đêm suốt sáng. Tán tụng nhau. Ca ngợi nhau. Chỉ vợ con là khổ. Dù cái thẻ ấy không hề được ưu tiên mua vé tàu, vé xe, qua phà… như thẻ nhà báo. Nhưng người cầm bút thời ấy vẫn thích. Vẫn thấy oách. Vẫn có thể khoe hí hửng khiến không ít người nhẹ dạ thèm thuồng. Còn nhớ ngày đó, với thông tin hội viên vừa được kết nạp thì báo chí hồ hởi đưa tin chúc mừng.

Có lẽ, năm 2000 y cùng các anh Nguyễn Thái Dương, Đoàn Thạch Biền, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Hiếu vào Hội là năm cuối cùng của quan niệm: đã nhà văn, nhà thơ thì phải phấn đấu cho bằng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc đó, nhà văn Anh Đức - đại diện và thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam ở phía Nam có mời anh em nhậu lai rai như lời chúc mừng. Gặp gỡ ở sân 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, vào buổi chiều. Vừa thân tình. Vừa trang trọng. Dần dà, mọi việc đã khác. Ngày nay, có nhiều người dứt khoát không làm đơn xin vào Hội; hoặc ngang xương bỏ ra khỏi Hội, không thèm sinh hoạt nữa. Lúc cuối năm, các hội địa phương và trung ương có lệ công bố danh sách những người vừa được kết nạp thì nay báo chí cũng không buồn đưa tin. Dù chỉ một dòng.

Đêm qua, vẫn thói quen đọc sách, báo trước lúc ngủ. Đọc và quan tâm đến thông tin này: UBND TP.HCM vừa ra quyết định ban hành danh mục các loại cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố. Cụ thể, có 5 loại cây bị cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố vì có độc tố gây nguy hiểm cho người là bả đậu (mủ và hạt độc), cô ca cảnh (lá có chất cocaine gây nghiện), mã tiền (hạt có chất strychnine gây độc), thông thiên (hạt, lá, hoa, vỏ cây đều chứa chất độc) và trúc đào (thân và lá có chất độc). UBND TP.HCM cũng quy định hạn chế trồng các loại cây ăn quả trên vỉa hè và dải phân cách để tránh tình trạng trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố. Ngoài ra, còn có hơn 20 loại cây khác cũng bị đưa vào danh mục hạn chế trồng trên đường phố TP.HCM vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, có rễ phụ dễ làm hư hại công trình, nhánh giòn dễ gãy, gồm: bàng, bồ kết, cao su, da, sung, dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tram, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi, đại phong tử, lòng mức, lòng mức lông, me keo, mò cua, sữa, sọ khỉ, xà cừ, trôm hôi, trứng cá, xiro. Trong 5 loại cây cấm trồng trên, có một loại cây mà người yêu thơ nhạc chắc còn nhớ đến: 

Chiều xưa có ngọn trúc đào

Mùa thu lá rụng bay vào sân em

Chiều thu gió lạnh êm đềm

Mùa thu lá rụng cho mềm chân em

Phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Vì quan tâm nên y chép luôn vào nhật ký. Như một tư liệu. Theo tài liệu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, khi người Pháp mới sang, tại Sài Gòn từ “năm 1870 bắt đầu cho trồng cây hai bên đường. Năm 1873 định lệ xây vỉa hè. Năm 18709 định phép ghi số nhà (số nhỏ bắt đầu từ rạch Thị Nghè hoặc sông Sài Gòn, bên phải số chẵn, bên trái số lẻ). Năm 1908, cho thầu làm cống thoát nước” (SG - TP.HCM 300 địa chính, Sở Địa chính TP.HCM in 1998, tr.113). Không rõ lúc ấy, người Pháp đã chọn trồng các loại cây gì? Chừng mươi năm trước, không rõ do sáng kiến của ai, dãy phân cách dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến gần đường Điện Biên Phủ vào một ngày đẹp trời, người dân Sài Gòn mở mắt dậy thấy trồng toàn cây cau! Cau trồng ngay giữa đại lộ. Kỳ lạ chưa? Nhân vụ tróe ngoe nầy, cây bút hoạt kê Lê Thị Liên Hoan (tức đạo diễn Lê Hoàng) nhanh nhậy viết chuyện trào phúng in TT chủ nhật. Đọc lâu quá, chỉ nhớ đại khái: Không rõ vì sao dạo này thành phố lại có quá nhiều chuột. Chuột ở chung người mà lấn lướt, bắt nạt cả người. Bấy giờ thiên hạ mới nháo nhào hỏi nhau, vậy mèo đâu hết rồi mà chuột dám lộng hành thế này? Cuối cùng, họ bật ngửa biết mèo đang mải lo “trèo lên cây cau” vừa mới trồng ở tuyến đường trên.

Sáng nay, vẫn dành thời gian một chút cà phê với nàng. Thoáng một lúc, đã trưa trày trưa trật rồi. Vậy có bàn về chuyện thơ nữa không? Sao lại không? Nếu là Takahaski, khổ  thơ trên, y sửa lại thế này:

Tôi làm thơ rất nhiều

Tuy nhiên, độc giả của tôi lúc nào cũng ít. Ít đến rầu cả người. Độc giả của tôi chỉ có 3 người.

Người thứ 1 là tôi

Người thứ 2 là nàng

Hễ tôi gửi cho nàng những bài thơ tôi tự sáng tác là nàng lại hồi âm bằng một giấy chuyển tiền có đảm bảo.

Đọc bất kỳ bài thơ nào của tôi, nàng cũng nghĩ là tôi đang xin tiền".

Được như vậy thì hay quá. Các nhà thơ có thể sống nhẹ nhàng, toàn tâm toàn ý  vực dậy nền thi ca nước nhà đặng có thể sánh vai cùng bốn biển năm châu. Hay quá đi chứ? Đúng rồi. Rất hay. Mà hay nhất khi các nhà thơ yêu mến của chúng ta vừa trình bày ước mơ đó với người yêu, lập tức mối tình bao nhiêu năm hương lửa mặn nồng bỗng đột ngột khăn gói lên đường không kèn không trống không ngoái lui nhìn lại không một lời vĩnh biệt tình anh!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.10.2013


Mấy hôm nay mưa. Mưa tầm tã. Miền Trung lại bão lụt. Trên mạng xã hội, có đưa xem nhiều đường link. Điếng lòng. Phóng viên truyền hình hỏi một cháu gái, bây giờ ước mơ gì nhất? Trả lời, có cơm ăn. Nghe rưng rưng. Lại những cảnh màn trời chiếu đất. Lại kẻ ăn không hết, người lần không ra. Ngày xưa, mỗi khi có lũ lụt, thiên tai hạn hán người ta quan niệm do “trời hiện điềm để răn bảo”; “Trời tạo ra thiên tai không phải là vô cớ, chính ở người mà ra”. Nhà vua tin thế đặng tự răn mình, phải thay đổi chính sách cai trị phù hợp lòng dân. Đọc sớ của Trạng nguyên Giáp Hải dâng của vua Mạc Mậu Hợp thấy có nói rõ điều này.

Bây giờ, con người ta còn biết tin vào cái gì? Bi kịch là chỗ đó. Có quá nhiều chuyện tróe ngoe mà nhà văn vĩ đại nhất cũng khó tưởng tượng ra nổi. Đọc các tác phẩm của họ trong thời gian gần đây, có thể giúp ta tin vào điều gì không? Với nhà văn, sự tồn tại của họ chỉ có thể là tác phẩm, nếu không, sau khi mất cũng chỉ là bóng tối. Một sự lãng quên. Nhà văn Paustovsky viết: “Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “Bông Hồng Vàng” của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ… Sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”.  Nhà văn của chúng ta chắc chắn cũng ý thức như thế. Tuy nhiên, tác phẩm ấy đang ở đâu? Chỉ biết rằng, đọc báo mỗi ngày, lòng tin yêu vào cuộc đời lại lại tan nát. Nhìn vào đâu cũng thấy “xã hội ba đào” sờ sờ ra đó.

Rồi, từng ngày lại trôi qua.

Chắng mấy chốc cũng hết một đời người.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII vừa kết thúc hôm qua. Không kèn trống. Lặng lẽ. Tẻ nhạt. Bởi chỉ cuộc chơi đến hẹn lại lên. Hình thức. Nặng phần trình diễn. Hầu như chẳng ai quan tâm. Vừa rồi, mừng sinh nhật Phạm Duy và nhân ra mắt cuốn sách Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & tình bạn Duy Khê, phát hành 3 album nhạc và hòa tấu, Tổng công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức 4 đêm nhạc “Phạm Duy nhớ” & “Tình bạn Duy - Khê” diễn ra từ ngày 5.10 đến hết ngày 18.10.2013. Diễn ra tại TP.HCM, Huế, Nha Trang, Đà Lạt. Cũng chỉ lặng lẽ. Chẳng thấy ai bàn tán gì. Rồi từ ngày 9 - 13.10.2013 diễn ra Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2013 tại Đức. Một vài đơn vị làm sách của Việt Nam có tham gia. Cũng chẳng mấy ai biết đến. Mà thật ra, thời buổi này khó có sự kiện văn hóa nào có thể gây đình đám. Công chúng đã ngao ngán. Nhiều điều cần phải quan tâm hơn. Nhiều chuyện phải bàn luận hơn.

Đêm qua mưa. Tham dự ra mắt tập sách Chuyện tình nghệ sĩ của đồng nghiệp Hà Đình Nguyên (báo TN). Trong tập sách này, Phạm Thiên Thu có cho biết do sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ 10 bài Đạo ca của ông. Có điều lạ, ngày nay hầu như không ai biết đến Nguyển Đức Quỳnh - thủ lĩnh của nhóm Hàn Thuyên với những tên tuổi lừng lẫy như Trương Tửu, Lê Văn Siêu, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ… Sở dĩ nhắc lại vì báo chí miền Nam thuở ấy ca ngợi, tung hô ông Quỳnh ghê quá. Lúc ông mất vào ngày 6.6.1974 tại Sài Gòn, nhiều tạp chí đăng loạt bài viết về ông, có người không ngần ngại gọi “văn hào”. Nay chẳng ai nhớ đến nữa. Nghe đâu, ông Quỳnh có viết những bộ tiểu thuyết rất nổi tiếng như Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình… Chưa thấy tái bản.

Nhân đọc tập sách mới của đồng nghiệp Hà Đình Nguyên, tự hỏi, chẳng rõ văn học thế giới có nhiều tác phẩm viết về vợ không? Viết về người tình thì có nhiều rồi. Sự sáng tạo nào không lấp lánh phía sau gương mặt tình đau, tình vui, tình phụ, tình sầu, tình nắng mai, tình âm u rực rỡ? Ông Tú Xương có bài Thương vợ cực hay. Ai lại không thuộc lòng bài thơ này? Bài Văn tế sống vợ của ông cũng thuộc hạng tuyệt bút. Thi sĩ Đông Hồ có bài lệ ký Linh phượng khóc vợ; bà Tương Phố có Giọt lệ thu khóc chồng đều là những áng văn hay. Rồi ai nữa? Ngẫm đi ngẫm lại, văn chương Việt Nam chỉ có ba người viết nhiều nhất về vợ là Hoàng giáp Ngô Thì Sỹ (1725-1780) với tập Khuê ai lục, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du (1739-1786) với tập Đoạn trường lục và gần đây là nhà thơ Nguyễn Duy với tập Vợ ơi.  Đọc tập Đoạn trường lục, tình cờ lại phát hiện Hàn Mặc Tử và Phạm Nguyễn Du có câu thơ giống nhau. Khi vợ mất, trong nỗi đau đớn xót thương đến đứt ruột , phía sau tấm minh tinh - tức tấm lụa ghi tước, họ tên, tên húy, tên hiệu, tên thụy... của người quá cố rước đi trong đám tang - Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du đề (tạm dịch):

Than ôi! Ta với nàng chỉ một người

Đã cùng nhau sum họp sao nay lại chia phôi?

Nàng đã đem một nửa hương tinh khiết đi rồi

Còn để lại phần cuồng si là một nửa thân ta”

 Câu đề này khiến chúng ta nhớ đến hai câu thơ của Hàn Mặc Tử viết sau hơn một trăm năm:

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ

Sự trùng hợp ngẫu nhiên nầy hết sức thú vị. Thì ra trong thời kỳ nào những tâm hồn thơ lớn cũng có những nét tương đồng.

Mấy hôm nay, chuyện cẩu thả trong biên soạn sách giáo khoa lại ồn ào. Chẳng vui vẻ gì. Chán. Sao lại không làm như trước năm 1975 tại miền Nam: Bộ GD & ĐT công khai chi tiết đề cương tiết học, phần học, môn học... của các chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Căn cứ vào đó, các nhà giáo dục sẽ biên soạn sách giáo khoa rồi in ấn, phát hành. Bộ sách nào tốt, bám sát đề cương của Bộ ắt các nhà trường và học sinh sẽ chọn. Cách làm này, nhằm phá thế độc quyền biên soạn sách và ấn hành sách giáo khoa lâu nay chỉ thuộc đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người, một nhà xuất bản. Khi có chính sách tạo điều kiện cho các nhà mô phạm cùng tham gia, chắc chắn sách giáo khoa sẽ phong phú, đa dạng hơn nhiều.

 

DSCN0622RR

 

Chỉ xin đơn cử trong phạm vi môn quốc văn và liệt kê ngẫu hứng theo những sách đang lưu trữ. Chẳng hạn, sách Quốc văn toàn tập lớp nhì của Bùi Văn Bảo - Đoàn Xuyên, cho biết biên soạn: “Theo đúng chương trình tiểu học hiện hành và phương châm sư phạm của Bộ Quốc gia Giáo dục”. Câu đó hoặc câu “Soạn đúng theo chương trình của Bộ Giáo dục”; “Soạn theo đúng chương trình Bộ văn hóa Giáo dục” luôn có ghi rõ ngoài bìa; hoặc trang trong. Chẳng hạn, Em học Việt ngữ lớp 1 của Bùi Văn Bảo, Văn Công Lầu, Trần Trọng Phan, Phạm Văn Vệ; Quốc văn bộ mới của Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên; Quốc văn toàn thư lớp nhứt của Phạm Trường Xuân - cựu giáo sư và một nhóm giáo viên, Yên Hà, Kình Dương; Quốc văn toàn thư lớp 3 của Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên; Tân Việt văn lớp 4, lớp 5 của Bùi Văn Bảo; Tân Việt ngữ lớp 5 của Nguyễn Tất Lâm; Quốc văn tân biên lớp nhất, Tiểu học quốc văn lớp tư của Hà Mai Anh v.v… là nằm trong chủ trương này.

Thử so sánh:

Môn Tân Việt văn lớp 5: Tiết học thứ nhất của Tuần lễ 1, phần Ngữ vựng “Thể dục”, sách của Bùi Văn Bảo (NXB Sống Mới):  “Muốn cho thân thể khỏe mạnh, chúng ta phải năng tập thể dục. Ở sân vận động có đầy đủ dụng cụ, Huấn luyện viên sẽ chỉ dẫn cho ta tập đúng phương pháp. Bài tập thể dục phổ thông gồm nhiều động tác giản dị rất thích hợp với mọi người. Học sinh lớn thường trình bày thể dục đồng diễn. Mọi người cử động chân, tay rất nhịp nhàng, đẹp mắt”

Sách của Nguyễn Tất Lâm (NXB Nam Sơn): “Ta năng tập thể dục để cho thân thể khỏe mạnh luôn. Ở nhà ta chỉ có thể chỉ tập những động tác phổ thông. Nếu muốn đầy đủ dụng cụ ta nên đến sân vận động, ở đó có huấn luyện viên hướng dẫn. Từ sự hô hấp cho đến sự cử động chân tay cần phải tập đúng phương pháp mới có kết quả”.

Những chữ bold đen, người biên soạn có giải nghĩa rõ ràng.

Bài học thuộc lòng Quốc văn lớp nhì, về “Thôn quê”, sách của Bùi Văn Bảo - Đoàn Xuyên cho học bài Quê em của Trường Giang Phong, có đoạn:

"Ven bờ sông cái trong xanh

Lòng em ấp ủ bao tình mến thương

Chiều thu nhạt ánh tà dương

Gió về phảng phất mùi hương thơm lành

 

Đồng vàng bông lúa rung rinh

Reo vui trong gió nhạc tình nước non

Mái đình sừng sững đầu thôn

Rêu phong mấy độ hãy còn nét xưa"

v.v…

Sách của Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên cho học bài Khung cảnh đồng quê của Sơn Ca, có những câu như:

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”

Chiều chiều trên cánh đồng xa

Cánh cò bay lả bay la nhịp nhàng

Vui tươi này những trai làng

Líu lo tiếng hát cô nàng xứ quê

Một mai lúa chín gặt về

Cày sâu cuốc bẫm không nề gian lao"

v.v…

Rõ ràng, với cách làm này sách giáo khoa của nước nhà phong phú hơn, vì đã huy động trí tuệ và trách nhiệm của toàn xã hội. Còn có thể bàn luận thêm biết bao điều lý thú khác. Mà thôi. Chuyện của thiên hạ, nói chơi cho vui, xía vào làm gỉ? Có bao điều hay ho khác thiên hạ cứ gào lên, thét lên mà có ai thèm nghe đâu. Đừng ảo tưởng. Mấy hôm này tự nhiên vui vui, do nhớ lại một mẩu chuyện nhỏ trên TTC số ra ngày 15.10.2013. Chuyện của bé Phan Thục Nhi (3 tuổi) học trường Mầm Non Hướng Dương, TP. Long Xuyên:

“Bé ở nhà bà ngoại, gọi điện về nói:

- Bà nội ơi! “Em” đang ở nhà bà ngoại nè! Bà nội có nhớ “em” hông? Còn “em” nhớ bà nội lắm đó!

Bà nội nghe mát cả ruột”.

Chuyện chỉ có thế. Tự nhiên thấy đời vui. Rất vui. Thích nhất từ “em” nghe dễ thương, đáng yêu quá. Chỉ trẻ con mới có thể hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện đến thế.

Đọc cái chú thích ảnh, chỉ một dòng in trên các báo bỗng dưng tối tăm mặt mày: “Chung cư hạng sang bậc nhất Hà Nội Pacific Place, nơi ông Dương Chí Dũng mua nhà cho bồ nhí bằng tiền tham nhũng”.

Chỉ muốn buồn nôn.

Nôn vào đâu?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.10.2013

 

PCT-1

 

Trong những ngày này, quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tự nhiên lại liên tưởng đến một vài sự kiện của năm 1926. Năm đó, có sự kiện gì đáng nhớ? Chẳng hạn, ngày 1.1.1926 tại Pháp, báo Việt Nam hồn của nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền ra số đầu tiên, tờ báo rất có ảnh hưởng với kiều bào và trí thức trong nước. Đọc Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ sẽ thấy rõ điều này. Về sau, năm 1961, ông Truyền sống tại Sài Gòn, có ra tranh cử tổng thống với Ngô Đình Diệm nhưng thất bại. Nhà văn Nguyễn Khải có viết về cuộc đời bất đắc chí của ông. Ngày 8.1.1926, lễ tấn tôn Đông cung Hoàng thái tử Nguyễn Vĩnh Thụy lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Bảo Đại. (Chẳng biết do đâu ở Quảng Nam có câu thành ngữ lạ tai, khi muốn nói về cái thuở cái thời xa xưa các bà già hay chép miệng: “Cái thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”). Ngày 20.3.1926, tại Sài Gòn báo Jeune Annam (Nước Nam trẻ) do nhà báo Lâm Hiệp Châu chủ trương ra số báo đầu tiên và cũng duy nhất. Ngày 21.3.1926 đảng Thanh Niên ra đời. Trong Hồi ký Trần Huy Liệu có viết kỹ về đảng này. Ngày 24.3.1926, cụ Phan Châu Trinh tạ thế.

Xin dừng  lại với sự kiện này.

Nếu nghiên cứu chu đáo lịch sử cận đại Việt Nam, ắt rút ra có một kết luận dứt khoát: hầu hết thế hệ thanh niên thập niên 1920 thế kỷ XX tham gia cách mạng do từ hai tác động quan trọng nhất. Đó là biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925); tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh (1926). Quốc dân cả nước ngưỡng vọng hai bậc thiên sứ, xem như biểu tượng quốc hồn của cả dân tộc. Đám tang cụ Phan Châu Trinh đã đánh thức sự mê ngủ của tầng lớp sĩ phu, thanh niên trí thức lúc nước mất nhà tan:

Đêm sao đêm mãi tối mò mò,

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?

Đàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đương ho.

Ngọn đèn giữ trộm khêu còn bé,

Tiếng chó nghi người cắn vẫn to.

Hàng xóm láng giềng ai đã dậy?

Dậy thì lên tiếng gọi nhà Nho!

(Đêm dài - Từ Diễn Đồng)

Đám tang cụ Phan “lên tiếng gọi” và cả dân tộc như bừng tỉnh. Sau đó, không ít thanh niên dấn thân làm cách mạng, gia nhập các đảng chính trị, hiên ngang chấp nhận tù đày, xem khinh xà lim, máy chém... Lúc ấy, có bao nhiêu người tham dự đám tang cụ Phan? “Ngày 4.4.1926, tại Sài Gòn, đám tang được tổ chức với 14 vạn người tham dự” (xem Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919 - 1945, tr. 107). Tài liệu này còn  chú thích: “Các báo công khai đương thời đều đưa con số 14 vạn người dự đám tang; theo Nguyễn Ái Quốc trong bài viết Phong trào cách mạng Đông Dương thì: “Cùng với dịp này, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, một người thuộc phái quốc gia khác vừa mất, 30.000 vạn người ở xứ Nam kỳ đã làm lễ an táng theo quốc lễ và khắp nước tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ. Chỉ trong vài ba ngày, một cuộc lạc quyên đã thu được hơn 100.000 đồng. Tất cả học sinh, sinh viên đều để tang Cụ”. Dân số Việt Nam thời điểm đó bao nhiêu người?

Nước bốn nghìn năm hồn chửa tỉnh,

Người hăm lăm triệu giấc còn say.

(Tú Xương?)

Hoặc:

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn,

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

(Tản Đà)

Thế thì, số lượng 14 vạn người không phải là ít. Theo Hồi ký Trần Huy Liệu, ủy ban tổ chức tang lễ cụ Phan “gửi giấy đi khắp cả nước hiệu triệu làm lễ nhà chí sĩ ái quốc, coi như một quốc tang, Lúc ấy, sau cuộc vận động đòi thả Phan Bội Châu, phong trào đương lan tràn khắp toàn quốc nên bản hiệu triệu kể trên được mọi nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Học sinh các trường nhất là những trường trung học, bãi khóa lung tung đòi để tang nhà ái quốc. Tại Hà Nội, và nhiều tỉnh khác ở Trung, Bắc đến cả Nam Vang ở Campuchia và Viên Chăn ở Lào, lễ truy điệu cử hành có hàng vạn người tham gia” (SĐD, tr. 73).

Nếu thời trước có internet thì hay quá. Tài liệu cập nhật ấy, sẽ là nguồn lưu trữ phong giúp đời sau có thể hình dung quốc tang Phan Châu Trinh. Ngày nay thuận lợi hơn nhiều. Chỉ ngồi nhà, qua các phương tiện truyền thông đã có thể theo dõi trực tiếp đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến từng chi tiết. Đám tang của hai vĩ nhân trong hai thời kỳ lịch sử, có gì giống và khác nhau?

Có lẽ, người mê sách cũ cũng khó có thể sở hữu tập sách quý Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên. Sách in sau một năm cụ Phan mất, năm 1927 tại Sài Gòn. Người thực hiện là nhà báo Nguyễn Kim Đính - Tổng lý Đông Pháp thời báo. Nếu nhà xuất bản nào, cá nhân nào có lòng với lịch sử nước nhà, muốn in lại thì liên hệ, y sẽ biếu không tập sách quý này. Trong đó, có nhiều hình ảnh về đám tang cụ Phan từ Nam chí Bắc, thậm chí cả ở Nam Vang (Phnom Penh). Sở dĩ làm được như thế vì “Các bức ảnh in trong cuốn sách này, ở Sài Gòn thì của hiệu Khánh Ký, ở Nam Vang thì của hiệu Royal photo, ở Hà Nội thì hiệu Hương Ký photo, ở Nam Định thì của Thụy Ký photo, là các hiệu chụp hình nổi tiếng của người mình ở Đông Pháp. Các quý hiệu trên đây nghe bổn báo xuất bản cuốn Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên đặng phổ thông cái tư tưởng cao cả, ý kiến sâu rộng của cụ thì thẩy đều vui lòng cho phép lục in các hình vào sách” (tr. 1). Bên cạnh đó, còn những tư liệu quý là Thông báo quốc dân ngay lúc cụ Phan vừa mất của các nhân vật nổi tiếng ở Nam kỳ như Phan Văn Trường, Trương Văn Bền, Trần Huy Liệu…; Điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Quang Chiêu, Bùi Kỷ, công nhân hãng Ba Son v.v… đọc trong tang lễ; hàng trăm câu đối khóc cụ của các đoàn thể, cá nhân v.v… trong cả nước. Chẳng hạn, đây là câu đối của cụ Phan Bội Châu:

Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch

Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền

(Tạm dịch: Biển xanh chưa lấp bằng thì Tinh Vệ còn ngậm đá; Chung Kỳ đã mất, Bá Nha cũng đứt dây đàn).

Hoặc “chữ đại tự” của “Các người đàn bà buôn bán ở Sài Gòn”: “Hùng tâm vị úy”; của “Bắc kỳ nghĩa trang”: “Danh lưu thiên cổ”... Tập sách cũng tường thuật lễ truy điệu cụ Phan tại các nơi như Bến Tre, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Cao Lãnh, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Tây Ninh, Phnom Penh, Phan Thiết, Tam Kỳ, Tourane (Đà Nẵng), Huế, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… Đáng lưu ý, ngoài các bài diễn thuyết cuối đời của cụ Phan như Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông Tây… còn có bài Ta phải thương cụ Phan Châu Trinh cách nào? của Nam Kiều (tức Trần Huy Liệu). Bài viết rất hùng hồn, theo đó, “Ta phải thương cụ bằng tấm lòng, ta phải thương cụ bằng việc làm, việc làm của cụ chưa tới nơi, thì ta phải làm cho tới nơi đi…” (tr.202).

Đúng quá.

Khi vĩnh biệt Tướng Giáp, y viết: “Đã đành, vĩnh biệt một con người bao giờ cũng có những lời tiếc thương, như thế vẫn chưa đủ. Điều cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực nhất là hãy làm sống lại tinh thần của người đã khuất”. Nếu không, sự thương khóc ấy không đem lại một ý nghĩa thích cực gì. Sực nhớ, năm 1925, khi nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sang Pháp, đưa cụ Phan Châu Trinh về nước. Thời gian đầu, cụ Phan ở tại nhà cụ Nguyễn An Khương - thân sinh Nguyễn An Ninh tại Hóc Môn - Bà Điểm. Nơi cụ trú ngụ trở thành địa điểm của nhiều người đến thăm viếng. Ngày nọ, có hai thanh niên trí thức, đi xe hơi đến thăm, họ vòng tay:

- Thưa cụ, chúng cháu nghe danh cụ, chúng cháu đến thăm cụ, chúc cụ mau mạnh khỏe hoạt động cho dân nhờ.

Lập tức cụ Phan đùng đùng nổi giận:

- Tôi hộ cái chi. Các anh trẻ trung, to con lớn xác. Các anh không làm chi. Các anh chỉ trông ngóng ở thằng già sắp chết. Trông ngóng cái chi?

Cụ quát lớn khiến hai thanh niên đỏ mặt tía tai mà ù té chạy. Tính cách của cụ Phan rặt Quảng Nam mà cũng rất Việt Nam. Cụ Phan nói không sai chút tẹo nào. Trẻ có vai trò của trẻ, chứ đâu phải lúc nào cũng ngong ngóng, ỷ lại lớp người già. Trong những này vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, báo Thể thao & văn hóa quan sát và khẳng định, giới trẻ vẫn nặng lòng với lịch sử: “Giới trẻ không thờ ơ, hời hợt, vô cảm với lịch sử, với văn hóa… như một số ý kiến từng nói trước đây. Trong khoảng thời gian này, trên mạng có rất nhiều bạn trẻ lập nhóm, lập trang riêng để tri ân, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều thanh niên tình nguyện đã đến các địa điểm viếng Đại tướng, để hỗ trợ phân luồng giao thông, giúp đỡ người đến viếng, tiếp nhận hương hoa, giúp ghi sổ tang…”. Chia sẻ điều này với PV của báo, y phát biểu:

“Những ngày này, sự đi về cõi vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nên một cơn “địa chấn” trong tâm hồn mọi người. Không chỉ thế hệ đã trải qua năm tháng chiến tranh, các em thuộc thế hệ 8X, 9X cũng bộc lộ sâu sắc lòng thương tiếc, ngưỡng mộ đối với một danh nhân của đất nước.

Sự việc giới trẻ tình nguyện đứng ra “chung tay” cùng xã hội lo chu đáo đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó chính là ý thức công dân. Hành động đó, không phải bây giờ mà thời nào cũng có - nếu người đã khuất khi sống đã tận hiến cho cộng đồng.

Khi chứng kiến thái độ, hành động tự nguyện của giới trẻ trong những ngày vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta có thể xác tín đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, chỉ dừng lại đó vẫn chưa đủ. Điều thiết thực hơn, xứng đáng hơn với tâm nguyện của người đã khuất, của toàn xã hội nếu giới trẻ ý thức hơn nữa là phải sống thế nào cho xứng đáng với thế hệ của cha ông?

Câu hỏi này, không thể bỏ mặc giới trẻ loay hoay tự tìm câu trả lời mà còn là trách nhiệm của các đoàn thể nữa. Trước hết, tôi nghĩ đến trách nhiệm của chính “thế hệ đàn anh”. Thế hệ đi trước phải sống gương mẫu, góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh. Có như thế sự định hướng lâu dài cho giới trẻ mới có thể trở thành hiện thực (báo TT&VH ngày 11.10.2013).

Sở dĩ nhấn mạnh về sự gương mẫu, là do suy nghĩ nếu thế hệ đi trước sống không ra gì ô thì đừng mong có thể vận động xã hội, nhất là thế hệ trẻ toàn tâm, toàn lực tạo ra một cú hích mới. Ít ra cú hích ấy là sự góp phần thúc đẩy tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà chí sĩ Phan Châu Trinh đã nêu ra từ đầu thế kỷ XX.

Thật lạ, những ngày tang lễ này lại xẩy ra sự cố kinh thiên động địa.

Theo nguồn tin từ trang điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam: “Lúc 7 giờ 48' ngày 12.10, tại phân xưởng 4, Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng trên địa bàn xã Khải Xuân và Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ tai nạn cháy nổ tại khu vực sản xuất pháo hoa”. Có bao nhiêu người chết và thương vong? Chỉ “23 người chết, 97 người bị thương”? Tối nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng bão số 11, ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi có lượng mưa lớn như Lý Sơn (Quảng Ngãi) 126mm, Nam Đông (Huế) 48mm. Ghê gớm chưa?

Lại chết chóc.

Lại bão lụt.

Trong lúc đó, y vẫn cùng các nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, nhạc sĩ Thế Hiển… làm chương trình Cung bậc thi ca cho HTV. Ôi! Thơ. Thơ ơi là thơ! Quá chán. Chẳng biết nghĩ thế nào nữa. Mà nhờ vậy, y mới vào trường quay ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (đối diện Sở Thú). Không ngờ, nơi này có miếu thờ Lê Văn Tám. Tiếng kinh Phật từ máy cassette liên tục vọng lên. Ấm áp. Da diết. Siêu thoát. Sử sách ghi rằng, ngày 8.4.1946, kho đạn của thực dân Pháp ở đường Docteur Angier (nay đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) nằm trên tả ngạn kinh Avalanche (nay Thị Nghè) bị Chiến sĩ Quyết tử phá nổ. Tiếng nổ kéo dài đến 4 giờ sáng ngày 10.4.1946 mới chấm dứt. Toàn bộ 600 tấn bom bị phá hủy. Cả Sài Gòn rúng động. Huyền thoại “đuốc sống” Lê Văn Tám ra đời từ sự kiện này. Gần đây trên nhiều diễn đàn thông tin khẳng định nhân vật Lê Văn Tám không có thật. Chẳng những thế, lại có nhiều nhà sử học còn cất công chứng minh danh tướng Lý Thường Kiệt không phải tác giả bài Thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”; lại có người đặt nghi vấn có thật hay không “Lê Lai cứu chúa” như sử sách đã ghi? Lê Lợi là tác giả Bình Ngô đại cáo chứ không phải nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi v.v…

Nghĩ cũng buồn cười cho một tư duy lẩm cẩm.

Đành rằng, hoài nghi là đức tính cần thiết của người làm khoa học, kể cả nghiên cứu lịch sử tuy nhiên trong những trường hợp nêu trên, thiết nghĩ không cần thiết. Bởi từ sự hoài nghi ấy dù có tìm ra “đáp án” cuối cùng đi nữa thì nó cũng không làm tăng hoặc giảm ý nghĩa các chiến công, sự hy sinh, đức trung nghĩa liên quan nhân vật và sự kiện lịch sử đó.

Vậy dành thời gian mày mò, tìm kiếm, chứng minh “sự thật” ấy, liệu có ích gì cho hiện tại? Đọc sử đời trước, chẳng hạn ngày các nhà vua khóc oe oe được nhà chép sử gắn liền với biết bao chuyện lạ lùng, huyễn hoặc. Cứ như thánh nhân lọt lòng mẹ, chứ chẳng phải người trần mắt thịt. Thế nhưng chẳng ai thèm nhớ đến các chi tiết bịa đặt nếu nhà vua ấy không để lại công trạng gì ích nước lợi dân. Thật ra, chuyện sử hiện đại còn có nhiều vấn đề nóng bỏng, bức thiết, cần thiết được quan tâm tìm hiểu, tìm mọi cách tiếp cận đến gần với sự thật hơn là những vấn đề nêu trên.

 

1anhRR

Miếu thờ nhân vật Lê Văn Tám

 

Những ngày này, đã có thể tranh thủ cho ngày nghỉ cuối tuần.

Lại mỗi chiều đi ngang qua cầu Thị Nghè, nơi nhân vật Lê Văn Tám đã làm nên chiến công hiển hách, dù anh Tám không có thật thì chiến công ấy có thật. Vậy là đủ. Đi qua cầu Thị Nghè tự dưng xót cả ruột. Ngán ngẫm cái sự đời chẳng ra làm sao. Ai đời thành cầu còn vững chắc thế kia, hiện nay người ta đang quyết tâm phá cho bằng được để xây mới. Dừng lại quan sát, thấy công nhân dù phải dùng đến máy khoan nhưng cũng chỉ có thể ì ạch; còn búa tạ xem như vô dụng. Thành cầu còn tốt chán, thế mà lại phá. Nhiều lề đường còn tốt chán nhưng lại đào bới lung tung loạn xạ, lát gạch lại v.v... Lãng phí quá. Trong khi đó còn biết bao nhiêu nơi cần phải đầu tư xây dựng lại bỏ mặc. Tiền ngân sách nên chẳng ai tiếc chăng?

Thôi, chẳng thèm nghĩ nữa. Mệt. Đôi khi cứ nhắm mắt mà đi, bịt tai mà nghe. Cho nhẹ cái đầu.

Thế mới là thức thời chăng?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.10.2013

 

Nỗi ngao ngán của người đi xa về đến nhà, lúc bước xuống sân bay thể hiện qua tiếng thở dài. Lúc ấy, trong đầu đã mường tượng đến công việc mỗi ngày. Lại mỗi ngày, chỗ ngồi đó, bàn phím đó, công việc đó. Lại ngồi chỗ kia, ghi chép kia, lắng nghe kia. Có những khoảng thời gian trôi qua chẳng mang một ý nghĩa gì. Vô tích sự. Đời người, ai cũng từng mất quá nhiều thời gian lằng nhằng. Đến lúc rửa tay gác kiếm mới buồn bã nhận ra, thì ra, đúng ra, thật ra mình đã tự giết chết quá nhiều thời gian. Đến lúc này, y đã biết quý thời gian. Đã ngoài ngũ thập là từng ngày bước về phía mộ phần. Nghĩ lại đi, ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc oe oe là con người ta đã đi về với sự hủy diệt của thân xác rồi.

Vẫn công việc của mỗi ngày. Viết lại những gì đã có, đang có trong đầu để nuôi lấy hình hài này.

Từng ngày lại trôi đi.

Trong đời sống, có đôi lúc lời nói của người này sẽ quyết định, thay đổi số phận của người kia. Sực nhớ lúc viết xong Người Quảng Nam, có ý định nhờ một nhà văn đồng hương viết Tựa. Cũng là một cách bày tỏ lòng mến yêu với những gì đã đọc thời trẻ. Thời trẻ, nhà văn đó từng vào tù ra khám vì chống chính quyền Sài Gòn. Từng viết những truyện ngắn có giá trị như tuyên ngôn của người cầm bút. Tất nhiên nhà văn đó gật đầu đồng ý ngay. Mọi việc cứ thế sẽ tiến hành thôi.

Rồi tình cờ, không hẹn trước, đến quán Đo Đo thăm người anh, người bạn. Nguyễn Nhật Ánh. Khề khà men say bốc lên đầu, y cao hứng kể lại chuyện đó. Trầm ngâm một chút, anh phân tích là không nên vì lý do X, Y, Z… Và anh phán đoán về sau con người đó sẽ thay đổi tính cách. Nếu viết Tựa, thiên hạ sẽ nghĩ mình “cùng hội cùng thuyền” thì lúc ấy, làm sao có thể thanh minh thanh nga? Giật mình, vậy lâu nay mình không nghĩ ra. Sống trên đời mà hồn nhiên quá, vô tư quá đôi lúc cũng chết oan mạng. Ai sẽ biện hộ cho tư cách của mình? Chẳng lẽ lúc đó, ngồi lật Truyện Kiều mà ca cẩm: “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”.

Cuối cùng, Tựa Người Quảng Nam là ông già Nam bộ Sơn Nam đảm nhận. Chỉ nghĩ đến  đó vẫn còn đau đáu nặng nợ cái tình của sự góp ý chân tình, kịp thời đó.

Thật lạ, có những người thời trẻ sống rất hay. Lịch lãm. Từng trải. Dám cất lên tiếng nói phản kháng nhưng về già lại khác hẳn. Khác thế nào? Chẳng hạn, lúc về già lại viết thế này thì có ra làm sao không? Viết thế nào? Viết thế này: “Ngay cái sự kiện mà tờ Thanh Niên trích dẫn từ lời phát biểu của ông hiệu trưởng đại học rằng Bùi Giáng cùng một số trí thức Sài Gòn, vào năm 1965 đã viết gởi 5 nhà văn hóa lớn trên thế giới để kêu gọi hòa bình ở Việt Nam nếu đó là sự thật cũng là điều có nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi lẽ nếu kêu gọi để Mỹ đừng đổ quân ồ ạt  thì năm quốc gia cũng không ngăn được cái tham vọng ấy, nói gì đến 5 nhà văn hóa lớn”. Rồi sau khi phân tích về lịch sử, kết luận chắc như bắp rang: “Trong hoàn cảnh chiến đấu đó, không phân biệt hai bên mà chỉ đòi “hòa bình” suông là mắc mưu Mỹ (tạp chí HV số 74, tháng 10.2013, tr.41).

Quan niệm ấy là tấm lòng còn hạn hẹp lắm.

Chế Lan Viên khi nói chuyện với văn nghệ sĩ Sài Gòn dự lớp nghiên cứu chính trị và văn nghệ khóa II tại TP.HCM ngày 3.8.1976, ông kể:

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu

Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo

Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ

Làm tất cả! Chỉ trừ không đổ máu

Tôi nhớ đâu một vài năm sau gì đó, trong một buổi nói chuyện linh tinh, anh Tố Hữu sực nhắc đến bài đó. Anh bảo: “Cái câu Chỉ trừ không đổ máu găng quá”. Tôi chưa nói sao thì anh lại tiếp: “Lúc ấy các anh không chấp nhận đế quốc, thế là quý rồi! Các anh chỉ buồn thôi, không vui cùng chúng nó, thế là quý rồi. Đảng đâu có đòi hỏi một người phải đổ máu mới làm cách mạng” (Nghĩ cạnh dòng thơ - NXB Văn Học -  1981- tr.192). Lâu nay người ta nói nhiều về Tố Hữu với các gam màu khác nhau. Riêng chuyện này, ít ra phải ghi nhận ở ông về tấm lòng.

Khi trí thức miền Nam, viết lá thư gửi 5 trí thức lớn Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller kêu gọi hòa bình là đáng quý lắm chứ? Tại sao lại miệt thị, cười cợt họ? Phải hiểu họ không phải nhà cách mạng, được giác ngộ cách mạng nhưng hành động ấy cùng vì mục đích của cách mạng thì tại sao không đón nhận? Thiết nghĩ, sống trên đời chưa cần người đó giúp mình chỉ cần họ ủng hộ, chia sẻ việc làm của mình thì đã đáng trân trọng rồi. Vậy chẳng lý do gì phải hạ một câu rẻ rúng, chẳng ra làm sao: “Bởi lẽ nếu kêu gọi để Mỹ đừng đổ quân ồ ạt thì năm quốc gia cũng không ngăn được cái tham vọng ấy, nói gì đến 5 nhà văn hóa lớn”!

Có những con người hào hoa, lịch lãm lúc trẻ nhưng lúc về già lại lú lẩn quá, hằn học quá. Nghĩ cũng tiếc. Cái quý của tuổi trẻ ở chỗ cả tin, ngây thơ, bồng bột, bốc đồng, xem trời bằng vung, dám làm dám chịu... Cái quý ở tuổi trung niên là chín chắc, một lời nói ra vạn ngựa đuổi theo không kịp, không đổ vấy lỗi cho kẻ khác, dù đứng hoặc đi vẫn không nói hai lời… Cái quý của tuổi già chỉ gói gọn trong hai từ: “nhân ái”. Khi người ta đã già mà câu văn còn hắn học, cay cú ắt không có chỗ cho lòng nhân ái.

Ước gì, đến lúc y lẩm cẩm, già nua viết những nhăng cuội nào đó sẽ có người tỉnh táo hơn ngăn cản giúp.

Kể lại chuyện này, vì nhớ đến nhà văn hóa Phan Khôi. Thương cho một số phận, phải trên dưới 50 năm sau người ta mới có thể hiểu và đánh giá đúng về ông. Sau khi ông mất trong bóng tối ghẻ lạnh, con trai ông là Phan Thao qua đời. Trong tập sách Nắng được thì cứ nắng, Phan An Sa miêu tả: “Người đưa tiễn động nghịt, nghẽn cả một đoạn phố Trần Khánh Dư trước cổng bệnh viện Việt Xô đến tận đại lộ Trần Hưng Đạo, cùng tiếng kèn, tiếng réo rắt của Đoàn Văn công Liên khu V” (tr. 629). Sau khi Phan Thao mất, nhà báo Lưu Quý Kỳ, giữ chức thư ký tòa soạn báo Thống Nhất, một thời gian sau thay ông Dương Bạch Mai làm chủ nhiệm. Chuyện đám tang Phan Thao, với thế hệ chúng ta bình thường nhưng do là con Phan Khôi nên lúc ấy mới rày rà. Phải sống trong thời điểm đó mới thấy hết cái phiền toái của sự rày rà: “Hôm sau cơ quan công an phê bình báo Thống Nhất là cơ quan văn hóa mà không gương mẫu: đám tang đời sống mới mà kèn trống inh ỏi, lại còn làm tắc nghẽn giao thông trên đường phố” (tr.629 - 630). Tiếp thu lời phê bình này tất nhiên người đứng đầu cơ quan là ông Lưu Quý Kỳ. Lúc ấy, nếu vì an toàn cho phẩm chất chính trị, vì nhát gan, vì yếu bóng vía và nhằm khẳng định mình ngoại cuộc ắt ông Kỳ tính toán cách trả lời khác. Cách trả lời có thể khiến con cháu Phan Khôi còn khốn đốn, rày rà hơn. Nhưng không, ông  Kỳ “đứng ra phân trần:

- Do anh chị em văn công nhiệt tình và thương mến anh Phan Thao, chúng tôi không nỡ ngăn. Còn tắc đường là chuyện không lường trước được, vì đám tang càng đi thì dòng người càng thêm đông” (tr.630).

Do cách ứng xử “chịu chơi” ấy nên tập sách này mới nhắc tên bởi có những nhân vật, tác giả không nêu đích danh. Tự nghĩ, khi viết hồi ký, tự truyện, nhật ký… hoặc viết những gì liên quan đến gia đình, dòng tộc mình, chỉ nên nêu tên những người mà mình quý mến, tình nghĩa hoặc mang ơn. Còn ai mình thù oán, ghét đến độ muốn đào đất hất đi thì hãy viết xa xa gần thôi, ai hiểu sao thì hiểu, không hiểu thì thôi. Viết như thế, không phải vì sợ người đó mà chính vì nghĩ đến con cháu họ. Viết không tốt về người thân của họ, dù viết đúng cũng là sự tổn thương. Không nên chút nào.

Mấy hôm nay, công việc vẫn thế. Vẫn viết. Viết vài suy nghĩ về Tướng Giáp để kịp in PNCN tuần này. Đã phát biểu cho HTV, báo TT&VH cũng về Tướng Giáp. Sáng nay, có thông tin đáng lưu ý: Đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12  của TP Hải Phòng đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tại sao? Bộ phận ra đề thi lấy câu nói “không tiền cạp đất mà ăn” của người mẫu Ngọc Trinh; câu “tôi mơ ước có nhiều đại gia” của Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) đưa vào đề thi và yêu cầu: “Từ những hiện tượng này, học sinh viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề “tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Theo y, đây là đề thi quá hay. Thoát ra khỏi suy nghĩ quen thuộc của loại đề thi mẫu, văn mẫu đã là một vấn nạn khủng khiếp của nền giáo dục nước nhà. Mà suy nghĩ của y có đúng không? Tối nay lai rai với anh em, trong đó có tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu. Hậu bảo: “Đề thi này đáng khen anh à bởi khi phân tích, tự thân các em sẽ phân biệt đúng sai các phát ngôn trên. Điều này mới qua trọng, khi tự ý thức đúng sai các em sẽ tự đề kháng thích hợp nhất”.

Y cũng nghĩ thế.

Tối nay, lai rai mới biết anh Biền vừa cụp xương sống. Anh nói đùa: “Thời trẻ mà bị thế này thì hay quá”. Ủa? Tại sao? Anh cười khà khà bông đùa cho nhộn bàn nhậu: “Sống trên đời, càng khom lưng càng dễ leo lên cao”.

Hé hé hé.

Tại sao cười? Cười vì anh Triều vừa email tặng tấm ảnh của y do nhà báo Nguyên Công Thành chụp vào dịp 30.4.1988 tại báo TT. Ngày đó, y đẹp trai ngời ngời. Phải không?

 

30.4.1988-Q

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.10.2013

 

DSCN0604

 

Trong đầu nghĩ linh tinh lang tang, đại khái, sau chuyến du lịch quay trở về chắc chắn trong đầu của ai cũng nặng trĩu suy tư. Có biết bao nỗi dẳn vặt, so sánh, buồn phiền… sau khi đã thấy, đã quan sát ở xứ người. Vậy mà sau đó, lao vào công việc mỗi ngày, chợt giật mình bởi những gì đã nghĩ, đã  đau đáu nặng lòng lại bỏ quên ngay từ lúc vừa rời khỏi sân bay.

Ra nước ngoài bằng cách tự khám phá sẽ là một thú vị, có nhiều ngạc nhiên hơn đi theo tour. Đi chung với đám đông, có hướng dẫn viên chưa chắc có được nhiều trải nghiệm hơn. Hệ thống giao thông, sân bay, đường xá, cung cách phục vụ… của Thái Lan đã đi một bước, nhiều bước trước chúng ta. Họ đi trước đã xa lắm,  đã lâu lắm, biết bao giờ chúng ta mới đuổi kịp? Hệ thống giao thông với các tuyến đường chằng chịt từ trên trời đến dưới đất nườm nượp người là người, mua bán sầm uất đã cho thấy một sự năng động. Sự trẻ. Sự mới. Sự hấp dẫn. Sự hội nhập của nhiều tầng văn hóa.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi xa về nhà nói khoác” bởi không tin lời kể của người đi xa về. Tin thế nào được. Đừng có tin. Tin thế nào được khi y có cảm giác sân bay Thái Lan là biển lớn, còn của ta chỉ là ao hồ. Nói như thế là tự ti mặc cảm đấy nhé. Biết thế nào được. Lại nghĩ, một người nghèo sinh sống ở đất nước văn minh, hiện đại thì họ vẫn may mắn hơn một người trung lưu ở nước lạc hậu, chậm tiến. Bởi người nghèo ở đó được hưởng thụ hệ thống giao thông, dịch vụ công cộng, chương trình giáo dục, chăm sóc y tế… Nghĩ cho cùng, một xã hội phát triển bình thường thì những tiện ích công cộng đó phải hoàn chỉnh vì người dân, người dân dù nghèo nhưng vẫn có quyền tiếp cận, hưởng thụ bình đẳng.

Lại nghĩ, với người dân “dĩ thực vi tiên”. Họ không quan tâm đến thể chế chính trị, miễn là đất nước của họ độc lập, tự do, cơm no áo ấm và thỏa mãn nhu cầu, khát vọng mưu cầu hạnh phúc. Người dân của bất kỳ xứ sở nào trên trái đất này cũng đáng yêu, đáng quý, thân thiện, tứ hải giai huynh đệ. Dù khác nhau về thể chế chính trị nhưng điều cốt lõi của hòa hợp tình người, tình nhân loại vẫn giống nhau. Sự thông minh, sáng tạo, cần cù, lương thiện của các dân tộc màu da, trắng, vàng, đen không khác nhau, nó chỉ khác biệt do vận hành của một thể chế chính trị. Nói cách khác, môi trường xã hội là yếu tố quyết định thay đổi tính cách, tài năng, cống hiến của con người.

Lại nghĩ, đã có nhiều đoàn cán bộ của ta ra nước ngoài, không rõ họ đã thấy, đã học được gì? Nếu có thấy, có học, có trách nhiệm chắc chắn mỗi người sẽ có lúc tự vấn lương tâm về sự tụt hậu của đất nước khi so với xứ người. Ngày xưa, các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phan Thanh Giản… sau công cán, họ đều viết lại những điều mắt thấy tai nghe dâng lên nhà vua những mong có sự thay đổi nào đó.

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,

Thấy việc Âu châu phải giật mình.

Kêu rủ đồng bang mau thức dậy

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!

(Phan Thanh Giản)

Tin thế nào được. “Đi xa về nhà nói khoác” đấy thôi. Thà là thế. Còn kể, còn nói, còn so sánh, còn đau đáu với những gì đã thua kém bè bạn năm châu thì tư duy còn cấp tiến, chưa chai lì, còn nặng lòng với đất nước. Chán. Rất chán với những người ra nước ngoài nhưng chẳng thấy gì. Có mắt như mù. Xem lại bức biếm họa trên báo Phong Hóa thập niên 1930, mẫu đối thoại như sau: “Ở đây có nhiều người nói tiếng Tây hơn xứ ta”. Đó là “phát hiện” mới mẻ, độc đáo của một tầng lớp quan lại An Nam khi sang Pháp. Tranh biếm ấy có còn ý nghĩa thời sự không?

Không rõ có phải đây là tâm lý của người Việt, nghe khen ai đó, lập tức bĩu môi, dè bĩu: "Ố dào, tưởng gì. Ngày xưa bố tao làm tổng đốc, quan huyện thì bố nó còn cụp mặt xuống đất kéo xe, hộc máu miệng kiếm cơm từng ngày còn đói rã họng. Nay nó có chút này chút nọ tưởng là "ngon" hả? Chưa chắc". Chưa chắc cái gì nữa hả trời? Nó bây giờ lên ngựa xuống xe, mình cù bơ cù bất, dở thầy dở thợ nhưng mở miệng ra chỉ rặt một giọng khinh khi, lớn lối. Ố dào! Cái đất nước đó, trước kia so với mình là "cái đinh" gì. Thua mình xa. Thời đó, nó xách dép chạy theo mình còn không kịp. Đến khi nó đã chạy vượt qua mặt mình, mình vẫn bình chân như vại. Hỡi ôi!

Có lẽ điều thích thú nhất vẫn là lúc vào các trung tâm thương mại ở Bangkok, thấy lũ lượt các em học sinh trang phục chỉnh tề cũng đi mua sắm, ăn uống, vui chơi chững chạc như người lớn. Trên nét mặt ấy không có vẻ lớ ngớ “nhà quê ra tỉnh” như y. Quan sát cái cặp sau lưng, chỉ thấy nhẹ hều, mỏng dính chứ không nặng nề như con em mình. Hầu hết, học sinh Thái Lan mang dép, có quai sau, dáng đi thẳng, bước nhanh. Thể trạng của chúng cũng to cao hơn. Thật thú vị khi nhìn chúng quyên góp từ thiện: Một tốp học sinh nam lẫn nữ, chừng hai mươi em đứng hàng ngang ngay dưới cầu thang ở một trung tâm thương mại, trước ngực đeo tấm bảng có dán hình ảnh các lớp học nhà tranh vách lá, thiếu tiện nghi, bàn ghế xụp xệ… Dòng đời “ngựa xe như nước, áo quần như nen”, ai động lòng cứ việc bỏ tiền ủng hộ vào cái thùng giấy sát bên.

Lại thấy, một tốp học sinh khác “biểu tình” ngay dưới sảnh mua bán đồ mỹ nghệ, các em giương các câu khẩu hiệu, đại khái, phản đối những kẻ săn bắn voi lấy ngà làm vật trang sức! Vậy mà cũng có đài truyền hình địa phương đến quay, phỏng vấn… Thời gian chỉ chừng một giờ sau là các em giải tán! Nhân nhắc đến voi mới thấy hình ảnh con voi ở Thái Lan rất được “tôn sùng”. Đi trên phố, vào công viên nếu tinh ý, chịu khó quan sát sẽ nhìn thấy hàng trăm tượng voi lớn nhỏ cách điệu khác nhau. Rất đẹp. Ngộ nghĩnh. Thiên hình vạn trạng. Ủa! Lào còn gọi “đất nước Triệu Voi”, cũng như Kampuchia là “đất nước Chùa Tháp” vì nhiều voi, nhiều chùa tháp. Vậy biểu tượng voi đóng vai trò thế nào trong đời sống văn hóa, tâm linh người Thái mà đi đâu cũng gặp?

Nhiều câu hỏi, linh tinh lang tang cứ lẩn quẩn trong đầu. Lại thêm một ấn tượng khác. Khu Riverside resort &spa Anantara, nơi y đến, do nằm dọc theo sông Sathorn nên mỗi ngày muốn vào trung tâm Bangkok, phải đi thuyền chừng 15 phút. Bến thuyền nhộn nhịp không thể tưởng, đúng 15 phút là có chừng năm bảy chiếc thuyền ào ạt cặp bến, rời bến. Người lên kẻ xuống tấp nập. Tiếng máy ầm ầm vang trời. Cả một bến sông náo nhiệt nhưng tuyệt nhiên không thấy ăn xin, mời vé số, đánh giày, níu áo gạ mua hàng rong,kính đeo mắt, thuốc cường dương bổ thận, bao OK!

Lại “đi xa về nhà nói khoác” nữa rồi.

Thế à? Vậy không kể nữa.

Sáng hôm đi ra sân bay Tân Sơn Nhất, tranh thủ mua mấy tờ báo mới. Y quan tâm đến thông tin này: Ngày 3.10.2013, Hội Nhà văn Hà Nội đã công bố Giải thưởng năm 2013: Văn xuôi: Nguyên Ngọc với tác phẩm bút ký Các bạn tôi ở trên ấy; Thơ: Giáng Vân với tập thơ Đường gió; Lý luận phê bình: Phan An Sa với tác phẩm khảo cứu Nắng được thì cứ nắng viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Phan Khôi; Văn học dịch: Phạm Vĩnh Cư với tuyển thơ Tâm - dịch thơ M.Tsvetaeva (Nga); Thành tựu sự nghiệp: Nguyễn Huệ Chi với tác phẩm Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Giải thưởng này sẽ được trao vào ngày 10.10.2013 nhân dịp kỷ niệm Giải phóng thủ đô.

Trong giải thưởng này, may mắn y có đọc quyển Nắng được thì cứ nắng do ông Phan Trản, con trai cụ Phan Khôi tặng. Sách in khổ 16 x 24 dày 688 trang. Trang viết ngồn ngộn tư liệu, thuyết phục, đọc hấp dẫn và có thể nói lần đầu tiên diện mạo Phan Khôi được khắc họa rõ nét. Chỉ đưa ra một chi tiết nhỏ về tập sách Nắng chiều mà Phan Khôi viết trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc đến lúc hòa bình lập lại về Thủ đô năm 1954. Dù sách không được in nhưng báo Văn nghệ số 15 ra tháng 8.1958 có bài “đánh” theo lối chụp mũ, bới bèo ra bọ: “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Có lẽ do sự tế nhị nào đó, tác giả Phan An Sa không nêu đích danh tác giả bài báo, tuy nhiên với một vài dữ kiện ta có thể đoán ra. “Theo nguồn tin đáng tin cậy, sau khi có lệnh cấm xuất bản các tác phẩm của ông, thì bản thảo tập Nắng chiều đã nằm ở NXB Hội Nhà văn bị đốt đi. Đốt bản thảo một tác phẩm gồm nhiều thể tài, với những bài khảo cứu, truyện ngắn, tạp văn có giá trị về nhiều mặt của một nhà văn vốn nổi tiếng với những bài viết kỳ thú, lại là một nhà văn hóa đầy tâm huyết với đấy nước mình, với đồng bào mình là một tội ác” (tr.368).

Thử đọc lại một bài khảo cứu về "Cỏ cứt lợn dại” trong tập Nắng chiều. Vì bài tạp văn này mà Phan Khôi bị quy chụp chống cộng. Ông viết: “Đàng Ngoài gọi là “cỏ cứt lợn”, Đàng Trong gọi “cỏ bù xít”. Gọi cứt lợn vì nó hay sinh ở chỗ có cứt lợn; gọi bù xít vì nó có mùi hôi như con bù xít hay còn gọi là con bọ xít”. Loại cây này có ở nước ta từ bao giờ? Phan Khôi cho biết lúc trò chuyện với anh em ở cơ quan: “ông Trần Văn Giáp nói: "Tây nó gọi thứ cỏ ấy là cỏ cộng sản”. Nhân đó, ông Đào Duy Anh thêm rằng: “Nguyên thứ cỏ này ở xứ ta ngày xưa hình như không có, không biết lấy giống từ đâu mà bọn Tây đồn điền đem trồng trong đất của họ để che những cây cao su, cây cà phê mới trồng vốn không chịu được nắng gắt. Chẳng những đồn điền ở Bắc mà trong Nam cũng vậy. Không ngờ thứ cỏ ấy nẩy nở chóng quá, chẳng mấy chốc mà nó đầy lên cả đồn điền, trừ đi không hết được, nó lan ra ngoài đồn điền nữa. Bọn Tây gọi thứ cỏ ấy là “herbe comuniste”, một  lẽ vì nó lan ra chóng quá, một là vì nói bắt đầu có từ năm 1930 - 1931 đồng thời với Đảng Cộng sản Đông Dương hành động ở xứ ta” (tr.363).

Sau đó, khi đi thực tế ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phan Khôi thấy nơi đó có rất nhiều thứ cây cứt lợn dại. Nhiều vô số. Tuy nhiên, có nơi không gọi cỏ cứt lợn, cỏ bù xít mà gọi bằng tên khác: “Ngày 9.5.1950, tôi đi con đường Cù Vân - Đại Từ, đến Dốc Diệp thì tối mà không có chỗ ngủ. Gặp một ông già người Tày đưa vào trong làng cách đường cái ba cây số ngủ ở nhà ông. Sáng hôm sau, ông đưa tôi trở ra, dọc đường lại thấy thứ cỏ ấy, tôi hỏi ông đó là cỏ gì, thì ông nói: “Thứ cỏ này nguyên trước kia ở đây không có, từ ngày có Cụ Hồ về lãnh đạo cuộc cách mạng thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đồi đống, đường sá, đâu đâu cũng có, người ta không biết tên nó, chỉ gọi là “cỏ Cụ Hồ” (tr.363).

Bình tĩnh mà nhận xét, nhân vật Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh đều là những học giả uyên bác, có uy tín, là bạn cùng thời nên không thể Phan Khôi bịa ra các chi tiết ấy. Ông Giáp -  nhà thư mục học số một của Việt Nam, thời du học ở Pháp ông cùng Ngô Đình Nhu là bạn học; là tác giả công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn gốc của văn học, sử học Việt Nam (2 tập), do sự đóng góp và sự mẫu mực của nó nên sau này giới nghiên cứu quen gọi “Mô hình Trần Văn Giáp”. Đào Duy Anh, là nhà soạn từ điển Pháp - Việt, Hán - Việt và nhiều công trình khảo cứu giá trị khác. Thứ hai, nhân vật ông già người Tày cũng không thể bịa. Bịa làm gì khi ông ta trân trọng nói "Cụ Hồ về lãnh đạo cuộc cách mạng". Gọi “Cụ Hồ” trang trọng, quý mến, kính trọng chứ không hề có giọng xách mé. Hơn nữa, khi gọi loại cỏ ấy là "cỏ cộng sản" là ca ngợi cộng sản đấy chứ, vì nó liên tục phát triển nhanh chóng và khó tiêu diệt.

Thời đó, người ta không suy nghĩ thế, chỉ nhất nhất quy Phan Khôi “chống cộng” mà khổ nỗi ông có được nói lại đâu. Thậm chí, lúc ông mất ngày 16.1.1959 chỉ gia đình đưa an táng ở nghĩa trang Hợp Thiện (Hà Nội): “Một đám tang hiu hắt, ảm đạm, âm thầm như không thể hiu hắt, ảm đạm, âm thầm hơn được nữa. Một cỗ quan tài gỗ mộc đơn sơ, một cỗ xe tang hai ngựa kéo, một nhúm người ruột thịt đi theo sau xe tang, không một vòng hoa…” (tr. 624). Hiện nay, mộ của nhà văn hóa Phan Khôi đã thất lạc. Sau lớp sóng thời gian, những đóng góp của Phan Khôi với nền văn hóa nhà, tấm lòng ái quốc của ông đã được nhìn nhận đúng như sự việc đã có. Do đó, tại Đà Nẵng đã có tên đường mang tên Phan Khôi.

Phải thừa nhận rằng, từ nhiều năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng hằng năm đều được dư luận đồng tình, không điều tiếng gì. Rất đáng hoan nghênh.

Sáng nay, mở mắt ra việc đầu tiên nghĩ đến phở. Nhớ phở như nhớ tình nhân. Khổ thế. Lúc đang ăn, đọc bài viết trên báo Thanh Niên: Nhân cách và giá trị của thi sĩ Bùi Giáng phản ứng lại bài báo Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm? trên báo Văn Nghệ TP.HCM số 274, ra ngày 3.10.2013. Thật không thể tưởng tượng nổi tại sao trong thời buổi này lại có thể xuất hiện bài báo tào lao, mạ lỵ người khác khốn nạn đến thế. Bèn gọi Giao Hưởng, anh cho biết tác giả bài trên Văn Nghệ TP.HCM ký tên Châu Thị Năm. Lại cái trò ném đá giấu tay, không dám xuất hiện với tên thật bèn núp dưới cái tên cha căng chú kiết nào đó. Trò bẩn thỉu này thời nào cũng có. Bài báo này viết: “15 năm nay Bùi Giáng đã chết không kèn không trống, giờ sống lại nhờ Báo Thanh Niên và các vị bạn bè thân hữu của ông ấy với động cơ gì trước sau gì ta cũng rõ”. Thật chối tai với một cách suy nghĩ bệnh hoạn. Chợt rùng mình với cụm từ “động cơ gì”. Lạnh cả người. Với não trạng này, biết đến bao giờ chúng ta mới có sự hòa hợp trong lãnh vực nghệ thuật. Hòa hợp ở đây là sự ghi nhận các sáng tác trước 1975 dù Nam hay Bắc chỉ là một, cùng trong một dòng chảy nếu nó có giá trị, có đóng góp tích cực cho nền học thuật, văn hóa nước nhà. May quá, cái tên Châu Thị Năm chỉ là tiếng nói lạc lõng trong xu thế đổi mới hiện nay. Anh Giao Hưởng đã phân tích thuyết phục, bẻ gẫy luận điệu quy chụp hổ lốn, hồ đồ về thi sĩ Bùi Giáng. Không trích dẫn thêm bài viết của Văn Nghệ TP.HCM nữa, chỉ bẩn trang Nhật ký. Chỉ chép lại mấy vần thơ ông Lửa Thiêng Huy Cận tặng ông Mưa Nguồn Bùi Giáng:

Văn thơ hồn ai say

Như đèn chong đêm dày

Thức đời bằng tiếng Việt

Chẳng cạn dầu mảy may

Gửi anh mấy vần thơ

Nói con chim say hót

Chim Thơ bay thuở giờ

Mặt trời xoay không ngớt

Xin gửi kèm ngọn bút

Để khắc Thực cùng Mơ

(3.10.1983)

Nếu trí nhớ của y nhớ không nhầm, nhầm thế nào được, Huy Cận còn có bài thơ Thân tình gửi anh Bùi Giáng, viết ngày 17.3.1997:

Đôi lời thăm bạn thơ

Thăm tấm lòng tri kỷ

Bao giờ đến bây giờ

Tình thơ không hoen rỉ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2013 (ghi thêm)


Sáng ở nhà. Cũng viết lách nhì nhằng. Làm cho xong mọi việc của cơ quan. Chuẩn bị chuyến đi Thái Lan vào sáng sớm mai. Mọi việc đã xong. Chẳng nhớ cái năm đầu tiên sang đó là năm nào. Chỉ nhớ năm đó đội tuyển Việt Nam cũng sang tung hoành ngang dọc trên sân cỏ xứ người. Và thất bại. Lúc trở về có thay đổi một chút trong cảm nghĩ về quê nhà. Thời nhỏ, đọc Quốc văn giáo khoa thư, nhớ bài văn: “Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”.

Chỗ quê hương đẹp hơn cả là tựa của bài văn này. Suy nghĩ này còn đúng? Tất nhiên. Chẳng bàn cãi. So với những gì đã thấy, chợt nghĩ quê nhà vẫn đẹp. Đẹp mà nghèo. Bùi ngùi lẫn ngao ngán. Bùi ngùi thì ít. Ngao ngán lại nhiều. Chuyện này còn có thể nghĩ thêm nữa. Mà thôi. Đang sắp xếp va li, có cuộc điện thoại nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh trao đổi về bài thơ của Hồ Xuân Hương trên Nhật ký sáng nay.

-Ho_Xuan_HuongR

 

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Thua chẵn ba mươi cũng một đời

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Y rất thích cặp “luận”:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Đọc lần nào, y cũng thấy rờn rợn da thịt. “Thi trung hữu họa”. Đọc chưa hết câu đã thấy hiển hiện trước mắt một không gian hắt hiu. Lạnh lẽo. Cô độc. Nắm xương dưới ván chau mày khóc. Hình ảnh ghê rợn. Bi thảm. U ám tử khí. Chợt rùng mình. Lạnh lưng. Chợt hỏi, khóc như thế nào? Tại sao lại khóc? Oan khuất gì chăng? Có phải nuối tiếc chưa được sống bao năm trên dương thế đã ngậm ngùi chín suối? Tự nhiên nhớ đến bạn bè thời ở chiến trường K cũng vùi nông ba tấc đất. Lúc tóc xanh. Râu chưa mọc. Chưa kịp sống đã chết. Chết trẻ măng như trẻ thơ khép mắt. Câu kế tiếp lại mở ra một số phận, một sinh linh bé bỏng, vừa lọt lòng đã mồ côi. Côi cút trên bàn tay góa phụ nhưng nào biết gì. Vẫn “mỉm miệng cười”. Hai hình ảnh trái ngược ấy đã tạo nên sức bật để câu thơ xoáy sâu vào tâm cảm người đọc. Như vết thương. Như tiếng nấc. Ám ảnh khó quên. Khi dứt câu thơ như một lẽ tự nhiên từ trong lòng đã vọt ra tiếng thở dài.

Thế nhưng anh Ánh lại lập luận khác, anh cho rằng hai câu thơ đó không phản ánh tính cách con người, phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Với bà, từng câu thơ, từng bài thơ luôn ẩn giấu sự lắt léo, ngoắc nghéo đa tầng, đa nghĩa, thanh mà tục nhưng đố ai bảo tục đó không thanh? Anh nói đúng. Khả năng sử dụng tiếng Việt của bà thuộc hàng cao thủ võ lâm. Bậc thầy. Khó có ai sánh kịp. Trong suy nghĩ đó, anh cho rằng phải là hai câu thơ khác. Hai câu nào hả anh? Thì 2 câu mà Q không thích đó.

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Đọc lại lần nữa xem sao. Đã nhìn ra phong cách thơ Hồ Xuân Hương chưa? “Cán cân tạo hóa; Miệng túi càn khôn” là ám chỉ sinh thực khí của giới tính. Âm và dương. Nam và nữ. Chà, lý thú quá. Ban đầu đọc hai câu này, y không thích, đơn giản do các từ “tạo hóa”, “càn khôn” đã quá quen thuộc, sáo mòn trong thơ cổ điển. Đọc và không liên tưởng, suy nghĩ gì khác. Anh Ánh cười hề hề chẳng sao chỉ do Q... “trong sáng” quá đó thôi. Tongue outQua chi tiết này, rõ ràng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất tinh ý trong thẩm thấu thơ. Anh nhấn mạnh lần nữa: "Ngoài chuyện sinh thực khí vốn là ẩn ngữ quen thuộc trong thơ họ Hồ, ở hai câu này có cái chất ngang tàng hiển lộng, phù hợp với khí chất của hai câu "thực:

Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời

Hai câu thực nói chuyện "ba thước đất", "bốn phương trời" thì câu luận nói tới "càn khôn", "tạo hóa" thì hình ảnh và ngữ khí nó phóng túng bao la và khớp với nhau. Còn 2 câu này:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Xét về giọng điệu và bút lực thì yếu hẳn (đặc biệt là câu Hòn máu trên tay mỉm miệng cười ) mà so với ngữ khí toàn bài thì không hợp, có cảm giác ai sửa chữa lại 2 câu thơ gốc - nhất là 3 chữ "mỉm miệng cười" không ra thơ HXH chút nào, mà cũng không có hơi hướm thơ thế kỷ 19".

Chưa hết, anh còn nhắc thêm một câu thơ nữa cũng rất Hồ Xuân Hương. Câu gì vậy anh? Ừ, câu “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc”. Thấy chưa? Dù khóc chồng nhưng bà vẫn tinh nghịch bảo, hăm bảy tháng trời trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc đến thời hạn được quyền... tái giá đó thôi.

Chi tiết này hay. Một gợi ý nhằm tìm hiểu thêm câu thơ đó.

Đọc lại những tập chuyên khảo cứu về tang ma như Văn công thọ mai của tu sĩ Viên Tài, Thọ mai gia lễ của Tiến sĩ Hồ Sỹ Tân, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính..., chợt giật mình bởi linh cảm của anh Ánh là có cơ sở. Đại khái, sau khi mất có những giỗ, lễ quan trọng như Chung thất: giỗ 49 ngày; tốt khốc: giỗ 100 ngày, lúc này người thân thôi khóc; tiểu tường: giỗ đầu 1 năm đốt bỏ đồ sô gai, gậy mũ...; đại tường: giỗ 2 năm. Sau giỗ đại tường là giỗ đàm tế. Phan Kế Bính cho biết: :"Sau lễ đại tường 2 tháng, chọn một ngày làm lễ trừ phục, gọi là đàm tế". Như vậy, từ lúc mất đến lúc làm giỗ, lễ đàm tế, vỏn vẹn 26 tháng. Câu thơ "Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc" nằm trong phạm vi của đàm tế. Trong giỗ này, người thân không mặc đồ tang nữa mặc các sắc phục thường, vì thế còn gọi lễ trừ phục - nghĩa là thời gian quy định để tang đã hết. Từ khảo cứu Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính đến câu thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy chênh nhau 1 tháng! Tại sao? Sách của Phan Kế Bính viết năm 1915, khi đó quy định đã rút ngắn 1 tháng, bằng chứng Thọ mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân biên soạn đời nhà Lê cho viết: "Việc cư tang, cứ tính theo tháng, không kể năm nhuận, hễ đến tháng thứ 27 là lễ trừ phục, tức đàm tế". Theo năm tháng, chuyện giản lược nghi lễ, rút ngắn thời gian tang ma, cưới hỏi là lẽ bình thường miễn sao phù hợp với nhịp sống, quan niệm của mỗi thời.

Hỡi ôi! Chỉ một câu thơ mà vỡ ra được bao điều. Đọc thơ của tiền nhân, nếu tinh ý vẫn nhận ra nhiều điều hữu ích. Sau khi trao đổi với anh Ánh, sực nghĩ:

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Nếu xác định của Hồ Xuân Hương ắt phải trả lời câu hỏi liệu giữa Hồ Xuân Hương và ông phủ Vĩnh Tường có con chăng? Khoan đã, khoan bàn tới chuyện này. Khác hẳn với của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Quách Tấn lập luận:

“Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Sửa như thế kể cũng đã giỏi, vì quả có giọng Hồ Xuân Hương. So lấy sự giễu cợt thay vào nỗi bi thương người có tâm không nỡ. Đối với chàng Tổng Cốc, họ Hồ xem như cừu thù nên khi Tổng Cóc chết, họ Hồ mừng giải thoát nên mới thốt:

Chàng Tổng Cóc ơi ! Chàng Tổng Cóc ơi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Chớ đối với quan phủ Vĩnh Tường, họ Hồ hết lòng yêu kính, vì là người có học có tình. Ăn ở với nhau mới có hai bảy tháng, lại vừa sinh con chưa ráo máu, mà đã kẻ hiển người u thì lòng xót thương đâu còn chỗ hở để đùa cợt?

Đó là nói về tình. Còn về văn chương thì câu:

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Lấy thay cặp luận như thế này là làm cho bài thơ thành một chiếc áo gấm vá vải màu. So sánh với nhau riêng nói về mặt văn chương mà thôi, thì một bên là biển lặng lúc bình minh, một bên là ao bùn  khi gặp lụt. Câu thơ không bị thất truyền thật muôn lần may mắn” (Hương vườn cũ - Quách Tấn - NXB Hội Nhà văn - 2007)

Câu chuyện lý thú quá. Đọc một bài thơ hay, có nhiều cách cảm nhận là lẽ thường tình. Chỉ riêng câu "Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc", giữa cụ Quách Tấn - vị sứ giả cuối cùng của thơ Đường luật ở Việt Nam và tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, y vẫn nghiêng về lập luận của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hơn. Định viết thêm chút nữa. Mà thôi. Thơ thẩn gì nữa. Đã 22 g khuya. Đến giờ ngủ rồi. Sáng mai, còn phải thức dậy sớm. Ra sân bay. Một chuyến nghỉ ngơi.

Đời, thế mà vui.Tongue out

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2013


tranh-quocRR

Sơn dầu Lê Minh Quốc

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Mỗi lần lai rai, đồng nghiệp T.H.Nhân thường cười khà khà rồi cất lên giọng ca não nùng nhừa nhựa đó. Đêm kia là đã hết mùa hè. Nhập học lại rồi. Thư sinh đến trường. Miệt mài đèn sách. Sôi kinh nấu sử. Để trở thành người đàn ông gương mẫu. Mỗi chiều thôi lai rai trên bờ kè. Thôi đàn đúm đèn mờ lúy túy men say chân dài váy ngắn. Rất đàng  hoàng. Rất chỉnh chu. Rất ngoan.

Khi gặp em, tôi trở thành người đàn ông gương mẫu

24 giờ qua chỉ nhớ đến một người

Hàng triệu người cũng trở thành xa lạ

Chỉ có em hiện hữu ở trong tôi

 

Em là đầu tiên. Em là duy nhất

Ban tặng cho tôi một cảm giác diệu kỳ

Chót vót niềm vui. Tận cùng tuyệt vọng

Hấp hối là tôi. Và tôi mới dậy thì

 

Trăng mật là em cũng là em xa lạ

Em trẻ con ngây ngất rất đàn bà

Tôi mê đắm trong đời lần thứ nhất

Đến bây giờ tôi mới thật sinh ra

Đêm kia, trời không mưa. Sân bay. Rượu đỏ. Một quán ngồi ngoài trời. Trầm thơm. Nến sáng. Lại phiêu lưu đến một chân trời. Hai giờ sáng, từ trên cao nhìn xuống đường phố. Một cảm giác bình yên. Sông suối về nguồn. Sáng dậy trễ, cũng đã 8 giờ. Đọc lại Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Thì ra, nhà văn Mạc Lân là con trai đầu của nhà văn Lê Văn Trương. Một số phận lạ lùng. Tác giả chỉ nói xa gần, không rõ lý do vì sao năm 1967, Mạc Lân rời khỏi báo Tiền Phong, rồi về Hội Văn nghệ Hà Nội: “Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn các văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mạc Lân, Lê Bầu. Nếu hãn hữu có in cũng không được  ký tên hai người. Người ta thực hiện triệt để tới mức Người Hà Nội có bài Mạc Lân, Lê Bầu thế mà tên không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt. Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống”.

Mạc Lân sống bằng cách nào?

Bán máu.

Bán máu? Vâng, bán máu. Có lần chiêu đãi bạn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn mới từ lang thang các vùng núi về Hà Nội, Mạc Lân đi bán máu đột xuất để có tiền chiêu đãi bạn một bữa bún chả. Bạn bè chơi với nhau chí tình quá. Đọc rưng rưng. Đọc mới biết, thời đó có nhà văn như Mạc Lân, Lê Bầu, Phùng Quán, Trần Dần… từng sống bằng nghề “viết văn chui”. Viết xong, bán bản thảo cho người khác, họ trả tiền và đứng tên tác giả! Chắc sinh thời, nhà văn nhà văn Lê Văn Trương không ngờ về sau con mình lại bi đát đến vậy. Ông Trương sống lang bạt nhiều nghề, từ nghề thầu khoán nhảy sang viết văn và nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay. Lúc ông chết ở Sài Gòn, túng quẫn, nghèo đói, theo hồi ký của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thì ông nuôi rất nhiều mèo. Ngày ông chết, mèo cũng tản đi hết. Bấy giờ văn nghệ sĩ Sài Gòn kêu gọi xã hội chung tay lo hậu sự cho ông. Nếu nhớ không nhầm, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là người đã viết “tâm thư” đó. Sinh thời nhà văn Lê Văn Trương chủ trương "triết lý người hùng", ông "tuyên ngôn": "Sống rồi hãy viết". Không chỉ riêng ông mà nhiều nhà văn cũng quan niệm vậy. Đúng quá, sống rồi hãy viết. Thì đây, một thí dụ: Mới đọc tập Hứng phấn nâng hương, di cảo của nhà thơ Quách Tấn. Lâu nay, bài thơ Khóc chồng của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương chỉ bốn câu:

Chàng Cóc ơi ! Chàng cóc ơi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Bà còn có bài thơ nữa, cũng khóc chồng, theo trí nhớ của nhà Quách Tấn bản này 8 câu. Đọc thử đi, chắc chắn sẽ bùi ngùi rúng động từ chân tơ đến kẽ tóc:

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Thua chẵn ba mươi cũng một đời

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Tìm trên mạng thấy nhiều ở trang web, câp “luận” lại là:

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Quá xoàng. Sáo rỗng. Làm sao có thể sánh bằng câu có da có thịt có hồn có vía:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Gờn gợn xương sống. Lạnh toát người. Ôi, thơ. Sống rồi mới viết. Đọc văn của nhiều người cảm thấy chất liệu sống của họ phong phú quá. Có khi, nếu không có đời sống khốc liệt, từng trải vẫn có thể viết được tác phầm giá trị. Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một ví dụ. Những phóng sự hay nhất của ông về cờ bạc bịp, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ chính là ghi chép từ lời kể của người trong cuộc. Tôi kéo xe mở đầu thể loại phóng sự của nền văn học báo chí Việt Nam, nhà văn Tam Lang ngoài phần đi thực tế thì ông cũng  ghi chép nhiều qua lời kể của chính phu xe. Trước đây, đọc truyện ngắn và kịch của Nguyễn Huy Thiệp thấy hay quá. Thấm thía. Nhưng nay, chẳng thấy ông viết gì thêm. Nếu có cũng chỉ cỡ Đổi tình lấy điểm. Làng nhàng quá. Ông trời lấy lại cái tài rồi chăng? Đã nhà văn, ai cũng có tài, dù ít dù nhiều. Nhưng tự hào, tự tin nhất về cái tài của mình có lẽ chỉ Nguyễn Công Trứ:

Trời đất cho ta một cái tài

Dắt lưng dành để tháng ngày chơi

Để chơi thôi. Chẳng phải kiêu ngạo gì. Chỉ kiêu ngạo một cách ngớ ngẫn là khi muốn đem cái tài đó để tạc tuổi tên vào văn học sử, lưu danh thiên cổ. Vì lẽ đó, không ít người đã “nống” cảm xúc lên nhưng cũng khó lọt qua con mắt tinh đời. “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” (Văn chương không có bằng chứng cụ thể), do đó, có thể mượn nó lòe người khác, giấu tham vọng được không? Thì đây, đầu tháng 2.1912 ở hải ngoại, bậc thiên sứ, nhà cách mạng, nhà thơ Phan Bội Châu cùng các đồng chí quyết định cải tổ Hội Duy tân thành Việt Nam Quang phục Hội. Và để khuếch trương thanh thế, Hội chủ trương trước mắt cần gây “những tiếng vang thiên kinh động địa” để “thức tỉnh hồn nước”. Có một điều rất thú vị của kẻ sĩ Việt Nam trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, họ thường xướng họa thơ. Không chỉ kỷ niệm thù tạc mà qua đó còn để thăm dò tư tưởng, ý chí của người đi, kẻ ở. Cụ Phan kể:

Nguyễn Hải Thần trước lúc ra đi có lưu biệt câu thơ (tạm dịch):

Ba mươi tuổi bình sinh thỏa chí,

Bốn ngàn năm lịch sử thêm tươi.

Cái lòng hiếu danh đã lộ ở câu thơ này. Câu thơ lưu biệt của Đặng Tử Vũ như thế này:

Đỉnh chung vứt lại cho ai cả,

Bảo kiếm mang theo trả nợ đời.

Xem câu thơ này biết tác giả không thể nào quên lợi lộc; những người trong bụng còn quý danh vọng, tham lợi lộc tất nhiên không thể hy sinh thân mình để thành việc nghĩa. Tôi tuy hiểu như thế, nhưng tiếc rằng lúc ấy ván đã đóng thuyền rồi, không làm thế nào được nữa. Nhân bài học này tôi mới nhận ra những người dám mạo hiểm để làm việc nghĩa, phải là người quang minh lỗi lạc, không nghĩ một chút gì về danh lợi, phải có khí phách cứng rắn nhẫn nại, gan dạ khác thường, thiếu một không thể làm trọn trách nhiệm, còn những người hoặc vì sự cổ động, hoặc vì chịu mệnh lệnh mà làm điều là giả dối, không bao giờ thành công”.

Suy ngẫm của cụ Phan về những con người này về sau đã diễn ra đúng như thế. Ông Nguyễn Du, ấy mới lại bậc thượng thừa, viết 3254 câu thơ rướm máu dọc ngang muôn thế kỷ sau lại nhẹ nhàng: “Mua vui cũng được một vài trông canh”. Mua vua? Lũ chúng ta, qua những gì đã viết có thể giúp gì cho kẻ khác “mua vui”? Mà thôi, đừng hỏi, khi viết tự mình đã thỏa mãn cảm hứng “mua vui” chính mình. Vậy là đủ.

Chiều qua, mưa tầm tả. Phải tập trung làm cho xong mấy việc để nghỉ phép. Cũng là chuyện viết nhì nhằng. Người có trách nhiệm bao giờ cũng thế. Muốn làm xong mọi việc trước khi toàn tâm toàn ý cho một chuyến đi. Mà công việc của y chỉ có viết. Viết lúc nào cũng dễ mà cũng khó. Dễ là cứ viết những gì đã nghĩ trong đầu. Khó là làm sao phải kéo dài ra cho đủ số chữ quy định mà nội dung không cà kê dây cà ra dây muống. Lại có lúc phải viết ngắn hơn mà ý nghĩ vẫn còn dài. Kiếm sống bằng nghề viết có cực nhọc không? Thời mới vào nghề, có lần hỏi phu xe xích lô, mỗi ngày bán sức lao động được bao nhiêu tiền? Nghe xong, liên tưởng đến trị giá của nó chỉ bằng viết cái tin, cái bài vài trăm chữ trong vòng mươi phút. Thế là bèn hăng hái viết bởi nghĩ còn may mắn hơn nhiều người. Sáng nay, câu trả lời phỏng vấn của báo TT&VH đã in. Cũng là nhắc lại một quan niệm về viết ký. Câu hỏi: “Ở thể loại Ký như cuốn Xách ba lô lên và đi của tác giả Huyền Chip, người viết được phép "hư cấu" đến mức nào là chấp nhận được?”. Trả lời:

“Hư cấu ở mức độ nào có thể chấp nhận được? Khó có thể có câu trả lời chung bởi còn tùy vào quan niệm của người viết. Dù quan niệm thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ, thể loại “ký” nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại...) chủ yếu là văn xuôi tự sự, gồm các thể như bút ký, hồi ký, du ký...

Trong truờng hợp sách “ký” Xách ba lô lên và đi, không có chỗ cho sự hư cấu. Sở dĩ các trang bút ký của các nhà thám hiểm lừng danh Đông - Tây đã viết từ hàng trăm năm trước đến nay vẫn còn có giá trị bởi tính chân thật. Họ ghi chép trung thực. Không hư cấu. Không bịa ra các tình tiết “câu khách”. Nếu ghi chép của họ vì lý do nào đó có thể sai sót nhưng vẫn được chấp nhận. Do đó, nó đã trở thành những trang tư liệu quý để người đương thời tìm hiểu và người đời sau có thể tìm được các dấu vết của quá khứ.

Tôi nghĩ, “đi” chính là “khám phá”. Người du lịch là người khám phá. Họ có điều kiện mở rộng một tầm nhìn và ghi chép lại những gì đã “mắt thấy tai nghe”. Giá trị của sự khám phá chính là ở đó, tự bản thân nó đã hấp dẫn rồi nên không cần phải hư cấu thêm bất kỳ một chi tiết nào, dù là một chi tiết vụn vặt mà không có thật”.

Đọc kỹ, có một câu in sai. "Trong truờng hợp sách “ký” Xách ba lô lên và đi, không có chỗ cho sự hư cấu". Câu này bị biên tập sai, câu trả lời của y là: "Viết ký không có chỗ cho sự hư cấu".

Sực nhớ đêm kia, trời không mưa. Sân bay. Rượu đỏ. Một quán ngồi ngoài trời. Trầm thơm. Nến sáng. Lại một cuộc phiêu lưu đến một chân trời. Hai giờ sáng, từ trên cao nhìn xuống đường phố. Một cảm giác bình yên. Sông suối về nguồn. Thế nào là sông suối về nguồn? Nghe câu hỏi ấy, nhớ lại mấy câu thơ chẳng rõ của ai? Cũng có thể ông nhà nho tài tử nào đó lúc nhàn rỗi, ngồi nhổ râu, nghĩ ngợi linh tinh:

Đại hạn phùng cam vũ

Tha hương ngộ cố tri

Động phòng hoa chúc dạ

Kim bảng quý danh đề

Thử dịch lăng nhăng xem sao:

Đại hạn bỗng có mưa rào

Xa quê, gặp bạn dạt dào rượu bia

Động phòng vào lúc nửa khuya

Bảng vàng lại thấy, ớ kia, tên mình

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 47 trong tổng số 58