LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.3.2014

 

Quan-nhanu-cam-chi-RR

(Từ trái: Lê Minh Quốc, Chị Đẹp, Lê Khanh, Trần Tiến, Trần Hoàng Nhân và Nguyễn Minh Nhựt - đêm 3.3.2014 tại đường Hải Triều, Q.I, TP.HCM)

 

Đêm qua, đi xem Thị Hến tại Nhà hát Lớn. Nhiều tràng cười rôm rã. Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng. Làm mới vở chèo kinh điển Nghêu, sò, ốc, hến là điều không dễ dàng. NSND Lê Khanh đã thử sức với chính mình. Và chị đã làm được. Điều cảm động là trong những ngày này, ông bố là NSND Trần Tiến - người đã từng thủ một vai trong Nghêu, sò, ốc, hến đã đi theo động viên con gái. Đêm qua, trò chuyện mới biết, Lê Khanh là cháu ngoại nhà thơ Lê Đại Thanh (1907-1996). Trước đây, khoảng năm 2006, em gái Lê Khanh nổi đình nổi đám với tự truyện Lê Vân yêu và sống. Lúc đó, trên báo PN số ra ngày 1.12.2006, y biết sổ tay văn nghệ Tự truyện - không dễ ăn nêu vài suy nghĩ:

“Có lẽ với tác phẩm Những ngày thơ ấu in năm 1941, nhà văn Nguyên Hồng là người viết thể lại “tự truyện” sớm nhất ở Việt Nam. Mở đầu, ông viết: “Cha tôi làm cai ngục, mẹ tôi là người buôn bán…”. Câu này, nay đọc lại ta thấy bình thường. Nhưng thuở ấy, nhiều người - ngay cả nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng “sốc” bởi viết như thế là “vô lễ” với đấng sinh thành.

Từ Những ngày thơ ấu đến Lê Vân yêu và sống đang gây xôn xao dư luận, rõ ràng có một khoảng cách quá xa trong nhận thức của người viết lẫn người đọc. Ngay nay, người ta có thể “vạch áo cho người xem lưng” một cách… quyết liệt, thậm chí thô bạo. Chính vì thế, độc giả náo nức hơn và tìm đọc, bàn tán nhiều hơn. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là sự thành công của một cuốn tự truyện. Cho đến nay, Lê Vân yêu và sống đã có nhiều bài báo giới thiệu, khen chê. “tranh luận” qua lại ầm ĩ.

Nhưng liệu sự tranh luận về các “vấn đề” như thế này thì có ích gì, cho ai? Rằng, người tình đầu của cô là ai? Con trong bệnh viện vừa đẻ của người tình này hay của người tình kia? Vô bổ.  Trong khi đó, lẽ ra với một tài năng như Lê Vân, sau khi tập sách ra đời, mối quan tâm của công chúng tử tế phải nằm ở khía cạnh kinh nghiệm sống, lao động nghệ thuật - hơn là tò mò những chuyện vớ vẩn trên. Theo “điều tra xã hội học” của một trang web nọ, đa phần độc giả cho biết họ tìm đọc vì… “tò mò” những chuyện rất “đời thường tình ái” kia…

Nay lại có thêm vài ca sĩ tuyên bố “công bố bí mật của đời mình”. Liệu có cần thiết cho độc giả không, khi có “người nổi tiếng” cho biết sẽ kể lại nhiều “chuyện động trời”, dạng như tại sao mình mang tiếng… giết chồng? Rằng, lẽ ra mình đã… phá thai! Nay đứa con ấy đã lớn, đã ổn định nghề nghiệp đã hạnh phúc với chồng con thì những thông tin này liệu có cần thiết không?

Nghĩ cũng oái oăm: phải có những thông tin “giật gân” như thế thì tự truyện mới bán chạy? Bằng không, chẳng ai để ý đến làm gì! Thực tế đã có một vài ca sĩ cũng “tự truyện” dưới nhiều hình thức về các chuyến lưu diễn trong và ngoài nước, được công chúng ái mộ như thế nào v.v…. như một cách tự “lăng xê” nhưng có “ma nào thèm để ý đến”…

Trở lại với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, ta thấy tác phẩm này vẫn dứng được trong văn học sử. Vì sao? Vì qua những trang tự truyện, nhà văn đã khái quát được không khí chính trị của một thời, phản ánh được kiếp người trong một xã hội thực tế, chứ không phải khai thác những cuộc tình lén lút với người này, người nọ để câu khách”.

Công chúng thời nào cũng tò mò. Hôm chủ nhật tham gia chương trình Sao Việt - đàng sau câu chuyện lộng ngôn, nhóm thực hiện kịch bản đã đưa ra số liệu thống kê “Mức độ ảnh hưởng của truyền thông đến công chúng”. Có mấy con số đáng lưu ý: “Đây là cuộc khảo sát  420 người trên mạng Internet: 

52%: thường bị thu hút bởi những câu chuyện giật gân.
80%: thường đọc những bài giật gân chỉ vì sự tò mò.
24%: không bao giờ nghi ngờ .
75%: chia sẻ với người xung quanh.
53%: tin nó là sự thật”.

Bài báo trên viết đã lâu, đọc lại, vẫn còn ý nghĩa thời sự. Chép vào Nhật ký bởi nhấn mạnh yếu tố chính trị của thời đang sống, dù muốn dù không, nó phải thể hiện rõ trong một tác phẩm văn học. Bằng không chỉ là câu chuyện vô vô thưởng vô phạt. Đêm qua xem Thị Hến, nghe nhiều tiếng vỗ tay hoan nghênh bởi NSND Lê Khanh biết “mượn xưa nói nay”. Công chúng hả hê với những câu thoại như: “Toàn một lũ sâu dân mọt nước”; “Làm quan như ta đây, lấy của cậy ngọn roi, làm quan nhờ cái miệng, nếu vụ nào kiện cáo thì đây… xét xử không cần lý, hơn thua tại đồng tiền”. Trong đời, họ đã nghe đã thấy, đã biết, nay lại oang oang công khai trên sân khấu há chẳng phải vui tai, đỡ ngứa tai hơn đó sao? Mà nghĩ cho cùng, cũng là một vở diễn. Một cách xả xú bắp cho nhẹ cái đầu. Chính vì thế, xem hài kịch Thị Hến vẫn lý thú. Có được tiếng cười cho khoay khỏa, dù chỉ trong chốc lát. Vai trò của người nghệ sĩ là gì? Là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Thế thôi. Đừng buộc nó phải gánh thêm quá nhiều sứ mệnh. Mệt lắm. Đào kép muốn nổi danh phải có ông bầu. Nhà văn muốn có danh nhanh chóng, nếu được đỡ đầu bởi ông bầu là nhà chính trị ắt lên như diều gặp gió. Lên kiểu ấy, liệu có bền?

Đêm qua, tan vở diễn. Đến nhậu với Nhựt, Nhân và nàng. Giây lát sau bố con NSND Lê Khanh cũng đến vá mời ngồi chung bàn. Nhậu ầm ĩ và hoàng tráng đến tận 2 giờ sáng. Cảm động vẫn là hình ảnh con gái cầm tay ông bố dẫn qua đường lúc khuya khoắt. Ngày thơ ấu, mẹ cầm tay dẫn đến trường. Về già, lại cầm tay mẹ dẫn đi từng bước. Ôi thiêng liêng tình cha con, tình mẹ con. Và y thì sao? Những chuyện y làm vẫn lẻ loi, đơn độc một mình. Có những tiếng vỗ tay dành cho y, chẳng một ai chia sẻ. Lầm lũi đường dài. Canh khuya xế bóng. Đêm qua say. Một cơn say ngất ngưởng/. Quên cả đường về. Sáng nay, dậy muộn. vào cơ quan họp, rồi tranh thủ sang HTV thu chương trình thơ 8.3 cùng anh em văn nghệ. Cũng phát biểu và đọc thơ như lệ thường. Mấy câu thơ này là của Tú Sót, nhưng anh bạn thơ Đặng Hấn khi phát biểu lại nhầm sang Bút Tre:

8.3 muôn năm

(Gửi C.T.H)

Hôm nay mồng Tám tháng Ba

Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi

Tôi phần bà một đĩa xôi

Sợ bà răng yếu tôi xơi hộ bà

Bà thơ in trong tập Gà trống đẻ (NXB Thanh Niên - 1989) của Tú Sót. Ngay cả một người làm thơ còn nhầm, huống gì bạn đọc bình thường? Trước đây, anh Đặng Hấn có tập sách “vịnh” về các nhà văn, chẳng hạn:

Thương mà chẳng được em hay

Hay mà chẳng được một ngày em thương

Si mê áo trắng sân trường

Đã làm “tình nhỏ” dễ thương quên nào 

Ví dụ như ta yêu nhau

Những ngày tươi đẹp liệu sau có bền?

“Đáp án” của mấy thơ đố này là nhà văn Đoàn Thạch Biền, tác giả của những tập truyện ngắn, truyện dài như Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Tình nhỏ làm sao quên, Những ngày tươi đẹp, Ví dụ ta yêu nhau…Thì ra, tựa tác phẩm của nhà văn cũng là cảm hứng cho nhà thơ vậy! Có điều tập của Đặng Hấn không “ác liệt”, không tạo ra tiếng vang dữ dội như tập Chân dung nhà văn của Xuân Sách.

Ngủ thôi. 22 g rồi còn gì.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.2.2014

 

Sáng nay, điện thoại B hỏi về tờ SGTT. Tờ báo cuối cùng đã phát hành. Ngoài bìa ghi rõ: “Như một lời chia tay". Tựa một ca khúc của Trịnh Công Sơn: "Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/ Khép lại từng đêm vui...". Cầm tờ báo và lẩm nhẩm hát. Tờ báo này số đầu tiên phát hành ngày 15.4.1995. Dấu ấn lớn nhất, vẫn là Chương trình Hàng Việt nam chất lượng cao. Linh hồn của sân chơi sang trọng đầy tinh thần ái quốc này, y nghĩ đến nhà báo Kim Hạnh, dù trên số báo cuối cùng có viết một câu rất khéo: “Danh hiệu này thuộc về một chủ thể quan trọng hơn tất cả. Chính là người tiêu dùng”. Năm rồi, ngày 11.11.2013 tạp chí Thế Giới Mới - một ấn phẩm báo chí đã gắn bó với độc giả hơn 20 năm cũng đình bản do khó khăn về tài chính. Trường hợp SGTT kết thúc số phận cũng với lý do tương tự? Sáng nay, tại tòa soạn SGTT (25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP.HCM) anh Nguyễn Xuân Minh - quyền Tổng biên tập đã đọc quyết định “Về việc thu hồi Giấy phép hoạt động báo chí và Giấy phép hoạt động báo điện tử trên internet của báo Sài Gòn Tiếp thị” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định này do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký ngày 26-2-2014, ghi rõ “do cơ quan chủ quản Báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính”. Có thật vậy không? Lại nghe vài thông tin khác. Chỉ nghe loáng thoáng, vỉa hè vì thế không đưa vào Nhật ký. Sáng nay, cà phê với nàng. Cầm trên tay số báo cuối cùng. Dừng lại với bài “Nơi đang chờ ai điếu” ở chuyên mục Phiếm, ký tên Người Già Chuyện. Nguyên văn như sau: “Hổm rày muông thú cứ thấy chiều xuống là có một con chim mặt ngu bay vào rừng đứng khóc thảm thiết, khiến cả một cánh rừng nhuốm màu sầu thảm. Dù đã được đồng loại xúm vào hỏi han, chim mặt ngu vẫn thút thít khôn nguôi. Một con sẻ vừa được phóng sinh bay từ thành phố về chợt phát hiện: “Tao biết nó: đó chính là con Flappy bird! Để tao!” Sau đây là nội dung cuộc tư vấn tâm lý:

- Cớ sao mi buồn?

- Hic hic... Tao buồn vì bay qua được bao nhiêu là ống nước, mang về cho ông chủ cơ man là tiền, vậy mà đang lúc vui nhất thì phải bỏ cuộc chơi!

- Để tao kể chuyện này. Có những người đồng cảnh ngộ với mày, mà kết cục của họ thê thảm hơn nhiều! Họ cũng giống mày ở chỗ không được thẳng cánh bay giữa trời cao đất rộng mà phải khép nép luồn lách giữa bao chướng ngại, chỉ khác là thay vì bay giữa mấy cái ống nước như mày thì họ bay giữa búa trên và đe dưới...

Nghe đến đây chim mặt ngu lại sụt sịt:

- Nghĩ thật tủi, sinh ra làm chim mà không được tung cánh giữa trời mây! Hic hic... Thôi, kể tiếp đi.

- Thế rồi một ngày kia, dẫu gió mưa vùi dập họ vẫn miệt mài vỗ cánh thì đột ngột bị buộc tự game over! Mày nghĩ đi: ông chủ mày chủ động nghỉ chơi, còn họ sau khi game over còn phải bàn giao tên tuổi cái game bao năm gầy dựng cho người khác chơi, ai đáng buồn hơn?

Chim mặt ngu hớn hở hẳn ra:

- Thế thì so với họ tao may mắn hơn nhiều. Ờ, nhưng mà địa chỉ họ ở đâu để tao tới hót một bài ai điếu?

-    Cứ tới khu vực nhà tang lễ đường Lê Quý Đôn...”

Một bài viết xuất sắc. Thể loại phiếm đàm đã xuất hiện trên báo đã lâu. Tương tự Bút Bi trên báo Tuổi Trẻ, Lang Là một dạo trên Thanh Niên…. Hoặc Tư Trời Biển trên báo Tin Sáng ngày trước v.v...  Vài năm trở lại đây, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã làm một việc phi thường: tìm lại các bài báo của nhà văn hóa Phan Khôi. Điều khiến ông khó xử lý nhất là bút danh Tân Việt, Thông Reo ký dưới các bài phiếm đàm... in trên báo chí Sài Gòn thập niên 1920 - 1930. Bởi làm sao có thể xác định chính xác đâu là bài viết của Phan Khôi? Diệp Văn Kỳ? Nguyễn An Ninh? Bởi đó là bút danh chung của họ khi xuất hiện trên chuyên mục cố định của báo Trung Lập, Thần Chung... Theo nghề báo, y cũng có tham gia viết chơi vài chục bài phiếm đàm với bút danh chung Người Sành Điệu trên báo PL TP.HCM, vào khoảng cuối năm 2011 đến tháng 3.2102, sau đó, bỏ hẳn. Ngày nào cũng phải tiếp cận với thông tin "éo le", "cà chớn" và viết cà rỡn chơi, riết đâm ra ngán! Ngán vì phải đọc, phải viết về những chuyện thời sự  "không ra gì" khiến mình cũng mệt mỏi, chán đời, phải nghĩ ngợi. Mệt óc. Trước đó nữa, y cũng viết phiếm đàm cho báo Làng Cười với bút danh Tiểu Nhị. Viết hàng tuần, ròng rã mấy năm liền. Nhân lật lại báo cũ, thấy có bài “Triệu Đà được đặt tên đường” in từ đời tám hoánh:

A:- A! Chuyện này lạ à nghen! Ai đời cái tên của tên xâm lược cũng được đặt tên dường, quả là chuyện lạ! Chuyện này xẩy ra tại đâu? Thưa, trên địa bàn khu phố 2, phường Hiệp Phú, Q.9 (TP. Hồ Chí Minh) thiên hạ thấy có con đường mang tên Triệu Đà!

B:-Ủa? Triệu Đà lài mà ông la toáng lên như thế?

A:- Trong lời giới thiệu tập Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học Xã hội - 1983, trang 60, 61) GS Phan Huy Lê: “Triệu Đà là người Hán (quê ở huyện Châu Định, tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc), làm quan lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải thời nhà Tần. Nhân khi đế chế Tần sụp đổ, năm 207 tr. CN Triệu Đà đã chiếm cứ quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng (vùng Quảng Đông, Quảng Tây) lập thành một nước cát cứ ở phương Nam. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải là nước ta - bấy giờ là nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Hơn thế nữa, chính Triệu Đà là kẻ đã xâm lược và đô hộ nước Âu Lạc. Sự thật lịch sử là như vậy. Nhưng Triệu Đà xây dựng lực lượng cát cứ, mưu đồ “tranh bá đồ vương” trên một địa bàn người Việt mà nhà Tần mới thôn tính; cư dân tuyệt đại đa số là người Việt. Trong hoàn cảnh đó, để có lực lượng chống Tần, chống Hán, thực hiện mộng bá vương của mình, Triệu Đà và các vua Triệu kế tục, đã thực hiện nhiều thủ đoạn mị dân nhằm tranh thủ các thủ lĩnh người Việt, tìm hậu thuẫn trong dân cư người Việt. Triệu Đà đặt tên nước ta là Nam Việt, coi như người phục hưng nước cũ của người Việt, tự xưng là “Man đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, theo phong tục tập quán Việt (búi tó, ngồi xổm)… Những thủ đoạn cai trị đó, cùng với hành động chống Tần, đã làm cho nhiều nhà viết sử của ta thời phong kiến không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu như một triều đại của nước ta”.

Sự việc này đã rõ ràng. Ấy vậy mà nay người ta lại lấy tên Triệu Đà để “tôn vinh” thì lạ quá trời ạ! Vậy có thơ rằng:

Người có công với nước nhà

Dứt khoát không có Triệu Đà ai ơi!

Đặt tên đường thật... dở hơi

Cần sớm chấn chỉnh mọi người hoan nghênh”

Đến nay, có thay đổi gì đâu. Bảng tên đường phố tại TP.HCM còn nhiều bất cập, chẳng thấy chỉnh sửa: Trần Khắc Chân/ Trần Khát Chân; Trương Quốc Dung/ Trương Quốc Dụng; Nguyễn Thiệp/ Nguyễn Thiếp… Ngoài Hà Nội, cũng sai, chẳng hạn, Đại Cổ Việt/ Đại Cố Việt ! Nghe oải quá. Oải thế nào? Có như chuyện hài hước này không? Nhà nọ, có ông bố nọ dạy con rất độc đoán. Có những lúc bực bợi điều gì đó, ông lôi nó ra phết cho vài roi. Nó bị đòn oan bèn khóc hu hu. Làng xóm láng giềng chạy qua hỏi han chuyện gì vậy, nó liền dọn ngay bộ mặt đám tang, quẹt nước mắt, tươi tỉnh trả lời: "Tôi có lỗi nên bố tôi dạy tôi đó thôi". Lỗi gì? Thì cái lỗi mà lúc phết toi, ông bố vừa hậm hực đó thôi. Nghe vậy, bà con quay về, chẳng ai bênh vực. Lúc một mình, nó lại khóc tiếp vì còn ấm ức. Lần sau, cũng bị đòn bởi ông bố bực bội gì đó, nó lại khóc. Ai hỏi, nó cũng trả lời y chang lần trước. Chẳng biết, chuyện này có gợi hứng cho Người Già Chuyện của SSTT viết phiếm đàm không?

Sáng mai, 8g30 dự ra mắt sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tại Thư viện Khoa học Xã hội; sáng chủ nhật, tham gia chương trình  talkshow truyền hình cùng ca sĩ Ánh Tuyết chủ đề “Sao Việt - đàng sau câu chuyện lộng ngôn"; tối thứ hai đi xem kịch Thị Hến tại Nhà hát Lớn; sáng thứ ba tham gia cùng HTV chương trình thơ nhân 8.3. Một ngày trôi qua nhanh. Cuối tuần rồi. Đã viết xong lời Tựa tập sách Trảng Bàng phương chí của Dương Công Đức; chưa viết xong lời Tựa tập thơ của anh bạn thơ Vũ Khắc Tĩnh. Còn chờ sửa bản bon lần 2 tập tùy bút Khi tổ ấm nhảy Lambada, tiểu thuyết Đời, thế mà vui. Chưa thấy email bìa. Mọi việc, qua tuần sẽ đâu vào đó thôi.

Chiều nay làm gì? Vẫn như mọi ngày thôi. Thôi nhé, bia bọt lai rai, vẫy tay chào mi.

 

thi-hen-du-xuan

Hài kịch Thị Hến của Đạo diễn Lê Khanh diễn tại Nhà hát lớn TP.HCM ngày 3.3.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.2.2014

 

Viết nhật ký dễ hay khó? Mỗi người tự có câu trả lời. Với y, quá khó. Mỗi ngày có quá nhiều thông tin, chẳng lẽ cứ “thu gom” vào trang viết? Mà những thông tin ấy, nếu đọc riết, chẳng hay ho chút nào. Không khéo, tâm hồn mình cũng hoen ố theo. Lạ lùng quá, ngày nào cũng có những chuyện “chẳng ra làm sao”. Nhói lòng. Bực tức. Nhìn thấy chung quanh chỉ một màu xám xịt. Sáng nay, dậy sớm, lướt web, ngay giao diện TTO đập vào mắt tin đọc nhiều nhất - tin xếp hàng thứ nhất: “Bắt giam thanh niên hiếp dâm cụ bà 80 tuổi”, tin thứ hai: “Khởi tố thầy giáo cưỡng dâm học sinh lớp 10”. Thú thật, y không dám click vào đó. Y yếu bóng vía, chứ nào phải đạo đức gì. Biết làm sao được, đã thông tin, nhà báo phải đưa đến bạn đọc. Vấn đề là cách viết như thế nào? Viết như thế nào, y cũng không đọc. Tỷ như xem phim thấy cảnh đâm chém, máu me gớm giếc, y vội vàng chuyển qua kênh khác. Không dám nhìn, dù he hé mắt. Hèn thế? Vâng, y vốn hèn. Trước đây, khi bản tin nội bộ của ngành C.A được phát hành công khai, rộng rãi, lập tức báo bán chạy như tôm tươi. Có những cộng tác viên được tòa soạn ưu ái cho mua một số lượng báo, rồi bán lại cho phát hành để hưởng hoa hồng chênh lệch. Tuy báo bán chạy nhưng cũng có người âu lo, nếu bài vở chỉ đề cập đến vụ án, hình sự thì sẽ tác động đến xã hội ra sao? Nhìn lại, so với báo lá cải hiện nay thì báo C.A còn "hiền lành" chán. Khi có thông tin làm sao không đưa lên mặt báo? Vấn đề là viết thế nào thôi. Biết thế, nhưng vẫn rờn rợn với nhiều thông tin hiện đang phơi bày...

Mỗi ngày, càng nhiều thông tin quái đản ấy. Nhà văn Vũ Trọng Phụng, cây bút luôn căm thù hiện thực xã hội, chắc rằng, cũng không tưởng tượng nổi. Khinh khiếp quá. Xã hội gì lạ lùng, cứ mỗi ngày lại diễn ra những trò lố nhố lăng nhăng không thể tin được. Làm sao có thể tin được rằng, học trò đi học phải đu dây qua sông như Tazan; người đi đưa tang trên cầu nhưng cầu lại sụp v.v… Đất nước mình còn có hàng ngàn cây cầu tương tự. Ai quan tâm? Chẳng rõ. Gần đây lại rộ lên thông tin đòi xóa sổ cầu sông Hồng. Rồi biết bao di tích khác cũng chung số phận hẩm hiu. Nhìn đâu cũng thấy chuyện kỳ quặt. Quái thật. Không quái sao được khi khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn quá. Thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa một trời một vực. Cả hai thế giới cách biệt hoàn toàn. Lại nghe chuyện rằng, có ông quan nọ nổi tiếng thanh liêm, sau khi về hưu mụ vợ đưa ra con chuột bằng vàng. Ngạc nhiên quá, bèn hỏi, ở đâu, làm sao có? Mụ vợ thật thà bảo, ngày nọ nhân sinh nhật quan, có người hỏi quan tuổi gì, mụ bảo tuổi tí, người ta tặng cho con chuột này. Quan nghe xong, bực bội quát, ngốc ơi là ngốc, sau lúc ấy không nói ta tuổi sửu? Tương tự, có quan chức thanh tra cũng nổi tiếng "thanh liêm", sau khi nghỉ hưu báo chí mới phát hiện ra biết bao là nhà đất! Hỡi ôi! Biết bao là chuyện "trời ơi đất hỡi"! Có nhà văn ý thức xâu chuỗi lại những tình tiết tiêu biểu, đắc giá nhất để hư cấu thành truyện ngắn. Đó là Nguyễn Đông Thức với tập truyện ngắn Đời. Vài mươi năm sau đọc lại, thế hệ sau sẽ nhìn rõ chứng tích của một thời. Cái thời mà con người ta biết tin vào sự hướng thiện nào để tu dưỡng tâm hồn? Bây giờ, y cứ ngồi đây, liệt kê hết những chuyện nhố nhăng ấy? Thử hỏi, lợi ích gì không hay cuối cùng chỉ thu về cái nhìn cuộc đời này u ám quá. Thôi thì, cứ hãy tin, cứ hãy ảo tưởng về một thế giới tốt đẹp. Tin thì tin. Thế nhưng hiện thực xã hội vẫn còn đây:

“Trong 10 năm (2003 - 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái, tức 3% trong khoảng 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản (18%) sai trái trong 27 nghìn văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý của mình”. Gì nữa? “Nhìn vào danh sách số lượng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật còn nợ đọng, thật đáng quan ngại: Cả nước nợ 60 văn bản trong năm 2001; tăng lên 80 trong năm 2002; còn 50 trong năm 2003, và đỉnh cao là 165 văn bản trong năm 2006; sau đó giảm còn 52 vào năm 2007; 45 văn bản năm 2010 và 58 văn bản năm 2011; năm 2013 này còn nợ 93 văn bản. Đơn vị "nợ" lớn nhất là Bộ Công thương, với 100% (10/10 văn bản cần ban hành, trong đó có Luật Điện lực); tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nợ 93% (14/15); Bộ Lao độngThương binh và Xã hội nợ 67% (28/42) và Bộ Tài chính nợ 63% (12/19)”. Thông tin này ở đâu? Thưa, trên báo Nhân Dân cuối tuẩn số ra ngày29.9.2013 (http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_thoisuchinhtr/_mobile_diendanndct/item/21294302.html).

Choáng chưa? Chưa à? Vậy đọc tiếp thông tin khác?

Không. Không đọc nữa. Nhật ký mỗi ngày, nếu không tỉnh táo, cứ bị cuốn theo những loại thông tin “chẳng ra làm sao”, cuối cùng mình sẽ thế nào? Tự ý thức nhưng rồi chẳng lẽ né tránh, không đề cập đến? Vì thế, có những ngày chẳng muốn viết một chữ nào là vậy. Nhật ký là trang viết riêng tư, cá nhân thế mà cũng dối lòng. Cũng uốn éo chữ nghĩa. Vậy đừng viết còn hơn. Hèn thế? Vâng, y vốn hèn. Mà đâu chỉ mình y hèn. Cứ nhìn chung quanh thì rõ. Khi ngồi tụ năm tụ ba trong cuộc nhậu, cứ xoen xoét. Bước vào chốn đông người, thay ngay cái lưỡi khác. Chẳng lẽ, để tồn tại, con người ta phải sắm quá nhiều cái lưỡi đến vậy sao? Thì phải thế, biết thế nào?

Mỗi ngày, thức dậy, y lại dặn lòng mình hãy tìm lấy và đón nhận những tín hiệu mới, tươi vui, lạc quan hơn. Mà cũng khó. Vừa rồi, đọc bài báo này hay, trích dẫn lại. Ấy là bài viết Chưa đủ sao, hỡi các nhà văn hóa? của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Anh Thân viết khỏe, lập luận sắc bén và luôn am hiểu thời sự. Hôm kia gặp nhau ở tòa soạn báo PN, nhìn thấy anh vẫn khỏe mạnh, lực lưỡng dù đã gần 80 xuân xanh. Anh bảo, tớ ghét nhất là lúc gặp bạn bè cùng trang lứa, bằng tuổi tớ nhưng chẳng biết gì về vi tính, email, internet gì cả. Họ như sống ở một cõi khác. Chán nhất lúc gặp nhau, hỏi “dạo này, có gì mới không?”. Kể đến đây, anh vỗ vai y cái đét, đau điếng: “Trời, thông tin thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày mà hỏi thế, tau biết trả lời thế nào?”. Đúng quá, bạn bè y cũng thế. Những anh em một thời chiến trường K, có người về sống ở quê, suốt ngày vui thú với nhậu, hầu như chẳng biết gì về thế giới bên ngoài, chỉ quanh quẩn dăm ba câu chuyện của thời mười tám. Chán thế. Trở lại với bài báo của anh Thân, anh viết về sự kiện chọi trâu vừa diễn ra ở Phúc Thọ (Hà Nội), đoạn này hay, thuyết phục:

“Một kiểu hội kích thích tinh thần thượng võ, đua tranh tìm và tụng ca chiến thắng, gợi lại sự hào hùng, sảng khoái của chiến tranh ác liệt và khải hoàn lộng lẫy. Trong bối cảnh một quốc gia thuần nông nghiệp, luôn có chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, hội chọi trâu mang hồn dân tộc khá cao nên mới được gìn giữ đến ngày nay.

Nhưng đấu trường La Mã hình thành 60 năm sau Công nguyên, nơi giải trí lừng danh thời trung cổ của Rome, chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ 6. Ánh sáng văn minh ló dần và con người không thể chấp nhận giải trí, mua vui trên cái chết của những con mãnh thú đẹp đẽ hay những võ sĩ giác đấu tài ba. Ngay hổ quyền (Huế) cũng phải chứng kiến trận đấu cuối cùng vào năm 1906 và chỉ còn là một di tích văn hóa, tuy độc đáo và quý hiếm nhưng hoàn toàn không còn lý do khôi phục những cuộc đấu voi - hổ đẫm máu thời Minh Mạng.

Liệu có “đẹp” và “thiện” không khi hàng vạn người trên khán trường hò la cổ vũ một vài cặp trâu - những con gia súc bạn nhà nông, bạn của trẻ con nông dân, hiền lành và tử tế - đang trở lại với bản năng man rợ dã thú đã được thuần hóa nhiều đời, lao vào nhau nhằm giết chết nhau trong một trận tử chiến máu me, không khoan nhượng và dung thứ? Liệu phải giải thích thế nào cho trẻ em và những chàng trai làm chủ đất nước tương lai vì sao con trâu chiến thắng lẫn thua cuộc của cả mấy hội chọi trâu đều bị giết để tế thần linh và sau đó nhập vào “kinh tế thị trường”, được bán thịt với giá cao gấp hàng chục lần? Tất nhiên phải dẫn giải hoặc bịa ra niềm tin thần bí và như thế phải chăng là cách tốt nhất để giúp thế hệ trẻ khả năng tự cường bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại? Đó là chưa nói vì lợi ích cỏn con, những ông chủ các thớt trâu bị giết thịt phải huyên truyền rằng đó là thứ “thịt trâu thần thánh”! Chúng ta vẫn ăn thịt trâu. Nhưng giết trâu bò để lấy thịt trong những lò mổ được coi là nhân đạo hiện đại, hoàn toàn đối lập với cách giết trâu man rợ trước sự chứng kiến của đông đảo người xem hội” (TT số 25.2.2014).

Bài viết của anh còn cho biết: “Theo thống kê, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội”. Do thấy còn ít quá nên người ta mới “chế” thêm lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội) cho xôm trò chăng? Có lẽ chưa dừng lại đó, sẽ còn có thêm nhiều “lễ hội” khác nữa. Để xem. Ở xứ ta, không gì là không thể. Chiều qua, ngồi ở Đồng Khởi. Uống rượu đỏ và nhìn xuống đường phố. Chiều yên ả. Gió mát. Nắng tươi ngon. Lúc ấy, thấy một ông Tây cao ngồng như nhân vật Nhện chân dài trong truyện tranh Lucky Luke lướt qua đường, tự nhiên lại nhớ đến nhà văn Ngụy Ngữ. Lâu rồi không gặp, anh cũng cao nhỏng. Lần nọ, gặp nhau quán Ruốc, hỏi, “vì sao trong cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học (Văn học yêu nước, cách mạng thành thị miền Nam 1954- 1975)  do NXB TP.HCM in năm 2000 không có tác phẩm của anh?”. Anh trả lời, đại khái, văn học là văn học, làm gì lại phân chia rắc rối thế? Vì thế, anh không cho phép người thực hiện tuyển chọn lại truyện ngắn "yêu nước và cách mạng" của anh đã in tại Sài Gòn. Nghe anh trả lời vậy. Bèn cười. Trả lời kiểu này có là “gàn’ không?” À, chẳng biết vì sao lại gọi “gàn bát sách”? Từ điển thành ngữ Việt Nam (NXB VTTT-1994) của Viện Ngôn ngữ học giải thích: "Gàn dở, ai nói cũng không nghe (dù là điều hay lẽ phải) ví như hình người con gái, trong quân bài bát sách của bộ tổ tôm, với điếu thuốc vắt vẻo trên môi, đầy vẻ nghênh ngang gàn dở" (tr.299).

Mở miệng nói ra gàn bát sách

Mềm môi chén mãi tít cung thang

(Nguyễn Khuyến)

Tra cứu thêm một chút về tổ tôm, đúng là có quân bài Bát sách thật, có câu "diễn ca:

Lèo ngay một mụ xồn xồn
Tính gàn BÁT SÁCH vểnh mồm hỏi chi

Ủa? Thì ra còn những tiếng lóng khác cũng từ trò chơi tổ tôm, lâu nay y chẳng hề biết. Đó là "Cửu vạn, Thất sách, Phỗng mất, Hoa rơi cửa Phật, Nhũn như chi chi, Hợp cạ, Tròn bài". Hay quá là hay.

Giữa lúc thiên hạ đang bàn chuyện tầm cỡ quốc gia đại sự, y mỗi ngày chỉ quẩn quanh với những cảm nghĩ vụn vặt, thế chẳng gàn là gì? Đành vậy. Nhật ký ghi thêm thông tin này trên báo TN sáng nay: “Nhà xuất bản Ten-Books (Nhật Bản) vừa ra mắt ấn phẩm 105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới quy tụ bài viết của 83 tác giả là giáo sư, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học... Qua phần phân tích, bình luận, các tác giả muốn giới thiệu với công chúng Nhật những tác phẩm được yêu thích và bán chạy nhất ở nhiều quốc gia như VN, Anh, Đức, Bỉ, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên...Đây cũng là “gợi ý” cho các nhà xuất bản xứ hoa anh đào vì những tác phẩm này chưa được dịch ra tiếng Nhật. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn duy nhất của VN được giới thiệu trong ấn phẩm của Ten-Books, với tác phẩm nổi tiếng Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và bộ truyện Kính vạn hoa. Tác giả bài viết nhận định về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: “Tác phẩm lấp lánh nét duyên dáng, sự hài hước, dí dỏm trong cách kể chuyện và một sự tươi trẻ dường như không bao giờ mất đi ở nhà văn đã trải qua gần 60 “xuân xanh”. Còn bộ Kính vạn hoa gây được sự chú ý vì là bộ sách đạt kỷ lục bán chạy nhất trong ngành xuất bản VN với hàng triệu bản in”. Đọc tin này thấy vui.

Đã nghe tiếng chuông chùa vọng sang. Chiều rồi.

Một ngày đã qua.

cung-cac-dong-nghiep

Cùng các đồng nghiệp tại tòa soạn báo PN (Xuân 2014)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.2.2014

 

thu-vien-quoc-gia

Ảnh lưu niệm cùng các thủ thư Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chiều ngày 24.2.2014

 

Từ sau buổi nhậu tân niên tập san Áo Trắng, đến nay, đã hơn một tuần, không ngày nào lang chạ với bia rượu, dù chỉ một giọt, y đáng được biểu dương công dân tốt. Ô hay, vậy những người bia bọt mỗi ngày là người xấu ư? Chưa chắc. Mấy ngày hôm nay, trên báo chí đăng nhiều bài viết than phiền về kỷ lục uống bia của người Việt. Theo báo TT, “2,9 tỉ lít là sản lượng bia ở VN năm 2013”; “Người Việt chi 3 tỉ USD/năm cho bia rượu”. Đọc kỹ, chưa thấy ai lý giải thuyết phục vì sao người Việt uống bia nhiều đến vậy?

Cho đến nay, có hai sáng kiến độc đáo nhất mà người Việt có thể tự hào giữ bản quyền, đố nước nào có thể cạnh tranh. Sáng kiến gì vậy? Thưa, “văn hóa phong bì”. Đã mời nhà báo đến họp, ắt phải có phong bì lúc bịn rịn chia tay. Thậm chí, chỉ gặp gỡ, trò chuyện thân mật cũng có phong bì kèm theo. Gì nữa? Trong giao tế, sau khi đã bàn bạc, thảo luận một vấn đề làm ăn gì đó, việc đầu tiên và kết thúc phải diễn ra ở quán nhậu. Nhờ cậy ai điều gì, gặp ở đâu “tình thương mến thương” nhất? Quán nhậu. Sực nghĩ đến người bạn, ngày nọ, cơ sở in ấn của anh bị cháy do công nhân của công ty sát bên cạnh hàn xì sơ ý. Dĩ nhiên, anh phải được đền bù xứng đáng. Mà việc hệ trọng này, tất nhiên phải lui tới, nhờ cậy một vài cơ quan chức năng điều tra. Mỗi lần gặp gỡ trình bày, nộp đơn từ, sau đó, lại kéo nhau ra quán nhậu. Nguyên tắc này bất di bất dịch. Đưa tiền “bồi dưỡng” sổ sàng thì không dám. Có đưa, chắc gì người ta nhận. Thôi thì, cứ ra quán nhậu là giải pháp tốt nhất.

Khi mời một hai người, đừng tưởng chỉ có một hai người đó. Sau khi đã an tọa, bắt đầu xem thực đơn cũng là lúc điện thoại của người được mời réo rắt ồn ã, chỉ mươi phút sau, người khác ùn ùn kéo đến. Anh bạn y không lường trước tình huống éo le này, ngồi méo mặt chịu trận. Mà cũng hay, chỉ nhậu đến nửa chừng, khách mời đã lẻn về trước tự bao giờ, anh phải ngồi lại tiếp bạn của họ mà đôi bên chẳng quen biết gì. Mười lần như một. Chơi kiểu này, “gài độ” kiểu này, tục ngữ Việt Nam gọi là “mượn hoa cúng Phật”. Mượn tiền người này đãi người kia, dù không tốn một xu nào nhưng vẫn đóng ai "chủ xị". Có như thế, lần sau nó mới gọi lại mình nếu nó cũng có một “độ” tương tự. Khổ thật, dù đang hoạn nạn, đang nguy cơ phá sản vì nhà in bị cháy, thế mà cũng phải đãi đằng biết bao cha căng chú kiết. Tốn kém lắm. Mất thời gian lắm.

Dù biết thế, “qua sông phải lụy đò” mà chẳng thể “rút kinh nghiệm” cho lần sau. Nếu không mời ra quán nhậu, công việc cứ ầu ơ ví dầu ngày này qua tháng nọ. Chi bằng bấm bụng mời nhậu cho nó xong. Lúc đó, đã chén chú chén anh, với thẩm quyền đang có may ra người ta mới tích cực giúp mình. Có thế mọi việc kết thúc nhanh hơn. Cuối cùng mọi việc như thế nào? À, anh bạn y “bỏ của chạy lấy người”. Rằng, lúc ấy, anh lại mời người ta ra quán nhậu. Đã phóng lao phải theo lao vậy. Lần ấy, trời xanh gió mát, quán ăn đặc sản, bia rượu ê hề, ăn thịt rừng theo yêu cầu của khách mời. Bạn bè của khách cũng nườm nượp kéo đến như mọi lần. Thì, đành chịu vậy. Món đầu tiên là tiết canh, vừa đặt lên bàn thì khách mời đứng thẳng dậy dõng dạc bảo tiếp tân: “À, món này ngon đây, mày đem xuống bảo nhà bếp gói riêng lại, chút nữa tao đem về”. Nghe câu nói ấy, anh bạn choáng váng. Anh sực tỉnh, với loại người như thế còn có gì để nói nữa không? Từ đó, trở về sau anh bỏ mặc, không lui tới mời ăn nhậu nhờ cậy nữa. Cuối cùng, bao nhiêu đơn từ thưa kiện, đòi hỏi bên kia phải đền bù v.v… bị xếp xó, ì ạch. Chẳng đâu vào đâu.  “Để lâu phân trâu hóa bùn”. Chán. Thôi, kệ nó. Người ta xử sao thì chịu vậy.

Lạ, người Việt thuộc loại siêu nhậu. Nhậu từ hàng ngàn năm nay nhưng vẫn không có “tửu đạo”. Tại sao? Ông Vũ Thế Ngọc khi biên khảo Trà kinh kết luận: “"Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt Nam đã uống trà từ ngàn năm nay”. Vậy mà, người Việt làm gì có “trà đạo”. Phải chăng, tư duy của người Việt là không chú tâm hệ thống, sắp xếp lớp lang cái gì cho ra đầu ra đũa? Mà tùy cơ ứng biến, ngẫu hứng? Nếu đúng, ấy cũng là ưu lẫn khuyết của người Việt vậy.

Chiều qua nói chuyện về kỹ năng, nghệ thuật đọc sách ở Thư viện Khoa học Tổng hợp. Nói đúng ra, đây là buổi tập huấn ngoại khóa cho các bạn thủ thư đang công tác tại thư viện lớn nhất, tầm cở nhất tại TP.HCM. Sau đây là những gạch đầu dòng của buổi nói chuyện trong vòng hai giờ: Mê sách; mua sách; tủ sách gia đình phải sắp xếp, phân loại theo tác giả, chuyên đề; phải có “sách công cụ” để khi cần có thể tra cứu, kiểm chứng; không thể hoàn toàn tin cậy goolge, nếu đã “search” cũng phải kiểm chứng lại từ tài liệu gốc; tham dự những buổi ra mắt sách; trao đổi với tác giả để hiểu hơn về nội dung sách; phải biết tôn chỉ, mục đích của NXB để xác định sự tin cậy về thể loại của tập sách đó; cần đọc trước lời giới thiệu, mục lục; phải có kiến thức về lãnh vực mà quyển sách đề cập đến v.v…  Cuối cùng, y nói rằng, nếu không mê sách, mê như mê người tình, không đọc sách, không quý sách, đau đáu với sách thì đừng nên làm nghề thủ thư vì như thế tự làm khổ mình lẫn người đến mượn sách.

Đêm qua, nằm đọc lại quyển Thơ văn Tự Đức của NXB Thuận Hóa. Bản in này là bản Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ở miền Nam xuất bản năm 1970. Đọc và thấy rằng, vua Tự Đức không đến nỗi “đáng ghét” như lâu nay y từng nghĩ. Nào riêng gì y, đọc lại giai đoạn triều Nguyễn, ai cũng thấy rằng thời loạn lạc, lầm than, bi đát nhất vẫn là thời Tự Đức. Nào ngờ, đã có vài lần, vua Tự Đức dũng cảm dám nhận khuyết điểm. Ngày 2.6 năm Tự Đức thứ 29, ngài viết Tự chê trách, có đoạn: “Cơ nghiệp sáng lập giữ gìn hơn hai trăm năm, bỗng một bỏ mất, thực là tội của tiểu tử này không thể nói xiết. Dù cho có làm được công đức cũng không thể chuộc được tội lỗi”. Ấy là ngài “tự phê” là đã để “mất cả đất đai dân chúng sáu tỉnh Nam kỳ” khiến “Trông lên cúi xuống, sống đã không mặt mũi nào, chết cũng không thể nhắm mắt”. Ngài chọn “hình thức kỷ luật” thế nào? Theo lệ cũ, quân vương có tội, đặt tên thụy là “lệ” (tội lỗi), không được được đặt chữ “Tông”:Vậy phải nên bỏ đi. không nên đặt thêm Tông hiệu, để làm gương cho những quân nhân có lỗi muôn thuở về sau. Và cho trẫm được cùng các bầy tôi có lỗi, cùng chia sẻ tội tình, cùng chịu tủi nhục, ấy là chí hướng của trẫm. Lời nói trung thực, phát ra từ lòng ra, chớ nên trái ngược, chớ nên quá lạm. Vậy bố cáo cho cả thiên hạ điều hay”.

Dám nhận lỗi, nhìn thấy lỗi lầm, ray rứt đến độ “chết cũng không thể nhắm mắt”, ta nghĩ sao về con người này?

Đau đớn do đất đai mất vào tay kẻ thù, ngày 12.2 năm Tự Đức thứ 30, ngài lại có bài dụ Bảo cùng bề tôi, có đoạn: “là ngày sau không dám dự vào nhà Thế miếu, vì không mặt mũi nào còn dám trông thấy tổ tông dưới suối vàng”. Thế miếu là nơi  thờ các vị vua Nguyễn thời trước, ngài tự nhận mình không xứng đáng vào nơi tôn nghiêm ấy, há đã tự nhận một hình phạt ghê gớm về tâm linh đó sao? Đọc những dòng này, trong tâm trí nghĩ về vua Tự Đức đã ít nhiều thay đổi. Ôi, thời buổi nay, có ai còn dũng khí cắn rứt, tự nhận lỗi như vậy không? Chẳng biết trả lời sao? Chỉ nhớ đến câu tục ngữ thật hay: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”.

Chiều nay, họp báo về vở Thị Hiến do NSND Lê Khanh do NSND Lê Khanh dàn dựng theo kịch bản dân gian nổi tiếng Nghêu, Sò, Ốc, Hến.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.2.2014

 

Dai-Viet-Su-Ky-Toan-Thu

Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sách của mọi nhà

 

12g45 trưa nay gửi một email ra Hà Nội. Đã có thể chính thức sắp xếp, thu dọn các tập sách bừa bãi trên bàn làm việc từ trước Tết đến nay. Đã viết xong 19 nhân vật lịch sử cho Công ty Đ.A. Đó là 10 nhân vật văn hóa: Thiền sư Vạn Hạnh, Mạc Ðĩnh Chi, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Quý Ðôn, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ðào Duy Từ, Cao Bá Quát; và 9 danh tướng đời Trần: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Huyền Trân công chúa, Trần Khát Chân, (ngoài ra còn có cả Trần Thủ Độ, nhưng người khác viết). Mỗi quyển truyện tranh này chỉ 18 trang, kể cả bìa, khổ lớn. Họa sĩ vẽ bằng tay chăm chút tô màu, kỹ lưỡng từng trang. Nếu không có gì thay đổi, bộ sách này ra mắt trong Hội sách năm nay.

Y không phải là nhà nghiên cứu sử, chỉ là người ham đọc sử và tìm cách kể lại cho phù hợp với đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Ngày nọ, gặp nhau trong quán cà phê, Thắng bảo: “Em có nói anh em biên tập làm thế đừng để anh Q giận. Ảnh giận bỏ cuộc thì gay lắm”. Bèn trả lời: “Bộ sách ra đời nếu có sai sót, trước hết thuộc về tác giả. Tác giả phải là người chịu trách nhiệm. Do đó, anh em biên tập càng chu đáo càng tốt chứ sao lại giận?”. Mà thật vậy, làm việc với người biên tập chu đáo, kỹ lưỡng, có trách nhiệm và khó tính là điều may mắn cho tác giả.

Hơn mười năm trước, khi viết bộ sách 10 tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam, may mắn được việc với chị Cúc Hương, con gái cụ Nguyễn Đổng Chi. Chị đã biên tập tỉ mỉ từng lỗi chính tả, phản biện, trao đổi từng chi tiết nếu thấy không hợp lý, hoặc ngần ngại cần tra cứu thêm… Nhờ vậy, bộ sách tránh được sai sót đến mức có thể. Nay làm việc, anh em Đ.A cũng có có tinh thần này. Chỉ kể lại một chi tiết để thấy sự chu đáo của người biên tập. Với bộ Đại Việt Sử ký toàn thư, có những bản dịch như Hoàng Văn Lâu, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính; Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Tham khảo bản dịch của Cao Huy Giu do NXB Văn Học ấn hành năm 2009, về nhân vật Trần Nhật Duật, y viết:

“Lần nọ, gia nô của ông bị người bên Quốc phủ đánh, có kẻ nhân cơ hội này bèn mách. Ông nghiêm mặt:

- Đánh có chết không?

Người đó trả lời rằng, không. Ông nói:

- Không chết thì thôi, mách làm gì?

Rồi ông lảng qua chuyện khác, không nhắc đến nữa. Lần khác, có người kiện gia tì của ông với Quốc phủ.

Quốc phủ sai gia đồng đến tận phủ ông vây bắt ầm ĩ cả lên,  vợ ông oán trách:

- Ông là Tể tướng đâu có kém gì ai, cũng chỉ vì ông nhân nhu quá nên người ta mới khinh rẻ thế này!

Nghe thế, ông vẫn điềm tĩnh chẳng nói gì, chỉ sai người đến bảo gia tì:

-    Mày cứ ra, ở đâu cũng đều có phép nước”.

Bản dịch này, trang 363 chú thích “Quốc phủ” và chú thích: “Quốc phủ: tức Hưng Đạo vương". Tuy nhiên, anh em biên tập bên Đ.A khẳng định “Quốc phụ” mới đúng. Lập luận như sau:

1. Bản tiếng Hán của ĐVSKTT ghi chữ 父 (phụ) nên có thể khẳng định từ này là Quốc phụ, không phải Quốc phủ. 

2.Trong ĐVSKTT (bản biên tập tra cứu) không thấy lần nào khác có nhắc đến Quốc phủ chỉ Trần Quốc Tuấn. Trang 274 lại ghi rõ, năm 1324, phong Trần Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể. 

3.Trang 282 nói về tích Trần Nhật Duật “dĩ hòa vi quý” chúng ta đang bàn, có thêm chi tiết là: Phu nhân Trần Nhật Duật sau đó khóc lóc nói với ông rằng: 

- Ân chúa là tể tướng, Bình chương cũng là tể tướng, vì ân chúa nhân từ, nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này. 

Như vậy, Quốc phụ ở đây còn là Bình chương. Trần Quốc Chẩn được phong làm Nhập nội Bình chương năm 1302 (trang 260 ĐVSKTT sách Đông A 2010). Trần Quốc Tuấn thì không thấy nhắc đến là được phong là Bình chương hay Tể tướng bao giờ. Vậy nên, người được nói đến ở đây rất có khả năng là Trần Quốc Chẩn hơn là Trần Quốc Tuấn. 

4. Xét về thời gian, năm 1289 Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) đã lui về Vạn Kiếp, khi đó Trần Nhật Duật (1255-1330) mới ngoài 30. Phần niên biểu cũng viết, năm 1302, Trần Nhật Duật mới được phong Thái úy quốc công: khó có chuyện làm tể tướng rồi mới làm thái úy. Còn Trần Quốc Chẩn được phong Quốc phụ năm 1324, khi Trần Nhật Duật đã gần 70. Thời gian Trần Nhật Duật làm tể tướng thì Quốc phụ chỉ Trần Quốc Chẩn hợp lí hơn là Trần Quốc Tuấn.  

5.Theo ý kiến của biên tập thì nên sử dụng thông tin theo bản của sách Đông A vì năm xuất bản mới hơn, được biên tập trên những bản cũ và cũng để đảm bảo thống nhất với sách của công ty”.

Làm việc chung với ê kíp biên tập có trình độ và chu đáo, vui quá chứ còn gì nữa? Viết sách, đọc sách cũng là học. Mọi nhà nên có bộ Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có biết bao điều cần phải học. Học cách xử thế ở đời, chẳng hạn, nghĩ lan man một chút về chuyện sử dụng kẻ tôi tớ. Từng trải qua của hai cuộc kháng chiến, nhìn thấy sự trung thành của  gia nô, gia đồng nên vua Vua Trần Nhân Tông dành cho họ nhiều thiện cảm. Lúc ngự chơi, giữa đường gặp họ, ngài đều gọi rõ tên và ân cần hỏi “chủ mày đâu?”. Những lúc ấy, ngài thường bảo các quan hầu cận:

- Ngày thường, có thị vệ hai bên nhưng khi nước nhà hoạn nạn chỉ có bọn ấy đi theo thôi.

Mấy ai trên ngôi cửu ngũ biết còn biết nghĩ đến điều này? Nếu biết nghĩ đến những con người chân lấm tay bùn làm nên kháng chiến vừa qua, có lẽ niềm tin hòa hợp của dân tộc đã khác. Chứ không phải đi đến đâu, ngồi ở đâu, đọc ở đâu cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng than khóc, lời trách móc, oán hận, trăn trở...

Có lần vua Trần Thái Tông cho các quan hầu ăn xoài nhưng không Hoàng Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên Mông sang đánh nước Đại Việt, Cự Đà chèo thuyền trốn đi. Khi gặp ở sông Hoàng Giang, quan quân nhà Trần hỏi: “Quân Nguyên ở đâu?”. Cự Đà đáp: “Không biết. Các ngươi nên hỏi những người ăn xoài ấy”. Trong giai đoạn mười năm kháng chiến chống quân Minh, có lần anh hùng Lê Lợi đãi quan quân uống rượu. Người thì nhiều, rượu thì ít, phải chia làm sao cho công bằng? Ngài sai người đem đem bầu rượu ít ỏi ấy đổ xuống đầu nguồn. Như vậy, khi múc nước suối uống, bất kỳ ai cũng được hưởng rượu của chủ tướng. Ông cha ta khôn ngoan và tinh tế biết bao.

Nhân vật Đỗ Khắc Chung có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nên được ban quốc tính họ Trần. Năm 1328, ông được phong Thiếu bảo và đứng ra xử vụ trọng án Trần Quốc Chẩn. Do xét án không kỹ nên Trần Quốc Chẩn bị chết oan. Về sau khi Khắc Chung chết, chôn ở Giáp Sơn, gia nô của Thiệu Võ - em trai của Quốc Chẩn trả thù cho chủ bằng cách băm xác Khắc Chung ra. Lại không thể không nhắc lại chiến công năm 1390 của danh tướng Trần Khát Chân. Nếu lúc ấy tôi tớ của Chế Bồng Nga không vì sợ bị chủ giết, không chạy sang đầu hàng quân Đại Việt thì cuộc chiến sẽ thế nào?

Sự việc thế này, ngày 8.2.1390, Chế Bồng Nga chỉ huy hơn 100 chiến thuyền đến sông Hải Triều quan sát tình thế bày binh bố trận của Trần Khát Chân. Lúc các thuyền giặc chưa tập hợp, tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Khê vì bị Bồng Nga trách móc, sợ bị giết nên chạy sang doanh trại quân Đại Việt đầu hàng. Trần Khát Chân dò hỏi Chế Bồng Nga đang đi trên thuyền nào, Ba Lậu Khê liền trỏ cho biết quốc vương Chiêm Thành đang ngự trên chiến thuyền màu xanh. Trần Khát Chân ra lệnh cho các hỏa pháo tập trung nã đạn vào chiến thuyền đó. Đạn bay trúng giữa thân Chế Bồng Nga suốt vào ván thuyền. Nghe tin Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm Thành sợ hãi tháo chạy tan tác.

Hỡi ôi, chỉ do một kẻ tôi tớ mà quốc vương phải bỏ mạng chốn sa trường. Một cái chết không xứng tầm với danh tướng phải da ngựa bọc thây. Có lần anh B bảo, bàn tay năm ngón tay thì ngón nào cũng có vai trò của nó. Chẳng hạn, khi ngứa tai, nếu không có ngón út thì thế nào? Ông bà ta bảo, "dụng nhân như dụng mộc". Chẳng sai chút tẹo nào. Năm này, năm Ngựa. Đã có quá nhiều bài báo đăng giai phẩm xuân nói về điển tích ngựa từ Đông sang Tây, chẳng thấy bài báo nào nhắc đến chi tiết này: Mùa hạ năm 1383, Độc bạ Trần Công Niểu cưởi ngựa đi tuần xét quân Chiên Thành, giặc đuổi theo, chạy đến địa hạt Cát Giang, bị cách ngòi nước hơn một trượng, ngựa nhảy qua ngòi dược thoát, bèn đặt tên con ngựa ấy là Tử Bất Tề. Sao không không sử dụng như một điển tích khi nói về ngựa, việc gì phải mượn của nước ngoài? Những chi tiết thú vị như thế này có nhiều, rất nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chỉ tiếc do ít đọc sử nước nhà nên khi cần nói điều gì đó, thường mượn lấy điển tích Trung Hoa mà quên rằng, nước Việt ta cũng có những câu chuyện tiêu biểu, khái quát, sâu sắc không thua kém gì.

Công việc đã xem như tạm ổn. Ngày mai, viết cho xong lời Tựa tập Trảng Bàng phương chí của bạn Dương Công Đức. Đến thời điểm này, chưa có tâp sách biên khảo nào viết về Trảng Bàng Tây Ninh đầy đủ tư liệu hơn. Biết thế, sẵn sàng góp một tay với bạn. Lại phải còn tiếp tục sửa "bon" hai tập sách của y nữa: Khi tổ ấm nhảy Labada, Đời, thế mà vui. Công việc từng ngày lần lượt kéo đến, vì thế phải bỏ những lời mời đi chơi xa đầu năm. Chơi bời gì nữa. Đã gần nửa tháng chơi Tết rồi.

Chịu khó ngồi làm việc đi cưng.

Vâng ạ.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.2.2014


Bận rộn quá. Bận rộn cái gì? Chằng biết nữa. Mỗi ngày mở mắt dạy, hoay loay một chút đã trưa. Rồi chiều. Và tối. Một ngày đi qua. Hôm qua, có làm được gì đâu. Lại lật từng trang với Đại Việt sử ký toàn thư. Đọc và học được nhiều chi tiết hay. Sẽ viết gì đó. Nhiều bài học ở đời. Vừa ngẫm nghĩ, chưa kịp viết, anh em VTV đã đến tận nhà trao đổi về ngày Valentine để phát sóng. Đang trò chuyện, bỗng điện thoại ò ý e báo tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã mất. Lập tức, phải có ngay bài viết về ông. Bài viết Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã in PN sáng nay:

“Có lẽ tấm ảnh cuối cùng về nhà văn Nguyễn Quang Sáng (12/1/1932-13/2/2014), là tấm ảnh vừa được công bố trên facebook của nhà báo Phi Long. Nhân ngày Tết, anh qua thăm ông Chiếc lược ngà, vừa nói: “Chúc anh Năm khỏe”, lập tức ông cười khà khà: “Nhậu đi mậy”.

Nói đến nhà văn Mùa gió chướng không thể không nhắc đến chuyện nhậu. Những năm gần đây, dù đã yếu, đi đứng chậm chạp, nói cười ít hơn nhưng mỗi lần đạo diễn Trịnh Lê Văn từ Hà Nội vào, ông Năm đều có mặt trong cuộc nhậu, cũng là cái cớ để anh em già, trẻ ngồi lại với nhau. Nói thật, tôi thích nhậu chung với ông bởi ở ông là cả một kho chuyện về văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều giai thoại không phải ai cũng biết. Suốt những năm tháng dài được gặp gỡ trò chuyện với Ông Năm Hạng, tôi có thể “gạch đầu dòng” vài “bí mật” độc đáo Như một huyền thoại của ông:

1. Sau khi đi nhậu về không ngồi vào bàn viết văn, ông bảo, lúc đó, cảm hứng “bốc đồng” lắm. Viết xong, sáng mai ngủ dậy, đọc lại thấy giả lắm. Chỉ viết khi tỉnh táo.

2. Sau khi nghĩ xong cấu trúc, chi tiết cho một truyện ngắn, ông không viết ngay mà kể đi kể lại nhiều lần cho nhiều người nghe. Mỗi lần kể, có thể ông phát hiện ra chi tiết nào đó chưa hợp lý, không ưng ý thì loại bỏ; hoặc có chi tiết nào hay thì bổ sung thêm. Ông kể đến độ thuộc làu, ai cũng khen hay “hết xẩy con bà Bẩy”, mới ngồi vào bàn viết ra. Nhờ vậy, đọc truyện ngắn của ông, bạn đọc thấy đi vào lòng rất “ngọt”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá ông là “người kể chuyện xuất sắc”.

3. Thời văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM còn ở đường Nguyễn Văn Đậu, là Chủ tịch Hội nên ông có phòng riêng. Thỉnh thoảng, chúng tôi đến chơi, thấy ông cởi trần như lão nông dân Mùa nước nổi, quấn ngang người cái khăn lông, ngồi trầm ngâm, đăm chiêu nhìn xuống xấp giấy trắng. Ngạc nhiên quá, hỏi: “Ủa, đang làm gì vậy anh Năm?”. Ông cười rổn rảng: “Tao đang viết văn”. Sau này, mới biết, lúc viết văn ông gần như “nude” một trăm phần trăm. Ông bảo: “Mặc quần áo ngồi viết văn, tao thấy vướng víu quá”.

4. Kinh nghiệm nhậu của Nhật ký người ở lại là không nói xấu người vắng mặt. Lúc chúng tôi làm tập thơ giấy dó, bán và thu về gần nửa tỷ bạc làm từ thiện, có mời ông tham gia. Ông chọn bài Rượu, tự tay viết: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”. Viết xong bài thơ này, ông vỗ vai tôi: “Tuyên ngôn nhậu của tao đó mậy”.

5. Tác giả Tôi thích làm vua chính là người đẻ ra cụm từ “nhuận bút nhân dân”. Đôi lần đi nhậu với đám chúng tôi, ông vác theo chai rượu, bảo: “Rượu tình rượu nghĩa do bạn đọc yêu quý tác phẩm mà tặng. Tao khoái hơn bất kỳ nhuận bút nào. “Nhuận bút nhân dân” cao quý lắm”.

 

anh-1-mong-7-tet-trang-webR

Hình ảnh cuối cùng về nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên facebook của nhà báo Phi Long


6. Hồi ký, tự truyện… là một thể loại khó viết. Rất khó. Bởi thói thường do “tốt khoe, xấu che”, ít ai dám bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Có lần tôi hỏi Dòng sông hát tại sao không réo rắt những cung bậc hồi ký? Ông cười xua tay: “Chẳng lẽ tao chỉ toàn kể tốt về tao?”.

Kể về Pho tượng còn nhiều nhưng tôi nghĩ, làm nên một diện mạo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng chính là tính cách rất Nam bộ từ trang viết đến sinh hoạt đời thường của ông. Tính cách của ông giống nhà văn Sơn Nam ở chỗ thích chơi với anh em viết trẻ, hòa đồng, không kênh kiệu. Dù bắt đầu cầm bút từ năm 1952 lúc còn ở rừng U Minh nhưng mãi đến năm 1956, ông mới có truyện ngắn đầu tay Con chim vàng in trên báo Văn Nghệ. Hơn bốn mươi năm cầm bút, đã trở thành “cây đa cây đề” của nền văn học nước nhà, đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng thật ngạc nhiên khi ông “tự bạch” trong Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015:Tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa?”. Lời tự vấn này cho thấy Nguyễn Quang Sáng khiêm nhường biết chừng nào.

Vĩnh biệt ông, các thế hệ yêu văn chương Việt Nam tiếc nhớ một tài năng lớn nhưng rất chính hiệu “dân chơi Nam bộ” mà đôi lần ông tự trào vui vẻ, được anh em tán thành. Chắc chắn với sự nghiệp văn học đã đóng góp của mình, không dễ gì sóng gió thời gian vùi lấp được tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông”.

Sáng nay, quyết tâm không làm việc. 8 giờ sáng đã ra khỏi nhà. Ăn sáng. Cà phê. Dự định không làm gì trong ngày hôm nay, đột nhiên báo TN gọi điện thoại cần có bài viết về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Thế là mất ngủ trưa. Viết. Đang viết. Lại có cuộc hẹn của anh em HCTV đến nhà phỏng vấn về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vừa phát biểu xong, lại kênh truyền hình của TTO phỏng vấn qua điện thoại. Thôi thì, cố gắng chu toàn mọi điều. Đang ngồi với trang Nhật ký hôm nay, có nhiều điều muốn viết lắm. Rất nhiều chuyện đầu có trong đầu. Lại sực nhớ đến cuộc hẹn thơ mộng chiều nay. Môi thơm. Rượu đỏ. Bèn dũng cảm và nghiến răng tắt máy. Bước ra khỏi nhà. Rất cương quyết. Lâu rồi mới tìm lại cảm giác thèm viết nhì nhằng gì đó. Chẳng biết để làm gì, nhưng rồi cứ viết. Nay muốn viết nhưng cũng không. Mới năm giờ chiều đã ra khỏi nhà, lòng áy náy quá. Đành vậy.

Mà thôi, thỉnh thoảng phải dễ tính với chính mình một chút. Khó tính quá để làm gì?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.2.2014

truoc-sna-nha-nguya-mong-1-tt-2014

Anh em Lê Minh Quốc trước sân nhà ở Đà Nẵng mồng Một Tết 2014

 

Năm nay, ăn Tết dài ngày. Mồng Mười Tết, trở về Sài Gòn. 2 giờ sáng. Sân bay nườm nượp người đưa, kẻ đón. Chào những ngày vui qua mau. Lại bắt đầu công việc mỗi ngày. Mở điện thoại, check email đã thấy những tin nhắn. Những thúc giục. Những bài vở. Công việc đang lặng lẽ đến. Từng ngày. Từng giờ. Ngồi vào bàn phím, gõ những con chữ, tự nhiên thở dài. Mệt thật. Những hăm hở, náo nức, nhanh nhẹn trước kia đã trốn biệt. Phải cần vài ngày làm quen lại. Tối nay, 11.02, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân TP.HCM sẽ long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận bằng của Unesco vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vài ngày nữa đã rằm tháng Giêng. Sắp đến Ngày thơ Việt Nam, diễn ra từ 14.2.2014, chủ đề năm nay: "Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa: trách nhiệm trước chủ quyền đất nước”. Sao lại không có Hoàng Sa?

Nghĩ lan man về những ngày Tết vừa qua.

Tối mồng Hai vào Hội An. Resort Boutique tại phường Cẩm An nằm ven biển. Sân cỏ dài ngút mắt. Ngồi ăn sáng, còn nghe tiếng sóng. Phố cổ vẫn đẹp. Những buổi ăn trưa ở cửa Đại vẫn ngon. Ngày dặt dìu trôi đi.

Trưa ngày mồng 4, quay ra Đà Nẵng tiễn đưa ông bà. Ăn xong, ra Huế. Resort Pilgrimage village. Một vẻ đẹp mê hồn của Huế xưa. Nhà cổ. Một không gian tĩnh mịch. Những món ăn của Huế vẫn còn gợi nhớ. Thức ăn Huế ngon ở nước chấm. Nói cách khác, linh hồn ẩm thực Huế nằm trong chén nước chấm. Đã đến ăn bánh khoái Lạc Thiện. Hình như nhà văn Đoàn Thạch Biền có viết truyện ngắn lấy cảm hứng từ quán ăn này thì phải. Ăn nhẩn nha nhiều món ăn trong những quán Huế. Ăn để cảm nhận sự tinh tế của các tay đầu bếp chuyên nghiệp. Không chê vào được. Đi lang thang phố Huế, nàng phát hiện ra cách dịch tiếng Anh trên đường Chu Văn An như sau: "Nhận giặt là" WASHING ARE. Cũng vui vui.

Trưa mồng Sáu, từ Huế về Resort Vedanā Lagoon, khu nghỉ dưỡng tại phá Tam Giang. Nhà nghỉ mọc lên ở lưng chừng đồi núi. Nhà nghỉ nằm trên sông. Lâu lắm mới đi lại xe đạp. Dạo chơi trong khu resort này. Một cảm giác bình yên lạ thường. Chỉ tiếc, khu dân cư ngay phía ngoài còn nghèo quá. Sự tương phản đến nao lòng. Ngày Tết, ngay chỗ quẹo vào khu resort là một bãi đất trống, nơi ấy dựng lên một cái rạp tạm bợ, là nơi người dân trong làng tụ tập hát hò đón xuân. Không có quán xá gì, ngoài vài gánh hàng rong. Chỉ có thế. Sống với thiên nhiên đẹp lạ lùng nhưng nghèo quá, còn đâu tâm trí tận hưởng cảnh đẹp ấy mỗi ngày. Có đúng vậy không?

Trưa ngày mồng Tám về Đà Nẵng và đến Resort Intercontinental. Có ở nơi này, mới cảm nhận được hết sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xây dựng nên một công trình đồ sộ. Đẹp mê hồn. Tết năm ngoái cũng đã đến. Lần đầu tiên đến, có cảm hứng làm thơ. Không gian trời biển mênh mông hữu tình, nhưng không phải người dân nào cũng có thể đến được. Dù họ là người đã từng sống chết cho Đà Nẵng. Cuối cùng, vì lý do đó, bài thơ bỏ dở. Trước lúc quay về Sài Gòn, vào Hội An ăn ở quán có tên ngộ nghĩnh A Rồi. Những thức ăn quê của Quảng Nam yêu dấu.

Rồi vào lại Sài Gòn.

Chỉ mới vài ngày rong chơi, y đã trở thành con người khác. Thời khóa biểu thay đổi. Trượt dài theo thời gian. Gõ bàn phím mà lọng cọng. Như đứa trẻ bắt đầu tập đi.Chán chưa? Phải lặp lại thói quen của mỗi ngày. Du xuân như vậy là đủ rồi. Thêm vài ngày du hí nữa, chẳng biết y sẽ thế nào. Có chuyện rằng, ngày nọ do hạn hán. Đất trời trở thành chảo lửa. Nước sông hồ khô ran, những con cá phải thích ứng để tồn tại. Thay vì bơi, chúng tập đi bộ. Đi trên cạn. Hoan hô cá. Chúng mày hay lắm. Cá đi bộ đã quen. Rồi một ngày kia, thời tiết thay đổi. Mưa trút xuống ầm ầm. Sông nước lênh láng. Những chú cá sẽ reo vui, mừng rỡ chăng? Không, chúng chết đuối. Mấy ngày Tết, với y cũng thế. Phải nhanh chóng quay lại với thói quen hằng ngày.

Trở về Sài Gòn, sau Tết, tự nhiên thấm mệt. Không mệt sao được khi hàng trăm con người phải đứng trước sân bay chờ đón đón taxi. Tranh giành. Chầu chực. Tay xách nách mang. Buồn ngủ buồn nghê. Không đủ xe taxi đón khách? Trên đường về, nghe lời than, anh taxi cho biết, đại khái:

- Lúc ấy ở phía bên ngoài, bọn em đang ngủ gà ngủ gật chờ đến phiên mình.

Ngạc nhiên quá, bèn hỏi:

- Sao không nhanh chóng vào đón khách?

Anh taxi chép miệng:

- Không thể anh à. Mỗi xe vào rước khách phải tuần tự theo chỉ huy của nhân viên sân bay. Taxi nào đã ghi xong biển số, họ mới cho vào. Nếu nối đuôi vào ùn ùn theo thì họ không thể ghi kịp.

Ghi lại từng biển số xe để làm gì vậy? Câu trả lời nghe choáng luôn:

- Sáng mai, các tài xế lên đóng 20.000 đồng cho nhân viên trực ca.

Luật bất thành văn. Chắc chắn các hãng taxi muốn đón khách trong sân bay phải có hợp đồng ràng buộc. Thế nhưng tài xế phải đóng thêm khoản tiền này nữa. Đã có câu lý giải vì sao khách xuống sân bay phải chầu chực, chờ đợi taxi đến khổ. Nếu hơn 20 năm trước, biết được thông tin oái oăm này, y đã bỏ công viết ngay một bài phóng sự chấn chỉnh một cách làm ăn ma mãnh. Lúc ấy, còn trẻ, còn hăng, còn sung nên y có thể viết ngay những bài báo nẩy lửa. Nay đã khác. Nghe xong, y chỉ thở dài. Thông tin này nêu ra, nhà báo nào còn yêu nghề có thể bắt đầu thao tác nghiệp vụ điều tra thêm.

Cái nghề báo cũng lạ. Tại sao lúc trẻ, người ta viết nhiều. Xông xáo. Những bài báo hừng hực hơi thở của đời sống. Tại sao? Vì yêu nghề? Đúng rồi. Vì kiếm sống? Đúng rồi. Đúng nhưng chưa đủ. Câu trả lời phải bổ sung thêm rằng, do lúc ấy họ có quá nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng thánh thiện. Ảo tưởng trong sáng. Ảo tưởng rằng, những bài viết dằn vặt tâm tư, đau đáu nỗi niềm ấy sẽ góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn. Cả xã hội rúng động bởi những phát hiện mới mẻ. Rồi chính sách sẽ thay đổi. Lòng dân an vui hơn. Những trang báo, hằng này góp thêm một tiếng nói xây dựng đời sống Nghiêu, Thuấn hơn. Chính vì thế, họ hăng hái viết. Viết không chỉ vì kiếm sống. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, cuộc đời dạy cho họ nhiều bài học. Lúc ấy, có thể họ cay đắng, có thể họ thản nhiên mỉm cười với ảo tưởng của một thời trai trẻ. Tuổi trẻ tươi đẹp bởi có nhiều ảo tưởng. Tuổi trẻ đáng yêu bởi có nhiều cả tin. Tuổi trẻ đáng ghét nhất khi có quá nhiều mưu toan trong sự tính toán.  Y già rồi. Chẳng còn ảo tưởng gì đâu. Có đúng vậy không?

Chiều rồi. Có chỗ nào ngồi ngắm nắng chiều?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký Mồng 2 Tết


Trên cánh đồng hoang thuần một màu

Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu

Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt

Gò nổng cao rồi thung lũng sâu

Ngựa thở hào hển, thở hào hển

Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau

Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn

Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu

Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết

Tàu chạy mau, càng mau, càng mau

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ

Chấm giữa nền nhung một vết nâu

Đọc lại lần nữa đi. Một cảm giác lạnh, chạy dọc sau lưng. Lạnh buốt. Sáng nay, dậy sớm. Mồng 2 Tết. Nhớ đến bài thơ Cánh đồng con ngựa chuyến tàu của Tô Thùy Yên. Trong đời sống, có những lúc như ngựa. Cứ chạy. Chẳng biết về đâu. Nhắm mắt. Và chạy. Không ngoái lại đằng sau. Chạy mải miết. Mải mê. U mê. Rượt đuổi theo một hư ảo xa xăm nào đó. Chẳng biết, cuối cùng sẽ đến đâu. Đến chân mây? Về góc biển? Lên cõi địa đàng? Chỉ là những câu hỏi mơ hồ. Chẳng có câu trả lời. Vậy mà từng ngày vẫn chạy. 365 ngày tung vó. Ngựa vẫn chạy. Lao nhanh về phía trước. May quá, còn có ngày Tết. Sực tỉnh. Dừng chân. Nghỉ ngơi. Nằm dài trên cỏ xanh. Lăn dài ra ngã tư đường phố. Nhìn lên trời. Sống cho mình.

Chiều ba mươi Tết. Ngồi trước nhà. Vài lon bia. Vài ba gương mặt bạn bè của thuở hoa niên. Những câu chuyện lan man, nhẹ nhàng. Khoảng khắc ấy, đáng nhớ. Chầm chậm từng phút giây chờ đón giao thừa. Đường phố vắng người. Ai nấy cũng vội vàng. Quay về nhà. Sống cho mình. Những vàng hoa, lộc nõn lướt nhanh qua phố. Mùa Tết đang gần. Giao thừa sắp đến. Trời không lạnh. Chỉ một chút gió rét. Vẫn đường phố mọi ngày nhưng chiều 30 Tết lại rất khác. Khác từ trong tâm tưởng. Bâng khuâng. Rạo rực. Đã sắp tết. Ở lứa tuổi nào, vào ngày này, ai cũng có giây phút lửng lơ, nhẹ nhàng ấy. Nghe Sanh kể mà buồn cười: “Cậu nhóc nhà mình thích Tết lắm. Có năm, sau Tết, bắt đầu chuẩn bị đi học lại, cu cậu ngồi khóc hu hu. Khóc ngon khóc lành, hỏi sao khóc? Chẳng nói. Gặng hỏi mãi cu cậu thút thít: “Ba ơi, con nhớ Tết quá!”.  Hỏi cháu An May nhà mình, vì sao con thích Tết? “Con thích Tết vì được nghỉ học, được đi chơi, được tiền lì xì”. Niềm vui trẻ nhỏ đơn giản. Dễ dàng tìm kiếm. Khi già, lại khác. Niềm vui xa vời vợi. Ngày càng hiếm hoi. Hiếm hoi bởi như ngựa. Từng ngày, cứ chạy, cứ lao nhanh về  phía trước. Không giây phút tĩnh tâm nào. Tâm viên ý mã. Náo động. Ồn ào.  Rồi chiều ba mươi Tết, sực tỉnh. Giật mình. Đã lâu rồi không nghỉ ngơi. Mỗi sáng, ngồi trước bàn phím. Gõ nhì nhằng.  Hết dòng chữ này đến trang viết khác. Cứ viết. Mỗi ngày. Đều đặn. Nhẫn nại. Như kẻ leo ngược dốc.

tôi nào dám dậy sau tiếng gà

rạng sáng đã lao vào bàn viết

gió thổi ngoài sân

chim reo mùa tết

nhắm mắt bịt tai quên hết

viết rồi lại viết

uống cà phê cầm hơi

trán toát mồ hôi

viết

cảm hứng gì cái nghề keo kiệt

lấy chữ đổi ra tiền

tiền tiêu rồi cũng hết

lấy chữ đổi ra danh

danh phai dần không còn dấu vết

một ngày kia tôi chết

còn để lại gì không?

đừng nản lòng

Nuôi lấy một ảo tưởng. Để sống. Trong cõi trần gian bon chen này, với ảo tưởng, từng ngày, con người ta lại có thêm năng lượng. Đi hết một kiếp đời. Mải mê đi. Đi trong bóng tối. Đi qua ánh sáng. Mù lòa. Nhắm mắt. May quá, còn có ngày Tết. Lúc này, dừng lại. Ngồi lại. Nhìn xuống lòng bàn tay. Nhìn lại đời mình. Những đường chỉ tay đã sâu như luống cày miệt mài theo năm tháng. Ủa, lâu nay mình có sống hay chỉ là sự tồn tại theo bản năng? Câu trả lời chẳng dễ dàng. Ừ thì sống.

Những sum họp gia đình bạn bè anh em trong chiều tối ngày Mồng Một Tết đã đến. Sống cho mình. Những nén nhang thơm trên bàn thờ nhà ông ngoại. Những gương mặt tiền nhân đã khuất. Cũng quay về. Cũng sum họp. Những tiếng cười hào sảng như sóng vỗ khơi xa. Những hoạt ngôn, những tiếng nói náo động vang vọng lên tận cõi trời. Những dòng men như lửa rần rần chảy qua cuống họng một nỗi niềm hân hoan không e dè. Không ngần ngại. Cứ uống. Những suối bia đổ tràn qua thân xác đã 50 mệt mõi từng ngày bỗng dưng vừa hồi sinh, vừa tươi trẻ hồng hào thức dậy một niềm yêu đời phơi phới. Cứ uống. Làm gì sẽ có những cuộc vui như thế này khi lao nhanh như ngựa trên đường đời phải cảnh giác. Phải nhìn trước ngó sau. Phải uốn lưỡi bày lần trước khi nói. Y có thói xấu vô cùng vô tận là thích nói khi đã có men. Nói như gió reo ngoài đồng nội. Nói như sóng vỗ vào ghềnh đá. Nói như tiếng mưa ầm ầm giông tố. Chẳng việc gì. Đã từng ngày im lặng độc thoại cùng bàn phím. Đã từng đêm độc hành qua trang sách.Cũng im lặng. Rồi khi có cuộc vui, tự dưng y thèm nói. Những  tiếng nói không e dè. Không dối trá. Không thay lưỡi. Không đeo mặt nạ. Không khoác lên bất kỳ một son phấn đỏm dáng láu cá nào. Ấy là sống. Sống trong chiều tối của ngày Mồng Một Tết tại căn nhà thờ ông bà ngoại. Căn nhà của tuổi thơ, đầu năm mới có những phong bao lì xì đỏ chói mừng tuổi mới hồn nhiên lên mười. Căn nhà của ký ức. Ngày đó, ông bà ngoại còn sống. Anh em vui vầy trong đùm bọc.Yêu thương chở che. Bây giờ, anh em y lại tiếp nối vai trò đó. Con cháu lại ra đời. Từng thế hệ nối tiếp.

nén nhang trên bàn thờ ông ngoại

thơm hoài mỗi nỗi buồn về khuya

Anh em ngồi lại. Họp mặt đầu năm. Vũ nói,mọi năm ở nhà Tẹo rồi. Năm này, ở đây. Vui quá. Tiếc không còn cái giếng mà ngày trước, mùa xuân, bà ngoại múc từng gàu nước, đổ vào thau, rửa sạch từng lá trầu xanh, hoa huệ trắng, vạn thọ vàng đặt lên bàn thờ. Hương thơm ngày tuổi nhỏ lãng đãng quay về. Nhắc nhở. Sống lại cùng hoa niên. Mộng mị. Đã xa vời vợi. Ngày về, đi trên phố xá. Đà Nẵng đã khác. Những con đường. Mái phố. Vòm cây. Đã khác. Chỉ còn trong trí nhớ. Mà lạ lùng chưa. Dù khác. Nhưng mỗi bước chân đi, tưởng như vẫn có tiếng vọng thì thầm của thời thời gian quá khứ gọi tên y . Giật mình. Quay lại. Chỉ nghe tiếng gió reo. Chỉ nghe tiếng vỡ của năm tháng xa xưa gợi nhớ.

Tiễn chào tối ba mươi

Gió về trên môi ấm

Chao ôi dưới sông Hàn

Sóng vỗ bờ Đà Nẵng

Mùa ngọt trên môi em

Dẫn tôi về nguyên đán

Bất chợt một nhành mai

Huy hoàng như ánh sáng

Ngồi xuống ngã tư đường

Chợ Cồn tô cháo trắng

Ngon như là quê hương

Quê hương? Nơi ấy còn có nấm đất của ba, của chị. Mộ chí đã cỏ xanh. Một kiếp người đã khuất. Nơi ấy, neo giữ lại máu thịt dòng tộc, còn nhớ để quay về. Sáng Mồng Một Tết, cả nhà lên thắp nhang cho ba, cho chị. Nhang khói ấm áp. Nghe gió thổi qua tâm tưởng một nỗi niềm. Thương nhớ. Cõi âm và dương có mối liên hệ nào không? Ngày nọ, ông anh rể nằm mơ, thấy trong mơ ba bảo: “Con lên mộ ba xem, mái hiên bị đổ”. Hư thực thế nào, chẳng rõ. Trong giấc mơ, nghe là nghe vậy. Mơ hay thật? Trên đường về quê, ông anh rể tự nhủ, tạt ngang qua mộ kiểm tra xem. Không ngờ, báo mộng là chuyện có thật. Thì ra, mái hiên che bia bị ngã một bên. Lập tức, sửa lại ngay. Kỳ lạ chưa? Trong đời sống này, âm dương hữu hình. Trong âm có dương và ngược lại. Ngày Tết, muôn đời, thiên thu vạn kiếp vẫn là dịp sum vầy của người đã khuất với dương trần. Ông bà về với cháu con. Phù hộ. Độ trì. Cứ như thế. Vòng đời tiếp nối. Duy trì cội nguồn. Từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và y thì sao? Y đáng yêu quá đi thôi. Bây giờ, y gõ những dòng chữ này vẫn là nơi hơn 50 năm đã khóc tiếng oa oa chào đời:

Cúi đầu chào những giấc mơ

Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi

Gặp lại thơ ấu mừng vui

Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?

Ngày Tết êm đềm. Yêu dấu. Y đang sống lại năm tháng của tuổi thơ. Ngày ấy, ba mẹ y còn khỏe mạnh. Ngày đầu năm mừng tuổi cháu con những đồng tiền mới. Ban phúc tuổi mới. Những đồng tiền mới ấy, nay thế hệ anh em y lại mừng cháu con. Sự nối tiếp. Muôn đời. Và mãi mãi.

Tối nay, vào Hội An. Lại sống. Lại những men rượu đỏ chảy tràn qua mắt môi. Hai người một bóng. Sóng Cửa Đại. Phố cổ. Những mộng mị trong đời... Tết ơi.

le_minhtien

Gia đình em Lê Minh Tiến ở Úc

 

L.M.Q

(1.2.2014)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.1.2014


Có lẽ đây là trang nhật ký sau chót viết tại Sài Gòn, trước ngày về quê ăn Tết. Đêm qua, lang thang đến Đường sách Xuân Giáp Ngọ. Tìm chỗ gửi xe quá khó. Năn nỉ gẫy lưỡi cũng mệt. Gửi một chiếc xe, 20.000 đồng. Giá cao ngất. Mà còn có chỗ nhận giữ đã là may. Đường sách, một nét văn hóa. Tuy nhiên, diễn ra trong mấy ngày Tết, chỉ mang tính phong trào. Lẽ ra Sài Gòn phải quy hoạch đường sách, buôn bán quanh năm, tha hồ trao đổi, mua bán sách.

Ấn tượng khó quên nhất, lần đầu tiên vào Sài Gòn vẫn là sách bán “xôn” trên vỉa hè. Giá rẻ như cho không. Tha hồ lựa. Thị trường sách Sài Gòn ngày trước khác nay nhiều lắm. Thời đó, xuất bản không là độc quyền của cơ quan nhà nước. Các ông nhà văn Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Nhật Tiến, Duyên Anh… cũng có nhà xuất bản riêng. Họ in sách của họ hoặc của bạn bè, tác giả mà mình yêu thích. Tất nhiên, thời nào cũng vậy, in sách phải có giấy phép xuất bản. Sách in xong, giao cho nhà phát hành cũng tư nhân. Sau một thời gian bày bán rộng rãi, đến lúc nếu cần thanh lý, do đã có lãi mà bán chậm, do bán không chạy… thì nhà phát hành nhúng mực xanh vào phía đối diện gáy sách và bán “xôn” ngoài lề đường. Bán giá rẻ, thu hồi vốn nhanh. Báo chí cũng thế. Nhìn tờ tuần báo, tạp chí, bán nguyệt nào có vết mực xanh ngay lề trang báo là biết hàng bán "xôn". Ngày trước, báo chí in ra chỉ ký gửi, bán không hết, người bán lẻ có quyền trả lại tòa soạn. Nay thì không. Tòa báo in theo số lượng đại lý đăng ký. Bán không hết thì ôm "show". Do người bán lẻ được trả lại nên ngày trước có nhiều tạp chí, tuần báo như Văn, văn Học, Tuổi Ngọc, Bách Khoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm v.v... đóng bộ là vậy. Sau khi đại lý trả lại số lượng ế, tòa soạn cho đóng bộ, bán dần. Nhờ vậy, nghề đóng sách báo có cơ hội phát triển. Hơn nữa, thú chơi sách báo ngày trước còn là đóng tập, đóng bìa cứng, mạ chữ vàng. Nghề này đã chết. Chỉ còn một vài tòa báo có nhu cầu đóng bộ lưu trữ tại thư viện cơ quan; người mua sách cũng ít quý sách theo kiểu đóng bìa như trước. Không đủ sống. Họ chuyển qua nghề khác.

Sau năm 1975, một thời gian dài, sách in phải qua hệ thống phát hành của nhà nước. Trước đây báo chí từng phê phán dữ dội Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam chỉ sống bằng lợi nhuận… làm lịch mỗi năm, chứ không từ nhiệm vụ phát hành sách. Hiện nay, tư nhân tham gia thị trường sách đã phá vỡ sự độc quyền này. Họ tự tổ chức kênh phát hành riêng. Tự phát hành sách do họ thực hiện từ A đến z. Từ đầu tư bản thảo, trả tiền tác giả đến đưa sách ra thị trường. Cách làm này giúp thị trường sách năng động hơn. Tuy nhiên, họ chủ yếu phát hành sách do họ đầu tư. Vì thế, có một điều lạ lùng, đất nước đã thống nhất mấy chục năm nhưng thị trường sách vẫn còn một khoảng cách. Có cuốn sách nổi đình nổi đám ngoài Bắc nhưng trong Nam không thể tìm mua; hoặc ngược lại.

Các nhà văn muốn tự in sách của mình? Điều này không khó. Ai cũng có thể tự in sách, chỉ cần đóng 10% quản lý lý cho nhà xuất bản để lấy giấy phép. Bài toán nan giải nhất vẫn là khâu phát hành. Không phải hệ thống phát hành nào của nhà nước; hoặc tư nhân cũng nhận sách do nhà văn ký gửi. Nếu nhận, có lúc chiết khấu lên đến 45%. Trả tiền chậm. Chậm hơn cú chạy marathon của rùa. Bán hết sách mới thanh toán tiền. Có khi bán hết nhưng phải nửa năm, một năm sau mới nhận được tiền. Trần ai khoai củ. Nhà văn viết tập sách nhận nhuận bút từ 10 đến 12%, trong khi đó phát hành nhận từ 35 % đến 45%. Ít có nhà văn dám bỏ tiền in sách của mình, đơn giản, họ không thể tự phát hành.

Gần đây, có người tự phát hành qua mạng facebook, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Cách làm tài tử này cho vui thôi. Chứ không thể lấy đó làm kênh phát hành chuyên nghiệp. Do không thể tự phát hành, nhà văn bán bản thảo cho tư nhân hoặc nhà xuất bản. Nhận nhuận bút cho xong. Rảnh tay làm việc khác. Nhà văn khó có thể giàu, bởi họ không thể biết chính xác số lượng ấn hành. Có lúc, sách tái bản nhưng nhà văn cũng không biết. Đã không biết, làm sao nhận nhuận bút tái bản? Số lượng in một quyển sách hiện nay, hầu hết phần nộp lưu chiểu cho biết chỉ in từ 1.000 đến 2.000 bản. Số lượng thật thế nào? Các nhà văn không thể biết. Quy trình in khép kín, bán bản thảo cũng tựa như gả con gái về nhà chồng. Số phận nào thế nào còn tùy thuộc vào lương tâm của người đầu tư. Nếu lương thiện, đàng hoàng, họ báo cho nhà văn biết số lượng in cụ thể, thông báo khi tái bản mời đến ký nhuận bút, bằng không thì thôi. Khoản tiền nhuận bút cả một quyển sách, đôi khi không bằng bài viết, truyện ngắn in báo xuân.

Đêm qua, mua tập sách Mặc khách Sài Gòn, di cảo của nhà văn Tô Kiều Ngân. Đọc nhẹ nhàng. Vài kỷ niệm nhỏ. Vài nhận định loáng thoáng. Cả thẩy đều sơ lược. Đọc cho vui. Mua, đơn giản vì tập sách này viết về các nhà văn Sài Gòn. Chẳng ai nhắc đến họ nữa. Tập sách này nhắc lại. Vậy là quý rồi. Chẳng đòi hỏi gì thêm. Ghi lại vài câu thơ hay của vài tác giả trong tập Mặc khách Sài Gòn:

Miệng kia xinh sao tình lơ đãng quá

Tôi không yêu sao có má em hồng?

Tôi không buồn sao có má em trong?

Tôi không mộng sao có lòng em đẹp?

Nay đến trước xin yêu, lòng khép nép

Tự trời xanh rơi xuống để gần em

Một tờ hoa đính ước gửi thơ kèm

Si tình thế vậy mà hiu quạnh mãi

(Đinh Hùng)

À, mấy câu thơ ghi trên bia mộ Bùi Giáng đây nè. Lúc viết Gái đẹp trong tôi, vô tình y cũng chọn mấy câu này làm đề từ:

Đùa với tuyết, rỡn với vân

Một mình nhớ mãi gái trần gian xa

Sương buổi sớm, nắng chiều tà

Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu

(Bùi Giáng)

"Này ông Q, cho tôi hỏi, vậy đến lúc vân du tiên cảnh, viếng cảnh bồng lai, ông chọn câu thơ nào ghi trên bia mộ". Nghe câu hỏi này, y bèn đáp, thật ra chừng mươi năm trước đã nghĩ đến rồi. Nếu "rũ áo bụi hồng" bên cha mẹ, chọn mấy câu này:

Trong tôi còn chút quê nhà

Vẫn xin giữ lại dẫu là nhà quê

 

Ngó lên Hòn Kẽm lạnh tê

Đá Dừng hóa núi, suối về thành non

 

Hồn thơ phiêu lãng Thu Bồn

Ngày sau ai vớt linh hồn tôi lên?

Nếu "ngậm cười chín suối", "lạc bến xa bờ", "bơ vơ đất khách", chọn mấy câu này:

Hai chân đã dẫm trên trái đất

Sao vẫn chông chênh một lối về

Mai sau cát bụi ai thắp nến

Dẫn cái linh hồn cái thăm quê?

Chà, ngày sắp Tết bàn chuyện này chẳng sợ "rông" cả năm sao? Chẳng sao cả. Từ lúc oe oe chào đời, từng sinh linh đã bắt đầu khởi Nghiệp đi dần về cái chết. Việc gì phải sợ? Lẽ hiển nhiên ấy, đã từ rất lâu, Trịnh Công Sơn đã nhìn ra: "Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ. Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa". Từ vành nôi thiên thần bé bỏng, ông đã nhìn thấy hành trình một kiếp người, phải đi đến. Dù nhọc nhằn. Dù hân hoan. Dù đớn đau. Dù rướm lệ. Phải đi. Đi cho hết một vòng quay sinh tử. Một lẽ tự nhiên trong trời đất. Tự ý thức để thấy sống trong đời nhẹ nhàng hơn. Câu hỏi trong hai bài thơ của y không hề vô vọng. Câu hỏi vang ra. Tiếng nói còn lại. Mãi mãi. Bây giờ và mãi mãi. Mai sau, nghìn sau cũng chẳng là gì. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Dẫu ruột thịt; hoặc không nếu đã có "mắt xanh" thì chẳng lo gì. "Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau" (Kiều). Việc gì phải sợ hãi nỗi cô độc lúc "mây che sương phủ", "sạch nợ phong trần'?

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông

Thơ của Thiền sư Vạn Hạnh. Bản dịch Ngô Tất Tố. Trả lời như thế được chưa? Tất nhiên. Vậy, quay lại với tập sách của Tô Kiều Ngân. Dừng lại ở câu này:

Nỗi buồn siết cổ nghìn thu

Cho người nghẹn họng giã từ khổ đau

Là câu thơ Hoàng Trúc Ly khóc Tam Ích. Thế hệ trẻ hiện này ít biết đến Tam Ích (1915-1972), tên thật Lê Nguyên Tiệp. Ông tự chọn cách chết rất văn chương: Đứng trên chồng sách cũ, thòng dây vào cổ, chân hất tung chồng sách, cổ treo lửng lơ. Biết như thế, mới thấy câu thơ của Hoàng Trúc Ly ấn tượng. Ít ai biết, vì sao có bút danh Tam Ích? Lâu lắm rồi, đọc trên Văn Học thì phải, ông giải thích: Tam Ích là 3 chữ XXX, nghĩa 30. Ông ba mươi là con cọp. Cọp là hùm. Ký bút danh vì thần tượng nhà cách mạng, học giả Phan Văn Hùm. Đọc lại tuyển tập Vũ Bằng, có thấy công bố thư riêng giữa Vũ Bằng và Tam Ích.

Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau

(Hoàng Trúc Ly)

Còn có bốn câu thơ mà lúc ngà ngà say, anh bạn Đoàn Vị Thượng thường ngâm nga:

Ta từ giấc mộng bước gần em

Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm

Ô hay con gái bay nhiều quá

Hai cánh tay mềm như cánh chim

Cũng thơ Hoàng Trúc Ly. Ô hay con gái bay nhiều quá. Có phải do nhà thơ tưởng tượng khi nhìn thấy tà áo dài trắng của nữ sinh lúc tan trường? Trước đây, năm 1978, Chế Lan Viên có làm bài thơ Tập qua hàng:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Đọc Mặc khách Sài Gòn, biết Mai Thảo cũng có bài thơ, từng câu vắt qua dòng. Rất hay:

Ta thấy màn nhung khép lại rồi

Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi

Sao không, quay gót tên hề đã

Chán một trò điên diễn với người

Thú vị nhất của tập sách này vẫn là những trang viết về Mai Thảo. Lúc ở Mỹ, trên gường bệnh, sắp chết, ông thường đòi: “Bao giờ cho tôi về Ký Con?”.  Con đường Ký Con, số 133B, là nơi đặt tòa soạn tạp chí Sáng Tạo thập niên 1950 của thế kỷ trước. Rồi sau đó nữa. Những năm tháng nối tiếp. Một thời vàng son của văn nghệ Sài Gòn, trong đó có Mai Thảo - không vợ con, không nhà cửa. Sực nhớ, có lần anh Ánh kể, thuở học trò có đến tòa soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ Lão, Mai Thảo cũng chủ trương tạp chí này. Nhìn qua khung cửa sổ, anh thấy nhà văn Để tưởng nhớ mùi hương đang cắm cúi làm việc. Cây bút trên tay ông ngang dọc trên các bài lai cảo. Bài nào kém, vò bản thảo ấy ném xuống sọt rác dưới chân. Bài nào được, đặt trên bàn. Ông làm việc say sưa. Mặc kệ náo động chung quanh. Chỉ đứng nhìn, anh Ánh không dám vào. Ấn tượng về nhà văn đi trước, mầm non văn nghệ thời nào cũng có. Cũng như y, lần đầu tiên vào đến Sài Gòn nhưng vẫn không dám bước vào tòa soạn báo Thiếu Nhi , dù rất muốn gặp nhà văn Nhật Tiến v.v...

Đêm qua rời khỏi Đường sách, quay về nhà. Trên đường về, ghé Công viên Lê Văn Tám mua cho mẹ hai giỏ hoa vạn thọ; cho nàng một chậu mai; rồi tạt vào chợ mua ba trái bưởi thật ngon để đặt trên bàn thờ. Huýt sáo. Nhìn lên trời. Có gió rét. Một cảm giác Tết rất đỗi lành mạnh đang len lỏi trong từng sợi máu. Những ngày này, không một giọt bia rượu thì chả lành mạnh là gì? Sáng nay, qua facebook biết ở nhà đã lên mộ ba. Sáng Mồng 1, con cháu lại lên mộ thắp nhang lần nữa.

 

vo-con-em-Le-Minh-Tuan

Vợ con em Lê Minh Tuấn thắp nhang trước một ba ngày giáp tết Giáp Ngọ (2014)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.1.2014

 

67240_165790840235961_2045759921_n

Hoa cúc (ảnh: Việt Tuấn Trinh)

 

Tất bật. Vội vã. Chộn rộn. Chẳng làm được cái gì cho ra hồn. Mà, tất bật, vội vã, chộn rộn bởi gì? Không biết. Chỉ thấy thời gian trôi qua nhanh. Chưa kịp làm gì. Đã một ngày. 28 Tết rồi. Mọi ngày bước vào nhà, các vật dụng đã đâu vào đó, chẳng sao. Ngày sắp tết lại khác. Muốn xê dịch cái này. Sắp xếp cái kia. Nhìn đâu cũng muốn nó phải khác trước. Phải thay đổi. Phải mới. Thế là bắt tay vào ngay. Không chần chừ. Đang làm cái này sực nhớ cái nọ chưa mua, chưa sắm là vội vã lao nhanh ra phố. Đang cắm đầu chạy, lại sực nhớ ở nhà chưa làm xong cái kia, cái kìa. Lại hấp tấp quay về. Chẳng đâu vào đâu. Đã một ngày. Tâm trạng này không phải của riêng y. Của tất cả mọi người trong những ngày cuối năm.

Đi xuống phố đã thấy nhiều hoa. Muôn hồng nghìn tía. Rạng rỡ sắc màu. Ngày thơ dại, đọc thơ Nguyễn Du, biết rằng, lúc phong trần gió bụi “người cha tóc trắng” của nền thi ca Việt Nam có lúc ăn hoa cúc cầm cự qua ngày. Cho đỡ đói. Từ đó, y mê hoa cúc. Hoa cúc hương đằm. Không son phấn. Lúc héo khô, từng cánh không rã. Nấu nước uống thay trà cũng tốt. Nhất cữ lưỡng tiện. Đã có lần nhìn hoa cúc và viết được câu thơ thật gợi cảm:

đừng ép bông hoa vào trang vở

sợ mai mốt lật ra không thấy chữ

vì từ làn hương

sẽ hiện lên chân dung người cũ

xin đưa bông hoa ấy cho tôi

bỏ vào miệng nhai

từ đó,

nàng trong tôi nguyên vẹn hình hài

Bây giờ, người làm vườn đã lai tạo được giống “cúc đại đóa”. Thân cúc cao gần một mét. Hoa to hơn. Màu vàng nhạt mỡ gà. Nhìn, muốn ăn. Chắc là ngon. Cúc nở trong vườn ai là một ca khúc hay của anh bạn Lã Văn Cường: “Cúc không thơm như ngọc lan/ Cúc không gai như tường vi/  Cúc đẹp mà bình dị/ Suốt đời anh mang đi”. Hát một ca khúc, đọc bài thơ của bạn bè, lại nhớ đã lâu không gặp, chẳng rõ nay họ sống ra sao? Y không thích cúc trắng. Gợi lên sự tang tóc. Hiu hắt mộ chí. Sợ lắm. Cúc phải vàng. “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa”. Tự nhiên vọng về câu thơ của Tế Hanh.

Mẹ y chỉ thích hoa vạn thọ. Bông hoa tròn xoe. Màu vàng nghệ. Ngày Tết  ở vùng quê Quảng Nam, loại hoa quê mùa này vẫn còn nhiều. Hoa được đặt trong cái chậu, đan bằng tre. Muốn sang trọng hơn, lấy tờ giấy rẻ tiền, có in thủ công sắc màu lòe loẹt, bọc lấy cái chậu ấy. Cây hoa vạn thọ thấp. Màu hoa vàng nghệ gợi lên sự bình dị, quê kiểng. Biết mẹ thích nên Tết nào y cũng mua hai chậu vạn thọ, đặt trước sân. Vậy là Tết. Tết, với mẹ y luôn đơn giản. Không gì cầu kỳ. Không bia bọt rượu chè ngầy ngật. Không đi chúc tết. Chỉ ở nhà, ăn cơm kho cá bống; hoặc cá đồng chỉ nhỏ bằng ngón tay út. Kho mặn. Nhiều ớt bột rải lên trên om cá. Mở ti vi xem chương trình Tết. Mệt thì ngủ. Con cháu có qua chơi, cũng mừng tuổi bằng phong bao lì xì. Vui cửa vui nhà. Sáng hôm sau, mở cửa, lại ngồi nhìn chậu vạn thọ. Rồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính tuổi đời. Đời người cũng tựa đời hoa. Sắc thắm. Mơn mởn. Già nua. Héo rụng. Hết một đời.

Không rõ nàng có thích hoa cúc không? Nhưng lại mê hoa lys. Sắc màu trắng nõn. Trắng muốt. Tựa loa kèn. Nhánh hoa lys cao. Đặt trong bình thủy tinh trong suốt thấy lung linh ánh sáng. Không rõ, ăn hoa lys có tạo ra cảm giác huyền hoặc, ảo tưởng, thần kinh bị ảo giác đến mê man, bất tỉnh nhân sự không? Loa kèn thì có. Vừa rồi đọc báo biết rằng có mấy thanh niên lên chơi Đà Lạt, vào một tu viện nọ, thấy loa kèn “ngon mắt” bèn hái, đem xào, nấu canh đổi món cho lạ miệng. Chắc là ngon. Vâng, ngon đến độ phải nhập viện. Vụ Hà thành đầu độc năm 1908, những đầu bếp yêu nước đã đầu độc binh lính, sĩ quan Pháp bằng món ăn hoa loa kèn. Còn biết thêm một loại khác nữa là “cà độc dược”. Loại cà gì vậy? Cả hai thứ độc dược đó, chẳng thể gây chết người. Do đó, mưu sự thất bại từ trong trứng nước. Có lẽ trên đời này, tội nghiệp, rẻ rúng nhất vẫn hoa mồng gà. Tội nghiệp? Bởi hoa đồng âm với một loại bệnh xã hội chẳng hay ho chút nào. Có lẽ vì lý do này, ngày Tết chẳng ai thèm chưng hoa mồng gà?

Phổ biến nhất của thú chơi hoa là gì? Ở phương Nam, hoa mai. Ngoài Bắc, hoa đào. Người ta nói chơi hoa mai có “điềm”. Chẳng rõ có đúng không? Mua chậu hoa, nhánh hoa mai năm nào nó nở đẹp, năm cánh bung ra đúng ngày, nở đều, ấy “điềm tốt”. Ngược lại, cánh hoa rụng sớm, hoặc nở muộn, hoặc chưa ra giêng đã trụi lũi trơ cành là “điềm xúi quẩy”. Em ruột của mẹ, cậu Thái rất thích chơi hoa mai. Tết năm nào, dù bận thế nào cũng tự tay lựa mua một nhành mai, đem về nhà, chưng trước bàn thờ ông bà. Tết năm nọ, cành mai lại trở chứng. Hoa héo nhanh. Hoa rụng sớm. Năm đó, cậu phát hiện bệnh ung thư và mất. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Mai khó trồng. Khó dưỡng. Mua về, chỉ chơi được một mùa Tết. Ra giêng dù có chăm bón thế nào, nó cũng tàn tạ. Hôm kia nghe có người khoe cách dưỡng mai như sau: Do người bán mai đã vào phân hóa học quá nhiều, họ lại ép hoa nở đúng ngày giờ nên sau Tết, muốn hoa sống thì phải đổ bỏ hết lớp đất đó. Mua đất mới thay vào. Rồi từng ngày, từng ngày chăm sóc thế này, thế này, cam đoan năm tới sẽ có hoa chơi tiếp. Lại có người truyền cho kinh nghiệm, mua hoa chưng Tết nên lựa vào những giờ cuối, sắp giao thừa càng tốt. Bởi lúc ấy, người ta muốn bán nhanh, còn về nhà đón giao thừa nữa chứ. Nếu không cũng phải đổ thốc đổ tháo; hoặc tốn tiền thuê xe chở về. Sau giờ đó, ai mua hoa làm chi nữa? Tha hồ mặc cả. Hoa rẻ rề. Như cho không. Mua sướng lắm.

Nghe xong, chỉ nhếch mép. Buồn cười quá.

Thiên hạ sống bằng nghề trồng hoa, mỗi ăn chỉ kiếm ăn được một lần, ai ai cũng khôn ngoan đến thế, làm sao người ta sống? Sống trên đời khôn ngoan quá, chỉ vun vén cho riêng mình thì chơi với ai? Năm này, nếu thích chậu hoa mai này vì  dáng cây đẹp, phát tài gì gì đó, qua Tết cứ việc gọi điện thoại cho người ta đem về vườn chăm sóc. Cuối năm tới, trả cho họ ít tiền lại có hoa mới. Có phải tốt hơn không? Đôi bên cùng có lợi. Còn mình, dành thời gian đó làm chuyên môn của mình. Việc gì phải mất thời gian cho việc làm không phải sở trường. Có đọc câu chuyện thiền, ngày nọ Đức Phật muốn đi qua sông, phải đợi thuyền. Lúc ấy, có dị nhân khoe đã tu luyện được phép bay qua sông. Tu luyện cả hàng chục năm, có khi cả đời mới được. Đức Phật cười bảo, chỉ trả vài xu cho ông lái đò là qua được sông, việc gì mất tốn thời gian đến thế? Câu chuyện này dạy cho chúng ta điều gì?

Năm nay, Hội Nhà báo TP.HCM không tổ chức Hội báo Xuân như mọi năm, do không có kinh phí. Chẳng có đơn vị kinh tế nào tài trợ. Mọi năm, thường tổ chức tạo Nhà văn hóa Thanh Niên, sau Tết là chuyển toàn bộ báo xuân đó cho bộ đội Trường Sa. Báo Xuân Việt Nam bắt đầu từ năm nào, sáng kiến của ai? Sáng kiến này thuộc về nhà báo, nhà văn hóa Phạm Quỳnh với tờ xuân Nam Phong tạp chí phát hành năm Mậu Ngọ (1918): "Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai dịp với khúc đàn chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc bá o đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới". Đó là lời phi lộ của Phạm Quỳnh.

Làng báo Sài Gòn đã có công duy trì và tạo thành nếp truyền thống làm báo Xuân của nền báo chí Việt Nam. Tại sao dân Sài Gòn làm được?

Ấy là do cái tính phóng khoáng và chịu chơi của các ông bà chủ báo. Suốt một năm các ký giả, đặc phái viên, thầy cò, thợ sửa morat, xếp chữ, nhà in… đã cộng tác với mình, Tết đến thưởng họ cái gì thay lời cảm ơn? Các ông bà chủ báo cho họ hưởng toàn bộ lợi nhuận của một số báo đặc biệt. Số báo này tăng trang, dày hơn, giá báo cao hơn. Thế là ê kíp đó hăng hái bắt tay làm giai phẩm xuân thật ngon lành đặng bán chạy, có tiền chia nhau. Dần dà, hễ Tết đến là có báo Xuân. Và duy trì mãi đến nay.

Sáng nay, lang thang xuống phố. Cũng là đi chậm rãi. Ngó trời ngó đất. Đường phố đông nghịt người, xe, khói bụi. Mua bán ầm ĩ. Chen chân. Lựa chọn. Mặc cả. Trả giá. Một cảnh đời nhộn nhịp. Vui tươi. Ngày hôm nay, khai mạc Lễ hội Đường sách xuân Giáp Ngọ, diễn ra tại đoạn đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế. Tạt ngang qua đó chăng? Đang đi nhận được tin nhắn của Đoàn Tuấn:

Đã về Đà Nẵng chưa anh?

Mang xuân về với đất lành hoa niên

Nhà xưa còn sáng ngọn đèn

Phố xưa vẫn có bạn hiền chờ anh

Nước non đâu cũng ân tình

Đi xa là để về gần nhau hơn

(Viết tặng Q trong lúc rửa xe đón Tết).

Đọc cảm động quá. Nhìn lên trời. Đã nghe chim chóc ríu rít.

Sắp Tết rồi.

Bao giờ y khai bút?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 42 trong tổng số 58