LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.4.2019

tim-hieu-dat-hau-giang

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.3.2019

51007175_2467829686579629_6273799252007190528_n

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.3.2019

 

L_c_ca_Walt_Whitman

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.3.2019

scan0001-125-247x396

 

Tự dưng chiều nay lại nhớ đến đến ông bạn già - nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đã lâu, chừng hơn mươi năm trước đang thất tình thất điên bát đảo, lên bờ xuống ruộng, trần ai khoai củ, tóm lại là đang buồn nên lúc ấy thường vác xác lên nhà ông tìm nơi tâm tình. Có những lúc ông an ủi bằng cách đưa ra chừng dăm quyển vở học trò chép đầy thơ. “Q đọc đi”. Bèn đọc. Những bài thơ này, ông chép tay như nét chữ học trò. Rõ ràng. Dễ đọc. Gió chiều lồng lộng. Đường vắng. Quán cà phê Hoa Vàng. “Rằng, xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau”. Tên quán là lấy theo câu thơ của chính ông. Thời điểm này, Phạm Thiên Thư đã “lậm” sâu vào phương pháp dưỡng sinh với tên gọi “phathata” do ông sáng lập. Đại khái, ông chủ trương: “Luôn biết mình dốt/ Để gọt tính kiêu/ Để yêu như mới/ Để cởi mối hiềm/ Để thêm tinh tiến”.


Và cũng vì say mê cuồng nhiệt, trung thành với phương châm này, ông đã viết nhiều bài thơ tứ tuyệt. Mỗi lần ghé chơi, ông thường đưa ra cho đọc. Sau đó, dần dà y ít lui tới. Tại sao thế? Đơn giản chì vì vết thương lòng đã lành, đã có thể vi vu trăng hoa tình ái với cảm hứng yêu đời dào dạt, yêu người da diết nên y đã… quên béng ông bạn già. Thế đấy. Có những nơi khi rầu rầu tâm sự, buồn buồn sương khói ta thường tìm đến; ngoặt một cái, lúc giông gió đã qua, biển đã yên, sóng đã lặng, ô hô, ta lại chẳng thèm nhớ đến nữa. Tệ đến thế là cùng.


Chẳng sao. Vẫn còn có cách “sửa sai”, ấy là bằng mọi cách lục lọi lại tập sách Từ điển cười Tiếu liệu pháp của Phạm Thiên Thư - bao gồm những bài thơ mà ngày ấy, y đã từng đọc. Nay, đọc một lèo và cảm thấy khoái! Trên cõi đời, nếu được cười một cách sảng khoái, còn gì thú bằng? Ngược lại, đã cười mà cười gượng gạo đành lòng, cam chịu nhưng tỏ ra vui vẻ thì còn gì là cười?


Sực nhớ, trong một truyện ngắn nọ, nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại có anh chàng dân đen được quan trên cử đi trừ bọn cướp. Với  lòng quả cảm, nghĩa hiệp anh ta đã khám phá ra ổ trộm, nhờ đó, làng xóm bình yên. Sự thành công này rực rỡ đến độ cô vợ anh… phải góa chồng. Tất nhiên, quan lớn hứa thưởng công, đền bù công lao xứng đáng của một người bỏ mạng vì việc làng, việc nước. Cũng an ủi phần nào, vì sau khi chồng chết gia đình ngày càng túng quẫn, kiệt quệ. Chờ đợi mãi, dăm ba tháng sau, mừng quá chị nhận tờ sức của ông lý trưởng. Mời đi nhận tiền thưởng? Không, mời nhận cái bằng… truy tặng cửu phẩm bá hộ! Ấy là ngậm cười chăng?


Nếu người khác chỉ viết làm dăm ba bài thơ trào phúng để cười cho đỡ buồn, ông Phạm Thiên Thư đã làm hẳn một cuốn sách dày trên 1.000 trang. Nội lực sáng tạo và lao động bền bỉ về cái cái cười cỡ này, thiệt đáng nể. Thế thì cười là gì? Để trả lời, chỉ có thể viết luôn một quyển sách, chẳng hạn trước kia, bác sĩ Dương Tấn Tươi có viết quyển Cười (nguyên nhân và thực chất) in năm 1968, dày 370 trang, nay cũng thuộc loại quý hiếm mà chơi sách cũ săn lùng dữ lắm.


Thế nào là cười? Trước mắt, ta hãy lấy định nghĩa ngắn gọn của Việt Nam tự điển do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo năm 1931: “Nhách môi, há miệng lộ sự vui vẻ hay ý tứ gì ra”. Trước đó nữa, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Ấy là cách hả miệng, nhích mép, hoặc có tiếng hoặc không có tiếng, tỏ ra mình vui vẻ hay có ý gì. Cũng có nghĩa là chê bai: Nó cười tôi”. Có lẽ, “định nghĩa” chuẩn nhất về cười, theo y, thuộc về ông Rabelais - một nhân vật đồ sộ của thời Phục hưng: “ Thay vì bàn đến khóc, tốt hơn là viết về cười, vì cười là đặc tính của con người”. Đúng thế, không con vật biết nào biết cười, chỉ có con người.


Tuy nhiên, y biết có một con bò cũng biết cười là khi nó được… xuất hiện trên bao mì pho mát Pháp. Hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi, dễ gây thiện cảm. Con bò đó cười thế nào? Chắc chắn không phải là kiểu cười mà ông Phạm Thiên Thư đã miêu tả: “Tức quá gằn lên một tiếng cười/ Cười như ngầm dọa: “Biết tay thôi/ Cười ông- có lúc ông cười lại/ Cười lại là bay chết bỏ đời!”. Cười này là cười gằn.


Đã lâu, lâu lắm rồi, có đọc bài thơ tứ tuyệt xưa lắc xưa lơ, xét ra là một lối cười xỏ xiên thâm trầm, ý vị, nay chép lại cho vui. Vui là tốt rồi, được thế đã là may, còn hơn phải chìm đắm trong lo âu sầu não. Bài thơ này của ông thi sĩ Lãng Ba. Thơ rằng: “Sân khấu hẹp hòi múa hát vang/ Ăn lương bầu gánh sợ ông làng/ Làm vua làm tướng chi chi đó/ Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Xét về câu chữ, rõ ràng tác giả là người miền Nam. Thử hỏi, câu cuối có từ “nhưng”, vậy nghĩa là gì? Ta bàn sau. Dám nói rằng, ông làng là cách gọi chung về ông tổ hát bội. Nhiều từ điển và sách vở xưa nay đã giải thích rành rành. Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.


Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là GS Hoàng Châu Ký giải thích: “Ông làng là những tượng nhỏ được thờ với các vị tổ trong những gánh hát bội ngày xưa. Trên bàn thờ tổ có một cái tráp gỗ sơn đỏ, có cửa mở đóng, bên trong có mười tượng gỗ nhỏ, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo lục, là tượng các vị tổ của nghề hát bội. Trước mười tượng này lại có hai tượng khác cũng khăn áo như vậy nhưng đứng hai bên chiếc ngai, đó là hai ông làng hát bội” (Tự điển nghệ thuật hát bộ Việt Nam, Nguyễn Lộc chủ biên- NXB KHXH Hà Nội - 1998, tr.448).


Rõ ràng ông làng chỉ được thờ chung chứ không phải ông tổ hát bội. Thế nhưng xưa này người ta vẫn gọi và xếp chung vào hàng ông tổ, xét ra thiệt… éo le! Mà cũng phải thôi, theo truyền thuyết ông làng vốn là hai hoàng tử trẻ con, hỉ  mũi chưa sạch, mặt búng ra sữa, còn ham chơi và cực kỳ mê hát bội. Một hôm dù đang ốm nhưng cả hai vẫn trốn đi xem hát, núp một chỗ không ai nhìn thấy, bị cảm lạnh rồi chết. Đáng khen là sau đó, hai ông hoàng này luôn phù hộ cho các gánh hát bội nói chung nên từ đó về sau, đào kép đã thờ họ cùng với ông tổ. Từ “ông hoàng”, trải qua năm tháng đã dần dần nói trại thành “ông làng”. Do còn trẻ con nên hai ông hoàng này… khoái mùi thơm của trái thị, vì lẽ đó, ngày xưa người ta kiêng kỵ đem trái thị vào giàn hát/ rạp hát là vậy, vì rằng, mùi thơm của trái thị khiến hai ông hoàng xao nhãng mà quên giúp đỡ cho đào kép.


Nhân đây xin nói luôn, theo ghi chép của nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Huy về tượng ông làng: “Thường được đẽo bằng gỗ vông, lớn bằng bắp tay, gặp những tích tuồng có vai người mẹ sinh con, người ta đưa ông làng ra đóng bé sơ sinh, chứ không mượn trẻ con thật đóng tuồng”. Khi bàn về ông làng, y nhớ đến bài Vịnh hát bội Quảng Nam,  nhà thơ Tú Quỳ viết: “Nhỏ mà không học lớn làm ngang/ Trống đánh ba hồi đã thấy quan/ Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu/ Vào buồng đứng dưới cặp ông làng”. Về ông làng, ta đã biết, còn “ba đứa hiệu” là quân chạy hiệu, tức lính cầm cờ, sai đâu chạy đó, thuộc hạng lóc cóc leng keng. Sự đời cũng oái oăm thiệt, cũng vì câu thơ “Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu” mà ông Tú Quỳ mang họa vào thân.


Hiệu là tên của anh hùng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) - lãnh tụ xuất sắc của phong trào Nghĩa Hội chống Pháp ở Quảng Nam. Có giai thoại, ông Hiệu đã sai lính về làng bắt Tú Quỳ lên hỏi tội vì câu thơ xách mé đó, nhưng rồi vì tiếc tài của một người giỏi chữ nên ông tha cho. Về sau, Tú Quỳ còn có dăm ba bài vè, văn tế chế giễu cuộc kháng chiến của nghĩa quân Cần vương. Nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân bình luận: “Ở thời điểm này, ta chỉ có thể khép Tú Quỳ vào hạng người lạc hậu, bảo thủ và ông đã bị các nhà trí thức tiến bộ thời ấy khinh thường” (Thơ văn Tú Quỳ - NXB Văn hóa thông tin - 208, tr.256). Đây là chính là lý do khiến người đương thời không muốn nhắc đến Tú Quỳ nữa, về sau thơ văn của ông mai một dần, nay ít ai biết đến


Thế thì, vấn đề đặt ra ở đây là gì?


Với người cầm bút, ngoài cái tài/ tài năng còn là quan điểm, thế đứng, cách nhìn, sự lựa chọn, thái độ của họ về thời cuộc, về thời đại họ đang sống. Bằng không, văn chương chữ nghĩa dù tài hoa, dù hay bằng trời đi nữa, có là gì chăng? Thì đấy, chỉ đơn cử một hai thí dụ, ai dám bảo thơ văn của Tôn Thọ Tường không gấm thêu? Ai dám bảo kiến văn của Lê Tắc không giỏi? Thế nhưng đương thời, thời sau thiên hạ đã nhìn nhận họ bằng cái nhìn thế nào? “Rằng hay thì thật là hay”. Hóa ra, bản lĩnh sống, tư cách sống, thái độ sống của người cầm bút cũng quan trọng không kém gì tài năng trời cho, đúng không nào? Xét ra, cái nghề sống bằng chữ nghĩa nhọc nhằn và nặng nề lắm. Một người thợ làm xong cái bàn, cái ghế, cái tủ… sau khi bàn giao hoặc bán đi là xong. Nhẹ nhàng phủi tay. Không phải bận tâm gì nữa. Nhưng người cầm bút lại khác, rất khác. Với những gì đã viết, đã công bố dù một dòng, một chữ dẫu sau này đã chìm sâu dưới ba tấc đất, họ vẫn còn phải chịu trách nhiệm lấy nó.


Hãy quay trở lại với câu thơ của Lãng Ba vừa nêu trên: “Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Dám chắc rằng, chẳng mấy ai có thể giải thích được từ “nhưng”. Nó vô nghĩa? Nó sai moras. Nghĩ thế, bèn lật từ điển tra cứu xem sao. May quá, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Nhưng hát bội: Người thuộc tuồng làm thầy hát bội, thầy tuồng”. Vậy suy ra, “nhưng” cũng là “thầy tuồng”? Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.


Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là Tuần Lý Nguyễn Khắc Dụng giải thích: “Trong gánh hát bội, thầy tuồng là nhân vật quan trọng, cai quản nội bộ. Thầy tuồng là người thông chữ nho, biết đặt tuồng mới, soạn tuồng xưa, tập tuồng, sắp xếp cho có đầu đuôi, thứ lớp. Trong ban hát, ai cũng kính nể ông thầy tuồng”. Nói nôm na, thầy tuồng chính là soạn giả và kiêm luôn cả đạo diễn. “Nhân vật thứ hai, kế tiếp thầy tuồng là chú nhưng, chuyên việc nhắc tuồng cho diễn viên còn non nớt. Chú nhưng là một kép già lão luyện, thuộc hầu hết các tuồng thầy” (Hát bội - Nam Chi tùng thư XB năm 1970 - tr.326). Rõ ràng, “nhưng” chỉ là người nhắc tuồng.


“Làm vua làm tướng chi chi đó/ Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Câu thơ vọng lên tiếng cười xỏ xiên, châm biếm. Đọc xong, khiến ta lại nhớ đến… nghệ thuật chơi múa rối nước. Với con rối, mọi cử động của nó là do người chơi, núp phía sau điều khiển. Thật ra, thời buổi nào cũng có hạng người cầm bút chẳng khác gì con rối. Chữ nghĩa múa may quay cuồng những tưởng tâm huyết lắm, những tưởng đau đời lắm nhưng chỉ là cái loa phát thanh cho “nhưng” núp dựa màn, giấu mặt ở phía sau. Hạng cầm bút này, gọi là gì? Y không biết, chỉ biết văn hào Lỗ Tấn gọi loại người thuộc “nhị hoa diện”, nói nôm na là “anh hề nhì”. Khác với hề kiểu cũ ở chỗ: “Anh ta là trí thức. Anh ta biết chỗ dựa của mình là núi băng, nhất định không bền lâu, tương lai mình còn phải xu phụ người khác, cho nên được nuôi nấng, chia sẻ oai thừa, anh ta cũng phải giả vờ làm như mình không phải cùng một phường với tên công tử đó” (Lỗ Tấn tạp văn, bản dịch của Trương Chính - NXB VHTT - 2003, tr.511-512).


Có bàn luận gì thêm không?


Dạ, đã đủ rồi ạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.3.2019

1_minh_hoa_cho_thong_tin_BIA_4_

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.3.2019

 

nhatky-ngay-3.3.2019

 

Thiệt tréo ngoe không chịu được. Ai lại thế? Hết chuyện để ham hố rồi sao? Với các bà vợ hễ nghe chồng nói đến chuyện rượu chè “lai rai ba sợi” đã vội nhăn mặt. Nhăn thì nhăn. Cằn nhằn thì cằn nhằn. Nhưng rồi cũng khó có thể cấm tuyệt đối chồng phải bỏ bia rượu. Rằng, hễ nói đến đàn ông của thời buổi này, không phải quơ đũa cả nằm nhưng hầu hết họ đều biết… nhậu, khoái nhậu.

 

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu): Nhậu. “Cuộc đời vui quá không buồn được” (Tuân Nguyễn): Nhậu. “Đừng buồn nhưng cũng đừng vui”(Hồ Dzếnh): Nhậu. Họ có một ngàn lẻ một lý do để nhậu, do đó, không thể không bàn đến chuyện này.

 

Y có người bạn thân thiết đã nhậu trong một tình huống cực kỳ hài hước. Ngày nọ, sau khi cùng mẹ vợ tất tả đưa vợ vào bệnh viện chờ sinh, làm xong mọi thủ tục, ngồi một mình với tâm trạng hồi hộp, náo nức bỗng dưng hắn ta lại khoái có chút men cho đời thêm tươi. Trời chiều, gió mát, vợ sắp chuyển dạ, cảm xúc dạt dào, tại sao lại không nhắn tin rủ bè bạn chung vui một niềm vui kỳ diệu nhất trên đời: sắp được là ba/tía/ bố? Nghĩ là làm. Sau khi dặn dò mẹ vợ đôi điều cần thiết, hắn ta tếch ra quán với lời tự nhủ: “Chỉ làm vài ve cho hưng phấn. Chớ có say. Nhớ đấy nhé. Quay về ngay”.

 

Khi vào quán nhậu cùng bồ tèo chiến hữu, lời tự nhủ này, tất nhiên là hắn nhớ. Chỉ uống cầm chừng. Thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ, xem thời gian để còn quay lại bệnh viện chăm vợ. Ừ, vui quá xá là vui. Ai ai cũng nâng ly chúc mừng. Hắn hãnh diện ra mặt. Mũi phổng to như trái cà chua. Hắn huyên hoang tuyên bố: “Cỡ như tớ, các hãng thần dược sản xuất Viagra chỉ có nước phá sản, sập tiệm”. Câu nói duyên dáng tệ. Bè bạn vỗ tay ào ào. Lại nâng ly, nói như ngôn ngữ của đệ tử Lưu Linh là: “Trăm phần trăm Bắc Kạn”, chứ không việc gì phải… “Mộ Đức mức độ”. Thế là sau dăm ba lần thiệt hoành tráng, cực kỳ sung mãn, hắn quên tuốt luốt lời tự nhủ. Nói nào ngay, tàn cuộc nhậu thì hắn vẫn còn tỉnh táo. Rất tỉnh táo. Tỉnh táo đến độ lúc mở điện thoại ra đã… thấy hàng chục “cuộc gọi nhỡ” của mẹ vợ!

 

Thế đấy. Nhậu đến quắc cần câu, đến lúc quay lại bệnh viện thì cuộc vượt cạn mọi việc đã “mẹ tròn con vuông”, xong béng từ thuở nào rồi.

 

Tóm lại, chuyện mê nhậu của đàn ông là có thật. Thế thì sau đó, họ nghiến răng “phê bình và tự phê bình” là bỏ nhậu? Đùa dai thế. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây, xin nói một cách nghiêm túc là nên nhậu ở đâu sau khi mái ấm vừa có trẻ sơ sinh? Khoan đã. Thử hỏi, cơn cớ gì mỗi lúc lai rai cùng bia bọt rượu chè nói chung, có kèm theo mồi gọi thì tiếng Việt gọi là nhậu?

 

Thử nêu ra một vài chứng cứ dù không lấy gì làm chắc chắn. Đại loại,  có thể từ “nhạo” mà ra chăng? Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ giải thích: “Nhạo: đồ đựng rượu có quay, có vòi như nhạo rượu, ly rượu”. Ca dao Nam trung bộ có câu: “Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo/ Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh”. Chưa hết, “Uổng công anh chùi nhạo xúc bình/ Tới chừng anh đến, phụ mẫu nhìn bà con”. Vậy là “xong phim”! Có quan hệ họ hàng với nhau thì yêu với đương cái khỉ gió gì nữa? Nói thật, trước kia, y cứ tưởng như không ít người cho rằng, nhậu là tiếng lóng phổ biến trong giới ăn nhậu, trải theo năm tháng, nó đã co chân nhảy một phát vào… Đại từ điển tiếng Việt (1999).  Oách quá. Nhưng thật ra nhầm tất.

 

Từ năm 1895, Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận: “Nhậu: Uống. Nhậu rượu: uống rượu; nhậu nước: uống nước; ăn nhậu: ăn, ăn uống”. Ngay cả Tự vị Annam- Phalangsa (1877) của J.M.J cũng đã giải thích tương tự. Thế thì, nhậu theo nghĩa ban đầu là “uống”, nay hàm nghĩa chỉ các cuộc lai rai với nước có men bất kể thời gian, tất nhiên không thể thiếu… mồi. Nói như dân chèo miền biển Nam bộ khoái nhất vẫn là: “Gió lên rồi căng buồm cho sướng/ Gác chèo lên, ta nướng khô khoai/ Nhậu cho tiêu hết mấy chai/ Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo”.

 

Mà thôi. Hãy trở lại với câu hỏi: “Sau khi mái ấm vừa có trẻ sơ sinh nên nhậu ở đâu?”. Với câu hỏi này, tin chắc rằng, ai ai cũng bảo là nên ra quán. Thứ nhất, vợ mới sinh cần có khoảng không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi; thứ hai, trẻ sơ sinh không thể chịu được tiếng nói ồn ào của bợm nhậu. Mà nhậu ở quán thì tha hồ bốc phét, nói năng rổn rảng và (xin lỗi) nếu có lỡ… lời nói tục cũng chẳng sao. Lại có một điều kỳ cục là khi nhậu ngoài quán, tự dưng ta cảm thấy hưng phấn hơn, uống bia được nhiều hơn và nói năng cũng thỏa mái hơn vì chẳng gì phải ý tứ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói như… ở nhà! Đã thế, còn có thể tha hồ lơi lả lả lơi thả cái nhìn lang thang lướt ngang qua vóc dáng mỹ miều từ vòng A đến Z của cô nàng chân dài váy ngắn đang tiếp thị bia mơn mởn xuân tình lượn lờ trước mặt, không phải lơ láo láo nháo cảnh giác trước sau. Khoái là thế.

 

Ban đầu y cũng nghĩ thế.

 

Nhưng rồi, lần nọ cô vợ bé bỏng cười mà rằng: “Lần sau, nếu thích, anh cứ rủ bạn bè thân thiết về nhà nhậu chơi vẫn tốt hơn”. Ơ hay, tại sao lại tốt hơn? Khoan vội trả lời, xin hỏi thế nào là thân thiết? Không riêng gì Sài Gòn, có thể nói, thời buổi này thiên hạ ít mời ai về nhà nhậu. Nếu cần, cứ ra quán. Sau đó, mạnh ai nấy về, chẳng ai làm phiền ai. Ra khỏi quán là xong, chẳng còn gì vướng bận. “Anh đi đường anh, tôi đường tôi” (Thế Lữ). Vậy là xong.

 

Nếu mời về nhà, nói thật phải là bồ tèo chiến hữu chí cốt đã từng gắn bó lâu dài. Có những người bạn, gặp ngoài quán thì OK ngay, nhưng mời đến nhà thì chưa chắc. Nói cách khác, lúc ấy, chỉ những ai được mời đến nhà là gia chủ đã có chọn lọc tùy theo mối quan hệ. Vâng, phải là nhậu với bạn bè thân thiết vì chỉ khi ở nhà thì câu chuyện mới thật sự thân mật và mỗi lời phát ngôn đều cẩn trọng, không thể ba lơn, bá láp như lúc túm tụm đàn đúm của bạn lẫn bè ngoài quán nhậu. Ít ra, lúc nói năng còn phải giữ lời vì biết đâu lọt vào tai “gấu mẹ vĩ đại” của gia chủ thì phiền.

 

Vâng, ạ. Đồng ý và nhất trí. Nhưng lý lẽ “tốt hơn” như lời cô vợ vừa phát biểu, ta hiểu ra làm sao?

 

Dần dà, y mới nhận ra rằng, sau khoảng thời gian sinh, người phụ nữ chỉ ru rú ở nhà chăm con, họ đã những thay đổi về tâm lý. Trước hết, họ có nhu cầu cần được trò chuyện, nói chuyện, chia sẻ, tâm tình về kinh nghiệm nuôi con với nhiều người. Đành rằng, thời đại “4.0” này, chỉ cần một cú click chuột trên bàn phím, một cái lướt ngón tay trên điện thoại di động cũng tìm kiếm được biết bao thông tin.

 

Vẫn chưa đủ.

 

Họ còn muốn được nói, được tranh cãi, bổ sung thêm khi soi rọi với kinh nghiệm của chính mình. Cũng có thể những câu chuyện ấy họ đã biết, đã đọc đâu đó nhưng nay nghe bạn bè nhắc lại, kể lại đúng y chang mà họ vẫn thích thú. Rồi những tâm tình trên bàn nhậu với chuyện thời sự đang diễn ra, các câu bình luận nọ kia cũng khiến họ ngạc nhiên hoặc gật gù: “Ủa, có chuyện đó à? À, em chuyện đó cũng vừa đọc trên web”. Đại khái thế. Họ cần thông tin. Mà thông tin ấy là từ bạn bè để tạo ra một cuộc trò chuyện cởi mở. Có người nói, có người nghe, chứ không phải tiếp nhận thụ động một chiều. Nói tắt một lời, suốt một ngày ở nhà vật lộn với bé sơ sinh một cách “đúng quy trình” - dù hạnh phúc hân hoan, dù tẻ nhạt đi nữa thì họ cũng cần nghe nhiều, thêm nhiều tiếng nói cho rộn cửa vui nhà.

 

Thế nhưng vẫn chưa quan trọng bằng nhu cầu họ cần được nói. Ừ, thì nói đi. Nào ai cấm cản. Nhưng rồi, trong nhà chỉ có hai vợ chồng thì mỗi ngày chỉ vỏn vẹn chừng ấy âm thanh, chừng ấy câu chuyện. Nay có thêm bạn bè thân thiết của chồng/ vợ đến chơi nhà há chẳng phải rôm rã hơn sao?

 

Mà này, chỉ có mỗi một cô vợ cần có nhu cầu ấy thôi à? Không, còn có thêm cả… người chồng nữa. Vì rằng, sau khi đã có bé sơ sinh mấy ai có thể an tâm tếch ra quán bù khú như trước, phải chôn chân quanh quẩn từ ngoài sân đến xó bếp. Vẽ vang thay, họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò vú em thời hiện đại @ mà cửa nhà neo đơn, chỉ mỗi vợ với chồng phải chăm bé:

 

Tuy nhiên không chỉ có thế.

 

Lúc bỉm sữa toàn tâm toàn ý lo cho bé sơ sinh, cần bạn bè đến chơi nhà, ngoài vợ lẫn chồng còn có thêm ai nữa? Thì… bé nhóc đang oe óe trong nôi chứ ai. Ủa, thế à? Tại sao lại thế? Ngộ quá đi thôi. Sẽ nói sau. Nhưng trước mắt y dám quả quyết một điều nghiêm túc, rằng, khi bạn có con, chính bé là người khiến bạn quyết định xác lập lại mối quan hệ bạn bè lâu nay đã có.

 

Liệu có đúng không?

 

Thưa rằng, y đã từng có dăm ba người bạn thân thiết, theo cách nói Quảng Nam của bà nội bé nhóc thì người bạn ấy và y đã quen biết từ thời “Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”. Vậy mà khi từ quê vào Sài Gòn chơi, hay tin, mừng quá, bèn mời về nhà nhậu cho vui, bạn chỉ nằng nặc đòi ra quán, chứ không ghé lại nhà. Đó là bạn hay bè? Thưa rằng, y đã có có dăm ba người bạn thân thiết, theo cách nói của nhà thơ Hồng Nguyên: “Quen nhau từ buổi “Một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Vậy mà ngày đầy tháng bé nhóc, y mời đến nhà chung vui, bạn chỉ nằng nặc đòi ra quán, chứ không ghé lại nhà. Đó là bạn hay bè?

 

Thời buổi này, thông qua danh sách trên điện thoại di động, có thể xác định xác định mối quan hệ của từng người. Vì rằng, danh sách đó không bao giờ “dẫm chân tại chỗ”. Thỉnh thoảng lại thay đổi. Xóa đi. Bổ sung thêm. Có những buổi chiều đẹp trời, ngồi một mình đang rỗi việc nên chàng nọ/ cô kia tẩn mẩn ngồi xem lại danh sách trên chiếc điện thoại - dù “cục gạch”, “cùi bắp” hoặc smartphone đi nữa thì họ cũng có động tác delete rất đỗi nhẹ nhàng. Đơn giản chỉ vì số điện thoại đó lâu nay không gọi tới, ngược lại, mình cũng không có nhu cầu gọi đi. Vậy xóa quách cho nhẹ máy chăng? Tại sao không? Một số điện thoại đã xóa đi, không chỉ là xóa một chuỗi con số vô hồn, còn là hành động dứt khoát xóa đi mối quan hệ với một con người.

 

Từ lúc trong nhà có bé sơ sinh, y cũng đã xóa dần.

 

Mà thôi, không dài dòng nữa. Không khéo “lạc đề” đang bàn.

 

Ừ, cái chuyện bé nhóc thích bạn bè của ba mẹ ghé chơi nhà là sao? Khó có thể phân tích một cách rạch ròi theo chuyên môn y khoa, y chỉ cảm nhận trăm lần như một, hễ những lúc cửa nhà đông đúc mọi người, âm thanh vui nhộn, ồn ào như vỡ chợ thì đứa bé khác hẵn mọi ngày. Khác hẵn lúc trong nhà chỉ có ba và mẹ. Đó là lúc hoặc khóc nhiều hơn hoặc bé “nói” nhiều hơn. Dù thế nào đi nữa thì bé vẫn hoạt bát hơn, sống động hơn, tay chân cử động nhiều hơn và thích nhất là bé “mồm mép tép nhảy” như đang đón nhận, muốn bày tỏ một điều mới mẻ nào đó. Rạng rỡ, tươi vui ra mặt. Nói như bạn thơ Trương Nam Hương và Đoàn Tuấn: “Trông bé “phởn”lắm lắm”.

 

Điều này, có lợi cho sự phát triển của bé nhóc chăng? Y tin là thế. Nếu một đứa trẻ như Tặc Zăng sống giữa rừng già, như Mai An Tiêm, Robinson lạc trên đảo hoang liệu có nhanh biết nói như bé được sống chung trong một cộng đồng rộn rã sắc âm thanh? Cô vợ của y tinh tế quá đi thôi, đã nhận ra điều đó nên mới thì thà thì thầm tâm tình một câu rõ nhớ: “Lần sau, nếu thích, anh cứ rủ bạn bè thân thiết về nhà nhậu chơi vẫn tốt hơn”. Vâng ạ, nói như cụ Nguyễn Du: “Được lời như cởi tấm lòng”.

 

Há chẳng sướng lắm sao?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC:Nhật ký 19.2.2019

tyho-nguyn-tieu-2019

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.1.2019

anh-gia-dinh-ngay-xuaTết xưa, chụp tại nhà ông bà ngoại năm 1968

Thoáng đó, tưởng chừng chỉ cần đưa tay ra níu lấy gió trời là đã chạm đến Xuân, sờ thấy Tết. Cảm giác này, thường đến vào những ngày đầu năm mới. Năm qua, y có gì mới không? Ắt có. Ấy là vừa được lên chức không chỉ cực kỳ “oách xà lách” mà còn “ngon lành cành đào”. Thế thì, hãy mượn lấy câu hát xưa “súc sắc súc sẻ” để tự chúc lấy một niềm vui rực rỡ.

 

Cứ theo như nhà giáo Dương Quảng Hàm cho biết: “Vào khoảng nửa đêm Ba mươi Tết, trẻ con nhà nghèo đi thành từng bọn đến cửa các nhà xin tiền. Đứa đi đầu cầm một cái ống đựng tiền đã xin được lắc lên thành tiếng “súc sắc”, rồi vừa lắc vừa hát bài này”: “Súc sắc súc sẻ/ Nhà nào nhà này, còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu…”. Nhịp đi của bài đồng dao reo vui, vần nối theo vần, chúc cho gia chủ sự giàu sang, phú quý như nhà ngói lợp, có voi, có ngựa, sống lâu hơn trăm tuổi, sinh con đẻ cái…

 

Và nay, cũng bài đồng dao này, từ những câu trên, y đã nối theo: “Chích chòe theo sau/ Chào mào đi trước/ Hồng hạc chúc Tết/ Chú ếch thổi kèn/ Gõ kiến chập cheng/ Sâm cầm thổi sáo/ Chúc lành ông Táo/ Lên chức… vú em/ Trổ tài nấu ăn/ Phụ vợ chăm bé…”. Mà nghĩ cho cùng, đời người được thế đã là may mắn lắm rồi. Từ một người cơm hàng cháo chợ, nay đã biết đi chợ, nấu ăn, phụ vợ thay bỉm, ẳm bồng và hát ru con, há chẳng phải niềm vui rực rỡ là gì?

Sáng nay, vừa ẳm con vừa nghĩ vẩn vơ, có phải “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Người đời bảo thế, chắc gì đã đúng? Cái tính, cái nết ấy cũng từ giáo dục của các bậc phụ huynh mà ra. Thời nhỏ, sau khi thi rớt trung học đệ Nhất cấp, tức từ lớp Năm lên lớp Sáu, y không thể vào học trường công Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Thiệt tình, chán nản quá sức, nói như lời hăm he của mẹ y: “Nếu thi rớt, ba mẹ cho về quê đi chăn bò”. Được thế, sướng quá đi chứ, còn hơn phải mắc cỡ, tự ti mặc cảm với bạn bè. Giữa lúc y dứt khoát không chịu đi học, ngày nọ ba y mua về quyển sách Kim chỉ nam dành cho học sinh của Nguyễn Hiến Lê.

Mỗi tối, sau giờ cơm nước, ngươi cha nhẫn nại lật từng trang đọc cho con nghe và giải thích thêm. Từ những lời khuyên trong quyển sách này, y dần dần hiểu ra học trường nào cũng được miễn có sức khỏe, được học với thầy cô giáo yêu thương học trò như con và nhất là mình có phương pháp học. Y đồ rằng, khi đọc và giảng ý nghĩa trong sách cho con, chính lúc ấy, các bậc phụ huynh cũng đang học. Không phải ngẫu nhiên, khi y lớn lên đã thấy trong nhà có rất nhiều sách. Ba y mua đó. Có lẽ, ngoài sở thích, còn một phần do ông tán thành ý kiến tâm đắc của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, đại khái, sự giáo dục sẽ thất bại nếu không dạy cho trẻ thói quen đọc sách. Vì ham đọc sách, trẻ không tự giam mình trong cảnh vật cỏn con trước mắt mà bước vào thế giới mênh mông của tư tưởng, tưởng tượng và tình cảm...

Yêu thích một tác phẩm, với đứa trẻ chỉ là giải trí thôi ư? Không. Còn là sự hình thành nhân cách sau này nữa chứ? Nói cách khác, nhà văn đó chính là “người ơn”. Dù chỉ một câu thơ, một ca từ an ủi lúc ngã lòng tuyệt vọng; một bức tranh đem lại mỹ cảm vui sống; một quyển sách đã mở ra chân trời mới… Dù chưa một lần trò chuyện để được nghe một lời an ủi, chỉ bảo nào từ các tác giả đó nhưng rồi, nghĩ cho cùng, đó chính là “người ơn” đã giúp ta vượt qua bế tắc, khó khăn trong thời điểm đó. Dù rằng, những người đó không hề hay biết nhưng thâm tâm ta làm sao có thể quên?

Với y, trong số các  “người ơn” đó, còn có cả nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê đã góp phần giúp y thay đổi. Ngay cả Nguyễn Hiến Lê, ông cho biết bản thân ông cũng phải tự thay đổi, nếu muốn tiến bộ. Ngày nọ, trong lớp im phăng phắt, học trò cắm cúi làm bài tập, ông giáo đang chăm chú tranh thủ chấm bài, bỗng ông ngẩng đầu lên, nói lớn: “Lê marche à recoulons” (Trò Lê đi giật lùi). Cả lớp cười ầm lên. Từ đó, luôn bị bạn bè chế giễu, trò Lê xấu hổ quá quyết tâm phải sửa tính sửa nết, chuyên cần hơn.

Thuở nhỏ, Nguyễn Hiến Lê được cha dạy chữ Hán, chữ quốc ngữ và làm bốn phép toán, sau đó mới vào học dự bị ở Trường Tiểu học Yên Phụ (Hà Nội). Do người cha dữ đòn lại rèn cặp chu đáo nên ông học hành tiến bộ. Năm lên 10, chẳng may, mồ côi cha, gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, “Không còn cha nhắc nhở nữa, kiềm chế nữa, tôi bỏ bê việc học trọn một niên khóa”, ông Lê nhớ lại. Rồi như ta đã biết, nhờ câu nói của thầy mà ông Lê đã thay đổi.

Bấy giờ, để có thể theo kịp bạn bè về môn tiếng Pháp, ông nhịn ăn sáng nửa tháng để đủ tiền để mua quyển Từ điển Larousse. Hễ khi gặp các chữ khó thì tra cứu tìm hiểu cho rõ nghĩa. Dù học hành chuyên cần, được lãnh thưởng học sinh giỏi tại Nhà hát Tây nhưng lúc thi vào Trường Bưởi (nay Trường Chu Văn An) lại rớt vì môn chính tả. Sau đó, ông phải vào học trường tư Trí Đức. Nhằm khắc phục điểm yếu của mình, ông chú tâm đọc danh tác của văn hào Pháp Victo Huygo bằng nguyên tác dù chỉ là loại sách tóm tắt, chừng vài chục trang in, nhờ đó, qua năm 1927, ông dễ dàng thi đậu vào Trường Bưởi. Sự đọc này, về sau đã có phần ảnh hưởng đến phong cách viết văn của ông: “Tôi nhận thấy Hugo hay dùng “phép đối ngữ” mạnh mà kêu, tôi cũng lây hơi bút pháp đó”.

Trong thời gian này, một quyết định quan trọng từ người mẹ: bà buộc con trai suốt thời gian nghỉ hè phải về Phương Khê (Sơn Tây) học chữ Hán với ông bác ruột. Lý do của bà đơn giản chỉ là muốn con mình có thể đọc được gia phả, biết gốc gác ông bà tổ tiên. Ngoài việc học từ quyển Ấu học Hán tự tân thư, ông còn được “ngốn” thêm nhiều sách vở khác nhà ông bác nữa. Nhờ vậy, vốn từ tiếng Hán của ông ngày một nhiều thêm và nó chính là nền tảng sau này.

Sau khi ra trường do nhà nghèo, Nguyễn Hiến Lê không tiếp tục theo học ban Tú tài bản xứ mà thi vào Trường Công chánh. Tháng 9.1934, ông thi ra trường đậu hạng cao, ông bác ruột có bài thơ nhắc nhở: “Mừng này biết lấy gì cho nhỉ?/ Hai chữ khiêm khiêm giữ đạo xưa”, lấy gốc từ quẻ Khiêm trong Kinh dịch: “Người quân tử nên rất khiêm tốn để nuôi cái đức của mình”, câu này đã “vận” vào đời ông một cách nhất quán. Lúc chờ bổ nhiệm sở, để không lãng phí thời gian ông vào Thư viện Trung ương ở Trường Thi (Hà Nội) mượn quyển Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, mỗi ngày chép lại chừng ba chục từ rồi học thuộc nghĩa. Ông còn mượn luôn quyển Grammaire Chinoise của Cordier, học về cách đặt câu. Khi có vốn từ đã kha khá, ông thử trình độ bằng cách đọc Tam quốc chí, từ đó, ông rất mê lời bình của Kim Thánh Thán.

Lúc được bổ nhiệm vào miền Nam, ngoài công việc chuyên môn, thời gian còn lại rất nhàn rỗi, “gặp hồi mưa to gió lớn thì buồn ôi là buồn! Phải nẳm co trong chiếc ghe bầu, cửa đóng kín mít đậu trên kinh Xà No, xa chợ, xa nhà, xa bạn”. Chỉ còn cách đọc sách, vớ được quyển gì đọc quyển nấy nhưng vẫn không hết một ngày. “Lại chỉ có cách học chữ Hán là phương thần hiệu hơn cả”. Thế là ông chọn cách học “hàm thụ” - tức lúc đọc các bộ Mạnh Tử, Lương Khải Siêu ẩm băng… hễ gặp chữ nào không hiểu thì ông chép lại, gửi thư nhờ cho ông bác, nhờ giảng nghĩa.  “Cứ mót như vậy, lần lần tôi cũng biết thêm mà vỡ nghĩa”, ông cho biết. Không những thế, thời gian này nhằm tiêu khiển cho ngày và luyện văn, ông bắt tay viết vài quyển du ký cực hay như Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích.

Từ năm 1938, lúc trở lên Sài Gòn lúc 26 tuổi, không còn đi đo đất như trước, thời gian lại cũng rãnh rỗi. Bấy giờ, nhiều bè bạn rủ rê ông nên khoay khỏa bằng cách chơi nhảy đầm, đánh bài, nhậu nhẹt nhưng xét thấy tạng mình không hợp nên ông từ chối, chỉ nằm nhà đọc sách dù bị chê trách là chọn lối sống khổ hạnh. Ông viết câu tự răn (nghĩa): “Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có/ Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không”.

Ở Sài Gòn có rất nhiều sách, dễ dàng tìm mua để học, tra cứu, nhờ vậy ông đã mua được bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim, Lão tử, Mặc tử của Ngô Tất Tố… Những quyển này, có trích dẫn chữ Hán lại chú thích rõ ràng đã giúp cho ông học thêm về nghĩa của rất nhiều từ mà trước đó chưa biết. Cách học của ông là từ một cuốn sách, đọc đến đâu thì tóm tắt, ghi lại rồi so sánh với các sách khác; nếu có gì chưa rõ thì lại biên thư nhờ ông bác giải đáp. Trải dài theo năm tháng, ông đã dịch một loạt tinh hoa văn hóa, danh tác Trung Quốc, “Sở dĩ tôi cả gan như vậy vì tin lòng quảng đại của các nhà cựu học, không nỡ trách một kẻ hậu học kiến thức nông cạn mà sẵn lòng hạ cố chỉ bảo cho những chỗ sai lầm”.

Đúng như ông đã tâm niệm “loạn yêu sách”, thời thế năm 1945-1946 có nhiều biến động, “không khí Sài Gòn thật khó thở. Khu tôi ở, nhà nào cũng đóng cửa”, do phải nằm nhà, ông mày mò học Anh qua cuốn L’Anglais en 100 leçons. Trong hồi ký, ông cho biết: “Trong đời tôi, hễ phải ở trong nhà một thời gian lâu thì tôi học ngoại ngữ. Cách đó là cách tốt nhất mà cũng ích lợi nhất để khỏi buồn. Và lần nào tôi học cũng chỉ để đọc sách thôi, không cần nói. Những môn tôi đọc để tiêu khiển đó, sau đó giúp cho tôi rất nhiều trong việc viết sách”. Âu cũng là đức tính của một con người đã từng bộc bạch (nghĩa): “Phú quý chẳng màng, giữ tấm băng trinh thời loạn/ Sách hoa riêng thích, thơm trang giấy mực đời sau”.

Từ đọc sách đến viết sách là một khoảng cách rất gần, nhất là đối với Nguyễn Hiến Lê. Ông đã có một quan niệm, có thể nhiều người thấy lạ lùng nhưng hoàn toàn có lý: “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết quyển sách về vấn đề ấy”. Tâm nguyện này, phần nào lý giải vì sao Nguyễn Hiến Lê đã viết thành công ở rất nhiều lãnh vực.

Một trong cả hàng trăm quyển sách đã dịch, trước tác của Nguyễn Hiến Lê, ở đây, y chỉ nhắc đến loạt sách “Học làm người” bởi lẽ đã từng in với số lượng cực lớn, đến này vẫn còn liên tục tái bản: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi. Bản dịch thành công bởi ông đối chiếu từ bản in tiếng Anh và tiếng Pháp theo phương châm dịch thoát, có thể cắt bớt, tóm tắt, sửa đổi cho phù hợp với người Việt, miễn là không phản ý tác giả. Nhờ vậy, không riêng gì bạn đọc mà chính ông cũng tự nhận xét “không có dấu vết dịch” là vậy.

Trong các loại sách, y vẫn thích đọc hồi ký của người nổi tiếng, qua đó, có thể học thêm được nhiều điều hữu ích. Đọc là học. Mà này, trong những ngày này đã nghe trong gió thơm lên mùi Tết, y đang đọc quyển sách gì thế? Trả lời ra làm sao? Đại khái, ai đó đã nói, “Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, đẻ một đứa con và viết một cuốn sách”. Cây đã trồng, sách đã viết, nay đã có con. Thế thì, cần quỷ quái gì phải cứ mải mê đi tìm “định nghĩa” về hạnh phúc. Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình đang có. Đơn giản vậy thôi. Với các bậc phụ huynh bỉm sữa, há chẳng phải đứa bé vừa oe oe lọt lòng chính là quyển sách kỳ diệu nhất đó sao? Đúng là thế. “Bây giờ đây nhìn ngắm con nằm/ Ba sung sướng như lật từng trang sách/ Sự sống cựa mình trên từng trang sách/ Chính từ con - mới lạ đến không ngờ”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.12.2018

 

205800cf09e75ca

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.12.2018

ngay_viet_moi_ngay_qqqq

 

Đôi lúc có những chiều, ngồi thừ người và ngước mắt nhìn lên kệ sách. Chậm chậm lướt qua từng tựa sách. Sách dày. Sách mỏng. Tên tuổi quen. Cây bút mới. Lại nghĩ, nếu ai đó vào thư viện, thống kê lại trong rừng sách ấy, có cả thẩy bao nhiêu chữ? Chắc chắn chẳng một ai có thể làm nổi. Nói gì xa vời, ngay cả nhà văn, nếu hỏi đã viết bao nhiêu chữ trong đời văn, họ cũng ngắc ngứ. Thậm chí, đã viết và đã in bao nhiêu quyển sách, chắc gì họ đã nhớ? Có phải các bậc đàn anh Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương, Tô Hoài… là những nhà văn đã in nhiều đầu sách nhất?

Đã nhà văn thì phải viết. Đã họa sĩ thì phải vẽ. Cứ viết mỗi ngày, dù chẳng ai thèm kề súng vào đầu buộc phải viết. Khổ hay sướng? Muốn viết, ít ra phải cho chữ. Nhà văn không có chữ, chẳng khác gì anh chàng lái buôn không có vốn.  hế thì thời bé, tóc còn để chỏm mới ti toe đánh vần “A, B, C dắt dê đi ị/ A, Á, Ớ dắt vợ đi chơi” hoặc “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ/ Tính bổn thiện là miệng muốn ăn” thì các nhà văn tài danh của nước Nam đã học văn ra làm sao để rồi về sau, có được vốn chữ ghê gớm?

Trước hết, y muốn bắt đầu từ Ông Dế Mèn. Dù học hành không nhiều, mãi đến năm 1938, lúc 18 tuổi “may mà đỗ được cái ‘xéc-ti-phi-ca’ (bằng tiểu học Pháp - Việt) nhưng đọc sách Pháp không hiểu hết câu” như chính Tô Hoài cho biết, bù lại, ở ông là một nỗ lực tự học rất đáng khâm phục.

Ông học cái gì? Chuyện này ta bàn sau. Chỉ biết rằng, thuở hoa niên, Tô Hoài (1920-2014) là cậu bé lười học. Lúc ngồi trong lớp, cậu chỉ thích ngóng mắt ngoài cửa sổ đếm trong sân có bao nhiêu cây cau, cây nhãn; quan sát xem nơi nào có nhiều chim sẻ, thậm chí còn nhớ cả “Những lúc học trò vào lớp, sân hết người đứng, từng đàn chim sẻ trên hai mái nhà, trong hóc đình lại ríu rít xuống nhảy nhô nhốp, đánh đuổi nhau chí chóe”. Dù học hành chẳng ra làm sao, ham chơi thơ thẩn một mình vì tính tình nhút nhát nhưng Tô Hoài lại có trí nhớ tốt.

Vốn liếng học văn của ông chính là nhờ hồi bé đã đã nghe các dì đọc những câu thơ Truyện Kiều lúc bói Kiều, thế là ông tập làm thơ lẫy Kiều. Khi vớ dược quyển Tứ dân văn uyển, Văn đàn bảo giám -  những tập tuyển các áng thơ cổ điển, truyện thơ Nôm Bà chúa Ba… là ông lại bắt chước làm theo. Chẳng hạn, bài thơ Đan áo được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 199 (năm 1938): “Một chiều dừng lại ghé thăm/ Thì ra mình đã nghi lầm cô em/ Cô em chăm chỉ ngày đêm/ Đan thuê nuôi mẹ, áo len cho người”. Nói cách khác, bước đầu đến với văn chương của nhiều người, trong đó có Tô Hoài chính là bắt chước theo người đã đi trước.

Đến với văn chương, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là người cha đi làm ăn tại Sài Gòn, lúc về quê có mang theo cái rương. Trong rương, lẫn lộn với quần áo còn có những cuốn “truyện Tàu” như Chinh Tây, Tam quốc chí diễn nghĩa, Tam hạ Nam Đường, Ngũ hổ bình Tây, Phong thần diễn nghĩa… do các nhà văn miền Nam dịch ra tiếng Việt. Ông đã đọc ngấu nghiến và chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng đến độ về sau khi ông cũng viết… truyện kiếm hiệp nhại theo những tình tiết ly kỳ đã đọc.

Tuy nhiên, ý thức luyện văn để trở thành nhà văn chỉ rõ nét khi lúc ông đọc được quyển Vô gia đình của Hector Malot qua bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục. Bấy giờ đang trọ học tại Hàng Mã, tình cờ tìm thấy được quyển này dưới gầm bàn của chủ nhà, Tô Hoài đã đọc say mê khóc cười theo số phận của cậu bé Rémy. Và nhớ mãi. Không những thế, còn thêm một vài tác phẩm văn học Pháp nữa đã tác động đến công việc viết văn của ông.

Từ năm 1938, sau khi thôi học, Tô Hoài đã làm nhiều nghề kiếm sống, trong đó có cả nghề viết văn. Ban đầu, Tô Hoài xuất hiện với tư cách người làm thơ. Ông có cả tập Dưới bóng trăng thanh nhưng sau đó chính ông đốt bản thảo vì thấy rằng, thơ không “tải” hết tâm sự của mình. Và  cũng không phải sở trường. Từ đó, cũng như người bạn chí thân là Nam Cao, ông tìm hướng đi cho mình là chỉ chuyên về văn xuôi.

Muốn thế, phải học chữ. Quả đúng như thế, nhà văn Tô Hoài kể ngày nào ông cũng viết. Và khi đi thực tế, dù bất kỳ mục đích gì nhưng lúc nào cũng không quên “tác nghiệp”. Đi là ghi chép. Đi là quan sát. Đi là chiêm nghiệm. Đi là liên tưởng. Đi là thu thập lời ăn tiếng nói của bà con vùng miền khác. Đi là làm giàu thêm vốn từ.

Năm 1994, khi ra Hà Nội tham dự Đại hội Nhà văn trẻ lần IV (1994), y được nghe nhà văn Tô Hoài kể về nghề văn. Ông cho biết vẫn thích nhất là Dế mèn phiêu lưu ký in năm 1941. Và cho biết tác phẩm này phảng phất, lẫn lộn không khí của Guylive du ký, Đông Kisốt, Télémac phiêu lưu ký mà ông đã đọc qua bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh. Cho đến nay, nó vẫn là tác phẩm tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng và đã làm nên “thương hiệu” Tô Hoài.

Lúc đó, trên diễn đàn ông hào hứng kể lại quá trình sáng tác trên 50 năm, đã có nhiều truyện ngắn in trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền Bá, Hà Nội tân văn… mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Tô Hoài có biệt tài viết về truyện loài vật. Ông viết hay đến nỗi khi đến chơi tòa soạn báo Ngày Nay, nhà văn Khái Hưng bước ra tận cửa bắt tay khen: “Tác giả truyện ngắn Con gà trống ri còn trẻ nhỉ?”. Khen thì khen thế, nhưng nhuận bút vẫn không trả một xu teng nào, bởi thời đó có lệ chỉ trả nhuận bút cho những tên tuổi mà tòa báo mời viết. Kể xong, ông cười tủm tỉm với cánh anh em viết trẻ đang há hốc ra nghe.

Có thể nói, Tô Hoài vốn rất ý thức “tu luyện” chữ nghĩa. Ông bảo: “Trong Truyện Kiều có chữ “áy” (Một vùng cỏ áy bóng tà, không biết nghĩa chữ áy thế nào, mới đọc đã cảm thấy man mác, thấy buồn). Phải đến dịp, tôi về Thái Bình, nghe người trong làng nói: “cỏ áy, mạ áy” mới biết tiếng “áy” là của bà con đồng ruộng Quỳnh Côi, quê vợ của Nguyễn Du ở Thái Bình - khi thất thế, Nguyễn Du đã nhiều năm ở quê vợ”. Lại dịp khác, thay vì nói “mạ nhú” ông cho biết đã học được của bà con nông dân Bắc bộ một từ khác, ấn tượng hơn, tình cảm hơn: “mạ ngồi”.

Trong túi áo của ông thời ấy cho đến lúc đã thanh danh, bao giờ cũng có sẵn cuốn sổ tay ghi chi chít những từ đã thu nhặt. Ngày kia, mấy bà đi chợ ngang xì xào không rõ nhà ai nấu món gì mà thơm nứt mũi, một bà buộc miệng: “Úi dào! Gần mũi xa mồm quá!”. Thế là ông “chộp” ngay vì câu nói đã lấy từ câu “Gần đất xa trời” mà sáng tạo ra. Lại nữa, ông cũng thích thú với câu phê phán về thói tham ô của cán bộ xã mà người dân thì thào: “Ngữ ấy, cứ móc tay vào họng là thấy thịt” v.v…

Không những thế, ông còn có thói quen là gặp gì đọc nấy, vì biết đâu cũng nhặt nhạnh được dăm từ mới. Chẳng hạn, Khóa lễ Cầu bình an và cầu siêu của chùa Quán Sứ có câu: “Cúng dàng rồi, nay con ngắm Phật… Đánh chuông mạnh quá thì nghe tiếng rẳng, đánh khẽ quá thì nghe tiếng trầm trề”. Ông học đã được các từ cúng dàng, ngắm Phật, rẳng, trầm trề làm giàu thêm vốn từ để rồi có lúc vận dụng vào trang văn. Trong tác phẩm Miền Tây, có câu: “Những con lũ gối lên nhau, miên man gầm thét, đuổi theo nhau”. Với từ “gối” mới lạ này, ông cho biết không chỉ từ quan sát mà còn do ngày kia đi thực tế ở Thái Bình, nghe bà con nông dân nói: “Đặt dây khoai lang thì đặt thưa, dây nọ gối đầu vào dây kia”…

Một khi đã viết xong trang văn nào, Tô Hoài thường có thói quen đọc đi đọc lại và chỉnh sửa nhiều lần cho đến lúc nào ưng ý mới thôi. Với một truyện ngắn, ban đầu ông viết: “Một giàn sao sáng rợn từ chập tối: Mặt trăng tròn vành vặc đỉnh đầu, tưởng với tay được”; bản 2, sửa: “Một giàn sao sáng rợn từ chập tối, dần dần mờ đi, khi cùng trăng lên vành vặc đỉnh đầu, tưởng với tay được”; bản 3, sửa lại: “Một giàn sao sáng rợn mắt cua chập tối…”. Sở dĩ, có được từ “giàn sao” đắc địa, mới lạ này, Tô Hoài cho biết là đã học từ cách nói trẻ con mà ông đã tình cờ nghe được; còn cụm từ “sao sáng rợn mắt cua”, ông vận dụng từ cách nói của bà con làng Cát Động đã gọi “sao mắt cua” nhằm chỉ ngôi sao mọc từ chập tối, cứ thây lẩy như mắt cua.

Lại nhớ, mở đầu chương 2 bản thảo tiểu thuyết Nhớ Mai Châu, ban đầu ông viết: “Tây nhảy dù xuống Vân Đình. Mới hôm nào con đường này còn tấp nập người tản cư, người về khuân đồ đạc ra bán ở chợ Đình”. Qua bản sửa 2, ông đã xóa sạch các từ thừa, chỉ còn lại: “Tây nhảy dù Vân Đình. Mới hôm nào đường này còn  tấp nập người tản cư về khuân đồ đạc ra bán ở chợ Đình”. Đại khái thế, đã viết, đọc lại thì sửa, nếu chưa ưng ý.
 

Thời công tác ở Tây Bắc, ông được những câu từ lời ăn tiếng nói của bà con lao động, lấy làm đắc ý. Thử đọc lại vài dòng ghi chép này xem sao? Tất nhiên. Đó là những câu:  “Rễ cây ngắn, rễ người dài, đi đâu cũng thấy họ hàng người Mán ta. Mong cho đất nước yên vui để quần áo được phơi chung một sào. Nóng quá, bồ hôi mẹ bồ hôi con bò ra khắp người. Gió to vụt ngã mất nhiều lúa. Lúc làm cỏ thì cỏ bết xuống, vài hôm sau cỏ lại ngồi lên. Nhà nó trâu dắt ra, bò dắt vào, nồi năm nồi bảy có cả”...

Trở lại câu hỏi, Tô Hoài đã học gì trong nỗ lực tự học? Xin thưa, ông đã học lời ăn tiếng nói không chỉ của người dân ở làng Nghĩa Đô quê ông, mà còn đi đến nơi nào hễ nghe được từ mới thì “chộp ngay”. Khi trao đổi với nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông lý giải: “Anh tưởng đã là người Việt Nam thì biết hết tiếng Việt Nam à? Không phải đâu. Gì mà chả phải học. Không học thì làm sao biết được. Có cái là tiếng nước mình thì hàng ngày mình vẫn học mà không biết đấy thôi… Tôi cố gắng không bao giờ bỏ rơi một tiếng mới, một tiếng hay, hoặc một câu nói, một lối nói lạ tai”. Ấy mới là sự nghiệp của một nhà văn, chứ còn gì nữa?

Ai đó đã nói, sau lưng người đàn ông thành đạt luôn có một người đàn bà thủy chung, khoan dung. Điều này hoàn toàn đúng với nhà văn Tô Hoài. Còn nhớ, năm nọ Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức lễ ký kết bản quyền với nhà văn Tô Hoài tại Hội Nhà báo TP.HCM, y may mắn được ngồi kề cụ bà. Cụ nhỏ nhắn, có nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội xưa. Cụ mặc áo dài đen nền nã, cổ đeo xâu chuỗi ngọc thạch và hầu như chỉ mỉm cười, không nói bất kỳ một câu nào. Tất nhiên, y không bỏ lỡ cơ hội trò chuyện với cụ. Cụ bà kể: “Ông nhà tôi viết khỏe lắm, ngày nào cũng vào bàn viết. Người ta nhặt thóc, sạn ở gạo kỹ từng hạt thế nào, ông nhà tôi cũng viết xong thường đọc lại từng trang, lại chữa tiếp, chữa đi chữa lại nhọc công lắm”.

Mà nào chỉ mỗi Tô Hoài. Các nhà văn tài danh khác cũng vậy thôi.

Mà này, liệu chừng có lẩn thẩn, lẫm cẫm lắm không nhỉ? Giữa cái thời văn chương như bèo lại bàn chuyện “tu luyện chữ nghĩa” há chẳng phải vô tích sự lắm sao? Ai đã nói thế kia? Kệ họ. Đã sống bằng nghề viết, làm sao có thể rẻ rúng chữ nghĩa?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 3 trong tổng số 58