THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017) - TIỄN MẸ VỀ CÕI VÔ CÙNG

LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017) - TIỄN MẸ VỀ CÕI VÔ CÙNG

Mục lục
LƯƠNG THỊ ÂN (1927 - 5g sáng ngày 12.10.2017)
LỜI CẢM TẠ SAU TANG LỄ CỤ BÀ LƯƠNG THỊ ÂN
THƠ VIẾT VỀ MẸ
TIỄN MẸ VỀ CÕI VÔ CÙNG
2. TRĂM NĂM NHƯ CHỚP MẮT - MẸ ĐÃ ĐI CHỢ VỀ
Tất cả các trang

Tiễn mẹ về cõi vô cùng

 

1. Trong trí nhớ của tôi khi nghĩ về mẹ bao giờ cũng là lúc bà cụ đứng bên bếp lửa. Ngọn lửa reo vui, ấy chính là biểu hiện của sự hạnh phúc ấm áp nhất trong mỗi nếp nhà. Hãy nhìn vào trong mắt người mẹ, lúc ấy ta sẽ thấy sự hài lòng, đau đáu trọn vẹn một nỗi niềm vì con, lo toan cho con từ miếng quà tấm bánh. Chỉ thế thôi ư? Không, khi có cháu thì người mẹ nào cũng dành tình thương ấy cho sự tiếp nối qua thế hệ sau.
Tiễn mẹ về cõi vô cùng - Ảnh 1.

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc và mẹ

Người đàn bà Á Đông, ngay lúc có chồng đã hầu như không còn "hiện diện" nữa, ngay cả tên do cha mẹ đặt cũng gọi theo tên của chồng. Mẹ tôi tên Ân nhưng mãi mãi về sau mọi người chỉ gọi bà Năm Châu. Thậm chí, đến lúc đã vào bệnh viện ở tuổi 90 nhớ nhớ quên quên, khi bác sĩ hỏi tên gì, bà cụ lại buột miệng nói ra tên của chồng. Kỳ lạ quá, phải không? Chẳng phải đâu. "Có chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen". Mẹ tôi thuộc mẫu "những người muôn năm cũ", khi tôi lớn lên vẫn còn thấy búi tóc, nhuộm răng đen, thích ăn trầu và nhớ nhiều ca dao, tục ngữ. Khi viết tập chuyên luận "Người Quảng Nam", mẹ tôi chính là người đã cung cấp nhiều tài liệu, chi tiết của nếp sinh hoạt của một thời dĩ vãng.

Nhớ về mẹ, tôi nghĩ rằng nhiều người vẫn còn nhớ đến những lúc nôn nóng chờ mẹ đi chợ về. Lúc lớn lên, sẽ khác chăng? Không đâu. Vẫn cứ là sự chờ đợi của một Tình yêu Vĩnh cửu. "Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn, í a/ Con cầm cây đàn con hát/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con" (Trịnh Công Sơn). Ca khúc ấy không chỉ dành cho trẻ thơ, dù ở lứa tuổi nào, khi nghĩ về mẹ bao giờ cũng thấy mình bé bỏng. Xa mẹ là thấy nhớ. Mong mẹ về với con. Thích được ngồi bên chân mẹ, được cầm lấy bàn tay mẹ, hỏi han đôi câu và lúc được nghe giọng nói của mẹ lại cảm nhận một sự tin cậy không gì sánh nổi.

2. Ngày còn thơ bé, ai lại không từng níu áo đòi mẹ dẫn đi chợ? Với tôi, đó là kỷ niệm tốt tươi nhất trong ký ức. Suốt một đời không thể nào quên: "Tôi lon ton theo sau/ Mẹ tôi nhanh chân bước/ Có mấy o tiểu thư/ Mời mẹ mua gương lược/ Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi Chợ Cồn/ Mời bà con mua "gộ"/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi".

Và chợ Cồn, thời bé, chỉ nghĩ là nơi mẹ buôn bán mỗi ngày nhưng lúc lớn lên mới thấu rõ tần tảo, nhẫn nại của một người đàn bà quê mùa, chỉ mới thoát nạn mù chữ lại đủ bản lĩnh gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chỉ từ hai bàn tay mót cá, đòn gánh tre mà dựng lên thương hiệu "Vĩnh Châu" lừng lẫy, bày bán hàng nữ trang thuộc hạng giàu có của một thời. Và cũng từ bản lĩnh ấy, lúc thăng trầm của thời cuộc lại thừa sức nuôi đủ tám con cùng một ông chồng ngồi tù Côn Đảo vì làm "quốc sự".

Có lẽ tôi còn là người may mắn khi được mẹ chung sống suốt năm tháng dài lúc xa quê. Những ngày ấy, tôi đã sống cực kỳ sung sướng khi nhìn thấy: "Mẹ đã đi chợ về/ Hồng tươi con cá quẫy/ Như câu thơ ngũ ngôn/ Nhịp nhàng và mềm mại/ Kìa bài thơ thất ngôn/ Là chùm đào trĩu trái/ Tôi cầm đưa môi hôn/ Nhớ quê nhà xa ngái/ Kìa thơ tình cỏ dại/ Là những bó rau xanh…". Được sống chung với mẹ, dù bất kỳ nơi nào cũng là lúc con người ta được chan hòa với vùng trời hoài niệm của tuổi thơ. Từ giọng nói quê mùa, từ món ăn dã qua bàn tay nội trợ của mẹ, nghĩ cho cùng đó là chất men để tạo dựng lên trong tâm trí mỗi người về tình yêu quê hương xứ sở.

Rồi kỳ diệu thay, khi mẹ đã đến lứa tuổi "xưa nay hiếm" thì sao? Mẹ lại trở thành đứa trẻ là lúc đang bệnh, thích nhõng nhẽo với con: "Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh/ Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ/ "Mẹ cố ngủ, cố ăn mau khỏi bệnh/ Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về". Ngày xưa mẹ dỗ con, bây giờ con dỗ mẹ. Có tình cảm nào ở trên đời diệu vợi đến thế không?

3. Thời còn trẻ, trong mắt mẹ thì ông ngoại chính là "ông trời", lúc về già thay thế vai trò ấy lại chính là con. Con muốn là trời muốn. Đã lo cho con, vì con thì không người mẹ nào từ chối điều gì, dẫu khó khăn nhất. Còn nhớ, vào thập niên 1980, trước lúc chuyển quân lên đường 19B để sang biên giới trong cuộc chiến Tây Nam, tôi viết thư về nhà, đại khái, thèm nước mắm nhĩ Nam Ô quá chừng chừng. Chỉ là viết như một lời tâm tình cùng mẹ. Thật bất ngờ, ít lâu sau, từ Đà Nẵng mẹ tôi vừa đi tàu lửa vừa quá giang xe đò chạy bằng than đốt, kể cả nhờ xe công nông để đến tận doanh trại bộ đội. Cả đơn vị ai nấy đều kinh ngạc, không thể tưởng tượng nổi tại sao mẹ tôi có thể tìm đến tận nơi khi mà thời buổi thông tin liên lạc không dễ dàng, đường sá cách trở, ầm ì tiếng súng. Chuyến đi ấy, ngoài việc nhìn thấy mặt con, hỏi han đôi câu, mẹ tôi còn đem theo cho con vài chai nước mắm.

Có lẽ từ ân tình sâu nặng ấy, thật lạ, bao giờ trở về Đà Nẵng, ngay từ lúc bước xuống sân bay tôi đã ngửi thấy trong gió mùi biển mặn, mùi nước mắm ngon thấm tê đầu lưỡi từ những ngày còn hành quân đi qua trận mạc của năm tháng thanh xuân...

4. Có những kỷ niệm thoáng qua, tưởng nhẹ hều nhưng lại là dấu vết không phai, không bao giờ phai trong ký ức. Đó chính là lúc con người ta đã mất mẹ. Vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp mẹ ở cõi đời này nữa. Khi chạm lấy quê nhà, với tôi bao giờ cũng là lúc: "Tôi về ngoảnh lại Nghìn Sau/ Thấy lau sậy trắng bể dâu luân hồi/ Bỗng nhiên tôi gặp lại tôi/ Từ lòng mẹ bước Vào Đời an nhiên". Bây giờ mẹ đã về cõi khác. Một cõi Vô Cùng. Không bao giờ còn được gặp mẹ. Cảm giác ấy còn hay mất? Chắc chắn là còn, dù bây giờ đã không còn được như thuở níu áo đòi mẹ dẫn đi chợ nữa.

Thuở ấy chỉ cần mẹ cho đồng tiền là mua được tất. Bây giờ lại không thể. Vâng, không thể: "Quê nhà thuở nhỏ/ Gió lướt sang mùa/ Ngày mẹ mười bảy/ Con làm sao mua?". Đã không thể mua được thuở xuân sắc mẹ mới về với ba, vì thế, trong ngày mất mẹ, anh em tôi đã nghĩ đến câu "Xin miễn chấp điếu" là vậy. Mẹ chào đời bằng hai bàn tay trắng, đã tròn 90 nhắm mắt xuôi tay vẫn hai bàn tay trắng. Nhẹ nhàng và siêu thoát. Không còn gì vướng víu với cõi trần này nữa.

Đã không, không thể được nhìn gương mặt, được nghe giọng nói của mẹ nữa, tôi biết nhiều người đã có một đêm thức trắng nằm bên cỗ quan của mẹ. Vĩnh viễn sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy bóng dáng của mẹ một lần nữa. Chỉ nghĩ thế, đã ứa nước mắt. Và tôi ngồi yên lặng, nằm bên mẹ một lần, chỉ một lần cuối cùng: "Nghe tiếng lòng rất khẽ/ tiếng kinh cầu tiễn bước mẹ đi/ thắp nén nhang trầm âm thầm nước mắt/ thấy trên trời một vầng sáng bay đi/ mẹ đi qua đời con vĩnh viễn/ vẫn vẹn nguyên dấu nhớ lại quay về…".

(Đà Nẵng, ngày 12-10-2017)
LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người lao động ngày chủ nhật 16.10.2017)




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com