THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc Tập sách Hồi ức chiến binh MÙA CHINH CHIẾN ẤY của ĐOÀN TUẤN

Tập sách Hồi ức chiến binh MÙA CHINH CHIẾN ẤY của ĐOÀN TUẤN

Mục lục
Tập sách Hồi ức chiến binh MÙA CHINH CHIẾN ẤY của ĐOÀN TUẤN
2. Dư luận về tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY
Tất cả các trang

 

mua-chinh-chien-ay-bia2Rweb

 

mua-chinh-chien-ay-biabis-RRweb

mua-chinh-chien-ay-bia1Rweb

mua-chinh-chien-ay-biaWEEEE

mua-chinh-chien-ay-biaweb-1


 


mua-chinh-chin-yRtnts(nguồn: Báo Thanh Niên tuần san 28.7.2017)


Rưng rưng hồi ức 'Mùa chinh chiến ấy'

TTO - Ngày 22-7, hơn 300 cựu binh thuộc thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307 tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia đã có buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ tại Đà Nẵng.

 tac-gia-doan-tuan-1500736401

Tác giả Đoàn Tuấn (phải) tặng sách cho đồng đội của mình tại buổi gặp mặt

Đây cũng là dịp nhà thơ - nhà văn Đoàn Tuấn ra mắt và tặng hơn 300 cuốn sách Mùa chinh chiến ấy cho đồng đội của mình.

Cuốn hồi ức Mùa chinh chiến ấy như một thước phim miêu tả lại sinh động và chi tiết những khó khăn thử thách mà chính tác giả và đồng đội mình nếm trải trong những tháng ngày gian nan trên chiến trường nước bạn, những tình cảm gắn bó của quân đội ta với nhân dân Campuchia...

Tác giả Đoàn Tuấn chia sẻ: “Cuốn hồi ức là những kỷ niệm không thể nào quên trong lòng mỗi người lính chúng tôi. Qua cuốn sách, tôi muốn đồng đội mình lưu giữ mãi những ngày tháng gian khổ mà đẹp đẽ ấy, đồng thời mong muốn thế hệ sau nhìn thấy được sự ác liệt của chiến tranh và gìn giữ nền độc lập dân tộc”.

Tại buổi gặp mặt, hơn 300 cựu binh xúc động kể cho nhau nghe những kỷ niệm 40 năm trước.

Bỏ lại sau lưng những nỗi đau chiến tranh, họ hát cho nhau nghe những ca khúc quân hành hào sảng.

ĐOÀN NHẠN

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 22/07/2017)

 

Mùa chinh chiến ấy


Trong lời đề tựa ra mắt cuốn sách Mùa chinh chiến ấy (tác giả Đoàn Tuấn, do NXB Trẻ xuất bản), nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc, cựu binh Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư 307 đã nhận xét: “Với tư cách người lính từng cầm súng chiến đấu và sống những năm tháng thanh xuân thơ dại trên quê hương Chùa Tháp, tôi dám nói rằng… hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là một trong những tập bút ký xuất sắc nhất, có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam”.

Không phải ngẫu nhiên một cựu binh lại nhận xét như vậy về hồi ức một cựu binh khác. Mùa chinh chiến ấy được thể hiện như một cuốn nhật ký chiến trường, mở đầu bằng hình ảnh chuyến xe chuyển quân chạy giữa một đêm khuya tháng 11-1978 và khép lại cũng vào lúc nửa đêm của 5 năm sau đó, tại ga Hàng Cỏ. Thế nhưng, khoảng thời gian đó đã thay đổi rất nhiều không chỉ một con người mà cả một thế hệ. Chàng trai trẻ nhút nhát, rụt rè của cái đêm 1978 đó đã dày dạn sương gió, đậm chất lính. 10 năm quân ngũ, 5 năm chiến trường nhưng như cả một đời người.

Có thể xem Mùa chinh chiến ấy như những thước phim về một giai đoạn lịch sử của đất nước được nhìn dưới con mắt của một người lính ở tầng thấp nhất. Dĩ nhiên, cái nhìn đó không thể bao quát toàn bộ thời đại nhưng lại gần gũi với những chi tiết cụ thể, chân thực nhất. Từ hành trình vượt sông Mê Công, truy quét địch rồi tham gia chiến dịch Anlong Veng ác liệt. Giọng văn của tác giả Đoàn Tuấn rất đặc biệt, anh chuyển tải cái khốc liệt, cái mất mát đau thương rất nhẹ nhàng, không ủy mị, không tiêu cực. Hơn 400 trang sách, tràn ngập hình ảnh những trận đánh nơi chiến trường, những lần truy quét địch... Rồi cả những mất mát không phải từ chiến trường, không phải từ kẻ địch, cũng được Đoàn Tuấn nhắc đến, không e ngại.

“Mùa chinh chiến ấy… ngỡ như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp”, là lời nhận xét của cựu binh Hiền Nhân, cũng của Sư 307 ngày đó. Mùa chinh chiến ấy là hồi ức về một thời của tác giả, cũng như những người đồng đội của mình, ông đã có khoảng thời gian rất dài để chiêm nghiệm về những gì đã trải qua. Dù vẫn còn đó những ám ảnh về mất mát, hy sinh nhưng những người lính cũng đã thanh thản và nhẹ nhàng hơn, đã có thể nhìn được đằng sau những ngày tháng khốc liệt ấy là tình người, là những giá trị cuộc sống mà chỉ khi trải qua những gian nan của cận kề cái chết họ mới hiểu hết được. Cũng vì thế, ở đoạn kết của mỗi câu chuyện, tác giả luôn dành một phần để hoài niệm, san sẻ những điều mà mình đã hiểu được sau bao năm từ câu chuyện của ngày ấy.

XUÂN THÂN
(nguồn: Báo SGGP ngày 1/8/2017)


Xúc động với hồi ức chiến binh trong "Mùa chinh chiến ấy"

"Mùa chinh chiến ấy" là những mảng hồi ức của nhà văn - chiến binh Đoàn Tuấn về anh và đồng đội trong cuộc chiến biên giới Tây Nam.

Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó. Trong bối cảnh âm thầm mà khốc liệt của gần 40 năm về trước ấy, truyện đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” – người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông - Bắc Campuchia.
 

Thế hệ lính thứ ba, nhập ngũ sau 1975 cũng đã khác trước. Họ phần nhiều là những học trò vừa rời ghế nhà trường từ các tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... đến những thanh niên miền Nam mới làm quen với cuộc sống của chế độ mới. Phải chiến đấu trên mảnh đất không phải quê hương mình, trước những sức ép kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ vấp phải vô số thử thách về phẩm chất con người lẫn cạm bẫy của việc từ bỏ hàng ngũ.

Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… để ngày trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội. 5 năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại. Thân thương như máu thịt mình.

Đoàn Tuấn viết trong sáng, tự nhiên nhưng khi cần cũng không hề né tránh những mảng gai góc của hiện thực. Những trang văn đầy ắp chi tiết dựng lại cả một giai đoạn lịch sử vẫn còn nóng hổi để mỗi người Việt cần nhớ.

T.Lê

(nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/mua-chinh-chien-ay-387277.html - 30/07/2017  21:16 GMT+7)

 

Mùa chinh chiến ấy…

 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, NXB Trẻ ra mắt hai cuốn sách về đề tài chiến tranh biên giới Tây - Nam (chiến trường K, Campuchia): Mùa chinh chiến ấy (tác giả Đoàn Tuấn) và Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến). Cả hai tác giả đều là những người lính từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường này vào giai đoạn khốc liệt.

Cả hai cuốn sách đều được viết dưới dạng “hồi ức chiến binh”. Nhớ lại và viết. Nội dung, vì thế, được chắt lọc hoàn toàn từ những trải nghiệm xương máu, không thông qua lăng kính phóng đại, hư cấu của thể tài văn học cố định nào. Nhân vật “tôi” - cũng chính là tác giả, người lính đã cầm súng chiến đấu trong cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số tới những miền rừng núi heo hút của xứ sở Chùa Tháp và để lại một phần máu thịt tuổi trẻ ở đó. Những trang văn là đầy ắp con người, sự kiện, cảm xúc, suy tư có thực của đời “lính K”.

Đi vào cuộc chiến này, lính tráng “thế hệ mới”, tức thế hệ thứ ba, nhập ngũ sau 1975, cũng đã khác trước. Họ phần lớn là học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông từ những tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… cho đến những thanh niên miền Nam đang làm quen với cuộc sống của chế độ mới. Họ ra trận với tâm thế hồn nhiên, mang cả suy tư học trò vào chiến trận hay thơ thẩn bỏ cơm mấy bữa vì nhớ người yêu. Đến từ khắp mọi miền đất nước nên “văn hóa lính K” cũng trở nên hết sức đa dạng, nhiều màu sắc. Lính tráng lúc này không chỉ hát Tiến bước dưới quân kỳ, Cuộc đời vẫn đẹp sao… mà còn biết ca cải lương, “đổ” những bài “nhạc vàng” thấm đẫm tâm trạng.

Cùng là lính Hà, cùng lên đường nhập ngũ trong những ngày đầu của cuộc chiến, cùng “xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”, nhưng mỗi tác giả lại chọn cho mình một điểm nhìn, một giọng kể khác nhau. Với Lính Hà, Nguyễn Ngọc Tiến làm nên chân dung lính Hà Nội đương thời, có cả sự kế thừa từ thế hệ lính đàn anh đi trước. Đó là đám lính nổi tiếng bông phèng, ngang tàng nhưng cũng tài hoa, mơ mộng, si tình chẳng kém ai. Trong chất văn rỉ rả, có phần bỗ bã lính tráng ấy hiện lên những suy cảm trữ tình riêng tư, chỉ có thể bộc lộ qua câu chữ ghi chép, qua chia sẻ gần gũi. Có ra đi, có trở về, có những cái chết không hẹn trước và cả những cắc cớ, dang dở của đời lính.

Trong khi đó, Đoàn Tuấn tận dụng tối đa khả năng quan sát, ghi chép tỉ mỉ - những phẩm chất vốn có của một người lính thông tin - để tái hiện Mùa chinh chiến ấy, dù đã qua đi gần 40 năm, nhưng vẫn sinh động như một giấc mơ tuổi trẻ, khốc liệt mà tuyệt đẹp. Đoàn Tuấn ghi lại từng thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến, chặng đường hành quân, những phong tục tập quán kỳ lạ của đất nước bạn qua con mắt xanh non của một người lính trẻ. Như anh luôn trăn trở: “Làm sao góp nhặt để tặng lại cho mỗi người, cho đồng đội tôi?”.

Cùng với không nhiều cuốn sách viết về tài chiến tranh biên giới Tây - Nam trước đây, Lính HàMùa chinh chiến ấy tiếp nối, làm thành bộ tác phẩm tư liệu đầy đủ, chân xác về những mất mát của tuổi trẻ Việt Nam ra chiến trận trong một giai đoạn mà đất nước tưởng đã yên ấm, hòa bình. Hy sinh không chỉ của những người đã mất, mà cả người đang sống.

Nguồn:Tạp chí Văn nghệ quân đội - http://vannghequandoi.com.vn/Su-kien/mua-chinh-chien-ay-10766.html)


paht-hanh-MUA-CHINH-CHEIN-AY1721248927904379_6427473249272205253_n

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 19.7.2017)


Hai hồi ức trận mạc và sự chân thật đậm chất lính


TTO - Hai cuốn hồi ức trận mạc của hai cựu binh chiến trường Campuchia cùng ra mắt đúng dịp 27-7 vừa qua: Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn và Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến.


​Bây giờ, Đoàn Tuấn là một biên kịch điện ảnh tên tuổi với nhiều kịch bản đã dựng thành phim như Chiếc chìa khóa vàng, Đường thư, Sống cùng lịch sử....; còn Nguyễn Ngọc Tiến đã là một nhà “Hà Nội học” với các cuốn sách Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội...

Nếu hơn 30 năm trước, súng đạn chiến trường không né hai chàng lính trẻ ấy, thì giờ đây làm sao chúng ta có được những bộ phim, những cuốn sách như vừa kể?

Bởi cả Đoàn Tuấn và Nguyễn Ngọc Tiến đều vào lính khi vừa tốt nghiệp cấp III. Cởi chiếc áo trắng học trò thủ đô khoác áo lính quân trường rồi lăn lóc trên rừng núi bưng biền Campuchia - một xứ sở mà những năm tháng đó, với những chàng trai tuổi 18 vẫn vô cùng lạ lẫm.

Đọc những tập hồi ức này mới biết tuổi trẻ bi tráng của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn. Những người lính ngã xuống không chỉ vì súng đạn lúc giao tranh, có rất nhiều cái chết vì mìn, vì sốt rét, vì khát, vì lạc rừng, vì hổ vồ, rắn cắn...

Những cánh rừng đất Miên hơn 30 năm trước, đọc trong hồi ức cựu binh chiến trường K vẫn hoang dã ma quái không thua gì những cánh rừng già ở Amazon.

Làm sao có thể hình dung được có người lính lên cơn sốt ác tính, thấy suối ngập nước là lên cơn, và người lính ấy chỉ có thể nằm vật ra và hát, hát, hát!

Những bài hát nhạc đỏ nhạc vàng nhạc lính lẫn lộn, hát từ trưa hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thì trút hơi thở cuối cùng!

Làm sao có thể hình dung được vì đêm xuống, sau cơn sốt khát quá, một thương binh rời bệnh xá, đi mãi về hướng gió mát để tìm nước, anh lao xuống đầm lầy, đầm đã cạn, anh cứ thế lội giữa bùn tìm cho được nước, khi gặp nước, uống no nê, anh gục xuống đầm lầy và hàng ngàn con đỉa như trái chuối bu đến hút máu người lính, hôm sau, đồng đội đi tìm, đưa xác anh về, một tiểu đội ngồi để rứt những con đỉa khát máu ấy ra khỏi thịt da...

Một người lính khác, chỉ vì chuyện nhu cầu con người mà vi phạm kỷ luật, bị xử bắn ngay tại chiến trường, sau này anh em đơn vị về tìm nhà, gia đình anh cương quyết từ chối tiếp cán bộ đơn vị.

Điều làm nên sự hấp dẫn của cả hai cuốn sách là sự chân thật đậm chất lính.

Có lẽ cũng là một sự may mắn khi hai anh viết tập hồi ức này sau 40 năm từ ngày nhập ngũ, có những chuyện mà chỉ có thể đến bây giờ, vào thời điểm này mới được kể ra trọn vẹn và được in.

Chúng ta vẫn đọc hồi ức của nhiều tướng lĩnh, ở đó không có những câu chuyện như hồi ức của các binh nhì, nhưng lịch sử luôn chân thật nhất từ những trang viết như thế này!

Hàng vạn đồng đội của họ đã chết để họ được sống và kể lại câu chuyện của thế hệ mình.

Và chúng ta, trong chừng mực nào đó nếu không biết đến những năm tháng bi tráng của một thế hệ tình nguyện quân trên chiến trường K như thế, chúng ta sẽ vô cùng có lỗi!


LÊ ĐỨC DỤC
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 3/08/2017)

muachinhchien-ay-sach-viet-ve-dong-doi(nguồn: Báo Người Lao Động 6.7.2017)


Đoàn Tuấn và "Mùa chinh chiến ấy": Tôi viết để "trả nợ" đồng đội

 

(Dân Việt) Tác giả Đoàn Tuấn chia sẻ: "Tôi luôn tin, ở một nơi nào đó, có những ai trong những giờ phút tuyệt vọng nào đó, đọc cuốn sách này, sẽ thấy cuộc đời này còn nhiều điều lớn lao và kỳ diệu. Họ sẽ yêu cuộc sống hơn".


‘’Mùa chinh chiến ấy’’ là một ‘’tập đại thành’’ về số phận của những người lính Việt Nam trên chiến trường Campuchia. Đau thương, mất mát, bi tráng xen lẫn hào hùng, trong sáng và dũng cảm tận cùng…Đề tài này chắc ông đã ôm ấp từ lâu. Bốn mươi năm sau, câu chuyện vẫn hiện lên đầy sống động. Xin ông cho biết về quá trính sáng tác?

Tôi có 5 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đã in một tập thơ (cùng Lê Minh Quốc), nhan đề ‘’Đất bên ngoài Tổ Quốc’’. Tập thơ này chúng tôi in ở NXB văn học. Sau này NXB Trẻ tái bản.  Nội dung là những bài thơ của hai người lính trẻ tiếc thương những đồng đội của mình đã hy sinh ở ngoài biên giới. Họ hóa thành Đất. Đất bên ngoài Tổ Quốc. ‘’Tổ Quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất/ Đất bên ngoài Tổ Quốc! Việt Nam ơi!’’.

Tôi cũng đã in một tập bút ký về sự linh cảm trước cái chết của đồng đội tôi, đó là cuốn ‘’Những người không gặp nữa’’. Nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa nói được bao nhiêu về đồng đội tôi, nhất là nhà thơ Lê Minh Quốc, vẫn thường nhắc tôi về món nợ này. Tôi cũng luôn suy nghĩ về cuốn sách của mình.

Tôi viết lần đầu, đặt tên là ‘’Trung đoàn viễn chinh’’ nhưng thấy văn chương dài dòng quá, bỏ luôn. Lần thứ hai, tôi viết cuốn ‘’Sư đoàn tình nguyện’’, nhưng đọc lại, thấy giọng văn giống các nhà văn viết từ hồi chống Pháp và chống Mỹ. Không  khoái. Tôi cũng bỏ nốt. Bởi thế hệ chúng tôi là thế hệ thứ ba tham gia bảo vệ Tổ Quốc.  Khi gặp lại đồng đội, thấy họ nói chuyện, tôi quan sát và nghĩ: Đây mới chính là giọng kể mà mình đang tìm kiếm. Đầy chất lính tráng. Đầy giọng điệu thời nay. Và tôi lao vào viết như đúng kiểu chúng tôi trò chuyện.

Nghe như vậy có thể thấy anh viết cuốn sách này đã phải trải qua rất nhiều tìm tòi, trăn trở, vậy theo anh, điều cần có nhất cho một nhà văn là gì?

Phải mất gần 10 năm trăn trở mới tìm ra giọng điệu cho một cuốn sách. Tôi nghĩ, với người viết văn, vốn sống rất quan trọng. Nhưng cái quan trọng hơn, đó là việc tìm ra giọng điệu. Giọng điệu của riêng mình. Một giọng điệu thích hợp với từng cuốn sách. Và khi viết xong, tôi gửi cho những đồng đội gần gũi đọc. Họ thấy thích. Nhà thơ Lê Minh Quốc tìm nơi in sách cho tôi. Anh ấy chăm sóc bản thảo quá chu đáo. ‘’Sách của Tuấn cũng là sách của mình’’. Quốc nói thế. Thật may mắn. Giám đốc Nguyễn Minh Nhựt và các biên tập viên của NXB Trẻ là chị Hoàng Anh, anh Hải Đăng đều dành nhiều tình cảm cho bản thảo. Cuốn sách như một cuốn bách khoa về đời lính. Có đủ mọi chuyện trong đó. Tuy sách nói về chiến tranh, nhưng chiến tranh chỉ là bối cảnh. Nổi bật trong đó là số phận con người. Mà ai cũng biết, đỉnh cao của số phận con người là cái chết. Đồng đội tôi chết muôn ngàn kiểu. Nhưng ai cũng  từ giã cuộc đời với thái độ bình tĩnh. Bởi họ biết, họ được giã từ trong yêu thương, trong ấm áp.

Những người lính nhập ngũ năm 1978, nay đã gần 60. Họ đối mặt thế nào với cuộc sống hôm nay? Anh  em có hay gặp nhau, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sỹ?

Tôi đi nhiều nơi, nhưng mỗi khi gặp ngã tư, tôi đều để ý, xem những người xe ôm, có ai là đồng đội của mình không? Tôi gặp những đồng đội của tôi, cụt cả hai chân, vẫn lái xe lam, chở hàng. Nhiều người về, không có nghề nghiệp, sức khỏe hạn chế. Họ đi làm bảo vệ, cả sỹ quan lẫn lính tráng, nhưng họ đều vui vẻ, lạc quan, chấp nhận cuộc sống chứ không hề kêu ca. Bởi chính họ là trụ cột của gia đình, là điểm tựa cho vợ, con. Ai cũng nghĩ, được sống và trở về là hạnh phúc rồi, cũng có một số người thành đạt, nhưng nhìn chung, đều giữ nguyên bản chất người lính. Nghĩa là những công việc của đồng đội, đều nhiệt tình. Chúng tôi quyên góp tiền, đi lấy hài cốt đồng đội về cho những gia đình liệt sỹ. Thăm những đồng đội ở các tỉnh xa, thăm cha mẹ đồng đội đau ốm…Nói chung, tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng khi có việc, mọi người đều chung tay góp sức. Đó là tài sản quý báu của đời lính.

Ông có muốn nói điều gì với bạn đọc thông quan cuốn sách này?

Cuốn sách này, trước hết, tôi cảm ơn đồng đội tôi và những bạn đọc khác, khắp Bắc-Trung-Nam, đều tìm đọc. Những cuốn sách, viết về một thế hệ, sinh ra không là lính, nhưng đã lấy ngực mình che đạn cho Tổ Quốc, khi đất nước lâm nguy, đều có điều gì đó, có thể trò chuyện được với  người đọc. Tôi luôn tin, ở một nơi nào đó, có những ai trong những giờ phút tuyệt vọng nào đó, đọc cuốn sách này, sẽ thấy cuộc đời này còn nhiều điều lớn lao và kỳ diệu. Họ sẽ yêu cuộc sống hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Việt (thực hiện)

 
(nguồn: Báo Đất Việt/ Thứ Năm, ngày 31/08/2017 12:35 PM (GMT+7)


Mùa chinh chiến ấy và khúc tráng ca người lính

x234d86aa446ad3dd41fadfa716f2cac7.jpg.pagespeed.ic.Yf4AK9-MIj

Tác giả Đoàn Tuấn (bên phải) tặng sách cho đồng đội. Ảnh: ĐOÀN NHẠN

1 Mùa chinh chiến ấy là một tác phẩm phi hư cấu, được viết dưới dạng hồi ức của một người lính đã từng đi qua cuộc chiến. Sau khoảng 40 năm, những câu chuyện, những cuộc đời, những số phận của một thời tưởng chừng như đã bị trôi vào quên lãng nay được "sống lại" một cách viết chân thực, sinh động, đầy ám ảnh.

Với Ðoàn Tuấn, được sống và kể lại như là món nợ cần phải trả cho những đồng đội thân yêu và ruột thịt, những người đã sống, đang sống và cả những linh hồn đang còn lẩn khuất giữa bạt ngàn rừng xanh núi thẳm: "Mỗi người lính quả là một thế giới diệu kỳ, một kho tàng tri thức dân gian. Nếu coi đó là một cuốn sách hay, biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời. Nhưng cũng thật đáng tiếc. Vì chiến tranh. Những cuốn sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy, cũng chìm đi, lẫn vào trong bao câu chuyện đời thường. Làm sao góp nhặt lại để tặng cho mỗi người, cho đồng đội tôi?" [tr.284].

Bằng sự nhạy cảm và điềm tĩnh trước mọi tình huống cùng khả năng quan sát tinh tường, ghi chép tỉ mỉ - những tố chất sẵn có của một người lính thông tin, Ðoàn Tuấn đã tái hiện "mùa chinh chiến" nơi biên giới Tây Nam trong những năm 1978 - 1983 khốc liệt mà tuyệt đẹp, lôi cuốn và giàu sức ám gợi. Gương mặt chiến tranh hiện lên hào hùng nhưng không kém phần khắc nghiệt: những cuộc hành quân gian nan dài hàng nghìn cây số từ biên giới vượt sông Mê Công tiến về hướng tây đến vùng Ðông Bắc đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu; những trận đánh ác liệt một mất một còn với kẻ thù tàn bạo, hung hãn nơi vùng hiểm địa, trong khe đá hang sâu, giữa núi cao sông dài; có những chiến thắng oanh liệt và cả những thất bại đau đớn. Không chỉ đối mặt với sự bao vây, tập kích, sự chống trả quyết liệt, liều lĩnh của kẻ địch, những người lính còn phải thấp thỏm lo âu bởi sự hiểm độc của rừng già, nơi ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy âm thầm đe dọa đến sinh mạng các chiến binh. Ở đó, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong nháy mắt; nơi mỗi phum làng được giải phóng, từng giây phút bình yên của người dân đều phải trả bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam. Có sự hy sinh anh dũng, đẹp đẽ, rạng ngời, nhưng cũng có cái chết tức tưởi, uất nghẹn, phi lý. Chiến tranh là vậy, và Ðoàn Tuấn đã không né tránh mảng hiện thực gai góc, trần trụi, nghiệt ngã đến tận cùng ấy. Bởi là người chứng kiến và nếm trải trong lòng cuộc chiến, ở một cự ly sát gần, anh hiểu hơn ai hết "chiến tranh không phải trò đùa": "Ðời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Ðời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi qua một kiếp người" [tr.240].

Vừa hoài niệm vừa suy tư, vừa tự hào vừa xót đắng, Ðoàn Tuấn đã phác họa nên chân dung tinh thần của một thế hệ người lính nhập ngũ sau 1975 với nhiều sắc độ: vẻ hào sảng, bi tráng; nét trữ tình, lãng mạn; chất hồn hậu, bình dị; sự trẻ trung, hóm hỉnh. Vất vả, thiếu thốn trăm bề, bệnh tật liên miên, hiểm nguy rình rập, cái chết cận kề, nhưng người lính đã biết vượt qua mọi gian khổ, thử thách, chiến thắng hoàn cảnh, bệnh tật, chiến đấu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Khmer Ðỏ.

Trong những năm tháng khốc liệt ấy, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của người chiến sĩ được thắp sáng trong tình đồng chí, tình quân dân mặn nồng, sâu đậm. Bên đồng đội, họ tồn tại, sát cánh cùng nhau trên chiến trường; nhường cho nhau từng ngụm nước hiếm hoi, từng miếng ăn ít ỏi; chia sẻ với nhau những ấm lạnh của cuộc đời riêng, những kỷ niệm khó quên nơi quê nhà, và những tình cảm thầm kín, thành thật, cháy bỏng của một thời trai trẻ.

2 Ðoàn Tuấn đã cảm nhận, thẩm thấu mọi tần số và thanh âm bình dị nhưng thiêng liêng của cuộc sống bằng tất cả các giác quan và trải nghiệm của mình. Người lính trẻ trân trọng từng tiếng học bài ê a, tiếng hát đồng ca của bọn trẻ, giọng hát trong trẻo, diệu kỳ cất lên giữa núi rừng báo hiệu sự hồi sinh; thổn thức với những vần thơ trên cánh võng, những cánh thư lính; nao lòng với hình ảnh thiếu nữ ngồi dệt vải, bà mẹ ngồi chải tóc bắt chấy cho con bên cầu thang nhà sàn; nghẹn ngào xúc động khi những thanh âm tiếng Việt thân thuộc vang lên như những tiếng gọi của quê hương giữa bạt ngàn núi rừng, nơi heo hút xứ người; và xót xa, đau đớn nghe tiếng gọi "Mẹ ơi" của đồng đội lúc ngã xuống…

Cũng chính từ trong bom đạn chiến tranh, số phận và nhân tính của người lính được nhà văn thể hiện chân thực đến nghẹn lòng. Những trạng huống tâm lý được phơi trải, những cung bậc cảm xúc được trưng ra, những yêu thương, đau đớn, lầm lạc của một kiếp người được sẻ chia. Trước muôn trùng hiểm nguy của sinh - tử, những người lính cũng có những giây phút yếu lòng, sợ hãi, trống rỗng; giữa ngọn lửa hừng hực sức trai, họ không thể thoát khỏi tiếng gọi nguyên sơ của vô thức, bản năng. Những người lính trẻ không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ phía kẻ thù, mà còn đối diện với thách thức về phẩm chất, đạo đức, nhân tính. Hình tượng người lính được Ðoàn Tuấn soi rọi dưới góc nhìn đa chiều: ánh sáng và khuất lấp, anh hùng và hèn nhát, ý thức và vô thức, hiện thực và tâm linh, khát vọng và dục vọng, yêu thương và thù hận, cống hiến và tự mãn, cao thượng và ích kỷ. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, và cần hơn bao giờ hết sự sẻ chia.

5 năm sống và chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, một khoảng thời gian không dài với cuộc đời mỗi người, nhưng với những người lính mười tám, đôi mươi như Ðoàn Tuấn và đồng đội anh ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ. Ðó là phần đời dữ dội, khốc liệt, ám ảnh mà rất đỗi thân thương, đẹp đẽ, hào hùng. 5 năm chiến đấu, 40 năm nghiệm suy và 450 trang sách đủ sức chinh phục, lôi cuốn độc giả nhiều thế hệ bởi sự chân thực, sự trải nghiệm không chỉ của một cá nhân mà của cả một thế hệ thanh niên. Những góc khuất thẳm sâu nơi tâm hồn người lính, những sự thật ở "bề sau, bề sâu, bề xa" của cuộc chiến được Ðoàn Tuấn thể hiện trực diện không những không làm mất đi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ và ý nghĩa lớn lao của cuộc chiến mà còn mang lại giá trị hiện thực và tinh thần nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.

3 Với Mùa chinh chiến ấy, Ðoàn Tuấn trở thành người thư ký trung thành của thời đại anh, nói về thế hệ mình - tiếng nói được cất lên từ lương tâm người lính, từ ý thức trách nhiệm của một con người. Tác phẩm vang lên như một khúc tráng ca để thế hệ của anh tự hào, kiêu hãnh về những năm tháng đã sống, chiến đấu và hy sinh một phần tuổi thanh xuân. Nó còn là một khúc nguyện cầu an ủi, xoa dịu, hóa giải cho những thiệt thòi, mất mát, đau thương của các linh hồn đã khuất. Lắng nghe và nghiệm suy tiếng nói ấy, người đọc hôm nay sẽ nhận diện được gương mặt lịch sử; thấu hiểu, đồng cảm với những đau thương và vinh quang, nhọc nhằn và kiêu hãnh của một thế hệ, để nhắc nhớ trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình.

NGUYỄN VĂN HÙNG

(nguồn: Báo Nhân Dân ngày 16.9.2017)

NHỮNG TRANG SÁCH ĐƯỢC VIẾT RA TỪ CHIẾN HÀO


Đọc Mùa chinh chiến ấy, có phụ đề Hồi ức chiến binh của Đoàn Tuấn, tôi cảm nhận rất rõ vị thế, góc nhìn và thái độ của người viết. Như lời đồng đội của anh ghi ở cuối sách, những câu chuyện của người lính, hơn 40 năm sau hiện về “như một giấc mơ khốc liệt nhưng tuyệt đẹp”. Còn nhà thơ Lê Minh Quốc-cũng là một đồng đội khác của anh, thì cho rằng Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn “là một trong những tập bút ký xuất sắc nhất và có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam” (tr.7).

Chúng ta đã có khá nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến của những người lính tình nguyện ởCampuchia nhưng dưới dạng tiểu thuyết, truyện và thơ. Không thể không nhắc đến một hiện tượng như Sương Nguyệt Minh trong văn xuôi, lê Minh Quốc trong thơ hay nhiều truyện ngắn hay của các tác giả khác nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là sự so sánh hơn kém, trong cách viết, trong cách tiếp cận hiện thực giữa các nhà văn mà điều tôi muốn nói ở đây là một hiện thực về một cuộc chiến mà ở đó những con người thực, sự việc thực được một người trong cuộc, từ vị thế của một binh nhì cảm nhận, đánh giá, ghi lại với những chi tiết không khác gì tiểu thuyết và sự sống động, ám ảnh sau khi đọc cuốn sách này cũng bắt đầu từ chỗ đó.

Người ta đã từng viết rất nhiều về chiến tranh. Đã có rất nhiều những tượng đài trong nghiệp viết về chiến tranh ở cả trong nước và nước ngoài. Cuộc chiến tranh nào xảy ra thì những mất mát, đau thương cũng là điều không thể tránh nhưng lại cũng không thể đánh đồng mọi cuộc chiến như nhau, mang ý nghĩa như nhau. Đoàn Tuấn có một cái nhìn rất mạch lạc của người trong cuộc. Anh không né tránh những gian khổ, những chuyện thường ngày của chiến tranh nhưng cũng không chỉ nhìn cuộc chiến này qua những biểu hiện cụ thể của nó. Rành mạch trong tình cảm, mạch lạc trong tư duy khi phải cắt nghĩa những sự việc bất thường trong chiến tranh, người lính trong cuộc chiến đã hiện ra với tất cả những hành vi, tình cảm, nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm, quan hệ với đồng đội, bạn bè, sống chết, đúng sai, cao cả và thấp hèn, dũng cảm và hèn nhát, sự thực và dối trá ở mỗi người lính. Và sức hấp dẫn của những trang hồi ký này cũng bắt đầu từ đấy.

Có độ lùi bốn mươi năm để đánh giá về cuộc chiến, có đủ cơ sở và những điều kiện văn hóa-lịch sử để nhìn về cuộc chiến ấy nhưng điều đó chỉ khẳng định thêm một điều là Đoàn Tuấn đã chọn cách tiếp cận hiện thực chiến tranh từ thái độ của một người lính làm nghĩa vụ quốc tế, một chàng trai vừa rời mái trường phổ thông, một thanh niên Hà Nội tài hoa, có đầu óc quan sát tinh tế, có nhân cách văn hóa biết đặt mình vào trong một hoàn cảnh bất thường, chịu sự chi phối của một thứ văn hóa đặc biệt mà có người gọi là văn hóa chiến tranh, để đánh giá sự vật, chọn lựa cách ứng xử.

Chiến tranh, một hoạt động không bình thường sẽ làm sản sinh ra những quan hệ bất thường, những tình cảm và hành vi không bình thường với mỗi người. Chàng lính trẻ tuổi vừa vào quân ngũ, được nghe phổ biến vào đóng quân ở Sài Gòn, đang náo nức với các dự định ở một thành phố lạ thì lại được lệnh hành quân lên Tây Nguyên, chiến đấu bảo vệ biên giới rồi tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia với tất cả gian khổ, chết chóc, phải chứng kiến cả những điều kinh dị cả trong đời thường, trong quân ngũ mà nếu bình thường sẽ không bao giờ được thấy.

Nhưng tất cả những thứ đó không làm thay đổi con người anh mà anh hiểu sâu sắc rằng đó là một phần của hiện thực, nếu con người bị ném vào trong cái hiện thực khốc liệt, dữ dội ấy mà không có bản lĩnh, không có tầm nhân cách để vượt lên thì dễ bị cuốn vào vòng xoáy của nó và có thể bị đánh mất mình. Như chuyện anh lính có thái độ sàm sỡ cô gái Khmer ở Stung Treng, bị quân pháp xử bắn ở ngay trên đường hành quân đi chiến dịch nhưng khi thủ trưởng thông báo bản án và quán triệt ý thức “không xâm phạm tài sản của dân, không được có hành vi gây ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế và danh dự người lính” thì “lính tráng im lặng. Chẳng ai trách thằng Mã. Tuổi hai mươi, những ngọn lửa rừng rực cháy ở nơi không có đàn bà”. Nhưng, “tối nay chẳng có gì ăn… Chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ. Ngày mai còn phải tiếp tục chiến đấu”  (tr.51).

Họ hiểu đồng đội mình sai, họ hiểu bản án dành cho anh là quá nặng nhưng kỷ luật chiến trường là thế, không ai có quyền đi ngược lại cả đoàn người đang đi. Đó là văn hóa chiến tranh, là những chuyện chỉ có thể xảy ra trong chiến tranh. Như chuyện bốc mộ cả một nghĩa trang các chiến sĩ tình nguyện chưa đủ thời gian để cải táng (tr.348,349), chuyện một người lính bị bệnh, hát cho đến lúc tắt thở mà cũng không ai hiểu được anh bị bệnh gì, không biết chữa chạy ra sao; chuyện những người lính làm lộ chiến dịch chỉ vì quá lâu họ không được hút thuốc. Biết là sẽ vào chiến dịch, phải xa dân, thế là họ đi mua thuốc rê để đem theo, phòng những cơn thèm thuốc trên đường hành quân. Thế là lộ hướng chiến dịch bởi những trao đổi vu vơ, những lời chia tay giữa người lính tình nguyện với những người dân có người thân là lính Pol Pot v.v…

Ba lần tấn công Along Veng thì hai lần thất bại. Cấp chỉ huy không hiểu vì sao chuẩn bị kỹ thế, bí mật đến thế nhưng khi đại quân tổ chức tấn công thì địch đã rút tự bao giờ. Nhưng khi quân mình rút lui theo những phân đội nhỏ lẻ lại bị tấn công, bị vấp mìn mà mới hôm trước đường đi qua còn an toàn, không mìn, không địch. Những chi tiết ấy, hiện thực ấy trước Đoàn Tuấn hầu như chưa có cuốn sách nào nói đến chi tiết, chân thật và giản dị đến vậy.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có lần tâm sự: hồi ký của các tướng lĩnh, nhà văn viết về chiến tranh rất nhiều nhưng ở các tác phẩm ấy người ta chỉ bắt gặp những tư tưởng chiến lược, chiến thuật, những sự kiện, những chiến dịch. Dù ở đó có đủ các gương mặt, có rất nhiều người nhưng dường như các tác phẩm ấy chưa đụng được đến cái phần bùn đất nhất, sâu thẳm nhất của chiến tranh là những con người, những số phận người lính. Có người khi nói về những tác phẩm viết về chiến tranh có một đánh giá rất sai lạc là nếu cứ viết ngược lại với cái nhìn đậm tính lý tưởng, cảm hứng sử thi trước đây, cứ nói nhiều về chết chóc, sự vô nhân đạo của chiến cuộc là sẽ viết về chiến tranh một cách chân thực.

Không hẳn như thế. Đoàn Tuấn, trong cuốn hồi ký của mình đã tái hiện rất đậm nét cái sự thật khốn khó, chết chóc, những đày ải mà bất cứ cuộc chiến nào cũng gây ra cho con người nhưng không để cho những người lính bị chìm đi trong những chi tiết bề bộn, ngổn ngang ấy mà ở bất cứ đâu, hai mặt của cuộc chiến ấy vẫn hiện lên với tất cả sự khốc liệt của nó nhưng trên tất cả những chi tiết ngồn ngộn bùn và máu ấy vẫn là những con người ý thức rất rõ những việc mình phải làm, vẫn tỉnh táo soi xét mọi chuyện đúng sai, phải trái, lý trí và bản năng.

Hình ảnh những người thanh niên xung phong mình đầy xăm trổ trên chiến trường tham gia tải thương khiến những người lính như tác giả bất ngờ, chuyện những người lính không tham vàng và kim cương do những người dân Campuchia tự nguyện mang biếu hoặc đổi đồ ăn, chuyện đối xử với tù binh, quan hệ giữa đồng đội, chuyện chết khát ở rừng hoang, chuyện vấp mìn, chuyện sợ chết, chuyện hy sinh của người thủ trưởng vì những lý do không đáng có, chuyến báo tử người đồng đội bị kỷ luật ở chiến trường bất thành, chuyện đồng đội đối xử với “lính thất trận”, chuyện chia nhau cái chết v.v…xuyên suốt, đầy ắp hơn bốn trăm trang sách nhưng không gợi cho người đọc bất cứ ảo tưởng nào về một hiện thực mà nếu ai có một lần trải qua trong đời cũng sẽ hoặc là trưởng thành, hoặc là gục ngã. Nói như thế để thấy cuốn sách của Đoàn Tuấn đã kể về hiện thực chiến tranh một cách bình tĩnh, khách quan, từ những gì mình trải qua, từ chỗ đứng của một người lính trẻ về chiến tranh, con người chân thực, xúc động.

Cuốn sách là hồi ký nhưng được bố cục thành 7 chương, kể một cách lớp lang, bài bản từ ngày người lính trẻ vào chiến trường, sang Campuchia, tham gia suốt mấy chiến dịch ở Along Veng, về trung đoàn bộ rồi ra quân. Kể sơ qua bố cục thì như thế nhưng đi sâu vào những mẩu chuyện anh kể, có thể thấy rất rõ nhân vật người lính-như một tập thể, như một đội quân, trong đó có những con người cụ thể, là nhân vật chính của tập sách này. Như lời đề tặng của anh “kính tặng đồng đội tôi, những người đã chết và những người còn sống” thuộc các đơn vị thuộc Sư đoàn 307 mà anh đã có sáu năm gắn bó, sống chết cùng với họ.

Không hiểu sao cái tên Mùa chinh chiến ấy cứ gợi cho tôi nhớ về bài hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Dương. Có lẽ vì ở bài hát ấy có câu mùa chinh chiến ấy nhưng điều chủ yếu tạo cho tôi cảm giác này là vì cả cuốn hồi ký dù ghi lại những khoảnh khắc hoặc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của hàng trăm số phận khác nhau, từ miền xuôi đến miền ngược, từ anh lính người Mường đến anh lính người Chăm, từ chàng trai Hà Nội đến người con của vùng cát bỏng Bình Thuận, dù là anh lính mới tò te hay những cựu binh đã đi qua hai cuộc kháng chiến nhưng cứ phảng phất chỗ này, chỗ kia hình bóng của chàng lính trẻ Hà thành, mơ mộng, tài hoa, thông minh, nhân hậu, rất có ý thức về việc mình làm, rất hiểu những thử thách đang chờ đợi một chiến binh, đã xác định rằng có thể trong cuộc chiến này, mình sẽ ngã xuống như một điều khó tránh nhưng đó là việc phải làm nên đã chọn những giải pháp thông minh nhất, hợp lý nhất và cộng với cả những may mắn nữa nên anh đã trở về. Từ trong sâu thẳm tâm nguyện của những người lính, khát vọng kết thúc chiến tranh, khát vọng trở về để tiếp tục học hành, xây dựng một cuộc sống bình yên giữa những người thân luôn cháy bỏng. Chương cuối chỉ có ba chuyện nằm trong một chủ đề người lính chỉ mong một lối về nhà như một nhắn gửi, một thông điệp giản dị nhưng cao cả và cũng là ước nguyện chung cho mọi người.

Một người lính, tên Bình, tổng kết: đời mình chỉ trải qua mấy năm trong quân ngũ mà sao nhớ lâu thế? Bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu mối quan hệ “nhưng mình thấy gắn bó sâu sắc nhất đối với đời lính”. Và Cường, cũng là một chàng trai vốn phổi bò, đưa ra nhận định đơn giản mà sâu sắc: “Anh em mình có chung một tấm thẻ căn cước. Đó là đời lính”(tr.444).

Mùa chinh chiến ấy là hồi ký nhưng hấp dẫn và giàu chất truyện như một cuốn tiểu thuyết. Bởi ở đây, chiều sâu của tâm hồn con người trước những tình huống, cảnh ngộ, thử thách tột cùng của sự sống chết, gian khổ đã được bộc lộ ra ở nhiều góc độ. Có thể nói, cuốn hồi ký của một chiến binh này đã dựng lại được một bức tranh khá toàn diện về một cuộc chiến tranh ngoài biên giới với tất cả những vấn đề của nó. Cuốn hồi ký đặt ra một vấn đề cho văn học đương đại: viết về chiến tranh, về con người trong và sau chiến tranh vẫn còn nhiều điều để nói lắm. Có nhiều cách để viết về sự thật, con người. Có nhiều con đường để đi đến với tâm hồn người đọc. Viết theo hình thức nào cũng được, miễn là để cho người đã đi qua chiến tranh và cả những người chỉ nghe nói về chiến tranh hiểu đúng về nó và hiểu được những con người đích thực, con người chân chính đã chấp nhận bước vào cuộc chiến và đi ra khỏi cuộc chiến ấy như thế nào.

Tháng 8 năm 2017

Phạm Quang Long



Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com