THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH QUỐC: 2 tập sách mới vừa phát hành CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN & NGÀY VIẾT MỖI NGÀY

LÊ MINH QUỐC: 2 tập sách mới vừa phát hành CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN & NGÀY VIẾT MỖI NGÀY

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: 2 tập sách mới vừa phát hành CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN & NGÀY VIẾT MỖI NGÀY
1. Lời Tựa NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của PGS-TS Lưu Khánh Thơ
2. Lời Bạt NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim
3. Lời Tựa CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN của bác sĩ - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc
4. Lời Bạt CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN của Chị Đẹp
Tất cả các trang

 

NGAYVIETMOINGAY-BIA-1BIS-R

2 tập sách mới CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN, NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của LÊ MINH QUỐC vừa được Công ty Văn hóa Phương Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành (3.2016).

CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN - thể loại: Tùy bút; 324 trang; khổ sách: 14,5x20,5 cm; giá bán: 130.000 đồng.

NGÀY VIẾT MỖI NGÀY - thể loại: Tùy bút; 496 trang; khổ sách: 15,5x23,5 cm; giá bán: 220.000 đồng.


COMOTMAMHOA-BIA-1-R



Lời Tựa NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của PGS-TS Lưu Khánh Thơ

NHỮNG NGÀY VIẾT LÀM NÊN ĐỜI VIẾT

NGAYVIETMOINGAY-BIA-1BIS-R


Tôi có hứng thú đặc biệt khi được tiếp xúc với những trang nhật ký của các nhà văn. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một con người, mà qua đó, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng xa xôi hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những rung cảm thành thật và sự mẫn cảm tinh tế của người nghệ sĩ. Tôi đã đọc, hàng nghìn trang nhật ký của Nam Cao, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo… trong tâm thế đó. Nhật ký của nhà văn không chỉ là một phần đời mà nó chính là tác phẩm, là đứa con tinh thần của họ. Những ngày viết góp phần làm nên đời viết.

Ai cũng có thể viết nhật ký, nhằm ghi lại những gì đáng nhớ trong một ngày. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ cá nhân đơn lẻ, không gắn với dòng chảy thời sự đang diễn ra, thì không thể tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc rộng rãi. Nhật ký của nhà văn - người của công chúng, phải phản ánh được thời gian đang sống. Có như thế, sau này, qua nhật ký của một người, thế hệ sau mới có thể tìm thấy dấu tích của một thời.

Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc là một cuốn sách ôm chứa khá đầy đủ những phẩm chất đó. Nhưng có điều khác là nó ra đời trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên có tính cập nhật và tương tác rất cao. Trước khi in thành sách, tác giả đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc chia sẻ, bình luận. Do đó nó mang tính hướng ngoại rõ rệt. Lê Minh Quốc không ngại “chường mặt” với bàn dân thiên hạ. Anh cũng không né tránh việc đem chính mình ra để giễu cợt với giọng điệu tự trào thật dễ thương, ngay cả ở những điều thương không…dễ (tỷ như việc nhận thấy mình là kẻ hèn yếu, là gã đàn ông dễ bị nhan sắc hút hồn đến mê muội, là kẻ bốc đồng bên bàn nhậu, là một trong những đệ tử Lưu Linh đã góp phần làm nên kỷ lục “ngốn” 3 tỷ lít bia trong năm 2013 của người Việt…).

Có nhiều danh xưng trong một cái tên Lê Minh Quốc. Anh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà biên soạn khảo cứu. Một người lao động cần mẫn, cầy sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa. Cùng với các thể loại khác, nhật ký trong một năm của Lê Minh Quốc được chọn lọc và tập hợp thành một cuốn sách đã làm nên dấu ấn của riêng anh. Từ những quan sát, trải nghiệm, bằng vốn sống, vốn kiến thức được tích lũy qua nhiều năm tháng, Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin và những cảm nhận sâu sắc về các vấn đề, các sự việc đáng chú ý trong năm 2014 (theo con mắt của anh). Có những điều ta chưa biết. Có những chuyện ta đã biết, thậm chí đã nghe nói nhiều lần, nhưng qua câu chữ và cảm xúc của Lê Minh Quốc dường như nó đã được phát hiện, nhấn mạnh và soi chiếu kỹ càng, trực tiếp lay động đến tình cảm và nhận thức của chúng ta. Độc giả cũng sẽ thấy thú vị khi không chỉ biết được những bộn bề của đời sống hôm nay, mà còn có thể biết được những điều đã xảy ra từ thời xa xưa, ngược dòng lịch sử. Sẽ thấy những lời giải thích rất cụ thể, rõ ràng và gặp cả không ít “những câu hỏi lớn không lời đáp” như các vị La Hán ở chùa Tây Phương trong thơ Huy Cận.

Từ những cảm xúc, suy nghĩ riêng tư của một người mà có sức lan tỏa, lay động đến nhiều người. Đó là sức mạnh của ngôn từ nghệ thuật. Những tâm sự mỗi ngày được thể hiện qua từng câu chữ đã cho thấy một thái độ sống tích cực, đầy tinh thần phản biện với những vấn đề của đời sống hôm nay và không chỉ hôm nay. Một quá khứ được tôn trọng. Một tương lai được hướng tới bằng cái nhìn đầy trách nhiệm. Hơn nửa đời cầm bút, chọn chữ nghĩa làm nghề nghiệp, Lê Minh Quốc ý thức được giới hạn công việc của mình. Không còn ảo tưởng như thời tuổi trẻ, mới bước chân vào nghề. Biết được giới hạn, nhưng vẫn không ngừng viết mỗi ngày. Đó là tâm sự rất thật của Lê Minh Quốc: “Trong cõi đời này, mênh mông là sách, bạt ngàn là báo. Y có cảm tưởng những gì viết ra chẳng khác nào ném hạt muối xuống biển. Vẫn biết thế, nhưng vẫn cứ dã tràng se cát biển Đông. Điều này không quan trọng, miễn là tìm thấy niềm vui và hài lòng với công việc mỗi ngày.

Ý nghĩa đích thực của đời sống là ở đó, nào phải tìm kiếm đâu xa.”

Đó không phải là suy nghĩ “lên gân” để an ủi mình, mà nó đã được thể hiện qua từng bài viết cụ thể. Từ Vài suy nghĩ lan man tưởng chừng riêng tư nhỏ nhặt đến những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, như việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương HD-981 vào vùng biển của Việt Nam. Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội với cái tít dữ dội: “Nhiều người dân bị dồn nén “sau một đêm” trở thành tội phạm?”, đến những bức xúc, trăn trở trong hệ thống giáo dục giáo điều cứng nhắc…Tất cả đều được trình bầy với cảm hứng công dân nồng nhiệt, đầy cảm xúc.

Nhật ký Lê Minh Quốc bao quát khá nhiều các sự kiện văn hóa xã hội đã xảy ra trong năm, kèm theo là nhận xét, đánh giá của anh. Trong vai trò nhà báo, anh ghi lại cụ thể, chi tiết 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật trong năm 2014 do Văn phòng Bộ VH-TT&DL phối hợp Báo Văn Hóa, Báo Thể thao Việt Nam, Báo Du Lịch tổ chức họp báo bình chọn ngày 25.12.2014. Qua bình chọn của 133 phóng viên theo dõi lãnh vực trên, đại diện cho 116 cơ quan báo chí.

Trong vai trò của “một con mọt sách”, anh cho người đọc biết một thông tin đáng tự hào: chính lính thợ người Việt là chủ nhân của cây lúa ở vùng Camargue. “Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, những người này đã thành công ở vùng đất mà biết bao người khác trước đến đây đã từng thất bại, để trồng lên ở Camargue một giống lúa chất lượng cao làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế và phong cảnh của vùng châu thổ sông Rhôme”.

Trong tư cách một nhà khảo cứu anh cung cấp khá nhiều những kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt (từ cổ, phương ngữ…), về lịch sử (các triều đại, một số nhân vật lịch sử…).

Và tất nhiên, là nhà thơ, Lê Minh Quốc đã đem lại cho người đọc vô số những cảm nhận thú vị, sâu sắc, tinh tế về thơ ca. Những câu thơ tài hoa của các nhà thơ nhiều thế hệ, của bạn bè và của chính tác giả đã làm nên sự độc đáo, khác lạ cho tập nhật ký Ngày viết mỗi ngày. Ở đôi chỗ, Lê Minh Quốc cũng đã cho biết những ghi chép của anh có mục đích là nhằm cung cấp tài liệu cho văn học sử. Nhiều nhận xét của anh về các nhà văn, học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đổng Chi…tinh tế và chuẩn xác.

Những trang viết “lôi” người ta nhập cuộc. Khiến cho không ai có thể đứng ngoài một hoàn cảnh xã hội cụ thể! Viết đến đây, tôi chợt nghĩ rằng, Lê Minh Quốc còn là một người lính. Những năm tháng sống chết ở chiến trường K đã không ngừng lên tiếng réo gọi. Giục giã. Góp phần tạo nên những trang viết hôm nay của anh.

Lý do để Lê Minh Quốc viết mỗi ngày, bởi, mỗi ngày, có những cú va đập của sự việc nào đó, trong lòng hằn lên vết sẹo. Cảm thấy khốc liệt quá. Kinh khiếp quá. Và có những vấn đề, anh thấy mình không đủ trình độ, khả năng bình luận, chỉ ghi chép để lưu lại dấu vết của một thời đang sống. “Một mình ngồi với một mình / Đôi dòng Nhật ký tâm tình sẻ chia”…

Tôi mong và tin rằng sự chia sẻ này của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sẽ được bạn đọc đón nhận. Bởi từ một lát cắt của thời gian, anh đã cho chúng một cảm nhận khá đầy đủ về những ngày đang sống!

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ
(Viện văn Học)

(nguồn: NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của LÊ MINH QUỐC, từ trang 5-8, NXB Hội Nhà văn - 2016)



Lời Bạt NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim 

NGAYVIETMOINGAY-BIA-4-R


Nếu đưa vào danh mục nhưng nam nhà thơ đam mê và sống chết với cây bút của mình, yêu thơ đến độ có thể ngồi hàng giờ để bàn bạc các vấn đề của thơ ca, viết viết và viết như thể không cầm bút là… chết, thì đó là nhà thơ Lê Minh Quốc.

Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội hay những lần đi công tác ở Thủ đô Hà Nội, giữa cái bận bịu, ồn ã của phố phường, tôi vẫn thấy anh cố gắng tìm cho mình một góc nhỏ để ngồi nhâm nhi li cà phê, đọc, sáng tác, ghi chép một điều gì đó anh vừa nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy như sợ nếu không cầm bút ngay lúc đó, dòng cảm xúc sẽ vụt tan biến. Đó cũng là một trong những lý do Lê Minh Quốc năm nào cũng ra sách, những cuốn sách dày dặn, in đẹp cứ đầy lên trong tủ sách cá nhân của riêng anh…

Sài Gòn thoắt nắng, thoắt mưa, những con đường mát mẻ dưới bóng cây cổ thụ khiến cho lòng người đầy cảm xúc. Gặp nhà thơ Lê Minh Quốc trong cái vội vàng của công sở, của dòng người tấp nập trên các ngả đường, dừng chân trong một góc quán quen thuộc đầy bóng mỹ nhân của Sài Thành buổi sáng mát mẻ, bỗng thấy cuộc đời nhẹ bẫng.

Tôi hiểu vì sao, đối với nhà thơ Lê Minh Quốc, chẳng có điều gì cần phải vội. Anh nói nhanh, tư duy nhanh, bắt nhịp với những vấn đề của thời cuộc nhanh, nhưng đằng sau tất cả đó, anh lại là một người sống chậm.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, theo như nhận xét của nhiều bè bạn, anh không những sống kỹ với cuộc đời, với chính mình trong từng chặng đường, trong từng năm tháng mà còn sống kỹ trong từng ngày, từng giờ. Và nhìn vào đời sống của Lê Minh Quốc, người đọc còn thấy đời sống đã chắt lọc của quá khứ, đời sống bộn bề của hiện tại và một đời sống với khát khao thanh lọc chính mình. Ngày viết mỗi ngày của anh là một trong quyển sách như thế.

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
(Nhà thơ)

(nguồn: NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của LÊ MINH QUỐC, bìa 4, NXB Hội Nhà văn - 2016)



Lời Tựa CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN của bác sĩ - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc 

COMOTMAMHOA-BIA-1-R
“CÓ MỘT MẦM HOA…”

Lê Minh Quốc không phải là người xa lạ với tôi và có lẽ cũng với nhiều bạn đọc khác nữa vì anh là một nhà báo, một nhà văn, và trước hết, một nhà thơ, bởi vì ngay từ thuở trẻ anh đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ: Tôi chạy theo thơ (2003) và cũng đã có nhiều tác phẩm thơ, tùy bút được xuất bản: Thơ tình Lê Minh Quốc, Thơ tình của Quốc, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà…

Tôi được quen biết anh khá lâu, có khi là dịp anh phỏng vấn tôi, có khi anh làm MC cho một buổi trò chuyện, một buổi ra mắt sách của tôi…, và tôi vẫn luôn nhìn anh với đôi mắt quý mến và một chút… ái ngại bởi sự cháy bỏng và tràn đầy năng lượng của anh khác với tôi, già nua tuổi tác. Nhưng, một hôm, anh bỗng gọi tôi: “Anh Đỗ Hồng Ngọc ơi, anh viết cho Quốc một bài giới thiệu tập sách sắp in này nhé. Phải là anh viết mới được…”.

Tôi ngạc nhiên lắm. Tôi biết gì về tình yêu, về gái đẹp, về đàn bà… mà viết cho Quốc đây! Nhưng anh không cho tôi kịp từ chối, gởi ngay bản thảo “Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn”!

Có gì vậy hả Quốc? Sao một người lẫm liệt oai phong, hừng hực năng lượng như nhà thơ Lê Minh Quốc mà bỗng thấy “có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” vậy?

cửa đã khép thì khác gì cửa mở

anh đứng ngoài khép mở của thời gian

dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt

anh thấy mầm hoa đã nhú dưới tro tàn...

(LMQ)

Thi ra… tập sách này của anh cho thấy một Lê Minh Quốc khác. Tưởng rất ngổ ngáo, rạo rực, sôi nổi trong tình yêu; sâu sắc, chặt chẽ trong văn chương nghệ thuật, bỗng trầm lắng xuống, thấy mình “dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt”…

Và anh quay nhìn lại chính mình. Lắng nghe chính mình. Thứ tiếng nói từ sâu thẳm tự bên trong. Anh viết về quê hương, về mẹ, về người xưa, về cái đẹp, về nếp sống hạnh phúc… Những lời ân cần như vừa tâm tình với chính mình, lại như vừa khuyên nhủ người bạn trẻ vào đời… Học lại người xưa; Đi là sống một đời sống khác; Sống vui từng ngày; Vui trong hiện tại; Niềm tin tâm linh…

Anh viết về Mẹ với tất cả tấm lòng, đọc không thể không rưng rưng: “Còn với tôi, một khuya đẹp trời là lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen hơi người, con chó mực không sủa, chỉ quẩy đuôi mừng rỡ. Chân bước rất khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về đó hả con?”, chỉ trả lời một tiếng: “Dạ”. Không gian lại im ắng lạ thường. Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên”. (Một ngày rất đẹp).

Rất đẹp vì có mẹ. Bởi vì rồi đây, một khi “Mẹ thành mây trắng đã lâu/ Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn”…

Anh viết về chữ Hiếu: “Dù đứng ở góc độ nào, ta thấy chữ hiếu đã nhập vào tâm thức người Việt như một lẽ sống vĩnh hằng. Kinh Phật có dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập)…

Anh nhìn “cái đẹp” cũng đã khác:

“Cái đẹp là gì nhỉ? Khó có thể có câu định nghĩa hợp ý với cả thảy mọi người, nhưng chỉ trong lĩnh vực thời trang, tôi nghĩ rằng, một khi ăn mặc thế nào mà cảm thấy mình ý tứ hơn, dịu dàng hơn và cũng dễ tạo ra thiện cảm, đó chính là đẹp. Với phụ nữ, sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, dù bây giờ đã ít nhiều có cách điệu đi nữa, là một lựa chọn của nhiều người. Sự lựa chọn ấy cho thấy rằng khi xuất hiện trước đám đông, tự nó đã nói lên các đức tính cần thiết của nữ giới» (Gói mây trong áo).

Đã đến lúc “về thu xếp lại” của một người vừa chớm nghe “gió heo may đã về” chăng, đã đến lúc phải  “dọn lòng” chăng ? “Về thu xếp lại” cũng là lúc “dọn lòng” của chính mình, loại bỏ đi những tị hiềm ganh ghét nhỏ nhoi đã giăng tơ nhện từ ngày này qua tháng nọ. Sự u ám ấy, sao không gạt bỏ đi cho nhẹ lòng? Mà trong lòng mỗi chúng ta sự ngỗn ngang ấy... (Về thu xếp lại).

Đọc Lê Minh Quốc bây giờ, tôi thấy anh đã thực sự chuyển hóa, khác đi với một Lê Minh Quốc tôi quen biết trước đây. Anh thành thực kể rằng khi viết chuyên mục “Sức khỏe cho tâm hồn” ở một tờ báo, anh luôn tự hỏi mình: “Tâm hồn mình có đủ trong sáng, hướng thiện để bàn luận về sự yêu thương trong đối nhân xử thế?”…  Và rồi anh nhận ra, xưa, là con người hành động, anh nghĩ  “muốn thay đổi phải có sự tác động giáo dục từ gia đình, nhà trường và môi trường xã hội”, nay thì anh đã nhìn ra: hạt giống hướng thiện ở trong ta. “Hạt giống hướng thiện ấy mình gieo ngay trong tâm hồn chính mình. Ta sống với với nó, nuôi dưỡng nó…”. Đúng vậy. Chỉ có cách quay về nương tựa chính mình. Cõi Phật không ở đâu xa! Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.

Trả lời người bạn đồng nghiệp đặt câu hỏi, anh nói: “Tôi luôn ý thức rằng, những gì viết là điều hằng tâm niệm; hoặc mục tiêu đang hướng tới. Viết cũng là một cách tự giáo dục lấy chính mình”.

Đoản văn, tùy bút của Lê Minh Quốc có lẽ là chỗ tâm đắc của anh, chỗ anh gởi gấm nhiều nhất. Có thể nhiều điều chưa nói ra và nhiều điều chưa nói hết, nhưng nó chân tình và sâu lắng. Thơ, ca dao, tục ngữ… được chọn, câu nào cũng đắt. Và dĩ nhiên, không thiếu chút dí dỏm đáng yêu kiểu Lê Minh Quốc.

Và như thế, hôm nay ta có trong tay tập Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 11.2015)

(nguồn: CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN, từ trang 5-9 - NXB Hội Nhà Văn - 2016)



Lời Bạt CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN của Chị Đẹp

NGAYVIETMOINGAY-BIA-4-R

Có những người viết như một nhu cầu cá nhân, nhiều người khác viết để chứng tỏ sự hiện hữu của mình, để thực hiện một sứ mệnh nào đấy trong đời họ. Nhà văn Lê Minh Quốc viết, đơn giản là vì anh chỉ có thể viết.

Đọc anh, người ta cảm nhận được sự uyển chuyển dễ dàng đầy ắp, không gấp gáp (ngược với cá tính thường ngày của anh), không áp đặt, chẳng giáo điều dạy dỗ ai cả, thường là những lời tâm sự với bản thân. Có khi tự răn đe mình. Giống như độc thoại. Nhưng sự cảm nhận đấy cũng mang hơi hướm nhầm lẫn. Vì cắt đi nhiều lớp lang, người ta sẽ thấy sự chia sẻ tinh tế qua những câu chuyện của anh. Có lẽ vì thế mà người ta có lúc thấy mình trong những đoạn văn đấy, cũng có lúc mơ hồ và xa lạ, như nhìn ai đấy ở bên kia tấm gương.

Ngoài đời, anh thường ngâm nga “cuộc đời đấy có bao lâu mà hững hờ” (TCS) nhưng đọc anh, biết cách sắp xếp công việc viết lách của anh, thấy anh rõ ràng rất hững hờ với những gì đang vội vã trong cuộc đời. Có lẽ vì anh… nhiều chữ quá, có lẽ chỉ cần rạch nhẹ đầu ngón tay là có thể thấy được những nguyên âm phụ âm đang nằm xếp lớp chờ rơi ra. Có lẽ vì ngày này qua tháng nọ, chuyện này xọ chuyện kia, người ta thấy anh cứ… viết.

Cảm tưởng như cuộc đời đấy của anh còn rất dài, kho tư liệu còn rất sâu, viết chỉ là một cách anh đi qua cuộc sống. Đi một cách thong thả chậm rãi.

Mượn lời anh: “Không gì phải vội, nắng đang thơm, mùa đang tới. Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, tôi xin trao tặng bạn”.

CHỊ ĐẸP

(nguồn: CÓ MỘT MẦM HOA ĐÃ NHÚ DƯỚI TRO TÀN, bìa 4, NXB Hội Nhà văn - 2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com